CÙ LAO CHÀM - MỘT THỜI VANG BÓNG.
NƠI CỬ HÀNH THÁNH LỄ ĐẦU TIÊN
TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM MÙA HÈ 1555.
Từ khi khám phá ra quy luật Châu Á gió mùa, sự vận hành của các vì sao, la bàn, kinh tuyến, vĩ tuyến, và cách điều khiển các cánh buồm, ngành hàng hải đã phát triển nhanh chóng. Các thuyền buồm bắt đầu rời bến cảng để đi xa hơn, lâu hơn. Các thủy thủ khám phá những vùng đất mới; họ gặp gở, trao đổi thông tin kinh nghiệm với những người khác màu da, tập quán, ngôn ngữ và cứ thế, một con đường hải hành xuyên suốt từ Vịnh Péc Xích đến Nhật Bản đã được thành hình. Ngày nay, lộ trình nầy được gọi là Con đường Tơ lụa trên biển, song song với con đường tơ lụa trên đất, nối liền Âu Châu với Á Châu. Qua chuyện Ngàn lẻ một đêm, nàng Scheherazade kể lại những truyền thuyết nữa hư nữa thật, có lẻ bắt nguồn từ chuyện kể của những thủy thủ gan dạ phiêu lưu trên các vùng biển Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương ngày nay. Thuyền của họ vượt qua eo biển Malacca, tiến vào vùng Á Đông xa xôi, mãi tận đến Đế quốc vĩ đại Trung Quốc, hoặc Đất nước Thái Dương thần nữ, hay phiêu bạt trên các hòn đảo vùng Indonesia và Philipppin. Ngược lại các thủy thủ Trung Hoa xuôi về miền Nam cũng mang lại những truyện kể kỳ thú về những vùng đất lạ, những đảo Bồng Lai, những con vật kỳ dị như con vật có cặp ngà to lớn, con vật dữ tợn có bờm nhe nanh…phải chăng là con LEO ( tiếng La Tinh) tức lion, sư tử mà họ đã gặp thấy ở vùng đất phía Nam. Trở về nhà họ mô tả lại con vật đó để rồi các nghệ sĩ tưởng tượng “thêm mắm giặm muối” thành con LÂN huyền thoại. Qua các chuyến đi, họ cũng mang về bao của ngon vật lạ, nào là những viên ngọc to lớn nhiều màu sắc, nào là hạt trai, san hô, vàng bạc; thêm vào đó trầm hương, kỳ nam, gỗ quý; nào là hạt tiêu, quế, sừng tê giác, yến sào, tơ lụa, sơn mài… Nơi nào kinh doanh hái ra tiền là có chết người ta cũng chẳng ngại. Mãi đến nay…tiền vẵn là “ Tiên là Phật” mà!
Cứ thế dần dần, các thuyền trưởng nắm vững các lộ trình, hướng đi, bến cảng, thời gian xuất hành, những vùng biển nguy hiểm…Họ có những hoa tiêu ( pilote), hướng lộ chuyên môn, kinh nghiệm giúp đở, kèm theo đó là những dụng cụ hiện đại như la bàn, sau đó là các máy móc đo kinh tuyến, vĩ tuyến, đồng hồ cát v.v. Suốt thời Trung Cổ, cuộc giao thương từ Vùng Vịnh Á rập sang Trung Quốc rất nhộn nhịp. Các vương quốc nhỏ cũng tham gia tích cực vào công việc biển khơi nầy. Thủy thủ các tiểu vương quốc Ấn Độ, Mã Lai, Champa, Xiam, Giao Chỉ … tỏ ra không kém bản lỉnh.
Cho đến khi “ hơi đồng…tiền” bay sang tận Âu Châu, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vào thế kỷ 15 đã là những cường quốc hàng hải, quyết tâm tìm đường giao thương sang Châu Á. Họ là những người mở rộng “ tầm nhìn thế giới” từ lúc Christophe Colomb ( Kha Luân Bố) tìm ra Mỹ Châu mà cứ tưởng đến Ấn Độ thuộc Á Châu. Khi Vasco de Gama vượt Mũi Bảo tố ( cap des Tempêtes) mà ngày nay là Cape Hope ( Mũi Hảo Vọng) tiến về Ấn Độ Dương năm 1498. Lúc Magellan vòng quanh địa cầu bằng thuyền buồm đến Philippin vào năm 1519-21 thì “ thương trường là chiến trường” càng trở nên sôi động với bao cuộc chiến tranh, dành đất, dành thị trường, chế độ thực dân, chế độ nô lệ, hủy diệt văn hóa bản địa…càng trở nên khốc liệt.
Người Bồ Đào Nha tiếp thu kinh nghiệm hải hành của người A rập, Ấn Độ và Trung Hoa…tiến xa về phía Đông, vùng đất mà Đức Giáo Hoàng Alexandre thứ 6. đã chia phần cho họ và nước Tây Ban Nha qua Hòa ước. Tordesillas 1493.
Đến năm 1513 , thuyền buồm của họ đã đến Trung Quốc và sau đó tới Nhật Bản.
MỘT VÀI BẢN ĐỒ THẾ KỶ 16.
Hải trình nầy buộc phải đi qua Cù lao Chàm trước kia thuộc Vương quốc Champa, nhưng từ thế kỷ 15 lại thuộc Đại Việt và kể từ cuối thế kỷ 16, thuộc quyền cai trị của các Chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong. Họ dùng từ Cauchi Cina hay Cocin Cina (Giao chỉ bên Trung Hoa ) để phân biệt với Cochin India (Cochin bên Ấn Độ). Hai từ nầy không có “ xơ múi” gì với từ “thuộc về ” để dân ta phải sợ mang ý nghĩa từ Bắc thuộc. Cuba gần Hoa Kỳ để phân biệt một Kuba gần một nước Phi Châu nào đó là chuyện bình thường! “Văng cu vơ” (Vancouver) của Mỹ phải phân biệt với Vancouver, Canada, như tôi đã có lần lầm lẩn, sau đó tiếc nuối vì không thăm được một người anh lớp trên khi mình có mặt tại Seatlle, rất gần, mà tưởng Vancouver thuộc Canada phải cần visa mới vào được (1996). Từ nay chúng ta nên viết rời hai từ nầy như thuở ban đầu cho khỏi lộn : Cocin China ( hiểu ngầm Giao Chỉ gần Trung Quốc) . Gần đâu có trùng nghĩa với lệ thuộc!
CAUCHIM CHINA ! GIAO CHỈ BÊN TRUNG QUỐC !
Trở lại Cù lao Chàm ( Poulo Champello).
Cù lao bắt nguồn từ Poulo , tiếng Mã Lai là hòn đảo. Cù lao Chàm cùng với Cù lao Côn Đảo ( Poulo Condor) là những điểm dừng quan trọng trên hải trình Đông Tây.
Xem lại các chuyện kể cũng như các bản đồ hàng hải các thế kỷ qua , hai hòn đảo nầy luôn được ghi chú cẩn thận. Giáo sư Pierre-Yves Manguin trong tác phẩm quan trọng: Người Bồ Đào Nha tại duyên hải Việt Nam và Champa ( Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Champa, Paris 1972) ngoài các thông tin đặc biệt qua các trang viết, ông còn cho in ấn rất nhiều bản đồ cổ hải hành Đông Tây.
Từ xa xưa các thuyền trưởng và thủy thủ đã lưu ý đến các vùng đá ngầm và san hô của quần đảo Paracels ( Hoàng Sa) và Spartley (Trường Sa). Đi vào vùng biển đó mà gặp bão tố, tàu rất dễ tan vỡ và nếu sống sót cũng chẳng có ai cứu và tìm thấy thực phẩm. Trái lại họ biết rất rõ lộ trình dọc duyên hải Champa và Đại Việt với những lạch nước sâu, nhiều cảng sông biển có thể trú ẩn khi gặp giông bão, nơi có nhiều dân cư sinh sống, giúp đở khi cần thiết hoặc cung cấp nước ngọt, thực phẩm và chất đốt như củi, than.
HẢI TRÌNH MALACCA, MACAU QUA CÙ LAO CHÀM
THEO GIAO SƯ PIERRE-YVES MANGUIN.
Nếu đi từ phía Nam lên phía Bắc, tức từ Malacca, các thuyền buồm hướng đến Côn Đảo rồi tiếp tục hướng Tây Bắc áp sát vùng biển từ Vũng Tàu đến Touron (Đà Nẵng). Núi Đá Bia ( Varella, Vũng Rô) là một địa điểm mà ngoài khơi rất dễ thấy . Họ tiếp tục qua các đảo Cambir ( Cù lao Xanh), rồi Falso Campello ( Cù lao Chàm Giả, tức Cù Lao Ré) ngày nay gọi là Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, để tiến về Cù lao Chàm thật. Tại đây họ lấy nước ngọt, thực phẩm, mua hàng hóa rồi quay mũi thuyền về hướng Đông Bắc đi Macau.
NÚI ĐÁ BIA ( VARELLA) NHÌN TỪ PHÍA BIỂN.
NÚI ĐÁ BIA NHÌN TỪ ĐÈO CẢ. KHỐI HOA CƯƠNG TRÊN 70 MÉT.
NGUỒN INTERNET.
Con đường ngược lại tức đi từ Macau về miền Nam, thuyền trực chỉ hướng Tây Nam đến Cù lao Chàm rồi chuyển sang Đông Nam để đi Malacca.
Củi, than tốt là nhiên liệu không thể thiếu để đun nấu suốt cuộc hành trình dài ngày nên tại Hội An hình thành Sài Thị , Sài Giang, Gò sài…có nghĩa bình dân là Chợ Củi, sông Củi, gò chất củi…Danh xưng Hội An xưa phải chăng do từ Tsaifoo ( Sài phố, phố củi ???) mà người Bồ tiếp thu “ ba chớp ba nháng” từ lối phát âm người Hoa để trở thành Faifoo; cũng như từ Thủ Hàn ( phòng thủ Cửa Hàn, Đà Nẵng) biến thành tiếng Bồ Touron?? Một giả thuyết xem ra hữu lý.
Trong tác phẩm quí giá trên, giáo sư Yves Manguin đã sưu tập nhiều bản hướng dẫn hải hành tại vùng đất nầy trong đó nổi bật vai trò của Cù Lao Chàm: Pullo Champellor. Trên các bản tường trình, linh mục Critophoro Borri ghi là Pullu Ciambello; Mendes Pinto ghi là Chapeloo hoặc Champalo; Linschoten viết Pullo Campello. Trên các bản đồ cổ Bồ Đào Nha các tác giả ghi chú về Cù lao Chàm bằng nhiều tên khác. Bản đồ do Diogo Ribeiro vẽ năm 1529 ghi Po Campelio ; bản đồ do A, Gaspar Viegas vào năm 1577 ghi Pulo Chapalo; bản đồ tác giả vô danh năm 1540 ghi São Pedro (Thánh Phêrô) có lẻ tác giả nghe âm Campello từa tựa San Pedro (thánh Phêrô); một tác giả vô danh khác ghi Pullo São Pello; bản đồ của B. Velho, 1560 lại ghi Pulo Capele.
Người Trong Hoa gọi vùng đất nầy Tchan-pu-lo ( Chiêm cù lao) Thời Minh gọi là Tchan-pi-lo ( Tiêm ( Chiêm) bút lao) hay Tiêm Bích La theo kiểu nói của Hòa thượng Thích Đại Sán trong Hải ngoại ký sự, cuối thế kỷ 17.
Một trong các sách hải hành ghi về Cù Lao Chàm như sau:
“Khi hướng theo NW ( Tây Bắc ) , bạn ở cách bờ biển 4 đến 5 dặm. Gồm nhiều bải cát. Cù lao Champellor khá cao , và về phía có đất liền, có 3 hay 4 hòn đảo. Bạn hãy neo (thuyền) giữa các hòn đảo nầy và đảo có một vùng cát; đó là nơi đậu thuyền của hòn đảo mà bạn có thể lấy nước ( ngọt); độ sâu giữa hòn đảo và đất liền khoảng từ 10 đến 12 sải tay.”
VỊNH TÂN HIỆP, CÙ LAO CHÀM NGÀY NAY.
Các tác giả đồng thanh xác nhận đó là vịnh Tân Hiệp ngày nay. Con suối xưa và những khối đá vẫn còn đó.
Năm 1993, lần đầu tiên tôi có dịp thăm Cù lao Chàm, tàu biên phòng phát xuất từ Đà Nẵng. Trước đây, việc nầy khó có thể thực hiện vì còn rất nhiều người vượt biên, nên một linh mục như tôi không dễ có mặt nơi hòn đảo đó.
Cù lao Chàm khi ấy không có nhiều dân và nhà cửa thưa thớt. Các con đường cát lún hoặc lởm chởm đá nối liền các khu xóm. Âu thuyền đang được thi công. Chưa ai nghĩ gì đến du lịch.
Lần nầy tôi rất ngạc nhiên khi đến bến tàu du lịch Cửa Đại, Hội An, thấy có nhiều loại ca nô hiện đại, sạch đẹp xếp hàng ngay ngắn.
CA NÔ DU LỊCH VƯỢT SÓNG.
Chúng tôi xuống một chiếc “ ho bo” và mang phao cứu hộ. Máy Yamaha công xuất mạnh mới tinh rồ lên và ca nô chồm lên rẻ sóng lướt tới. Thật thú vị. Nhưng rồi sau đó chúng tôi bị nhồi lên, rớt xuống khi ca nô vượt qua những đợt sóng tràn vào Cửa Đại. Mát xa miễn phí. Tôi nghĩ như vậy. Thông thường tàu đò phải mất cả tiếng đồng hồ mới đến Cù lao Chàm nhưng với loại ca nô nầy, chỉ trong vòng nữa tiếng đồng hồ , chúng tôi đã có mặt tại cảng Tân Hiệp.
Khi ca nô áp sát kè cảng, tôi mường tượng lại ngày xưa các thuyền Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha…cũng đã bỏ neo chốn nầy trong niềm vui của thủy thủ và hành khách.
Người Bồ Đào Nha đầu tiên được sử sách ghi chép đến Cù Lao Chàm là Fernão Peres de Andrade vào năm 1516. Sau đó là Duarte Coelho năm 1523. Ông nầy có dựng một Padrão, bia hình Thánh giá tại đây. Vào năm 1540 Fernão Mendes Pinto cũng đã đến nơi nầy. Ông là tác giả cuốn sách bán chạy nhất (bestseller) xuất bản năm 1614, sau khi ông đã qua đời , cuốn Peregrinaciao (Du hành) trong đó ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trên các vùng biển Á Đông. Trước đó ông có thời gian ngắn vào nhà tập Dòng Tên. Năm 1555, ông trở lại Cù lao Chàm và cho biết thấy tấm bia của Duarte Coelho. Theo giáo sư Yves Manguin, trong một bức thư viết ngày 29 tháng 11 năm 1555 từ Malacca gửi cho Linh mục Viện trưởng Dòng Tên tại Goa, Ấn Độ, ông đã viết:
“…ngày lễ thánh Gioan ( Baotixita) là ngày 24 ( năm 1555), chúng con trẩy đi Trung Quốc (…)chúng con đã đi đến một hòn đảo gọi là Pulo Champalo ( Cù lao Chàm) nơi mà cha ( linh mục) đã dâng lễ gần những tảng đá nơi thấy có khắc trong đá một cây thánh giá và vài chữ xác định chúng đã được khắc 32 năm trước đó, và theo lời nói của vài người là do ông Duarte Coelho nào đó đã viết”.
NHỮNG TẢNG ĐÁ, SUỐI NƯỚC NGỌT, BẢI CÁT VẪN CÒN ĐÓ TẠI TÂN HIỆP.
Ngoài ra có thêm chi tiết “ một cây thánh giá khá đẹp, đưới khắc trên một bia đá cao, với 4 chữ đầu, và ở dưới chân, có ghi con số năm 1518 và sáu chữ viết tắt Duarte Coelho”.
Năm 1949 G. Petri trong bài viết Thuyền buồm Đông Dương (Voiliers d’Indocchine), ông đã đến đây và tìm kiếm cây Thánh giá mà Pinto đã ghi chép nhưng không thấy gì. Ông viết
“ Nơi lấy nước ngọt (aiguade) vẫn còn đó không xa làng nhỏ đánh cá Tân Hiệp, dưới cơn gió của đảo Lớn Chàm ( culao- Cham). Đây là điểm dừng quen thuộc của ghe bầu buông neo để lấy nước, và có lẻ cũng giống như xưa, người ta gặp tại đó hàng chục ghe nang đến từ Đà Nẵng…..nhiều tảng đá “ hê ma tít” ( hematite) nhô lên trên mặt biển, và chúng tôi đã luống công tìm kiếm cây Thánh giá khắc chạm xưa …”.
Về điều nầy thầy Jacinto de Deus trong tác phẩm Vergel de plantes viết năm 1690 cũng có ghi
“người Bồ Đào Nha đầu tiên khám phá ra Vương quốc Đàng Trong ( Cauci China) là ông Duarte de Coelho, 18 năm sau khi chúng tôi đến Ấn Độ, ông có để lại một padrão với một thánh giá có ngày tháng và tên người phát hiện để ghi nhớ sự khám phá nầy”.
Hai lần đến Cù lao Chàm và lại nhớ đến cây Thánh giá tại nơi nầy nhưng tôi ít còn hy vọng thấy . Có thể đó không phải là một hình Thánh giá đục khắc trên đá mà chỉ là một trụ đá hình Thánh giá mà người Bồ Đào Nha thường dựng tại các hòn đảo, các miền đất mà họ cho là vô chủ để xác nhận chủ quyền của người tới trước. Nếu quả vậy thì trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc…trên các đại dương, các nước nầy không thể để bia đá ở nguyên tại chỗ. Chắc nó còn nằm đâu đó dưới làn cát mịn hoặc bị chôn chặt trong rạng san hô Cù lào Chàm!
MỘT PADRÃO, BIA CHỦ QUYỀN BỒ ĐÀO NHA.
Trước đây, tại eo Tân Hiệp cũng có một nhà thờ Tin Lành, gọi là nhà thờ ông Bảo, nay là một cái chợ. Số người công giáo rất ít, thường họ về đất liền để sinh sống , tiện việc giữ đạo.
Trời bắt đầu nổi gió, tôi rời Cù lao Chàm trong những ý nghĩ miên man , xưa và nay lẫn lộn.
Tại sao các cha dòng chiêm niệm không đến địa điểm nầy cũng như Côn Đảo để tu trì như các thầy khất sĩ Phật Giáo đang hiện diện ở đây nhỉ? Mang tiếng là linh mục quản xứ Hội An trong đó có Cù lao Chàm, nhưng chưa làm được gì… tôi cảm thấy “chưa làm tròn trách nhiệm “ với một địa điểm nơi mà thánh lễ đầu tiên tại đất Việt đã được cử hành, mùa hè năm 1555.
Hiện nay Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tại sao chỉ là sinh quyển thế giới mà thôi?
Cù lao Chàm rất xứng đáng là Di sản lịch sử và văn hóa thế giới nữa.
Tôi hy vọng với sự đổi mới của đất nước, một ngày nào đó, giáo dân toàn cầu cũng sẽ đến hòn đảo xinh đẹp mang tên Cù lao Chàm. Nơi đó ngoài các chùa chiền, cũng sẽ có một nhà thờ, họ sẽ cầu nguyện và dâng thánh lễ bình thường như bao nhiêu nơi khác trên thế giới
Hội An ngày 10 tháng 4 năm 2011.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét