Hoàng Hồng Minh
Báo Tia Sáng
Giống như hầu hết các bạn hôm nay, tôi có may mắn được làm học trò từ bé. Và chính hôm nay, may mắn thay, tôi vẫn được làm học trò, vẫn đi học thêm những cái mình thích học trong thể thao, âm nhạc... Rồi tôi cũng đã làm thầy giáo ở trường đại học đôi chút ở quê nhà, gần nhất là tí chút hè năm nay. Và tôi cũng đã làm thầy giáo một thời gian ở trường đại học xứ ngoài, ở Paris . Cho nên những kỉ niệm thầy trò đan nhau thật chồng chéo, nhiều hương vị, nhiều thứ chung nhau, mà nhiều thứ cũng thật khác nhau mênh mang.
Các bố mẹ xưa góp gạo nuôi thầy thường đều là những người chưa từng được có chữ. Họa chăng đôi nhà cũng có biết chữ, nhưng mới vài ba chữ, chưa đủ để dạy nhau. Chữ ngày xưa là thứ chữ thiêng liêng của thánh hiền, thứ chữ không đánh vần được, học chữ nào biết chữ đó, nhầm là chuyện thường. Sự hơn kém nhau ở thời xưa hóa ra rất lượng tử, rất rõ ràng, chứ không rối rắm như hôm nay: đếm xem tổng số lượng chữ mỗi ai đã biết là biết tài. Cứ thế mà ra tiêu chuẩn bầu giáo sư với tiến sĩ thì kể cũng tiện. Trong một xã hội sơ giản như thế, ai có chữ cũng thành thầy. Ta có thầy chữ. Ngoài ra thì ai có hiểu biết hơn người xung quanh chút đỉnh, thậm chí có vẻ hơn thôi, thì cũng thành thầy: có thầy thuốc, thầy võ, thầy địa lý, cũng có cả thầy tướng, thầy số, thầy bói, thầy mo.
Cái nếp đó, học trò và gia đình ta đến hôm nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, với những hiệu ứng tân kì.
***
Các giáo viên phổ thông thì giữ được ảnh hưởng cổ truyền lớn lao nhất. Gia đình và trẻ em cư xử với các thầy cô này gần như trong mối quan hệ cổ truyền nguyên trạng, thầy cô là cha là mẹ học sinh. Ngày nhà giáo, trẻ em đã đành, nhiều bạn bè nay đã trở thành ông thành bà, có cháu nội ngoại rồi, cũng vẫn nô nức í ới từ cả tháng để rủ nhau đi thăm thầy cô dạy phổ thông hồi xưa. Đó là một nét đặc biệt nhất trên thế giới rất thoảng qua ở các trường đại học, so với bậc phổ thông. Nhất là khi các sinh viên đã tốt nghiệp, thì hầu như không có chuyện họ phải í ới nhau đi thăm lại thầy với cô của thời đi học đại học nữa. Họ chỉ phải lo cái bổn phận đi thăm lại thầy với cô thời tiểu học và trung học mà thôi.
Từ điều này ta có thể thấy ra nhiều mặt.
Đối với xã hội, gia đình, học đại học không phải là cái thứ sống chết nữa. Các thầy cô ở đại học nay dạy kiến thức, chứ không phải là những bậc thiêng liêng.
Đối với sinh viên, họ không còn là đám trẻ con ne nét nữa. Cái yêu mến thầy cô ngày xưa ở tiểu học và trung học có nội dung lấm lét ở bên trong, nay với thầy cô ở đại học, “sợ” thì có “sợ” nhưng không đến nỗi “khiếp”. Bỗng nhiên mặc cảm cha mẹ - con cái ở họ tan biến đi. Nếu thầy với cô lại mới ra trường, thì sự chênh lệch tuổi tác so với sinh viên lại càng ít đáng kể hơn. Các thầy cô ở đại học mặt khác cũng biết tự kiềm chế hơn, cư xử bình đẳng hơn đối với các sinh viên... Cho nên người ta có cảm giác, và tự cho phép nữa, rằng quan hệ thầy trò ở bậc đại học được phép “nhạt” đi.
Khi sang Paris , tôi lại có dịp đi học, với những xúc cảm mới.
Có những giáo viên tận tình đến thế. Để kịp chuẩn bị tài liệu cho năm học tới, một ông giáo gọi điện hỏi tôi địa chỉ, rồi mấy hôm sau chạy ôtô đến tận nhà để đưa cho tôi giáo trình, rồi động viên cố gắng, rồi hẹn khi vào năm học sẽ gặp lại nhau để trao đổi chương trình! Lúc này đang là mùa hè, thầy trò cùng nhau thành công cái việc chung: việc dạy và học.
Cả năm học trôi qua, không thấy xã hội có cái ngày lễ giáo viên ầm ĩ nào cả. Ở các trường phổ thông cũng vậy. Rất nhiều bố mẹ hầu như còn không hề biết tên, không biết cả mặt giáo viên! Bận quá, ai việc nấy thôi. Trong xã hội cũng vậy, không thấy đài báo tuyên truyền, ngợi ca thống thiết gì về giáo dục, về thầy cô cả.
Thế rồi về sau tôi cũng bắt đầu tham gia giảng dạy về bộ môn Công nghệ Thông tin và Quản lý ở vài trường đại học.
Đi dạy CNTT cho sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, như khoa Toán - CNTT, thì ... vất vả! Các vị này có tư duy gần gụi với các thuật toán. Cả lớp toàn con trai, may được vài ba cô gái kéo mắt lại. Những giờ bài tập thì mình phải chuẩn bị ém số lượng bài lên gấp đôi, kể cả các cách giải, đề phòng các vị giải bài nhanh quá rồi ngồi chơi, không biết làm gì. Coi chừng nhất là mấy anh chị cao thủ giải bài như bay! Được cái các bạn giỏi ở đây thường cũng không có lối chơi trội, mà nhã nhặn đợi chờ bạn bè, hoặc giúp đỡ lẫn nhau.
Còn đi dạy ở bên mấy trường KHXH thì như đi chấm thi hoa hậu. Cả lớp chỉ có mấy mống con trai nhút nhát, còn lại toàn là các bạn gái thanh tú, tao nhã, thích nói chuyện bên lề nhiều hơn là giải bài... Giờ nghỉ thì cùng xuống lấy càfê, ra bãi cỏ ngập nắng mênh mông, ngả ngốn tán đủ thứ chuyện.
Nhưng chả bao giờ có cái ngày lễ học trò ôm hoa thẹn thùng chúc thầy gì cả!
Cũng phải công bằng, có một năm nọ, vào cuối một buổi học, một cô sinh viên vốn khá thân trong lớp, cô Marie, đã nhã ý mời mấy bạn trong nhóm cùng đề tài và tôi cùng thưởng thức đĩa bánh cô làm, và dùng nước quả... Thế rồi Marie bất ngờ tặng tôi cây hoa xương rồng bé xíu thật xinh xắn!
***
Tại sao xã hội người ta về giáo dục, từ nhà trẻ cho đến trên đại học nền nếp như thế mà không cần tuyên truyền, không cần tôn vinh, không cần phải nô nức đi thăm thầy thăm cô dạt dào cảm xúc? Vì ngành giáo dục của họ, như mọi ngành khác trong xã hội, đã sống thật, đã chạy trong qui củ. Trường sở khang trang. Chương trình đàng hoàng. Giáo viên được trả đồng lương chính đáng. Đơn giản, có thế thôi.
Sự tôn kính ồn ào, đẫm lệ ở xứ ta nhiều khi lại chính là cái vỏ vờ vĩnh để che lấp đi đời sống chật vật nhọc nhằn của các thầy cô. Có lẽ không gì khổ bằng việc người giáo viên không có đồng lương đàng hoàng, phải để dành những ngón nghề để dạy tủ thêm mà kiếm sống! Đáng nhẽ khi dạy học, khi san sẻ kiến thức, lúc đó chính là những khoảnh khắc của niềm vui vô bờ. Đằng này phải sống như đi đêm, thầy vào lớp dạy, nửa này của lớp tối qua đã học thêm với mình, còn nửa kia của lớp thì không hề hay biết gì, hay nghi hoặc hoặc nghi…
Và người đi học, cứ phải lo suốt năm “cư xử thế nào đây, phong bì, quà cáp, học thêm…” để rồi được thầy cô dạy cho cái đáng dạy, cái đảm bảo thi đỗ, chứ không dạy cái thứ vô tích sự cho xong ?
Không phải lập tức mà chúng ta sẽ giải được câu chuyện này, nhưng phải có quyết tâm, phải có lộ trình, để rồi phải có bằng được cái nền giáo dục giản dị ấy. Và toàn xã hội, mọi lĩnh vực rồi phải vào nếp, phải vào qui củ, phải đĩnh đạc, phải đàng hoàng.
Không lúc nào tôi quên đươc cái hình ảnh tuy đã rất lâu, cái ngày nào tôi đã bất chợt thoáng gặp lại người thầy rất quí mến khi xưa dạy ở lớp ba, nhưng lại rất ưu ái với tôi đang học lớp hai ngay bên cạnh… thầy lúc đó đã thật già cả, phải còng lưng ngồi trước cái bàn viết đơn từ thuê trên đường phố để kiếm sống… Tôi lúc đó nghẹn ngào, không dám chào thầy, sợ thầy mủi lòng… Tôi không thể còn biết làm gì nữa… Mà những năm tháng đó, chính trong túi tôi cũng không có mấy đồng xu…
Một ngày lễ thịnh soạn trong một năm để tôn vinh các nhà giáo không thể thay thế được 364 ngày thường còn lại trên đường đời, chưa kể một khi nhà giáo đã già cả, còm cõi, và đồng lương hưu trí còn còm cõi hơn. Chúng ta hãy thay đổi cách nghĩ, cách sống, hãy chân thật, giản dị, không thỏa hiệp với những thứ lễ lạt tự dối mình đằng đẵng làm gì nữa.
Hãy giản dị, chân thật như cây hoa xương rồng bé xíu xinh xắn mà cô Marie đã tặng năm nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét