Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Vài nét về nhà Rông dân tộc Ba Na ở Kon Tum


Kon Tum là vùng đất có di sản văn hoá rất phong phú, ngoài những điểm du lịch độc đáo ra còn có những mái nhà rông mang màu sắc huyển bí nằm hài hoà với từng bản làng mang đậm nét hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ở đây chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhà rông đã hiện hữu gần 100 năm tuổi, trải qua bao mưa nắng và sự khốc liệt của chiến tranh, mái nhà rông của người đồng bào thiểu số luôn là biểu tượng cho ý chí, niềm tin và sức mạnh trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Đối với tộc người Ba Na, nhà rông là sản phẩm văn hoá vô giá, là biểu tượng niềm tự hào của họ. Kon Tum được coi là quê hương của nhà rông vì ở đó hội tụ sức mạnh cộng đồng, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian.
Mừng nhà Rông mới - Ảnh: D.Nương.

Trở về quá khứ, theo phong tục cổ truyền của dân tộc Ba Na, lúc bắt đầu xây dựng, già làng thông báo quyết định làm nhà rông cho tất cả thành viên trong làng được biết trước một năm để tập trung dân làng và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yàng như để xin phép cho làng thực hiện. Lễ cúng Yàng bắt buộc phải có máu của ba con vật để hiến tế đó là heo, gà, dê và được bỏ vào ống lồ ô để cúng tế, mục đích của công việc này có ý nghĩa rất linh thiêng: Máu dê để trừ tà, máu heo thể hiện cho sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, còn máu gà thể hiện cho sự thành công trong mọi việc xây dựng, nói chung tất cả đều muốn đem lại sự bình yên cho buôn làng. Trong quá trình tổ chức xây dựng nhà rông của làng được thực hiện theo tinh thần dân chủ, tự nguyện, không khiên cưỡng, áp đặt nhưng bắt buộc mọi thành viên trong làng phải đóng góp bằng nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng hộ trong làng, người khá hơn thì đóng góp của, người không có thì góp công trong mọi việc của già làng đưa ra, và dĩ nhiên già làng phải là người có uy tín, có trí nhớ tốt và phải am hiểu về nhà rông của dân tộc mình.
 
Công việc đầu tiên đó là chọn địa điểm (thường là trung tâm của làng), già làng đảm nhận việc “nghiên cứu mẫu” và đưa ra quyết định cuối cùng, già làng cũng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mĩ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh lo việc cắt, vận chuyển gỗ, chọn những cây gỗ cứng và có khả năng không bị mối mọt (thường là gỗ càchit), những thanh niên này được chia ra thành nhóm, phân công tìm tre nứa, song mây... Những người già hơn phụ trách từng mảng riêng như đục đẽo kết cấu, tạo thẩm mĩ,.. những người này thường phải có kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà. Một việc bắt buộc đó là mỗi gia đình trong làng phải đóng góp đủ 01 bó tranh lớn ngay cả hộ của già làng cũng không ngoại lệ, việc này thường giao cho những người phụ nữ đảm nhiệm. Khi vật liệu đã đầy đủ dân làng bắt tay vào việc xây dựng từ lúc mặt trời mọc, nhà rông có thể làm ròng rã nhiều tháng nhưng 8 trụ lớn chính phải được hoàn tất trong ngày đầu, điều này thể hiện sự thành công may mắn cho công đoạn tiếp theo. Sau đó là việc làm khung, lên đòn tay, dàn giáo, rui, mè, lợp tranh, hầu hết là được buộc bằng dây mây rất vững chắc... mọi công việc phải trôi chảy và thông suốt do những bàn tay vạm vỡ của trai tráng và sự điều hành sáng suốt, tài giỏi của già làng. Thông thường một nhà rông truyền thống (cụ thể là rông làng Kon Gung - xã Đăk Ma - Huyện Đăk Hà) thường mất trên 1.175 cây gỗ các loại, chu vi từ 89cm đến 110cm, cây dàn dọc dài từ 10 - 12m và đường kính từ 10 - 15cm, sử dụng hơn 1.120 sợi dây mây, 1.554 tấm tranh (theo số liệu trong cuốn “nhà rông Bắc Tây Nguyên năm 1999”), tùy thuộc vào điều kiện và nhân lực của mỗi làng có thể hoàn thành từ 5 - 8 tháng ròng. Điều rất đặc trưng của người dân Banar trong xây dựng nhà rông là họ luôn làm việc tập thể, công việc hết thảy phải chia đều dưới sự sắp xếp của già làng, tuy nhiên công việc lao động sản xuất của gia đình vẫn phải đảm bảo không bị ảnh hưởng, họ tập trung làm hai ngày thì một ngày nghỉ để lo việc nương rẫy. Lễ mừng nhà rông mới được tổ chức trong 3 ngày liền sau khi dựng xong, dân làng xem như là ngày hội lớn mà tất cả những thành viên làm ăn nơi khác cũng phải về dự để tận hưởng niềm vui của cộng đồng của mình, họ làm cây nêu tổ chức lễ đâm trâu, uống rượu cần, nhảy múa và tấu cồng chiêng để ăn mừng trong niềm vui khôn tả.
Mặt cắt nhà rông Ba Na - bản vẽ của người Pháp trước đây.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum tổng cộng có 625 làng đồng bào các dân tộc thiểu số đủ các nhóm khác nhau và có trên 505 mái nhà rông lớn nhỏ, dân tộc Ba Na ở Kon Tum có khoảng 43 nhà rông và kiểu dáng cũng khá riêng biệt, gồm các nhóm: Ba Na B’nâm (khu vực huyện Kon Plông) nhà rông có chiều ngang tương đối rộng, góc nhọn ở hai mái xiên dài tạo cảm giác hơi nặng nề, làm giảm đi thế vươn lên của nó. Nhà người Ba Na Jơlơng (phía Đông TP Kon Tum) trên mái hai cạnh xiên ở đầu hồi lại là đường thẳng cho nên mất đi vẻ hiên ngang, nhà rông Ba Na Rơngao (nằm quanh khu vực sông Đăk Bla) lại khác, đặc biệt nhóm dân tộc này có mái nhà rông hoành tráng hơn cả, thiết kế mái cao (rôông tơ-jung) độc đáo và rất đồ sộ, khung được kết cấu theo kỹ thuật rường-cột, chúng được liên kết 3 chiều giữa hàng cột đứng với xà ngang và xà dọc, không có liên kết kèo ở ngay đầu cột. Trong số nhà rông Ba Na Rơngao lâu đời ở Kon Tum, hiện nhà rông làng Konrơbàng (xã Vinh Quang - TP Kon Tum) thuộc diện cổ nhất tại Tây Nguyên, được xây dựng năm 1930, tuy nhiên cũng đã phải trải qua 6 lần tu sửa vì bị xuống cấp theo thời gian, năm 2003 ngôi nhà rông này được “nhân bản” dựng lại trong khuôn viên Bảo tàng dân tộc học Hà Nội do 29 nghệ nhân của làng trực tiếp dựng, nhà có chiều cao 19m, sàn nhà gần 3m với 8 cây cột gỗ có đường kính 60cm và những cây xà dài 14-15m gần như kích thước của nhà rông mẫu, đó là niềm tự hào của người Kon Tum nói chung và người Ba Na nói riêng.
Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố của xã hội, nhà rông Ba Na-Kon Tum luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng vì ở đó tập hợp một bộ máy quản lý, là nơi đào tạo và giáo dục thế hệ kế thừa của dân làng đặc biệt là nơi phát huy truyền thống và tín ngưỡng dân gian của người dân bản địa.
Thế Phiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét