Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

BẠN CÓ BIẾT AI LÀ NGƯỜI CÓ SÁNG KIẾN LÀM HANG ĐÁ VÀ MÁNG CỎ?


Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (thế kỷ 12) là người đầu tiên có sáng kiến mừng lễ Giáng Sinh với một hang đá Bê-lem, với cảnh Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, có Đức Mẹ và thánh Giuse, có các mục đồng và thiên thần. Ngài đặt cả chiên bò vào đó để nhắc lại lời tiên tri I-sai-a: “Con bò biết người tậu nó và con lừa biết chuồng của chủ, còn Israel không hay không biết, dân Ta không hiểu không tường.” (Is 1,3). Người ta còn dùng hai từ máng cỏ để chỉ toàn cảnh hang đá ấy.

Tu sĩ Phanxicô thành Átsidi (1181-1226) trước hết là vị thánh có nhiều nhân đức, và đặc biệt ngài được mệnh danh là vị thánh nghèo hèn và khiêm hạ thành Átsidi.
Mặc dầu ngài là đấng thánh lập Dòng Anh em hèn mọn, ngài tự nguyện là phó tế vĩnh viễn. Hang đá Bêlem là biểu tượng của khó nghèo. Vì vậy, thánh nhân yêu mến lễ Giáng sinh. Chính ngài đã nghĩ ra việc dựng máng cỏ Giáng sinh, để tôn kính Chúa Hài đồng và Thánh gia. Trước khi thuật lại chiếc máng cỏ Giáng sinh đầu tiên được thực hiện theo sáng kiến của thánh Phanxicô, thiết tưởng nên nhắc lại một vài sự kiện nói lên nhân đức khó nghèo của đấng sáng lập Dòng Anh em hèn mọn.
Năm 1223, thánh nhân từ thành Assise đến Rôma để thỉnh cầu Đức Thánh Cha Hônôriô IV (1210-1287) phê chuẩn Luật Dòng. Nhân dịp này, Đức Hồng y Hugolin mời Phanxicô dùng bữa cùng với một số quan khách. Thánh nhân khiêm nhường tới và ngồi vào bàn tiệc, rút ngay trong túi áo mầu nâu sồng vài mẩu bánh mì vừa xin được ngoài phố và mời các vị khách. Đức Hồng y không mấy vui vẻ trước cử chỉ này của thánh nhân, vì ngài khoản đãi bữa tiệc theo nghi lễ. Nhưng tất cả đều vui lòng san sẻ cùng thánh nhân.
Sau bữa tiệc, Đức Hồng y nói với thánh nhân:
- Này người anh em của tôi, sao con lại làm ta cực lòng vì con phải ăn xin, trong khi con là khách quý của ta? Con không biết nhà ta chính là nhà của con, và những gì có trong nhà này là của con hay sao?
- Thánh nhân lễ phép đáp lại: Lạy cha, bởi vì không có gì làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn nhân đức khó nghèo. Không phải là con muốn làm ngài phải xấu hổ. Trái lại, con muốn làm vinh danh cha, nên nghênh đón Chúa ngự trong nhà cha. Thiên Chúa đã chấp nhận sống nghèo ở trần gian chỉ vì yêu mến chúng ta.
- Đức Hồng y ôm chầm lấy thánh nhân nghẹn ngào nói tiếp, con ơi, con cứ làm theo ý con đi. Bởi vì, Thiên Chúa ở cùng con. Chính Ngài đã dẫn đường chỉ lối cho con.
Sau mẫu đối thoại làm xao xuyến lòng người, thánh nhân kính cẩn chào quý khách và trở lại hang đá của mình. Hai tuần lễ trước Giáng sinh năm 1223, trên đường từ Rôma về Átsidi, thánh nhân dừng chân ở thị trấn Greccio, và gặp Jean Velita, một điền chủ giàu có vừa từ bỏ binh nghiệp để nhập Dòng. Gần Greccio là dãy núi đá bao quanh một thung lũng rộng. Trên núi đá thẳng đứng có một cái hang, được che khuất bằng một hàng cây.
Phanxicô nói: “Tôi mong ước cử hành lễ Giáng sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bê Lem, nhưng làm sao thể hiện được nỗi cơ cực và khổ đau của Ngài ngay từ thuở còn thơ để cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, tôi xin anh làm một hang đá giống như thật với cỏ khô. Anh dẫn theo một chú lừa và một con bò, giống như bò lừa đã chầu quanh Chúa Hài Đồng năm xưa”.
Xong mọi việc. Vừa được tin, từng đoàn người trong vùng lặn lội men theo triền núi gập ghềnh, khúc khuỷu tới trước hang đá. Bao nhiêu hang động xung quanh dội lại lời ca nguyện của các tu sĩ, chen lẫn đồng ca điệp khúc của cộng đoàn. Thánh lễ được diễn ra, và thánh nhân mặc tu phục phó tế, giúp vị chủ lễ. Ngài công bố Tin Mừng cho mọi người và chia sẻ Lời Chúa. Ngài dùng những lời dịu ngọt để nhắc lại việc chào đời của Hài Nhi Giêsu.
Trong bút ký của thánh Bonaventura có đoạn chép rằng: “Ba năm trước khi từ trần, thánh Phanxicô quyết định mừng lễ Giáng sinh trọng thể. Sau khi được Đức Thánh Cha cho phép, Ngài sai làm máng cỏ, bảo người mang cỏ khô và dẫn một con lừa và một con bò. Máng cỏ Greccio đã ban ơn thiêng cho nhiều”.
Kể từ máng cỏ đầu tiên tại Greccio, hàng năm tại các Nhà thờ, Nhà Nguyện và tư gia, người ta lại làm hang đá, máng cỏ cùng với cây thông để mừng Lễ Giáng Sinh với những ánh đèn lung linh, trông rất sinh động.
Ngày nay, vào dịp lễ mừng Chúa Giáng Sinh, khắp nơi hang đá được tạo dựng trang hoàng theo nhiều kiểu khác nhau. Lễ mừng Chúa Giáng Sinh mà không có hang đá, thì kể như chưa là Lễ Giáng Sinh, ở bên ta cũng như bên tây!
Ngay nay, người ta dựng hang đá mừng lễ, không phải chỉ trong thánh đường hay tại các tư gia. Nhưng còn được bày dựng trong cả các cửa tiệm hoặc để hấp dẫn những người qua lại, đến xem và mua hàng, và hang đá, máng cỏ đã bị thương mại hóa mất rồi!
Ngày nay, ở những nước văn minh tiêu thụ, mùa mừng Lễ Chúa Giáng Sinh là dịp rất thuận tiện bán được nhiều hàng hóa, thiệp mừng, qùa tặng và qua đó thúc đẩy mãi lực của nền kinh tế quốc gia phát triển tích cực. Đó cũng là Tin Mừng cho nhân gian. Nhưng mừng kỷ niệm Chúa sinh ra làm Người đâu chỉ dừng lại ở điểm đó.
Chúa sinh ra làm người, đem ơn lành từ trời cao: Sứ điệp tình yêu của Chúa được gởi đến cho hết thảy mọi người, điều này những ai có đức tin, thì sẽ cảm nhận được một cách dễ dàng.
Đọc lại Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta nhận ra Đức Mẹ Maria hạ sinh Hài nhi Giêsu giữa cánh đồng Bethlehem trong chuồng thú vật ngoài cánh đồng và nôi nằm của Hài Nhi là một máng đựng thức ăn cho súc vật. Có những chuồng thú vật thời đó trên cánh đồng Bethlehem được xây dựng trong một hang của gò núi đá hay được làm bằng gạch đá.
Hang đá cùng chiếc máng Hài nhi Giêsu đêm giáng sinh nằm như thế nào, không ai biết rõ. Dựa theo Tin Mừng và theo dòng lịch sử, người ta đã làm ra nhiều kiểu về hang đá cùng máng cỏ Chúa Giáng Sinh.
Theo tập tục bên Đông phương: Máng cỏ, nôi Chúa Giêsu nằm lúc mới được sinh ra, được làm bằng đá có hình thể trông giống như một quan tài. Và Hài Nhi Giêsu được quấn khăn tã đặt nằm trong đó như xác một người qua đời. Hình ảnh này muốn diễn tả Hài Nhi Giêsu sinh ra trong hang đá và lúc qua đời cũng được mai táng trong mồ đá. Trong hang đá sự sống đã khởi đầu, khi Hài Nhi Giêsu sinh ra làm Người và cũng trong mồ đá Ngài đã sống lại, khởi đầu một đời sống mới.
Nghệ thuật cùng tập tục bên Tây phương, xây dựng hang đá, máng cỏ như một bàn thờ. Hình ảnh này muốn diễn tả Lễ Tế Tạ ơn, Bí tích Thánh Thể. Bethlehem có nghĩa là “nhà làm bánh mì”. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể là tưởng nhớ lại sự sinh ra làm Người của Chúa khi xưa trong hang đá ngoài cánh đồng Bethlehem. Và trong mỗi thánh lễ chúng ta cùng tiếp nhận Tấm Bánh Thánh Thể từ trời cao, ngày xưa đã sinh xuống trên đồng Bethlehem, là lương thực cho Niềm Tin và hy vọng vào Thiên Chúa.
Hang đá máng cỏ vì thế không nhất thiết phải bằng đá thiên nhiên, nhưng đa số làm bằng gỗ. Trong đó Chúa Giêsu được đặt nằm trên rơm cỏ, có đàn súc vật bò lừa ngồi nằm thở hơi ấm chung quanh. Hình ảnh này nói lên sự khó nghèo, khiêm hạ của Đấng Toàn Năng.
Lòng đạo đức kính thờ Thiên Chúa sinh ra làm Người, đã thúc đẩy người ta vẽ kiểu làm ra hang đá và máng cỏ. Việc này không có gì xấu cả, trái lại là một việc tốt lành và nâng đỡ rất nhiều cho đức tin của những người bình dân, chân thành.
Tuy nhiên, hang đá máng cỏ Chúa Giáng Sinh dù xây dựng bằng vật liệu gì và làm theo kiểu cách nào hay trang trí thế nào đi nữa, đều muốn gợi lại đấy chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và cũng phần nào nói lên tâm tình yêu mến của con người đối với Thiên Chúa tình yêu.
Lm. Paul Vũ Xuân Quế, OFM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét