Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

HỘI NHẬP VĂN HÓA BẢN ĐỊA TRONG PHỤNG VỤ




HỘI NHẬP VĂN HÓA BẢN ĐỊA
TRONG  PHỤNG VỤ

Xoang Bộ Lễ Kontum

Việc loan báo Tin Mừng cho người dân tộc ít người trên vùng đất Tây Nguyên khởi đầu từ năm 1848. Đây là vùng đất của nhiều dân tộc bản địa có niềm tin vào các “thần yang”, và thể hiển niềm tin toàn linh đó qua “cầu kinh”, “phong tục tập quán buôn làng” và các “Lễ Hội” …, tạo nên nét văn hóa độc đáo. Chúng tôi xin gọi cách thức thể hiện niềm tin toàn linh đó qua cụm từ : “KHÔNG GIAN VĂN HÓA COÒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN”.
Giáo phận Kontum rất quí trọng văn hóa dân tộc, đặc biệt không gian văn hóa coòng chiêng và những điệu múa dân gian, người địa phương gọi là “xoang” . Những phong tục tập quán của “KHÔNG GIAN VĂN HÓA COÒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN”. được các vị linh mục thừa sai trang trọng tiếp nhận và chuyển hóa những yếu tố mang sắc thái tâm linh vào sinh hoạt Kitô giáo nói chung, vào đời sống phụng tự nói riêng, ngay cả trong nghi thức Thánh Lễ của Giáo hội.
 Dưới ánh sáng Công Đồng Vaticanô II, “Hội nhập Văn Hóa  bản địa” là một trong những phương thế cần thiết và có hiệu quả để loan báo Tin Mừng. Tại giáo phận Kontum, các Thánh Lễ ngoài tiếng phổ thông, thường cử hành bằng nhiều thứ tiếng bản địa khác nhau, kèm theo văn hóa dân tộc như bộ chiêng, bộ gõ, điệu “xoang” bản địa, trong bộ y phục riêng của Tây nguyên.
     Trong những dịp như tháng Đức Mẹ, hay vào những Lễ trọng, . . . người tín hữu dân tộc thể hiện lòng tin yêu bằng những vũ điệu mang phong thái dân tộc có lúc trầm ngấm, có khi vui nhộn. Trong thánh lễ, cộng đoàn hát tập thể các bài trong Bộ Lễ bằng tiếng Bahnar, Jrai, Sơđăng với đoàn “vũ công” “đồng bào” – nói đúng hơn các ngừơi tín hữu đang dự lễ- thể hiện lòng tin bằng những vũ điệu, câu ca tiếng hát cùng với nhịp trống chiêng rền vang theo kiểu của người dân tộc. “Thánh Lễ Tang Chế ” lại càng sâu sắc với những bài hát trong Bộ lễ mang đậm nỗi nhớ thương, nhưng thể hiện được niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau, không ủy mỵ, mà với nhịp điệu nhẹ nhàng uyển chuyển mượt và khoan thai. Trong dịp lễ Năm thánh giáo phận Mừng 150 năm truyền giáo Vùng dân tộc (1848 -1998) hoặc Đại Năm Thánh 2000, dịp Kỷ niệm 100 năm Mừng ngày thành lập trường Yao Phu (1908 -2008) hay dịp tiếp đón Phái Đoàn Đặc Sứ Toà Thánh người ta có thể nghe vang dội những tiếng ca, điệu “xoang” chen lẫn với những tiếng còong chiêng của anh em Bahnar, Jrai, Sơđăng hòa lẫn làm thổn thức bao tâm hồn. Có thể nói đây là một trong những Lễ Hội Kitô giáo, có chiều kích tâm linh, thể hiện đậm nét niềm tin Kitô giáo và lòng tri ân đối với các thừa sai đã đem Ánh Sáng Chúa Kitô đến nơi miền rừng núi Tây Nguyên này.
Sách “Hlabar Khop” (Sách Kinh bằng tiếng Bahnar, nhà in Kuenot) gồm nhiều bài thánh ca tiếng dân tộc, được phổ nhạc theo cung điệu bài hát Latinh và nhiều bài được các vị thừa sai và anh em người bản địa sáng tác theo cung điệu dân tộc được sử dụng trong phụng vụ cho đến nay. Có thể nói đây là một  điểm son của thánh nhạc trong lãnh vực hội nhập văn hóa bản địa. Có được thành quả này là cố gắng không nhỏ của nhiều nhà thừa sai, trong đó phải kể đến nỗ lực rất lớn của linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng, khi ngài làm Giám đốc Trường Cuénot. Theo tinh thần Vaticanô II về “hội nhập văn hóa” đầu thập niên 70 thế kỷ vừa qua, ngài đã vận động và khuyến khích các thầy, các chú Yao phu có khả năng âm nhạc sáng tác bài thánh ca dùng trong phụng tự theo tiết điệu phong thái dân tộc Tây nguyên..
-              image001Thầy Laurent Ngip, sinh 1929, vào trường Cuenot khóa 1942-1948, bok Thầy vào năm 1964, hiện sinh sống tại Pháp.
-             Và thầy Đôminik Hun sinh 1926 thuộc Giáo xứ Chính Tòa, vào Trường Cuénot khóa 1948-1953, bok Thầy vào 1957.image003
Hai Thầy đã sáng tác trọn Bộ Lễ tiếng Bahnar thông dụng đến ngày nay và  là nền tảng cho những Bộ Lễ sau này.
-             Ngoài ra, từ dịp mừng 150 năm truyền giáo Tây nguyên như gợi hứng cho tinh thần của các tín hữu vùng Tây Nguyên, nhiều bài hát Thánh Ca theo cung điệu dân tộc ngày càng gia tăng cả về mặt số lượng lẫn chất lượng.
-              Bộ Lễ Tang do chú Wer người thuộc giáo xứ Kon Rơbang chấm nhạc, tuy nay ít dùng hơn – vì do lời kinh phụng vụ đã thay đổi -, nhưng bảo lưu được cung điệu thâm trầm, nội tâm và cổ kính của người Bahnar.
-             Hiện nay có nhiều Bộ Lễ cũng như những bài thánh ca bằng tiếng Jrai, Sơđăng… theo phong cách dân tộc với số lượng tăng và mang tính tập thể sinh động nồng thắm hơn.
Bộ Lễ bằng tiếng Bahnar của 2 thầy : Thầy Ngip, thầy Hun lâu đời được cộng đoàn dân Chúa tiếp nhận rất trang trọng, quí mến, vang ca rộn ràng và sốt sắng cùng với đội ngũ xử dụng bộ trống coòng chieêng được tấu trình điêu nghệ, nâng tâm hồn người tín hữu lên với Đấng Tối Cao.
Đối với anh em dân tộc, bộ còong chiêng đòi phải có đội ngũ múa “xoang”. Vào thập niên 70, nhân dịp mời Đức Giám mục Phaolô Kim ban Bí Tích Thêm sức tại giáo xứ Plei Kơbei, một giáo xứ người dân tộc Jrai lâu đời vùng Sa-Thầy, linh mục chánh xứ Simon Phan văn Bình tổ chức đoàn rước với điệu múa “xoang” theo phong cách người dân tộc. Điệu vũ mang tính quần chúng đã thu hút được nhiều anh em tham dự. Nhìn cả đoàn lũ đông đảo những người “xoang “ Bộ Lễ Bahnar khiến những người tham dự hôm đó đã không nén được xúc động. Từ đó, khi cử hành phụng vụ, nhất là những ngày Chúa Nhật, Lễ Trọng, đều có “xoang”, Coòng-Chiêng, đoàn vũ  trong những bộ y phục rực rỡ màu sắc hoa văn dân tộc, có lúc 50, có lúc 200 thanh niên nam nữ hoặc tất cả cộng đoàn tham dự phụng vụ cùng “xoang” theo tiếng Coòng-Chiêng thật sốt sắng. Cha Simon Phan văn Bình còn cho đội Coòng-Chiêng đi nhịp nhàng trang trọng quanh bàn thờ khi chầu Mình Thánh Chúa và trong Thánh Lễ sau khi linh mục Truyền Phép như đoàn ca múa dân Do Thái chung quanh Hòm Bia Thiên Chúa thời Cựu Ước.
Dần với thời gian, nhờ việc “hội nhập văn hóa” trong phụng vụ, đã giúp anh em người sắc tộc ngày càng xác tín mạnh mẽ hơn niềm tin của mình nơi Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ. Cũng qua đó, giúp họ ngày càng gắn kết với nhau, với các anh em sắc tộc khác. Ta cũng có thể nói, việc“Hội nhập văn hóa” trong phụng vụ là yếu tố không thể thiếu, nó như da thịt của người Tây nguyên; nó là yếu tố gắn kết con người toàn diện, với bản làng, với nếp sống tâm linh, cùng với Đấng Vô Hình. Người Tây Nguyên thể hiện và sống thật con ngừơi của mình: “CON NGƯỜI TÔN GIÁO” vậy.

KONTUM 2013
Lm. GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN
(Nguồn: http://gpkontum.wordpress.com)


Lễ Đức Mẹ Măng Đen 2012-Hát Bộ lễ tiếng Dân tộc của Thầy Laurent Ngip

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét