Tử đạo ngày nay vẫn tiếp diễn. Trên đất nước Việt Nam, đâu đó vẫn còn những thảm cảnh cấm cản sinh hoạt tôn giáo, o ép, dùng thủ đoạn để tra tấn giáo dân, đánh đập dã man linh mục đang thi hành mục vụ.v.v.
Xin trân trọng giới thiệu quí vị bạn đọc, bài viết dưới đây của cha P. Ban, linh mục giáo phận Kon Tum (gốc giáo xứ Truông Dốc, Nhà Đá, Qui Nhơn).
Bài viết chân thực và quá rùng rợn! Ngày xưa, Kon Tum thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn).
------------------------
TỬ ĐẠO TẠI TRUÔNG DỐC (NHÀ ĐÁ)
Ấy là những tấn kịch ở Truông Dốc hồi năm Ất Dậu. Thật thảm thương vô hồi.
Mồ tử đạo tại Nhà Đá
Trích báo "Lời Thăm"
Địa phận Qui Nhơn
15-22 Avril 1943
Tôi thấy "Lời Thăm" thuật lại hồi giặc Văn Thân năm Ất Dậu, chổ này chổ kia, nên tôi cũng xin thuật lại chuyện Văn Thân trong địa phận Truông Dốc (Nhà Đá) hồi ấy cho chư vị nhàn lãm: thật là một tấm kịch thảm thiết.
Hồi ấy cha sở Truông Dốc là cố Lựu (P. Hamon) mới lập các sở phía trên như Cây Rỏi, Hiệp Luôn … có Thầy Năm Thoàn (Cha Thoàn sau này) giúp ngài, đang dạy tại Cây Rỏi. Khi có tin động giặc Văn Thân đã giết các cha và bổn đạo ở Quảng Ngãi, thì cố sở chạy giấy lên Cây Rỏi cho Thầy Năm hay và biểu thầy rao truyền cho các họ phía trên phải tề tựu về sở chính Truông Dốc cho mau, hầu tính liệu cách nào. Còn phía dưới cố cũng sức cho các họ như Suối Nổ, Mương Lở, Bình Sơn … hết thảy cũng phải tựu về sở chính.
Ai nấy nghe tin như sét đánh, vợ nào chồng nấy, con tay bồng tay dắt, lật đật tuốn đến Nhà Đá.
Bữa ấy trúng ngày rằm tháng Bảy ta năm 1885, lối chừng 3 giờ chiều có ông thừa biện ở tỉnh ra, vô thẳng nhà cố. Cố rước vô, ông vô ngay bàn giữa, ngồi ngang với cố, tay vỗ vai cố mà nói rằng: nầy cố, tựu hội giáo dân chi đông đảo khổ sở vậy, ở Quảng ngãi có chộn rộn thiệt, có một cố và ít giáo dân bị giết, song tỉnh phái tôi ra dẹp yên, không chuyện gì. Cố hãy bảo giáo dân tản về làm ăn không sợ chi. Nói rồi tuốt ra cách hăng hái, có nhiều quân lính theo hầu.
Khi ấy Thầy Năm và các chức sở thấy ông thừa biện cư xử với cha sở cách vô lễ thể ấy thì phát nghi; nên kéo hết vô nhà ngài mà trình rằng: cách ông thừa biện cư xử có điều bí mật mưu sâu, nên xin cha tính liệu cách nào, chắc là ông ta đi dốc Văn Thân giết đạo phía ngoài mà thôi; mà thật sự bữa sau có người ở Nước Nhỉ chạy vô Qui Nhơn báo tin: cố Sĩ, cố Chung và bổn đạo Nước Nhỉ bị thiêu giết. Cố nghe các chức thưa vậy, thì nhứt định chạy vô Qui Nhơn; vì dầu số các họ chạy tới trên một ngàn, song phần nhiều là đờn bà và con nít chỉ biết khóc mà thôi, có chống cự cũng vô ích. Vậy cố hội bổn đạo lại trước sân nhà thờ: ai nấy đều quì xuống hết, Thầy Năm xướng kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Lạy Nữ Vương. Rồi một mình cố đứng dậy tiếng nức nở, rưng rưng hai hàng nước mắt day xuống bổn đạo mà đọc lời giải tội cho mọi người và dạy ai nấy phải chổi dậy mà đi cho tức tốc. Tức thì nghe tiếng khóc rùm lên một góc trời: con níu mẹ, vợ níu chồng, con cái đứa bồng đứa dắt, chổi dậy mà đi chốn cách đày, không biết có còn sống mà trở về quê nhà chăng.
Cố có hai con ngựa thì ngài để cho bà già và trẻ nhỏ thay nhau mà ngồi cho đỡ chưn. Còn Cố đi trước dẫn đàng, Thầy Năm đi sau cản hậu. Ra đi khi ấy chừng 3 giờ chiều bữa rằm tháng Bảy năm 1885. Vô tới thành thì đã sáng rõ. Một mình Cố vô thành, lên dinh quan thượng mà hỏi thăm tình hình Văn Thân thể nào. Quan thượng có lòng tốt hối Cố phải đi cho mau, vì chắc Văn Thân sẽ vô lấy thành mà mình chẳng có chi cản được. Sau khi Văn Thân vô hãm thành rồi thì bắt quan thượng này, vì nói hai lòng để cho đạo thoát đi.
Khi Cố ra đi xuống tới dưới Trường Úc, thì vừa gặp Đức Cha và các cha, bổn đạo phía Làng Sông, Gò Thị kéo xuống Qui Nhơn. Khi ấy cha con anh em bổn đạo gặp nhau thì hai hàng nước mắt nhỏ sa, mà không kịp nói lời gì, vì sợ Văn Thân rượt theo sau. Tới Qui Nhơn thì mới mừng, song rất đỗi thảm thương: như trong vãn cha Khâm (Cha Đặng Đức Tuấn) có câu rằng:
Giữa bãi cát che trại che chòi thảm thay,
nhờ của bố thí hằng ngày,
thảm sầu thân thể đổi thay ngậm ngùi.
Nhưng mà hồi ở Nhà Đá kéo đi, thì nhiều người lén về nhà kiếm chút đỉnh tiền của hay lương thực mà dùng đọc đàng. Song gần hêt các người ấy bị những tấn thảm kịch rất thảm thương như kể sau nầy: ở họ Suối Nổ 55 người trở về, Mương Lở chừng 150 người, Bình Sơn chừng 35 người. Khi về tới nhà thì bị Văn Thân bắt mà sát hại hết. Tôi biết rõ số ấy vì khi chạy giặc về, Cố Lựu có dạy khắc tên tuổi các người đã tử vì đạo trong các họ ở sau bàn thờ chính phía sau phòng. Hồi Văn Thân giết bổn đạo Suối Nổ chạy về thì có một chuyện, khi chạy về người lương kể lại, ai nấy nghe bắt lạnh mình. Là có một bà tên là bà Hiên có thai gần ngày, nên hồi lên Nhà Đá mà chạy, thì bà không đi đặng. Chồng bà không nở bỏ vợ một mình nên đều ở lại với hai đứa con nhỏ. Văn Thân tới bắt ông chồng và hai đứa con, trói và thiêu sống. Còn bà thì nó không thiêu, song chặt đầu, bà chết rồi thì con trong bụng còn máy, túc thì chúng nó lấy dao mổ ruột, xách đứa con ra, đem bỏ trong cối mà đâm cho nát. Ôi! Không có quỉ giục, thì không lẽ gì người ta thù ghét kẻ có đạo như vậy!
Ở Mương Lở có nhà thầy Chín Thị, là thấy thuốc có danh tiếng. Hồi chưa nổi giặc, thì các cha các thầy hay ở nhà ông uống thuốc. Hồi ở Nhà Đá kéo ra đi, thì ông và vợ con lén về, có ý liệu việc nhà rồi đi sau. Song vừa về thì Văn Thân ví bắt, nên ông dắt vợ con vô núi mà trốn. Gia thất này trốn vô núi gần một tháng, sau hết ngõ kiếm của ăn cho sống thì vợ con ra đồng mà kiếm rễ cây củ mì mà đở dạ. Chẳng may bị Văn Thân bắt dẫn về làng mà giết. Phần thầy Chín thấy lâu vợ con chẳng về, thì ra coi sự thể nào. Vừa gặp quân dữ dẫn đi, thì theo tới làng. Tới nơi Văn Thân đào một hầm lớn biểu vợ con thầy Chín xuống, còn thầy chúng nó nói thầy làm thuốc có nhơn, hay cứu dân độ thế, nên cho đi không giết. Song thầy Chín nói rằng: các anh giết vợ con tôi thì cũng giết tôi luôn thể, vì tôi ước ao chết với vợ con mà hưởng phước thanh nhàn với nhau trên Thiên Đàng. Quân dữ thấy người không chịu tha cho, thì xô xuống hầm với vợ con mà lấp hầm lại.
Họ Mương Lở số người chết nhiều hơn hết vì ở gần núi, nên khi về bị Văn Thân vây bắt thì chun sản vô núi. Sau họ đem chó lên săn bắt kiếm được gần hết, mà giết nhiều cách rất gớm ghê: kẻ thì chôn sống, kẻ thì chém đầu, người bị mổ ruột. Song ai nấy trước khi giết thì quân dữ hô lên, ai bỏ đạo thì tha cho. Song mọi người đều thưa chúng tôi có đạo, chúng tôi xin chịu chết mà thôi. Họ này có hai người còn sống về sau kể các chuyện. Một người tên Quyển, tên tộc là Xử, bị Văn Thân lấy giáo xăm thủng đầu. Song ông ấy vẫn cắn răng chịu nán lỳ trong bụi gai nên mới còn sống. Còn người khác cứ chót núi mà đi lần xuống tới Đầm gần Giã, sau nhờ ghe mà qua Qui Nhơn được, khỏi chết
Ấy là những tấn kịch ở Truông Dốc hồi năm Ất Dậu. Thật thảm thưong vô hồi. Còn bổn đạo chạy Qui Nhơn, thì sau Đức Cha gởi đi Gia Định, sau hai năm mới về.
P. Ban
Nhà thờ Nhà Đá hiện nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét