Lời giới thiệu cuốn sách Người Bana ở Kon Tum
Andrew Hardy (1)
Viện Viễn Đông bác cổ Pháp Tại Hà Nội
Cuốn sách Người Ba-na ở Kon Tum nguyên tên là Mọi Kontum, là tác phẩm viết chung của hai anh em Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi và Giáo sư Nguyễn Đổng Chi vào năm 1933-1936 và in năm 1937. Sau khi ra đời, sách được giới học giả quan tâm và trong vòng gần mười năm qua, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội đã cho dịch một cách cẩn trọng ra Pháp ngữ (do dịch giả Nguyễn Văn Ký) và Nhà xuất bản Tri thức phát hành bằng hai thứ tiếng vào năm 2011. Sách được đánh giá là công trình dân tộc học nghiêm túc đầu tiên tiến hành theo một phương pháp rất hiện đại của người Việt và bằng tiếng Việt mà ngày nay giới dân tộc học trong nước mới thấy hết hiệu năng của nó và ngày một tin tưởng áp dụng: phương phápquan sát tham dự.Mặc dù khâu dịch và chú giải tác phẩm được tiến hành kỹ lưỡng trong một thời gian dài như trên đã nói, nhưng do nguyên tác là công trình khảo cứu về một lĩnh vực thuộc dân tộc học về người Bahnar mà ngôn từ khác hẳn tiếng Việt, cũng do cách diễn đạt của hai tác giả thuở bấy giờ chưa thoát ly hẳn các phương ngữ miền Trung, nên trong khi dịch và khảo chú, cũng có một số lầm lẫn không tránh khỏi, như cái oi tức là cái giỏ đựng cá, miền Bắc gọi là cái hom giỏ, người dịch và người chú giải đã hiểu là cái rổ, đánh xalà một động tác đứng thẳng, tay này đưa lên phía trước thì tay kia đưa ra phía sau rồi lại luân chuyển ngược lại, và động tác cứ thế lặp đi lặp lại không ngừng, nhưng người dịch và chú giải đã hiểu nhầm là “đánh tsar” tức là đánh chũm chọe, v.v. Tuy nhiên, những sai sót khó tránh khỏi như thế không làm giảm giá trị của một bản dịch chuẩn cũng như bản in lại có chú giải công phu của Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội nhằm giữ lại và truyền bá cho thế giới một công trình khoa học của những năm 30 thế kỷ trước hiện đã thuộc vào loại quá hiếm trong các kho lưu trữ.Dưới đây, chúng tôi xin đăng lại bài giới thiệu của TS Andrew Hardy, nguyên chuyên gia Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội, cũng là người chủ trì việc tái bản cuốn sách, để bạn đọc xa gần thưởng lãm.Nguyễn Huệ Chi
Vị Bác sĩ không chỉ chăm sóc sức khỏe mọi người mà còn hơn thế. Ông không ở bệnh viện mà thường xuyên đi lại, thăm nom các bệnh nhân ở những ngôi làng hẻo lánh xa xôi. Trong khi hỏi chuyện người bệnh, ông không chỉ hỏi về các triệu chứng mà còn muốn biết về cuộc sống hàng ngày của họ. Một vị Bác sĩ “duy hoạt động” với ý thức mang tầm xã hội: Điều này khiến chính quyền thực dân, sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra năm 1930, coi ông là một phần tử nguy hiểm. Họ tìm ra một giải pháp độc đáo để giải quyết mối lo âu này: buộc ông đi lại nhiều hơn ông muốn. Vì vậy, mỗi năm – dưới “con mắt” của cơ quan an ninh Pháp – ông được chỉ định đi đến một tỉnh khác năm trước. Năm 1931, ông đi Ban Mê Thuột. Năm 1932, ông về Huế. Năm 1933, ông đi Kon Tum. Năm 1934, về Huế. Năm 1935, đi Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1937, đi Sông Cầu (Phú Yên). Năm 1938, lại về Huế. Năm 1939, lại phải đi Bến Giằng (QuảngNam). Sau vài tháng ở trên đó, ông bị căn bệnh sốt rét, nên trở về Huế và ở với gia đình một thời gian lâu hơn.
***
Nguyễn Kinh Chi (1899-1986), sau khi hoàn thành bậc phổ thông ở Huế và Phan Thiết tại trường tư Dục Thanh mà cha ông là Nguyễn Hiệt Chi, một nhà nho quê gốc Hà Tĩnh tham gia (2), đã theo học ngành y ở Hà Nội. Tốt nghiệp khóa học năm 1921, ông vào làm việc ở Quảng Bình trong 10 năm, ban đầu tại Bệnh viện huyện Bố Trạch, sau đó tới tỉnh lỵ Đồng Hới. Những chuyến đi lại trong tỉnh Quảng Bình đã mang về nguyên liệu cho ông viết những cuốn sách đầu tiên – hai tập sách ngắn hướng dẫn du lịch tỉnh Quảng Bình (3). Năm 1945, ông từ chối lời mời làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Trần Trọng Kim, mà nhận lời làm Giám đốc Nha Y tế Trung Bộ sau Cách mạng Tháng Tám. Trong suốt những năm chiến tranh 1946-1954, ông đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến của Việt Minh, qua công việc của ông trong điều trị sốt rét bằng thuốc ký ninh. Ông đã giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong ngành y trước khi về nghỉ hưu năm 1965, từng là đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946 tới 1976.
Nguyễn Kinh Chi đã cống hiến đời mình cho xã hội Việt Namvà cho y học. Nhưng có lẽ đóng góp đặc biệt nhất cho sự phát triển xã hội Việt Nam– bởi một trong những trớ trêu của lịch sử – đã dẫn đến quyết định của Pháp đưa ông lên vùng Tây Nguyên. Cuốn sách Mọi Kontum này xuất bản ở Huế năm 1937, một công trình nghiên cứu dân tộc học về cư dân người Bahnar ở Kon Tum, chứa đựng một thông điệp xã hội hết sức sáng tỏ.
Chúng ta có thể tưởng tượng vị Bác sĩ, để chuẩn bị cho thời gian lưu trú ở Kon Tum, đang tìm hiểu về nơi ông vừa mới được chỉ định đến. Nếu ông kiếm được sách của nhà truyền giáo Pierre Dourisboure tại các thư viện ở thành phố Huế, hẳn là ông đã đọc chuyện về một Linh mục Việt Nam trẻ tuổi, thầy Nguyễn Do, cải trang như một lái buôn tìm đường lên cao nguyên (1848-1850) (4). Ông sẽ được đọc sự mô tả kỹ lưỡng về những cuộc định cư đầu tiên do Cha Do và các Cha người Pháp tiến hành, đặc biệt là ở Jo-Ri-Krong và Ro-Hai (Rehai), gần vị trí thành phố Kon Tum ngày nay (xem bản đồ). Vì đoạn trích dưới đây về việc thành lập Jo-Ri-Krong (1866) cho thấy, ông đã hiểu những thách thức mà người Việt, người Pháp và người Bahnar đầu tiên phải đối mặt khi họ xây dựng cuộc sống mới tại vùng xung quanh thung lũng sông Bla.
[tr. 376] Cánh đồng rộng Ro Ngao bắt đầu từ Ko Xam, chạy dài sang phía tây, trên hai bên bờ sông Bla, phải đi hết một ngày đường. Ro Hai nằm trên đồng bằng đó, bên phía hữu ngạn con sông. Tôi chọn chỗ ở mới là một nơi [tên là Jo Ri Kong] cũng nằm bên bờ phải, giữa chặng đường từ Ko Xam đi Ro Hai. Tất cả cánh đồng đó, toàn là đất phù sa rất màu mỡ. Những người di thực châu Âu đã biến nó thành một khu vườn thực sự trong vòng mấy năm. Không kể đến sông Bla hàng năm, trong mấy ngày dâng nước ngập một phần bằng những dòng suối nhỏ chảy [tr. 377] từ trên núi xuống, chỉ cần nắn dòng để làm mát và tưới cho mọi ngóc ngách của đất đai. Còn có những đầm lầy mênh mông chỉ cần đào vài con mương chạy qua là có thể biến thành những ruộng lúa tuyệt vời, nơi mà những người man dân, với phương tiện trồng trọt nghèo nàn, không bao giờ có gan khai thác một thửa ruộng.
Về việc này họ có lý, vì đặc biệt trên vùng đất này, một công việc như vậy là quá sức của những người dân nghèo khổ, họ buộc phải cuốc xới đất đai bằng hai bàn tay trần, tôi muốn nói là không có súc vật, không có cày, không có một dụng cụ cày xới nào. Tại sao những người man dân lại tìm chỗ sườn dốc, những ngọn núi hay rừng già để làm rẫy? Chính vì kẻ thù mà họ sợ nhất là cỏ; nếu họ gieo lúa nơi đất thấp và ẩm, thì cỏ sẽ mọc nhanh hơn lúa. […]
[378] [Việc dùng cày] rõ ràng là phương tiện duy nhất [tr. 379] để lập những làng bền vững và đông dân, rồi dần dần tập hợp ở một vài trung tâm lớn, những người man dân sống rải rác trong một lô những chòm xóm nhỏ, và như vậy sẽ thủ tiêu một trong những trở ngại lớn nhất cho hoạt động truyền giáo.
Trong dự án của tôi, một ngôi làng Kitô giáo mới đồng thời sẽ là một trang trại kiểu mẫu. Trước tiên tôi cử một vài người An Nam trẻ đi mua trâu và bò ở bộ tộc Ha Gou. Những người khác xuống Nam Kỳ để kiếm cày mà người An Nam dùng để cày ruộng. Cha Do ở Ro Hai, cũng làm như tôi, vì tất cả đất đai quanh làng ông ta đều có thể xới bằng cày (5).
Đồng thời, nếu vị Bác sĩ tìm thấy những ghi chép của nhà thám hiểm Henri Maitre, ông sẽ biết Kon Tum đã phát triển thế nào cho tới đầu thế kỷ XX. Tháng 4 năm 1910, ở hai đầu con phố lớn, người ta được chứng kiến sự xuất hiện của những tòa nhà lợp ngói, những khu vườn xinh đẹp, những buôn làng của người Bahnar và một cộng đồng khoảng 1.500 người Việt. Nhà truyền giáo công giáo được mở rộng; một nhà máy ngói đi vào hoạt động; người ta trồng cà phê, hạt tiêu, ca cao; người Bahnar giờ đây đã biết cày ruộng. Một người Việt làm nghề buôn bán mở cửa hàng nhỏ bán “thực phẩm tiêu dùng châu Âu”, gồm sữa và thuốc lá. Với Maitre, trong cuộc hành trình dài lên cao nguyên, thì điểm cuối cùng này là một “ốc đảo”, một chốn nghỉ ngơi yên tĩnh, trong “một không khí thân mật ngọt ngào và dễ chịu bao quanh chúng tôi, thấm vào chúng tôi”.
[tr. 210] Cách Kontum chín kilômet, chúng tôi đi theo con đường cái được mở tới đây; nó chạy qua khu rừng chồi trên đất cát, rồi qua khu rừng thưa; cuối cùng, đến cây số 2, đột nhiên chúng tôi nhìn thấy một cánh đồng bằng phẳng rộng lớn, nền đất xám phủ một lớp cỏ thấp và khô, những thửa ruộng cạn và đồng cỏ; một rặng tre cao xanh ngắt cắt ngang; khắp bốn phía, những ngọn đồi bao quanh những dãy núi trơ trọi; sau rặng tre, những mái nhà tranh và mái ngói nổi lên trên nền cây xanh: đấy là khu dân cư Kontum, rải rác bên kia sông Bla; con sông rộng từ 50 đến 60 mét, lặng lẽ trôi chầm chậm, giữa hai bờ dốc và cát cao từ bốn đến năm mét; từng doi cát và sỏi nổi lên, và không ở đâu nước sâu quá năm bộ (…). Chúng tôi qua sông bằng phà (…).
[tr. 212] Khu dân cư có tên Kontum nằm về phía Đông cánh đồng tuyệt vời Reungao; gồm những chòm xóm nối nhau chạy dài [tr. 213] như chuỗi tràng hạt nằm hai bên con đường cái căng như kẻ chỉ giữa hai đầu khúc uốn cong của sông Bla; đỉnh của khúc sông uốn đó nằm về phía Nam con đường cách 2.500 mét theo đường chim bay; nó được đánh dấu bằng những chiếc lều Kon Hara trải dài phía trên bên tả ngạn.
Từ thượng lưu đến hạ lưu, những ngôi làng hợp thành Kontum là: Kontum-kepeun và Kontum-kenom, mà phần phía Tây, gồm người An Nam, được họ gọi là Phuong Nghia; rồi đến những ngôi nhà của Hội truyền giáo Ba Na đông đảo và con đường chạy qua trước làng Ba Na Rehai [=Ro Hai] trên làng Deneung đôi chút; cuối cùng đây là Go-Mit, khu dân cư An Nam, và lùi về phía sau, cách một quãng ngắn là thôn Bahnar, Pl. Tenia; trên bờ trái, hơi về phía thượng lưu, là làng người An Nam Phương Hòa.
Phái đoàn của Công sứ Quy Nhơn được ở trong một ngôi nhà sàn tuyệt đẹp bằng ván và vôi vữa, bên trên bờ cát của con sông, trong phần phía Tây của làng Go Mit – quen gọi là Tân Hương; khu vườn trồng hoa bách hợp đỏ nổi lên những luống cây đỏ tươi giữa những ô cỏ xanh.
Làng Go Mit chỉ là một loạt những ngôi lều ọp ẹp của người An Nam, chìm giữa những cây chuối, mít và xoài; con đường cái phủ cát trắng cắt ngang xóm làng làm hai và chạy dài chói chang dưới trời nắng; ở Rehai, trên phía Bắc con đường, là nhà thờ của Cha bề trên lợp ngói đỏ; phía đằng kia bên phải, bót gác của dân binh sẽ được chuyển đến phía thượng lưu tòa đại lý; cũng ở phía đằng kia, trên hữu ngạn, trường học của Hội truyền giáo, một ngôi nhà lớn lợp ngói có nhiều nhà phụ kèm theo (6).
Khi ông vạch kế hoạch cho hành trình của mình lên cao nguyên, cũng có khả năng vị Bác sĩ đã liếc qua cuốn sách hướng dẫn du lịch cơ bản – cuốn Guide Madrolle nổi tiếng. Trong đó, đoạn miêu tả chi tiết về chặng đường từ đồng bằng Quy Nhơn qua đèo Mang Yang chắc chắn đã khiến ông chú ý: Đây chính là con đường ông sẽ theo để lên Kon Tum làm việc tại bệnh viện.
[tr. 222] Từ Bình Định đến Kontum.
Cây số 197 (từ Quy Nhơn, cây số 215) đường Thuộc địa số 14 (7); chặng đường rất thú vị trong một vùng đất đôi khi đẹp như tranh. Đường đi được xe hơi vào mùa khô, nhưng khó đi vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 12). Phong cảnh núi, rừng, săn bắn; dân cư các tộc đa dạng, Djarai, Bahnar, Sédang, v.v…
Dọc đường đi, ở các trạm có chỗ dừng chân.
(…) Con đường Kontum rẽ ra từ đường cái quan (Đường Thuộc địa số 1) ở phía Nam châu thổ và cách thành phố 4 km (…). Nó tiếp tục chạy cách sông Coi (Kôn) về phía Nam một quãng để vượt qua thung lũng (…).
Cây số 38, Thương Giang, chợ, ở chỗ quẹo của sông Kôn chảy từ phía Bắc xuống, huyện lỵ huyện Bình Khê.
Con đường lên dốc để đến đèo Mang (cây số 51), đèo nằm trên đường phân thủy giữa sông Kôn và sông Krong Ba (sông Đà Rằng ở Phú Yên), địa giới các tỉnh Bình Định và Kontum.
Cây số 64, An Khê, trên một cao nguyên, lỵ sở huyện Tân An. Tòa đại lý. Cơ sở quan trọng để chăn nuôi ngựa, bò và dê cừu (…) [tr. 223].
Cây số 66, Chợ Đôn, bên sông Krong Ba (hay Rpâ); phà cho xe hơi. Bốt dân binh lập năm 1904 (…).
Cây số 94, (…) Một dãy núi cao, phủ rừng cây, chắn ngang chân trời. Con đường lên cao với những khúc quanh đột ngột, rồi chạy 5 km giữa đèo Kon Cho’rah. Ra khỏi đèo là bốt Mang Giang (cây số 102), ở độ cao 740 met, trong một vùng rừng cây; nhà nghỉ qua đêm.
Cây số 113, Da Ayun, trạm bên một con sông mang cùng tên, chi lưu lớn của sông Krong Ba, – ở cây số 2 phía hạ lưu là thác Ayun. Thung lũng cao này do người Bahnar-Halong cư trú (…).
Cây số 136, đi ở độ cao 840 met, đường phân thủy giữa lưu vực ven biển Đông với lưu vực sông Mê Kông (…).
Cây số 158, Dak Mo’long, phà qua sông và cầu của người bản xứ bằng mây (Cầu Mây) cho người đi bộ, khó đi với những người chưa quen. Sala (…).
Cây số 180, Tra Huynh, trạm, nơi gặp nhau của đường 145 đến từ Plei Ku, Plei Tur, Buôn Ma Thuật. Con đường chạy dài qua rừng thưa trên đất cát.
Cây số 195, đến đồng bằng Kontum từ khung cảnh trên cao.
Cây số 197, con đường vượt qua sông Sê San bên dưới Tòa Công sứ và đi vào Kontum (9).
Liệu vị Bác sĩ có đọc bài của một người đồng bào đăng trên tạp chí Nam phong, người vài năm trước cũng đi đúng con đường mà cuốn sách hướng dẫn du lịch kia miêu tả? Chúng ta chẳng có cách gì biết được. Tất nhiên đối với vị Bác sĩ, câu chuyện có một chút lợi ích thực tế, nhưng có lẽ ông tìm được ở đấy điều gì đó để suy ngẫm, vì trong bài viết ấy người lữ hành đã cố gắng hiểu thấu và bày tỏ những cảm xúc của mình trong những chuyến đi.
[19] Con đường tiện nhất là từ Qui-nhơn. Bằng con đường này, người ta có thể chọn 3 loại phương tiện: ô-tô, xe kéo, xe bò. Nếu đi bằng ô-tô vào mùa khô, thông thường mất 8 tiếng để đi từ Qui-nhơn lên Kontum; còn vào mùa mưa phải mất tới 2 ngày. đi bằng xe kéo mất 5 ngày; gần một tuần bằng xe bò.
Còn về cảnh-thú dọc đường thời không nên mong-mỏi quá mà phải thất-vọng. Từ Qui-nhơn đến An-khê còn khá-khá, mà đến giữa đèo Bình-khê chẳng phải khá mà thôi, lại cũng đẹp thiệt. Ai là kẻ xưa nay chỉ vẫn sa vào trong vòng ấm-no vui-thú, cặp mắt chưa từng trông qua khỏi mấy ống khói các nhà máy, qua khỏi ngọn thu-lôi các sở công, nếu đi đến giữa đèo Bình-khê, tôi xin tĩnh-tâm lại một phút mà nghĩ-ngợi. Đến đó, trước cái phong-cảnh mênh-mong của vũ-trụ, nhớ lài hai câu thơ ông Lamartine, dịch rằng :
Nghĩ mình đối với trần-hoàn,
Cầm bằng giọt nước ở làn biển Đông
mới hiểu thấu được tinh-thần câu thơ vậy.
Qua khỏi đèo Bình-khê, đến An-khê. Nếu ở Bình-định đương mùa hè mà ra đi, đến An-khê thấy khí-hậu đổi ngay hẳn. Lúc ở dưới còn thiệt nóng, lên đến An-khê có chăn dày khá mới ngủ khỏi lạnh được. Từ An-khê sắp lên, chỉ đi quanh-queo mãi trong rừng, hai bên đường không hàng-quán, cửa-nhà, ruộng-nương gì cả. Thỉnh-thoảng, hoặc một cái túp Mọi bên sườn núi, hoặc một đoàn xe-bò ở trên về, hoặc năm ba tên lính trạm thấy bóng người chạy ra ngó, chỉ có thể là thú giải trí cho lộ-khách, mà lộ-khách trong những lúc ấy hồi-tỉnh lại mới biết rằng làm con người đứng trong vũ-trụ không có đồng-thanh đồng-khí thời thiệt khó chịu lắm vậy. Nhưng đi quanh-queo mãi rồi cũng phải đến Kontum. Còn đường xa, lộ-khách đã trông thấy mấy cái nóc nhà quan. Gần lại đôi ba dẫy cây-vông hiện ra làm cho lộ-khách tưởng sắp đến một nơi đô-hội lớn. Lộ-khách qua khỏi đò sông Bla, thế là đến Kontum vậy (10).
Nguyễn Kinh Chi đến Kontum ngày 25 tháng 7 năm 1933. Là một viên chức nhà nước, chắc ông đi bằng ô tô. Chuyến đi vào mùa mưa, khả năng phải có một đêm nghỉ dọc đường. Về việc Nguyễn Kinh Chi đọc tài liệu, nếu chúng ta thấy nhiều tác phẩm được nêu trong phần Thư mục tham khảo của Mọi Kontum, thì chúng ta không thể biết ông đọc các tài liệu ấy trước hay sau khi đến Kontum. Tuy nhiên có một tài liệu chắc chắn ông chưa đọc. Đó là lá thư riêng của Công sứ tỉnh Kontum viết cho Claudius Madrolle, tác giả của cuốn sách hướng dẫn du lịch. Viên Công sứ giải đáp những câu hỏi của tác giả về địa lý, kinh tế, dân số của tỉnh, trước khi kết thúc bằng nhận xét sau đây:
Tỉnh Kontum là một vùng đất của tương lai. Ở đây có những cao nguyên mênh mông đất đỏ rất phì nhiêu của vùng Plei Ku, tạo thành một hình vuông mỗi cạnh khoảng 100 km, hoàn toàn thích hợp với trồng cà phê và có lẽ cả trồng bông.
Dù sao tôi cũng thông báo rằng một số vùng bất ổn, theo quyết định của chính quyền cấp trên, hoàn toàn ngăn cấm không cho người ngoài chính quyền vào, chỉ có các công chức chịu trách nhiệm cai trị mới được lui tới (11).
Nguyễn Kinh Chi đã không biết đến bức thư này, tuy thế bức thư diễn đạt hai ý mà ông hẳn đã chia sẻ khi chuẩn bị cho chuyến ở lại tỉnh Kontum. Một mặt, Kontum là trung tâm đô thị đang phát triển với quá khứ thú vị và tương lai hứa hẹn. Mặt khác, nó cũng là quê hương của các tộc người Thượng, những cư dân mà người đồng bằng biết đến thì ít, sợ hãi thì nhiều. Điều này phần nào giải thích tại sao vị Bác sĩ quyết định không ở lại một mình. Ông đã rủ người em trai lên Kontum với mình.
***
Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) học ở Đồng Hới và Vinh; sau khi thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau – như y học cổ truyền, nghề thủ công – ông đã quyết định trở thành một nhà văn. Đi theo các phong trào cách mạng trong những năm 1930, năm 1945 ông tham gia cuộc giành chính quyền của Việt Minh ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; hoạt động ở Liên khu IV và khu vực Bắc miền Trung Việt Nam trong những năm chiến tranh từ 1946 đến 1954. Năm 1955, ông tham gia Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), ở đó ông làm việc tại Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Văn hóa Dân gian (nay là Viện nghiên cứu Văn hóa). Là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, và có nhiều ảnh hưởng đối với các ngành khoa học nhân văn, ông đã xuất bản những công trình về lịch sử, lịch sử văn học, nghiên cứu Hán Nôm và dân tộc học (12). Ông là người sớm thực hiện công việc mà nay chúng ta gọi là nghiên cứu đa ngành. Tuy nhiên vào năm 1933, sự nghiệp khoa học của ông vẫn còn ở phía trước. Khi lên Kontum với anh trai, ông mới chỉ 18 tuổi.
Ý tưởng cho cuốn sách là của Kinh Chi, nhưng sự tham gia của Đổng Chi hết sức quan trọng. Hồi ức của người em trai thứ ba trong gia đình, ông Nguyễn Hưng Chi, đã giải thích hoàn cảnh việc ở lại cao nguyên và cách hai người anh chia sẻ công việc nghiên cứu của họ.
…sau đó [Nguyễn Kinh Chi] chuyển lên Bệnh viện Kon Tum. Khi lên Kon Tum, anh tôi biên thư về nhà đề nghị anh Đổng lên cùng để anh em chung sống cho vui (khoảng 1933 sau khi cha tôi đã nghỉ hưu). Trên Kon Tum cũng có tù cộng sản. Anh tôi đối xử với các tù nhân rất hòa nhã lúc khám và chữa bệnh nhưng anh rất cẩn trọng vì biết mình đương ngồi dưới những con mắt của bọn mật thám. Anh có kể, hồi ở Buôn Mê Thuột, anh biết trong nhà lao có anh Ý là người cùng quê ở tù. Anh Ý khi ấy chưa có quan hệ gia đình nhưng anh là con bà em ruột chú Cửu Điềm thuộc chi 2 mà chúng tôi phải gọi bằng o, qua đó giữa 2 người có quan hệ bà con. Anh tôi xin phép bọn Pháp phụ trách của tỉnh và nhà lao cho được gặp anh Ý là người bà con trong gia đình. Bọn Pháp cho gặp, anh thăm hỏi tình hình sinh sống và sức khỏe và hỏi có cần gì để anh giúp. Anh Ý cho biết tình hình, sau anh tặng một số tiền để tiêu vặt và hẹn cần gì về thuốc men thì cứ bảo, anh sẽ giúp đỡ… Cũng tại đề lao này có cụ Hồ Tùng Mậu. Một lần nhà lao phái cụ sang làm cỏ bên vườn của bệnh viện. Cụ làm cỏ trên bồn hoa của ngôi nhà mà anh tôi được ở và trong khi làm cụ ngâm to mấy câu thơ. Anh tôi nghe và lén nhìn để biết mặt cụ chứ không dám ra gặp mặt vì cụ là tù chính trị có cỡ mà chúng đã phái sang làm cỏ ở đó là có dụng ý kiểm tra…
Anh Đổng vào Kon Tum, anh Kinh bèn nói lên ý định muốn 2 anh em cùng cộng tác để nghiên cứu viết một cuốn sách giới thiệu phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của người thượng ở Kon Tum, cụ thể là người [Bahnar]. Anh Kinh vì bận việc chuyên môn nên chỉ tìm hiểu, tham khảo trên tài liệu, sách vở của Pháp là chủ yếu, còn anh Đổng thì đi vào trong nhân dân để tìm hiểu trên thực tế. Thời đó, viên Công sứ Pháp ở Kon Tum mà tôi nhớ như là Guilleminet là một học giả dân tộc học có tiếng, ông ta đã viết một số sách nghiên cứu các dân tộc ở Tây Nguyên. Anh Kinh đã đến gặp và trình bày ý định của mình và được viên Công sứ nhiệt tình giúp đỡ cho mượn và giới thiệu tài liệu sách vở để đọc và sưu tầm. Còn anh Đổng khi đó là một thanh niên 17-18 tuổi, anh vào các buôn ở xung quanh thị xã, làm quen, kết bạn với các thanh niên dân tộc ở trong vùng và cũng học cách nói chuyện, ve vãn các o dân tộc. Anh sắm một bộ y phục dân tộc gồm khố, áo, khăn choàng để đến đêm mặc vào đi chơi với bạn. Anh sưu tầm những mẩu chuyện dân gian, những bài ca hoặc câu hát đối đáp nam nữ, đi xem những cuộc hội đâm trâu v.v… Nhân dân các buôn anh thường đến đã dành cho anh nhiều cảm tình, nhất là các cô thiếu nữ thì yêu anh lắm và anh thường nhận được những vết cấu véo đến thâm tím của các cô gái trẻ vì đối với họ đó là biểu hiện tình yêu, yêu càng đậm, véo càng đau… Kết quả đến [1937] cuốn Mọi Kon Tum của hai anh ra đời có lời đề bạt của viên công sứ (13).
Ghi chép này cho thấy Kinh Chi muốn làm một nghiên cứu khoa học về nền văn minh của người Bahnar, nhưng biết rằng ông buộc phải có mặt ở bệnh viện. Người em trai thì lại có thời gian, sức lực và cơ hội để học tiếng Bahnar, lang thang với người địa phương và thu thập dữ liệu dân tộc học. Chớ để những mối quan hệ của người em với những cô gái Bahnar làm lệch sự chú ý của chúng ta khỏi mục đích của công trình, như người con trai của Nguyễn Đổng Chi sau này nhận xét: “Bố tôi thì phải tiếp tục thâm nhập vào các buôn làng, sống chung với cư dân ở những nơi đó để tìm hiểu mọi chuyện và làm trắc nghiệm (teste) về các vấn đề do hai anh em đặt ra (…). Bố tôi ghi chép ca dao và truyện cổ là ở những người già làng và những người này suốt ngày ngồi quanh bếp ở trên nhà sàn, muốn ghi chép được thì phải lân la làm thân mà càng thân với con gái họ thì các già làng sẽ thân với mình” (14).Việc làm của Nguyễn Đổng Chi là một ví dụ tuyệt vời về nghiên cứu dân tộc học theo phương pháp “vừa làm vừa chơi”. Dưới hình thức thích nghi văn hóa, thì cách làm việc này chỉ những nhà truyền giáo Công giáo mới thực hiện hoàn hảo hơn cả – cho dù vì mục đích này hay mục đích khác –, và từ những năm 1940, chính những người cách mạng Việt Minh đã làm khi thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người Thượng). Sự lựa chọn phương pháp này khiến Nguyễn Đổng Chi trở thành nhà dân tộc học người Việt đầu tiên thực hành cái mà ngày nay chúng ta gọi là “quan sát tham dự”, phục vụ cho kế hoạch sưu tầm tài liệu tại cộng đồng dân cư không phải là người Việt.
***
Bản đồ tỉnh Kon Tum năm 1933. Hai tác giả vẽ. Nguyễn Huệ Chi phục chế
Ở Kontum, niềm hứng thú nghiên cứu dân tộc học về người Bahnar không chỉ riêng hai anh em Kinh Chi, Đổng Chi mới có. Hội Truyền giáo từ lâu đã tiến hành công việc này: năm 1833, Cha Combes viết công trình nghiên cứu dân tộc học tổng quát đầu tiên về người Bahnar, tiếp theo là những nghiên cứu của các nhà truyền giáo sau này, đáng chú ý có Cha Guerlach và Cha Kemlin (15). Vào thời gian mà hai em Kinh Chi, Đổng Chi đến, Cha Alberty đang tiếp tục truyền thống này: ông dạy tiếng Bahnar cho Paul Guilleminet, Công sứ mới của tỉnh Kon Tum. Guilleminet đã viết một công trình về văn minh người Việt ở Quảng Ngãi (1926), bài đầu tiên về người Bahnar của ông xuất hiện năm 1938, sau cuốn Mọi Kontum một năm, và các tác phẩm chính của ông xuất bản vào những năm 1950 có một cuốn từ điển và một cuốn về luật tục (16).
Khi Đổng Chi và Kinh Chi đến Kontum, viên Công sứ vừa mới nhận nhiệm vụ ở đây (1932). Với công việc nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, ông hẳn đã rất vui mừng chào đón anh em Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi đến với ‘cộng đồng những người làm dân tộc học’ ở cái thị xã này. Guilleminet đã cho hai anh em lời khuyên và để họ tiếp cận với những tài liệu lưu trữ của tỉnh: Bài tựa của ông cho cuốn Mọi Kontum bày tỏ một sự ủng hộ rõ ràng đối với các giá trị và mục tiêu mà Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đề ra cho dự án. Sự ủng hộ này có lẽ đã nới lỏng mối quan tâm của cơ quan an ninh Pháp đối với các hoạt động của Nguyễn Kinh Chi, mặc dù nhân viên của cơ quan này chắc vẫn lo lắng về những chuyến viếng thăm nhà tù của vị Bác sĩ hơn là sự quan tâm ông dành cho người Bahnar.
Hai anh em cũng nhận được giúp đỡ của Hội Truyền giáo. Trong lời cảm tạ của tập sách, các tác giả có nhắc tên ba Cha đạo, trong số họ hai là người Việt, một là người Bahnar (17). Liệu những cuộc nói chuyện với các vị Linh mục có thể giải thích hai tác giả đã coi trọng việc nghiên cứu tín ngưỡng và tập quán tôn giáo của người Bahnar thế nào? Chúng ta không có cách gì để biết. Đóng góp này đối với sự hiểu biết của chúng ta về tín ngưỡng của người Bahnar càng có giá trị hơn bởi, ngoài chính các nhà truyền giáo, rất ít nhà dân tộc học đầu thế kỷ XX quan tâm nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này của người Thượng; và như nhiều già làng ở Kontum kể với tôi năm 2004 – rất nhiều tín ngưỡng, tập quán và các lễ nghi được miêu tả trong Mọi Kontumngày nay đã bị quên lãng trên vùng cao nguyên này (18).
Kết quả công việc của Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi là một sản phẩm khoa học có chất lượng cao nhất. Kinh Chi là một Bác sĩ và Đổng Chi chưa đầy 20 tuổi, nhưng cuốn sách của họ là dân tộc học thực sự, được nghiên cứu và viết ra bằng phương pháp khoa học và với tinh thần phê phán. Kinh Chi đã đọc những nghiên cứu trước đó về người Thượng. Việc sắp xếp nội dung trong Mọi Kontum không khỏi khiến người ta so sánh nó với lối tiếp cận tổng thể và theo chủ đề của Combes; nhưng ở đây, các tác giả đã đẩy lên một mức độ tinh tế cao hơn hẳn. Cấu trúc cuốn sách trái ngược với lối viết kiểu bút ký của Dourisboure và Guerlach; trái với các hình thức phân loại tộc người và dân tộc học lịch sử được Maitre chọn lựa; trái với những nghiên cứu có tính chuyên sâu mà Kemlin công bố. Trong khi chúng ta cho rằng rất nhiều những phân tích là của Kinh Chi, thì cũng có thể nhận thấy rõ đóng góp của Đổng Chi; tuy thế trong Bài tựa mà Guilleminet viết cho cuốn sách, tên Nguyễn Đổng Chi không được nhắc đến, và thực sự chỉ có thể giải thích điều này rằng viên Công sứ không coi trọng người trẻ tuổi.
Sưu tầm tư liệu chắc chắn rất vui, nhưng bản thân cuốn sách không phải viết ra để vui. Mọi Kontum không phải là một cuốn sách hướng dẫn du lịch, cũng không phải là một tác phẩm văn chương mang yếu tố ngoại lai về người Thượng và sự khác biệt của họ (exotisme), càng không phải một tập bút ký đi đường – thể loại ưa chuộng trong giới thành thị ở Việt Nam từ những thập kỷ 1920. Trong bất cứ trường hợp nào, lối “chơi” của cuốn sách có mục đích rõ ràng: cải thiện sự hiểu biết của người Việt về văn minh Bahnar và đặt nền móng cho mối quan hệ hài hòa giữa hai dân tộc. Cuốn sách là một công trình diễn giải văn hóa, hoàn toàn phù hợp với những giá trị xã hội của vị Bác sĩ “duy hoạt động”.
Mục đích này nổi bật lên ở hầu hết mọi trang sách. Hai tác giả đã sử dụng những câu tục ngữ của người Việt để làm sáng rõ sự tương đồng trong tín ngưỡng của người Bahnar cũng như người Việt. Những nghi lễ của người Bahnar được giải thích bằng cách đối chiếu với những lễ nghi tương ứng của người Việt: ví dụ, cả hai dân tộc đều tổ chức lễ mừng một đứa trẻ chào đời và cũng có những nghi thức nghiêm ngặt khi một đứa trẻ qua đời [MKT, tr. 101-102]. Các tác giả đã chỉ ra những cơ cấu xã hội song song: Trong cả hai nhóm dân tộc, đàn ông giàu có được quyền lấy vợ hai [MKT, tr. 107]. Họ cũng chỉnh lại những nhận thức sai lầm, khẳng định người Bahnar “ăn ở nhất định chớ không rày đây mai đó như các dân du mục” [MKT, tr. 69]. Sự tương đồng được các tác giả nêu bật lên: “Cái lối tình cảm huyền bí ấy không riêng chi người cổ sơ, mà đến người văn minh cũng có một cái tâm lý tương tợ như vậy. Chẳng nói chi xa như người mình đây, khi nghe một người ngoại nào hà hiếp một kẻ đồng bang – dầu là người cả đời không quen biết – thời mình tức giận, có khi đem lòng oán hận hết cả người nước ấy” [MKT, tr. 71] (19. Các tác giả đưa ra những so sánh với quá khứ: Họ cho chúng ta biết rằng ngày xưa người Việt cũng đã từng như người Bahnar, chỉ dùng một cái tên để phân biệt, trước khi học cách đặt họ theo người Trung Quốc [MKT, tr. 81]. Đồng thời, các tác giả cũng tìm cách tránh hai cái bẫy: họ không bao giờ đưa ra giả thuyết rằng người Bahnar là người Việt nguyên thủy (proto-Việt), và họ không bao giờ khẳng định những sự tương đồng vô căn cứ. Trên tất cả, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi muốn phủ định quan điểm phổ biến thời bấy giờ rằng Bahnar là một dân tộc mọi rợ.
Điều này lý giải vì sao cuốn sách lại có một đoạn dài về thói quen lối vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày của người Bahnar. Các tác giả miêu tả chi tiết cách người Bahnar vệ sinh thân thể và giặt giũ quần áo. Họ nhận xét người Bahnar cũng giống như “người nhà quê ta” là có nhiều chấy rận, nhưng cách họ giết chấy rận thì khác, họ dùng hai ngón tay cái kẹp chết chấy rận, chứ không cho vào miệng, dùng răng cắn như người nhà quê ta [MKT, tr. 96]. Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi mở đầu cuốn sách với nhận xét về người Bahnat rằng “tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều đều thuần tuý hơn ta kia! [MKT, tr. 1].
Trong mục tiêu cuốn sách đặt ra và ở cả những khía cạnh khác, Mọi Kontum là một sản phẩm ở thời của nó. Điều này là sự thật, thứ nhất, bởi sự phân tích của chính cuốn sách:
Ngày nay, không ai còn thực hiện phương pháp nhân học thể chất [MKT, tr. 34-37], và ngay cả các tác giả xử lý điều đó cũng chỉ xét qua. Thứ hai là thái độ của các tác giả đối với nhiệm vụ bắc cầu văn hóa có mang dấu ấn gia trưởng của nền giáo dục Nho giáo: Không ai ngày nay gọi người Bahnar là “một dân tộc cổ hủ” [MKT, tr. 2] hoặc cho là người Việt đóng vai trò “một dân tộc anh (…) có tư cách dìu dắc một dân tộc em” [MKT, tr. 3]. Cuối cùng là về ngôn ngữ: Ngày nay, không ai sử dụng từ người An Nam (hoặc người Nam) để nói về người Việt và không ai gọi người Bahnar là mọi. Đến giờ, từ mọi vẫn bị phản ứng trên vùng cao nguyên, vì thế trong lần tái bản cuốn sách này, chúng tôi đã chọn tên mới đặt cho sách: Người Ba-na ở Kon Tum. Nhưng từ này vẫn được giữ lại trong bản tiếng Việt, vì các tác giả giải thích rằng họ không dùng nó với bất kỳ ý nghĩa miệt thị nào [MKT, tr. 1; chú thích MKT tr. 9] (20). Trong bản dịch tiếng Pháp, nhà dịch giả tài tình Nguyễn Văn Ký gửi đến bạn đọc những từ như “người Thượng”, “bộ tộc”, “người bản địa” v.v…
Bởi ý nghĩa lịch sử của nó, sách tái bản lần đầu tiên này tôn trọng nguyên bản của hai tác giả. Không có bất cứ một chỉnh sửa hay thay đổi nào, và điều này kéo theo hệ quả là khi đọc văn bản cần phải thận trọng đôi chút. Trong sách còn vài vấn đề liên quan đến nội dung, ví dụ một số chi tiết trong truyền thuyết Bahnar về sự sáng tạo ra loài người qua trận đại hồng thủy (MKT, tr. 33-34), khiến chúng ta nghĩ ngay đến trận đại hồng thủy trong sách Sáng thế ký, với giả thiết rằng các nhà truyền giáo chắc hẳn phải biết lồng ghép tình tiết củaKinh thánh vào truyền thuyết. Nhiều lỗi vẫn còn, ví dụ cách giải thích nguồn gốc từ yoan, mang nghĩa miệt thị mà người Bahnar dùng để chỉ người Việt (cách dùng từ kiểu này cũng giống như người Việt dùng từ mọi để gọi người Bahnar) [MKT, tr. 13]. Thêm nữa, đây đó trong cuốn sách, chính tả và một số từ thuộc phương ngữ Bắc Trung Bộ, quê hương của hai tác giả, khá lạ lẫm với độc giả Việt Nam bây giờ (ví dụ từ xe điện chỉ ô tô). Nhưng thật ngạc nhiên là những hạn chế này không ảnh hưởng đến chất lượng của chuyên khảo, cũng không làm người đọc thấy chán.
Bản in Mọi Kontum năm 1937 giờ trở nên cực kỳ hiếm, khó mà tìm được ngay cả trong các thư viện lớn của Việt Nam. Việc tái bản toàn bộ tác phẩm cho phép người đọc thưởng thức hai giá trị quan trọng của cuốn sách gắn liền với lịch sử. Giá trị thứ nhất là cuốn sách chứa đựng một kho tri thức về lịch sử tỉnh Kon Tum và văn hóa người Bahnar. Thứ hai là sự đóng góp lớn của cuốn sách cho sự phát triển của khoa học xã hội Việt Nam: Mọi Kontum, xét đến cùng, là công trình đầu tiên của ngành dân tộc học được viết bằng tiếng Việt.
Ngoài những hình ảnh mà các tác giả đã chọn để công bố trong bản in lần đầu, lần tái bản này còn bổ sung ba phần tư liệu ảnh, mỗi phần nhằm chuyển tải một khía cạnh của nội dung cuốn sách đến bạn đọc. Trước hết là một sưu tập ảnh về chân dung các cư dân người Thượng ở Kontum. Tiếp theo, chúng tôi xen vào giữa bản gốc tiếng Việt và bản dịch tiếng Pháp một sưu tập ảnh về các buôn làng, các công trình xây dựng hình thành nên Kontum thời bấy giờ, trong đó có cả nhà truyền giáo Công giáo và Tòa Công sứ Pháp, được chụp vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Để khép lại cuốn sách, chúng tôi tái hiện những hình ảnh gần đây hơn: đó là những hình vẽ mô tả cuộc sống sinh hoạt của người Bahnars ở làng Kon Mahar vào khoảng những năm 1950, đã được cha Clément thuộc Hội Truyền giáo Công giáo chụp lại.
Trước khi để Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi dẫn chúng ta ngược lên thế giới của người Bahnar ở Kon Tum những năm 1930, chúng ta hãy lang thang chút nữa trong thế giới của chính hai tác giả. Tôi muốn kết thúc lời giới thiệu này với những dòng hồi ức của người con trai cả của Nguyễn Đổng Chi, những điều ông nhớ và suy nghĩ về công việc nghiên cứu và viết Mọi Kontum:
Việc bố tôi, Nguyễn Đổng Chi, lên Kontum với bác tôi trong năm 1933, là việc xảy ra khá lâu trước khi tôi sinh, nên tôi không thể nói gì về nó với tư cách một người đồng thời. Nhưng khi lớn lên, trong ngôi nhà Chi gia trang rộng lớn (ngôi nhà chung của đại gia đình ba anh em Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Hưng Chi) (21), có thư viện Mộng Thương thư trai mà chúng tôi gần như có mặt hàng ngày, tôi vẫn thấy treo trên tường thư viện một chiếc cung, một chiếc nỏ, mấy mũi tên trong một cái ống có hoa văn, một cái tù và bằng sừng để thổi cũng có chạm hoa văn, và một cặp sừng hươu hay nai gì đó. Ở trong tủ kính còn có bày một bộ quần áo Bahnar, bên cạnh lại có một tượng Chàm bằng đất nung, loại tượng bán thân, gây ấn tượng ở hai cặp vú lớn. Lớn lên chút nữa, tôi được nghe mọi người trong nhà kể rằng tất cả những thứ ấy là do bố tôi mang về từ Kontum. Vào khoảng 1952, bố tôi và chú tôi cùng xin nghỉ công việc nhà nước (lúc bấy giờ bố tôi là Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới Liên khu IV, ở Đô Lương, Nghệ An, còn chú tôi là Quản đốc Xưởng giấy Đông Nam hình như ở Đức Thọ, Hà Tĩnh). Bố tôi và chú tôi về quê hăm hở thực hiện giấc mộng thành lập một kiểu làm ăn theo phương thức XHCN ở trong đại gia đình mà các ông đọc được trong sách Kinh tế chính trị học tiếng Pháp dịch từ LX, dành cho cán bộ trí thức học. Chúng tôi là những thành viên của cái hợp tác xã XHCN kia. Mỗi khi cả nhà làm việc mệt nhọc các vị chủ nhân thường bày trò kể chuyện hoặc đọc sách giải khuây, và chúng tôi hết sức hưởng ứng. Chính là chú tôi đã kể câu chuyện bố tôi đi Kontum cho chúng tôi nghe trong khi bố tôi chỉ lặng im và mỉm cười. Theo lời chú tôi thì vào năm 1933 bố tôi là một thanh niên (bố tôi sinh năm 1915) nghịch ngợm và hiếu kỳ, vừa học ở Trường Cao đẳng tiểu học tại Vinh (khi học tiểu học thì bố tôi học ở Đồng Hới, ở với bác tôi), lại vừa học võ nên rất giỏi võ, và rất thích nghĩ ra những việc như kinh doanh hàng mây tre, mở hiệu thuốc Nam để làm sao đưa công nghệ nước nhà phát triển. Ông lại thích làm báo nên đã làm trợ bút cho tờ Thanh Nghệ Tĩnh tuần báo ở Vinh. Năm 1933, khi biết mình phải đổi từ Huế lên Kontum, bác tôi viết thư ra Vinh cho bố tôi đề nghị ông nghỉ học một năm để theo bác tôi lên Kontum khảo sát phong tục người Mọi ở đây và cũng để hai anh em sống với nhau ở nơi heo hút, bởi nói đến Mọi thì ai cũng sợ lên xứ ấy một mình. Bố tôi nghe lời và bỏ tất cả đi theo anh. Đến Kontum, do trẻ trung xông xáo, bố tôi tìm vào các buôn làng làm quen với người Bahnar rất nhanh. Chính ông phát hiện ra rằng dân tộc Bahnar là một dân tộc có văn hóa chứ không phải như thành kiến mà mình tưởng lúc còn ở nhà. Về phần bác tôi thì cũng tiếp xúc với người Bahnar qua những người phụ tá ở Bệnh viện Kontum, nhất là vợ chồng thầy Khán hộ Hlưlh đã giúp đỡ ông hết lòng và sau khi về xuôi một thời gian thì thầy khán hộ này bị bạo bệnh và qua đời. Hai anh em cùng có ấn tượng tốt về người Bahnar và họ đi đến quyết định tìm tư liệu để viết một cuốn sách về dân tộc này, nhằm giới thiệu với người Kinh – vốn còn thành kiến nặng nề về “Mọi”, thường đi kèm những tin đồn về “Mọi có đuôi”, “Mọi đánh thuốc độc”… – những phong tục tập quán tốt đẹp và sinh hoạt cộng đồng của một trong những sắc dân mà mình bắt đầu thấy mến, có thể gần gũi được chứ không phải nghi kỵ, cảnh giác như lúc mới đến. Họ bèn phân công nhau: bác tôi lấy tư liệu chủ yếu từ những người ở ngay trong Bệnh viện của ông, còn bố tôi thì phải tiếp tục thâm nhập vào các buôn làng, sống chung với cư dân ở những nơi đó để tìm hiểu mọi chuyện và làm trắc nghiệm (teste) về các vấn đề do hai anh em đặt ra. Bố tôi liền sắm một bộ áo quần Bahnar và làm theo lời người anh và cũng là niềm thích thú của mình. Tuổi trẻ, ông đã làm thân được với các trai làng nhất là với các cô gái Bahnar rất nhanh, và qua các cô gái này cũng đã có những mối tình nẩy nở, chủ yếu về phía các cô gái. Bằng chứng là họ đã mời bố tôi cùng đi tắm suối chung (ảnh tắm truồng của một cô gái do bố tôi chụp), và mỗi khi từ biệt ra về thường ông vẫn được các cô tặng cho những cái cấu véo vào da thịt (một cách tỏ tình của người Bahnar). Thời gian bố tôi thâm nhập vào các làng Bahnar có lẽ phải đến nhiều tháng, vì ông đã ghi được rất nhiều truyện cổ tích, và ca dao tục ngữ do người Bahnar kể lại, lúc về ông đem về cả một bó tài liệu to tướng, buộc dây để ở trên gác nhà Chi gia trang cùng với các ảnh chụp ở Kontum (khi lớn lên chúng tôi vẫn thấy, và PGS Vũ Ngọc Khánh (người huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lúc đến đọc sách ở Thư viện nhà tôi cũng còn được tham khảo), tuy nhiên, cuốn Mọi Kontum do Mộng Thương thư trai xuất bản ở Huế năm 1937, vì eo hẹp về tiền nong nên chỉ trích ra được một phần nhỏ mà thôi. Bố tôi ghi chép ca dao và truyện cổ là ở những nguời già làng và những người này suốt ngày ngồi quanh bếp ở trên nhà sàn, muốn ghi chép được thì phải lân la làm thân mà càng thân với con gái họ thì các già làng sẽ thân với mình. Tất nhiên, những mối tình giữa chàng trai người Kinh và các nàng thiểu số không đi đến đâu bởi như tôi nói, đây là tình yêu đơn phương. Tôi cũng không rõ giữa họ có la relation sexuelle hay chưa, vì chú tôi rất ý nhị chỉ nói như nói đùa: “Giá mà chậm một ít nữa thì bố chúng mày đã rước một ả Mọi về nhà mình rồi và chúng mày sẽ là một lũ Mọi con”. Có lẽ lúc ấy trong nhà đã có mẹ tôi, một nàng dâu thảo, xinh đẹp, nên chú tôi tế nhị không nói. Chú tôi kể những chuyện ấy không phải một lần mà rất nhiều lần, nhiều chuyện chi tiết bây giờ tôi không nhớ nữa nhưng khi kể về đám tang một ông quan lang Mọi thì bố tôi xen vào, kể rất kỹ cách trồng cây tre và cách buộc trâu ở quanh mộ trước khi làm lễ “bỏ mả” như thế nào. Bố tôi nói họ có đốt pháo, và để chứng minh, ông liền vào nhà trong lên gác, lục ra 2 quả pháo của người Bahnar, loại pháo vuông chứ không tròn, ở ngoài dùng dây mây chẻ ra quấn lại rất chặt và đẹp, chỉ ở trên đầu thò ra cái ngòi pháo. Chúng tôi ngắm nghía chán chê rồi nài bố tôi cho đem ra đốt. Sau một lúc lâu ngẫm nghĩ ông bằng lòng. Thế là hai quả pháo được đốt ngay hôm đó nhưng tiếc chẳng quả nào nổ, chỉ cháy phì khói ra mà thôi.
Đấy, những gì về bố tôi thuở đi điền dã Kontum trong ký ức tôi lưu lại còn có ngần ấy, mặc dầu chuyện kể về nó thì rất nhiều. Còn nhớ cuối năm 1952, hai vợ chồng bác tôi về chơi, cũng lại nhắc lại chuyện này, bác trai tôi có nói một cách khôi hài: “Gióng (tên trong nhà gọi bố tôi) hồi ấy ăn nắng đen thui, giống hệt Mọi, mà “lan man” với các cô Mọi thì không dứt ra được. Có hôm có cô còn theo về đến nhà (ở thị xã Kontum)”. Bác gái tôi đế theo: “Thì cái thằng Huệ (chỉ tôi), nhìn con mắt có đuôi dài, rồi cũng thế đấy”. Từ đó các chị con bác tôi thường lấy chuyện này ra đùa cợt tôi.
Tôi nghĩ, ở thời điểm 1933, hai tác giả Mọi Kontum, có thể do có ít nhiều kiến thức, mà cũng có thể chỉ là vô thức mà thôi, nhưng đã biết đi đúng phương pháp điều tra dân tộc học, mà chủ yếu là: hóa thân thành dân bản địa để sống với họ trong khi khảo sát về họ. Sau này, anh trai con bác tôi, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, cũng sử dụng đúng phương pháp ấy khi đi sâu vào người Mường. Chỉ có khác là ông có nhiều thời gian hơn, và đi vào người Mường rất nhiều đợt, mỗi đợt có một yêu cầu cụ thể, nên kết quả thu hoạch được được trình bày thành một chủ để tuy hẹp nhưng sâu là vũ trụ quan người Mường (22).
A.H.
_________________________________________________
(1) Cảm ơn Cô Nguyễn Hoàng Diệu Thủy và Ông Đào Hùng đã dịch sang tiếng Việt.
(2) Xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Xin cảm ơn Ông Nguyễn Huệ Chi đã cung cấp những thông tin riêng về Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi.
(3) Các cuốn sách này có tên Du lịch Quảng Bình và Công nghệ Quảng Bình.
(4) Câu chuyện này được giới thiệu trưng bày tại bảo tàng của Hội Truyền giáo Công giáo (Catholic Mission) ở Kontum.
(5) Pierre Dourisboure, Les sauvages ba-nhars (Cochinchine orientale), souvenirs d’un missionnaire,Paris: Le Soye, 1873, tr. 376-379.
(6) Henri Maitre, Les Jungles Mois, Paris: Larose, 1912, tr. 210-215.
(7) Chỗ này người viết bị nhầm. Trong thập kỷ 1920 cũng như bây giờ, đó là đường 19.
(8) Claudius Madrolle, Manuel du voyageur en Indochine du Sud, Paris : Hachette, 1928, tr. 222-223.
(9) Claudius Madrolle, Manuel du voyageur en Indochine du Sud, Paris : Hachette, 1928, tr. 222-223.
(10) ‘Lược khảo về tỉnh Kontum/Notes sur la province de Kontum’, Nam Phong, supplément en français, no. 74, 1923 (?), tr. 19-20.
(11) Trung tâm lưu trữ NAOM, Quỹ Madrolle 42 PA 18, d. 2. Lettre du Résident de Kontum à Madrolle, ngày 9/10/1923.
(12) Những tác phẩm chính của ông gồm Túp lều nát, Việt Nam cổ văn học sử, Lược khảo về thần thoại Việt Nam và Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
(13) Hồi ký của ông Nguyễn Hưng Chi. Xin cảm ơn ông Nguyễn Huệ Chi đã chia sẻ với tôi bản viết tay này.
(14) Thông tin riêng do Nguyễn Huệ Chi cung cấp, tháng 11/2009 (xem đầy đủ thông tin này dưới đây).
(15) J.P. Combes, lettre à MM. les Directeurs du Séminaire des Missions-Étrangères, trong Dourisboure,Les sauvages ba-nhars, tr. 405-445. Các công trình chính của Jean-Baptiste Guerlach là Chez les sauvages bahnars, Angers: Arcob, 1894 và Théogonie, génies ou Iangs supérieurs : Mœurs et superstititons des sauvages Bahnars, Angers: Arcob, 1887. Các công trình chính của Émile Kemlin đã được tái bản trong Les Reungao, rites agraires, songes et alliances, Paris: EFEO, 1998.
(16) Xem ‘Une industrie annamite. Les norias de Quảng Ngãi’, BAVH, 1926, 2, p. 97-232; ‘Une forme originale d’organisation commerciale. Les démarcheurs banhars’, Revue indochinoise juridique et économique, 8, 1938-IV, Hanoi, tr. 704-719; Coutumier de la tribu Bahnar, des Sedang et des Jarai de la province de Kontum, Paris: EFEO, 1952; Dictionnaire Bahnar-Français, Paris: EFEO, 1959, tập 1, tr. ix (cùng biên soạn với Jules Alberty). Xem thêm Louis Malleret: Tiểu sử ‘Paul Guilleminet (1888-1966)’, BEFEO, 54, 1968, tr. 1-8.
(17) Năm 1932, có 14 nhà truyền giáo người Pháp và 15 linh mục địa phương (12 người Việt và 3 người Ba-na) làm việc tại Kon Tum, theo Rapport no. 1435, mission de Qui Nhơn, 1932, Archives des Missions étrangères de Paris, http://www.mepasie.org/?q=node/19125 (tra cứu ngày 4/11/2009).
(18) Điền dã, thành phố Kontum, tháng 3/2004.
(19) Ví dụ này đặc biệt đáng quan tâm, bởi chắc chắn nó ám chỉ tình cảnh của người Việt dưới thời Pháp thuộc.
(20) Các tác giả tìm ra nguồn gốc của từ mọi trong tiếng Việt là từ tơmoi (khách) trong tiếng Bahnar. Theo tôi, cần phải tìm thêm các cách giải thích khác nữa. Xem cuộc thảo luận đầy đủ hơn trong Lưu Đình Tuân và Nguyên Ngọc, ‘Lời người dịch và hiệu đính’, Rừng người thượng, Hanoi: EFEO/Nxb Trí Thức, 2008, tr. 19-20.
(21) «Chi gia trang»: Hồi trẻ, 3 anh em sống cùng nhau; họ của gia đình là Nguyễn, nhưng mỗi người đều được ông bà cha mẹ đặt tên là Chi, vì thế cả gia đình mang tên «Chi».
(22) Thông tin riêng do Nguyễn Huệ Chi cung cấp, tháng 11/2009, ông dẫn tác phẩm của Nguyễn Từ Chi, La Cosmologie Mường, Paris: L’Harmattan, 1997, 249 tr.
(Nguồn: Bauxite Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét