Nay tôi xin giải coi những cái phong trào thế lực gì mà đang kích thích xô giục đè nén, mà làm cho chữ quốc ngữ ta tiêu diệt đây?
Học quốc ngữ
Đông Hồ
LTS: Website Khoa Văn học trân trọng giới thiệu hai bài viết về quốc ngữ và quốc văn của nhà thơ Đông Hồ đã đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1927. Chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã cung cấp một tài liệu quý vừa được sưu tầm.
Phàm một dân tộc nào đều có riêng một tiếng nói, đã có riêng một tiếng nói tất cã có riêng một thứ chữ. Chữ của nước nào là quốc ngữ của nước ấy. Người trong một nước mà không thông chữ của một nước, là không đủ tư cách làm người dân trong nước ấy, đối với người đời trước thì mơ màng lạt lẽo, đối với người một thời thì lơ lãng thờ ơ, trên không chằng dưới không rễ. Người như thế thì thử nghĩ còn ra vẻ vì nữa. Chẳng những không tư cách làm người mà làm người như thế lại là mất cả lợi quyền, vì chữ là cái lợi khí tối yếu của người ở đời, và chữ nước mình lại là cần yếu hơn lắm nữa. Trong khi giao thiệp với người đồng bang, các thơ từ giấy má là nguồn gốc của mọi việc khác, nhờ chữ mà tỏ được tình ý cho nhau, nhờ chữ mà mưu được những sự nghiệp kinh thiên vĩ địa. Chẳng nhờ chữ thì chẳng nên được việc gì cả. Bởi đó mà ta nên học chữ quốc ngữ. Nói thế tất cũng có người hỏi rằng: chữ thì chữ nào cũng là học, hà tất phải học chữ quốc ngữ?
– Đã nói rằng, phàm dân tộc nào đều có riêng một thứ tiếng, có riêng một thứ chữ, thì mỗi thứ chữ đều có một cái tinh thần riêng, không bao giờ lầm lộn nhau được; đã không bao giờ lầm lộn nhau được thì không bao giờ người một nước mà học được hết, hiểu được rõ chữ của một nước khác. Cái tinh thần ấy là cái tinh thần của giang san nòi giống, từ mấy muôn đời chung đúc mà thành, thì chữ và người bao giờ cũng có một mối vô hình ràng buộc lẫn nhau, rồi không thể bỏ nhau được. Nên người một nước, bỏ chữ nước mình mà lấy chữ một nước khác làm quốc ngữ, là một lẽ đại nghịch với tự nhiên của trời đất không bao giờ có, nếu dân tộc nào làm trái với lẽ đó là dân đó đã đến ngày tự buộc mình vào vòng vô tri thức để tiêu diệt lấy mình, vì “tiếng là nước”, tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn không sao vãn hồi được nữa.
Bởi thế nên không giống dân nào dám coi việc ấy làm thường, đều thuận theo đạo tự nhiên, giữ gìn học tập quốc ngữ cả thảy. Người Tàu học chữ Tàu, người Ấn-độ học chữ Ấn-độ, người Nhựt học chữ Nhựt, người Đức học chữ Đức, v.v., nước nào cũng vậy; dầu không bắt học cũng học, dầu không khuyên học cũng học, không còn giống dân nào mà không biết lẽ ấy nữa. Nói như thế thì dân Việt Nam nào có phải là một giống người vô tri thức mà mà không hiểu hết lẽ ấy, còn phải người ép buộc khuyên bảo, thiết tha bàn nói như thế nầy. Ta nên biết rằng: ấy là cái nỗi khổ tâm nhứt của các nhà trí thức ta vẫn băng khuăng lo nghĩ đó.
Phàm những cái gì được bình an, giữ nguyên tính chất là khi nào ở vào cảnh ngộ bình thường; chớ ở vào cảnh ngộ biến cách thì tính chất ấy thay đổi ngay. Cái biến ấy là những cái phong trào, những cái thế lực khác ở chung quanh nó kích thích xô giục đè nén mà làm cho tiêu diệt mất cái nguyên chất đi. Như các nước mà biết lo giữ gìn quốc ngữ, học tập quốc ngữ của họ là những nước ấy ở vào cảnh ngộ bình thường. Nếu nước Việt Nam ta nay mà cũng ở trong cảnh ngộ bình thường, thì người Việt Nam cũng không tránh được cái công lệ tự nhiên mà không biết lo giữ gìn quốc ngữ, học tập quốc ngữ.
[cột báo bị bỏ trắng 10-12 dòng, mỗi dòng 8-10 từ]
Nay tôi xin giải coi những cái phong trào thế lực gì mà đang kích thích xô giục đè nén, mà làm cho chữ quốc ngữ ta tiêu diệt đây? Phong trào ấy là phong trào học chữ Pháp. Từ năm sáu chục năm nay nước Nam ở dưới quyền bảo hộ thuộc địa nước Pháp; người Pháp họ đem quốc ngữ của họ sang truyền dạy cho ta thì mỗi cái gì thuộc về giấy má thơ từ, đơn trạng tờ khế, từ việc quan làng tới việc dân dã đều nhứt nhứt dùng chữ Pháp cả. Người Pháp đem chữ Pháp truyền dạy cho ta là muốn đào tạo cho ta thành một hạng người thông ngôn để làm việc với họ ở các ty các sở, nên mới đặt ra có từng hạng văn bằng cao thấp khác nhau. Người Pháp đem văn bằng mà đặt mục đích học cho ta. Ai là người cắp sách đến trường cũng chỉ lăm le cái học để thi, thi để đỗ, để lấy được bằng nọ bằng kia, để được bổ đi làm việc ở sở này sở nọ. Được như thế là mãn nguyện. Hạng thông ngôn nầy qua, hạng thông ngôn khác đến; đời nầy qua đời khác tiếp; sự học của người mình chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi. Ta nên biết rằng, kẻ học giả học là vì một cái mục đích cao xa rộng rãi hơn nhiều, là đem cái tri thức của mình mà thu quát cả võ trụ cổ kim, đem cái học thức của mình mà lãnh hội những cái huyền bí ẩn vi của Tạo hóa, đem cái lịch duyệt của mình mà xét thế thái nhân tình, rồi làm sách chép truyện, truyền dạy lại người ít tri thức hơn mình, truyền dạy lại người đời sau. Ấy cái mục đích cao thượng, cái sự nghiệp bất hủ của học giả là thế chớ có đâu hẹp hòi nhỏ nhen như phần nhiều người mình vẫn lầm tưởng lâu nay, mục đích không ngoài mỗi tháng mấy trăm bạc lương trở xuống, sự nghiệp học chỉ đến ông thông ông phán là cùng. [hết kỳ 1]
Chỉ trách người mình vô tri thức, không chịu suy nghĩ hơn thêm một chút, cứ đặt đâu ngồi đấy, bảo sao hay vậy, nức lòng gắng sức mà đêm đêm gào chữ như cuốc kêu, ngày ngày dùi sách như mọt đục, nhắm ngày nhắm tháng để vào thi, đếm bài đếm câu để chực hỏi, còn biết đâu là đâu nữa, biển học mênh mông coi không bằng cái vũng nước trâu vầy. Than ôi! Nên sĩ phong trụy lạc mất!
Nói cho phải, thì cũng có người có chí hướng cao, mục đích rộng, sang du học tận bên Pháp. Hạng người nầy cũng đã lĩnh hội được ít nhiều cái tinh ba của chữ nước người, lại có chí gây dựng cho nước Nam muốn đem chữ Pháp về làm quốc ngữ cho nước Nam. Nhưng than ôi! đó mới là cái mộng tưởng mà thôi chớ việc ấy là một việc trái với lẽ tự nhiên của Tạo hóa, không bao giờ có được. Nếu việc ấy là một việc dễ dàng, trong một thời gian ngắn ngủi đem hai mươi lăm triệu người Nam đổi thành hai mươi lăm triệu người Pháp được, thì còn ai dại gì mà không muốn. Song chẳng phải người Nam ai ai cũng đều có đủ sức để sang Pháp du học mà học được đến chỗ cốt tủy tinh ba của chữ Pháp được như thế cả. Trong một ngàn người, họa chăng mới được một người. Chẳng từng thấy gương trước. Người mình đeo đuổi học chữ Tàu là một nước có thế lực với nước ta, ở bên cạnh nách ta đây, đem văn hóa mà truyền bá cho ta đến mấy ngàn năm, mà hai mươi lăm triệu người Nam chưa đổi thành hai mươi lăm triệu người Tàu được, nữa là bập bẹ chữ Pháp trong năm sáu chục năm gần đây, mà chữ Pháp lại là một thứ chữ ở từ một bên phương cầu khác đem sang thì đã thấm gì. Chi bằng gần đây, sẵn đây, ta có tiếng của ta; tiếng ta biết bập bẹ từ khi mới chập chững đi, tiếng ta từng nghe từ khi còn trên tay mẹ ẵm bồng. Tiếng ấy là một thứ tiếng quý báu mầu nhiệm của Tạo hóa đã ban bổ cho ta, của khí thiêng non sông Hồng Lạc đã chung đúc ra cho ta. Tiếng ấy là của hương hỏa từ mấy mươi ngàn đời tổ tiên ta để lại, − ta nay nên trân trọng giữ gìn và bồi đắp dồi mài cho thứ tiếng ấy ngày càng một thêm tốt đẹp phong phú hơn lên, rồi sau nầy của hương hỏa quý báu ấy ta sẽ để lại cho con cháu ta cho đến thiên thu vạn cổ về sau. Trách nhiệm ta nặng nề lớn lao như thế, nếu ta thờ ơ chểnh mảng để cho thứ tiếng nói ấy mà phải tiêu diệt là ta phải tội với trời đất với tổ tiên ta lắm vậy.
Ta học quốc ngữ dễ, dạy mau biết, học mau thông, vì tiếng là chữ mà chữ là tiếng, miệng ta nói tay ta viết; có ý chăm chỉ suy nghĩ một chút là lĩnh hội được đến chỗ lý thú thâm trầm ngay, không phải có cái học khó khăn như cái học nhà viết mượn chữ nước người, phải san đi dịch lại mấy phen, kêu gào hò hét mấy bận mà vị tất đã thâu biết được đến chỗ cao thâm tinh túy. Nhà mình sẵn có cái học tiện lợi dễ dàng như thế thì ai nỡ nào cam lòng rẻ rúng, đang tay ruồng bỏ cho đành. “Phật nhà không cầu, đi cầu Thích-ca ngoài đường”. Đối với ông Thích-ca ngoài đường ấy ta còn lạ lùng, bợ ngợ chưa biết được bụng dạ thế nào thì ta chắc gì là ông Thích-ca ấy phù hộ ta được; chi bằng nhà ta sẵn Phật, ông Phật ấy đối với ta có tình thân mật đậm đà hơn, ta nên vững bụng yên lòng, bịnh hương sùng bái ông Phật nhà ấy, thì dầu ít dầu nhiều thế nào, ông cũng phù hộ giữ gìn ta mà ban giáng phúc đức cho ta nhờ được.
Ta về ta tắm ao ta,
Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn.
Tôi nói thế có phải là tôi khuyên người mình bỏ mà không nên học chữ Pháp không? Không, không phải thế. Chẳng những là chữ Pháp, dầu đến chữ nào cũng là chữ hay cả, mà chữ nào cũng là chữ nên học cả, học được càng nhiều càng tốt, nhưng muốn học chữ nước người, thì trước phải thông thuộc được chữ nước mình đã. Học chữ mình là để giữ lấy căn bổn vững vàng, để cho có đủ tư cách làm người dân trong nước, rồi sẽ học tập cái của người. Chớ đối với cái của mình thì mờ mịt tối tăm, lại đeo đòi muốn lấy cái của người làm cái của mình; chẳng may ra, học chưa được cái của người mà đã bỏ mất cái của mình, tình cảnh dở dang ấy có khác nào cái tình cảnh “đánh trống mất dùi” không? Đánh trống mà mất dùi, thì đáng thảm thương ái ngại biết chừng nào!
Ấy đại khái sự cần yếu và sự lợi ích của việc học quốc ngữ là thế, vậy người nước ta, những người không biết thì không nói gì chớ ai là người có chút tri thức, có chút tâm chí đối với tương lai vận mạng nước nhà thì tưởng ai cũng nhận lẽ ấy là phải mà dầu lòng dốc chí gia công giữ gìn học tập chữ quốc ngữ tiếng quốc âm nhà kỳ cho thứ chữ thần thánh ấy được đến ngày tốt đẹp phong phú thì giang san Hồng Lạc nầy mới được đến ngày tươi tỉnh vẻ vang mà mở mày mở mặt với người, vì “nước Nam ta mai sau nầy hay dở cũng do ở chữ quốc ngữ” vậy (lời ông Phan Kế Bính, tựa “Tam Quốc Chí”).
Vì thi hành không được tốt mà đã có người đổ vạ rằng các trường tiểu học ta ngày nay học chữ quốc ngữ là làm trở ngại việc học của con trẻ. Than ôi! Việc học quốc ngữ ngày nay đã đến cái thời kỳ “mở mắt” chớ nào phải còn trong cái thời kỳ “chiêm bao” nữa mà còn có người nói như thế thì thiệt là mơ màng tối tăm quá. Vì lẽ ấy thì trong một bài sau tôi xin lạm bàn đến. Nay đem chất chính với hải nội chư quân tử ngài nào có ý kiến gì hay về việc học quốc ngữ và đã có kinh nghiệm qua xin đem bàn lên báo để rộng đường dư luận. Kẻ tệ sĩ nầy lấy làm mong mỏi đợi được nghe lời cao đàm minh luận của các nhà.
ĐÔNG HỒ
Hà Tiên
Nguồn:
Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 618 (19.8.1927); s. 619 (22.8.1927)
Quốc văn Nam Việt
Đông Hồ
Có nhờ học bằng tiếng nước nhà thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được
C’ est parce que nous avons été instruits dans notre propre langue que nos esprite se sont éveillée
RABINDRANATH TAGORE
Khi một dân tộc đã phải mắc vào vòng nô lệ mà còn khéo giữ được tiếng nước nhà thì cũng như còn giữ được cái chìa khóa để mở cửa ngục giam mình
Quand un people tombe en esclavage, tant qu'il tient bien sa langue, c'est comme s'il tenait la clef de sa prison
ANPHONSE DAUDET
LỜI NÓI ĐẦU. – Bài trước đã lược thảo qua cái đại để sự cần yếu và sự lợi ích việc học chữ quốc ngữ. Bài này hẵng xin phân tích ra từng điều từng lẽ mà bàn lại một lần nữa cho thật rõ ràng tường tận, mong được nhiều thức giả chú ý đến. Theo như lời Anphonse Daudet tiên sinh vừa kể trên kia thì vấn đề quốc ngữ là vấn đề quan trọng nhứt mà cũng là khó khăn nhứt. Hễ vấn đề nầy mà giải quyết xong thì mọi cái vấn đề khác trong nước sớm trưa rồi tất cũng giải quyết được. Như thế thì ta há dám khinh thường mà không lưu tâm chú ý đến ru?
Cổ kim đông tây đều thường nói, nước sống được là nhờ ở quốc hồn. Nhưng quốc hồn là một khối hồn nhiên một khối siêu hình, chỉ lấy trí từng người mà tưởng tượng thì cũng còn mơ màng phảng phất quá, không lấy gì làm bằng cớ nhứt định được. Tất cũng phải có một cái gì làm tiêu biểu rõ ràng, bằng cớ hiển nhiên cho cuộc sinh hoạt của một dân tộc một quốc gia mới được. Muốn biểu lộ cái quốc hồn ấy cho rõ ràng đích đáng thì chỉ có lấy quốc âm mà thôi. Quốc âm tức là cái tiếng nói riêng của một giống dân, hình như Tạo Vật đã uốn đầu lưỡi mà khẩy lên cái tiếng thiên nhiên kia, trong trí nghĩ được thế nào là tự nhiên buột miệng nói lên thế ấy, khỏi phải tập luyện sửa sang gì cả. Tiếng nói ấy là tiếng nói riêng của một giống dân không có giống dân nào bắt chước nói cho rõ ràng đúng hệch tiếng nói của một giống khác được.
Nhưng tiếng nói chỉ thoáng qua là hết. Nay muốn giữ lại tiếng nói ấy thì tất phải có một thứ chữ để ghi chép lại. Chữ ấy tức là quốc văn vậy. Chữ của một nước nào, là quốc văn của nước ấy, từ những câu ca dao thật thà ở chốn thôn quê mộc mạc cho đến lời văn thơ chải chuốt chỗ thi xã văn đàn đều là quốc văn cả. Quốc văn mà được phong phú tốt đẹp thì quốc hồn mới được tươi tỉnh sáng suốt, quốc vận mới nhơn đó mà được vẻ vang rực rỡ. Đã làm người dân trong nước thì ai lại không muốn cho nước mình vẻ vang vì nước có vẻ vang thì mình sống ở trong ấy mới được thảnh thơi.
Nay muốn cầu cho quốc vận được vẻ vang rực rỡ thì tất phải giữ cho có quốc hồn được tỉnh tươi sáng suốt, mà muốn giữ cho quốc hồn tỉnh tươi sáng suốt là phải bồi luyện cho quốc văn được phong phú tốt đẹp. Thế thì nghĩa vụ trách nhiệm của người dân trong nước là phải học tập lấy chữ quốc ngữ mình để bồi đắp cho nước nhà có một nền quốc văn cho thật xứng đáng vững vàng. Nước sống được là ở đó.
Nay người nước Nam tất cũng muốn cho nước mình sống được vẻ vang thì tất ai cũng muốn lo học tập chữ quốc ngữ để tu luyện lấy cái hồn mình tức là bồi dưỡng lấy cái hồn nước Nam Việt nầy để khỏi bị đào thải trong trường thiên diễn.
Lý thuyết thì phân minh ra như thế, nhưng đã có thể thực hành được chu tất hay không?
Nước ta lập quốc hơn bốn ngàn năm nhưng dân ta chưa từng có cái thời kỳ nào được công nhiên học chữ quốc ngữ. Trước kia nước nội thuộc Tàu thì dân phải học chữ Tàu, sau nầy nội thuộc Pháp thì dân phải học chữ Pháp. Thỉnh thoảng cũng có xuất thế mất vài áng văn quốc ngữ là do những nhà văn gia thi sĩ trong lòng đã chứa chan cái hồn của non sông nòi giống mà phát lộ ra lời thơ văn, nhưng đó chỉ đủ làm những món ngâm nga trong khi tửu hậu trà dư, chớ chưa phải là có một nền quốc văn xứng đáng để làm món quốc dân giáo dục được. Nếu cứ như thế mãi thì hai mươi triệu người Việt Nam trước kia là hai mươi triệu người Hán sau nầy là hai mươi triệu người Tây, tiếng Việt Nam sẽ không còn người nói nữa, chữ Việt Nam sẽ không còn người học nữa. Tiếng Việt Nam mà đến ngày tiêu diệt thì nước Việt Nam cũng chẳng còn là nước Việt Nam nữa rồi. Than ôi! chẳng phải tiêu diệt là gì! Nhưng mà may, non sông Việt Nam còn thiêng, nòi giống Việt Nam chưa dứt, khiến cho dân Việt Nam còn có người biết giựt mình trong giấc mơ màng thì cái “hang tiêu diệt” kia đã sờ sờ trước mắt, nếu còn bước tới nữa thì tất sa ngay vào cái gành sâu vực thẳm kia! May mà cũng còn ngày giờ để hồi đầu lại mới kêu gọi dắc dìu nhau mà chạy về để giữ lấy cái căn bổn của mình. Người tỉnh trước thì kêu gọi cho người tỉnh sau, để lo việc học tập quốc ngữ, bồi luyện quốc văn cho trong nước có một nền quốc dân giáo dục bằng chữ “mẹ đẻ” cho xứng đáng. [hết kỳ 1]
Hầu mười năm nay, các báo chí trong nước đều hô hào cổ động về việc “người Việt Nam phải học chữ Việt Nam” luôn. Một mặt thì phân trần cho người mình hiểu mọi lẽ lợi hại, một mặt trình bày hơn thiệt với chánh phủ để sửa đổi lại chương trình học trong nước, xin lấy chữ quốc ngữ làm món học chánh để chữ Pháp làm món học phụ như chữ ngoại quốc mà trước kia từ khi nhà nước Pháp đặt bảo hộ chỉ cho dạy ròng một món chữ Pháp mà thôi. Về phần chánh phủ thì sau khi một thời kỳ quốc dân bàn bạc yêu cầu, kẻ tán thành cũng lắm, mà người phản đối cũng nhiều, mãi đến ngày 18 tháng 9 tây năm 1924 nha học chánh Đông Pháp mới ký nghị định sửa đổi lại điều thứ 134 trong học chánh tổng quy, cho lấy chữ quốc ngữ dạy ba lớp dưới bậc tiểu học. Đó cũng chưa phải là đủ, nhưng được chút nào nên mừng chút ấy mà lợi dụng, dần dần rồi cũng sẽ đến ngày được hoàn toàn. Thế là từ ba năm nay, con trẻ trong nước Nam đã được công nhiên học tiếng mẹ đẻ mà chữ quốc ngữ từ đó cũng đã có một cái địa vị xứng đáng trong học giới và dân Việt Nam đã cũng có một nền quốc dân giáo dục hẳn hòi, không phải cái thân phận ăn gởi nằm nhờ như trước nữa.
Nhưng việc gì cũng vậy, làm ra tất cũng có chuyện ngăn trở mà không được trót lọt bao giờ. Về phần chánh phủ thì nhọc nhằn trong bao nhiêu lâu mới được đến ngần ấy. Còn về phần quốc dân thì không phải ai ai cũng đồng như một ý kiến cả thảy, tất cũng còn có người phản đối luôn. Phản đối về việc nầy thì rất nhiều phương diện, bàn đi nói lại cũng đã lắm nhưng xem chừng cái phong trào phản đối cũng chưa tắt hẳn. Nay tôi xin chia ra từng phương diện mà bàn lại một lần nữa, cũng chẳng phải là mới lạ gì, nhưng người ta thường coi qua rồi bỏ, nên đây cũng chỉ là ôn lại những ý kiến của các nhà mà thôi.
Những người phản đối việc học quốc ngữ là định muốn lấy chữ Pháp thay vào làm quốc văn Nam Việt, và ngờ cho tiếng nước nhà về mấy lẽ nầy:
1/ Chữ Việt Nam còn nghèo ngặt thiếu thốn, sao cho bằng sẵn chữ Pháp là một thứ chữ phong phú phong thú, ta lấy đó làm quốc văn khỏi phải tầm kiếm sưu tập công phu gì nữa, thì chẳng là tiện lợi dễ dàng hơn ru?
2/ Chữ Việt Nam chưa có thế lực gì, chỉ quanh quẩn trong một khoảng đất nước nhà, sao bằng chữ Pháp là một thứ chữ đã có thế lực lan rộng hầu khắp thế giới, thì học chữ Pháp chẳng là có ích lợi nhiều hơn ru?
3/ Nước Nam ngày nay ở dưới quyền nước Pháp bảo hộ thì chữ Pháp đã thành một thứ chữ “quan thoại” một thứ chữ “cai trị” thì người mình phải học chữ ấy mới có thể giao thiệp với chánh phủ mà vận động việc chánh trị được.
4/ Việc cho dân Việt Nam học chữ quốc ngữ ở lớp dưới bậc tiểu học là làm trở ngại việc học trong nước; đó chỉ là làm mất thì giờ học chữ Pháp của con trẻ mà thôi.
5/ Những khoa học chuyên môn mới: cơ xảo, kỹ nghệ là những cái học giàu dân mạnh nước ngày nay, chữ quốc ngữ không thể diễn dịch hết được những danh từ chuyên môn ấy thì nếu không học trực tiếp ngay với chữ Pháp thì dân ta biết đến ngày nào mới theo kịp bằng người?
Nay đem từng lẽ ra mà bàn giải:
1/ “Chữ Việt Nam nghèo ngặt thiếu thốn” là một câu đầu lưỡi của phần nhiều người mình. Có suy nghĩ cho kỹ một chút thì thấy câu ấy là một câu thậm vô lý. Vả nói chữ Việt Nam nghèo thiếu đó là đem so sánh với chữ Pháp chữ Tàu chớ không bao gờ chữ trong một nước nào mà không đủ cho người trong nước ấy dùng bao giờ. Tùy trình độ dân trí, nếu trình độ dân trí còn thấp hẹp quá thì chữ tự nhiên phải thiếu kém, nếu trình độ dân trí cao được đến ngần nào thì chữ tự nhiên cũng nhiều được đến ngần ấy và bao giờ cũng đủ chữ diễn xuất được các tư tưởng cả.
Thiếu kém hay giàu đủ đó là do tư tưởng tri thức của người ta thấp hẹp hay cao rộng chớ nào phải tại chữ. Phàm trong trí tư tưởng suy nghĩ đã chánh rồi thì tự nhiên muốn nói ra cũng rõ ràng mà chữ dùng cũng tự nhiên đến dễ dàng. Có người nói ra ba câu tiếng ta chưa xong, rồi lại đổ vạ rằng: “Tôi thiệt không sao nói bằng tiếng Việt Nam được, vì nó không đủ để diễn xuất những tư tưởng cao kỳ”. Khôn nói được bằng tiếng nước nhà là bởi trong óc không tư tưởng bằng tiếng nước nhà mà những người nói như thế vị tất đã là có tư tưởng gì cao kỳ, vì nếu họ thật có tư tưởng gì cao kỳ thì họ đã không nói ra những câu quá ư vô lý vô vị mà chê bai khinh rẻ chữ nước nhà như thế bao giờ. Thế thì tiếng nói của một nước không đủ dùng là không đủ dùng cho người không biết dùng, chớ vẫn đủ dùng cho người biết dùng. [hết kỳ 2]
Lợi việc so sánh: Lấy một câu chữ Tàu hay một câu chữ Pháp mà dịch ra tiếng ta không được hết ý tứ trong nguyên văn mà nói đó là tiếng ta nghèo cũng vị tất là chánh đáng, vì nay thử lấy một câu ca dao hay một câu ngạn ngữ ta mà dịch ra chữ Tàu hay là chữ Pháp thì tưởng cũng không bao giờ dịch sao cho hết được ý tứ tinh thần trong nguyên văn, như thế thì chẳng là chữ Tàu chữ Pháp nghèo hơn chữ ta hay sao? Sự dịch một thứ chữ qua một thứ chữ mà không được đúng là do cái tinh thần riêng của từng thứ chữ, chớ nào phải chữ nào nghèo hơn chữ nào đâu, mà nói cho đúng hơn nữa thì cái tinh thần ấy cũng không phải là cái tinh thần của chữ mà chính là cái tinh thần của cả một non sông nòi giống thì không bao giờ có tinh thần của một dân tộc nào mà giống cái tinh thần của dân tộc nào được. Lẽ ấy là một lẽ hiển nhiên rồi tưởng ai tri thức tầm thường thế nào cũng phải công nhận lẽ ấy là đúng vậy.
Còn nói chữ Pháp tốt đẹp thì không ai dám cãi, nhưng nói chữ Pháp giàu dư tốt đẹp mà muốn lấy làm quốc văn Nam Việt thì nếu người biết nghĩ một chút còn ai dám công nhận được. Nói như thế thì có khác gì nói như thế nầy: “Cái nhà tranh của ông cha cất ra cho ta ở đây thấp hẹp xấu hèn. Chà, đàng kia có cái lâu đài cao rộng quá, vậy ta hãy bỏ cái nhà xấu hẹp nầy mà ta nhắm mắt cắm đầu chạy liều lại trong lầu đài kia mà ở với họ, chẳng là sung sướng yên ổn hơn ru?” Ta nên biết rằng cái nhà tranh của ta kia tuy nó có thấp hẹp xấu xa mặc dầu chớ đó là cái của tổ tiên ta gây dựng ra trong mấy ngàn đời, nó cũng đã từng che chở đắp điếm nắng mưa cho ta được yên lành ấm áp cho đến ngày nay, nó có xấu hèn một chút thì ta phải cố mà sửa sang bồi bổ cho nó tốt đẹp vững vàng lên, chớ cớ gì ta phải ruồng bỏ nó?
Nay ta mà bỏ nó đi ở nhờ trong cái lầu đài kia thì lầu đài kia cũng đã có chủ rồi, người ta họ há có để cho mình trọn quyền làm chủ hay sao, có khéo chìu chuộng cầu lụy lắm thì bất quá chỉ được một bên chái một góc hè mà chịu cái thân phận ăn ghé nằm nhờ đó thôi. Đã phải cái thân phận ăn ghé nằm nhờ thì bao giờ mà được an vui; mới tỉnh hồn nghĩ lại cái nhà tranh kia, tuy là thấp hẹp hèn xấu mà ở vẫn được an ổn sung sướng hơn, mới quay đầu chạy về, nhưng than ôi! cái nhà tranh kia trong bao lâu nay không người ở, đã không có tay người giữ gìn sửa sang đến thì nó đã hư sập đổ nát tự bao giờ rồi, chừng đó nhìn nhau mà ngơ ngác ngẩn ngơ, chân trời góc bể biết đâu là nhà, mới ngồi lại dựa bên đường mà khóc cái thân phận của mình phải vô cùng oán hối. Nhưng trót vì tay đã nhúng chàm dại rồi còn biết khôn làm sao đây! Ấy đại để cái chuyện người muốn bỏ chữ Việt Nam đi mà lấy Pháp làm quốc ngữ thì cái tình cảnh ấy có khác nào cái tình cảnh mất nhà vừa kể trên kia đâu. Cái tình cảnh lui tới không nhà dở dang ấy ta đã biết rồi thì khá sớm liệu mà vãn hồi, chớ để đợi cho nước đến lưng dầu có muốn nhảy cũng không kịp nữa! Đó là lấy lý mà luận, còn lấy tình mà nói thì nếu chữ quốc ngữ là xấu xa nghèo hèn, muốn bỏ đi mà lấy chữ người tốt đẹp giàu có hơn, như thế thì có khác nào một người kia có vợ từ thuở hàn vi, tuy là hèn xấu nhưng trong lúc khốn cùng vẫn có với nhau, nay lại thấy có người tốt đẹp giàu sang lại toan bỏ vợ cũ mà lấy vợ mới thì thử nghĩ việc ấy thế nào! Than ôi! Muốn giữ gìn cho tròn chung thì khó, chớ muốn phụ phàng ruồng rẫy thì có khó gì, nhưng người có lương tâm một chút thì sao có làm việc ấy cho đặng. [hết kỳ 3]
2/ Thứ đến, “chữ Việt Nam chưa có thế lực lan rộng ra ngoài thế giới bằng chữ Pháp”. Lẽ nầy thì cũng như một lẽ chữ quốc ngữ còn nghèo như trên kia vừa giải. Chữ Việt Nam sở dĩ chưa có thế lực lan rộng ra ngoài thế giới là bởi nước Việt Nam chưa có thế lực, quốc dân Việt Nam chưa có thế lực đó thôi.
Nhưng việc gì cũng vậy, không bao giờ trong một thời gian ngắn ngủi mà thành công được đâu. Nói rằng người mình học tập quốc ngữ không phải là ngày nay năm nay học mà tháng sau năm sau hay mươi năm sau mà nước Việt Nam có một nền quốc văn hoàn toàn đâu. Cái công trình ấy phải là cái công trình trong ba bốn trăm năm mới mong được thành công mà còn vị tất là thật được hoàn toàn xứng đáng thay. Ta nên biết rằng chữ Pháp mà có cơ sở vững vàng như ngày nay đó không phải là họ học tập trong ba bốn chục một trăm năm gần đây đâu. Người Pháp ngày xưa hạng người trí thức họ cũng nghiên cứu học tập chữ Latin làm cái học cổ điển như mình học chữ Hán, mà cái tiếng “mẹ đẻ” tức là tiếng Pháp ngày nay đó họ cũng cho là một thứ tiếng “nôm na mách qué” không thể diễn xuất được ý kiến tư tưởng gì cả. Duy trong đám bình dân là còn nói đến, như những hạng Trouvères hay Trouvadours đặt ra những thơ ca văn vắn để ngâm vịnh những chuyện cổ tích, tả thú điền viên hay là hát trong khi hội hè đình đám, tức như ca dao tục ngữ của ta lưu hành truyền tụng trong dân gian thôi, còn những văn gia thi sĩ thì không bao giờ dám dùng đến vì dùng đến thì cho là một việc hèn xấu. Mãi đến trong khoảng thế kỷ thứ 15 – 16 mới có những nhà nghiệm ra bèn đoạn tuyệt với cái học cổ điển là chữ Latin kia, mà trước tác sách vở bằng tiếng thổ âm; tức như bọn ông Rabelais, Ronsard và hô hào cổ xúy cho quốc dân dùng tiếng thổ âm. Từ ấy kế tiếp nhau, đời này truyền sang đời khác, đặt hội hàn lâm, ban tu thơ, treo giải khuyến khích cho quốc dân làm sách, dịch sách, trau dồi luyện tập mãi mãi đã gần bốn, năm thế kỷ nay thì cái tiếng “nôm na mách qué” ở nước Pháp trước đời ông Rabelais, Ronsard xưa kia nay đã thành một thứ chữ phong phú văn vẻ mà mình phải cung tụng là thần thánh đấy.
Chữ Việt Nam ta nay cũng thế, kể từ thế kỷ thứ 13 là từ đời Trần, quốc văn mới bắt đầu phôi thai, cũng đã có người làm qua thơ văn nôm như bài “Văn tế cá sấu” của ông Hàn Thuyên đời Trần Nhân Tôn (1278-1293), thơ “Bán than” của ông Trần Khánh Dư. Qua đến thế kỷ thứ 15 – 16 đời Hậu Lê thì như “Hồng Đức quốc âm thi tập” của vua Lê Thánh Tôn, “Bạch Vân thi tập” của cụ Nguyễn bỉnh Khiêm, các bài tinh nghĩa văn sách của ông Lê Quý Đôn cho đến mấy khúc “Chinh phụ”, “Cung oán”, v.v. ở về cuối đời Hậu Lê. Nhưng đó chỉ là những bài thơ ca ngâm khúc ngăn ngắn chưa đủ làm tài liệu mô phạm cho một nền quốc văn cho xứng đáng được. Mãi đến thế kỷ mới rồi đây mới có một nhà đại thi hào là cụ Nguyễn Du đem hết tài tình nhỏ máu làm mực trước tác ra một thiên văn chương tuyệt bút là quyển “Kim Vân Kiều” được ngót ba ngàn rưởi câu thơ lục bát phát biểu diễn xuất được hết cái tinh hoa của non sông nòi giống, để chứng nhận rằng những tiếng Việt Nam không phải là nghèo hèn thiếu thốn gì, nói ra cũng vẫn được thanh thoát nhẹ nhàng, tả mạc bức tranh tình tính người ta cũng rất là thanh tao êm ái… Thế là từ ấy tiếng Việt Nam mới có cái cơ sở vững vàng, kẻ sau nầy học tập quốc ngữ mới có chỗ làm nền nếp mẫu mực chắc chắn mà noi theo, như thế thì quốc văn ta phát đạt mới từ hơn một trăm năm nay, sánh với chữ Pháp thì còn phải kém người ta hơn hai ba trăm năm. Muốn so sánh là so sánh như thế đó, nghĩa là chữ nước mình sở dĩ còn kém cỏi hơn chữ người ta là bởi cái công phu học tập của mình chưa bằng người ta vậy. Nhưng nếu chúng ta nay nhân đã sẵn cái nề nếp ấy mà tu bổ lại cho hoàn toàn thêm, phát huy cho tăng tiến lên thì trong vài ba trăm năm nữa quốc văn Việt Nam sao lại không đến được thời đại toàn thạnh.
Có sách hay tất có người muốn học, người nước khác muốn học tất phải dịch ra chữ nước họ. Xem như Phạn Kinh của Ấn-độ, Ngũ Kinh Tứ Thơ của Tàu cũng đã thấy dịch hầu khắp các thứ tiếng trên thế giới. [hết kỳ 4]
Truyện “Kim Vân Kiều” của Việt Nam ta nay cũng đã có người Pháp dịch, người nước khác cũng có đọc đến mà cũng đều phải xưng tụng tác giả quyển văn chương Việt Nam kia là “thần thơ”. (Tháng 7 năm 1927 nầy, ông Hoàng Tích Chu thuật rằng trong khi hội đàm /interview/ với nhà đại thi hào Ấn-độ là cụ Rabindranath Tagore ở trên Ấn-độ-dương, được tiếp chuyện với một người môn đồ của cụ là ông giáo trường đại học Calcutta Suniti Kumar Chetterji, ông giáo nói rằng: ông đã có được đọc bản dịch “Kim Vân Kiều” bằng chữ Pháp và ông cũng biết được ít nhiều cái phong thú tinh hoa thâm trầm về văn chương, triết lý của quyển sách ấy. – Echo Annamite, 2.8.1927). Nếu từ đây chữ Việt Nam còn người luyện tập đến luôn, văn chương Việt Nam sẽ ngày một phồn thịnh phong thú hơn lên, thì sẽ còn sản xuất ra mấy mươi quyển văn chương có giá trị như quyển “Kim Vân Kiều”. Khi ấy văn tự Việt Nam tất sẽ dịch khắp chữ thế giới, hội hàn lâm Việt Nam thanh danh giá trị cũng chẳng kém gì hội hàn lâm các nước Âu Mỹ. Người Âu Mỹ họ muốn khảo sát văn minh văn hóa Việt Nam thì họ tất phải tìm đến mà học chữ Việt Nam. Chừng ấy trên văn đàn thế giới thế lực chữ quốc ngữ lo gì không rộng lớn, địa vị chữ quốc ngữ lo gì không cao quý.
Sự nghiệp ấy là sự nghiệp vĩ đại, công trình ấy là công trình dài lâu thì phải có cái chí hướng rộng rãi, cái tư tưởng cao xa một chút mới được, chớ chỉ khư khư trong vòng chật hẹp nhỏ nhen như những việc cạnh hư danh tranh tiểu lợi hằng ngày mãi thì đã nên công chuyện gì mà còn mong gì nữa.
3/ Thứ nữa đến chữ Pháp là một thứ chữ “quan thoại”, người mình muốn vận động việc chánh trị thì đều phải học chữ Pháp. Ừ, thì đã đành, vì muốn trình bày ý kiến yêu cầu quyền lợi của dân cho thông đạt được đến chánh phủ, có lẽ phải cho thông đạt đến tận bên Pháp nữa mới được, thì người mình không sao không học chữ Pháp được. Nhưng ta nên biết rằng: chẳng phải cả thảy hai mươi triệu người Việt Nam đều có thể ra vận động việc chánh trị hết. Bất quá cũng chỉ trong một hạng người rất ít mà thôi. Hạng người ấy thì lại càng nên cần học chữ Pháp cho thật đến nơi đến chốn, cho thật tinh thông để có đủ tư cách giao thiệp với chính phủ và giao thiệp với cả thế giới nữa. Hạng người ấy chẳng những phải học chữ Pháp cho thông mà lại còn phải biết chữ mình cho thạo nữa mới được. Có biết được rõ chữ nước mình, mới am tường được dân tình thì mới đủ tư cách làm môi giới cho quốc dân với chính phủ. Hoặc có những ý kiến những vấn đề gì muốn vận động truyền bá cho quốc dân thì chỉ có dùng chữ nước nhà, tiếng “mẹ đẻ” mà nói ra thì mới chóng phổ cập được khắp trong dân gian. Trừ ra một hạng người cần phải giao thiệp với chánh phủ với thế giới còn thì quyết không thể lấy chữ Pháp làm món phổ thông giáo dục được. Mấy chục năm nay người mình học chữ Pháp thì đã có mấy ai học được đến nơi đến chốn, bất quá trong trăm người mới được một đôi người, còn thì đã sở đắc được những gì, đã đem dùng vào được việc gì mà đối với cái quốc túy cái văn hóa cũ của nước nhà thì tuyệt nhiên không biết đến, gây thành một giống người Tây không ra Tây, Nam không ra Nam, lố lăng không tư cách gì cả. Về việc nầy thì ông Roland Dorgelès là một nhà văn sĩ có tiếng ở Pháp ngày nay, năm 1925 khi du lịch bên ta về làm sách có phê bình về Việt Nam mấy câu, thật là cực tả cái tư cách cái tính chất người mình học chữ Pháp ngày nay.
“Có nhiều người Việt Nam lịch sự lắm, ăn bận như người kinh thành Paris, cho con sang học bên ta, khi một người đồng bào nói với họ bằng tiếng bổn quốc thời tảng lờ không nghe hiểu, mà tự mình nói, thì cũng ấp úng như phải tìm chữ dịch tiếng Tây ra tiếng Nam vậy…” (… Des Annamites élégants, vêtus comme les Parisiens, et qui envolent leurs fils faire leurs études chez nous, affectent de ne plus rien comprendre quand un compatriot leur parle dans leur langue et s’yexpriment péniblement, cherchant leur mots comme s’ils étaient obligés de traduire… sur la route mandarine). Kết quả đã rõ ràng ra đấy còn ai không thấy nữa. Học như thế là chỉ đủ đi làm việc biên chép với chánh phủ ở các ty các sở. Ta nên biết rằng đi học là cầu thu hoạch được những cái trí đức thông thường để có đủ tư cách mà gây dựng nghề nghiệp làm ăn chớ có lẽ ỷ lại vào chánh phủ hết cả hay sao. [hết kỳ 5]
4/ Học chính trong nước Việt Nam sẽ phân làm ba cấp: Thứ nhứt là bực sơ đẳng học, bực phổ thông giáo dục, các trường học nhiều nhứt trong nước, cho dạy toàn bằng chữ quốc ngữ. Tốt nghiệp các trường sơ đẳng ra, người nào không có thể đeo đuổi theo học nghiệp được nữa thì thôi ra cũng tùng tiệm có đủ trí đức mà làm các nghề nghiệp được. Còn người nào có thể học được nữa thì cho vào bực trung đẳng học. Bực nầy cái cách chế độ và cách tổ chức phải châm chước theo như các trường “lycée” bên Âu Mỹ phân làm hai ban: một ban cổ điển (classique) một ban tân học (moderne), cả hai ban nầy đều phải lấy chữ quốc ngữ làm món học chánh. Nhưng ban cổ điển một nửa thì dạy chữ Hán, cho học lịch sử văn chương, văn hóa nước Tàu, tức như bên Pháp ban “latin-grèce”, còn ban tân học một nửa thì dạy chữ Pháp làm tiếng ngoại quốc, cho học khoa học toán pháp (sciences math), học thuật mới ngày nay. Học sanh tốt nghiệp ra trường trung học rồi không muốn lên cao đẳng thì cũng đủ tư cách dạy lại các trường bực sơ học. Còn muốn theo lên bực cao đẳng thì các ông Tú cổ điển cho vào ban Sư phạm, Pháp chánh, sau nầy sẽ là giáo sư hay quan phụ mẫu có tư cách; còn các ông Tú tân học cho vào ban y học, số học, mỹ thuật, canh nông, thương mãi, kỹ nghệ, thì sau nầy ra sẽ là các ông bác sĩ, kỹ sư có giá trị. Chừng ấy nước Việt Nam sẽ có những ông Cử ông Nghè quốc ngữ có giá trị, những ông Cử ông Nghè ấy cũng chẳng kém gì những ông Cử ông Nghè ở các nước văn minh trong thế giới.
Ấy cái chương trình học trong nước được đến như thế thì mới thật hoàn toàn. Nhưng bây giờ mà nói ra thì cũng chẳng khác nào một giấc mộng “hoàng lương”. Sự học trong nước hiện chưa đâu vào đâu cả mà mơ ước những trung học, đại học, ông Cử, ông Nghè viễn vông chẳng là cuồng dại lắm ru!
Nhưng hy vọng mà cho ra hy vọng, mơ ước mà ước những chuyện đích thực hiển nhiên thì biết đâu lại không có ngày hy vọng được thành tựu, chớ nào phải mơ ước những chuyện bâng quơ không đậu, không dựa vào một bằng cớ chắc chắn nào; mà tưởng mê tín hy vọng như thế còn hơn mê tín những kim hài bội tinh, mê tín những vinh hoa phú quý hão huyền.
Cũng vì thế mà có người nói rằng: “Nay lòng quốc dân nguyện vọng sở cầu thì như thế mà chính phủ không bao giờ thi hành cho được chu tất. Như việc cho dạy quốc ngữ hay chỉ cho dạy có ba lớp dưới bực tiểu học rồi lại bắt học chữ Pháp nữa thì chỉ tổ làm ngăn trở cho những người có chí muốn theo học chữ Pháp đến bực trung đẳng, cao đẳng mà thôi, nếu sửa đổi được thì sửa đổi cho trọn vẹn bằng không thì thà là để cho học chữ Pháp như trước còn hơn. Nói như thế mới nghe tựa hồ hữu lý nhưng nghĩ kỹ mới biết là một lời ngụy biện chi cực. Đây lại phải nói qua vấn đề chánh trị vì việc học trong nước mình tuy là nói việc học chớ cũng có can thiệp đến chánh trị. Vậy thì ta nên biết rằng việc chánh trị trong nước nào cũng vậy, không bao giờ mà được hoàn toàn, như nước đã tự trị độc lập rồi cũng vậy, chẳng những là nước ở dưới quyền thuộc địa bảo hộ mà thôi. Nếu không thế thì các nước không phải phân tranh nhau hàng ngày, mà các nước cũng không đặt ra hội “Vạn quốc” làm gì. Nếu không thế thì nước Đức không yêu cầu nước Pháp rút binh ở tại hạt sông Rhur, nước Pháp không phải khẩn khoản hẹn nợ với nước Mỹ, nước Mỹ không lo hạn chế nước Nhật đóng thuyền “khinh chiến hạm”, nước Tàu không vận động cho liệt cường thủ tiêu các điều ước bất bình đẳng, v.v. Tổng chi nước nào cũng còn mất một đôi cái quyền lợi gì đó, chớ không bao giờ được hoàn toàn; nhưng nước đã được tự do độc lập rồi thì bị người ta hạn chế ít, mà nước còn trong vòng lao lung thì bị người ta hạn chế nhiều đó thôi. Nay việc chánh trị trong nước mình cũng thế, ta há có lấy nễ rằng chưa được hoàn toàn viên mãn mà không lo đến nữa hay sao. Lại nếu bị hạn chế, chưa được hoàn toàn thì phải cố mà vận động cho được hoàn toàn chớ ngồi mà đợi người ta đưa đến cho mình hay sao? Lẽ ấy thì tưởng không bao giờ có. Nếu không tin thì thử hỏi dân Triều-tiên, dân Phi-luật-tân, dân Ấn-độ hay dân Ai-cập thì biết họ có phải ngồi khoanh tay mà bỗng dưng có người đưa đến cho hay không? Nhưng đây là một việc khác. [hết kỳ 6]
Bây giờ chữ quốc ngữ chỉ cho học ở ba lớp dưới bậc tiểu học thì được bấy nhiêu ta nên lợi dụng bấy nhiêu; được một bực rồi, dần dần ta sẽ yêu cầu chánh phủ đặt thêm cho bậc khác nữa. Nói rằng học quốc ngữ ở ba lớp dưới đó là trở ngại cho người muốn đeo đuổi học chữ Pháp lên bậc trên. Người mà nói như thế là những người còn hiểu lầm hay là chưa từng thực nghiệm qua mà thôi, chớ thực không có gì là trở ngại cả.
Tiếng nói là ba lớp dưới học quốc ngữ chớ không phải là tuyệt nhiên không học đến chữ Pháp. Chữ quốc ngữ là để dạy các món trong chương trình mà chữ Pháp kể như một món học trong các món học khác dạy làm tiếng ngoại quốc. Nghĩa là lấy quốc ngữ làm món học chánh, chữ Pháp làm món học phụ mà trước kia, trái lại, chữ Pháp ở vào địa vị chánh.
“Có nhờ học bằng tiếng nước nhà thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”, ấy là lời của một nhà đại thi hào nước Ấn-độ, ông Rabindranath Tagore. Thật thế, một đứa trẻ mới bắt đầu học ngay bằng tiếng ngoại quốc thì không tài nào hiểu được rõ ràng, truyền đọc ngoài miệng mà trong trí não vẫn mơ màng là vì cái tiếng ngoại quốc đó không phải là cái tiếng nói thường nghe thường nói hàng ngày với người trong họ hàng ngoài làng xóm. Nay nếu bắt đầu cho nó học bằng tiếng nước nhà trong mấy năm, thì học gì chẳng hiểu được nấy, mà hiểu được rõ ràng, trí khôn nó nhân đó mà mỗi ngày mới vỡ vạc ra. Nó đã có chút tri thức rồi mới cho học tiếng ngoại quốc thì học vừa mau vừa dễ. Như thế thì vụ học chữ quốc ngữ ở ba lớp dưới chẳng những là không ngăn trở sự học chữ Pháp mà chính là dự bị tri thức để sau nầy học chữ Pháp cho dễ hiểu mau thông vậy. Vả lại, tuy là gọi ba lớp đầu chớ trẻ con, trừ những đứa thông minh quá thì không kể, còn thì không thể nào lên lớp năm được. Thế nào cũng phải ở lại một lớp nào đó hai năm, thành ra ba lớp mà thiệt là phải bốn năm năm học mới thi bằng tiểu học (Certificat d’ études élementaires) được. Trong bốn năm năm học bằng tiếng bổn xứ ấy nếu dạy cho thiệt châu tất kỹ càng thì tri thức cũng đã khai thông, mà chữ Pháp trong bốn năm năm ấy chỉ học theo một lối lịch thiệp, như tiếng ngoại quốc thì cũng biết được kha khá, đến khi lên lớp trên không phải là tuyệt nhiên không biết một chữ Pháp nào. Còn hai lớp trên đây, tiếng là hai lớp chớ thiệt là ba năm. Theo lời nghị định quan Học chánh thì lớp nhì chia làm hai ban, ban dưới để cho học trò ôn lại bằng tiếng Pháp những món đã học bằng tiếng bổn xứ ở ba lớp dưới, rồi từ ban trên trở lên đến lớp nhứt mới theo đúng chương trình thi tốt nghiệp bằng sơ học (Certificat d’ etudes primaires). Như thế thì trong ba năm sau chỉ học ròng chữ Pháp mà là học ôn lại những món đã có học ở ba lớp dưới rồi. Nhưng có khác nhau là trước học bằng tiếng bổn xứ mà sau nầy học tiếng Pháp thì trong ba năm sau nầy chỉ là dịch ôn lại những món đã học ở bốn năm năm trước mà thôi. Như vậy thì dầu học cách nào, con trẻ cũng phải bảy tám năm học mới tốt nghiệp bậc sơ học. Nhưng học như cách trước thì khi tốt nghiệp sơ học rồi tiếng Pháp vị tất đã thông mà tiếng ta thì vẫn mơ hồ không hiểu chỉ gây thành một lũ Tây giả như đã kể trên kia. Còn học theo cách sau nầy thì phần quốc ngữ chắc hẳn thông thạo, có thành hiệu mà phần chữ Tây cũng chẳng kém gì trước, vì trong khi học chữ Tây ấy, tuy ít năm học hơn trước chớ đã sẵn trí khôn để đón hiểu được dễ dàng. Trong hai cách học đã biện giải như trên kia thì cách nào là hơn, tưởng không nói mà ai cũng rõ cả vậy.
Việc là việc hay, tình lý thỏa hợp cả, nhưng có chỗ còn chưa thấy có kết quả là bởi thi hành không được châu tất đó thôi. Cái trách nhiệm ấy là trách nhiệm ở các ông giáo bà giáo. Hay dở là trách cứ ở đó chớ há phải bởi tại phương pháp không hay đâu. Phàm việc gì cũng vậy, bụng đã tin rằng làm được, tận tâm mà làm thì dầu khó đến đâu cũng làm được thành hiệu, chớ trong bụng còn hoài nghi do dự thì dầu việc thật dễ cũng thấy khó, mà việc khó lại càng thêm khó bội phần, có khi hay mà phải hóa ra dở nữa, thì các nhà giáo dục ta hữu tâm với non sông nòi giống há không nên nhận lấy cái trách nhiệm mà cẩn trọng trong khi thi hành việc nghĩa vụ của mình dư?
Duy còn hai điều nầy đã phải nhiều người còn lấy làm ngại là việc các thầy giáo và sách giáo khoa. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, mới bắt đầu việc gì mà lại không có khuyết điểm, nhưng rồi đây sẽ hoán cải dần dần cho đến được hoàn thiện. [hết kỳ 7]
Các thầy giáo đã nhận trách nhiệm mình rồi tất cũng phải lo tu luyện để cho có đủ tư cách dạy dỗ lại con em. Sách giáo khoa thì nha Học chính Đông Pháp ở Hà-nội cũng đã lần lượt xuất bản, cũng tùng tiệm đủ cho các trường bậc tiểu học dùng. Còn bậc trên nữa thì như sách “Việt văn hợp tuyển giải nghĩa” của hai ông Lê Thành Y, Nguyễn Hữu Tiến, sách “Quốc văn trích diễm” của ông Dương Quảng Hàm và như sách “Cổ học tinh hoa” của hai ông Trần Lê Nhân, Nguyễn Văn Ngọc, sách “Quốc văn khảo biện” của ông Nguyễn Ứng, v.v. cũng đều có thể châm chước làm sách giáo khoa được cả. Tổng chi, việc thầy dạy và việc sách giáo khoa thì tùy cái trình độ học cao thấp mà đặt định cũng không phải là một việc khó. Có người học thì tất có thầy dạy, có sách dùng. Không thấy có nước nào sắm thầy sắm sách trước khi định chương trình học bao giờ. Thế thì việc ấy cũng không có gì mà phải quá ái ngại nữa.
5/ Thứ nữa đến việc dịch các danh từ về khoa học mới. Phàm muốn gọi tên một sự vật gì thì trước có biết rõ cái sự vật ấy đã, nhiên hậu mới đặt tên mà gọi lên được. Mình chưa biết xe điện, tàu bay là vật gì thì sao có tiếng “xe điện”, “tàu bay” được, mình chưa biết thuốc ký-ninh, rượu sâm-banh là vật gì thì sao có tiếng “ký-ninh”, “sâm-banh” được, mình chưa biết được rõ lý học (physique), hóa học (chimie) là món học gì thì chữ “lý học”, “hóa học” sao có thể thông dụng được, mình chưa được hiểu rõ cái thuyết đối đích (relativité) hay là chủ nghĩa lập hiến thì những chữ “đối đích”, chữ “lập hiến” sao có thông dụng được, v.v. Tổng chi, có rộng biết, có nghĩ nhiều, vật gì đã từng biết, sự gì đã nghĩ tới thì thể nào cũng tìm được tiếng nói cho gọn ghẽ. Vậy cách trí toàn pháp, cơ xảo, kỹ nghệ, nếu người mình cứ giảng cứu cho thật thâm, và thứ nhứt là phải có chí muốn đem những điều mình đã học đã biết, dịch ra tiếng nước nhà cho bao nhiêu người đồng bang mình dầu không đi học mà cũng hiểu biết được. Ông Nguyễn Triệu Luật đã dịch được sách tâm lý học, ông Trương Cam Khuyên đã dịch được sách điện học (Nam phong), hai khoa học ấy ai bảo rằng không đầy dẫy những danh từ mới mà cũng vẫn dịch được thanh thoát, gọn gàng, ông Phan Văn Trường đã dịch được sách luật học và ông đã chắc rằng “tiếng Việt Nam ta dùng mà dịch sách chi cũng được hết cả”, mới đây ông Nguyễn Háo Vĩnh mới soạn được sách “Cách vật trí tri”. Chữ mình không đủ gọi thì hãy châm chước tùy nghi mà đặt chữ mới hay là mượn chữ nước ngoài. Việc mượn chữ nước ngoài đây cũng là một lệ thường, chữ nước nào cũng thế, ngay như chữ Pháp mình thường thấy đây, hầu hết là mượn chữ latin, grec. Đặt chữ mới hay mượn chữ nước ngoài thì không có phương hại gì đến quốc âm cả, miễn là những chữ ấy cho gọn ghẽ rõ ràng, cho dễ kêu dễ gọi, cho thành thanh âm Việt Nam là được. Ông Ronsard nói rằng: “Tôi khuyên ai cũng nên cứ đánh bạo mà đặt ra tiếng mới, miễn là phải đặt sao cho nó hợp với cái thể cách của dân gian đã công nhận” (Je te veux bien encourager de prendre la sage hardiesse d’ inventer des vocables nouveaux pourvu qu’ils soient moulez et fanconnez sur un patron dejà recue du peuble. – đây là viết theo cổ văn Pháp). Nếu mỗi người đều có công có chí như thế cả thì chữ Việt Nam lo gì không đủ dùng và lo gì không phong phú bằng chữ nước người.
Nói đến khoa học lại phải nói luôn qua việc học chuyên môn và học phổ thông mà người mình vẫn thường lầm tưởng. Phàm phép giáo dục trong thế giới, nước nào cũng vậy, cũng chia ra làm hai phép học: học phổ thong và học chuyên môn.
Học phổ thông là cái học của bọn bình dân, là giáo dục thông thường, giáo dục cả toàn quốc, còn học chuyên môn là cái học của bọn thượng lưu trí thức, là giáo dục đặc biệt, giáo dục một hạng người thông minh lội lạc.
Nói rằng: các học thuật chuyên môn mới mẻ ngày nay là những cái học giàu dân mạnh nước, ta không thể không có được thì đã đành rồi, không ai dám cãi. Nhưng có lẽ khắp các hạng người trong nước đều có thể cho học các khoa chuyên môn hết cả được sao? Các nước Âu Mỹ ngày nay cũng thế, chẳng phải là bốn triệu người Pháp hay bốn mươi lăm triệu người Anh đều là kỹ sư bác sĩ cả, bất quá cũng là chỉ một phần rất ít mà thôi. Những hạng người ấy là những hạng thông minh tuấn tú, hạng người ấy không phải là có nhiều được. Nếu hai mươi triệu người Nam mà đều cho học chuyên môn mà học được thành đạt cả thì nhân tài nước Nam đẻ mà cả thế giới dùng cũng không hết? [hết kỳ 8]
Một nước mà được văn minh giàu mạnh đã đành là bởi một hạng người trong thượng lưu trí thức kia làm then chốt làm chủ nhân ông cho một cõi sơn hà, nhưng không phải là không có nhờ ở đám bình dân hạ lưu rất nhiều.
Có người nói rằng nước Mỹ sở dĩ được văn minh sớm, được chóng phú cường là bởi nước Mỹ tuy tổng số trí thức ít hơn ở Pháp, ở Đức, ở Anh, mà vì ban bố phổ cập cả các hạng người trong xã hội. Các nước kia tuy tổng số trí thức có nhiều mà chỉ khu khu trong một hạng người mà thôi. Xem thế thì muốn cho nước giàu dân mạnh cũng phải lấy cái phổ thông làm gốc, mà như nước Nam hiện nay lại càng cần có cái giáo dục phổ thông lắm nữa. Vì đám bình dân ở chốn thôn quê, trong chỗ tre gai đất bùn kia nếu còn ngây ngô ngơ ngác, say say mê mê, dầu có người trí thức cao sâu tài giỏi như thần thánh đi nữa cũng không mong vận động được việc gì, mà cũng đành khoanh tay mà thôi!
Nay lấy chữ quốc ngữ làm món sơ học phổ thông cho người mình là tài bồi trí đức cho bọn bình dân Nam Việt, gây cho có một cái cơ sở vững vàng, khiến cho bất cầu người nào cũng đều có cái đạo đức giản đan, có tri thức thông thường, đều tiệm biết được các sự vật, các tình hình trong hoàn cảnh của mình trong cuộc đời, cho biết chỗ mà trông, biết lối mà theo, hành vi sanh hoạt cho phải đường cho khỏi quay cuồng xuẩn động. Cái học phổ thông ấy là cái nguồn gốc cho nhân tính nhân cách, là cái nền nếp cho sự nghiệp văn minh của một nước, thì nước ta không sao không có được.
Còn thì những người có thiên tư tốt, tài lược nhiều thì nên theo học các chữ ngoại quốc, khảo biện, nghiên cứu các khoa học cho thật tinh thật thâm, rồi dịch ra chữ quốc ngữ truyền bá lại cho đồng bào thì trong nước không lo gì không có nhân tài.
Nay kết luận bài nầy, còn mấy lời tâm huyết trung cáo với quốc dân, mong rằng trong anh em cũng có người xét đến.
Việc học quốc ngữ vừa biện luận như trên kia là việc ích lợi cho tôn bang tổ quốc, ích lợi cho cả một nòi giống, dầu người tri thức tầm thường thế nào cũng biết được cả.
Nhưng từ thuở nay không mấy người là dám đeo đuổi về đường ấy là bởi lòng người ta phần nhiều quá vì tư lợi đó mà thôi. Có con cho đi học trong bảy tám năm cũng có thể kiếm được mỗi tháng ba bốn chục bạc lương, trong 12-13 năm cũng có thể kiếm được 8 – 9 chục, một trăm đồng bạc lương, chớ đeo đuổi theo cái chữ “mẹ đẻ” kia đã biết rằng có ích cho gia quốc thực, nhưng cái lợi ích ấy là về lâu xa ở đâu đâu chớ nào có ích lợi gì cho nhà cửa vợ con bây giờ đâu. Đã đành rằng người ta không thể nhịn đói mà bàn triết lý giảng đạo đức được, nhưng ngoài cái kế mưu sinh nhỏ hẹp hàng ngày cũng phải hoài bão một cái chí hướng gì cao thượng, gây dựng một cái sự nghiệp gì bất hủ về sau nầy chớ đời người ta sống có phải là chỉ khu khu trong vòng y thực đâu? Lại ở đời cũng phải nên vị tình hơn vị lợi mới được. Dân nào mà chỉ biết vị lợi hơn vị tình là dân ấy sắp đến ngày tiêu diệt vậy. Vua Lương Huệ Vương hỏi thầy Mạnh về cái thuật giàu dân mạnh nước mà nói đến lợi thì thầy Mạnh bẻ rằng: “Nhà vua hà tất phải hỏi đến lợi, chỉ nên nói nhân nghĩa mà thôi” (Vương hà tất viết lợi, diệc hữu nhơn nghĩa nhi dĩ hĩ). Ta học chữ Việt Nam là vì non sông, vì nòi giống, vì tổ tiên, vì hậu thế, là vì tình nghĩa vì công ích mà học, còn học chữ Pháp là vì kiếm ăn, vì tiền của, vì quyền thế, là vì tư lợi mà học. Nói rằng: Vị cận lợi chẳng hơn là vị tình vị nghĩa suông đấy dư? Nhưng ta mà cứ giữ cái tư tưởng nông nổi, cái chí hướng nhỏ hẹp như thế mãi thì dân Việt Nam tất phải chịu vĩnh kiếp trầm luân, vĩnh kiếp nô lệ đi mà thôi.
Vậy người nước ta ai cũng nên nhận mình, nhận cái bổn thân mình đây là cái của báu của giang san chủng tộc, mấy ngàn đời tổ tiên ủy thác ở mình, mấy ngàn đời hậu thế hy vọng ở mình, phải biết cân nhắc chuyện lớn chuyện nhỏ, lẽ gần xa, và tùy tài tùy lực mà đương lấy cái trách nhiệm nghĩa vụ ấy sao cho xứng đáng. Sanh ra làm kiếp người Việt Nam ngày nay trách nhiệm lớn lao, nghĩa vụ nặng nề như thế, ta há có dám không đương chịu, mà chỉ cứ riêng mình, cao lâu nghênh ngang, ô-tô chạy tít mà an vui sung sướng mãi, thì người Việt Nam sao có nỡ làm như thế cho đành?
ĐÔNG HỒ
Hà Tiên
Nguồn:
Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.626 (7.9.1927); s.627 (9.9.1927);
s.628 (12.9.1927); s.629 (14.9.1927); s.630 (16.9.1927);
s.631 (19.9.1927); s.632 (23.9.1927); s.633 (26.9.1927); s.634 (28.9.1927)
Nguồn bài viết: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-lich-su-triet-hoc/6794-hai-b%C3%A0i-vi%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-qu%E1%BB%91c-ng%E1%BB%AF-v%C3%A0-qu%E1%BB%91c-v%C4%83n.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét