Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI THƯỢNG TRÊN CAO NGUYÊN MIỀN TRUNG - (3)


CỘNG ĐỒNG NGƯỜI THƯỢNG TRÊN CAO NGUYÊN 

MIỀN TRUNG


                                                               Nguyễn Văn Huy

Bài III

Sự hội nhập khó khăn của người Thượng vào cộng đồng quốc gia Việt Nam
Hiệp định Genève 1954 mở đầu một giai đoạn hợp tác mới giữa người Thượng và người Kinh trên cao nguyên. Nhưng sự hợp tác này đã diễn ra không tốt đẹp như mong muốn, người Kinh chưa quen sinh hoạt bình đăng với người Thượng và ngược lại. Bất hạnh lớn của người Thượng trong giai đoạn 1954-1975 là nơi sinh trú của họ có một tầm quan trọng chiến lược trong cuộc chiến Ðông Dương lần thứ hai, bất cứ phe tranh chấp nào cũng đều muốn làm chủ địa bàn chiến lược này và lôi kéo cộng đồng người Thượng theo họ chống lại phe kia. Tùy theo những lượng định thời cuộc khác nhau, cộng đồng người Thượng đã có những phản ứng khác nhau để rồi dẫn đến cùng một hậu quả: người Thượng không có tiếng nói trên chính quê hương của họ.
Tây Nguyên những ngày đầu dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa
Cuối tháng 7-1954, thủ tướng Ngô Ðình Diệm đề nghị quốc trưởng Bảo Ðại hủy bỏ qui chế Hoàng Triều Cương Thổ và được chấp thuận ngày 10-8-1954. Năm sau, ngày 11-3-1955, Bảo Ðại phê chuẩn Dụ số 21 sát nhập Hoàng Triều Cương Thổ vào lãnh thổ Việt Nam và đặt khu vực này dưới quyền quản trị của Việt Nam Cộng Hòa (trong thực tế chỉ Xứ Thượng miền Nam mà thôi, Xứ Thượng miền Bắc thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa). Cùng ngày, Ngô Ðình Diệm ban hành Sắc Lệnh số 61 thành lập Tòa Ðại Biểu Chính Phủ thay thế Tòa Khâm Sứ, bổ nhiệm ông Vĩnh Dự làm đại biểu chính phủ (tỉnh trưởng) tại Buôn Ma Thuột và ông Tôn Thất Hối làm đại biểu tại Ðà Lạt. Trong cùng thời gian, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu Pháp giao lại những cơ sở hành chánh và quân sự do họ nắm giữ, đồng thời chuẩn bị kế hoạch đưa những người di cư từ miền Bắc lên cao nguyên lập nghiệp.
Ngày 10-8-1955 Pháp rút quân khỏi cao nguyên, chấm dứt chính thức chế độ Hoàng Triều Cương Thổ. Thành phần trí thức và sĩ quan Thượng tin rằng sau khi tiếp thu cao nguyên họ sẽ được chính phủ Ngô Ðình Diệm trọng dụng. Nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy, tất cả những chức vụ chỉ huy đều do những viên chức gốc Kinh từ đồng bằng lên nắm giữ. Những đơn vị quân đội Thượng (Sư đoàn 4 bộ binh, 7 tiểu đoàn cơ động cùng những đơn vị tác chiến khác, khoảng 10.000 người) đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Những cơ quan hành chánh, giáo dục và y tế đặt dưới quyền quản trị của Tòa Ðại Biểu Chính Phủ.
Người Thượng chưa được chuẩn bị để sống chung với người Kinh. Cao nguyên miền Nam vào năm 1955 có khoảng 700.000 dân Thượng, đông hơn dân số Kinh vào thời điểm đó nhưng người Thượng chỉ đảm nhiệm những vai trò thứ yếu hay không có vai trò nào cả. Tại Darlac và Pleiku, các tỉnh trưởng còn buộc người Thượng phải ăn mặc chỉnh tề (đa số dân Thượng trong giai đoạn này vẫn còn đóng khố) khi vào những cơ quan công quyền trong thành phố. Thêm vào đó, thành phần di cư người Kinh tỏ ra khinh miệt người Thượng tại những vùng cộng cư. Giọt nước đã làm tràn ly là chính sách đồng hóa (diễn văn ngày 12-6-1955) và cải cách điền địa (Dụ số 57 ngày 22-10-1956) của thủ tướng Ngô Ðình Diệm: phân biệt đối xử, bãi bỏ các tòa án phong tục, cấm dạy tiếng thổ ngữ và phủ nhận quyền sở hữu đất đai (polan) của người Thượng. Một phong trào chống đối ngấm ngầm hình thành, một số trí thức, cán bộ và binh sĩ Thượng bất mãn bỏ về làng, một số khác vẫn ở lại cơ quan nhưng không làm việc. Cán bộ cộng sản nhân cơ hội trà trộn vào một số buôn làng tuyên truyền và kích động dân Thượng chống lại chính quyền miền Nam.
Tây Nguyên có tầm quan trọng đặc biệt đối với các chiến lược gia Hoa Kỳ, đó là cửa khẩu ngăn chặn sự xâm nhập của quân đội cộng sản miền Bắc vào miền Nam. Sự hiện diện của du kích quân cộng sản do đó gây nhiều lo âu cho các cố vấn Mỹ lúc đó đang huấn luyện quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1956, nhiều phái đoàn MAAG (The US Military Assistance Advisory Group) được gởi lên cao nguyên quan sát tình hình và xây dựng cơ sở huấn luyện binh lính Thượng chống du kích. Tổng thống Ngô Ðình Diệm (đắc cử ngày 24-10-1956) cũng cho thành lập Văn Phòng Cố Vấn Thượng Vụ để góp ý về những vấn đề liên quan đến cao nguyên miền Thượng.
Phong trào BAJARAKA
Năm 1957 một số trí thức Thượng kết hợp lại thành một nhóm phản đối chính sách phân biệt đối xử người Thượng trên cao nguyên với các chính quyền địa phương. Không được trả lời thỏa đáng, năm 1958 họ thành lập tổ chức BAJARAKA (chữ viết tắt tên bốn sắc tộc lớn trên Tây Nguyên: BAhnar, dJArai, RhAdé và KAho) và vận động dân chúng Thượng chống lại chính quyền miền Nam. Những người lãnh đạo phong trào gồm có các ông Y Bham nuôl (người Rhadé, sáng lập viên), Siu Síp (nhân sĩ Djarai), Y Dhơn Adrong (hiệu trưởng trường tiểu học Lạc Thiện), Y Nuin Hmok (giáo viên trung học buôn Kram kiêm chính trị viên), Y Nam Êban (sĩ quan), Y Bhan Kpor, Y Chôn Mlô Duôn Du, Nay Luett, Paul Nưr (trí thức Bahnar) và nhiều nhân sĩ gốc Chăm, Mạ, Stiêng, Kor... Cuộc chống đối đầu tiên xảy ra vào giữa tháng 9-1957, trong một buổi học chữ Việt dành cho người Thượng: ông Y Bham nuôl công khai nói lên những bất đồng của người Thượng và đòi quyền "biệt lập" về hành chánh và chính trị.
Trước sự chống đối này, Văn Phòng Cố Vấn Thượng Vụ được nâng lên thành Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng (nghị định số 302/NV ngày 3-7-1957) trực thuộc Phủ Tổng Thống, trụ sở đặt tại Huế, nhằm kêu gọi người Thượng hợp tác với chính phủ xây dựng đất nước và chống cộng trong tinh thần Kinh Thượng bình đăng và đoàn kết. Trong thực tế văn phòng này đã không đưa ra một chính sách nào cụ thể.
Tháng 5-1958, phong trào gởi hai kháng thư, do ông Y Bham nuôl cùng 16 đại diện sắc tộc khác ký tên, tố cáo những hành vi phân biệt đối xử của chính quyền Ngô Ðình Diệm đối với các sắc tộc thiểu số; kể lại những đóng góp của các dân tộc miền núi trong việc chống lại quân phiệt Nhật, Việt Minh và Việt Cộng; yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng có một "lãnh thổ biệt lập" ("un territoire à part", nguyên văn). Thư viết bằng tiếng Pháp được gởi đến tòa Ðại Sứ Pháp và Liên Hiệp Quốc, và thư viết bằng tiếng Anh gởi đến tòa đại sứ Hoa Kỳ và các tòa đại sứ khác tại Sài Gòn. Kháng thư viết bằng tiếng Anh, do giáo sư David Nuttle (người Mỹ) chuyển tới tòa đại sứ Hoa Kỳ, tỏ ý không muốn đặt Tây Nguyên trực thuộc vào chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mà muốn được độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp hoặc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hoa Kỳ. Trong kháng thư gởi Liên Hiệp Quốc, phong trào xin được sát nhập vào vương quốc Lào như người Pháp đã làm năm 1893.
Ngày 30-7-1958, phong trào gởi một phái đoàn gồm bốn người về Sài Gòn gặp đại sứ Hoa Kỳ qua trung gian David Nuttle. Cùng thời gian, Y Bham nuôl thành lập ủy Ban Tự Trị Trung ương, trụ sở đặt tại Pleiku, chỉ huy tất cả các cơ quan tỉnh lỵ, quận huyện trên Tây Nguyên. Nhiều ủy ban địa phương được thành lập tại Buôn Ma Thuột, Kontum và Di Linh. ủy Ban tuyển mộ sĩ quan và binh lính Thượng đang phục vụ trong chính quyền miền Nam, chọn một lá cờ tượng trưng cho sự "biệt lập" (xanh dương, trắng và đỏ như cờ Pháp nhưng phía trên góc trái có 4 ngôi sao màu vàng tượng trưng cho bốn sắc tộc chính) và phổ biến một thư ngỏ mang tên "Nguyện vọng đấu tranh của đồng bào Thượng". Thư ngỏ này thực ra là một cáo trạng đối với chính quyền Ngô Ðình Diệm, liệt kê những hành vi phân biệt đối xử của người Kinh đối với người Thượng trong mọi lãnh vực, từ chính trị, hành chánh, an ninh quân sự, tư pháp, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội.
Trong hai tháng 8 và 9-1958, phong trào Bajaraka tổ chức nhiều cuộc xuống đường tại Kontum, Pleiku, Buôn Ma Thuột nhưng đều bị trấn áp, tất cả những lãnh tụ của phong trào đều bị bắt (Y Bham nuôl, Y Dhơn Adrong, Y Dhê Adrong, Y Nuin Hmok, Y Wick Buôn Ya, Y Het Kpor, Y Tluốp Kpor, Y Sênh Niê, Y Bun Sor, Y Yu êban, Y Thih êban, Touneh Yoh, Siu Sip, Paul Nưr, Nay Luett...), những thành phần có uy tín như sĩ quan và công chức Thượng đang công tác trên cao nguyên đều bị thuyên chuyển về đồng bằng. Cộng đồng người Thượng như rắn mất đầu đã bị cán bộ cộng sản nằm vùng tuyên truyền và lôi kéo theo họ chống lại chính quyền miền Nam; không những thế, một số thanh niên Thượng ưu tú còn được tuyển mộ ra Bắc học tập rồi đưa vào Nam hoạt động cho phe cộng sản.
Trước đe dọa mới này, tháng 10-1958, chính quyền Ngô Ðình Diệm kêu gọi Kinh Thượng hợp tác chống cộng và hứa sẽ cải tổ sâu rộng hơn về kinh tế, xã hội miền Thượng. Văn Phòng Xã Hội được thành lập tại Tây Nguyên, nhiều học sinh Thượng được đưa về Huế và các thành phố Qui Nhơn, Nha Trang, Ðà Lạt học trong những trường trung học kỹ thuật. Một số cán bộ Thượng được đưa về Sài Gòn tu nghiệp tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Nhưng kết quả đã không như mong muốn, Văn Phòng Xã Hội không hoạt động gì cả, các học sinh Thượng ra trường (khoảng 150 người mỗi năm) không tìm được việc làm vì thiếu trình độ (bằng cấp của học sinh Thượng thường do nâng đỡ). Ðời sống của người Thượng không sáng sủa gì hơn. Những lãnh tụ Thượng còn lại đều tỏ ra bất mãn nhưng bất lực. Trong các cuộc bầu cử Quốc Hội pháp nhiệm I (1956), ứng cử viên Touprong Hrou đơn vị Tuyên Ðức-Lâm Ðồng bị bỏ tù vì những tội vu vơ, pháp nhiệm II (1958) ông Y Prong Kbor đơn vị Ðắt Lắc bị xóa tên, pháp nhiệm III (1960) ông Y Klong đơn vị ÐÐắtLắc bị buộc phải rút tên.
Trong thời gian từ 1956 đến 1962, chuyên viên và cố vấn Hoa Kỳ đã có mặt khắp Tây Nguyên. Việc tranh thủ người Thượng gây nhiều tranh chấp giữa cơ quan CIA và Tòa Ðại Sứ Mỹ trong chiến lược chống cộng của Hoa Kỳ:
- Cơ quan CIA chủ trương võ trang trực tiếp người Thượng vì họ rất thiện chiến trong các rừng rậm. Cố vấn quân sự Mỹ vào khắp buôn làng, tổ chức phòng thủ, trang bị súng cá nhân, thành lập các đội Dân Sự Chiến Ðấu Thượng (CIDG-Civilian Indigenous Defense Group) và Lực Lượng Ðặc Biệt (Special Force) gồm 18.000 người (1967) thuộc đủ mọi sắc tộc Thượng (Rhadé, Bahnar, Sédang, Kaho, Bru...).
- Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ chủ trương kêu gọi sự hợp tác về lâu về dài của người Thượng, đặc biệt là phát triển văn hóa, xã hội, y tế và tín ngưỡng nhằm nâng cao mức sống. Các mục sư tin lành được nhìn như sự tiếp nối của các giáo sĩ công giáo Pháp thời trước nên rất được mến mộ. Nhiều phái đoàn đặc vụ dân sự USOM, USAID, các tổ chức thiện nguyện đến chữa bệnh, hướng dẫn cách thức canh tác nông nghiệp, xây cất nhà cửa, giúp đỡ vật chất và sáng tạo chữ viết la tinh hóa của từng thổ ngữ để giảng dạy. Nhiều trường phổ thông vừa dạy tiếng địa phương, vừa dạy tiếng Việt và tiếng Mỹ được thành lập tại Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kontum, Ðà Lạt. Nhiều sinh viên Chăm và Thượng được ghi danh vào Viện Ðại Học Ðà Lạt.
Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên (FLHP)
Năm 1963, người Mỹ quyết định can thiệp mạnh tại Việt Nam. Chế độ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ tháng 11-1963, tất cả các biện pháp ban hành dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đều bị hủy bỏ. Nhờ sự can thiệp của Mỹ, tất cả những lãnh tụ phong trào Barajaka đều được phóng thích.
Tin tưởng được Mỹ ủng hộ, tháng 3-1964 những người lãnh đạo phong trào Barajaka thành lập Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên hay Front de Libération des Hauts Plateaux, gọi tắt là FLHP (tên chính thức được mặt trận sử dụng) hay Mặt Trận Cao Nguyên. Lần này mặt trận có sự tham gia của nhiều sắc tộc Thượng khác và người Chăm tại miền Trung. Mặt trận cho phổ biến một bản hiệu triệu bằng ba thứ tiếng (Pháp, Chăm và Rhadé) đòi quyền tự trị và chủ trương tranh đấu vừa ôn hòa vừa bạo động. Phe chủ trương ôn hòa, do Y Bham nuôl đại diện, tham gia mọi sinh hoạt chính trị trên khắp cao nguyên để giúp chính quyền miền Nam xây dựng một chính sách Thượng vụ thích hợp. Phe chủ trương bạo động, do Y Dhơn Adrong cầm đầu, kêu gọi cán bộ dân vệ và biệt kích Thượng gia nhập FLHP chống lại chính quyền.
Sự kiện này làm giới chỉ huy quân sự miền Nam lo ngại, những cuộc hành quân trên Tây Nguyên từ tháng 3 đến tháng 5-1964, do tướng Vĩnh Lộc chỉ huy, phần lớn để phá vỡ những căn cứ của quân Thượng hơn là các mật khu cộng sản. Phe bạo động bị lùng quét gắt gao phải chạy qua Kampuchea lánh nạn. Tại đây họ lập căn cứ quanh đồn Bốt Chá (Camp Le Rolland cũ), tỉnh Mondolkiri phía đông bắc Kampuchea cách biên giới Việt Nam 15 cây số, rồi cử người xâm nhập vào các buôn làng ven biên giới kêu gọi thanh niên Thượng gia nhập FLHP. Hoa Kỳ khuyến cáo Việt Nam Cộng Hòa thương thuyết với người Thượng để tìm một giải pháp sống chung. Ngày 5-5-1964, chính phủ miền Nam mời 64 nhân sĩ Thượng ôn hòa, đại diện các sắc tộc, về Sài Gòn họp để tổ chức một đại hội gồm 55 đại diện sắc tộc tại Pleiku ngày 26-8-1964 do Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II chủ trì.
Lo sợ bị loại khỏi các cuộc thương thuyết, phe bạo động chuẩn bị một cuộc nổi dậy võ trang do đại úy Y Nam êban chỉ huy. Ðêm 19-9-1964, các toán biệt kích thuộc Lực Lượng Ðặc Biệt và các đội Dân Sự Chiến Ðấu Thượng đánh chiếm một số đồn bót lớn quanh Quảng Ðức và Ðắt Lắc: trung sĩ Klé chiếm thị trấn Bù Ðăng, thiếu úy Y Bách êban tấn công đồn Sarpa, Y Djao Niê tiến vào buôn Miga (Ðức Lập), Y Bhan Kpor vây đồn Bù Ðốp và Bu Briêng. Quân phiến loạn làm chủ quốc lộ 14, đánh đồn Srépok rồi tiến vào Buôn Ma Thuột chiếm đài phát thanh kêu gọi dân Thượng nổi lên chống lại người Kinh để xây dựng một quốc gia độc lập. Trong cuộc nổi dậy này, 35 sĩ quan và binh sĩ Kinh bị thiệt mạng, quận trưởng quận Ðức Lập (Quảng Ðức) bị bắt sống.
Kinh ngạc và giận dữ, chuẩn tướng Vĩnh Lộc, chỉ huy trưởng Vùng II Chiến Thuật, đã phản ứng dữ dội. Lệnh thiết quân luật được ban hành ngay sáng 20-9-1964, mọi ngả ra vào Buôn Ma Thuột đều bị chận xét gắt gao, Sư Ðoàn 23 cùng một số tiểu đoàn biệt động quân và thiết giáp được huy động đến vây quanh đài phát thanh, một số tiến về những những đồn bị chiếm đóng. Phiến quân Thượng chống trả dữ dội. Các đồn Bù Ðăng, Miga, Bu Briêng, Srépok và nhiều cầu trên quốc lộ 14 đều bị chiếm lại, trừ đồn Sarpa vẫn còn nằm trong tay phiến quân.
Trước biến cố này, đệ tam tham vụ Tòa Ðại Sứ Mỹ trên cao nguyên, Beachner, khuyên Vĩnh Lộc nên thương thuyết. ông Y Bham nuôl, đại diện phe ôn hòa, phó tỉnh trưởng Buôn Ma Thuột, được mời đến Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn 23 tham khảo ý kiến rồi được cử vào đài phát thanh thương thuyết với phiến quân. Sau khi dàn xếp xong với phe nổi loạn im tiếng súng, Y Bham được Beachner đưa về nhà riêng thảo luận. Buổi chiều cùng ngày, đại úy Darnell đích thân đưa những lãnh tụ Thượng khác (Y Bhim, Y Dhou) vào nhà Beachner họp. Cuộc thương lượng với đại diện Tòa Ðại Sứ Mỹ và chỉ huy trưởng Vùng II Chiến Thuật đi đến những thỏa thuận sau: Y Bham nuôl được cử làm chủ tịch chính thức phong trào FLHP, những chỉ huy phiến quân (Y Dhơn Adrong, Y Sênh Niê, Y Nuin Hmok, Y Nam êban) không bị truy tố và không bị truy đuổi khi rút quân qua Kampuchea. Thỏa thuận xong, ngay chiều 20-9, Y Bham nuôl trốn sang Kampuchea, sau khi để lại một kháng thư gởi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đòi quyền tự trị trên cao nguyên. Tại biên giới, Y Bham nuôl được tướng nhảy dù Lès Kossem (một người Khmer gốc Chăm) cùng Y Bun Sor ra đón và đưa về Camp le Rolland nghỉ ngơi rồi tức tốc được chở về Phnom Penh họp.
Ngày 23-9-1964, ông Beachner và tướng Vĩnh Lộc cùng một số nhân sĩ Thượng thành lập Ban Ðại Diện Lâm Thời Người Thượng tại Buôn Ma Thuột do ông Y Char Hdok (hiệu trưởng trường Nguyễn Du) làm chủ tịch, ông Y Chôn Mlô Duôn Du (nhân viên Nha Ðặc Trách Thượng Vụ) làm cố vấn. Beachner cử Y Chôn Mlô Duôn Du làm trung gian thương nghị giữa Việt Nam Cộng Hòa và FLHP. Sau bốn ngày thương nghị, Y Chôn Mlô Duôn Du loan báo phe FLHP chấp nhận buông súng và thương nghị.
Ngày 28-9-1964, tướng Nguyễn Khánh cùng tướng Vĩnh Lộc đến đồn Sarpa nhận sự đầu hàng của 233 binh sĩ FLHP. Lễ gắn huy chương cho những người Thượng có công hòa giải được diễn ra tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh (Buôn Ma Thuột). Lợi dụng sự khoan hồng, một số phiến quân FLHP và các đội Dân Sự Chiến Ðấu Thượng còn kẹt lại chạy sang Kampuchea gia nhập vào lực lượng của ông Y Bham ênuôlđồn trú tại Camp Le Rolland.
Mặt Trận Thống Nhất Ðấu Tranh Của Các Sắc Tộc Bị áp Bức (FULRO)
Tại Kampuchea, những lãnh tụ FLHP họp ngày đêm chuẩn bị thành lập một phong trào đấu tranh mới. Chính quyền Kampuchea, qua trung gian Lès Kossem, cật lực giúp đỡ sự ra đời một tổ chức mới qui mô hơn gồm đủ mọi sắc tộc. Lãnh tụ các nhóm Khmer Krom, Chăm và Thượng FLHP được quân đội hoàng gia Kampuchea đưa về Phnom Penh họp.
Tối ngày 20-9-1964, dưới sự chủ tọa của Sihanouk, Lès Kossem cho ra đời một tổ chức mang tên Mặt Trận Thống Nhất Các Sắc Tộc Thiểu Số (Front Uni des Races Minoritaires-FURM) gồm ba mặt trận: Mặt Trận Giải Phóng Champ?a (Front de Libération du Champa-FLC) do Lès Kossem lãnh đạo (bí danh Po Nagar), Mặt Trận Giải Phóng xứ Kampuchea Krom miền Tây Nam Việt Nam (Front de Libération du Kampuchea Krom-FLKK) do Chau Dera làm đại diện và Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux-FLHP) do Y Bham nuôl cầm đầu. Nhưng danh xưng FURM không được Y Bham chấp thuận và sau nhiều bàn cãi sôi nổi các phe chọn một tên chung là Mặt Trận Thống Nhất Ðấu Tranh Của Các Sắc Tộc Bị áp Bức, tiếng Pháp là Front Uni de Lutte des Races Opprimées (Lutte chứ không phải Libération như nhiều người thường lầm tưởng), gọi tắt là FULRO để xưng danh trong các hoạt động tại Việt Nam và trên chính trường quốc tế.
FULRO chọn cờ hiệu hình chữ nhật, ba màu: bên phải màu xanh lục có ngôi sao trắng nằm trong hình lưỡi liềm, ở giữa có 3 sọc trắng xen kẽ với 4 sọc xanh dương, bên trái là màu đỏ. Ngôi sao trắng trong lưỡi liềm trắng tượng trưng cho người Chăm theo đạo Hồi tại Kampuchea và Việt Nam. Bảy sọc trắng xanh dương tượng trưng cho bảy sắc tộc lớn người Thượng: Bahnar, Djarai, Radhé, Kaho, Sedang, Mnông, Mạ. Màu đỏ tượng trưng cho tinh thần đấu tranh.
FULRO có ba cơ quan lãnh đạo: Hội Ðồng Tối Cao do Chau Dera làm chủ tịch, Hội Ðồng Bảo Trợ do Po Nagar (Lès Kossem) làm chủ tịch và ủy Ban Chấp Hành Trung ương do Y Bham làm chủ tịch. Trong thực tế, Y Bham sống nhờ vào Lès Kossem nên không có thực quyền nào cụ thể ngoài uy tín cá nhân. Lès Kossem có phương tiện và có lực lượng nên nắm hết mọi quyền hành. Lès Kossem còn kéo theo một số người Thượng và người Chăm vào FLC để gây thêm vây cánh và cho người về Việt Nam lôi kéo một số thanh niên Chăm qua ngõ Châu Ðốc vào Kampuchea.
Mặc dù trên danh nghĩa là một tổ chức thống nhất nhưng FULRO có ba lực lượng khác nhau:
1. FULRO Khmer do Chau Dera làm chủ tịch, nhưng vì bận tổ chức đội phòng vệ cho Sihanouk tại Phnom Penh nên không thể sinh hoạt, mọi quyền hành đều nằm trong tay Lès Kossem. Hội Ðồng Tối Cao của Chau Dera đổi thành ủy Ban Chấp Hành Tối Cao do Lès Kossem lãnh đạo.
2. FULRO Chăm, do Lès Kossem chỉ huy, là tổ chức có tầm vóc nhất. (Kampuchea có 250.000 người Khmer gốc Chăm, đa số sinh sống tại Kompong Cham). Về đối nội, FULRO Chăm có ba ban: Ban tình báo chuyên thu thập tin tức, tung người về Việt Nam móc nối cơ sở, phá hoại do Huỳnh Ngọc Sắng, một người Chăm sinh sống tại Bình Thuận, làm đại diện. Ban kinh tài thu thập tiền đóng góp của dân chúng, tiếp tế cho hậu cứ của Y Bham nuôl tại Camp Le Rolland, do Tôn ái Liên, một người Chăm tại Châu Ðốc, làm trưởng ban và vợ Lès Kossem, người nhận thầu cung cấp lương thực cho các căn cứ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam để kiếm thêm tiền, làm phó. Ban phát triển giáo dục cử người đi du học ngoại quốc nghiên cứu về dân tộc Chăm. Về đối ngoại, Lès Kossem vận động các quốc gia ngoại quốc và thành lập nhiều tổ chức Chăm tại hải ngoại ủng hộ nhóm FULRO Chăm. Năm 1970, Lès Kossem sang Bangkok gặp hai vị tướng lục quân và không quân Thái gốc Chăm trong quân đội hoàng gia và những lãnh tụ Thái gốc Chăm thành lập Tổ Chức Người Chăm Chính Thống Tiến Bộ ủng hộ FULRO Chăm. (Thái Lan có 400.000 người Thái gốc Chăm đến lập nghiệp từ thế kỷ 15). Sau đó Lès Kossem đến Djakarta gặp tổng thống Sukarno và được hứa sẽ có 8.000 binh sĩ trong hai lữ đoàn nhảy dù (paracommando) Nam Dương sang yểm trợ FULRO Chăm phục hồi vương quốc Champa khi hữu sự. Lès Kossem nhận viện trợ của Indonesia thông qua Suseno, tùy viên quân sự tòa đại sứ Indonesia tại Phnom Penh. (Indonesia có khoảng hai triệu người Indonesia gốc Chăm, tổ tiên những người này đã sang Indonesia và Mã Lai lập nghiệp từ thế kỷ 14 đến 16). Quốc gia kế tiếp là Mã Lai và các nước ả Rập (Algérie), Nhật Bản nhận giúp FULRO Chăm tu sửa lại các đền đài. (Mã Lai có 200.000 người Mã Lai gốc Chăm lập nghiệp từ thế kỷ 14). Sau cùng Lès Kossem sang Pháp và êu Châu vận động nhân sĩ chính trị và tôn giáo Pháp tổ chức những cuộc hội thảo về văn minh Champa và cấp học bổng cho một số sinh viên Chăm vào học những trường đại học lớn tại Paris (Sorbonne), Aix en Provence... Trong các buổi hội thảo này, những trí thức Chăm và Pháp cho in những tài liệu nhắc nhỡ sự kiện Champa bị Việt Nam xâm thực và mong muốn được các chính quyền phương Tây giúp phục hồi hay nhìn nhận vương quốc cũ.
3. FULRO Thượng do Y Bham nuôl làm chủ tịch, tiếp tục bị phân hóa. Nhóm Dân Sự ôn hòa do Y Bham nuôl lãnh đạo, gồm các ông Y Dhê Adrong, Y Prêh, Y Bling, Y Thih êban, Y Ngo Buôn Ya, Y Sênh Niê, Y Nhiam Niê..., chủ trương vận động Hoa Kỳ làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để FULRO Thượng được về Việt Nam hoạt động một cách chính thức. Nhóm Quân Sự quá khích do Y Dhơn Adrong lãnh đạo, gồm các ông Y Bhan Kpor, Y Nam êban, Y Nuin Hmok..., chủ trương sử dụng bạo lực để thành lập quốc gia độc lập bằng cách uy hiếp những đồn bót quân sự, tấn công các chuyến xe đò dân sự trên các quốc lộ 14 và 22 cùng những liên tỉnh lộ khác của Việt Nam Cộng Hòa dọc vùng Tam Biên.
Ðể gây thanh thế, từ 29-7 đến 2-8-1965, nhóm Quân Sự cử 200 FULRO Thượng vượt biên giới tấn công và chiếm giữ đồn Buôn Briêng và khi rút lui còn dẫn theo 181 Dân Sự Chiến Ðấu Thượng (dân vệ). Sau đó trung tá Y Djao Niê dẫn một trung đoàn FULRO Thượng về đóng tại Buôn Buor (Ðắt Lắc), gần một cây cầu trên quốc lộ 14, kềm chế nhóm Dân Sự của Y Bham nuôl do Y Dhê Adrong làm đại diện tại Buôn Ma Thuột, lúc đó đang kêu gọi binh sĩ FULRO Thượng mang vũ khí về nộp chính quyền miền Nam.
Trong thời gian này phe cộng sản gia tăng áp lực tại miền Nam Việt Nam, Mặt Trận Tây Nguyên Tự Trị, do Y Bih Aleo lãnh đạo, cùng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tổ chức nhiều cuộc đánh phá khắp Tây Nguyên. Hoa Kỳ muốn được rảnh tay trong nỗ lực tiến công tiêu diệt các mật khu cộng sản trên Tây Nguyên yêu cầu chính quyền Sài Gòn thương thuyết với FULRO Thượng tìm một phương thức sống chung và hợp tác chống sự xâm nhập của quân cộng sản. Một đại hội các sắc tộc Thượng được triệu tập tại Pleiku từ ngày 15 đến 17-10-1964, gồm 73 thân hào nhân sĩ Thượng và đại diện chính quyền Sài Gòn để hình thành một chính sách Thượng vụ hợp tình hợp lý: tái lập quyền sở hữu đất đai và các tòa án phong tục, dạy tiếng Thượng ở cấp tiểu học, chấp nhận sự tham chính của người Thượng, giúp đỡ thiết thực hơn người Thượng và nâng Nha Ðặc Trách Thượng Vụ thành Phủ Ðặc ủy Thượng Vụ (trước đó, ngày 5-5-1964 Nha Công Tác Xã Hội miền Thượng đổi thành Nha Ðặc Trách Thượng Vụ trực thuộc Bộ Quốc Phòng, ngày 7-10-1964 trực thuộc Phủ Thủ Tướng). Nhóm Dân Sự ôn hòa, do ông Y Nhiam và bà Hzáp (vợ Y Dhê Adrong) đại diện, được phó đại sứ Hoa Kỳ Alexis Johnson và đại tướng Morton bảo trợ từ Kampuchea về Buôn Ma Thuột thành lập Ban Ðại Diện Chính Phủ Lâm Thời Cao Nguyên.
Ngày 2-8-1965, Y Dhê Adrong cầm đầu một phái đoàn từ biên giới Kampuchea về Sài Gòn thương thuyết. Một tuyên cáo chung kêu gọi FULRO Thượng hợp tác trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp sống chung và chống cộng được ký kết. Vài hôm sau, ngày 16-8-1965, từ Camp Le Rolland Y Bham nuôl gởi đến chính phủ Việt Nam Cộng Hòa một văn thư đòi: xác nhận lãnh thổ Thượng từ vĩ tuyến 17 đến Ðồng Xoài gồm cao nguyên Kontum, Pleiku, Ðắt Lắc, Phú Bổn, Ðồng Nai thượng, Quảng Ðức, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức và một phần các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, gọi chung là Liên Bang Cao Nguyên trong Cộng Hòa Liên Bang Việt Nam; có quốc kỳ riêng; có quân đội riêng, giảm số người Việt Nam di cư lên cao nguyên bằng con số trước năm 1954. Y Bham đề nghị tổ chức các cuộc thương thuyết tại Buôn Ma Thuột hoặc tại Manille (Philippines) nhưng yêu sách này không được Sài Gòn chấp thuận.
Ba tuần sau, ngày 23-8-1965, Y Dhê Adrong dẫn một phái đoàn khác từ Camp Le Rolland đến Buôn Ma Thuột họp. Phái đoàn Việt Nam, do hai tướng Nguyễn Hữu Có và Vĩnh Lộc đại diện, yêu cầu quân FULRO phải buông súng xuống mới chịu thảo luận. Buổi lễ nạp vũ khí của 500 FULRO Thượng tại Buôn Buor được cử hành ngày 15-9-1965, tướng Vĩnh Lộc đưa phái đoàn Y Dhê Adrong, Y Ngo Buôn Ya, Y Bun Sor, Y Nhiam Niê, Y Sênh Niê về Sài Gòn gặp đại diện của Hoa Kỳ (các ông Peterson và Anderson) và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để thảo luận về qui chế đặc biệt dành cho người Thượng, một lực lượng quân sự 150.000 người dưới sự chỉ huy của FULRO, một quốc kỳ tương đương với quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa, một phái đoàn độc lập có quyền đi dự những hội nghị quốc tế, quyền tiếp đón trực tiếp các đại diện của Hoa Kỳ và các nước khác, quyền triệu tập một Ðại Hội Ðồng Dân Tộc Thiểu Số, thành lập một phái đoàn Ðại Diện Dân Tộc Thiểu Số...
Trong khi đó, từ 29-7 đến 2-8-1965, nhóm quá khích, sau khi tố cáo Y Bham nuôl bị mua chuộc, bí mật tổ chức bạo loạn, họ rải truyền đơn hô hào "Cao Nguyên của người Cao Nguyên!", "Thực dân Kinh cút đi!". Vài tháng sau, từ ngày 12-đến 18-12-1965, Y Dhơn Adrong cùng Y Nuin Hmok và thiếu úy Y Nam êban dẫn một nhóm FULRO gồm đại đội 296 Ðịa Phương Quân, trung đội 1/503 Nghĩa Quân Thượng do thượng sĩ Nay Rí chỉ huy tấn công đồn Phú Thiện (tỉnh Phú Bổn) sát hại 32 người và làm bị thương 26 người. Sau đó Y Nam êban cùng Y Tam Uông, đội trưởng và đội phó đại đội 281, chỉ huy lính Thượng chiếm đồn Krong Pách, giết hết binh sĩ Kinh. Tiểu đoàn 64 FULRO do đại úy Y Klam chỉ huy đột nhập Tòa Hành Chánh và Tiểu Khu Quảng Ðức, giết hết người Kinh, treo cờ FULRO. Tướng Vĩnh Lộc chỉ huy trưởng Vùng II Chiến Thuật huy động Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tấn công vào những nơi bị chiếm, bắt được một số tù binh và truy đuổi tàn quân FULRO gay gắt. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, được sự khuyến cáo của đại sứ Hoa Kỳ, ra lệnh cho Vĩnh Lộc nương tay và để những nhân vật quan trọng và sĩ quan cao cấp Thượng chạy sang Kampuchea.
Tin nổi loạn tại Việt Nam đến Camp le Rolland, Y Bham nuôl sai con rể là trung tá Y Em chận bắt những phần tử quá khích tại vùng biên giới. Y Dhơn Adrong và Y Nuin Hmok bị Y Em bắt và đem về Camp le Rolland xử tử, Y Bun Sor chạy thoát về Phnom Penh báo cáo. Tướng Lès Kossem, không dám phản đối quyền lãnh đạo FULRO Thượng của Y Bham nuôl, lên Camp le Rolland thương lượng và cử hai người Chăm vào những chức vị cao bên cạnh Y Bham nuôl là Ðằng Năng Giáo (bí danh Yang Neh) làm đệ nhất bí thư Phủ chủ tịch đặc trách chính trị và nội vụ, và Thiên Sanh Thi giữ chức tư lệnh Quân Khu 3 (Ninh Thuận và Bình Thuận) kiêm sư đoàn trưởng Sư Ðoàn Po Romé. Hai người Chăm này có nhiệm vụ kềm chế những quyết định thân thiện Việt Nam của Y Bham nuôl. Y Bun Sor được Lès Kossem phong làm phụ tá quân sự đặc trách FULRO Thượng tại Phnom Penh.
Tuy không bằng lòng về sự canh chừng này, Y Bham nuôl vẫn ra lệnh cho Y Dhê Adrong về Việt Nam thương thuyết với Paul Nưr, đại diện chính quyền miền Nam. Các cuộc thương lượng kéo dài gần một năm. Tin tưởng vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ, phong trào FULRO đòi hỏi rất quyết liệt và tỏ ra không nhân nhượng về yêu cầu thành lập Liên Bang Cao Nguyên Việt Nam, quyền có quốc kỳ, quyền có quân đội riêng và quyền đại diện chính thức. Lo sợ Y Bham nuôl phản bội lý tưởng ban đầu là tranh đấu giành độc lập cho Tây Nguyên, ngày 20-9-1966 Lès Kossem và Chau Dera xua quân bao vây Camp Le Rolland rồi ép Y Bham nuôl ký giấy nhường lãnh thổ của người Thượng từ sông Srê Pok (Nam Lào và đông bắc Kampuchea) đến Pleiku cho Mặt Trận Giải Phóng Chiêm Thành (FLC). Nhưng âm mưu này không thành, trung tá Y Em mang quân đến giải vây và bắt sống một số binh sĩ Khmer và Chăm đang vây Camp le Rolland. Y Bham được giải thoát, giấy nhượng đất bị xé.
Ðể xoa dịu sự bất mãn của người Thượng, chính sách Thượng vụ phác họa ngày 17-10-1964 được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho thi hành. Ðầu năm 1966, Y Chôn Mlô Duôn Du và Nay Luett đặt Văn Phòng Liên Lạc thuộc Nha Ðặc Trách Thượng Vụ ở Buôn Ma Thuột để thương nghị với Y Dhê Adrong. Ngày 12-2-1966, một đại hội Kinh Thượng được tổ chức tại Kontum lên án gắt gao nhóm quá khích và Tòa án Quân Sự Vùng II Chiến Thuật, họp tại hội trường Diên Hồng Pleiku, xử những quân nhân Thượng phản loạn cấp thấp (4 tử hình, 1 chung thân, 3 khổ sai 20 năm và nhiều án khổ sai 10 năm). Ngày 22-6-1966 Nha Ðặc Trách Thượng Vụ được nâng lên thành Phủ Ðặc ủy Thượng Vụ, Paul Nưr làm đặc ủy trưởng, để chuẩn bị cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Paul Nưr và Y Bham ênuôl
Ngày 2-6-1967, Y Bham nuôl đích thân cầm đầu một phái đoàn đến Buôn Ma Thuột thương nghị và yêu cầu chính quyền miền Nam sớm ban hành qui chế riêng cho người Thượng. Một đại hội các sắc tộc thiểu số trên toàn quốc được triệu tập trong hai ngày 25 và 26-6-1967 để đúc kết các thỉnh nguyện chung của người thiểu số. Ba văn kiện được đệ trình lên chính phủ là bản thỉnh nguyện, bản kiến nghị và bản tuyên ngôn, tất cả đều được thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch ủy Ban Hành Pháp Trung ương, long trọng chấp thuận và cam kết sẽ cho thực hiện. Ngày 29-8-1967, đại hội các sắc tộc được tổ chức tại Buôn Ma Thuột dưới sự chủ tọa của trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, chủ tịch ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc gia, và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch ủy Ban Hành Pháp Trung ương. Chính phủ ký sắc luật số 033/67 cùng ngày ban hành Qui Chế Ðặc Biệt nâng đỡ người thiểu số theo kịp đà tiến bộ của dân tộc. Tháng 11-1967 Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa ủy nhiệm Bộ Phát Triển Sắc Tộc nghiên cứu một dự thảo luật về Hội Ðồng Sắc Tộc.
Năm sau, tháng 8-1968, Y Bham nuôl dẫn đầu một phái đoàn cao cấp gồm 28 người (Y Dhê Adrong, Y Prêh, Ksor Dút, Kpa Doh, Y Tôn, Thiên Sanh Thi, Huỳnh Ngọc Sắng, Zu Zol, Thạch Thân Apol, Chay Rithi, Sa Phol, Chau Chen, Chau Phước...) từ Camp le Rolland về Buôn Ma Thuột họp với Paul Nưr, Ya Ba, Châu Văn Mổ, Nay Luett, Nguyễn Hữu Oanh v.v... đòi hỏi những quyền lợi khác cho người Thượng nhưng không kết quả. Cuộc thương lượng cuối cùng ở cấp bậc cao nhất giữa Y Bham nuôl (với tư cách chủ tịch phong trào FULRO) và đổng lý Văn Phòng Phủ Thủ Tướng được tổ chức ngày 11-12-1968 đi đến một thỏa thuận như sau: phong trào FULRO được quyền có một hiệu kỳ nhưng không phải là quốc kỳ, Bộ Sắc Tộc được thành lập ngay trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa do một người Thượng lãnh đạo, phái Ðoàn Sắc Tộc sẽ được thiết đặt tại Buôn Ma Thuột, một tỉnh trưởng hay phó tỉnh trưởng người sắc tộc sẽ được đề cử tại những tỉnh có đông người sắc tộc cư ngụ, những lực lượng địa phương quân sắc tộc (Thượng) sẽ đặt dưới quyền chỉ huy của những sĩ quan sắc tộc (Thượng), một sĩ quan hay hạ sĩ quan sắc tộc (Thượng) sẽ được đề cử ngay trong những đơn vị quân đội chính qui có đông người sắc tộc... Lễ ký kết sẽ được cử hành tại Buôn Ma Thuột đầu năm 1969. Phái đoàn Y Bham nuôl về Camp le Rolland thu xếp đồ đạc chuẩn bị sang Việt Nam ở luôn.
Sáng 30-12-1968, phi đội trực thăng Việt Nam Cộng Hòa vượt biên giới sang Camp Le Rolland đón Y Bham nuôl cùng gia đình và lực lượng FULRO Thượng về Buôn Ma Thuột. Nhưng trước đó vài giờ, Lès Kossem ra lệnh cho Y Bun Sor điều động hai trung đoàn quân đội hoàng gia Khmer đến bao vây Camp le Rolland. Ðằng Năng Giáo, Y Bhan Kpor, Y Nam êban, Ksor Dút, Kpa Doh, Kpa Blan chỉ huy đội cảm tử ập đến bắt cóc Y Bham nuôl và gia đình đưa về Phnom Penh. Y Em cùng một số thân tín bỏ chạy vào rừng. Phi đội trực thăng Việt Nam Cộng Hòa phải quay trở về Buôn Ma Thuột. Cùng ngày Lès Kossem bay lên Mondolkiri trấn an và thuyết phục binh sĩ FULRO Thượng còn lại phải tuân lệnh bộ chỉ huy FULRO mới đặt tại Phnom Penh.
Từ đó Y Bham nuôl bị giam lỏng tại Phnom Penh dưới sự quản chế của Lès Kossem. Một số thân tín Chăm và Thượng được Lès Kossem thăng thưởng và cất nhắc lên những chức vụ chỉ huy. Ngày 31-12-1968 Lès Kossem thành lập Hội Ðồng Nội Các Lâm Thời FULRO, chủ tịch là Yang Neh (Ðằng Năng Giáo), Souleiman (Thiên Sanh Thi) làm phó, đại tá Y Bhan Kpor tham mưu trưởng, trung tá Y Nam êban tham mưu phó. Nội các này bị Lès Kossem giải tán 10 ngày sau đó vì bất lực trong việc tổ chức điều hành. Ðể thay thế, Lès Kossem thành lập một ủy Ban Chỉ Ðạo Tối Cao FULRO gồm toàn người Chăm do chính ông làm chủ tịch, Souleiman làm phụ tá đặc trách quân sự, El Ibrahim phụ tá đặc trách hành chánh, Mohamet phụ tá đặc trách tiếp vận. Y Bun Sor được cử đi du học tại trường Sorbonne Paris, Pháp.
Ðầu năm 1969, Lès Kossem giải tán Mặt Trận Cao Nguyên (FLHP) và cho ra đời Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên và Bình Nguyên Champa (Front de Libération des Hauts Plateaux et du Champa, gọi tắt là FLHPC) do Y Bhan Kpor làm chủ tịch. Y Bhan Kpor kêu gọi người Mỹ hãy ở lại Cao Nguyên với dân tộc Thượng. Tháng 6-1969, Lès Kossem tạm ngưng khóa huấn luyện FULRO tại Phnom Penh, đưa các khóa sinh lên Mondolkiri và Rattanakiri thay thế lực lượng của Y Bham nuôl. FULRO Chăm được giao vai trò lãnh đạo tại Mondolkiri (Ðặng Nô, Ðồng Tập, Kinh Hoài Diệp...) và tại Rattanakiri (Ðằng Năng Giáo, Kpa Toh, Tạ Văn Lành), nhưng nhóm FULRO Thượng tại đây không chấp nhận sự chỉ huy của Y Bhan Kpor, họ chỉ tuân phục Y Bham nuôl mà thôi. Ngày 29-7-1969 Lès Kossem họp với Huỳnh Ngọc Sắng, Quảng Ðại Ðủ (Po Dharma), Thiên Sanh Thi, Hoàng Minh Mộ, Ðặng Văn Thủy, Y Bhan Kpor, Y Nam êban, Kpa Doh tại Phnom Penh tìm người làm chủ tịch FULRO nhưng không thành, ủy Ban Chỉ Ðạo Tối Cao FULRO Chăm đảm nhận luôn việc điều hành nhóm FULRO Thượng. Giữa tháng 4-1975, Phnom Penh bị thất thủ, Y Bham nuôl cùng vợ con chạy vào tòa đại sứ Pháp tị nạn. Quân Khmer đỏ tràn vào tòa đại sứ bắt tất cả những ai không phải là người Pháp hay có quốc tịch ngoại quốc, toàn thể gia đình ông Y Bham ênuôlbị quân Khmer đỏ hành quyết ngay trong sân tòa đại sứ.
Trở lại Việt Nam, hiệp ước chung cuộc cuối cùng được ký kết giữa ông Paul Nưr, đại diện Việt Nam Cộng Hòa, và Y Dhê Adrong, đại diện phe FULRO chứ không với Y Bham nuôl như đã dự trù. Lễ ký kết được diễn ra trọng thể tại Buôn Ma Thuột ngày 1-2-1969 dưới sự chủ tọa của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và thủ tướng Trần Văn Hương. Cờ Việt Nam Cộng Hòa treo cạnh cờ FULRO với những biểu ngữ "Tình đoàn kết Kinh Thượng muôn năm", "Hoan hô các anh em FULRO trổ về phục vụ quốc gia"...
Theo tin tình báo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1969, có 5.471 người qui thuận gồm 2.257 binh sĩ và nhân viên dân sự, 3.214 thân nhân gia đình và 895 súng ống đủ loại. Như vậy tổng cộng có gần 6.000 người qui thuận (ngày 15-9-1965 có hơn 500 người đã ra đầu thú).
Trong lời bế mạc buổi lễ, Y Dhê Adrong tuyên bố: "Kể từ ngày hôm nay, phong trào FULRO không còn nữa trên Cao Nguyên, bất cứ ai sử dụng danh nghĩa FULRO sau này để phá hoại sự đoàn kết Kinh-Thượng sẽ bị trừng trị theo luật pháp hiện hành của chính quyền".
Hồ sơ FULRO đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa coi như kết thúc, một giai đoạn hợp tác mới được mở ra. Nhưng thực tế đã không giản dị như vậy, người Chăm và Thượng vẫn chưa có một chỗ đứng danh dự như mong muốn, phong trào FULRO tiếp tục đấu tranh trong bóng tối.
(Nguồn : vnthuquan.net/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét