Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

PLEIKU CỦA AI...



Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng
GĐ Hãng Phim Hội Nhà Văn VN

Tôi trên đường hành phương Nam, chỉ ở Pleiku đúng một ngày hai đêm. Song Pleiku cũng đủ để lại một dư âm thú vị. Ấn tượng ban đầu của du khách, đó là cảm giác thở phào nhẹ nhõm khi thấy Pleiku, sau khi đi hàng chục cây số đường ổ voi dẫn vào thành phố. Dù cho bạn đi từ Kon Tum hay Buôn Ma Thuật vào, hay đi từ Quy Nhơn đến, đường đều đã xuống cấp lắm rồi… Thành ra, Pleiku như một điểm tựa cho du khách trên đường thiên lý đến Tây Nguyên…
Thành phố tầng cao tầng thấp do núi non, dốc xuống rồi lại lên. Song, lạ thay, điều này ngược với Đà Lạt, đó là Pleiku rất nhiều đèn xanh đèn đỏ ở các ngã ba, ngã tư. Đà Lạt cũng có địa hình như Pleiku, nhưng hoàn toàn không có đèn xanh đèn đỏ. Bởi vì theo người Đà Lạt, giữa dốc dừng xe là một động tác không an toàn. Cùng một điều kiện tự nhiên, nhưng ứng xử của con người hai nơi hoàn toàn khác nhau. Quan sát một cách xử lý này, thì thấy ngay người (hay chí ít là cán bộ) ở Pleiku rất máy móc, và nhìn nhận luật giao thông như một bộ luật vô nhân tính. Luật giao thông “bảo thế” thì cứ làm thế. Việc dừng xe giữa dốc là việc của dân phải làm.
Pleiku có lẽ có tỷ lệ các quán cà phê trên những con phố chính là nhiều nhất nước. Quán cà phê Pleiku hoành tráng. Những quán tầm tầm ở đây, chỉ có thể so với quán rất sang trọng trên các phố gần hồ Hoàn Kiếm. Thế là tôi thấy Pleiku có một cái hơn hẳn Hà Nội. Cà phê quán ở Hà Nội rất ít quán “uống được”, cà phê pha đặc kịt như hắc ín, đắng khét. Hình như đó là loại cà phê mà tỷ lệ bột không phải cà phê khá nhiều. Về khoản này, người Pleiku có nỗi sung sướng riêng. Cà phê là cây nhà lá vườn của họ.


Quán Cà phê Pleiku rất nhiều phụ nữ. Phụ nữ ngồi với phụ nữ, và hầu như đàn ông ngồi với đàn ông. Đó cũng là một đặc điểm của người thưởng thức thứ nước uống trồng ở vườn nhà. Dường như họ thanh thản, coi thứ nước uống này chả ra gì, quá thường, thứ mà ở các thành phố lớn xa xôi nâng niu, coi đó là sang trọng…
Ở Pleiku, có một hình ảnh “lấn chiếm” phố xá, đó là “Hoàng Anh Gia Lai”. Dĩ nhiên rồi. Ông chủ Hoàng Anh nào đó đã gắn chữ Gia Lai vào nhãn hiệu thương mại của mình, khiến cho cả tỉnh đều tự hào, cứ như ông ấy không còn là Đoàn Nguyên Đức nữa. Nhưng tôi phân vân, không biết tập đoàn này đóng góp được bao nhiêu cho sự phồn vinh của Gia Lai? Tập đoàn này làm gì cho Pleiku sau khi đã khuynh đảo thị trường gỗ, cao su, cà phê khắp Tây Nguyên và Đông Dương…
Pleiku theo quan sát của tôi, cũng là thành phố không đọc sách báo. Mua được một tờ báo ở thành phố này rất khó, đừng nói hình ảnh một người đọc báo ở quán cà phê. Vậy thì khi đợi giọt cà phê nhỏ xuống, người ta làm gì? Thế mới biết Pleiku thật bình yên và vô sự.
Viết đến đây, tôi không thể không nhắc đến Văn Công Hùng. Với tôi, Pleiku trước hết là thành phố của Văn Công Hùng. Bằng Facebook và web cá nhân của Hùng, hàng vạn người biết đến đất và người Pleiku. Tôi không có quan hệ thân với Văn Công Hùng, chỉ đọc anh qua mạng xã hội, đôi khi anh cũng sến sẩm, nhưng anh ấy yêu say mê Pleiku và muốn Pleiku với những con người có chiều sâu Tây Nguyên… Hoạt động văn hóa ở một thành phố trẻ núi non trùng điệp giữa cao nguyên, mà được như anh ấy là đáng ngưỡng mộ rồi. Văn hóa không phải đến bằng tổ hợp khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, cũng không thể đến bằng tượng đài, khẩu hiệu. Mà văn hóa được gìn giữ, nhân lên từ những con người tiêu biểu của một vùng đất. Những tạp chí văn nghệ của hội địa phương vì sao có nơi lại nổi mầu lên được, mà có nơi lại nhạt thếch? Đó là vì con người. Đôi khi một thành phố, một tỉnh, chỉ cần có một cây bút giỏi. Chưa nói hay, nhưng hãy tạm công nhận là giỏi đã. Tôi đã ngồi chém gió với Văn Công Hùng một lúc, trước khi từ giã Pleiku để hành phương Nam. Nếu Pleiku không có Hoàng Anh Gia Lai, chưa chắc đã không tốt, nhưng nếu Pleiku không có Văn Công Hùng, thì thành phố sẽ rất thiệt thòi và nghèo nàn…
Tôi đã chém gió nhiều chuyện. Hình như còn nhớ chuyện, tôi đã đến Đức Cơ, nhìn thấy một cái nhà rông dựng ở sân Ủy ban xã, một bên là nhà rông, một bên là Đài liệt sĩ. Nhà rông cũng đúng mẫu mã, nhưng cái mái thì là mái tôn, qua thời gian mốc meo. Làm được một cái nhà, sao không lợp cho cái mái nó truyền thống? Đài liệt sĩ xây rõ to và bề thế, đúng rồi, nhưng nhà rông thì mái tôn và hoang lạnh. Văn Công Hùng thở dài rõ dài, đó là điều anh đã rất buồn và “kêu khóc” đã nhiều năm…
Đại khái thế… Không nhiều thành phố tôi đi qua, mà lại gọi được một người bạn không thân không sơ, chém gió về số phận của người và đất quê nơi đó, rồi sau một phin cà phê lại lên đường…


(Nguồn: nguyenxuanhung.com)

1 nhận xét: