Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Các Lễ hội liên quan đến vòng đời cây lúa của người Ba Na


Người Ba Na hay các dân tộc ít người khác trên Tây Nguyên tổ chức rất nhiều lễ hội. Tuy khác nhau về quy mô hay phương thức biểu hiện nhưng tất cả đều có cùng một tính chất xã hội chung và đối tượng được diễn tả trong lễ hội là tất cả những cái có ý nghĩa quan trọng mà theo họ sẽ mang lại lợi ích nhất định cho cả cộng đồng… Vì vậy, từ bao đời nay việc tổ chức các lễ hội truyền thống liên quan đến chu kỳ sản xuất lúa rẫy với mong ước mùa màng bội thu sẽ mang lại hạnh phúc là một phần việc quan trọng trong đời sống tâm linh luôn được cộng đồng làng giữ gìn và thực hiện nghiêm túc hằng năm.

Một lễ cúng Yàng - cầu mong được mùa màng bội thu, dân làng hạnh phúc - Ảnh minh họa, chụp lại tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
Sơmăh Kơcham (Lễ mở đầu cho một mùa sản xuất mới): Lễ hội này được người Ba Na tiến hành vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, khi cả làng sắp sửa bước vào một vụ sản xuất mới. Lễ vật là lợn, có khi là trâu. Lễ hội kéo dài một ngày một đêm. Trong lễ hội, dân làng thông báo cho các vị thần linh biết những công việc sẽ làm trong năm, khấn cầu các vị trợ giúp để mọi việc được tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, cây trồng lớn nhanh, tốt tươi, không gặp thiên tai sâu bệnh; con người khỏe mạnh; chăn nuôi phát triển; mùa màng bội thu. 
Sơmăh gọ (Cúng nồi): Sau khi sửa lại nhà cũ, và chuẩn bị đi cuốc nương trồng trỉa, người Ba Na lại làm lễ Sơmăh gọ. Lễ được tiến hành trong một ngày, làm tại nhà riêng của từng gia đình, với lễ vật là một con gà, một ghè rượu. Mục đích của lễ là cầu mong các vị thần như Yàng gọ (thần trú trong nồi), Yàng ti Kơnưng (thần trú trong cây cột buộc đồ lễ), Yàng te (thần đất) giúp cho con người có sức khỏe, bảo vệ cho gia đình cuộc sống được vẹn toàn, làm ăn khấm khá; Nhất là khấn cho thần lúa nhớ đường về nhà, lúa không bị lép, không bị dịch bệnh tàn lụi, khi thu hoạch sẽ để được chật nhà…
 
Một lễ cúng Yàng được tổ chức tại gia đình riêng.
Ảnh minh họa, chụp lại tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
 
Sơmăh dak măt atâu (khấn nước mắt của hồn người chết): Người Ba Na cho rằng hồn của những người mới chết vẫn còn quẩn quanh nơi nghĩa trang. Khi mùa trồng trỉa đến sẽ nhớ đến việc nương rẫy, hồn về nhà. Hồn thấy trong nhà có những thay đổi, nghi ngờ, hồn đếm lại ngón tay chỉ thấy có 4 ngón biết là mình không còn là người nữa nên sẽ cất tiếng khóc. Tiếng khóc hồn rất dữ dội sẽ đánh thức Bok Kơiđơi (thường ngày vốn ngủ li bì). Khi Bok Kơiđơi tỉnh dậy thì sấm chớp sẽ nổi lên và thần sẽ cho mưa xuống. Vậy nên khi cơn mưa đầu tiên vừa dứt, cả làng bắt đầu lễ Sơmăh dak măt atâu. Vị trí cúng lễ là ở cổng vào khu nhà mồ. Lễ tiến hành trong một ngày với mục đích là cảm ơn hồn ma, ông bà đã chết đã làm cho Bok KơiđơiDạ Kôrké tỉnh giấc và làm cho mưa xuống để kịp vụ gieo trồng, đồng thời họ cũng cầu mong vụ mùa năm đó được mưa thuận gió hòa. Lễ còn là dịp để cầu an cho hồn các loại cây lương thực, cây ăn quả, gia súc không bị hồn ma bắt đem theo về nghĩa địa.
 
Sơmăh Zmul ba (khấn trồng trỉa lúa): Lễ được làm vào tháng 3 theo lịch của người Ba Na, nếu mưa thì tổ chức tại nhà, nắng thì tổ chức ngay tại rẫy. Lễ được tiến hành theo từng hộ gia đình và trong một ngày, đúng vào ngày đầu tiên toàn làng đi trỉa lúa rẫy. Mục đích lễ là thông báo cho các hồn tổ tiên của gia đình mình và các vị thần như Yàng Kông (thần núi), Yàng Đak (thần nước) biết về việc trồng trỉa lúa, cầu mong các vị trợ giúp để trong suốt quá trình sinh sôi, phát triển hạt lúa sẽ: “Không bị thối nghẹn hỏng nát, lỗ không cũng ra, lỗ tự nhiên cũng mọc, con cu đất không moi, kiến không tha đi, muốn bụi lúa ban ngày bằng bụi sả, ban đêm bằng cây đa, đừng để con sâu ăn, muốn có toàn hạt chắc mẩy, đổ đầy nhà, còn có để trút vào chái nhà…”.
 
Với suy nghĩ cây lúa là mẹ lúa và cũng có linh hồn nên người Tây Nguyên chỉ dùng tay chứ không dùng vật sắc để cắt vì sợ “lúa đau” - Ảnh minh họa.
 
Ming agăm (lễ gội rửa): Hằng năm, thông thường các làng sẽ tổ chức lễ này vào tháng 5. Địa điểm là ở bờ con suối trong làng hoặc trên rẫy. Người Ba Na cho rằng nên làm lễ này vì lỡ trong làng có sự vi phạm phong tục tập quán về quan hệ nam nữ thì hồn lúa sẽ bắt chước mà “xấu xí” theo khiến lúa sẽ bị sâu bệnh, lụi dần. Vì vậy, làm lễ Ming agăm là “gội rửa” những sự vi phạm phong tục đó.
 
Sơmăh Kwai (khấn triệu về): Trong quãng thời gian lúa cao chừng gang tay đến lúc chuẩn bị làm đòng. Thường là tháng 7, tháng 8 là chuẩn bị làm lễ. Lễ kéo dài hai ngày. Địa điểm là tại cổng làng hoặc trên con đường chính ra rẫy. Người ta tiến hành lễ để gọi, triệu hồn lúa, ngô…đang thất lạc, bị các vị thần như Bok Kơiđơi, Yàng Kông, Yàng Đak đang bắt giữ nên cần triệu về để nhờ Yàng ti Kơnưng bảo quản, giữ gìn thì mới phát triển tốt được.
 
Samơk (ăn lúa mới): Đây là lễ hội lớn được tổ chức 2-3 ngày, trong nhà rông. Trong thời gian này, những vạt lúa sớm trên nương rẫy đã bắt đầu chín tới. Đây là lễ hội tổ chức để ăn mừng khi bắt đầu bước vào một vụ thu hoạch mới, với mong ước là lúa những năm đó và những năm tiếp theo sẽ luôn tươi tốt, năng suất cao. Chính vì vậy mà dân làng sẽ giết lợn gà hiến tế, cầu mong cho các Yàng Kông, Yàng Đak không làm cho hồn lúa kinh sợ, để hồn lúa - cùng với hồn lúa là sự no đủ về với dân làng.
 
SơmăhKeh (lễ suốt lúa): Sau lễ hội Samơk, mỗi gia đình làm SơmăhKeh tại nhà hay trên rẫy để bắt đầu suốt lúa đại trà.
 
Sơmăh Teng amăng (lễ đóng cửa kho): khi gùi lúa cuối cùng được đổ vào kho, mỗi gia đình làm lễ đóng cửa kho lúa. Họ lấy cải giỏ suốt lúa úp lên ngọn đống lúa trong kho với hàm ý là hồn lúa nằm lại với lúa cho đến vụ sau.
 
Và sau khi mọi công việc đồng áng đã gọn gàng, người Ba Na sẽ tổ chức ăn tết hay còn gọi là lễ mừng lúa mới cho cả cộng đồng và là báo hiệu cho một mùa Ning Nơng (mùa ăn năm uống tháng) bắt đầu. Sau 3 tháng với những lễ cất nhà, sửa nhà, dựng (sửa) nhà rông, cúng bến nước, làm lễ bỏ mả, đám cưới, lễ thổi tai, lễ cầu bình an… Và khi thấy những giọt mưa bắt đầu rơi xuống là họ lại bắt đầu cho một chu kì trồng trỉa mới cùng với những lễ cúng nhằm cầu mong các thần đáp ứng, thõa mãn ý nguyện của con người./.
 
Tường Lam

(CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét