Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

KON TUM CÂY LỤT NĂM 1938


Dakbla mùa nước cạn
Ảnh: LMS sưu tầm và ghi chú thích năm 2006

Khúc sông Dak Bla trước mặt nhà thờ Tân Hương dọc theo con đường Bạch Đằng, Tp Kon Tum đã uyển chuyển khi bồi khi lở từ bờ phía Nam hoặc lên bờ phía Bắc; có khi lở đến sát chân đồi Gò Mít nơi nhà thờ Tân Hương hiện nay tọa lạc. Vào thập niên 1930-1940, dòng sông đã chảy sát hừng Xóm Sũng (xóm trước nhà thờ Tân Hương) và làng Kon H'rachôt hiện nay. Vào thập niên 1940-1950, dòng sông này lại chia ra thành hai nhánh tạo thành hai cù lao (đồn cát) – cù lao ông Kiểm Thương (cha của ông Khiêm (+), bà Thuyền, bà Quyên) nằm thẳng trước đường Trần Phú kéo dài bây giờ và cù lao ông Xã Muồi (cha của linh mục Võ Văn Sự (+) nằm phía dưới cầu Dak Bla khoảng 100-150 mét. Nhờ cù lao này (cù lao ông Xã Muồi) mà trước kia người ta đã bắc được một cây cầu bằng gỗ thấp và cong nối liền hai bờ Bắc Nam. Hai cù lao này đã bị xoá đi sau cây lụt lớn vào năm 1972. Theo truyền tụng cứ mỗi chu kỳ 20 năm, Kon Tum có một cây lụt lớn (1932-1952-1972….). Dường như chu kỳ này ngày nay đã lệch vì sinh thái ở Kon Tum đã đổi thay khi mật độ dân số gia tăng và nạn phá rừng để làm nương rẫy, khai thác gỗ trở nên phổ biến.

Thật ra, năm nào nước sông Dak Bla cũng lớn vào mùa mưa, tùy theo năm nước lớn nhiều hay ít. Sông Dak Bla được hợp thành bởi các con suối lớn: Dak Nghé, Dak Sut, Dak T're, chảy qua huyện Kon Plong rồi đổ về phía phía Tây ôm gọn vào lòng mình Thành Phố Kon Tum nhỏ bé. Do địa hình dòng chảy phức tạp, có nhiều đoạn cua gấp khúc, lòng sông rộng nên đến mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn. Trông dòng nước hung hãn như sẵn sàng nuốt vào lòng mình tất cả những chướng ngại vật mà nó gặp phải. Tên con sông cũng bắt nguồn từ đây. Trước đây tôi có tìm hiểu vấn đề này và gặp các già làng Kon H'rachôt : ông Bluh (quen gọi Chú Bluh, 82 tuổi, đã qua đời), hay ông Blit (80 tuổi)...đều kể rằng:  Dak Bla là tên gọi về sau này; ngày xưa người dân tộc gọi dòng sông là Kroong Blah, theo tiếng Bahnar: Kroong là sông là nước, Blah có nghĩa là hung hãn, tấn công - do vào mùa mưa con nước bỗng trở nên mạnh mẽ và hung dữ, nước đục ngầu kèm theo bọt trắng lừng lững kéo về... (Nhưng mùa nắng lại hiền hòa, êm ả, thơ mộng).

Blah (tiếng Bahnar) có nghĩa đánh, phá (con nước phá mạnh của dòng sông), chứ không phải như cách giải thích: Bla = Blah các bộ tộc đánh nhau tơi tả, máu me đỏ cả dòng sông nên còn gọi Dak Bla=Dòng sông máu...???!!! Người dân tộc thường đặt tên địa danh theo sản vật, thổ địa, tên người (như Kon Tum=Làng Hồ, có nhiều hồ; Kon H'ra=Làng có nhiều cây sung, Làng Plei Tơngia=có nhiều cây Tơngia (cầy); Plei Kần=có ông quản đạo Phùng Duy Cần (quản đạo Kontum thời kỳ đó) lên mở mang lập làng trên vùng đó (Kần=Cần).v.v. Kon Braih=Làng có nhiều bãi cát trắng (Người Kinh đặt thành huyện Kon Rẫy tầm bậy quá!!), chứ không theo sự kiện, sự việc...đánh nhau, giao tranh...Từ tên gốc Kroong Blah qua thời gian thành Dak Bla, rồi Đăkbla/Đăk Bla (do người Kinh)??!! Cứ mỗi mùa mưa đến nước dòng sông trở nên hung hãn gây lụt lội, nước ùn về đỏ ngầu sủi bọt, phá băng mọi thứ trên đường đi...người dân tộc trong vùng gọi đó là Kroong Blah...

Và trong lúc tìm hiểu về dòng sông quê hương, tôi cũng sưu tầm được một bài thơ, in trong một Tạp chí xuất bản tại Kon Tum vào 01/1939, kể lại sự kiện lụt ở Kon Tum vào năm 1938 - năm đó cơn lụt cũng khá lớn làm thiệt hại mùa màng. Điều đáng lưu ý và trân trọng là bài thơ được xuất bản tại Kon Tum vào thập niên 1930, chứng tỏ đã có dòng văn học (thơ - văn) lưu chuyển tại Kon Tum từ cách đây 75 - 80 năm về trước hoặc hơn nữa. Điều này gợi lên cho các nhà nghiên cứu văn học - lịch sử Kon Tum cần tìm hiểu xác đáng, thực tế hơn về văn học Kon Tum thời kỳ đầu.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ xưa của Kon Tum kể lại sự kiện lụt năm 1938: 


LỤT LỤT LỤT

Năm nay eo hẹp chi chi,
Mất mùa lại phải lắm kỳ nước dưng.
Nhiều nơi lúa trổ phải đưng,
Lớp thì đương gặt giữa chừng bị trôi.
Lớp thì rều rát đất bồi,
Hột rụng mất hết rạ ngồi không không.
Có nơi cắt chất ngoài đồng,
Mưa đạp không được nứt mầm xanh xao.
Từ khi lên đất Kontum,
Nay tôi mới thấy lụt trùm liên giây.
Con nhà nông vụ rồi đây,
Mang nghèo mang nợ biết xây ngỏ nào.
Được mùa ba bữa cấu cào,
Trời làm như vậy chạy vào phương chi.
Mùa màng mà đã giá ni,
Đến chừng cày cấy lấy gì vãi gieo.
Thiệt là trăm chuyện trăm eo,
Năm nay giá lúa cũng trèo lên cao.
Một vuôn đã quá một hào,
Mà còn nát nẩm đất bao mốc xì.
Thôi thôi nói lắm ích gì,
Khuyên người đồng nghiệp khá ghi lời này.
Cho sao tự đấng dựng gầy,
Cúi đầu vâng phục ý thầy mới nên.
Vài lời đơn mọn dâng trên,
Thời nhàn độc giả cầm lên giải buồn.

                                          Tác giả:  T. t. Thành
                                                                 (Nhà In Kontum, tháng 1.1939)


Lê Minh Sơn 2013-2017

Và dưới đây xin post một vài hình ảnh Kroong Blah 
(Sông Dak Bla), Kon Tum nước lớn năm 2017 

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, bầu trời, cầu, cây, ngoài trời, thiên nhiên và nước

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cầu, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cầu, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cầu, bầu trời, cây, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây, đại dương, ngoài trời, thiên nhiên và nước

được chụp sáng ngày 7/11/2017
Ảnh : Photo Quang Mỹ (Quangmy Pham)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét