Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

BAO GIỜ LẠI PHÁO

Thu Tứ
Về lễ hội ở Ðồng Kỵ (Bắc Ninh), thông tin Mạng của Tổng cục Du lịch Việt Nam viết sơ lược mấy dòng, đại khái nói hội làng xưa có tục rước pháo, nay chỉ rước mô hình quả pháo. Ðọc, thấy chưng hửng. Cả một cái sinh hoạt thật ly kỳ mình trông tận mắt cách nay chưa tới hai mươi năm mà bây giờ đã lu mờ đến thế thật sao...
*
Rước? Không phải rước "ông" đi dung dăng dung dẻ khắp làng cho vui đâu, mà rước ông ra chân đê, dựng ông lên, gia chủ hương đèn cúng vái ông cẩn thận, rồi châm ngòi cho ông tan xác. "Pháo đùng" nổ to như bom, vì mỗi ông pháo dài hàng sáu bảy mét, đường kính đến hơn mét (nghe nói là đã bé lại so với xưa kia!). Vào năm 1993, mỗi tiếng bom ấy là một, đôi cây vàng vừa tan thành khói. Thực ra trước khi châm đến ông đùng, phải đốt hàng vài chục mét pháo con quấn trên giàn, gọi là pháo tràng. Thi pháo tốn kém thế, nên dự thi cả làng mỗi năm chỉ độ vài nhà. Pháo nhà nào được chấm nhất thì gia chủ được trai làng công kênh rước chạy quanh sân đình, gọi là "dô ông đám". Hội pháo đông đảo người xem, rùng rùng, à à từng đợt, vui đúng như Tết!
*
Tương truyền thành hoàng làng Ðồng Kỵ là một tướng giỏi của Hùng Vương thứ 6, có công giúp Thánh Gióng đánh giặc Ân. Nhưng không thấy nhà nghiên cứu nào liên hệ cụ thể thần tích ấy với tục làm những cái pháo khổng lồ.
Ðọc sách nghiên cứu thì mờ mịt, đọc Truyện ngắn hay, lại có lần tình cờ thấy chút manh mối. Ðỗ Chu viết: "Làng người ta (...) rước cờ rước kiệu, còn làng tôi (...) đám đàn ông (...) hò nhau khiêng những quả pháo rõ to mang ra ngoài đồng đốt ầm ầm như súng thần công (...)"(1). Ông Ðỗ không cho biết tên làng, nhưng bảo "thuở ấy ông Gióng qua làng chúng tôi rồi leo lên núi Sơn, bay về trời". Làng lại có sông Cầu chảy qua. Và nhất là cái tiếng của "bà tôi": "khê khê, nằng nặng, khắp vùng không có tiếng nào khó nghe như tiếng làng tôi, chợt nghe là nhận ra ngay, chẳng trộn vào đâu được. Người ta kêu "ối trời đất quỷ thần ơi", thì làng tôi mọi người lại kêu "ới ểu ơi là ểu ơi, ế leo ơi"." A, thứ thổ âm lạ lùng ấy ở Ðồng Kỵ năm 1993 còn nghe được rõ!
*
Ðỗ Chu kể những người thông thạo lịch sử bảo tổ tiên người làng Ðồng Kỵ hoặc là dân Thanh Nghệ mò ra lập ấp hoặc là tù binh Chàm bị vua Lê vua Lý đày về đây khẩn hoang.
Căn cứ vào tiếng nói của dân làng, Ðồng Kỵ có lẽ là cái "hoặc" thứ hai, tức là một trong hai mươi mốt "sở" Chàm quanh Thăng Long mà Nguyễn Trãi có nhắc đến trong Dư địa chí.
Thế thì làng lập sau Hùng Vương thứ sáu đến mười sáu mười bảy thế kỷ, làm sao xảy ra chuyện người làng làm tướng giúp Thánh Gióng đánh giặc Ân được?!
Có nhà sử học cho rằng sự tích Thánh Dóng chỉ mới ra đời trong nửa đầu thế kỷ 14. Nếu đúng vậy, làng Ðồng Kỵ rất có thể đã có người tài theo giúp Thánh...
Thần làng Ðồng Kỵ đã thấy lờ mờ, nhưng pháo làng Ðồng Kỵ thì vẫn hoàn toàn bí ẩn: không nghe ai nói người Chàm có tục chơi pháo khổng lồ, vậy do đâu mà làng lại rước ông đùng?
*

Mỗi lần nhớ lại cái ngày đi xem hội pháo Ðồng Kỵ năm "xưa", ngay bên cái cảm tưởng ngạc nhiên về những quả pháo to nhất thế giới ấy, luôn còn có chút tiếc nuối về hai cái bóng nhỏ xíu.
- Chú ơi, mỗi kiểu bao tiền hở chú?
Hai con bé con mặc quần áo mới, lẵng nhẵng chạy theo hỏi chú "phó nhòm" lủng củng máy móc đang rảo bước về phía các ông đùng. Ngoái nhìn, thoáng chú ý hai cái mặt nhỏ thật xinh xắn, rồi tiếp tục xông pha.
- Chú không chụp lấy tiền.
Thì không, nhưng giá cứ ngừng lại mà bấm mấy kiểu để bốn cái con mắt trong trẻo hớn hở kia đỡ ngơ ngác...
Mới đây chứ mấy, thế mà các cháu ấy hẳn đã thành mẹ cả rồi. Bao giờ mới lại dô ông đám, hở làng ta?
 

____________________ (1) Ðỗ Chu, "Một loài chim trên sóng", trong </i>Truyện ngắn hay 1994<i>, nxb. Văn Học, VN, 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét