Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Ngày Họp Mặt Giáo Viên Công Giáo Miền Kon Tum 2022

  

“Ngày Thầy Cô Công giáo” là cuộc họp mặt thường kỳ hàng năm vào dịp hè của các giáo viên Công giáo trong Giáo phận Kon Tum. Sau 2 năm không thể tổ chức do dịch Covid-19, mùa hè năm nay với điều kiện thuận lợi hơn nên Ngày Giáo viên Công giáo được tổ chức tại 2 miền: Miền Kon Tum vào ngày 28/06/2022 và Miền Gia Lai vào ngày 02/07/2022.

Tại Miền Kon Tum, từ 7 giờ 30 sáng ngày 28/06/2022, 150 thầy cô giáo (đang giảng dạy hoặc nghỉ hưu) đã qui tụ về Nhà Mục Vụ của Giáo phận trong khuôn viên Tòa Giám Mục để tham dự buổi họp mặt dưới sự điều hành của Cha Trưởng Ban Giáo dục Giáo phận Phaolô Nguyễn Hùng Sơn, Cha phó Ban Phêrô Ngô Thanh Tùng và Ban đại diện giáo viên Miền Kon Tum.

Sau những phút chào hỏi, đăng ký ghi danh, nhận tờ chương trình…, lúc 8 giờ tất cả vào bên trong để ổn định, hát sinh hoạt.

Chương trình chính thức bắt đầu với kinh nguyện Đức Chúa Thánh Thần. Cha Trưởng Ban Phaolô Nguyễn Hùng Sơn đã chia sẻ với các thầy cô giáo đề tài: “Giáo dục: đồng hành, lắng nghe và đối thoại”, dựa theo ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung vào tháng 04 năm 2022. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại (x. Vatican News ngày 21/04/2022).

Mở đầu phần thuyết trình, Cha Phaolô nêu lên một vấn nạn trong giáo dục tại Việt Nam chúng ta hiện nay đó là “học thêm”, cái gì cũng muốn thêm (!). Trong khi đó giáo dục có khi cần phải “bớt đi”. Trong “giáo án” của Chúa Giêsu dành huấn luyện cho các tông đồ và các môn đệ thì dường như là Ngài bảo phải “bỏ bớt”, “phải từ bỏ”. Mặc dù Ngài cũng có những giờ gặp riêng, thế nhưng những giờ gặp riêng đó mang ý nghĩa là để đồng hành, khai sáng, tiếp đến là để lắng nghe các môn đệ muốn nói gì và thấy gì, và dường như câu trả lời của Chúa Giêsu, cái cách mời gọi của Ngài nhắm mục đích bỏ bớt đi gánh nặng lệ thuộc để con người làm một việc nào đó cách tự do hơn.

Nhìn vào gương giáo dục của Chúa Giêsu, qua những câu chuyện mục vụ thực tế, nhất là tại các buôn làng trong giáo xứ người sắc tộc, Cha Phaolô trình bày làm sáng tỏ những luận điểm của chủ đề. 

-Đồng hành: đòi hỏi sự hiện diện, sự có mặt với trọn vẹn con người đầy tràn tâm tình và lòng yêu mến.

-Lắng nghe: Lắng nghe điều người khác đang nói để nhận định, để phân định; và lắng nghe cả những điều mà người khác không nói ra được, không diễn đạt được hoặc không dám nói để thông cảm, thấu hiểu họ.

-Đối thoại: nhà giáo dục không nhồi nhét, áp đặt tư tưởng, kiến thức cho học viên, nhưng để cho học viên tự tìm thấy sự thỏa mãn nơi chính họ trước các vấn đề được đặt ra.

Sau ít phút giải lao, các thầy cô trở lại chương trình với phần được mọi người mong chờ nhất: sự hiện diện đồng hành của Vị chủ chăn Giáo phận – Đức Cha Aloisiô.

Đức Cha vui mừng khi các thầy cô giáo được họp mặt trở lại để cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau dâng Thánh lễ…sau khoảng thời gian không thể tập trung đông người. Đức Cha nhắn nhủ: nghề giáo đối với xã hội là một nghề cao quý, và các thầy cô giáo là những “kỹ sư tâm hồn”. Giáo dục là hướng dẫn con người cách sống như thế nào, trên 3 phương diện: thể dục, trí dục và đức dục. Cha mẹ là những nhà giáo đầu tiên trong gia đình, rồi tiếp đến là nhà trường. Giáo dục cần quan tâm nhiều hơn về phương diện đạo đức thay vì lo làm kinh tế; rèn luyện uốn nắn tâm hồn và đời sống tâm linh hơn là chỉ lo thủ đắc kiến thức, vì kiến thức mà không có lương tri thì làm bại hoại tâm hồn.

Quý thầy cô giáo cũng vui mừng được chào đón Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, hiện đang ở nhà hưu TGM ghé thăm, và nhân dịp mừng bổn mạng thánh Phêrô của ngài (29/06). Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông từng là Cha giáo, là thầy dạy nhiều thế hệ học sinh, chủng sinh trước đây.

Cao điểm hiệp thông trong ngày họp mặt là Thánh lễ tạ ơn do Đức Cha Aloisiô chủ tế vào lúc 10 giờ 45. Cùng đồng tế với Đức Cha có 2 Cha Trưởng, Phó Ban Giáo dục và Cha G.B Trần Minh Đức, Trưởng Ban Giáo lý Giáo phận.

Trước khi bước vào Thánh lễ, nhân dịp các giáo viên Công giáo Kon Tum họp mặt khá đông, đại diện Ban Giáo dục miền Kon Tum đã có lời chào mừng và chúc mừng bổn mạng Đức Cha Aloisiô và Cha G.B Trần Minh Đức (lễ Thánh Aloisiô Gonzaga 21/06 và Thánh Gioan Tẩy Giả 23/06 vừa mới qua), và mừng bổn mạng Thánh Phaolô và Thánh Phêrô của 2 Cha Trưởng, Phó Ban Giáo dục ngày 29/06 đang tới.

Phụng vụ ngày lễ hôm nay mừng kính Thánh Irênê, Giám mục, tử đạo. Thánh Irênê mới được tôn phong tiến sĩ Hội Thánh, là người đã có học thuyết mở ra con đường để nhiều người hiểu biết Thiên Chúa, giúp họ nên thánh, nên ngài cũng có liên quan đến việc dạy dỗ, giáo dục. Đức Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các thầy cô giáo, để nhờ lời chuyển cầu của Thánh Irênê, các thầy cô giáo luôn yêu mến nghề nghiệp hầu có thể truyền đạt những kiến thức và sự hiểu biết, đạo đức và lương tri cho các thế hệ tương lai.

Kết thúc Thánh lễ, cộng đoàn cùng cất lên lời hát “Bài Ca Hiệp Hành”: Cùng đi theo Chúa…xin thật lòng chia sẻ trí tâm hiệp thông với Hội Thánh…Trong yêu thương bác ái hết mọi người…Ghi Lời Chúa dạy, lắng nghe Thánh Thần, cùng một lòng mà đi với nhau làm thế giới tươi màu.

Buổi gặp gỡ khép lại trong khung cảnh ấm áp tình yêu thương khi Đức Chaquý Cha cùng hiện diện trong bữa cơm trưa thân tình với tất cả quý thầy cô tại nhà ăn Tòa Giám Mục.

Minh Sơn
WGPKT(29/06/2022) KONTUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét