Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Phim Công giáo: Áo Dòng Đẫm Máu (sản xuất năm 1960)


Nhân Lễ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 24/11/2014 (Kính trọng thể vào CN XXXIII Thường niên 16/11/2014), mời xem lại phim về cuộc tử đạo của một trong hơn 130.000 đến 300.000 chứng nhân anh dũng đã chết vì Đạo Chúa trong thế kỷ 18 và 19; riêng trong thời gian từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 ngàn tín hữu bị giết, khoảng 40 ngàn tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo. Trong số đó có 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862, được Giáo Hội Công Giáo tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:
  • Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII): 64 vị
  • Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 vị
  • Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 vị
  • Ngày 29 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25 vị
Và được phong Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 (thời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).



"Áo Dòng Đẫm Máu" là một bộ phim lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thành Châu, ra mắt năm 1960 tại Miền Nam. Kịch bản phim của cố linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Yến, Dòng Chúa Cứu Thế. Phim nói về cuộc tử đạo của Á thánh Philipphê Phan Văn Minh ở Cái Mơn vào thời vua Tự Đức. 



Trong phim, vai Á Thánh Lê Văn Minh do cố tài tử Vân Hùng thủ diễn. Cố tài tử La Thoại Tân vai Nhẫn là một kẻ ham mê bài bạc vì một phút tức giận đã đi tố cáo quan quân bắt linh mục Lê Văn Minh. 


Thẩm Thúy Hăng, một minh tinh màn bạc của Miền Nam thời bấy giờ vào vai người yêu của Nhẫn. Trong phim còn có Trang Thiên Kim vai cô gái mặt cháy, Túy Hoa vai bà trùm là một chức sắc trong họ đạo đã nuôi giấu linh mục Lê Văn Minh.

Phim do www.ducme.tv, dòng Chúa Cứu Thế (CSsR) xuất trên YouTube.

Mời xem phim:


Áo Dòng Đẫm Máu - Phần 1



Áo Dòng Đẫm Máu - Phần 2





Áo Dòng Đẫm Máu - Phần 3



Áo Dòng Đẫm Máu - Phần 4



Áo Dòng Đẫm Máu - Phần 5

Áo Dòng Đẫm Máu - Phần 6



Áo Dòng Đẫm Máu - Phần 7



Đọc thêm thông tin:




NSND Nguyễn Thành Châu sinh 1906 ở Làng Điều Hòa (Phường 2 TP.Mỹ Tho), năm 1922, ông gia nhập gánh hát thầy Năm Tú với nghệ danh Năm Châu. Sau ông qua gánh Tái Đồng Ban, đẹp trai lại tài năng không bao lâu ông trở thành kép chánh diễn cặp với nhiều đào nổi tiếng: Sáu Trâm, Phùng Há, Tư Sạng... với những vai diễn để đời.
Ông có 3 đời vợ và 3 người đều cùng ông đóng góp công sức rất nhiều cho sân khấu cải lương. Người vợ đầu tiên là nữ diễn viên Sáu Trâm (quê ở Thốt Nốt, Long Xuyên) nổi tiếng với Năm Châu qua vai Bạch Thu Hà và Võ Đông Sơ trong vở "Giọt máu chung tình". Khi nữ tài danh Phùng Há xuất hiện đẩy Sáu Trâm xuống đào nhì, Năm Châu - Phùng Há  là một cặp gây sóng gió trên sân khấu, Sáu Trâm ghen tức trong tình yêu và tự ái nghề nghiệp nên lặng lẽ về Long Xuyên.
Người vợ thứ 2 là đệ nhất nữ danh ca tiền phong Tư Sạng (quê làng Điều Hòa, Mỹ Tho) nổi danh với nhiều dĩa hát, sau bà bỏ Năm Châu làm vợ kế của ông Năm Mạnh, chủ hãng dĩa ASIA. Sự việc này là một cú sốc lớn trong đời soạn giả Năm Châu. Năm 1937, ông sáng tác vở kịch "Phũ phàng" sau chuyển thành tuồng cải lương "Men rượu hương tình", nội dung nói về cô đào hát tham tiền, phụ rẫy người chồng là nghệ sĩ nghèo, để chạy theo kẻ khác giàu sang. Anh chồng kép hát vẫn đeo đuổi theo nghiệp cầm ca, giải buồn bằng men rượu và gục chết trên sân khấu sau đêm diễn tuồng. Những lời than thân, oán trách người tình được viết rất công phu, nói lên nỗi lòng day dứt giữa sự chọn lựa: đeo đuổi sự nghiệp cầm ca hay bỏ cái nghề ca hát để theo đuổi người tình? Rõ ràng, đây chính là nỗi lòng của tác giả. Từ những năm 1923 - 1936, tuồng cải lương hoặc thoại kịch của ông Năm Châu sáng tác đều mượn cốt chuyện trong truyện Trung Hoa, hoặc phóng tác theo kịch của Pháp, của Anh. Tuồng viết chung với Trần Hữu Trang là tuồng dã sử, hoặc chuyện tình ở nông thôn giữa kẻ phú hào và người cày thuê cấy mướn.
Người vợ cuối cùng của ông là nghệ sĩ Kim Cúc, con gái của nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu, cưới nhau từ 1948 cho đến ngày ông mãn phần, tháng 5/1977. Năm Châu và Kim Cúc đều có chung một niềm say mê, một ước vọng chung là xây dựng một nền nghệ thuật cải lương "Đẹp" và "Thật", một "Thánh đường thiêng liêng". Giới sân khấu đều công nhận đó là một cặp vợ chồng lý tưởng, hết lòng yêu thương, luôn luôn bên nhau trong những lúc phong ba bão táp của cuộc đời và trên những bước đường thăng trầm của nghề nghiệp. Năm 1952, Năm Châu nhờ học sinh và giáo viên đến dạy chữ cho diễn viên và hậu đài chưa biết chữ để họ biết đọc, biết viết; diễn viên biết chữ sẽ tự đọc và thoại kịch bản đúng giọng, ngắt câu đúng cho rõ nghĩa. Khi làm trưởng đoàn hát, Năm châu rất nghiêm khắc trong sinh hoạt của anh em trong đoàn: cấm nói tục, chửi thề, cờ bạc, hút xách, nghiện rượu.,.. để người đời không còn đánh giá nghệ sĩ sân khấu là "xướng ca vô loại".
Nói về người cha tài hoa của mình, NSƯT đạo diễn Hồng Dung chia sẻ: "Ba tôi xuất thân là một diễn viên trước khi trở thành một soạn giả và sau đó làm chỉ đạo diễn xuất. Là người theo Tây học nên ông đã có nhiều điều kiện để đọc, nghiên cứu các tài liệu về sân khấu thế giới. Vì vậy, ông đã đọc và thấm nhuần phương pháp diễn xuất của thế hệ Stanilvsky. Để chứng minh thực tế hiệu quả của thế hệ này mà ông đã dùng năng lực để tập luyện diễn xuất thành công, phương pháp diễn xuất biểu hiện tâm lý này mà ông đã chọn hình thức phóng tác các tác phẩm của Pháp rồi sau đó mới soạn các vở diễn theo hình thức nêu trên. Từ cách học bố cục trong các tác phẩm của Corneille, nhất là của đại văn hào Victor Hugo mà ông ngưỡng mộ, ông đã chọn cách đẩy mâu thuẫn cao trào theo phát triển của tâm lý nhiều hơn. Chính vì thế, các soạn phẩm của ông thường tạo được sự hấp dẫn không phải từ sự kiện mà dẫn sự theo dõi của người xem bằng tác động đầy đặn của tâm lý nhân vật. Đây là một đặc điểm trong sáng tác của ông."
Theo thống kê của gia đình và còn lưu giữ thì ông có khoảng trên 50 tác phẩm dài, còn các vở ngắn mà ông viết theo yêu cầu, không thống kê hết. Tác phẩm nổi tiếng có thể kể: Duyên chị tình em, Anh hùng náo Tam môn giai, Tư sinh tử, Đóa hoa rừng, Thái tử Hàm Lệ, Túy Hoa vương nữ, Miếng thịt người, Tây Thi gái nước Việt, Vợ và tình, Nước biển mưa nguồn... Cuối đời ông viết Ngọn cờ đầu, Ngao sò ốc hến. Đặc biệt nhắc đến ông là phải nhắc đến chùm ba tác phẩm ông viết về sân khấu, về người nghệ sĩ gồm "Phũ phàng" (sau có tên Men rượu hương tình), "Nợ dâu", "Sân khấu về khuya" cũng chính là tuyên ngôn về sân khấu của ông."
Tiền Giang lấy tên Nguyễn Thành Châu đặt cho giải thưởng truyền thống "Giọng ca cải lương trên sóng phát thanh truyền hình - Giải Nguyễn Thành Châu".
Với sự cống hiến to lớn cho sân khấu, năm 1986 nghệ sĩ Năm Châu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?cap=3&id=27045&idcha=1002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét