Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Nghĩ quanh quẩn về chủ đề "mưa" trong nhạc phẩm "Mưa Rơi" của nhạc sĩ Phạm Duy



Nhạc sĩ Phạm Duy có biệt tài là lôi những chi tiết, hình ảnh tầm thường ra, đặt chúng lên bàn mổ xẻ, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Tôi có thể kể vô số những bài nhạc nổi tiếng chỉ dựa trên những đề tài như vậy: "Đường Chiều Lá Rụng", "Nước Mắt Rơi","Mộng Du", "Chiều Về Trên Sông", hay những bài tôi có đọc lời mà chưa có dịp nghe kỹ lưỡng như "Một Bàn Tay", "Những Bàn Chân", v.v. Về sau này, nhạc sĩ làm ra hẳn những chủ đề riêng như Bé Ca, Nữ Ca, vì một bài thì không thể nói hết được những ý tưởng như "Ông Trăng Xuống Chơi", "Chú Bé Bắt Được Con Công", "Bé Bắt Dế", hay những chi tiết nhỏ nhặt như khói nhóm lửa trong "Đốt Lá Trên Sân", chỉ một ngọn lửa âm ỉ với làn khói trắng thôi mà ông đã mô tả thật tuyệt diệu là:
Khói, khói lên nhỏ nhoi
Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi
Khói, khói lên đầy vơi
Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi
Khói, khói lên đẹp ngời.


v.v. và v.v.

Theo tôi, sở dĩ có được một "repertoire" đa dạng như vậy là vì nhạc sĩ dám thử lửa, không những thử chỉ một bài, mà đã làm là làm luôn 10 bài. Không những viết Đạo Ca mà sau đó "chơi" luôn cả Tục Ca, không những viết Bé Ca mà còn đảm nhiệm luôn Nhục Tình Ca. Tính cách đó mới thật là của một người nghệ sĩ chân chính, không sợ dư luận mỉa mai hay chê cười, vì "đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây." Đó là một tính cách tự đạp đổ những gì mình đã xây ra, và luôn luôn làm mới con đường nghệ thuật của mình, không tự mình lắp con đường phía trước bằng những rào cản từ thành quả mình dày công xây dựng nên.

Trong khi những nghệ sĩ khác tự bó buộc vật liệu sáng tác của mình lại, như danh họa Chuck Close bỏ hết màu, chỉ vẽ tranh đen trắng, Piet Mondrian chỉ vẽ tranh bằng những hình chữ nhật với một lối phối màu nhất định, nhạc sĩ Phạm Duy la cà hết tất cả các chủ đề từ mưa tới nắng, bà già tới em bé, v.v. và v.v. Ai cũng có hay riêng, nhưng một người dám nới rộng địa bàn sáng tác của mình, không chỉ bó buộc trong "thân phận con người" chẳng hạn, thì tôi càng phục tài bội phần.

Nãy giờ nói chuyện lan man, ngắn gọn lại tôi muốn gửi đến các bạn bản nhạc "Mưa Rơi", phát hành trước 1975, rồi sau đó cùng ngồi lại chiêm nghiệm nhạc sĩ đã viết về chủ đề "mưa" ra sao.

***



***

Mời nghe 
Mưa Rơi - Hồng Hạnh trình bày

***
Mưa Rơi

(Saigon-1960)
Mưa rơi từ nghìn xưa, 
mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu Thiên Thu đến cho ta

Mưa đi từ tuổi thơ, 

mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ ...

mưa.

Mưa rơi từ nguồn xa, mưa tuôn về bao la
Mưa chia dòng lệ ra chín con thơ


Mưa trôi về đời ta, 

mưa xây nhà âm u
Mây giăng vải màn sô nuôi giấc mơ.


Mưa rơi vào lòng ta ! 

Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Mưa rơi, và còn rơi ! 

Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi !

Mưa rơi ngoài đường đêm, 

đưa em về nhà em
Mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm


Mưa rơi lạnh trời đen, 

mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm.


Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên
Ru nhe nhẹ một ca khúc không tên


Mưa to nhỏ triền miên, 

mưa trên đầu vô biên
Mây ấp ủ tình duyên thêm vững bền.


Mưa rơi vào lòng ta ! 

Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Mưa rơi, và còn rơi ! 

Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi !

***

Khác với nhiều bài đi từ cái riêng đến cái chung, bài này nói quanh co từ thời thượng cổ lan man đến tương lai, từ lúc còn thơ dại cho tới lúc biết yêu, rồi tới khi đi về lòng đất lạnh, lúc nào mưa cũng ở với ta:

Mưa rơi từ nghìn xưa, mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu Thiên Thu đến cho ta

Mưa đi từ tuổi thơ, mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa.


Bài nhạc này nếu để ý bạn sẽ thấy có bao nhiêu câu là có bấy nhiêu chữ mưa, do đó chữ mưa chiếm ít nhất 15% tổng số chữ của bản nhạc! Vì sao vậy, vì ai ở Sài gòn rồi thì biết, mưa liên miên, giờ này qua giờ nọ, rơi lộp độp rồi mạnh bạo trên mái tôn, nước mưa tuôn tràn máng hứng nước, lênh láng lòng đường. nếu cộng thêm chữ "rơi" vào nữa thì chắc hai chữ trên chiếm ít nhất 20% số chữ, vậy mới đúng là mưa rơi kiểu Sài gòn, lênh láng từ đầu tới cuối bản nhạc!

Hãy xem tác giả viết đôi dòng về nhạc phẩm "Mưa Rơi":
"Trong thời gian đầu của cuộc tình, tôi soạn những bài xưng tụng tình yêu của chính tôi. Tôi thường đưa người yêu đi học trong khi mưa rơi trên phố xá Saigon ban chiều hay ban đêm. Là vạn cổ sầu của Ðặng Thế Phong, mưa rơi đối với tôi cũng là sầu thiên thu, nhưng còn là hạnh phúc địa đàng nữa..." (Phạm Duy - Ngàn Lời Ca)

Mưa không chỉ là một hình tượng, sự kiện, mưa còn được mô tả thật đẹp như nguồn cung cấp nước vô tận của thiên nhiên cho dòng Cửu Long để nuôi sống Miền Nam nước Việt. Và cũng như mưa, mây được hình tượng hóa thành một vải màn sô giăng lên để nuôi dưỡng những giấc mơ hiền lành và êm đẹp.

Thế rồi, nhạc sĩ đặt câu hỏi:


Mưa rơi vào lòng ta ! 
Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.


Phải chăng mưa chỉ là điều ngẫu nhiên, không liên can gì đến chúng ta, hay mưa có mục đích là mưa xảy ra là vì chúng ta, là để giúp chúng ta? Câu hỏi này coi bộ khó, vì nó mang tính triết học, nhưng dầu sao đi nữa, câu hỏi đã được bật ra, chúng ta "take it for granted", coi mưa như là "chuyện thường ngày ở huyện", nếu ngày nào đó mưa không rơi nữa thì sao???

Thì nhớ quay quắt về một thời thơ ấu tắm mưa Sài gòn chứ sao nữa! khi nơi chốn Tiểu Sài Gòn mình đang ở hầu như mỗi năm chỉ mưa khoảng mươi, mười lăm ngày là cùng!!!
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi ! Với tôi "người ơi" ở đây còn gì khác hơn là những trận mưa hè dai dẳng, là nỗi nhớ Sài gòn xưa không bao giờ nguôi.

Sang đoạn hai,
Mưa rơi ngoài đường đêm, 
đưa em về nhà em
Mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm


Mưa rơi lạnh trời đen, 

mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm.


Cái này sao tôi thấy coi bộ "
đường xa ướt mưa", sao ... anh không ở lại đây .. cho đến hết cơn mưa rồi hẵng zìa???? Mà cứ mưa triền miên dzậy thì làm sao ... zìa đây ???? Cứ đọc thêm đoạn kế tiếp là biết liền, vì mưa rơi ngoài hè đêm, còn mình ở trong nhà mà, mưa trên đầu vô biên không biết bao giờ mới hết ... mưa.
Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên
Ru nhe nhẹ một ca khúc không tên


Mưa to nhỏ triền miên, 

mưa trên đầu vô biên
Mây ấp ủ tình duyên thêm vững bền.


***

Vì cả bài nhạc xoay quanh và lặp đi lặp lại chủ đề "mưa" như vậy,
 theo đúng binh phápthì nhạc cũng phải xoay quanh một trụ, chứ không được chạy lan man. Trong bài nhạc một dấu giáng này, cái trụ đó không có gì khác hơn là hợp âm Re thứ Dm, mà trong đó nốt chính là nốt chủ âm Re. Trong các bài nhạc, thường thì nhạc có khuynh hướng đi lên, sau đó đi xuống, bài này nói chung cũng không là ngoại lệ, nhưng bạn thấy câu đầu khác cái ở chỗ là nó bắt đầu từ Re, sau đó đi xuống Si và La rồi trở lên lại Re, có lẽ mục đích để theo lời ca bắt nguồn từ nghìn xưa, từ tuổi thơ, trước khi đến thời đểm hiện tại là nốt chủ âm Re trưởng.




Sau đó, nhạc tuần tự như tiến đi theo hợp âm Re thứ từ từ lên nốt Fa, nốt La, rồi đến nốt Si rồi cuối cùng trở về nốt La. Tôi nghĩ mục đích của chuyển động này là tạo cảm giác như cơn mưa dầm dề, lê thê, dâng từ từ


Cái đặc biệt trong nhạc Phạm Duy là bài nào ông cũng tìm cách làm mới lạ hơn các bài đã làm, lần này ông "để" vào một 
chuyển cung. Trong bài, chỗ chuyển cung đó bất chợt rơi vào giữa đoạn, khi tác giả cho hợp âm "chùng" xuống cả ba nốt Re Fa La một quãng hai (whole step) thành Do Mi b Sol, tức là giới thiệu thêm hai nốt Mi giáng và La giáng vào bài nhạc.


Cái thú vị là nhạc sĩ chỉ chuyển cung một trường canh thôi, sau đó nhạc lại trả về cung Re thứ như cũ, nhưng cũng đủ làm cho ta xốn xang, bồi hồi, hệt như khi ta hít vào mùi ẩm ướt của đất khi được mưa chợt tuôn trào.

Sau khi hát đủ hai phiên khúc, với khoảng cách giữa các nốt cố tình làm cho không lớn hơn quãng 3, nhạc sĩ đã taọ một không khí thật khác lạ bằng cách đẩy các nốt nhạc lên một bát độ, đồng thời tạo nên nhiều quãng lớn (La đến Ré:
 lòng ta), nghe rõ là quãng bốn hơn vì ở hẳn một bát độ cao hơn, không như ở phiên khúc, hoặc rải nhanh các nốt từ Ré xuống Re chỉ trong 4 nốt (câu: có hay chăng là ..) Đây là thủ pháp làm điệp khúc tương phản rõ nét với phiên khúc, một đằng thì nốt dưới thấp và quãng nhỏ, một đằng thì nốt cao và quãng nhảy lớn.

Cuối cùng, để tri ân và khẳng định lòng yêu thương và biết ơn thiên nhiên thông qua hình tượng mưa, nhạc sĩ cho ta 
đi lại từ đầu phiên khúc với gần trọn nửa đoạn đầu, chỉ thay đổi ba nốt cuối cao vút lên đến nốt Ré, có lẽ là nốt biểu tượng cho mưa trên đầu vô biênmây giăng vải màn sô nuôi giấc mơ!


Vì trong điệp khúc cũng có phần lớn phiên khúc, như đã mô tả ở trên, khi hát xong bài ta thấy đoạn nhạc
Mưa rơi từ nghìn xưa, mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu Thiên Thu đến cho ta

được 
nhắc đi nhắc lại sáu lần, vậy là mưa dầm dề rồi chứ còn gì nữa. Tuy vậy, cú chuyển cung sang Do thứ ở giữa phiên khúc đã làm người nghe không cảm thấy chán nản vì sự lặp đi lặp lại này, ngược lại làm bài nhạc tươi mát hẳn đi.

Học trò

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét