Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Cung Rước Di Cốt Cố Linh Mục Phaolô Lê Đình Ban Từ Giáo Xứ Phú Thọ Giáo Hạt Plei Ku Về Chủng Viện Thừa Sai Kontum, TP. Kontum (02/11/2017)


I-  Ban mục vụ Truyền thông Giáo Phận sơ lược cuộc đời dâng hiến của
Cha Phaolô Lê Đình Ban.
  
II – Đọan VIDEO CLIP nói lên lòng mến thương
của Cha sở cũng như giáo dân Giáo xứ Phú Thọ
tiễn đưa Di Cốt  cha Phaolô Lê Đình Ban đã dày công xây dựng Giáo xứ 
và là nguyên chánh xứ Giáo xứ Phú Thọ (1933 – 1945)
về Chủng Viện Kontum, an nghỉ cùng với Vị Giám mục tiên khởi, các linh mục thừa sai
và linh mục bản xứ đã gởi phần còn lại lưu giữ tại đây.
XIN KÍNH MỜI
I – SƠ LƯỢC TIỂU SỬ.
CHA PHAOLÔ LÊ ĐÌNH BAN
(1881 – 1945)
   Sinh năm: 1881
            .  Quê quán: Suối Nổ, Bình Định
 Giáo phận: Đông Đàng Trong (QN)
 Linh mục:   25/01/1911
 Lên Kontum:  1914
. Tên Thượng: Bok Ban
Địa sở phục vụ – Năm phục vụ:
                             – Phó Rơhai (Tân hương): 1914
              – Hàmong: 1914-1920
                  – Plei Jơdrập: 1915-1918
– Pơ-o: 1930
                           – Pơ-o và phú thọ: 1933-1945
                  . Qua đời: 14/02/1945 – Tại: Gx. Phú Thọ.
Cha Phaolô Lê Đình Ban sinh ra tại họ đạo Suối Nổ, thuộc địa sở Nhà Đá, tỉnh Bình Định, giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) vào năm 1881. Cha mẹ ngài đạo đức, kinh tế gia đình đủ ăn đủ mặc. Nhà đông anh em, ngài thứ tám, nên cũng thường được gọi là “Cha Tám”
            Trẻ Phaolô này ngay từ còn nhỏ đã tỏ ra ngoan đạo và có ý chí, nên cha sở đã bàn với cha mẹ gởi ngài vào Chủng viện Làng Sông (Qui Nhơn). Từ đó, trải qua tiểu chủng viện rồi đại chủng viện, thầy Phaolô chuyên chăm học hành và tu luyện nhân đức. Tính nết ngài thật thà ngay thẳng, hiền lành vui vẻ, nhất là với anh em đồng sự, ngài hằng kính trọng mến yêu. Ngài rất bền chí, can đảm, gặp khó khăn không ngã lòng được may mắn không cậy tài tự đắc.
            Mãn khóa đại chủng viện, ngài được phong chức linh mục vào ngày 25/01/1911 [1]. Trước hết, Đức Cha sai ngài vào Phú Yên, làm phó sở Hoa Châu gần 3 năm.
            Đến cuối năm 1914, Thế chiến I bùng nổ, các cha thừa sai người Pháp bị động viên đi lính, nên nhiều nơi thiếu chủ chăn, nhất là Kontum chịu thiệt thòi thiếu thốn hơn hết, vì giáo dân chưa đông, đức tin còn non yếu mà nhiều nơi không có linh mục coi sóc. Lúc đó cha Bề trên Kemlin (Văn) khẩn khoản xin Đức Cha cho thêm linh mục đến vùng truyền giáo Kontum.
            Sau ít lâu suy tính, Đức Cha cử hai linh mục là cha Gioan Baotixita Phan và Phaolô Ban – hai linh mục có đức tính vâng lời, có lòng can đảm, chịu khó và quý trọng việc tông đồ, lên giúp địa phận Kontum. Lúc đó ai cũng sợ đi Kon Tum, vì từ Qui Nhơn đến Kon tum chưa có đường giao thông bằng xe cộ. Người ta phải lội suối trèo đèo, vượt qua nhiều nơi hiểm trở, ngủ nghỉ giữa rừng rậm núi cao, mất nửa tháng hay hơn nữa mới tới nơi, chưa nói đến muỗi đốt, khí hậu độc hại và người bản thổ khác phong tục tập quán. Tuy vậy, khi nhận được thơ Đức Cha sai lên KonTum, cha Phaolô Ban vui vẻ vâng lời, sẵn sàng hăng hái lên đường.
            Lên đến Kontum, Bề trên để ngài ở Rơhai (Gò Mít – Tân Hương ngày nay) học tiếng Thượng. Vừa giúp cha Alberty (cố Hiền) tại Rơhai, ngài lại phải đi phụ trách nhiều nơi khác, như Kon Sơmluh, Hàmong…..
            Từ 1915 – 1918: Bề trên cử ngài đến phụ trách địa sở Plei Jơdrâp. Năm 1916, ngài lập được một họ người Kinh gần Plei Jơdrập là Ngô Thạnh (Ngô Thạnh ban đầu gọi là Tân Thạnh, đến 1920 mới đổi là Ngô Thạnh).
            Cuối năm 1916, Bề trên lại giao địa sở Hàmòng cho ngài. Hàmong lúc đó các làng bỏ đạo gần hết, nhà thờ và phòng ở tại sở chính (Hàmong Kơtu) hiu quạnh vắng vẻ, hư nát vì đã lâu không có linh mục coi sóc. Chẳng bao lâu, vì lòng sót mến và công lao khó nhọc, ngài dân dần mở lòng cho các làng ăn năn trở lại. Ngài kiếm chỗ cao ráo dựng nhà thờ, nhà xứ lợp ngói rộng rãi khang trang. Người Thượng hay có tập tục “chạy làng”, nên ngài cũng lo lập họ người Kinh, cho có người đọc kinh dâng lễ hôm mai và lo tập làm ăn có ý cho người Thượng bắt chước theo. Ngài xin Bề trên trưng đất và lo giúp lập sở trồng cà phê chỗ rừng già gần Hàmong, mục đích tạo thêm huê lợi giúp Nhà Chung (Tòa Giám Mục).
            Sau nhiều năm dày công tạo lập vun xén nơi địa sở Hàmong, đến năm 1933, Bề trên đổi ngài qua địa sở Pơo (ngày nay La Sơn). Lúc này ngài đã có tuổi và phải rời xa nơi gắn bó nhiều năm, nhưng ngài vẫn vui vẻ, khiêm tốn vâng lời Bề trên, không ngại ngùng luyến tiếc!
            Vừa đến địa sở mới, ngài bắt tay làm việc: Lo lắng phần hồn phần xác cho bổn đạo. Ngài tiếp nối công việc của cha sở trước là cha Nicolas (Cận), lo giúp cho người ta làm thêm ruộng rẫy và mở rộng vườn cà phê. Ngài đã xin lập Hội Chức Việc, để lo cho quý Câu Biện trong Giáo phận được thống nhất và đoàn kết mà lo việc đạo. Là Bề trên tiên khởi phụ trách Hội Chức Việc Kon Tum, ngài xin mở tuần cấm phòng chung cho quý chức, và lo tổ chức lập một tờ báo riêng: Nguyệt san “Chức Dịch Thơ Tín”, nguyệt san của Hội Chức Việc Gp Kon tum, vào năm 1933. Ngài vừa là chủ bút vừa là biên tập, vừa viết bài đều đặn in trong nguyệt san, vừa tổ chức in ấn phát hành, với một vài cha cộng tác như cha Simon Thiệt (Kontum), cha Phêrô Chước (Pleiku), cha Phêrô Cơ (Kontum), cha Antôn Thận (Kontum)….Ngài có lòng say mê tìm hiểu lịch sử truyền giáo Kon Tum, với nhiều bài khảo cứu giá trị như ta thấy trong “Chức Dịch Thơ Tín”. Trong thời gian này, ngài soạn cuốn lịch sử “Mở Đạo Kontum”, cùng với cha Simon Thiệt, cuốn sách đã được Đức Cha Jannin (Phước) chuẩn nhận vào ngày 10/02/1933, và nhà in Qui Nhơn in vào tháng 05/1933. Đến tháng 11/1937, vì lý do sức khỏe, việc quản lý nguyệt san “Chức Dịch Thơ Tín” được trao lại cho cha Simon Nguyễn Thành Thiệt. Nhưng vì tình thế biến đổi nên về sau mọi việc đều phải ngừng trễ.
            Vì Pơo thời đó là một địa sở rộng lớn, gồm cả vùng Bàu Cạn, Đăk Bệt, và nhiều họ đạo dọc theo quốc lộ 14 kéo dài cho đến tận An Khê, (và cả Đăk Lăk ngày nay thuộc Buôn Ma Thuột), nên để thuận tiện hơn, vào năm 1938, ngài xin dời sở chính ra Môn Yang (Phú Thọ sau này) và đã được Đức Cha chấp thuận. Tại Môn Yang (Phú Thọ), trước hết ngài lo xây cất nhà xứ khá rộng rãi chắc chắn, và đã trù liệu cất nhà thờ giáo xứ cho xứng đáng, nhưng vì tình thế bất an nên phải tạm ngừng công việc. Ngài đã lo dẫn thủy nhập điền cho tiện việc cày cấy, vì tại Mong Iang nhờ cha Nicolas đã trưng ruộng đất cho Nhà Chung (TGM) nhiều, nhưng vì thiếu nước, nên phải bỏ hoang, nay nhờ ngài khai thủy nên có thể cày gieo được gần hết.
            Sau nhiều năm lao tác trên cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên, lại mang trong mình chứng bệnh đường (diabette)- chính ngài rất hiểu biết về bệnh tình nên hằng lo dọn mình luôn, sẵn sàng vui vẻ chấp nhận. Vào thứ tu Lễ Tro ngày 14/02/1945, Chúa đã gọi ngài vào chốn nghỉ an đời đời, với 34 năm linh mục (1911-1945). Xác ngài an táng tại sở Môn Yang, sau được cải táng nằm trong khôn viên nhà thờ Phú Thọ tại đài Đức Mẹ. Hiện nay, 02/11/2017, Di Cốt cha Phaolô Lê Đình Ban được di chuyên và đặt trong Nhà nguyện Chủng viện Thừa sai Kontum. 
II – ĐOẠN VIDEO CLIP 

GPKONTUM (03/11/2017) KONTUM
Nguồn: giaophankontum.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét