Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

BỔN LUẬT THẦY GIẢNG ĐỊA PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG



BỔN LUẬT THẦY GIẢNG ĐỊA PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG



ThayGiangAnrePhuYen.jpg 
TIỂU DẪN


“Mùa thì nhiều mà kẻ gặt có ít”. Phải chi được nhiều người thâu thập các linh hồn vào kho thiêng liêng, là Nước Đức Chúa Trời! Ta hằng ước ao cho có nhiều Linh Mục, nhiều Thầy Giảng, hầu khai quang cho những linh hồn u ám; mà bởi chẳng lẽ một mình Thầy cả làm cho hết các việc, mà lại có nhiều việc phải nhờ Thầy Giảng mới mau mới tiện, nên Ta lo phương cho Hội Thầy Giảng được đông người giúp việc địa phận cho mau thạnh, và đỡ các Thầy cả cho nhẹ bớt một hai phần việc Người.

 Vì vậy, bổn phận Thầy giảng thật trọng vọng cao cả trong đời, vì chẳng có việc gì cao trọng cho bằng lo cho sáng danh Chúa, và phần rỗi người ta, mà chính việc Thầy Giảng là một phần trong những việc đấng bậc Thầy Cả, chỉ làm cho danh Cha Cả sáng, cho người ta đặng rỗi. Mà cho được làm việc trọng ấy cho nên, thì Ta tóm những điều cần kíp làm một bổn luật chung, định ban ơn rộng phần hồn phần xác, chỉ những cách thức phải giữ, những điều riêng phải lánh, cho các Thầy vững thế, mà làm việc đấng bậc mình cho phấn phát trọn niềm.


 Vậy, các Thầy phải gắn công ra sức mà giữ bổn luật này cho trọn, mới hầu nên việc. Hoặc sau thấy các Thầy muốn lên bậc trọn lành hơn, thì sẽ thêm một hai điều tùy thì tùy sức.

 
Lại Ta khuyên các Cha địa phận sẵn lòng coi sóc Thầy giúp cách riêng, hầu giữ bổn luật này cho tử tế; vì như kẻ Bề Trên có xem sóc cho kĩ càng cẩn thận, dầu Thầy nào có tính khí trễ tràng, âu là cũng sẽ nhờ đó mà được giữ luật phép cho chín chắn, khỏi ra hư hốt mà chớ.

Sau hết xin các Cha chịu khó kiếm học trò và tập tành một hai ít mà gởi học Giáo Tập cho có nhiều người giúp việc

 
Pater…. Adveniat Regnum Tuum.
 N. B. __ Hễ Cha nào qua đời, hay là Thầy nào thôi giúp việc hoặc chết, thì Bổn Luật cha thầy dùng, phải gởi lại cho Bề Trên.

BỔN LUẬT THẦY GIẢNG
ĐỊA PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG

ĐIỀU THỨ NHẤT: VỀ Ý CHUNG VÀ NHỮNG ĐỀU ĐẠI CÁI VỀ HỘI THẦY GIẢNG

 1. Lập Hội Thầy Giảng có ý cho được nhiều người giúp các cha trong những việc kẻ không có chức thánh làm được, hầu đem kẻ ngoại trở lại đạo cho mau hơn, và dạy dỗ bổn đạo biết dàng giữ đạo cho chín chắn.

 2. Việc Bổn phận Thầy Giảng chia làm hai thứ: một là chính việc giảng đạo: như tìm kiếm và dạy dỗ chầu nhưng; hai là giúp việc nọ việc kia trong địa phận: như coi việc Nhà Chung, nhà mồ côi, v.v. Nên hễ Bề Trên định cho các thầy lãnh việc nào, thì phải vui lòng mà làm cho cần mẫn. Vì phải tin thật, dẫu việc gì nhỏ mọn mà ta làm vì lòng kính Chúa yêu người, thì hóa ra việc trọng, việc lớn trước mặt Đức Chúa Trời.

 
3. Cứ bổn luật này thì biết Hội Thầy Giảng chẳng phải là dòng nào riêng; nhưng mà cũng giống hội Thầy Dòng một điều này là các Thầy Giảng cũng phải nông công ra sức cho được nhơn đức trọn lành như Thầy Dòng vậy.

 
4. Hội Thầy Giảng có một Bề Tên là Đức Giám Mục địa phận, người sẽ phân định mọi việc hội ấy mặc ý Người.

 
5. Nhưng mà Người mắc nhiều việc trọng khác, nên Người muốn phú cho Cha làm bề trên Giáo Tập lo những việc nhỏ mọn về hội ấy: nhứt là những việc về phần xác, hay là muốn bàn tính một hai việc cần với người, sự ấy mặc ý Đức Cha.

 
6. Hễ Đức Giám Mục dạy giúp Cha nào, thì Cha ấy là Bề Trên riêng mình.

 7. Học trò Giáo Tập còn nhập trường Latinh bao lâu, thì sẽ ngồi sau bọn Rherorica, và các việc cũng như học trò Latinh, trừ sự học hành mà thôi.

 
8. Hội Thầy Giảng chọn ông Thánh Phao lô làm Bổn Mạng Chính, và phải kính riêng Đức Cha Thể cùng các đấng tử vì đạo trong địa phận này làm Bổn Mạng tùy.

ĐIỀU THỨ HAI: VỀ SỰ CHỌN HỌC TRÒ

 
9. Vốn vào bọn Giáo Tập, là học trò Latinh; nên trường Latinh sẽ lãnh cho đông học trò: mỗi năm chừng 40 học trò mới.

 10. Bề trên trường Latinh xét học trò nào không trông ngày sau lên chức thánh, thì sẽ cứ đầu tháng học mà cho vào bọn Giáo Tập

 
11. Bề Trên Giáo Tập cũng được lãnh những đứa chưa học trường Latinh, miễn là nó được 16 tuổi sắp lên, đã biết đọc biết viết chữ Quốc Ngữ, và có giấy Cha bổn sở làm chứng nó là đứa nên.

 12. Hoặc ai học hành không được, hay là tính khí không ra gì, Bề Trên Giáo Tập cho về mặc ý người.

 13. Kẻ đã học Latinh xong rồi mà ra địa phận, thì cũng kể vào sổ Thầy Giảng liền.

 14. Hoặc có kẻ không vào trường nào, mà Đức Giám Mục xét đã đáng cho làm Thầy, thì sẽ được vào hội Thầy Giảng cứ theo luật chung.

 
15. Được vào hội Thầy Giảng cách nào mặc lòng, ai nấy cũng bằng nhau cả, có một kẻ lâu năm, lớn tuổi hay là có chức Thánh mới lớn hơn mà thôi.

ĐIỀU THỨ BA: VỀ SỰ HỌC HÀNH

 
16. Việc dạy dỗ sẽ phú cho một Cố đã chọn làm Bề Trên Giáo Tập, lại cũng phải có Thầy cả bổn quốc giúp người mà dạy nữa.

 17. Vậy về những đều phải dạy sẽ cứ như sau này:

 Thứ nhất: Là những đều phép đạo dạy phải tin, phải làm, cùng phải lánh.

 Thứ hai, là chữ nhu: là sách Văn Khế, những sách nhu giải lẽ Đạo; hoặc một hai phần sách ngoại cũng được (Cách học cứ như học Latinh.)

 Thứ ba, là một hai đều về phép Toán, Địa dư, sử ký Hội Thánh, sử ký nước Nam.

 
Thứ bốn, là một hai đều về luật nhà nước, về cách ở với quan quyền, làng xóm, ở với người ta cho phải phép.

 
Thứ năm, là tập đọc tiếng Latinh cho vừa được, tập hát; hoặc sau có cần kíp, cũng sẽ dạy cách đọc tiếng Langsa ít nhiều.

 
18. Còn những giờ phải học, những việc phải làm bằng ngày, thì sẽ cứ bổn luật riêng.

 19. Bề Trên Giáo Tập sẽ xét theo người theo tuổi mà định mỗi người phải học mấy năm, tùy ý người.

 20. Hễ khi nào nên cho ra địa phận, thì người sẽ giao cho Đức Giám Mục chỉ định.

 
21. Thường ra địa phận thì cứ đầu năm, một hai khi giữa năm tùy tiện.

ĐIỀU THỨ BỐN: VỀ SỰ CHỈ NƠI VÀ CHO BẰNG CẤP

 22. Bề Trên muốn giao người nào cho Đức Cha, sẽ gởi Nota trước, hầu người biết mà tính cho tiện việc.

 23. Đức Cha cho Thầy nào ở với Cha nào, thì sẽ bảo cho biết bổn tính Thầy ấy.

 
24. Người sẽ sai các Thầy đi cách xa quê quán trừ khi có lẽ rất cần thì mới cho ở trong địa phận mình.

 
25. Khi có thể tiện, Người sẽ sai Thầy mới ở cặp với Thầy cũ cho được nhờ nhau.

 
26. Hễ đã lãnh việc thì phải kêu là Thầy; mà giúp đủ ba năm cho tử tế, có bằng Cha bổn sở làm chứng, dầu giúp nữa hay là xin thôi, thì Đức Cha sẽ cho Bằng Cấp. Khi ấy mới thật vào sổ Thầy Giảng.

 
27. Người nào Đức Cha cho học sách đoán thì thôi; mà sau không chịu chức gì, thì mới cho bằng cấp như đã nói trên.

 
28. Hoặc Thầy nào có lỗi nặng, thì một mình Đức Cha được thâu bằng cấp mà thôi.

 29. Thầy nào có bằng cấp về nhà, dầu chưa đặng coi việc họ, thì cũng được ngang hàng với chức việc họ.

ĐIỀU THỨ NĂM: VỀ NHỮNG ƠN PHẦN XÁC.

 30. Nhà Chung sẽ chịu sở tổn các thứ học trò bằng nhau.

 31. Mỗi Thầy mới toan đi ra địa phận, thì Nhà Chung sẽ cho những vật sau nầy:

 Một là những sách nào đã học trong trường mà còn có việc dùng cần kíp ở ngoài, cùng cho thêm sách Mục lục; Nhựt khóa, Tử hầu, Tu sĩ, sách Thiên. (Cho một lần mà thôi).

 Hai là một cái khăn nhiễu dài

 
Ba là tiền hành lý cho đến nơi.

 32. Mỗi năm các Cha sẽ lấy tiền theo việc các Thầy và phát cho mỗi Thầy giúp mình như sau này:

 33. Ngày Tết, phát ba đồng bạc, ngày lễ Đức Chúa Bà Thăng Thiên, phát ba đồng, sáu đồng ấy để sắm đồ mặc.

 
34. Các Cha sẽ liệu cho các Thầy vừa đủ xứng bậc, Hoặc Thầy giúp ở riêng một mình, thì Cha bổn sở xét theo thì theo chỗ mà liệu cho Thầy; các việc sở tổn một ngày ước chừng một quan.

 
35. Các cha phải lo cơm thuốc cho thầy giúp; khi phải đau đớn nặng.

 
36. Khi đổi các Thầy, địa phận cũ phải chịu tiền hành lý; bằng đổi xa quá, phải tốn nhiều, thì Cha sở cũ được xin Đức Cha cho Nhà Chung phụ một hai phần. Còn khi các Thầy xin về thăm thì sẽ liệu mọi sự với Cha mình giúp.

 37. Đã giúp ba năm đầu mà đền ơn rồi, sau ai muốn giúp nữa, thì giúp mỗi năm Nhà Chung sẽ thưởng chục đồng; mà đến khi thôi giúp mới được lãnh phần thưởng ấy.

 
38. Phần thưởng ấy định cho đến 20 năm mà thôi; ai giúp lâu năm hơn nữa thì cũng không được thưởng thêm.

 39. Hoặc Bề Trên xét Thầy nào đã có công nghiệp lắm hay là thiếu thốn quá, muốn thưởng thêm ít nhiều mặc ý Người.

 
40. Thầy nào qua đời khi còn đương giúp việc chung, thì cha mẹ hay là bà con không được lãnh phần thưởng ấy.

 
41. Thôi giúp việc đã ba tháng mới được lãnh phần thưởng ấy.

 42. Ai có một ý thôi giúp Nhà Chung cho được về giúp riêng Cha nào, thì phần thưởng mấy năm đã giúp trước, Nhà Chung sẽ truất bớt đi.

 
43. Phần thưởng theo khoảng 38 sẽ lấy hoa lợi tiền đã góp mà lo việc ấy.

 44. Tiền vốn ấy thì giao cho Bề Trên Giáo Tập và hai cha giúp, mà làm lợi theo ý Đức Giám Mục.

 
45. Như thường mà còn dư, thì dùng mà lo việc Giáo Tập cho thạnh hơn, hoặc đền một hai phần Nhà Chung đã tốn về việc Giáo Tập.

 46. Thầy nào đau lâu năm, lâu tháng, hoặc cho về Nhà Chung nghỉ ít lâu, hoặc Nhà Chung phụ ít nhiều cho địa phận mà nuôi Thầy ấy.

 
47. Hoặc già cả hay là bịnh hoạn không còn giúp việc được nữa, thì đặng về Nhà Chung nào Đức Cha đã chỉ, bằng về nhà mình thì Nhà Chung cũng giúp cho vừa đủ.

48. Khi ở địa phận, có Thầy nào chết, thì Nhà Chung cho mười đồng sấp lại mà giúp việc thuốc thang tống táng và xin hai lễ theo khoản 105, còn bao nhiêu thì địa phận phải chịu.

 
49. Hoặc Cha nào vô ý bỏ Thầy giúp thiếu thốn, thì phải thưa xin người sẽ cứ lệ định mà lo cho, như xin người mà không được, cũng nên xin Đức Cha, mà chẳng nên vịn lấy lẽ mình thiếu thốn, mà lấy của chung và bù chế bao giờ.

50. Các cha địa phận sẽ năng bắt Thầy giúp khai sổ cho kỷ càng về những tiền của đã phú Thầy ấy coi giữ.

ĐIỀU THỨ SÁU: VỀ NHỮNG ƠN PHẦN HỒN

 51. Các Thầy phải xưng tội một tháng hai lần. Xưng với Cha nào cũng được; song đã chọn Cha nào coi sóc phần hồn, như có lẽ cần thì mới nên đổi. Hoặc người xét theo việc linh hồn, mà dạy thôi giúp việc, thì mình phải vâng.

 52. Mỗi ngày các Thầy phải làm những việc riêng sau nầy:

 
53. Sáng ngày vừa thức dậy phải nguyện gẫm ít là một khắc

 54. Phải xem lễ và hôm mai phải đọc kinh với bổn đạo

 55. Đọc Officium parvum Beate Marie V., ít nữa là đọc một phần trong 3 phần sau này: Hore Parve; Vespera cum Completorio; et Laudibus; Matutiuum. Ai chẳng đọc phần nào, phải lần ba chuỗi thế lại.

 56. Phải lần một chuỗi năm mươi cùng gẫm Năm sự mầu nhiệm tùy nghi. (Kẻ đã đọc 3 chuỗi thế Officium thì không buộc đọc chuỗi này nữa.)

 
57. Phải coi một hai bài sách thiêng liêng. Nên các Thầy phải sắm thêm những sách cần kíp cho mình.

 58. Phải xét mình riêng một chặp.

 
59. Các thầy phải gắn công ra sức mà tập riêng những nhơn đức sau này: là lòng Tin, lòng Khiêm Nhượng, chịu khó, lòng sốt sắng, đức Thương yêu, Nết na, hiền lành, cùng Vưng lời chịu lụy.

 
60. Phải giữ ngày giờ cho nhặt nhiệm: phải chia từ giờ từ việc, cho có thứ tự. Dầu hơi rảnh cũng phải kiếm việc mà làm, như thể chuyên chuỗi, cắt hoa.

 61. Ai có sở cậy Cha nào hơn, thì hãy giữ lòng trong nghĩa mà xin nhờ người an ủi giúp đỡ, đừng ngại gì.

 62. Những dịp tội lỗi, những đều làm nhơ danh xấu tiếng, các thầy phải xa lánh hết sức, nhất là những sự sau đây:

 
63. Chớ khi nào rượu chè, hay là tìm đồ ăn mĩ vị

 64. Chớ ăn mặc lòa lẹt, hay là hàng lụa,; cũng chẳng nên mặc theo kiểu ngoại quốc.

 
65. Chớ ở một mình, nhứt là ban đêm; như chẳng có việc cần, không nên ở đêm hay là ăn uống trong nhà người ta, mà chẳng xin phép Bề Trên.

 66. Chớ quen lớn với người phụ nữ, nhứt là nhà phước; chẳng nên cho hay là lãnh vật gì kẻ ấy cho.

 
67. Chớ đánh bài đánh bạc.

 68. Chớ buôn bán cho mình hay là cho kẻ khác.

 69. Chớ xử đoán việc kẻ ngoại; khi kẻ ngoại với kẻ có đạo, hay là kẻ có đạo có việc với nhau, phải có lịnh bề trên mới được xử, trừ việc nhỏ mọn lắm thì mới nên.

 70. Dầu thừa lịnh mà xử việc gì, người ta có tạ tiền bạc, mình không nên lấy.

 
71. Chớ sắm vườn, mua ruộng; dàu sắm ngựa, có phép Bề Trên mới được.

 
72. Chớ mượn hay là cho mượn những của chung đã giao cho mình giữ.

 
73. Hằng năm đến lễ Đặt Tên và lễ Đức Chúa Bà Thăng Thiên, các Cha cứ kiểu đã chỉ mà gửi Note các Thầy giúp mình cho Đức Giám Mục.

 74. Bề Trên sẽ lo cho các Thầy cấm phòng chung hai năm một lần.

 
75. Người nào đi không được, phải trình Cha bổn sở, hầu người thưa lại với Đức Cha , và phải liệu cấm phòng riêng đôi ba ngày.

 
76. Sự cấm phòng, Đức Cha có dạy cách nào, thì sẽ cứ; bằng không thì sẽ cứ như sau này:

 77. Hễ hai tỉnh thì hội chung trong một họ nào tiện hơn: Là Quảng-Nam với Quảng-Ngãi; Bình-Định với Phú-Yên; Khánh-Hoà với Bình Thuận.

 78. Thường cứ tháng 3, hay là tháng nào Đức Cha định trước, Người tin cho các Cha hay mà bảo các Thầy đi cấm phòng.

 79. Trước sáu tháng thì Đức Cha sẽ chọn hai Cha để mà lo việc cấm phòng các Thầy.

 
80. Ngày cấm phòng các Thầy, cũng mời các Cha hai tỉnh ấy về đông. Cha nào cũng đặng làm phước; nhưng mà ai muốn xưng tội với Cha bổn sở mình, thì phải thưa với Cha áp việc cấm phòng.

 81. Chiều hôm vào phòng, hát Veni Creator; Ave Maris Stella; sáng ngày hát lễ trọng thể.

 82. Cấm phòng ít là ba ngày.

 83. Ngày sau hết làm phép Mình Thánh Chúa, và các Thầy đọc kinh chung phú dưng mình cho Rất Thánh Đức Chúa Bà.

 84. Ngày đầu làm một lễ trọng thể cho các Thầy và cha mẹ bà con các Thầy; lại ngày nào tiện cũng hát một lễ mồ cho các Thầy và cha mẹ các Thầy đã qua đời.

 85. Nhơn dịp cấm phòng ấy, các Thầy sẽ được nghỉ việc đôi ba tuần.

 
86. Sở tổn khi cấm phòng, hai đồng bạc xin hai lễ, và Cha áp việc có phải đi xa tốn nhiều, thì Nhà Chung chịu; còn tiền hành lý các Thầy thì địa phận phải chịu.

ĐIỀU THỨ BẢY: VỀ SỰ THÔI GIÚP VIỆC, HOẶC TỰ Ý, HOẶC BỞI LỖI NẶNG, HOẶC CHẾT

 87. Kẻ đã học Latinh 3 năm sấp lên, hay là đã học Giáo Tập, đều buộc phải giúp việc chung 3 năm mà đền ơn dạy dỗ.

 88. Hoặc tại lẽ gì rất cần mà xin chuẩn bớt một hai năm, hay là cha mẹ muốn dưng cho Nhà Chung ít trăm quan tiền, mà xin cho Thầy về, Bề Trên có ưng cho cũng được; song chẳng khi nào được về mà chẳng có lịnh của Bề Trên cho.

 
89. Giúp đủ ba năm rồi, ai muốn thôi cũng được, song phải thưa với Bề Trên hay trước 3 tháng. Vả lại có giúp thêm mà chưa đúng băm, thì mấy tháng lẻ ấy không có phần thưởng.

 
90. Hoặc xin thôi bởi tại đều gì bất bình mà thôi, thì Bề Trên sẽ an ủi một hai lẽ, hay là liệu lẽ nào cho tiện hơn.

 91. Hoặc Thầy nào cứ tính dị kì, khó ăn khó ở, biếng nhác việc bổn phận, đã phải quở trách nhiều lần mà chẳng chừa, thì Bề Trên cũng nên dạy về.

 92. Ai đã vào sổ Thầy Giảng, hoặc sau rủi bị tật nguyền bịnh hoạn, không làm việc gì được nữa, thì Nhà Chung cũng sẽ nuôi cho đến chết.

 93. Thầy nào lỗi nặng tỏ tường bề ngoài về cách ăn thói ở, hoặc tà dâm, gian đảng, hay là chẳng vưng lời Bề Trên trong việc đại sự, hoặc rượu chè cờ bạc, buôn bán, cùng lo việc kiện cáo mà kiếm chác, thì Bề Trên sẽ đuổi về.

 94. Hoặc có người mới rủi làm vậy, mà Bề Trên còn trông đái tội lập công, Người đổi đi cho được sửa mình lại, sự ấy mặc lượng nhơn từ Người.

 
95. Hễ Thầy nào bị đuổi thì mất phần thưởng mất bằng cấp, ra dân phàm, sau có phép Đức Giám Mục cho mới được làm chức việc họ.

 
96. Kẻ nào không ra gì mấy, Bề Trên cho về theo khoản 91, thì khỏi các hình phạt ấy. Còn những kẻ bị đuổi sẽ phải phạt nặng hơn hay là nhẹ hơn mặc đòi việc mình đã lỗi, và mặc lượng khoan nhơn Bề Trên.

 
97. Hễ Thầy nào phải đuổi thì Bề Trên sẽ lấy lòng thương mà liệu cho Thầy ấy khỏi mất tiếng, nhưng mà nếu sợ thiệt hại đến đâu thì sẽ bảo cho đó biết.

 
98. Bề trên có sổ riêng cho biết mỗi Thầy vào năm nào ra năm nào.

 99. Đương còn giúp việc chung, chẳng nên sửa soạn việc lo đôi bạn, nhứt là lo trong địa phận mình đang giúp; ai lỗi đều ấy, Bề Trên đổi đi tức thì.

 
100. Kẻ đã thôi giúp việc muốn lo đôi bạn trong địa phận mình giúp sau hết, thì phải đợi ba tháng đã, và cậy Cha địa phận ấy xin phép Đức Cha; ai không cứ như vậy sẽ phải phạt như kẻ bị đuổi vậy.

 101. Kẻ bị đuổi chẳng khi nào được phép lo đôi bạn trong địa phận mình giúp sau hết.

 
102. Còn những Thầy tử tế đã thôi, nhứt là những Thầy cô thế, thường Bề Trên cũng sẽ cho phép lo đôi bạn trong địa phận mình đã giúp sau hết.

 
103. Khi có thể liệu được, các Cha sẽ sẵn lòng lo giùm, nhứt là cho những Thầy cô độc, hay là đã có công với mình.

 
104. Hễ Nhà Chung đã tính cho các Thầy thôi giúp đủ các đều đã nói trước, theo lẽ công chẳng còn buộc đều gì với nhau nữa; nhưng mà các Thầy cũng phải nhớ mình đã có ơn nghĩa riêng với Nhà Chung, nên chẳng những là phải giữ Đạo cho trọn bề luôn, mà lại khi có việc trong địa phận, mình có thể giúp được, dầu không buộc, thì cũng phải sẵn lòng giúp. Lại Cha địa phận đặng phép lấy của họ hay là của Chầu nhưng mà cấp phát cho tùy công xứng việc.

 
105. Thầy giúp có qua đời, thì Cha bổn sở sẽ thưa Đức Cha, hầu cố giữ việc chạy thơ cho các Cha bảo các Thầy ấy một lần. Còn trong địa phận Thầy ấy giúp, mỗi họ phải cầu ba lễ. Lại Nhà Chung phải xin ba lễ: một lễ tại quê hương, còn hai lễ trong địa phận Thầy ấy qua đời.

 
Quicumque hanc regulam secuti fuerint, pax super illos et misericordia (Gal. VI. 16)

 
Tại Làng Sông ngày lễ ông thánh Phaolô

29 Juin 1899.
 FRANCISCUS XAVERIUS KỶ
EP. HIEROC ESARIENSIS V.AP

IMPRIMATUR
A.M.PIAZZOLI,EPISC. TITUL. CLAZOMENSIS;
ET VICARIUS APOST. HONGKONENSIS
HongKong, die 12 Julii 1899.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét