Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

"CỘI SI GIÀ ÔM LẤY CHÚ BẰNG LĂNG" - Trần Như Thảo, cựu giáo viên PTTH Kon Tum




"Hưởng ứng bài viết kỷ niệm 30 năm trường xưa PTTH Kon Tum...
Mình xin trích 1 đoạn kỷ niệm về cội Si già trong bài đăng kỷ yếu "30 năm hội ngộ trường xưa 85-15". Xin phép quá giang 1 đoạn vs ban biên tập nhé!" (Thầy Trần Như Thảo-Cựu GV PTH Kon Tum)
"Cội Si già ôm lấy chú Bằng Lăng" năm nào, bây giờ không còn nữa...

TRẦN NHƯ THẢO
CỰU GIÁO VIÊN PTTH KON TUM
............
"CỘI SI GIÀ ÔM LẤY CHÚ BẰNG LĂNG"
Kon tum mùa khô hanh những năm 1980, đó là bắt đầu của những tuần đầu của học kì 2 ở ngôi trường Trung học phổ thông cấp 3 phố núi. Trời khô hanh lay lắt, không khí như nín thở, chiều chiều, những mảnh tro tàn của một cánh rừng nào đó bị lửa đốt…bay xa và rơi vương vãi xuống khoảnh sân nhỏ bé, quanh co, trải đầy sỏi cát chen lẫn với những chiếc lá si, lá long não, phượng vỹ..vật vờ. Khoảnh sân trường nhỏ bé đó được che phủ gần hết 1/3 với cái bóng cây Si khổng lồ: “Có bác Si già, ôm lấy chú Bằng Lăng”. Gốc si đó không biết đã có tự bao giờ, khi chúng tôi về trường nhận việc, nó đã đứng đó: uy nghi, ngạo nghễ. Cứ buổi sớm, từng đàn chim chào mào “khổng tước” không biết từ rừng đại ngàn nào, bay về vần vũ kể cả hàng trăm con, chen nhau, ríu rít tranh ăn những chùm quả Si đỏ lừng, ngon ngọt. Thỉnh thoảng, một tiếng kẻng của bác Quý bảo vệ gióng lên báo giờ đổi tiết, chúng lại giật mình xao xác lảng đi….rồi lại quay trở lại, vấn vít trên tán lá của ngọn cây vĩ đại của bác Si già, như đàn em học sinh ngây ngô dưới sân trường, quyến luyến với ngôi trường yêu dấu vậy.
Một dạo, khoảng năm 1982 gì đó, lần đầu tiên, tôi ở lại ăn Tết ở tập thể trường cấp 3. Có lẽ không nỗi buồn nào bằng một kỳ ăn tết xa quê, nhưng dưới cội Si già, mấy anh em ngồi tán dóc, xoa tay, vung “triệt” những quân cờ Đô Mi Nô, tú - lơ - khơ…cũng phần nào xoa dịu nỗi buồn nhớ tết quê hương. Dưới cội Si già, chiều 30 tết, chúng tôi bày dọn một cỗ bàn đơn sơ trên chiếc bàn nhỏ, để cúng tất niên. Vật thực chẳng có gì, đôi cặp bánh chưng tự gói, mấy gói kẹo mậu dịch, dăm ba chén chè, đĩa xôi, vài nén nhang,…mà lòng thành lễ bạc.
Một dấu ấn xa xôi lại về bên cội Si già đó, có lẽ thật khó mà quên được. Một buổi sáng tinh sương khoảng tháng 5- 1980, sáng lơ mơ ngủ dậy trong phòng nội trú bên cạnh văn phòng Đoàn, bỗng nhiên mình nghe những tiếng tinh tinh, tang tang..văng vẳng từ nơi đại ngàn rừng thăm, âm thanh kỳ lạ như từ cõi hư vô nào mà mình chưa từng nghe bao giờ. Dụi mắt, mở cửa bước ra nhìn thì thấy dưới cội Si già tập trung một nhóm các già làng, bô lão dân tộc đã ngồi tựa gốc Si từ bao giờ. Trên tay họ là mỗi người 1 cái cồng hoặc chiêng đủ loại. Âm thanh kỳ ảo chính là từ dàn nhạc cồng chiêng này phát ra. Bên những ống vố, bầu nước, với y phục cổ truyền, nét mặt bình thản như những khuôn mặt tượng gỗ nhà mồ…, họ tấu chiêng mà âm thanh đó len lỏi vào hồn người nghe như tiếng gọi hào hùng, pha nét bi ai của núi cao rừng thẳm. Cũng không biết tại sao, cổng trường ban đêm đóng lại mà họ lại vào tập trung ngồi lại quanh gốc Si già? Câu trả lời theo tôi suy nghĩ có lẽ gốc Si già trong sân trường mình thuở xưa là dấu tích xa xưa của ngôi làng cổ Kon Tum thuở nào chăng? Cả thị xã rộng lớn bao la, bao nhiêu là cây cao, bóng cả, thảm cỏ, quảng trường, cớ sao họ lại tụ hội về đây từ nửa đêm để đón chờ ngày Lễ? (Lúc đó, đang có lễ hội “Rước đuốc Bác Hồ” từ Bắc vô Nam). Dù gì đi nữa, sáng sớm mở mắt ra, nhì thấy cảnh tụ hội và nghe những âm thanh từ xa xôi đại ngàn sâu thẳm đó, trong tôi như có làn gió lạnh sởn óc chạy dọc sống lưng! Ôi, Kon Tum, đất cao nguyên cổ xưa của bao nhiêu truyền thuyết, huyền hoặc… lại trỗi dậy ùa về trong tôi như một cảm xúc lạ kỳ, không bút mực nào tả hết được…." (trích)

...........................................................


1 nhận xét:

  1. Dưới và chung quanh gốc si đó, sau này phát hiện là 1 vùng mộ cổ của dân tộc Ba na...Từ đó suy ra, cội si già là nơi từng ghi dấu vết linh thiêng của đồng bào....

    Trả lờiXóa