Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Mừng kỷ niệm 45 năm Thụ phong Linh mục: "Chúa đã gọi tôi sau đuôi một đàn bò".



Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, Tổng đại diện Gp. Kon Tum sẽ mừng kỷ niệm 45 năm thụ phong linh mục vào ngày 20.12.2017.
Thánh lễ Tạ ơn vào lúc 17g30 ngày 20.12.2017 tại Thánh đường giáo xứ Phương Quý, xã Vinh Quang, Tp. Kon Tum.  

Chúng con xin được trân trọng chúc mừng Cha. 
Kính chúc Cha luôn được tràn đầy ơn Thánh Chúa, trọn nghĩa cùng  Chúa trong cuộc đời này, và luôn tìm được niềm vui trong phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh, bệnh tật, người Thượng chịu nhiều thiệt thòi...mà Cha đã dành trọn cuộc đời, bằng mọi phương cách có thể để đi đến với họ.


Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông sinh ngày 24.03.1943, tại Bình Định, năm nay đã 75 tuổi; 
Thụ phong Linh mục ngày 20.12.1972, từng phục vụ tại Chủng viện Thừa sai Kon Tum, Tòa Giám Mục Kon Tum, giáo xứ Tân Phú (Kon Tum), giáo xứ Đức An, Thăng Thiên (Pleiku) và các họ đạo trực thuộc; nguyên Quản lý TGM, nguyên Giám đốc Caritas, nguyên Đặc trách Ban Giáo sĩ và Tu sĩ, Ban Xây dựng; nguyên Cha Hạt trưởng Pleiku.v.v.

Nhân dịp đáng ghi nhớ này, Kontumquehuong tôi xin trân trọng giới thiệu trích đoạn "NHỮNG ĐIỀU CHIA XẺ" của ngài, những suy tư về ơn gọi dấn thân trong thiên chức linh mục, những cảm nghiệm tâm linh và những việc làm cụ thể của ngài trong suốt thời gian mấy mươi năm...
Tuy Cha Đông (tên giáo dân gọi quen thuộc) thường khiêm tốn và dí dỏm: "CHÚA ĐÃ GỌI TÔI SAU ĐUÔI MỘT ĐÀN BÒ", nhưng tất cả chúng ta đều biết ngài là một giáo sư Chủng viện, sự hiểu biết của ngài sâu rộng, lĩnh vực phục vụ của ngài phong phú, đa dạng và ngài giữ nhiều trọng trách trong giáo phận.

02 đoạn trích dưới đây đã được biên tập và in trong quyển sách: "MÙA ĐÔNG ẤM ÁP" , in năm 2011, tái bản (nội bộ) nhiều lần. Sách tái bản năm 2017, dày hơn 200 trang, gồm 18 số với nội dung chân thực, hấp dẫn, nhiều hình ảnh đẹp, súc tích. 

Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông.
Đia chỉ: TGM Kon Tum 146 Trần Hưng Đạo, Tp. Kon Tum,Tỉnh Kon Tum
Đt: 0909.274.705  -   Email: dongpku70@gmail.com



Xin kính mời:

MÙA ĐÔNG ẤM ÁP (trích đoạn)
                                              Lm. Phêrô Nguyễn Vân Đông


1 .
ĐỜI NGƯỜI VẮN VỎI
TÔI RONG CHƠI GIỮA ĐỜI BIẾT ĐÂU NGUỒN CỘI

Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui,
Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi...

(Tế Hanh).

Năm nay 2011, tôi được tròn 70 tuổi; nếu tính theo kiểu của mẹ tôi thì năm nay tôi 71 tuổi, bởi vì cả 9 tháng ở trong bụng mẹ nữa. Tôi sinh ngày 24 tháng 3 năm 1941 theo giấy rửa tội, nhưng mà nếu đi tu thì bắt đầu từ 12 tuổi; mà lúc đó tôi được 14 tuổi cho nên phải làm giấy khai sinh lại, hạ năm sinh của tôi xuống là 1943 theo giấy tờ. Tôi tên là Nguyễn Vân Đông, tôi cũng không hiểu tại sao không phải là Nguyễn văn mà là Nguyễn Vân. Có lẽ khi làm lại giấy tờ thì người ta để cái tên như thế, và bây giờ mãi mãi tôi là Nguyễn Vân Đông, những người nào không thân thiết thì người ta đề là Nguyễn văn Đông, mỗi lần tôi đi bưu điện để nhận tiền thì người ta phải hỏi lại người gởi để sửa cho đúng là Nguyễn vân Đông, lúc đó người ta mới cho tôi nhận tiền.
Quê tôi ở Bình Định, một xứ đạo kỳ cựu của Giáo Phận Qui Nhơn là xứ Nhà Đá, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Nhà Đá không phải là nhà tù, mà Nhà Đá là một cái nhà thờ làm toàn bằng đá ong ở Biên Hòa.
Tôi lớn lên ở đồng quê, từ nhỏ tôi không được đi học cấp Tiểu Học, học hành ít hơn đi chăn bò. Mỗi khi muốn học thì phải dở cơm (mang cơm theo) tới nhà một người nào đó, như thầy Biên chẳng hạn để mà học cho biết cái chữ, học được biết cộng, trừ, nhân, chia và chưa bao giờ tôi được học cấp một như các em bây giờ.
Khi tôi 14 tuổi thì có một cha của địa phận Kontum, quê cũng ở nhà Đá, chịu chức năm 1953, là khoảng thời gian mà Bình Định nằm trong vùng kháng chiến (1945- 1954) và là vùng Việt Minh, nên cha đó không thể về gia đình để Vinh Qui Bái Tổ được, cho đến khi chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền vào năm 1955 thì Ngài mới về. Ngài là Linh Mục Nguyễn Thúc Nên ( bây giờ hưu ở Tòa Giám Mục Kontum). Sáng nào tôi cũng đi giúp lễ cho Ngài, hồi đó không có lễ đồng tế cho nên các Cha khách tới thì làm lễ ở bàn thờ bên cạnh.

Rồi một ngày nọ Ngài hỏi tôi:
- Con có muốn đi tu không? Đi tu ở Kontum.
Tôi cũng chả biết Kontum là ở cái chỗ nào. Ngày xưa mỗi lần tôi ở chỗ nhà mình thấy trên núi nó cháy thì tôi hay nói:" Núi cháy mọi chạy ngay đuôi".
Tôi trả lời ngay là tôi muốn đi Kontum; bởi vì đi Kontum thì tôi mới được dịp đi ôtô... Từ lúc nhỏ cho đến khi đó chưa bao giờ tôi được đi ôtô, cùng lắm tôi theo mẹ đi xe kéo, có người kéo chạy... còn nhanh hơn nữa là đi xe ngựa, đi xe ngựa thì 7 hoặc 8 người. Nhưng mà nếu đi xa thì đi ôtô. Tôi đồng ý đi Kontum ngay. Vì thế cuộc đời đi tu của tôi bắt đầu từ đó.
Khoảng cuối tháng 8 năm 1955 thì tôi lên Kontum. Tôi nhớ khóa tựu trường năm đó bắt đầu học là vào ngày 16 tháng 8 sau kỳ thi, cho nên để thi vào Chủng Viện thì tôi thi có một mình.
Lần đầu tiên tôi gặp một người Pháp là Đức Giám Mục Kontum. Sau này tôi rất yêu mến Ngài. Cha Nên dẫn tôi lên gặp Ngài, Ngài ôm tôi (mà ở quê Bình Định của tôi chống Pháp, tôi cũng nghĩ người Pháp là thế này thế nọ).
Ngài hỏi tôi bằng tiếng Việt mà giọng lơ lớ:
- Nhà con có mấy anh em ruột?
Tôi nghe không rõ, tôi tưởng hỏi "Nhà con có mấy đám ruộng"? Tôi trả lời với Ngài là:
- Con không biết nhà con có mấy đám ruộng.
Ngài bảo:
- Hỏi anh em ruột chớ hỏi ruộng làm gì?
- Hỏi anh em ruột thì con biết.
* Nhà tôi có tất cả là 8 anh em, 5 trai và 3 gái.
Và Ngài bảo các Cha ra bài thi cho tôi. Bài thi gồm có một bài luận văn (tôi chưa bao giờ làm luận văn) kể cuộc hành trình từ Bình Định lên tới Kontum, tôi cũng không biết làm cách nào để kể, nhưng mà tôi biết chắc chắn rằng tôi nói giọng Bình Định, mà có kể thì cũng không được bao nhiêu. Tôi đã làm bài luận văn như thế này: "Ngồi trong xe dòm ra ngoài thấy xe nó chạy, thấy cây nó chạy ngược hết". Rồi thì tôi làm 1, 2 bài toán đố, tôi cũng chưa bao giờ làm toán đố lần nào cả cho nên tôi cũng không biết phải làm sao, tôi làm được nữa bài đầu tiên: cộng trừ nhân chia gì đó, rồi sau đó làm 10 chữ tiếng Pháp. Qủa thật là tôi không biết một chữ tiếng Pháp nào... nhưng mà may phước có một chữ, ấy là tôi có một đồng xu để thắt kiện, có một cái lông gà để đá kiện, một bên có chữ Le Sou (là đồng xu), một bên có chữ đồng xu nên tôi làm được một chữ là "Le Sou". Và kết quả là các bài thi của tôi không đủ điểm vào Chủng Viện Kontum.
Nhưng để về đến Bình Định thì phải có người lớn dẫn tôi về. Mà hồi đó đi từ Bình Định lên tới Kontum là phải đi 2 ngày, bởi vì có mấy cái cầu trong thời kháng chiến bị sập cho nên khi qua bên kia phải chuyển xe để đi xe khác, nhất là cầu Hang Dơi trên đèo An Khê thì phải chuyển xe, rồi phải đi bộ một đoạn mới tới An Khê, tới An Khê là hết một ngày. Bây giờ đi chỉ có một tiếng rưỡi đồng hồ thôi là tới An Khê rồi.
Tôi nhớ khi tôi lên tới Kontum là vào buổi tối (cuối tháng 8-1955). Trời ơi! Ban đêm từ An Khê lên tới Kontum, lần đầu tiên tôi thấy bóng điện. Lạ lùng quá! Lạ lùng hết sức đối với tôi và tôi thấy các bạn của tôi nó rờ vô cái vách là tắt, mà rờ lại ở đó thì nó sáng. Tôi cũng không hiểu là thế nào, ăn cơm tối xong tôi lén lên gác, tôi rờ thì nó không có sáng. Sau này mới biết là phải vặn và vặn tròn thì nó mới sáng hoặc là nó mới tắt được.
Lần đầu tiên tôi lên hỏi một Cha già:
- Chớ con "đi gò " thì đi ở chỗ nào?
Cha già chỉ cho tôi vào một cái nhà có mấy cái phòng, tôi thấy cái chỗ đó (bây giờ cũng còn trong Chủng Viện Kontum), có cái chữ W và chữ C, tôi chả biết đó là chữ gì, tôi vào trong phòng đó, nó bốc ra một cái mùi giống... và có một cái lổ có nước. Tôi cũng chả biết phải làm thế nào mà "đi gò" ở đó. Tôi bèn nghĩ tới cái vườn ở Chủng Viện, nó là cái rừng không, đi gò ở đó thì sướng hơn nhưng mà dù sao tôi cũng hỏi Cha già:
- Làm thế nào để đi gò trong cái chỗ đó?
Thì Ngài mới chỉ cho tôi biết là phải đi như thế nào... thế nào... Lần đầu tiên ở tuổi 14 tôi mới biết "đi gò" một cách khoa học là như vậy đó.
Đi chăn bò tôi đi chân không, tôi thương bò hơn là yêu mến việc học hành. Bò của tôi, tôi nhớ tên hết: con bò Pháo, con bò Nu, con bò Mẫm, con bò Bét, con bò Kiệu... và con nào tôi cũng chăm sóc kỹ lưỡng.
Trời ơi! 14 tuổi mà tôi chưa bao giờ đi dép... vì tôi quen đi chân không. Cha tôi mua cho một đôi dép "bình trị thiên", tôi nhớ bạc tín phiếu lúc đó là 500.000 đồng. Tôi sợ mang nó mòn nên tôi bỏ vô trong cái rương, chừng đi lễ tôi mang vào. Lần đầu tiên tôi mang đôi dép râu vô đi lễ, các bạn của tôi ngó xuống chân tôi, chúng nó cười kêu tôi là: "ông việt minh con...ông việt minh con", làm tôi cũng mắc cở.
Rồi ông Cha già Nhạn cho tôi một đôi sandal. Trời ơi! Tôi xỏ chân vô mà nó rộng thênh thang, chắc là bơi trong đó cũng được nữa, nhưng mà nó không phải là chiếc dép "râu" cho nên... thôi thì trông nó cũng dễ coi.
Lần đầu tiên tôi mới thấy cái bánh mì. Sáng các bạn của tôi ăn bánh mì có pho mát nữa. Tôi ở nhà chỉ có ăn bánh tráng Bình Định thôi, cho nên tôi thấy người ta lấy bánh mì bỏ pho mát vô ăn, tôi cũng làm vậy, nhưng mà... trời ơi! nó thúi quá tôi ăn không được, tôi bèn bỏ miếng pho mát ra ngoài rồi đổ nước mắm vô bánh mì mà ăn. Các bạn tôi ngạc nhiên lắm.
Và khi Chủng Viện quyết định là tôi phải đi về, tôi cũng không lấy gì làm quan trọng , chỉ đợi người lớn dẫn về: "tôi về thì về". Những ngày đó tôi đi thu lượm những cái chai bằng thủy tinh, vì ở Bình Định quê tôi không có những cái chai như thế cho nên tôi thu, góp thật nhiều, định về cho cha tôi. Nhà tôi chỉ có một chiếc xe đạp, mà xe đạp đó nó cũ lắm rồi, tôi thấy trên Kontum xe đạp nào cũng có gắn một cái chuông, bóp nó kêu "cưng cưng". Tôi thích lắm bèn xin ông Cha già Nhạn cho tôi một cái chuông xe đạp. Ngài bằng lòng cho tôi một cái, tôi để dành cái chuông đó, tối tối tôi trùm mền lại rồi bóp cái chuông, nó kêu "cưng cưng" làm tôi vui lắm. Trù tính để đem về cho cha tôi.
Nhưng tôi lại có cái tính ưa tò mò. Trong Chủng Viện thì các Linh Mục là người Pháp hết - thuộc Hội Thừa Sai Paris - tôi nhớ có cha Décrouille (cố Tôn), cha Lantrade (cố Lãng), cha René Thomann (cố Mẫn). Tôi hay chui vô phòng của các Cha để xem mà không biết gõ cửa. Tôi coi người ta cạo râu, mấy ông Cha đuổi tôi ra ngoài và rồi các Cha cũng có ý kiến với Cha bề trên René Thomann về tôi thế này thế nọ.
Cha René Thomann hỏi tôi:
- Con có muốn học không?
Tôi trả lời:
- Con muốn học.
Tôi nhớ đó là đầu tháng 9 năm 1955. Cha René Thomann cho tôi một cuốn sách bằng tiếng Pháp, thêm mấy cuốn vở, rồi sách giáo lý và một cây bút. Tôi hỏi:
- Có cây bút mà có bình mực không?
Ngài cười bảo cái bút nầy mình bơm mực vô chỗ này... chỗ này rồi mình viết là khỏi cần bình mực. Lần đầu tiên tôi thấy một cuốn tập mà giấy nó lại trắng như thế. Ở dưới vùng quê của tôi là giấy Việt Thắng, nó hâm hẫm, viết bút mực dễ bị nhòe. Còn giấy này thì... ôi chu cha! Nó đẹp ơi là đẹp.
Rồi các bạn học, tôi cũng học. Tôi nhớ lớp tôi lúc đó là bốn mươi bảy người. Ngày nào làm bài thì tôi cũng làm bài, ngày nào học thì tôi cũng học và cuối tháng đó, trời ơi! Tôi đứng cao hơn hai người trong lớp, mà hai người đó đã thi đậu vào Chủng Viện. Cuối tháng 9 thì nhà trường quyết định cho tôi được ở lại tu.
Tôi thản nhiên không buồn cũng không vui.
Nhưng tôi không có đồng phục của nhà trường, tôi chỉ có áo dài đen với quần bà ba trắng mà thôi. Đồng phục ngày ChúaNhật của nhà trường là áo sơ mi trắng với quần Pantalon trắng. Thế rồi khi quyết định như vậy thì nhà trường mới may đồ cho tôi. Chu cha ơi! Lần đầu tiên được bận đồ Tây, tôi thấy mình cũng đẹp! Ở Bình Định thời đó thì mọi người chỉ mặc vải ta mà thôi (vải thô, vải tám ú), và tất cả vải thì phải nhuộm đen bằng cách ngâm vải trong nước lá bàng nấu sôi, rồi sau đó ngâm lại trong bùn để nó thành màu đen. Ở trong quê tôi từ năm 1945-1954 là vùng kháng chiến chống Pháp, máy bay thả bom luôn nên chỉ được mặc đồ đen, đồ xám mà thôi, mặc đồ này khi gặp nước nó sẽ ra màu dữ dội lắm. Một bữa kia, lần đầu tiên tôi mặc bộ đồng phục màu trắng, bên trong tôi bận cái quần vải ta nhuộm đen. Nên khi đi chơi dọc đường về thì trời mưa to, cái quần xà lỏn đó nó ra nước, thấm qua cái quần Pantalon trắng của tôi. Các bạn chúng nó cười tôi. Chu cha ơi! Tôi khóc suốt một buổi chiều luôn, bởi vì tôi chỉ có một cái quần đồng phục đó mà thôi.
Như thế là tôi bắt đầu đi tu, tôi cố gắng học nên việc học của tôi nó cũng tiến bộ lên dần dần.
Nhà trường cho tôi biết là cuối năm tôi phải đi thi để lấy bằng Tiểu Học, vì có bằng Tiểu Học rồi tôi mới có thể học tiếp lên lớp trên cao hơn nữa... Hồi đó tôi cũng chả biết cái bằng Tiểu Học là cái bằng gì? Nhưng mà tôi cũng quyết tâm đi thi Tiểu Học cho nó đậu.
Tết đầu tiên tôi không được về nhà, bởi vì nhà tôi xa quá không có ai dẫn về cho nên tôi ở lại ăn Tết trong nhà trường, Cha bề trên René Thomann Ngài cũng thương tôi, Ngài bảo các bạn ở Kontum:
- Tết thì vô chơi cho nó vui.
Lần đầu tiên các cha Thừa Sai cho tôi pháo đốt. Chu cha ơi!... Tôi đốt pháo mà vui hết sức vui, các bạn của tôi cũng đốt pháo ném nhau chơi vui lắm. Đứa nào cũng được mặc đồ mới hết: một cái quần và một cái áo bà ba trắng có túi đàng hoàng. Thế rồi ba đứa tụi tôi thấy một bãi cứt bò, nó “ấy” ngay trước Chủng Viện. Tôi thì quen cái đó rồi thành ra tôi quì xuống cắm viên pháo vô đó. Ba đứa kia chằm hăm ngó, viên pháo bị đốt nó nổ cái "phạch", chu cha nó văng phân bò tùm lum lên mặt, lên áo. Các cha Thừa Sai đứng trên lan can nhìn xuống, các Cha cười tụi tôi quá chừng quá đổi.
Cha bề trên nói với chúng tôi:
- Chưa bao giờ Cha được " ăn" tết ở Việt Nam mà vui như vậy đâu.
Thế là các Cha cho chúng tôi pháo để đốt tiếp.
Năm đầu tiên tôi đi tu là như thế.
Rồi thì cuối năm tôi thi Tiểu Học, ngôi trường mà tôi đi thi tên là Trường Tiểu Học Ngô Đình Khôi ( bây giờ là chợ Kontum). Khi có kết quả thì người ta "alô" tên thí sinh, rồi hô phiếu báo danh số mấy... tôi đứng trên cái bàn để chờ nghe "alô" tên mình. Chu cha ơi! Tôi đậu Tiểu Học thì tôi mừng gì mà mừng... đang đứng trên bàn tôi nhảy nhanh xuống để chạy về. Nhưng trên bàn có một cái đinh, nó kéo rách cái quần của tôi từ dưới lên trên mà tôi cũng không biết, khi về tới trước Chủng Viện là cái đồi, tôi cảm thấy chân nó lạnh lạnh, tôi liền ngó xuống, "Trời!... Cái quần của mình nó rách hồi nào mình cũng không biết nữa". Tôi về khoe với cha bề trên:
- Con đậu rồi cha ơi... mà con bị rách cái quần.
Cha bề trên cũng rất mừng khi biết tôi thi đậu Tiểu Học để có thể học tiếp nữa.
Và tôi bắt đầu năm đầu tiên ở Chủng Viện là như thế. Đó là năm 1955-1956.
Tới kỳ nghỉ hè tôi về thăm quê nhà, tự nhiên tôi cảm thấy mình cao hơn và oai hơn.
Và Chúa đã gọi tôi sau đuôi những con bò.
Cũng vào năm 1955 thì Đức Cha mở trường và mời các Sư Huynh dòng Lasan lên dạy. Chúng tôi vừa học trong Chủng Viện, mà Trường Lasan ở gần Chủng Viện cho nên chúng tôi cũng qua học ở bên trường Lasan, nhưng lớp của tôi chỉ học tiếng Pháp ở bên đó, còn các môn khác thì học ở nhà.
Cho tới năm 1959, lúc bấy giờ Chủng Viện mỗi năm đều có tuyển chủng sinh. Nhất là các trại di cư ngoài Bắc vào sinh sống ở vùng Ban Mê Thuộc, tỉnh Đăk Lăk bây giờ, thì chủng sinh ngày càng đông. Thế nên nhà trường muốn tuyển một số học sinh đi học chương trình Pháp, và tôi là một trong số mười ba người được tuyển đi học ở Dòng Phanxicô -Thủ Đức. Học viện đó học chương trình Pháp. Tôi đã học ở dòng Phanxicô từ năm 1959 cho tới năm 1964 và thi đậu tú tài Pháp, sau đó nhà Dòng tổ chức cho các chủng sinh thi tú tài Việt và tôi cũng may mắn thi đậu.
Khi tôi về trình diện với Đức Cha Kontum thì Ngài nói:
- Bây giờ con có bằng tú tài rồi, tú tài Pháp có, tú tài Việt cũng có. Con hãy suy nghĩ cho kỷ... như con đã biết Kontum là tận cùng thế giới. Nếu con làm Linh Mục ở Paris thì con chỉ cần dạy giáo lý cho tốt, rồi con có thể đi thăm mục vụ, con có thể làm các phép Bí Tích cho mọi người... như vậy là cũng được rồi, còn như mà con muốn làm Linh Mục ở Kontum thì ngoài những việc đó ra, con còn phải biết cho người nghèo thuốc khi bị bệnhcon phải biết sửa xe đạp cho dân làng, phải biết quay cho máy điện nổ rồi con còn phải biết... đỡ đẻ nữa.
Tôi nghe nói mà cảm thấy mắc cười, nhưng quả thật là như thế, và tôi vẫn quyết tâm đi tu làm Linh Mục  địa phận Kontumvì từ những năm 1955 đến 1959 tôi đã rất thích núi rừng Kontum, tôi cũng rất thích đời sống đơn sơ mộc mạc, chất phác của người dân tộc, nhất là khi ở trong Chủng Viện cũng có một số anh em là người dân tộc.
Khi tôi quyết định đi tu ở địa phận Kontum thì Đức Cha giới thiệu cho tôi đi tĩnh tâm một tuần tại dòng Mỹ Ca ở Ba Ngòi - Cam Ranh. Sau khi tĩnh tâm về tôi vẫn nhất quyết đi tu ở địa phận Kontum.
Ngài sai tôi đi dạy học tại Chủng Viện Kontum niên khóa 1964-1965. Kỳ nghỉ hè 1965 Ngài lại giới thiệu tôi đi tĩnh tâm ở Dòng Thiên An - Huế- để xác định lại ơn kêu gọi của mình, tôi nhớ ở đó tĩnh tâm thì rất yên tĩnh, trong Dòng có một vườn cam trái rất ngọt và tôi đã từng được thưởng thức.
Lần tĩnh tâm này về tôi vẫn xác định với Ngài là tôi đi tu ở Kontum.
Ngài lại bảo tôi:
- Con phải đi dạy học nữa!
Tôi thưa với Ngài:
- Con còn trẻ... Đức Cha cho con đi Chủng Viện đi... chớ Đức Cha cho con đi dạy miết vậy?
Ngài bảo:
- Cứ đi dạy đi...
Sau đó Ngài hỏi:
- Con quyết tâm đi tu, vậy con có áo Dòng chưa?
Tôi nói:
- Áo Dòng con may, nay mai thì có chứ khó gì đâu.
Ngài lại cho tôi đi dạy học một tháng nữa. Rồi Ngài bảo:
- Con chuẩn bị lên học ở Giáo Hoàng Học Viện trên Đà Lạt.
Tôi đã lên học ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 8 năm.
Năm 1972 tôi được thụ phong Linh Mục.
Ở Đà Lạt có hai nhà chủng viện Kontum ( vì lúc đó tỉnh Kontum bị chiến tranh ) một nhà gọi là Chủng Viện Kontum Anh ( CVK anh), học cấp III, các chủng sinh đi học ở trường Adran, còn một nhà nữa gọi là Chủng Viện Kontum Em (CVK em) dành cho chủng sinh cấp II. Nhà này Đức Cha mượn của Dòng Chúa Cứu Thế - ở đồi Tùng Lâm- Đà Lạt. Hai ngôi nhà này bây giờ Nhà Nước sử dụng hết rồi. Thế rồi Đức Cha sai tôi qua ở bên nhà CVK anh để dạy học, làm quản lý, làm linh hướng bởi vì trong nhà có mười một giáo sư nhưng chỉ có hai giáo sư là người Việt mà thôi.
Tôi ở đó cho đến năm 1975 thì đất nước xảy ra biến cố lớn, mọi người đều di tản, Chủng Viện của chúng tôi cũng bị giải tán chạy về Sài Gòn.
Tháng 5 năm 1975 lúc tôi đang phục vụ ở giáo xứ Thị Nghè thì Đức Cha nhắn với tôi:
- Cha về ngay Kontum, đừng có ghé Đà Lạt nữa.
Ngày 19 tháng 5 năm 1975 tôi về tới Kontum, Đức Cha rất vui mừng khi gặp tôi và Ngài bảo:
- Cha hãy chờ ở đây và chúng ta sẽ tìm cách gom anh em mình lại.
Năm 1972 Chủng Viện Kontum bị hư hại nặng, nhưng trong 3 năm, từ năm 1972-1975 Đức Cha đã cho tu sửa lại rất đẹp như chúng ta thấy bây giờ, Ngài quyết định sẽ mở Đại Chủng Viện tại Kontum.
Khoảng tháng năm 1975. Cha Giuse Bùi Đức Vượng lên làm cha bề trên của chủng viện, còn tôi thì vừa làm quản lý vừa dạy môn Kinh Thánh, có thêm cha Giuse Hiệu, cha Luca Bùi Thủ, cha Phanxicô Phạm Hữu Thế làm giáo sư, dĩ nhiên là có Đức Cha Alexi Phạm Văn Lộc... chúng tôi cùng làm việc với nhau và rất yêu thương nhau. Tôi biết cái gì tôi dạy cái đó, và các vị khác có lẽ cũng như thế!
Anh em chủng sinh học mỗi ngày một buổi, thời gian còn lại thì đi làm mướn, làm cỏ lúa, làm cỏ đậu phộng và làm bất cứ cái gì có thể làm được...
Tháng 8-1976 thì Chủng Viện bị đóng cửa hoàn toàn nên không còn một chủng sinh nào, và vì thế mà tôi bắt đầu làm quản lý ở Tòa Giám Mục.
Quản lý thời bấy giờ thì chỉ có nuôi heo, nuôi bò bán nghĩa vụ cho Nhà Nước, rồi làm ruộng, làm rẫy... Những năm đó là những năm vất vả, ăn cơm lúc nào cũng có ghé (độn) mì. Cho nên chúng tôi thấy những ngày, những năm tháng đó đúng là:Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui. Mình thiếu thốn nhưng mình thấy trong lòng rất vui.
Cứ như thế cho đến năm 1983 thì tôi bị kiệt sức. Tôi đã khóc rất nhiều khi có lệnh phải giải tán Chủng Viện Kontum. Trước đó mấy ngày thì Cha giám đốc Chủng Viện bị bắt, tôi có cảm giác chới với, hụt hẫng như mình bị mất đi cái gì quí giá nhất. Trong nhà có 70 chủng sinh, điều làm cho tôi lo lắng là tiền cho các chủng sinh làm lộ phí đi về cũng không có. Tôi tự hỏi: "không biết ý Chúa như thế nào" ? Anh em chủng sinh đều ở xa, nào là Ban Mê Thuột, nào là Nha Trang, rồi Sài Gòn... Nhưng bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy rằng Chúa đã sắp xếp hết mọi việc: khi giáo dân người này dấm dúi cho ít tiền, người khác cũng dấm dúi cho ít tiền, cuối cùng thì cũng giải quyết được việc cho các anh em chủng sinh về. Một số anh em ra nước ngoài và sau này trong số anh em đó, có những người đã trở thành Linh Mục như: cha Tiến ở Đài Loan, cha Lê Văn Thắng ở Hồng Kông, cha Thạch ở Mỹ, cha Giảng và cha Đích ở Singapo, cha Hải ở Australia, cha Thân ở Canada...Một số anh em khác thì về nhập Địa Phận nơi địa phương của mình. Cuối cùng ở lại Chủng Viện có cha Hiệu và tôi, còn có 8 con bò, nhiều con heo, một chuồng thỏ, mấy bầy gà, ngỗng, vịt nữa, rồi lại có một vườn rau xanh...như vậy mới thấy được là các thầy đã làm việc rất siêng năng và giỏi giang. Địa phận Kontum chúng tôi không có nhiều ơn gọi như các địa phận khác. Lý do: Kontum chúng tôi là một địa phận mà đa số giáo dân là người thuộc các sắc tộc thiểu số, không có điều kiện học hành như mọi người. Hiện bây giờ thì địa phận Kontum có khoảng gần 250.000 giáo dân, Linh Mục chúng tôi thì chỉ trên dưới 70 người. Trong khi Địa Phận Huế trên dưới 70.000 giáo dân thôi mà đã có cả trăm Linh Mục. Địa phận Qui Nhơn cũng thế, khoảng 70.000 giáo dân mà cũng có cả trăm Linh Mục.
Chúng tôi có gần 250.000 giáo dân, và trong 26 địa phận ở Việt Nam thì giáo dân người dân tộc là đông nhất, với khoảng 150.000 người, lại có 7 thứ tiếng khác nhau, và vì thế mà công việc của các Linh Mục trong Giáo Phận rất vất vả và gặp nhiều khó khăn. Các Linh Mục phải học các thứ tiếng dân tộc, cũng có Linh Mục học được vài thứ tiếng, thế nên việc thuyên chuyển Linh Mục từ vùng này sang vùng khác cũng là một vấn đề không mấy dễ dàng đối với các Linh Mục trong Địa Phận Kontum.
Người kinh trong địa phận chúng tôi có không tới 90.000 người, nhưng mà nói đủ thứ giọng: từ giọng Bắc, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... trong nhà thờ người kinh không thôi cũng đã khó đọc kinh chung với nhau rồi, nếu người Bắc xướng kinh thì người Quảng Ngãi chịu thua, mà người Quảng Ngãi xướng kinh thì người Bắc cũng không đọc được, cho nên chúng tôi cũng khá vất vả trong vấn đề mục vụ và luôn cả vấn đề phụng vụ. Một cuốn lịch mà đưa về Qui Nhơn thì chỉ việc bán cho giáo dân, còn ở Kontum thì chúng tôi phải dịch ra tiếng Bahnar, rồi tiếng Jarai...v.v... Đó là cả một sự cố gắng của địa phận Kontum. Kể từ năm 1975, thì chúng tôi bắt đầu cảm thấy thật khó khăn, nhưng dần dà thì nhà nước cũng có phần nào đổi mới về các chính sách đối với các tôn giáo. Có một Linh Mục đã chia sẻ:" thời bao cấp thì làm việc khỏe hơn nhiều, bởi vì không được đi làm lễ và ban các phép bí tích!”
Những năm tôi làm quản lý Tòa Giám Mục, ở đây thiếu thốn về mọi mặt. Thời kỳ còn ở Chủng Viện, từ năm 1975 - 1976, có 70 chủng sinh nhưng lại không có một hột lúa, hay một viên thuốc nào. Mọi người đều phải đi làm thuê làm mướn. Tôi nhớ có một lần chúng tôi đi làm mướn, người ta trả công cho chúng tôi một bao đậu phộng. Số đậu phộng đó nếu như tôi là người biết tính toán một chút - vì tôi là quản lý Chủng Viện mà - thì tôi sẽ bảo đem phơi khô rồi làm muối đậu phộng để dành trong nhà ăn từ từ cho nó đở, bởi vì chúng tôi ăn uống rất là thiếu thốn kham khổ, nào là ăn các thứ rau tập tàng, rồi mắm... còn nước mắm thì pha thêm nước muối vào, nếu nhỏ lên bàn một giọt nước mắm đó, đến chiều nó lại thành một giọt muối.
Không hiểu sao hôm đó tôi thèm ăn đậu phộng luộc quá chừng, cho nên tôi nói với thầy quản lý:
- Thôi, mình đừng có nấu cơm, mình luộc hết đậu phộng rồi cho mỗi bàn một thố.
Chiều hôm đó chúng tôi ăn toàn là đậu phộng luộc... trời ơi! Sao mà nó ngon thật là ngon, ai cũng ăn sạch bách luôn. Nhưng tôi lại không biết một điều là: vì lâu ngày (tôi nhớ đó là tháng 9- 1975) không có chất béo trong ruột cho nên tối hôm đó tự nhiên tôi cảm thấy đau bụng hết sức, còn muốn đi tiêu nữa... tôi chạy ngay xuống nhà tiêu thì... trời ơi! Trong nhà tiêu đầy người, kẻ thì ở trong, người thì ở ngoài chờ, tôi thấy cha giám đốc cũng đau bụng nữa, người ta chọc tôi: "mê ăn mà ra cả". Tôi bỗng nảy ra một sáng kiến là:
- Sao chúng ta phải chờ như vậy? Chúng ta ra vườn đi... vườn chúng ta rộng mà!
Mọi người đều ra vườn một cách vui vẻ. Tối đó vì chúng tôi không có được một viên thuốc nào, nên các sơ Phaolô mới nghĩ ra một cách là lấy lá ổi đem nấu chín, lá ổi thì có vị chát, mỗi người uống một ly nó cũng đở. Sáng bữa sau dậy đi lễ tôi thấy mắt của Cha bề trên trỏm lơ, và mắt người nào cũng trỏm lơ hết trơn. Chu cha! Nghĩ mình cũng dại thật, nếu mà mình làm muối đậu phộng ăn thì tốt hơn nhiều.
Những năm đó thật là vất vả, đi mua một chai thuốc đỏ mà thôi cũng phải chờ đến cả tiếng đồng hồ, khi gần tới phiên mình thì họ kéo cửa cái rụp rồi lạnh lùng nói:
- Hết giờ...
Thế là lủi thủi đi về, vừa đi mà trong bụng vừa ấm ức tức tối, miệng thì lẩm bẩm cằn nhằn...
Cũng vào những năm đó vì chúng tôi không có hộ khẩu cho nên không được mua vải, ai có hộ khẩu thì mỗi năm một người được mua 1m vải.
Tới tháng 8 khi có quyết định phải giải tán Chủng Viện, điều này làm chúng tôi nghẹn ngào, đắng lòng và đắng miệng...
13-6-1976: Cha giám đốc Chủng Viện bị đưa đi cải tạo.
* 8-8-1976: Có quyết định giải tán Chủng Viện và tôi được chỉ định làm giám đốc Chủng Viện.
* 25-8-1976: Không còn một chủng sinh nào được phép ở lại Chủng Viện.
Đây là những tháng ngày u ám nhất đối với chúng tôi. Tôi cảm thấy rất đau khổ và trong khoảng thời gian này tôi cũng đã khóc rất nhiều.
Kể từ năm 1976 tới năm 1983 tôi làm quản lý cho tòa Giám Mục.
Trong 7 năm ấy tôi đã làm đủ thứ nghề bất đắc dĩ như: làm lúa, trồng mì, trồng huỳnh tin, trồng gừng, trồng đậu phộng, rồi còn ép dầu đậu phụng mướn để lấy bã đậu nuôi heo, đặc biệt làm món cổ truyền của quê tôi là bánh tráng, rồi đem bánh tráng đổi lấy phân bò của người dân tộc, như thế họ có cái ăn mà mình lại có phân bò để bón cây. Trong chuồng heo không lúc nào là dưới 50 con, toàn là heo thượng, trông tướng mạo của nó thì xấu xí mà thịt lại rất ngon. Trong khuôn viên tòa Giám Mục có rất nhiều cây me, tới mùa me tôi trở thành “chuyên gia” hái me, rồi đem bán để có thêm tiền mua cái ăn cho tòa Giám Mục. Người ta gọi đùa tôi là Linh Mục theo "Dòng cây me", chứ không gọi tôi là linh mục của dòng Menkisêđê...
Năm 1983 thì tôi bị kiệt sức và người ta chở tôi đi bệnh viện Nguyễn Văn Học ở Sàigòn (bây giờ là bệnh viện Ung Bướu- đường Nơ Trang Long ). Tôi ở trong bệnh viện 33 ngày để chờ mổ bao tử, nhưng cuối cùng bác sĩ bảo:
- Cái vết thương nó lành lại rồi nên khỏi cần phải mổ... Và thế là tôi về lại Kontum.
Đức Giám Mục cho tôi nghỉ, không phải làm quản lý Tòa Giám Mục nữa. Đến tháng 3 năm 1983 Ngài nói:
- Công việc của Cha bây giờ là đi làm cha xứ ở Tân Phú.
Tôi làm Cha sở ở Tân Phú được ba năm rưởi. Tình nghĩa bà con giáo dân rất là mặn nồng, tôi cũng đi làm đổi công với giáo dân của tôi. Rồi dạy dỗ, tuy cũng có nhiều khó khăn nhưng rồi mọi việc cũng trôi qua tốt đẹp. Tình nghĩa của Cha sở với giáo dân, của giáo dân với Cha sở vô cùng đầm ấm.
Năm 1984 Đức Cha giao cho tôi coi thêm xứ Trung Nghĩa có khoảng 2000 giáo dân, thay cho cha Trần Khánh Lê vì Ngài bị bệnh nặng.
Tôi rất biết ơn giáo dân của 2 giáo xứ này vì tình cảm chân thành của họ dành cho tôi, cùng với những gương tốt trong đời sống đức tin của họ, điều này đã nâng đỡ cho cuộc đời làm Linh Mục của tôi rất nhiều.
Tới một ngày kia, vào khoảng cuối năm 1985 thì nhà nước chủ trương là tất cả các Giám Mục phó phải về tòa Giám Mục (Lúc đó Đức Cha phó là Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung đang ở Đức An - Pleiku, Đức Cha chính thì đang ở Tòa Giám Mục Kontum; hai nơi cách nhau 50 cây số) cho nên Đức Cha Chung cũng phải về tòa Giám Mục.
Đức Cha Lộc đề nghị tôi đi làm Cha sở Đức An, Ngài hỏi tôi:
- Cha có bằng lòng đi Đức An không?
Lúc đó tôi đang ở Tân Phú, tôi nói:
- Đức Cha sai con đi thì con đi, chớ mà hỏi con có bằng lòng không thì con không bằng lòng.
Ngài hỏi:
- Tại sao thế?
Tôi nói:
- Con không chịu được lạnh, mà Pleiku là xứ lạnh... con thì ở dơ mà bụi bặm của Pleiku là đất đỏ. Con đã ở dơ mà còn làm biếng tắm thì nó dơ lắm. Lại nữa (tôi cũng nói thật với Ngài) con là dân Bình Định, con không hiểu tiếng Quảng Bình cho lắm, dân Đức An là dân Quảng Bình, mà dân Quảng Bình nói giọng trọ trẹ khó nghe.
Thế rồi Đức Cha hỏi tôi:
- Như tôi thì sao? (vì Ngài cũng là dân gốc Quảng Bình)
Tôi nói:
- Mỗi khi Đức Cha nói giọng đó con cũng khó nghe, khó hiểu nữa.
Đức Cha làm thinh nhưng rồi Ngài bảo tôi:
- Khi nào Cha vui lòng thì tôi sai đi, chứ tôi không muốn Cha phải đi một cách miễn cưỡng.
Tôi nói:- Con không miễn cưỡng, nếu Đức Cha sai con đi thì con đi... nhưng mà bằng lòng đi thì con không bằng lòng đi.
Tới mùa Vọng năm 1985, Ngài cứ vận động các sơ cầu nguyện cho các Cha biết vâng lời. Các sơ cũng có nói với tôi. Tôi bảo:
- Không phải là tôi không vâng lời, nhưng tôi không bằng lòng mà thôi, phải phân biệt hai điều đó chớ.
Cuối cùng tôi thấy thương Ngài cho nên tới Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng năm 1985 tôi nói với Ngài:
- Con bằng lòng đi Đức An.
Ngài bảo tôi:
- Phải đi sớm trước năm Dương Lịch.
Tôi nói:
- Thưa Đức Cha, Đức Cha trình với nhà nước cho con đi trước năm Âm Lịch thôi.
Tôi cũng định kéo dài thời gian một chút vì tôi có khóa giáo lý rước lễ lần đầu phải lo. Đến gần tết thì tôi xin Đức Cha:
- Xin cho con ăn cái tết này với giáo dân của con, qua tết rồi con sẽ đi.
Sau tết thì tôi xin Đức Cha:
- Cho con... sau Phục Sinh đi.
Đức Cha chấp thuận và nhà nước họ cũng đồng ý. Nhưng đến thứ sáu Tuần Thánh thì công an sở ( hồi đó Gia Lai và Kontum là một tỉnh) đến gặp tôi; lúc đó tôi đang giải tội mùa chay.
Họ nói:
- Anh Đông chuẩn bị sau lễ (lễ Phục Sinh) thì phải đi Pleiku.
Tôi nói:
- Cho tôi tới kỳ hè đi, sau tĩnh tâm năm thì tôi đi cũng được.
Công an họ nói:
- Tôi thấy giấy của Chính Quyền quyết định cho anh đi đấy, sau lễ là phải đi.
Tôi nói nữa đùa nữa thật:
- Chính quyến là mấy ông chớ còn ai nữa đâu...
Thứ hai sau Lễ Phục Sinh ( năm 1986) thì Đức Cha Lộc được gọi tới làm việc với Công An, sau đó Ngài cầm về một tờ giấy quyết định với nội dung là: "Ông Đông phải đi ngay xuống Đức An". Và ngày 19 tháng 4 năm 1986 Đức Cha Alexi chính thức bổ nhiệm tôi làm cha sở Đức An.
Tôi ở Đức An gần 20 năm, kiêm nhiệm luôn kinh tế mới Vườn Mít, kinh tế mới Lò Than, kiêm nhiệm cả xứ La Sơn, xứ Lệ Chí, làng Hà Bàu Jarai (bây giờ là xã ChưĐangYa, huyện ChưPah), làng YaLuh sắc tộc Sêđăng xã Nghĩa Hưng, ChưPah.
Ngày 27 tháng 7 năm 2005 tôi được bổ nhiệm về làm cha sở giáo xứ Thăng Thiên.
Năm 2011 tôi lại bị kiệt sức, rồi bị rối loạn tiền đình. Tôi lại về Sài Gòn chữa bệnh.
Bác sĩ bảo:
- Máy nó chạy đã 70 năm nay rồi nên thứ gì ở trong máy nó cũng bị... rơ... rơ một chút. Vì thế mà cha cần có thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, cũng như cái ao nước nó đã hết nước rồi, bây giờ phải chờ nước mạch nó lên.
Vậy nên Đức Giám Mục đã sắp xếp cho giáo xứ một cha Phó (cha Trí dòng Tên)... vì thế mà tôi được đi nghỉ dưỡng bệnh gần 6 tháng ở dòng Biển Đức tại Thủ Đức và Lộc Nam- gần Bảo Lộc -
Gia đình tôi có tám anh chị em 5 trai 3 gái, có một người đi tu sơ dòng Nữ Vương Hòa Bình, còn tôi làm Linh Mục...
Tôi muốn nói những lời tâm tình này: Bởi vì cuộc đời của mình thật là vắn vỏi. Con cháu của tôi đứa nào cũng lo bươn chải làm ăn mà ít khi nghĩ về đời sống đạo đức hay biết lo chuẩn bị về đời sau của mình. Tôi muốn những người thân của tôi được biết: Sức khoẻ thì nó mỏng và dòn, cuộc đời thì vắn vỏi, chúng ta phải sống như thế nào để chúng ta có thể mưu cầu cho đời sống hôm nay của chúng ta, ngoài ra mỗi chúng ta cũng phải có bổn phận phải mưu cầu cho đời sống đời đời của chúng ta.
Sinh ký Tử qui: Cha ông mình đã nói như thế. Cuộc sống chỉ là tạm, khi mình chết thì mình mới đi vào cuộc sống vĩnh cửu của mình.
Tôi luôn nhớ câu nói của Đại Thi Hào Tagore:
" Nếu bạn yêu cuộc sống mình thì bạn cũng phải yêu cái chết của mình, bởi vì cái chết chính là cánh cửa mở ra để bạn bước vào cuộc sống đích thực của mình".
Tôi không có ý chỉ trích một ai mà đây chỉ là những tâm tình được bộc lộ cho những người mình thương, để làm thế nào khi sống chúng ta biết được mục đích sống của chúng ta là cái gì? Tại sao chúng ta sống? Và khi chết thì chúng ta sẽ đi về đâu?
Người xưa có đặt vấn đề:
Nhân sinh hà tại? Tại thế hà như? Hậu thế như hà?
Người ta đặt vấn đề mà chưa có câu trả lời. Chính niềm tin của Kitô giáo đã trả lời được những câu này:
* Nhân sinh hà tại?
Con người do đâu mà có? Thưa: Thiên Chúa dựng nên mỗi người chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta, Ngài ban sự sống cho chúng ta.
Tại thế hà như?
Trong cuộc sống này thì phải sống như thế nảo? Cuộc sống này thì phải sống Đạo đức, sống Đạo Đức sẽ làm nên giá trị cuộc sống con người.
Hậu thế như hà?
Sau cái chết sẽ ra sao? Thưa là khi chết chúng ta sẽ về Nhà Cha trên trời:
-" Thầy đi trước, thầy dọn chỗ cho chúng con, hễ thầy ở đâu thì chúng con ở đó với thầy".

Lớp Chủng viện năm 1955 (CVK 55)
3 Lm ngồi: Cha Giuse Trần Trí Tuệ, Cha Alexis Phạm Văn Lộc, 
Cha Phaolô Lê Quang Trinh; 
Chủng sinh Phêrô Nguyễn Vân Đông hàng giữa, bìa bên trái hình.


2 .
CHÚA ĐÃ GỌI TÔI
SAU ĐUÔI MỘT ĐÀN BÒ


Tôi nhớ khoảng năm 1990 khi tôi về Qui Nhơn để dự lễ phong chức cho một người bạn - bây giờ người đó là phó Giám Mục Qui Nhơn: Đức Cha Matthêu Nguyễn văn Khôi - Cha Phêrô Võ Tá Khánh đã làm một bài phỏng vấn được ghi băng để tặng cho Cha mới.
Cha Võ Tá Khánh hỏi tôi:
- Cha Đông làm Linh Mục bao nhiêu năm rồi? Cha có bao giờ hối hận vì Cha đã làm Linh Mục không?
Tôi đã trả lời:
- Tôi chưa bao giờ hối hận vì tôi đã là Linh Mục của Chúa Giêsu, nhưng tôi có hối hận một điều là tôi đã làm Linh Mục chưa xứng đáng.
Có một lần tôi về Ban Mê Thuột dự lễ mừng 25 năm Linh Mục của Cha Augustinô Hoàng Đức Toàn. Đầu Thánh Lễ Ngài chia sẻ một câu mà tôi rất tâm đắc:"- Hôm nay con dâng lễ tạ ơn Chúa vì Chúa đã kêu gọi con làm Linh Mục được 25 năm, và con cũng xin tạ tội với Chúa vì những thiếu sót của đời con trong 25 năm làm Linh Mục."
Tôi cũng thế, tôi luôn luôn cảm ơn Chúa vì Chúa đã thương cho tôi làm Linh Mục của Ngài. Khi tôi chịu chức Sáu thì lớp tôi (lớp học ở dòng Phanxicô) chỉ có một mình tôi làm Linh Mục, có một người bạn của tôi tới dự lễ, nói với tôi:
- Lớp mình chỉ còn có một mình mày, thôi mày ráng mày tu chớ mày ra nữa là không còn đứa nào...
Tôi không đồng ý chữ "ráng" đó, tôi mới nói với người bạn:
- Đi tu mà ráng? Ráng cả đời làm sao mà ráng được chớ? Vợ mày nó đẻ, mày nói "em ráng một chút". ráng một chút thì được chớ làm sao ráng cả đời được?
Đi tu là một hồng phúc Chúa ban cho mình, cả đời mình phải cám ơn Chúa, mình phải sống như thế nào cho xứng đáng với ơn Chúa gọi mình thì mới được. Vậy nên tôi cũng xác nhận rằng: "Làm Linh Mục gần 40 năm mà tôi vẫn cảm thấy ơn Chúa dành cho mình mặc dù mình bất xứng."
THIÊN CHÚA MÀ TÔI TIN
Đời sống người Kitô Hữu quan trọng nhất là Đức Tin. Chúa Giêsu làm bao nhiêu là phép lạ, Ngài luôn luôn nói:
" Đức tin của ông đã cứu ông, đức tin của bà đã cứu bà, đức tin của con đã cứu con... "
Và như thế điều quan trọng trong đời sống ơn gọi của mình là Đức Tin, là niềm tin vào Thiên Chúa qua sự Mặc Khải của Chúa Giêsu.
Một lần nọ có một cán bộ mà cũng là công an nữa, đến gặp tôi trong khi tôi đang đọc kinh nguyện trước hè nhà xứ. Tôi bảo anh ta chờ một chút, đọc kinh xong chúng tôi ngồi nói chuyện. Anh ta nói:
- Anh đọc kinh làm như là có Chúa thiệt vậy. Anh làm chứng có Chúa cho tôi coi thử!
Tôi cũng hơi bực mình vì câu:" Anh làm như có Chúa thiệt vậy". Tức là người ta coi mình như người giả hình và Chúa của mình không có thiệt, rồi còn bảo tôi làm chứng có Chúa cho anh coi thử, nghe chữ thử đó tôi cũng tức nữa.
Tôi nói với anh rằng:
- Anh là người cộng sản, mà ý thức hệ của cộng sản là vô thần, mà là vô thần khoa học, có nghĩa là có thể làm chứng không có Chúa có tính khoa học... Thì bây giờ anh hãy làm chứng là không có Chúa cho tôi coi... Làm chứng không có Chúa mà có tính khoa học đó. Và tôi sẽ làm chứng là có Chúa cho anh coi.
Anh ta làm thinh. Tôi tin chắc rằng anh ta không thể làm chứng là không có Chúa. Tôi nhìn cái đồng hồ anh mang trên tay và hỏi anh:
- Anh hãy làm chứng cái đồng hồ này tự nhiên nó có đi.
Anh ta trố mắt nhìn tôi:
- Làm sao tự nhiên mà nó có được chứ.
Tôi nói:
- Nhất định là không thể tự nhiên mà nó có được đâu, anh biết chắc chắn có người chế tạo ra nó mặc dù anh không biết người đó là ai, anh biết chắc có một cái xưởng đã làm ra nó... mặc dù anh không biết cái xưởng đó ở chỗ nào, nhưng anh biết chắc chắn nó sẽ được xuất xưởng, dù anh không biết đó là ngày nào.
Vì chúng tôi ngồi nói chuyện trước hè, nơi có đám hoa cánh bướm phất phơ, tôi chỉ hoa cánh bướm mỏng manh màu vàng và bảo anh:
- Anh hãy làm chứng những cánh hoa này tự nhiên nó có đi.
Anh ta nhún vai, nói:
- Bây giờ nói thật với ông là người ta làm hoa vải, hoa giấy, hoa nhựa... nó còn đẹp hơn thứ hoa thật đó nhiều.
Tôi nói:
- Đúng, hoa cánh bướm này là một loài hoa thường. Người ta làm hoa vải, hoa giấy và hoa nhựa bằng hạt nhựa, bằng vải, bằng giấy, hạt cùa nó cũng được làm bằng nhựa, bằng vải, bằng giấy... Anh thử lấy những hạt đó vùi dưới đất, rồi lấy nước tưới xem nó có lên được cây mới không? Dĩ nhiên là không. Chỉ có thứ hạt này tuy nhỏ như thế nhưng khi anh bỏ nó xuống thì nó sẽ mọc được cây mới. Tự nhiên làm sao một hạt nhựa có thể mọc lên một cây hoa? Nếu những nhà khoa học làm được như thế thì người ta đã làm từ lâu rồi, nhưng mà người ta không thể làm được, chỉ có một Đấng làm được cái mầm sống trong cái hạt đó mà thôi, Đấng đó là Thiên Chúa. Nói chơi với anh cho vui vậy thôi nhưng tôi biết trong thâm tâm của anh, anh cũng tin có Chúa.
Anh ta bảo:
- Tại sao anh nói như vậy?
- Được, nếu anh không tin có Chúa thì tôi nói thế này và anh lập lại những gì tôi nói, anh phải chịu trách nhiệm về lời nói của anh... Anh hãy xưng danh tánh của anh và tuyên bố: "đách có Chúa", anh nói đi.
Anh ta làm thinh. Tôi bèn nói:
- Anh không dám nói câu đó vì trong lòng anh cũng tin có Chúa mà.
Khi được học về các tôn giáo, tôi càng xác tín về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tất cả các tôn giáo đều tin vào hai điểm giống nhau:
Điểm thứ nhất: Các tôn giáo đều tin có một Đấng siêu linh, có thể quan niệm về đấng siêu linh đó không giống nhau, có thể tên gọi đấng siêu linh đó của các tôn giáo cũng không giống nhau: Đức Chúa, Đức Ala, Chúa Trời, ông Trời, Thượng Đế... Nhưng tất cả đều đặt niềm tin vào Đấng siêu linh.
Điểm thứ hai: Các tôn giáo đều có một điểm giống nhau nữa là: chết là chưa hết, các tôn giáo đều tin có kiếp sau của cái chết. Kiếp sau đó như thế nào thì mỗi tôn giáo có một quan niệm khác nhau, chỗ ở của người chết cũng có tên gọi khác nhau: Suối Vàng, Niết Bàn, Thiên Đàng...
Nhưng mà các tôn giáo đều tin rằng: 1/ Có một đấng Siêu Linh. 2/ Chết không phải là hết mà còn có đời sau, kiếp sau.
Người Việt Nam mình cũng có quan niệm: Sinh ký Tử quySống gởi thác về, sống là tạm mà chết thì mình mới về nhà thật của mình. Theo tôi nghĩ: với trí khôn mà Chúa ban cho thì con người cũng nhận ra được có một Đấng Siêu Linh, có một Đấng Thượng Đế, có một Thiên Chúa... Bởi vì theo trí khôn tự nhiên của con người thì cái gì cũng có một người làm ra nó.
Khi dạy các em nhỏ trong các giáo xứ, tôi hay đặt câu hỏi:
- Đố con, ai sinh ra con?
Nó nói:
- Mẹ con sinh ra con.
- Đúng, nhưng ai dựng ra con trong bụng mẹ?
Nó trả lời :
- Là mẹ con.
- Không đúng, mẹ con không hề làm được một cái móng tay của con. Chín tháng mười ngày ở trong bụng mẹ, mẹ con có thể nghỉ, ngủ, lao động hay đi du lịch chỗ này chỗ nọ... mẹ con không bao giờ nghĩ rằng: ngày hôm nay phải tạo ra cho nó cái ngón tay, phải tạo cho nó trái tim hay là nắn cho nó có cái mũi dọc dừa... không bao giờ có thể được đâu. Nếu mà mẹ con bảo là mẹ con có trí khôn, mẹ con là kiến trúc sư, mẹ con là họa sĩ... mẹ con có thế làm ra con theo ý muốn của mẹ con được, thì cha hỏi tụi con: con bò con ở trong bụng mẹ nó, người ta nói "ngu như bò" thì làm sao mà con bò mẹ nó dựng được con của nó đẹp như thế trong bụng nó được chứ? Chắc chắn là không thể được. Tất cả đều do Chúa dựng nên. Công việc tạo dựng của Chúa vẫn diễn ra từng ngày, từng phút, từng giây.
Các em nhỏ rất thích những câu chuyện như thế và nó xác tín rằng: chính Chúa tạo dựng nên con người. Trí khôn của chúng ta có thể suy ra để biết điều đó. Chúng ta chịu khó suy nghĩ bằng trí khôn của mình (vì Chúa cho con người có trí khôn) chúng ta phải nhận ra có một Đấng siêu linh, là Đấng cầm giữ vận mệnh của mình.
Khi học triết học và thần học, tôi có suy nghĩ là:
Học triết học:
Là để tìm tới căn nguyên cội nguồn cuối cùng của sự vật bằng trí khôn của mình. Nhưng chúng ta có thể biết có một Thiên Chúa bằng trí khôn của ta, mà chúng ta không biết Thiên Chúa là Đấng như thế nào? Khổng Tử đã nói Kính nhi viễn chi: có nghĩa là chúng ta ở xa mà chúng ta kính, chúng ta không ở gần Thượng Đế, chúng ta không biết Ngài là ai? Ngài như thế nào? nhưng chúng ta tin có Ngài...
Có người kể cho tôi nghe: "Người ta đặt vấn đề với Đức Phật Thích Ca về Thượng Đế, Ngài bèn hái một nắm lá cầm trong bàn tay của Ngài, Ngài bảo rằng: " Sự hiểu biết của chúng ta chỉ là một chút rất ít như nắm lá nằm trong bàn tay nhỏ bé của mình, còn những sự chúng ta chưa hiểu biết thì bạt ngàn như lá rừng trên khắp trái đất này".
Thế nên... đặt vấn đề về Thượng Đế thì chúng ta cũng chưa và không thể nào hiểu thấu được.
Học Thần học:
Nhờ có trí khôn mà chúng ta tin có sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng chúng ta không biết đó là Đấng như thế nào. Chính Chúa Giêsu là con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa. Ngài bảo: "- Không ai biết việc trên trời đâu, trừ Đấng từ trên trời xuống mới cho chúng ta biết các sự ở trên trời."
Ngài dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Thiên Chúa thương yêu loài người, đã tha thứ cho loài người, mặc dù chúng ta có tội nhưng chúng ta biết rằng Chúa đầy lòng khoan dung. Chúa tha thứ cho những ai biết ăn năn hối cải quay về với Ngài
"- Con đã phạm tội với Trời và với cha... con không còn xứng đáng là con của cha nữa". Và đứa con hoang đàng khi trở về đã được mặc áo mới, được mang giày mới, được đeo nhẫn vào ngón tay, được cha mình cho giết bê béo để ăn mừng...
Thiên Chúa của chúng ta qua mặc khải của Chúa Giêsu là như thế, và Ngài chính là Thiên Chúa mà tôi tin thờ, bằng trí khôn của mình mà Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta, để chúng ta tìm ra Ngài. Thiên Chúa mặc khải của Chúa Giêsu là Cha của chúng ta: "Nhà cha Thầy có nhiều chỗ, Thầy đi trước Thầy dọn chỗ cho chúng con, để Thầy ở đâu thì chúng con cũng ở đó với Thầy".
Từ nhỏ tôi thường đọc kinh Tin, kinh Cậy và kinh Mến. Trong kinh Tin có một câu như thế này: Lạy Chúa con tin có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Thưởng phạt vô cùng có nghĩa là: làm việc gì tốt cho dù kín đáo, âm thầm không ai biết nhưng mà có Chúa biết. Chúa Giêsu đã nói:"- Dù chỉ là một ly nước lã thì chúng con cũng không mất công của chúng con đâu." Thành ra những ai tin Chúa là đấng thưởng những công việc tốt lành mà ta đã làm; cho dù không ai thấy, cho dù làm một cách âm thầm, thì Chúa nhất định thưởng những việc đó. Tin như vậy thì loài người chúng ta mới biết lo làm việc tốt để được Chúa thưởng chúng ta.
Rồi thì chúng ta tin cái gì nữa? Chúng ta tin Chúa phạt, vì không có cái gì mà thoát khỏi sự nghiêm minh của Chúa. HoàngThiên hữu nhãn: ông trời có con mắt.
Người xưa cũng nói Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậuLưới trời lồng lộng nhưng không có bất cứ cái gì, cho dù nhỏ cách mấy đi nữa cũng không thể nào chui lậu qua được lưới trời.
Và khi Chúa phạt thì cũng vô cùng, cho nên những người tin Thiên Chúa có thưởng và có phạt thì lo làm những việc tốt và tránh những việc xấu. Những ai không tin là sẽ được Chúa thưởng thì người ta cũng không ham làm việc tốt, cũng như những ai không tin có Chúa phạt thì người ta tha hồ làm việc xấu.
Anh không tin có Chúa không phải là không có Chúa. Anh không sợ Chúa phạt không có nghĩa là anh tránh được sự nghiêm trị của Chúa. Cho nên khi chúng ta dạy con cái mình, thì chúng ta phải dạy cho chúng nó biết có Thiên Chúa thật sự và Thiên Chúa thưởng phạt rất nghiêm minh.
Tôi hay nói với trẻ em:
- Tổ chức một cuộc đấu bóng, dù là cuộc đấu bóng ở cấp xã đi nữa thì cũng phải có một trọng tài. Trọng tài để làm gì? Trọng tài để phạt những đứa chơi xấu.
Tổ chức của Chúa qui mô như vậy mà không có một sự thưởng phạt nghiêm minh thì đúng là không được, không thể được.
Tôi dạy giáo lý cho các em, tôi bảo với chúng nó:"Tư tưởng hướng dẫn hành động". Tôi nhớ câu ngạn ngữ của Pháp là "Tư tưởng hướng dẫn thế giới". Mình nghĩ như thế nào thì mình làm như thế đó. Nếu mình nghĩ tiền bạc là quan trọng nhất thì mình sẽ làm bằng mọi cách để sao cho có thật nhiều tiền, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn, nếu mình nghĩ địa vị là số một thì cũng bằng mọi cách lo chạy chọt, chui luồn, đút lót để có được một địa vị. Tư tưỡng hướng dẫn hành động là như thế. Đức tin là tư tưởng, nếu chúng ta tin rằng có một Đấng thưởng phạt nghiêm minh, niếm tin đó sẽ hướng dẫn hành động của chúng ta và chúng ta phải làm thế nào đề hợp với ý Chúa. Biết phân biệt cái thiện, cái ác trong đời sống của mình.
Khi tôi còn nhỏ cha tôi đã dạy cho tôi một bài lục bát mà tôi còn nhớ cho tới bây giờ:
Thiên đàng hỏa ngục hai quê,
Ai khéo thì về ai vụng thì sa.
Người đời khác thể như hoa,
Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn.
Giữa trời một tiếng sấm vang,
Người ngay mắc nạn, đứa gian chê cười.
Lụt lịt mà chín mà mười,
Hay nói hay cười mà chẳng có chi.
Người đời có thịnh có suy,
Hết cơn bỉ cực đến kỳ thái lai.
Người đời ai chế giễu ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
Giàu sang nhiều kẻ đến nhà,
Khó khăn nên phải ruột rà xa nhau.
Quân tử ứ hự thì đau,
Tiểu nhơn dùi đục đánh đầu không hay.
Càng cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng càng dày gian nan.
Tôi nhớ nằm lòng những điều đó, và tôi luôn nhớ câu: Tư tưởng hướng dẫn hành độngđó là phương châm sống của tôi sau này.
Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, ở giữa xã hội này luôn luôn có một cuộc chiến khốc liệt giữa cái Thiện và cài Ác. Đây là một cuộc chiến mà phe nào cũng muốn dành phần thắng. Ma quỉ là chủ của cái ác, là chủ của sự dối trá... Tôi nhớ một câu chuyện vui:
" Có một anh chàng kia bị chết, sau khi chết anh thấy mình đi qua một hành lang dài thật dài... đi mãi anh thấy có một cái cửa to đề 2 chữ: Thiên Đàng.
Anh thầm nghĩ:
- Tội lỗi như mình đây mà khi chết cũng gặp Thiên Đàng... vui dữ quá ha.
Anh ta tò mò nhìn vô lỗ khóa coi thử trong Thiên Đàng có cái gì. Anh ta thấy Chúa uy nghi hết sức, có Đức Mẹ, có những bà đạo đức mà khi ở thế gian thường hay la anh ta :"- mày thế này... mày thế nọ...", anh thấy những người này đang đọc kinh ở trong đó. Anh ta nghĩ: " mình thì làm biếng đi nhà thờ, làm biếng đọc kinh cầu nguyện... vô Thiên Đàng kiểu này chắc là mình không vô đâu. Thôi... ta đành từ giã Thiên Đàng mà bao nhiêu ngừơi hằng mơ ước.
Anh ta tiếp tục đi, đi mãi đến cuối hành lang, anh ta gặp một cánh cửa ghi chữ Hỏa Ngục được trang trí thật là đẹp, anh ta nghĩ thầm trong bụng:
- Chết rôi! Không vô Thiên đàng thì chỉ còn có hỏa ngục. Hết đường rôi, không biết làm sao nữa.
Anh ta rất sợ hãi vì nghe nói nơi hỏa ngục có đủ mọi sự đau khổ trong đó, anh tò mò dòm vào lỗ khóa. Và thật là ngạc nhiên khi anh thấy trong đó có bạn bè của anh lúc còn ở thế gian, có cả bia ôm với đủ thứ trò vui chơi nhậu nhẹt...Ồ quá đã! Anh ta quyết định:
- Thôi... ta không vào Thiên Đàng, mà ta vào hỏa ngục vậy. Đây đúng là chỗ của ta rồi.
Anh ta gõ cửa, mới gõ có một tiếng là cửa hỏa ngục mở ra liền. Anh ta reo lên:
- Chu cha! Cái ban tiếp tân của hỏa ngục nó cũng tử tế hết sức! Ở thế gian gõ năm bảy lần mà nó còn chưa thèm mở cửa, ở đây mới gõ có một tiếng nó mở ra liền.
Anh ta sửa sang quần áo lại cho tề chỉnh, rồi bước vào cửa hỏa ngục một cách hiên ngang như một kẻ chiến thắng vậy... Nhưng hỡi ơi! vừa mới bước vào mấy bước thì anh thấy ngay một bầy quỷ, mà con nào con nấy trông rất dễ sợ. Một con quỉ cả có răng nanh nhọn, tay cầm một cái chĩa ba thật dài kẹp vào cổ anh ta làm anh ta đau đớn. Anh hốt hoảng la lên :
- Oái! Oái!...Đau quá, ở bên ngoài tôi thấy đẹp quá mà... nhưng sao khi vô đây rồi lại dễ sợ quá vậy?
Con quỉ cả nó cười: khà... khà... khà... rồi nói rằng:
- Quảng cáo mà... không biết quảng cáo sao? Quảng cáo như vậy thì mới có người vô chớ, không quảng cáo như vậy ai mà thèm vô ?
Ở đời này thiên hạ quảng cáo rất nhiều thứ: từ xà bông này cho tới bột giặt kia, sữa này sữa nọ cho trẻ em, rồi mỹ phẩm cho các bà... nghĩa là thứ gì sản xuất ra cũng phải quảng cáo, còn sự thật đằng sau cái quảng cáo kia thì là gì? ai mà biết được... Cho nên trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta cần phải biết một điều vô cùng quan trọng là: đừng để cho ma quỷ nó quảng cáo mà bị sa vào cái bẫy của chúng nó.
Thiên đàng hỏa ngục hai quê,
Ai khéo thì về, ai vụng thì xa.
Chúng ta sống đạo đức trong đời này, để khi chúng ta gặp Chúa, chúng ta cũng thấy là đi theo Chúa, tin vào Chúa, yêu mến Chúa, trở thành con cái Chúa thì chúng ta nhất định được vào Thiên Đàng để hưởng hạnh phúc bên Ngài đời đời.

(Còn tiếp)

 Kontumquehuongtoi
18.12.2017





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét