Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Tục kết nghĩa của người Ba Na ở Kon Tum


Tục kết nghĩa làm cha con, mẹ con hay anh em, chị em của người Ba Na ở Kon Tum là một tập tục đẹp, phổ biến, có ý nghĩa giáo dục tình đòan kết từ rất lâu đời, được người dân trân trọng giữ gìn và lưu truyền từ xưa đến nay. Tập tục này, không những được tổ chức trong phạm vi giữa tộc người Ba Na mà được kết nghĩa với bất cứ dân tộc anh em nào, miễn là họ thấy quý mến, tin tưởng… nên mong muốn được cùng nhau gắn kết sâu đậm hơn để có thể giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ảnh minh họa
Phong tục cùng nhau kết nghĩa làm cha con, mẹ con hay anh em, chị em rất được phổ biến hầu khắp các buôn làng của người Ba Na. Lễ kết nghĩa làm cha con, mẹ con còn được gọi là Lễ bú vú hay là Lễ uống mừng trở thành cha con, mẹ con hay anh em, chị em. Tùy vào độ tuổi mà tự phân vai vế, xưng hô cho phải phép.
 
Việc để hai người dưng khác họ, khác làng, khác dân tộc quyết định kết nghĩa thành những người thân như ruột thịt, thường theo một số trường hợp sau: Người muốn kết nghĩa hàm ơn về người khác tộc đã giúp đỡ mình vượt qua hoạn nạn như ốm đau, nghèo khó; Người muốn kết nghĩa thấy ngưỡng mộ, tin tưởng, quý mến đối với người khác tộc và thường thấy người này xuất hiện trong giấc mơ của mình nhiều lần nên nghĩ đó là người thân của mình từ kiếp trước; Hai người cùng dân tộc trùng tên với nhau nên họ nghĩ họ vốn là anh em hay có duyên với nhau (Người Ba Na không bao giờ đặt tên trùng nhau trong một dòng tộc hay cộng đồng).
 
Để được người kia đồng ý kết nghĩa với mình, họ phải nhờ người có uy tín (Ông mai) dò hỏi ý kiến trước. Nếu người kia đồng ý thì họ sẽ tiến hành chuẩn bị làm Lễ uống mừng. Trong lễ này bắt buộc phải có heo, gà và rượu.
 
Đối với lễ nhận làm cha con, mẹ con thì người con sẽ mang lễ vật đến nhà cha, mẹ để làm lễ trong sự chứng kiến của người đã làm môi giới và bà con hai bên gia đình. Lễ vật thông thường là gà, rượu cần và một con heo (lớn nhỏ tùy kinh tế gia đình) để làm lễ ra mắt cha, mẹ.
 
Nghi lễ được diễn ra khá long trọng và mang ý nghĩa rất sâu sắc: Sau khi làm thịt heo, gà, người Ba Na lấy huyết pha với rượu cần. Người cha hay mẹ mình trần ra đứng ở một vị trí thuận lợi. Trước sự chứng kiến của hai bên gia đình, Ông mai sẽ cầm lấy nhánh lá rừng chấm vào rượu có pha huyết rồi vẩy nhẹ từ trên vai xuống ngực, vừa vẩy rượu vừa khấn các Yàng, ông bà tổ tiên về chứng giám và xin cho cha con hay mẹ con từ nay về sau ăn ở hòa thuận với nhau, ai sai lời sẽ bị các Yàng trừng phạt... Trong lúc ấy người con há miệng dưới vú của người mẹ hoặc cha hớp lấy dòng nước chảy xuống và người mẹ, cha lấy hai tay đỡ lấy cổ người con. Làm như vậy với ý nghĩa là người con đã bú sữa mẹ hoặc cha tức là đã như cha con, mẹ con ruột thịt.
 
Nghi thức kết thúc, họ cùng đưa nhau đến bên ghè rượu đã chuẩn bị sẵn, lấy gan gà, heo làm lễ và cùng khấn Thần sông, Thần sấm sét, Thần cây, Thần đá, Thần núi… xuống uống rượu, ăn gan gà, heo và nâng đỡ, coi ngó việc họ kết nghĩa làm cha con, mẹ con; Ban cho họ sức khỏe sống lâu và mối quan hệ này được lưu giữ đến đời con cháu của gia đình hai bên không được gây gổ, kiện cáo. Nếu hai bên gia đình có việc hệ trọng thì cùng chung tay vào giúp đỡ. Nếu có người nào xúc phạm hoặc bắt nạt người kết nghĩa của mình, có nghĩa là người đó cũng đang xúc phạm đến mình và ngược lại.
 
Sau khi ăn uống vui vẻ, người con trở về nhà và một thời gian sau cha, mẹ sẽ mang heo, gà, rượu… gần giống như lễ của người con hoặc hơn sang nhà con để ăn uống chứ không làm lễ nữa và lần này cha, mẹ sẽ có một phần quà tặng cho con mình làm kỉ niệm, thông thường là chiêng, ché hoặc vật nuôi.
 
Còn đối với Lễ kết nghĩa của anh em, chị em thì không làm nghi thức bú vú như trên mà sau khi chọn được ngày tốt, bên chủ động kết nghĩa sẽ mang gà và rượu đến nhà người được kết nghĩa và người được kết nghĩa cũng chuẩn bị một con gà. Ngày ăn thề này cũng phải có đủ mặt hai bên gia đình và người làm chứng là Ông mai đến chứng kiến. Khi lễ vật đã được sẵn sàng, Ông mai sẽ trao cho mỗi người một cần rượu và một đùi gà (đùi gà của người này thì giao lẫn cho người kia). Hai người cùng làm lễ và khấn Thần linh chứng giám tương tự như lời khấn làm cha con, mẹ con.
 
Từ sau buổi lễ đó, cha con, mẹ con hoặc anh em, chị em coi nhau như ruột thịt và hai bên đối đãi với ba mẹ, anh chị em… của người cùng mình kết nghĩa như cha mẹ, anh chị em… của mình vậy.
 
Tường Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét