FX. Quang Thiện
|
Nhà Rông Tây Nguyên
Có lẽ đã xưa lắm rồi, trên rẻo đất Tây
nguyên của Tổ quốc Việt Nam, những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất của bà con dân
tộc, đều được hình thành nhờ kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên và bởi
những bước chân thăng trầm dày dạn nắng mưa sương gió của các bậc cao niên,
trưởng bối mà ngày nay ta gọi một cách trân trọng và trìu mến, ấy là các Già
Làng.
Sinh hoạt Già Làng Tây Nguyên
Các Già Làng không phải là thần linh, nhưng các Già Làng
luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Buôn làng nào có nhiều người
già, buôn làng ấy ắt giàu sang hơn, hùng mạnh hơn. Một buôn làng có thể thiếu
một vài chức danh với một vài vai trò, nhưng chức danh Già Làng, vai trò của
Già Làng thì không thể thiếu một ngày, mặc dù chức danh ấy chỉ hình thành cách
tự nhiên, không qua bất kỳ thủ tục bầu bán hành chính nào. Cũng như mỗi dàn
chiêng đều phải có chiêng cái, chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng, cái đi giai
điệu, cái cầm nhịp; những dàn chiêng lớn thì trống cái vừa giữ nhịp, vừa tôn
giai điệu, giữ cho sắc thái của giai điệu luôn luôn giàu sinh lực và đẹp về sắc
điệu, người ta thường ví Già Làng như một trống cái cầm trịch mọi sinh hoạt đời
sống văn hóa tinh thần của bà con buôn làng.
Già làng chơi đàn Pơ rang
Già Làng có cái tai nghe được cả dàn
chiêng, Già biết cái nào đúng, cái nào sai, cái nào lỡ nhịp tách đàn, và bằng
khả năng trực giác nhạy cảm, Già so chiêng điều chỉnh lại cả tiết tấu, nhịp
điệu lẫn cái hồn trong mỗi cái chiêng. Khi con cháu dựng nhà rông cho buôn làng
mình, “Hội Đồng Già Làng” đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Sự điều hành của
các Già Làng bên ché rượu cần rất quan trọng, rất chặt chẽ, chi tiết, và tỉ
mẩn. Các Già Làng rất thoải mái, không gượng ép gò bó bất kỳ ai, bất kỳ công
đoạn nào của công việc. Tất cả vì vẻ đẹp truyền thống của buôn làng ta. Ta
không thể thiếu được
ngôi nhà rông, nơi sinh hoạt văn hóa của
cộng đồng, cũng như trong các ngày lễ hội. Nếu không có Già Làng thì liệu có
thành lễ hội hay không?
Già làng Tây nguyên - Ảnh Google
Tối tối đến, trong những ngôi nhà sàn
bình yên bên bếp lửa hồng, những người già thường tới nhà Già Làng trò chuyện.
Già Làng là trung tâm đoàn kết, là kho báu kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm
ứng xử với thiên nhiên khi sấm sét, lũ lụt, khi mưa to, bão lớn, dịch bệnh, khi núi lở, sông cạn, khi có thú
dữ loạn rừng, khi hạn hán kéo dài…Già Làng chính là pho tư liệu luật tục ngàn
đời truyền lại, là cuốn từ điển bách khoa, giúp cho con cháu biết điều hay, lẽ
phải, biết cái đúng, cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với
người, giữa người với thiên nhiên.Bà cụ trăm tuổi của làng ta là niềm tự hào
chung của cả cộng đồng.
Già
làng Tây nguyên - Ảnh Google
Già Làng tồn tại là sự hiện diện của lòng kiêu hãnh của
buôn làng trước vị thần thời gian linh thiêng và huyền bí. Trong các bản trường
ca của các dân tộc Bahnar, Jrai, Êđê, Mơnông, Xêđăng, Giẻ Triêng, … thường xuất
hiện các tù trưởng là nữ, nhưng Già Làng vẫn là các vị đàn ông tài giỏi, thời
trai trẻ từng là những tay ném lao lừng danh, tay cầm rựa sắc bén, tay bắn ná
cự phách.
Già làng Tây nguyên - Ảnh của Đào Thọ
Già làng từ cổ xưa đã có nhiều quyền uy. Cái quyền uy không mang
chút xíu dấu ấn nào của quyền lực, cường quyền, mà là cái uy thiêng liêng được
xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng vì đức độ, uy danh lừng lẫy. Những tấm
thổ cẩm với muôn ngàn đường hoa văn rực rỡ lại được dệt nên bởi những bàn tay
chai sạn, khéo léo, cần cù mà Già Làng có thể chỉ ra cho ta hiểu ý nghĩa của
từng mỗi chi tiết hoa văn, mỗi đường tơ, mũi chỉ lên xuống trập trùng trong bức
tranh tuyệt vời ấy.
Trích từ " Đàn chim thiên báo"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét