Kỷ niệm 80 năm Giám mục tiên khởi Giáo phận Kontum - Đức Cha Martial Jannin (Phước) (1933-2013).
Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu bài tường thuật Lễ Phong Chức Giám mục lần đầu tiên tại Kontum vào ngày 23/06/1933. Bài tường thuật do Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (lúc đó ngài chưa làm Giám mục), từ Giáo phận Huế lên dự lễ và ghi lại đôi điều về sự kiện trọng đại này. Bài viết in trong báo Nam Kỳ Địa Phận, số tháng 7 năm 1935, trang 434-448.
Xin kính mời:
Quang cảnh Lễ phong chức ngày 23.06.1933
tại Nhà thờ Chính tòa Kontum
LỄ PHONG CHỨC ĐỨC CHA JANNIN
TẠI ĐỊA PHẬN MỚI KON TUM
(Ngày 23 Juin 1933)
Kontum rày gặp ngày đại hội,
Nhớ lúc xưa lắm nỗi tân toan,
Rày đã đến lúc hỉ hoan,
Vui xem đạo thánh vẻ vang sum vầy.
Kể từ ngày Đức Cha Chơn Phước Thể (Mgr Cuénot khởi công tìm đường
mở lối để lên gieo hột giống Evang cho dân mường rợ dân này đã hơn 90 năm, ai
kể cho xiết những nỗi lao đao, những cơn khốn cực các Đấng đã chịu cho đáng làm
nên việc. Đã phải tốn hao tiền muôn bạc vạn, đã phải thị liêu nhiều mạng hy
sinh mới gieo được giống, mới trổ nên hoa, mới sinh ra quả. Nay kết một quả rất
lớn rất to. Lại xuống mùi thơm tho dịu ngọt, bay ra khắp xứ, làm cho đâu đó đều
nghe tiếng Địa phận Kon Tum, nhiều kẻ xa xuôi cùng tìm tới nơi cho đặng thấy).
Vậy quả to lớn thơm tho ấy là đi gì? Là đang Tòa thánh ban cho lập
một Địa phận có Giám mục riêng, Giám mục tiên khai ấy là Đức Cha Phước (Mgr
Martial Jannin) đã đặng sắc Tòa Thánh chọn làm Giám mục Kontum trong tháng
Janvier đến ngày 23 tháng Juin nay mới hành lễ truyền chức.
Vậy Đức cha đã có thơ mời Đức Cha Khâm sứ Tòa Thánh và một ít Đức
Cha cùng nhiều cha Tây Nam khác đến chung lời cầu nguyện cùng chung vui với Đức
Cha trong ngày trọng nầy.
Tôi đã đặng phước dự vào cuộc nầy, nên tôi
xin tường thuật tự sự lại đây, cho chư tôn nhàn lãm mà vui mầng với địa phận Kontum, nay chẳng phải là con tôm, bèn đã nên một con
cá lớn.
Vậy tối ngày 20 và 21 Juin, các Đấng đàng xa đã có lòng đến dự lễ,
thì đã tề tựu tại Qui Nhơn, hoặc Làng Sông. Sớm 21 thì Đức Cha Khâm sứ với cha
ký lục và Đức Cha Cao Mên (Mgr Herrgott) ở Qui Nhơn lên thẳng Kon Tum. Sớm 22
lại có bốn xe hơi đưa các Đấng ở Qui Nhơn mà lên. Là xe Đức Cha Qui Nhơn (Mgr
Tardieu với Đức Cha Saigon (Mgr Dumortier). Rồi thì xe Đức Cha Huế (Mgr
Chabanon) có cha Bề trên Dòng Cứu Thế (R.P.Dionne) và cha bề trên Dòng ông
thánh Phanxicô (R.P.Maurice Bertin) đi với nữa. Đoạn lại có xe cha giữ việc địa
phận Qui Nhơn (R.P.Alexandre) lên đến Bình Định thì rước cha Sion, Bề trên Dòng
thầy Giảng ông thánh Giuse với 3 thầy thuộc về dòng ấy rồi tới một xe đại, là
xe Cam Nhung rộng lớn, chỗ ngồi hẳn hoi, có sức chứa được 20 người lớn ngồi
thong thả. Ở Qui Nhơn mà đi thì mới có cha Bề trên địa phận Qui Nhơn là cha
Labiausse, cha Bề Trên địa phận Vinh (R.P.Dalaine) cha Bề trên địa phận Huế
(R.P.Lemasle) và cha Lambest (Sài Gòn) cha Vallet, cha Lalanne (Qui Nhơn và ba
cha Huế nữa là cha Darbon, Cha Thuận và tôi, Huế cũng có Cha Candiere đi
ngày trước rồi. Lên tới đàng trẻ Làng Sông. Thì lại rước cha David, Bề trên nhà
trường Latinh với ba cha giáo sư là cha Châu, cha Huy và cha Tín, lại có cha sở
Gò thị là cha Solvignon cũng lên xe đó nữa. Lên tới Bình Định lại rước cha
Escalere. Vậy xe ấy cả thảy 15 cha, thật là vui. Đi một đỗi lại thấy một xe
tiếp theo là xe 3 cha Hà Nội, ở Làng Sông mà lên, là cha Lebourdais, chủ
báo Trung Hòa, cha Vuillard, bề trên trường Lý đoán Kẻ Sở và cha Tardy. Sau hết
thấy xe cha Tourte và cha Valour ở ngã Làng sông mà chạy tiếp theo. Và còn có
một xe Cam nhung đưa 20 học trò Latinh ở Làng Sông lên Kon Tum, ấy là những trò
Mọi Kontum hoặc Annam mà cha mẹ ở tại Kontum.
Chúng tôi ở Qui Nhơn mà đi đã gần giờ thứ 6, lên tới Pleiku quá giờ
thứ 11. Các xe đều đình lại đó cho các cha dùng cơm trưa, ở đó có gặp cha
Louison, là cha giữ việc nhà Hội tại Sài gòn và cha Corompt, là cha sở Hà bàu,
kiêm họ Pleiku, cho nên cha đã đến Pleiku và dọn nhà cửa ghế bàn chén đĩa sẵn
sàng, phần thì hai cha đã truyền nấu dọn, phần thì có của cha Alexandre chở
lên, nên đã dọn một bữa thật là sung túc mĩ vị, có cả thảy là 21 cha và 3 thầy
giảng ngồi bàn, hỏi nhau dọc đàng như vậy thật là vui, Đức cha Chabanon và 2
cha theo người và quan Hội nghị thì dùng cơm trưa tại quan Quân đạo Pleiku, là
người Huế, đã có quen với Đức cha và quan Hội. Còn xe Đức cha Tardieu và Đức
cha Dumortier đã đi thẳng lên Kon tum.
Cơm trưa xong rồi một hồi, ai xe nào cứ xe nấy, thẳng lên Kon Tum,
còn 55 kilométres nữa. Gần tới nhà thờ độ non 1 cây số phải qua đò ngang, vì
cầu bị lụt năm kia hư đi một nửa rồi. Qua đó rồi đi bộ một đỗi liền thấy cuộc
trần thiết ngày lễ, xem cũng đẹp, nó là cờ Annam, cờ tam sắc, nọ là vòng bán
nguyệt, tòa thế lâu, có thứ trau giồi của mọi làm coi cũng ngộ, là lóng tre
chuốt từng chùm nhuộm ngũ sắc, xâu treo từng dây. Nhà thờ Chánh Tòa cũng khá
rộng lớn, làm bằng cây, vách khai nhật bổn tô vôi mà cũng chắc chắn. Tháp nhà
thờ cao hơn 30 thước tây, xem xa tưởng xây bằng gạch, lại gần thấy rõ làm toàn
bằng cây, kiểu coi cũng khéo. Trong nhà thờ thay vì lót ca rô, thì làm bằng
ván, xem cũng sạch sẽ, cung thánh ngó cũng uy nghi, xứng nhà thờ chính tòa.
Ngày ấy trần thiết coi cũng trang hoàng, cũng xứng cuộc lễ truyền chức Giám
mục. Không ngờ chốn mọi rợ mà đã tác thành ra thế. Nhà thờ ấy không xa nhà
trường bao nhiêu, nhà trường ấy là nhà trường Kẻ giảng, hiệu là trường Cuenot,
ấy là nơi Đức cha ở đó. Vậy các Đấng lên cũng cư trú ăn uống tại nhà đó hết.
Nhà nầy cũng trước sân đều trang hoàng rực rỡ. Trước sau có làm hai cái rạp:
một cái thì dọn riêng một gian trau giồi đặc biệt, để Đức cha ra cho con chiên
đến chúc mừng, mấy gian kia thì đặc bàn ghế để đãi tiệc cho bổn đạo Annam. Còn
một rạp khác thì ở trông bện vạt tre, để đãi tiệc cho mọi. vì nó ăn rồi, thì
nằm ngã nghiêng như ý. Lại đãi tiệc cho nó, thì chẳng cần phải có mâm bàn đĩa
bát gì: giao cho nó 5 con trâu và mấy lương nếp, nó làm thịt, chia nhau ăn uống
nấu kho cách nào mặc ý nó.
Chúng tôi tới nơi gần 4 giờ chiều, thì thấy bổn đạo Annam và Mọi đã
tề tựu đầy sân, lại có bọn học trò Mọi trường Cuenot đông tưởng quá 100, cách
ăn mặc đồng một kiểu: quần trắng, áo vắn xanh có viền đỏ thắt lung, có màng
tràng hạt trắng, tay cằm lá cờ vàng, đang sắp hàng chục vào mừng Đức cha Khâm
sứ và các Đức cha. Vừa đúng 4 giờ thì đội ngũ kéo vào, có hai trò thổi kèn
Cleron, bốn trò đánh trống, rước Đức cha Khâm sứ và các Đấng ra nơi cái rạp đã
nói khi nảy. Khi các đấng đã an tọa, thì cha Châu là người Mọi Bahnar đứng đầu
mà đọc mừng Đức Cha Khâm sứ một bài bằng tiếng Pháp, rồi bọn học trò cũng hát
một bài chúc bằng tiếng Bahnar. Các bài ấy đăng và dịch nghĩa ra cho chư vị xem
cho vui. Đức cha Khâm sứ đáp lại mấy lời giã ơn cùng mầng cho địa phận Kon Tum,
rày đã sum vầy đạo thánh và có lòng nhiệt thành cùng Tòa thánh, cùng Đấng thay
mặt ĐCG, bởi đó đã đáng Tòa Thánh ban cho một Giám mục, mà biệt lập một địa
phận riêng. Người lại chúc cho càng ngày càng hưng thạnh. Các lời đó Người nói
bằng tiếng Pháp, rồi cha Châu làm thông ngôn lại tiếng Bahnar cho người Mọi
hiểu. Lễ tất học trò đánh nhạc đưa các Đức Cha vào nhà như trước, rồi các Đấng
đi xem nhà nọ đi viếng chỗ kia.
Tối lại đúng 7 giờ vào nhà cơm, tôi liếc xem có ý đếm được bao
nhiêu, thì thấy cả thảy nam mọi mường là 59 đấng, là 6 Đức cha, 24 cha Kontum,
18 Cha Qui Nhơn, 2 cha Sàigòn, 5 cha Huế, 1 cha Vinh và 3 cha Hà Nội.
Cơm tối rồi các Đấng ra ngoài sân tức thì các đèn điện vặn sáng cả
sân, từ khám Đức Mẹ ở trên mái nhà mà sáng chiếu xuống. Điện khí ấy là một lò
riêng của Đức Cha đã sắm mà dùng trong trường.
Bây giờ học trò Mọi bắt một kinh bằng tiếng Bahnar, cũng như Ave
Maria Lộ Đức, thay vì Ave Maria thì chúng tôi nghe hát đi hát lại rằng:
Ma-ta-y, Ma-ta-y, Ma-ta-y Maria. Mà câu ấy thì Mọi lớn, mọi nhỏ gì cũng hát
hết. Ấy là tối ngày 22.
Sáng ngày 23, đúng 7 giờ 1 khắc thì dàn đội ngũ, y phục đoan trang,
hai hàng cờ xi, đưa Đức cha từ trường Saint-Joseph vào nhà thờ Chính tòa. Vừa 7
giờ rưởi thì khỉ sự hành lễ phong chức Đức Cha. Đức cha Khâm sứ Tòa Thánh làm
chánh lễ. Đức Cha Herrgott và Đức cha Tardieu làm phó tế, còn Đức cha Dumortier
và Đức cha Chabanon thì chầu lễ. Ba cha bề trên là cha Labiausse, cha Dalaine
và cha Lemasle thì áp tác lễ nhạc, hai cha Annam làm thầy năm thầy sáu. Các cha
và học trò trường Cuénot hát lễ.
Có hai thầy dòng trường Gagelin ở Qui Nhơn, hai bà dòng thánh
Phanxicô ở Qui Nhơn, bà bề trên nhà Phước trắng ở nhà thương Bình Định và năm
bảy chị nhà phước Gò Thị chầu lễ nữa. Phần đời thì có quí quan Công sứ Kontum.
Pleiku, Banmêthuột và mấy quan võ cùng các bà Đầm lại có 2 quan Quản đạo Kon
tum và Pleiku.
Xưa nay chưa từng thấy một sự dường ấy ở đất Kontum, nên thiên hạ,
nọ là Annam, nọ là Mường mọi, kẻ giáo người lương, chen nhau dập dìu, trong
ngoài đầy đặc.
Lễ tắt, lại dàn đội ngũ đưa Đức cha về trường Saint-Joseph, ở đó có
dọn một phòng cho Đức cha tiếp quý khách.
Bấy giờ các Đấng
cùng các quan Tây Nam đến chúc mừng Đức cha Mới cùng chúc cùng chén rượu bồ đào
lấy thảo.
Đoạn lại đưa Đức cha về trường Cuenot, rồi thì các cha thuộc về Địa
Phận Kontum vào mầng riêng Đức cha, khi ấy các Đấng tránh ra hết, khép cữa lại,
nghe trầm trồ cũng không chi bí mật, chỉ là lời Đức cha khuyên các cha hãy đồng
tâm hiệp lực mà lo việc bậc mình như trước, mà lại hơn nữa, vì rày ta đã thành
địa phận riêng, thì phải tự lo ấy. Thật là gánh nặng cho Giám mục, song trông
các cha sốt sáng ân cần thì cũng có đều an ủi… Đoạn thầy trò trường kẻ giảng
rước Đức cha ra nơi cái rạp đã mầng Đức Khâm sứ ngày trước và đọc bài chúc mầng
Người bằng tiếng Bahnar. Cùng hát một bài cũng bằng tiếng ấy Đức cha nghe, rồi
cũng đáp lại bằng tiếng Bahnar, nghe xuôi trơn lắm, song chúng tôi nghe như vịt
nghe sấm.
Bọn nầy lui ra, thì học trò Annam trường Saint-Joseph lại vào hát
chúc mừng một bài bằng tiếng Annam.
Sau hết thì bổn đạo Annam vào dâng lễ và chúc mầng Đức cha, rồi
ngồi dự yến đã dọn sẵn nơi rạp ấy.
Đến giờ 12 thì các Đấng vào tiệc, có đủ số như hôm trước, lại thêm
3 quí Quan công sứ và hai quan Quân đạo. Mãn tiệc thì Đức cha Khâm sứ nói mấy
lời chúc mừng Đức cha mới và Địa phận Kontum, Người khen công lao các đấng đã
chịu khó mà mở đạo Chúa ra giữa dân Mường rợ, Người lại khuyên cứ bền chí mà mở
đạo Chúa ra cho rộng hơn nữa.
Kế rồi Đức Cha Tardieu đọc một bài, ý kiến nghe vui, làm cho ai nấy
chăm nghe hớn hở. Người sánh cuộc lễ nầy như lễ cưới con út địa phận Qui nhơn,
có bà con họ hàng đồng dự lễ: Có bà, có mẹ. Có chị cả, chị hai, có cháu, lại có
chị em thúc bá. Bà mẹ là địa phận Qui Nhơn, chị cả là địa phận Sài gòn vì địa
phận Qui nhơn xuất ra địa phận Sàigòn, cháu là địa phận Cao mên, vì Sài gòn lại
xuất ra địa phận Cao mên. Chị hai là địa phận Huế, vì Qui nhơn xuất ra địa phận
Huế sau địa phận Sài gòn. Chị em thúc bá là địa phận Hà Nội và địa phận Vinh.
Nay Qui Nhơn sinh ra con út là địa phận Kontum. Ấy Sài gòn, Huế vì Kontum là
như con của Qui Nhơn: song người lại nói khiêm rằng: con cả, con thứ và cháu
rày ngó to lớn phương cương hơn mẹ, nên xin cũng thương đến mẹ già ốm yếu và em
út còn thơ. Đức cha đọc vừa dứt. Mọi người vỗ tay, rồi cha Cadiere cũng đứng
dậy đọc một bài ý kiến là khen Kontum đã được nền Văn minh phần đời phần đạo.
Đoạn Quí quan công sứ Kontum cũng nói ít lời tỏ tình đạo đời như dây liên lạc.
Sau hết cha Louison là cha sở nhà thờ chính tòa Kontum hát một bài mừng, sau
mỗi câu các cha đều đồng thanh hát rằng Sursum Corda, Sursum Corda. Câu Sursum
Corda là câu hiệu đề trong ấn Đức cha mới. Bài nầy sau cũng sẽ đăng cho chư vị
xem. Khi đã xong các bài thì Đức cha mới đứng dậy đọc một bài thiệt dài, đại ý
là cám ơn Đức cha Khâm sứ cùng các đấng các bậc thay thảy, người chẳng bỏ
sót ai. Lại người khuyên các cha trong địa phận người cứ noi gót theo các đấng
tiên nhơn mà mở nước Chúa trị ở giữa dân Mường rợ, Người đọc vừa hết bài. Mọi
người đều vỗ tay, dâng chén sâm-banh, chúc mầng vạn tuế. Truyện trò một hồi,
rồi tựu lại trước sân nhà thờ Chính tòa mà chụp hình. Chiều lại độ 3 giờ các
Đại biểu mỗi xứ Mọi vào dâng lễ và chúc mầng Đức cha, có cha Ban và cha Châu
đứng đầu tổ chức.
Đến 4 giờ một khắc thì Đức cha làm phép lành trọng thể, xong rồi
thì về trước sân nhà trường xem Mọi mầng lễ hạ trâu và uống rượu. Tưởng là lẽ
gì vui, hay đâu thật là Mọi: Nó đã trồng sân một trụ cao coi trang hoàng phải
thế, nó cột con trâu vào trụ ấy, rồi có một tốp mọi cầm thanh la, đi vòng xung
quanh mà đánh chừng mười vòng chi đó thì nó reo lên một tiếng. Nó cứ làm như
vậy một hồi lâu, rồi có năm ba lão cầm giáo mác mà đâm con trâu bị nhiều dấu,
nó đâm đặng mũi nào thì nó mừng mà reo lên, trâu thì vùng vảy mà rống tiếng. Nó
cứ làm vậy, cho đến khi trâu lụy mà chết mới thôi. Bởi vậy, cuộc hạ trâu thể ấy
các đấng đi lơ, không thể đứng xem được. Còn rượu nó, thì nó sương đến những
ghè đầy, ở trong có cơm rượu, nó lấy lá mà gói lại cho kỹ, rồi đổ nước vào cho
cơm rượu thấm ra làm rượu. Xung quanh ghè thì có vài ba cái ống xỏ vào như
thông ống điếu bình, nó ngậm đầu ống ấy mà nút rượu, hễ lưng ghè thì nó đổ nước
thêm, cho đến khi hết mùi rượu mới thôi. Nó mời các đấng uống rượu với nó cho
vui, cho được vui lòng nó thì đấng nào cũng ngậm ống ấy giả đò nút một chút.
Còn việc nấu ăn của nó thì còn tự nhiên lắm, chưa cải cách theo lối thường mình
được. Trâu đã hạ xuống rồi, họ muốn để vậy cho được vài ngày đã mới sẽ thịt.
Cái ruột non nó để cả vậy mà nướng hay là kho ăn lấy làm thích lắm … Song mọi
có một đều lạ, là trong khi hội hà làm vậy thì đờn bà không ra mặt, cho nên bữa
đó chỉ thấy Mọi trai thôi. Mỗi tên choàng một cái mền vãi, ấy khi ra việc lễ
như vậy là khá lắm rồi. Tối ngày ấy khi cơm hôm xong các đấng đi xem diễn tuồng
Thương Khó cha Louison đã tập cho mấy người Annam ở trên, không ngờ mà đã tập
được khéo léo làm vậy. Y phục thật hẵn hiên xứng mỗi vai tuồng. Vai nào vai nấy
làm cũng đúng cách điệu, mà nhứt là vai Chúa Giêsu và vai Giuđa làm thật là tự
nhiên. Song tiếc! Kẻ làm vai Chúa tướng mạo chưa được khôi ngô oai nghi. Lại
tiếc một đều nữa là làm chưa hết tuồng, vì đã khuya lắm, phải bải đi, cho các
đấng về nghỉ kéo mệt. Mới làm đến hồi hạ xác Chúa khỏi cây thánh giá. Phải chi
làm rán thêm chút nữa cho ai nấy thấy Chúa sống lại thì hơn, vì từ đầu đến rày
chỉ thấy sự nhục, mà chưa thấy sự vinh.
Ai nấy xem diễn tuồng đó thì lấy làm động lòng lắm, nhiều người
không thể cầm nước mắt.
Ấy đã qua ngày thứ sáu, là chính ngày phong chức Đức cha, sáng ngày
thứ bảy thì lần lần tản ra về hết. Đức cha Jannin thấy các đấng kế tiếp đến từ
giã ra về, thì coi bộ động tình cám cảnh lắm, phần thì thấy các đấng đàng xa
dặm thẳm đã chiếu cố đến nơi, phần thì thấy mình rồi đây quạnh hiu vắng khách,
một mình với 25 cha, đàng xa rừng thẳm trót đời vất vã với lũ Mọi dân Mường,
biết mấy đều tai ương tàn khổ. Nếu không nhắc trí nhắc lòng lên cho cao, tính
xác thịt tự nhiên chịu sao cho nỗi! Vì vậy mà Đức cha lấy câu Sursum Corda làm
khẩu hiệu, làm như hoa thiêng liêng, để nhắc lòng trí lên trời mà ủi an mình
vui lòng chịu khó.
Bao lâu giữa chốn Kontum,
Dặn lòng phải nhớ Sursum corda,
Nhắc lòng lên chốn thiên gia,
Nhớ nơi Vinh phước Chúa đà sắm cho
Khi lâm khổ não âu lo,
Hãy đem câu ấy dặn dò mới yên.
D. Hồ Ngọc Cẩn
BÀI MỪNG ĐỨC CHA KHÂM SỨ
N.B – Nguyên văn bài nầy bằng tiếng Pháp, cha Châu Bahnar
đọc, đặt để nghe xuôi trơn, song đây xin miễn đăng bài tiếng Pháp, chỉ đăng bài
tiếng Annam của cha D.H. Ngọc Cẩn đã dịch mà thôi.
“Thân lạy Đức Khâm Sứ
Cúi lạy Đức
Cha.
Chúc mừng
Đấng lấy tên Chúa mà đến.
Hỉ hoan thay! Phúc lộc thay chúng tôi hôm nay thấy đều phỉ dạ. Biết
nói sao mà đội ơn Chúa cho xứng, vì Người đã ban cho chúng con gặp được ngày
nầy là ngày bấy lâu đã ước ao, khát khao chờ đợi, từ dân Nam Việt cho đến mấy
phái Mọi mường Nọ là Bahnar, Frai, Sédang, nọ là Rơngao, Jơlơng, thảy đều lóng
nhóng trông chờ. Ấy là ngày làm cho chúng tôi hỉ hoan phước lộc.
Trước hết vui là vì gặp thấy Đấng thay mặt Đức Giáo Hoàng và thấy
các Đức cha, đã chẳng nê dời gót ngọc đạp đến đất mường rợ chúng con. Hẳn thật
mọi người thảy mừng vui, mà cũng là thậm phải, vì là phen đầu đặng phước gặp
thấy những đấng quyền cao tiếng trọng mà đã khấng đến tạn xứ núi đổ rừng xanh.
Bổn đạo chúng con đây, van tất dạ khâm sùng, tận tâm kính
phục Đức Giáo Hoàng Piô XI, đang vinh vang thống trị khắp cả thế gian thay mặt
Chúa, ngày hôm nay được thấy nhản tiền chính Đấng khâm mạng Giáo Hoàng đến
truyền chức Giám mục cho cha rất đáng kính của chúng con, thì ai nấy đều hưng
tâm cảm động và hết lòng khép nép xin Đức Khâm mạng cùng các Đức Cha khấng nhậm
tình giáo nhơn đều chúc mừng các Ngài mới đến.
Lưỡi nào nói cho xiết, huống lựa là lưỡi mọi Bahnar nói sao cho
cùng? Bút nào tỏ cho kham, lưỡi nào nói cho xiết lòng ai nấy chí thiết cảm tình
trong cơ hội nầy. Thật vì Đức Khâm mạng muốn đem cho chúng tôi một phúc lớn, là
nhơn danh Đức Giáo Hoàng mà ban cho chúng tôi một Đức Giám Mục đẹp lòng ưng ý
Đ.C.T, cho nên đã chẳng ngại lên con đường xa xuôi khó nhọc.
Ấy ơn Đức Khâm mạng
và các Đấng làm cho cha đáng kính của chúng tôi, lại cũng thông tràn ra cả địa
phận Kontum mới mẽ nầy, thì chúng tôi biết ơn là chừng nào!
Vậy thân lạy Đức Khâm sứ, kính lạy các Đức Cha chúng con hết dạ cám
ơn vì các Ngài đã có lòng ân hậu với chúng con dường ấy.
Ngày mai là ngày lễ
R.T.Trái tim Đ.C.G là ngày trọng, vì là ngày cha đáng kính của chúng con sẽ thọ
phong quyền Giám mục, Người đã chuyên hành thánh vụ ở đây đã bốn mươi năm dư,
cho đặng mở mang nước Chúa trị trong linh hồn người ta.
Sursum corda. Hãy nhắc lòng lên, ấy là câu ân hiệu của Đức Cha
chúng con cũng là cha yêu dấu chúng con, nhưng mà lòng chúng con chưa hề nhắc
lên cao cho đủ cho được xứng đáng mà tỏ cũng R.T.Tim Đ.C.G hết tình hỉ lạc, hết
dạ mến yêu hết lòng biết ngãi.
Vạn tuế cho Đức
Giáo Hoàng Piô XI!
Vạn tuế Đức Khâm sứ
cõi Đông Dương là Đức Cha Dreyer
Vạn tuế cho các
Đấng Hộ vệ người!”
Saigon, die 17 Julii 1935
Imprimatur:
+ I. DUMORTIER
Vic. Apost
(Báo Nam Kỳ Địa Phận, số tháng 7 năm 1935, trang 434-448.)
____________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét