Lm Philípphê Đề
(1895-1937)
CHA PHILÍPPHÊ ĐỀ - Linh mục người Kontum
đầu tiên của Vùng Truyền Giáo Tây Nguyên
đầu tiên của Vùng Truyền Giáo Tây Nguyên
Cha Philípphê Đề là linh mục người Kon Tum đầu tiên, được phong
chức vào năm 1925, sau 77 năm Tin Mừng đến với Tây Nguyên, kể từ ngày thầy sáu
Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, theo lệnh Đức Cha Stêphanô Cuénot (Thể) mở đường
thành công lên miền đất này (1848). Khi đã đặt được cơ sở trên Miền Truyền Giáo
Kon Tum (1851), Đức Cha và các Cha liền bắt tay vào việc đào tạo linh mục bản
xứ. Một Chủng viện được thiết lập ngay trung tâm miền Kon Tum (tại Rơhai – khu
vực nhà thờ Tân Hương ngày nay), nhưng Chủng viện phải sớm đóng cửa vì lý do
thủy thổ khắc nghiệt – gây bệnh tật chết chóc cho các chủng sinh đến từ đồng
bằng; còn đối với miền Kon Tum thì vì mới đón nhận đạo Chúa, và việc học văn
hoá còn sơ khai, chưa đáp ứng được đòi hỏi của việc đào tạo ơn gọi. Chỉ đến khi
Trường Cuénot – trường đào tạo thầy giảng (Yao Phu) và ươm mầm linh mục, được
xây dựng và đi vào hoạt động (1908), thì công việc đào tạo linh mục mới thật sự
bắt đầu trở lại một cách bài bản và có kết quả, dù còn rất khiêm tốn. Và từ
ngôi trường – chủng viện Cuénot này (theo cách nói của cha Jannin), đã là nơi
xuất thân của nhiều linh mục bản xứ Kon Tum. Cha Philípphê Đề là người đầu tiên
trong số đó.
1. Gia đình
và thân thế.
Cha Philípphê Đề sinh năm 1895 tại họ đạo Trại Lý (sau đổi tên Gò Mít – nay là
giáo xứ Tân Hương, giáo phận Kon Tum), trong một gia đình đạo đức. Cha ngài mất
sớm, còn mẹ là bà Lý là người phụ nữ đức hạnh, giúp việc cha sở Tân Hương lâu
năm. Theo cha Phaolô Lê Đình Ban ghi lại, khi cha mới lên Kon Tum (năm 1914), ở
Tân Hương làm cha phó cha Alberty (cố Hiền), hàng tuần cứ đến thứ tư thì bà Lý
đưa các trẻ em nữ đến nhà xứ để cha khảo hạch giáo lý, dạy dỗ thêm. Cha nhận
thấy các em siêng năng sốt sắng và hiểu lẽ đạo khá, thì hay khen bà Lý có lòng
đạo đức và biết cách hướng dẫn chỉ bảo các em.
Được có một người mẹ đạo đức, gương mẫu như vậy, cha Đề hẳn đã hấp thụ một nền
giáo dục tốt từ gia đình. Ngay khi còn nhỏ, trẻ Philípphê Đề có tính nết hiền
lành, thật thà, ngay thẳng. Chắc chắn việc học giáo lý, tham dự thánh lễ tại
nhà thờ giáo xứ, tập làm các việc nhân đức… là những điều mà em thực hành
thường xuyên, ít khi nào bê trễ.
2. Con
đường tiến đến chức linh mục.
Năm 1908, Trường Chân Phước Cuénot vừa được xây dựng xong và khánh
thành (13.01.1908), nhằm đào tạo thầy giảng người dân tộc (Yao Phu) và ươm
trồng ơn gọi linh mục. Cha Martial Jannin (Phước) được đặt làm giám đốc trường.
Năm ấy cha Đề vừa tròn 13 tuổi, đã được cha giám đốc tuyển chọn vào học trường
Cuénot khoá đầu tiên. [Khoá đầu tiên 1908 có tất cả 89 học trò nhập học, qua
tuyển lọc còn 50 em; trong số đó sau này có 24 chú làm Giáo phu, và đặc
biệt chỉ một mình chú Philípphê Đề đi đến chức linh mục]. Trong trường Cuénot,
các học trò hàng ngày được tập rèn khép mình vào kỷ luật, thực hành kinh
nguyện, học tập văn hoá…, và bước đầu học tiếng La tinh, do cha Alberty (Hiền)
hướng dẫn. Nhận thấy trẻ Philípphê Đề không những hiền lành đạo đức, mà còn
sáng trí, nên năm 1909, Bề trên chọn gởi đi Tiểu Chủng viện Làng Sông (Qui
Nhơn) để tu học trở thành linh mục. Tại TCV Làng Sông, chú Đề về sức học cũng
vừa theo kịp các bạn đồng lớp, nhưng tính hạnh thì ai cũng khen: hiền lành thật
thà, không bao giờ giận ai, không bao giờ mất lòng ai. Hạnh kiểm tốt của chú
được cha giám đốc Chủng viện ghi nhận và báo về cha Bề trên Kon Tum, làm ai nấy
đều vui mừng và hy vọng. Mãn Tiểu chủng viện, thầy Đề được Đức Giám Mục Địa
phận Đông Đàng Trong chỉ định đi thực tập mục vụ 2 năm tại họ đạo Gò Thị (Bình
Định). Đây là một họ đạo kỳ cựu, số giáo dân đông và ruộng đất phì nhiêu, nơi
đặt Toà Giám Mục (cũ) thời Đức cha Cuénot, có tu viện của các nữ tu Mến Thánh
Giá…Nơi đây là quê hương các thánh tử đạo, như thánh Giám mục Stêphanô Cuénot
(Thể), thánh Anrê Năm Thuông (Nguyễn Kim Thông).v.v., càng hun đúc thêm
tinh thần truyền giáo và lòng trung thành bền đỗ nơi thầy. Sau 2 năm giúp xứ
chu toàn bổn phận, thầy được gọi trở lại tiếp tục tu học tại Đại Chủng viện Qui
Nhơn. Và đến năm 1925, thầy Philípphê Đề thụ phong linh mục, do Đức
Cha Damien Grangeon (Mẫn), giám mục giáo phận Qui Nhơn truyền chức. Cha
Philípphê Đề là vị linh mục địa phương Kon Tum đầu tiên, sau 77 năm kể từ khi
Tin Mừng được gieo vãi trên miền đất này vào năm 1848.
Giáo phận Đông Đàng Trong. – Toà nhà chính của
Trường học-Chủng viện Cuénot, Kon Tum;
hình vẽ lại từ một tấm ảnh của Cha Jannin*
Trường học-Chủng viện Cuénot, Kon Tum;
hình vẽ lại từ một tấm ảnh của Cha Jannin*
3.
Hoạt động mục vụ.
Lãnh
nhận chức linh mục rồi, Đức Cha Qui Nhơn sai ngài về lại phục vụ quê hương Kon
Tum, và Bề trên Kon Tum (lúc đó là Cha Jannin Phước) chỉ định ngài phụ trách
địa sở Kon Sơlăng – Plei Tơuer. Kon Sơlăng – Plei Tơuer là một địa sở gồm 2 sắc
dân: Bana và Jơrai. Dân Bana tòng giáo đã lâu, giữ đạo có phần nề nếp hơn; còn
dân Jơrai mới theo đạo, và còn vướng nặng với các tập tục mê tín, nên ngài phải
vất vả với họ nhiều. Ở đó cũng có một họ nhỏ người Kinh là họ Tân Phước (gốc
dân Tân Hương, lập từ năm 1924), dù bổn đạo còn ít song ngài cũng lo lắng cất
nhà thờ riêng cho họ.
Năm 1937, nơi vùng dân tộc Jơrai rộ lên phong trào mê tín dị đoan về Dam Klan
(thần xà), loan truyền về “thần mới, đạo mới”. Trong địa sở Kon Sơlăng cũng có
nhiều làng đi xin “nước linh” của Dam Klan và giết trâu bò cúng tế. Cha Đề rất
lo lắng và buồn lòng. Trong báo cáo gởi Đức giám mục địa phận (Đức Cha Martial
Jannin Phước), cha đã trình rằng: Dân Jơrai thiệt yếu đuối về đức tin và cứng
cỏi về việc đạo, dù con hết lòng dạy dỗ lo lắng thế nào, thì họ cũng lãng xao
như dân ngoại. Bởi lo sợ giáo dân nghe theo kẻ ngoại làm điều mê tín dị đoan,
nên ngài cất công đi từ làng này qua làng khác, nhằm lúc mùa mưa lụt, nhiều khi
ngài phải ướt cả mình. Do vậy, đầu tháng 6.1937, ngài bị bệnh thương hàn rất
nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Nhờ ơn Chúa và uống thuốc men, nên bệnh
thương hàn đã khỏi, nhưng lại phát qua bệng thũng. Đức Cha đưa ngài về Kon Tum
chữa trị, uống thuốc nhà thương Kon Tum., sau chuyển xuống nhà thương Qui Nhơn,
nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ngài xin chuyển qua điều trị bằng thuốc Nam,
ban đầu theo thầy thuốc ở huyện Bồng Sơn, sau đến ở nhà một người bà con
ở họ Trung Yên (Bình Định), tìm thầy hốt thuốc, nhưng bệnh tình cứ ban
đầu có dấu bớt, sau lại trở nặng hơn. Biết khó chữa khỏi, ngài viết thơ xin Đức
Cha và cũng nhắn tin nhờ các cha nói cho mình được về Kon Tum, để nếu có chết
cũng ở giữa anh em linh mục và bà con bạn hữu. Nhưng Đức Cha còn hy vọng
nên khuyên ngài ra lại nhà thương Qui Nhơn chữa trị. Lúc ấy ngài rất buồn nhưng
cũng sẵn lòng ra đi: Tôi đi là vâng lời Đức Cha, vì vâng lời hơn của lễ, chớ
phần tôi thì ước ao về Kon Tum mà thôi!
Ngài vào nhà thương Qui Nhơn, đến đầu tháng 11/1937 thì bệnh trở lại rất nặng.
Và 8 giờ sáng ngày 4/11/1937, Cha Philípphê Đề đã trút hơi thở cuối cùng, an
nghỉ trong Chúa. Các Cha trong vùng lân cận lo đem xác ngài về nhà thờ Thác Đá.
Nhận được tin, các Cha Kon Tum gồm Cha Phan, Cha Ban, Cha Stutzmann (Báu) và một
cha nữa, thay mặt Đức Cha Kon Tum xuống Qui Nhơn lo liệu việc an táng. Giáo dân
2 họ Thác Đá và Trung Yên thay nhau cầu lễ. Và ngày 6/11/1937, thánh lễ an táng
Cha Đề tại nhà thờ Thác Đá do Cha Phan, là niên trưởng các Cha người Kinh ở Kon
Tum, chủ tế. Cha Ban nói lời cám ơn, và Cha Stutzmann (Báu) làm phép tại huyệt
mộ. Cha Philípphê Đề đã được an táng tại Nghĩa địa các đấng tử đạo thời Văn
Thân (1885), ở gần bên nhà thờ Thác Đá. Nơi đây, ngài an nghỉ chờ ngày phục
sinh cùng các đấng tử đạo.
Tuy cuộc đời ngắn ngủi với 42 năm tuổi đời, 12 năm linh mục, nhưng Cha
Philípphê Đề được biết đến là một linh mục hiền lành, đạo đức, tận tuỵ với công
việc mục vụ. Ngài là hoa trái đầu tiên của địa phận Kon Tum, báo hiệu những kết
quả tốt đẹp hơn trong việc đào tạo linh mục bản xứ cho miền truyền giáo Tây
Nguyên này.
-P. Lê Minh Sơn-
—————————–
Tài liệu tham
khảo:
1/ Cha Phaolô
Ban, “Hạnh tích cha Đề”, Tạp chí Chức Dịch Thơ Tín,
Địa phận Kon Tum, số 58, tháng 2/1938, tr. 789-791.
2/ Hlabar
Tơbang, Hnam trưng Kuênot, số 1, năm 1911, mục “Măt tôm de hok tro xo”, tr.
1-3.
3/ Kỷ
yếu Năm Thánh Yao Phu, Giáo phận Kon Tum 2008, mục“Danh sách học sinh trường
Cuenot năm 1908”, tr. 50-51.
4/ Thư của cha
Martial Jannin, Hội Thừa sai Paris, năm 1910 (tiếng Pháp) – “Một
vườn ươm thầy giảng và linh mục ở xứ Bahnar”.
*Hình trường Cuénot
trong bài này được được trích từ bức thư trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét