Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

THỬ TÌM HIỂU TIẾNG VIỆT QUA MÓN "THỊT KHO TÀU" HAY "CÁ KHO TỘ"

                                                                 Nguyên Nguyên
                                                                     khoahocnet                                                                              




Triết gia lớn Plato và về sau rất nhiều triết gia khi bàn về khoa học thường cho rằng bất cứ một lý thuyết nào về khoa học sẽ bị rung rinh khi người ta khám phá một hai ngoại lệ mà lý thuyết đó không áp dụng được.
Nguyên lý, có thể nói căn bản này, nằm ngay giữa tất cả các ngành khoa học, nhất là khoa học về nhân văn (hay về đời sống, xã hội và con người). Sự thật, lý thuyết về khoa học, hay bất cứ một giả thuyết nào chúng ta đặt nên hằng ngày trong cuộc sống
, đều phải dựa trên một số tiền đề khá vững chắc, tức rất gần gũi sự thật theo với sự hiểu biết, còn nếu không thì sớm muộn gì nó cũng bị đào thải với thời gian. Thí dụ: ông A hôm nay đi làm về trễ. Nhà ông A không có điện thọai, bà xã ông A bắt đầu lo và trong đầu bắt đầu đặt lên một số giả thiết về chuyện ông A đi mần về trễ. Hay là anh ấy làm chưa xong việc. Hay là anh ấy gặp bạn rồi rủ nhau đi bia ôm. Hoặc anh ấy đã gặp tai nạn giao thông. Hoặc anh ấy đã có đào nhí,… Ta có thể thấy ngay, mỗi giả thiết đều dựa trên một số tiền đề mà nếu tiền đề không được chỉnh thì người đặt ra giả thiết sẽ tốn thì giờ vô ích. (Trong giả thiết ‘đi bia ôm’, tiền đề cố định phải là ông A là một dân thích uống bia, lúc nào trong túi cũng có tiền, có nhiều bạn cùng sở thích tương tự. Ông cũng trọng bạn như nể vợ và thường xuyên được bà xã cho phép la cà uống bia sau khi đi làm về như kiểu dân xứ Phù Tang, v.v. Nếu các tiền đề này hoàn toàn xa sự thật thì giả thiết ‘bia ôm’ không có cơ sở gì hết.)
Sau đây ta hãy thử tìm hiểu một vài tính chất của tiếng Việt, xưa nay ít được xem xét, qua chuyện đi tìm nguồn gốc của ý nghĩa món ăn ‘thịt kho tàu’ hay ‘cá kho tộ’ – trong khuôn khổ lý thuyết hỗn hợp ngôn ngữ.
Câu chuyện khá tầm thường nhưng lại ngộ nghĩnh này bắt nguồn từ các thứ i-meo hằng ngày trao đổi giữa các bạn bè thân hữu. Nhất là qua các bài báo gần đây trên mạng về món phở (http://t-van.net/?p=3871 // http://t-van.net/?p=3878). Dẫn đến một đề nghị rằng nếu muốn truy tầm âm chữ Phở ta có thể bắt đầu bằng món ngầu nạm phẩn tức hủ tíu bò kho, trong đó ngầu nạm rất có khả năng mang nghĩa tương đương là thịt bò nạm và như thế thì phẩn tương đương ngay với Phở (bánh phở). Tiếp theo, nếu dò các âm tương đương giữa các tiếng láng giềng (thường gọi nôm na là phương ngữ) với nhau – ta sẽ thấy âm phẩn (粉) trong tiếng Ngô Việt (Wu), điển hình là tiếng Thượng Hải, mang phát âm khá giống ‘phở’ trong tiếng Việt.
Một thân hữu (PQP) nhiều năm làm việc bên nước Trung, thấy vấn đề có vẻ ngộ và lạ, mới góp ý rằng chữ ‘tàu’ trong ‘thịt kho tàu’ có thể dựa vào âm [tau] của tiếng Phúc Kiến mang nghĩa ‘lạt’ (không mặn), tương phản với ‘tiêu’ như trong ‘thịt kho tiêu’. Góp ý này theo tiếp với đề nghị ‘sơ khởi’ là thử xem ‘tàu’ có liên hệ gì đến ‘tàu vị yểu’ (xì dầu) hay không. Hai giả thiết bỏ túi ‘kiểu mì ăn liền’ này đều dựa trên tiền đề liên hệ đến recipe, gia liệu và cách thức nấu ăn. Kiểm chứng với các tự điển tiếng Hoa trên mạng (thí dụ tự điển của CCDICT) cho thấy ngay âm Phúc Kiến (Mân Việt) mang nghĩa ‘lạt’ là [tam] chứ không phải [tau]. Và [tam] viết theo quốc ngữ chính là ‘đạm’ (淡), mang hoán chuyển thường thấy giữa [t] và [đ] (Mao Tse Tung & Mao Ze Dong// tả bỏng (Mường) & đá bóng). Một thân hữu khác (LQ) lưu ý rằng ‘thịt kho tàu’ theo chỗ ông biết được nấu theo kiểu dùng ‘base’ là nước đường thắng cho có màu nâu, chứ không phải ‘tàu vị yểu’. Như vậy không có gì khác nhau giữa ‘thịt kho tàu’ hay món ‘thịt kho’ mà các tiệm ăn ưa ‘chuyển ngữ’ sang tiếng Anh là món ‘caramel pork’. Tự nhiên chúng ta có thể thấy ngay là lý giải ngôn ngữ rất dễ bị lạc vào ngõ cụt, nếu ta dựa vào một thứ tiền đề nào đó. Như ở đây ta thích dựa vào recipe hoặc khẩu vị mà ta quen thuộc với món ăn. Một kiểu hơi khác là kiểu dễ dãi, tránh bớt suy luận lôi thôi thuộc vào trường phái ‘có thực mới vực được đạo’. Đó là ta cho ngay là ‘thịt kho tàu’ là thịt kho nấu theo kiểu … tàu.
Có cái gì lấn cấn mà ta thường dễ dãi lướt qua trong lối giải thích ‘thịt kho tàu’ là thịt kho theo kiểu tàu hay không? Muốn hiểu rõ kiểu lí luận dễ dãi này ta chỉ cần nhớ lại là: (a) cho đến khoảng thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20 di dân từ vùng đất này đến vùng đất khác hoàn toàn không cần hộ chiếu hay thị thực. Hộ chiếu lúc đó là tiếng nói hay có quen biết họ hàng với người địa phương hoặc màu da, thể chất không khác xa với người địa phương. Hộ chiếu kiểu này xem ra dễ nhưng thật ra rất khó bởi nó hạn chế ngay ‘di dân’ từ làng này sang làng kia. Nhưng hoàn toàn không có cấm đoán nếu ‘di dân’ tìm được một chỗ nào đất còn trống chưa có người ở hay canh tác. (b) phân biệt thức ăn kiểu Tàu hay kiểu Thái kiểu Nhật thật ra chỉ bắt đầu trong vòng một trăm năm trở lại đây thôi. Vào thời có cụm từ ‘thịt kho tàu’ rất có khả năng người ở ‘tỉnh’ này chưa chắc đã biết các món ăn người ở tỉnh khác. Thí dụ, ngày xưa không ai ở Vietnam có thể biết rằng mì ở Quảng Đông hoàn toàn khác với mì ở Thượng Hải hay ở Bắc Kinh. Món phở Bắc thì người Cà Mau không hề biết cho đến khoảng giữa thập niên 60. Món phở chua ở Lao Kay thì người Hà nội cũng chưa chắc biết cho mãi đến ngày nay. Món phở sốt vang rất có khả năng nhiều người ở Quảng Bình cũng không biết. Món cao lâu ở Hội An người Tây Ninh cũng chưa chắc biết. Người viết còn nhớ khi được đi Tokyo vào khoảng năm 1985, đến ăn khách nhà một người bạn Nhật, một ông cụ có vẻ rất ngạc nhiên khi biết người Việt cũng biết dùng đũa như họ. Và đặc biệt (c) chữ ‘tàu’ thường gọi ‘nôm na’ để chỉ cái gì dính dáng đến nước Trung hay người Hoa thật ra chỉ xuất hiện trong vòng vài thế kỷ trở lại đây thôi (xem Tự Điển Khai Trí Tiến Đức). Ngày trước người Việt thường gọi đó là nước Ngô/người Ngô (xem Thử Đọc Lại Truyền Thuyết Hùng Vương). Chính người Hoa họ cũng có nhiều từ để tự gọi họ: Hán, Đường (Thòong Dành: người Đường), Tần (Qin => Chine), Hoa, v.v..
Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là lý thuyết hỗn hợp ngôn ngữ mang một tiền đề khá mới lạ là mọi từ vựng đều chứa tải những ý nghĩa riêng – và đa phần biến chuyển theo ví phỏng trường – chứ không mang tính chất ‘trơ’ như những lí thuyết chính thống khác. Ngoài ra cái chìa khóa thường dùng trong việc phân tích từ nguyên chính là âm hoán chuyển qua lại giữa các tiếng láng giềng với nhau.
Lấy thí dụ bằng cách phân tích ‘tàu vị yểu’. ‘Tàu’ là âm Mân Việt (Phúc Kiến) của [dou] (豆) tiếng phổ thông, phát âm Việt là đậu và Quảng Đông (Yue) [dau]. ‘Vị’ rất có khả năng là âm Việt của 味 [wei] (Phổ Thông/Quan Thoại), [mui] Hẹ (mùi (Viet)), [bi] Phúc Kiến (byị – Nam). Để ý trước thời tiếng Phổ Thông phổ biến trên toàn nước Trung, nhiều phương ngữ ở khu vực Sơn Đông / tiếng Hẹ và phổ thông có hoán chuyển giữa âm đầu [w] và [v]: [wei] PT => [vi] Hẹ => vị (Viet). ‘Yểu’ mới thật sự quan trọng đối với những người muốn nghiên cứu về i-ngắn và y-dài. ‘Yểu’ viết với âm đầu [y] (như yes/yell) nhưng lại đọc như i-ngắn [iểu]. Có một phương ngữ tiếng Hoa mang tính chất tương tự là lột bớt âm y-dài còn lại nguyên âm nằm phía sau, thường là i-ngắn. Đó là tiếng Mân Việt (Minyue hay Minnan) tức Phúc Kiến (thị tộc nhà Trần). Thí dụ: uyên bác ngày trước Phạm Quỳnh viết như yêm bác – mang nghĩa chính là sâu-rộng – Phổ Thông: [yuan bo] (淵博) – và âm Phúc Kiến là [ian-poh]. ‘Uẩn’ (tích/chứa) tương đương với [un] tiếng Mân – lột mất [y] của phổ thông [yun] (薀). ‘Yểm’ trong ‘yểm trợ’ (support/protect) đọc [iểm] giống Mân [im] tương đương với phổ thông [yin] (廕) (Hẹ [jim]) lột mất [y] – Một âm khác của [yểm] hiện nay là [ấm]. ‘Yêu’ (yêu cầu) viết theo pinyin (phiên âm) là [yao] (要) nhưng Phúc Kiến (Mân) là [iao]. ‘Ý’ trong ‘ý nghĩa’ đọc là [í] giống y như tiếng Mân [i] nhưng quan thoại vẫn là [yi] (意). Và ‘yểu’ (tàu vị yểu) đọc [iểu] rất gần với âm Mân [iu] cho chữ 油 [you] mang nghĩa ‘dầu’ (nước sauce/oil).
Thế nghĩa là thế nào? Các tôn sư ký âm quốc ngữ theo a-b-c như Alexandre de Rhodes, Petrus Ký, Paulus Của, Taberd, v.v. trong đầu họ nghĩ ra sao khi dùng y-dài cho những âm thuộc thể nguyên âm hay i-ngắn. Muốn tìm câu trả lời ‘thích hợp’ cho câu hỏi này ta phải biết thật rõ hoán chuyển âm tương đương sound correspondence giữa tất cả các phương ngữ chính trong tiếng Việt cũng như các thứ tiếng lân cận láng giềng, kể cả tiếng Nhật và tiếng Hàn. Thí dụ: phải hiểu tại sao các tôn sư đưa ra ký âm [d] cho lối phát âm dòng sông trong hai kiểu dzòng song (giòng sông) và yòng sông và muốn vậy, bắt buộc phải biết đến phát âm kiểu Hẹ mang hai lối [z] và [y] tương ứng với âm đầu [y] của nhiều phương ngữ tiếng Hoa: Yang GuiFei (Dương Quý Phi) với họ Dương (Yang) phát âm thành hai kiểu trong tiếng Hẹ: [Zang] và [Yang] tùy theo loại phương ngữ. Ngày xưa một ông giáo sư trường Y Khoa ở Hà-nội, nhưng sinh trưởng trong Nam có tên là Nguyễn Tấn Gi Trọng, để ý tên lót “Gi” mang đánh vần ‘Gi’ thay cho ‘Di’ trong lúc âm chữ [D] hãy còn chưa ổn định thay cho hai thứ [dz] và [y]. Và như vậy ta có thể hiểu và đặt ra một giả thuyết là trong lúc ký âm a-b-c thuở ban đầu phát âm của những từ có âm đầu tương đương với pinyin [y] tại đất Việt, có hai đường hướng chính phát âm như [y] và như [i] – hay nguyên âm – theo kiểu Mân. Nhưng kiểu [i] – hay [y] bị lột mất – dần dần được phổ biến hơn và sau cùng âm [y] (kiểu [yes]/[yell]) bị lột mất luôn. Chuyện một âm đầu đặt ra thay thế cho vài âm được tiêu biểu nhất là âm chữ [R]. Âm chữ ‘R’ là một âm khá rắc rối bởi nó được quốc ngữ cho thao túng thay thế chừng 4-5 thứ âm đầu khác nhau. Thí dụ: rất và gất (hay gắt) là hai thứ âm tương đương với hai lối phát âm cho chữ tương đương với ‘very’ trong tiếng Quảng Đông là [zat] và [gat] (郅). Trong tiếng Việt [rất] đôi khi phát âm như [zất] hay [giất] hoặc [jất] còn [gắt/gất] biến đổi ngay khi quốc ngữ ra đời thành: ngắt (very/rất) – xanh ngắt/lạnh ngắt/cứng ngắt (chứ không nên viết: cứng ngắc). Tương đương với âm Quảng Đông [gất] trong tiếng Việt cũng là ngất (cao ngất: rất cao). Nhưng [ngất] cũng có thể liên hệ đến từ Quảng Đông [gaak] (格) mang nghĩa “vươn tới” (reach), như “có cây đa cao ngất từng xanh” (Làng tôi (Chung Quân)). Bởi âm đầu chữ [R] thay thế nhiều âm khác (nhất là [z] và [g]) nên những người lớn lên trong buổi giao thời chữ quốc ngữ hãy còn nhớ cái test vui vui là xin thử nói lại: ‘rờ răng răng rụng rờ rún rún rung rinh’.
Bây giờ chúng ta hãy thử giải mã nguyên nhóm chữ ‘thịt kho tàu’ để thử tìm hiểu những bí ẩn của tiếng Việt, thường dính liền với văn hóa – mà cũng như tất cả các ngôn ngữ trên thế giới – chúng ta vẫn bị giới hạn bởi cuộc sống, sinh kế, trí nhớ và cuộc đời ngắn ngủi nên không thể nào biết được hết những gì được tiền nhân gói ghém trong đó.
Cần phải nhấn mạnh là khi ta nói âm chữ ‘thịt’ (chẳng hạn) tương đương với âm này của tiếng kia – không có nghĩa là dân Việt ngày xưa chạy đến đó vay mượn âm đó, hay là các quan thái thú đến mở lớp dạy tiếng của họ cho hằng triệu tiền nhân ở xứ Việt, v.v. Nếu một nhà ngôn ngữ nào đó ở Thai Lan chẳng hạn dùng đến lí thuyết này thì khi họ đụng đến âm nào của tiếng Thái giống như ‘thịt’, họ sẽ cho là tương đương với âm ‘thịt’ trong tiếng Việt. Không có kiểu cội nguồn ngôn ngữ theo mốt nhị-nguyên trong lí thuyết hiện tại. Tạm thời cứ như vậy.
‘Thịt’ trong ‘thịt kho tàu’ liên hệ với nhiều âm tương đương. Trước hết [sat] tiếng Khmer (thịt) theo với hoán chuyển giữa [s] và [th]: làm sao => làm thao. Cũng dính với tiếng Thai [neuaa sat] (thịt súc vật). Gần nhất là với tiếng Yue (Quảng Đông) [t’it] 剔 mang nghĩa ‘thịt nạc đã lóc xương’ (âm Quảng Đông của lóc là [lok]). Cũng gần với âm quan thọai [shi] 月示 mang nghĩa ‘thịt sống’ (chưa nấu).
‘Kho’ gần với âm tiếng Thái [khiaaoF] mang nghĩa ‘nấu với lửa riu riu’ (simmer). Tra tự điển Triều Châu của nhóm Gaginang có trên mạng ta sẽ thấy món ‘thịt kho’ người Tiều gọi là [ko bhat] (kho thịt) viết theo chữ Hán là 炣肉. Ngoài ra cái nồi nho nhỏ để nấu thịt kho tiếng Hẹ phát âm là [k’o] (~ [kho]) viết là 鍋.
Điểm quan trọng vẫn là… ‘tàu’.
Để ý ta thường nghe ‘thịt kho tàu’ và ‘cá kho tộ’. Tức có cái gì ‘collocation’ trong chuyện này và nó phải đi đôi với phương cách nấu nướng hoặc trình bày món ăn giữa hai thứ ‘thịt’ và ‘cá’.
Nhưng hãy tạm mở một dấu ngoặc để bàn về chữ ‘tộ’. Theo tự điển Khai Trí Tiến Đức xuất bản vào khoảng đầu thế kỷ 20, ‘tộ’ chỉ là một âm hoán chuyển với ‘tô’, nghĩa ‘một thứ bát lớn’. Thế thôi. Thế ‘bát’ có bà con với tiếng nào? ‘Bát’ là cái bát của những nhà sư đi khất thực. Tiếng Khmer y hệt: [bat]. Tiếng Thái cũng vậy [baat], và [oom baat] mang nghĩa ‘ôm bát’ đi khất thực (xem tự điển Thai on-line: thai-language.com). Tiếng Quảng Đông cũng như vậy: [but] 鉢 hay 砵, với nghĩa ‘cái bát của nhà sư’.
Tuyệt nhiên các thứ tiếng láng giềng không có âm tương đương với [tộ] hay [tô] cho các từ dùng để chỉ ‘bát’.
Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là trong lí thuyết hỗn hợp ngôn ngữ không có vấn đề phân biệt tiếng Nôm bản địa và thứ tiếng Hán Việt theo các trường phái cổ điển. Điển hình là chữ ‘tộ’ (hay ‘tô’) xưa nay vẫn thường nhlầm là một từ Nôm. Không. ‘Tộ’ trong ‘cá kho tộ’ mang âm của pinyin [zuo] (胙 hay 阼) – đọc là tộ hay tạc (Cantonese [zou]) – mang nghĩa là ‘thịt hay cá dùng trong việc cúng quảy tổ tiên’ (xem tự điển Thiều Chửu có trên mạng) (cúng => Hẹ [kiung], quảy => Thai (Surin) [guay]). Từ chữ tộ ta thấy tiến đến tô (bowl) rất dễ dàng. Lý giải này sẽ tăng thêm sức thuyết phục nếu chứng minh được rằng ‘tàu’ trong ‘thịt kho tàu’ mang ý nghĩa tương cận với ‘tộ’.
Chữ 豆 phát âm theo kiểu Phúc Kiến là ‘tàu’ cho ‘đậu’ tiếng Việt (Mường: tẫu) còn mang nhiều ngĩa khác, trong đó quan trọng nhất là: ‘một thứ bình bằng gỗ dùng để đựng thịt hay nước sốt ở những buổi cúng tế tổ tiên hay lễ lạc’.
Và như vậy cả “tàu” (thịt kho tàu) và “tộ” (cá kho tộ) đều mang một mẫu số chung, và đó là thức ăn dùng để thờ cúng tổ tiên ông bà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét