Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

NĂM ẤT DẬU (1885)


Nhân lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11/2016...
Tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây của cha P. Ban, về tấn kịch bách đạo hồi Văn Thân (1885). Lm Phaolô Lê Đình Ban là linh mục giáo phận Kon Tum. Ngài lên Kon Tum năm 1913, ban đầu làm phó xứ Tân Hương, Kon Tum. Địa sở sau cùng của ngài là giáo xứ La Sơn, Pleiku. Ngài qua đời năm 1945, được chôn cất tại khuôn viên giáo xứ Phú Thọ, Gia Lai. Hiện di cốt của ngài đã được đưa về Nhà nguyện Chủng viện thừa sai Kontum.
Ngày xưa, Kon Tum thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), cho đến ngày 18.01.1932 tách ra lập thành giáo phận mới Kontum.
.

Năm ngoái ký giả về thăm quê nhà, thấy cảnh tượng cơn bão đã làm thiệt hại cho nhà cửa cây cối xiêu ngã (cơn bão 1932), thì tự nhiên bắt nhớ lại cảnh tượng hồi chạy giặc mới về, là năm 1887, nên xin lược thuật lại bức thơ Đức cha Hân (Van Camelbeke, Gm Gp Đông Đàng Trong, Qui Nhơn) đã vẽ ra thời thế hồi chạy giặc về thể nào. Thơ nầy đã in trong nhựt trình Missions Catholiques, ký giả rút ra như sau nầy.
_________________________




Lm Phaolô Lê Đình Ban, Lm Gp. Kontum;
Nguyên quán: Suối Nổ, Gx Nhà Đá, Qui Nhơn

____________________________

NĂM ẤT DẬU (1885)

Trích “Chức dịch thơ tín”, địa phận Kontum,
No 20 Decembre1934, tr. 229-232.)


Tại Làng-sông (Bình-định) ngày mồng 10 tháng 8 tây năm 1887

Đã hai năm nay, địa phận Đông Đàng Trong đã nên như một đám chiến trường dữ tợn, máu chảy lai láng. Có lịnh bất thình lình sức ra trong cả sáu tỉnh trong địa phận nầy, quân Văn Thân vừa nghe lịnh, tức thì nổi lên khắp mọi nơi một lược, giết lác bổn đạo chẳng chút tình thương. Cả địa phận tôi khi ấy bổn đạo hơn bốn vạn rưỡi, thì trong một ít ngày quân dữ đã tru diệt hơn hai vạn rưỡi người bổn đạo; bất luận già cả, bất luận nhỏ lớn, bất phân nam phụ lão ấu thảy đều giết sạch. Có chín đứng giảng đạo phải giết làm một với bổn đạo. Hết thảy các dấu tích về việc đạo, các nhà thờ nhà thánh, các nhà tư bổn đạo đều nên mồi cho ngọn lửa quân dữ thảy thảy. Xét theo trí người phàm hèn, thì đạo Đ.C.T đã phải phá tuyệt một phần về địa phận Đàng Trong nước Annam và không trông bao giờ tái hườn như cũ được. Song theo lời Đứng cứu thế đã phán, thì không lẽ nào một phần hội thánh Annam phải tru diệt đời đời. Dù phép tắc các cửa hỏa ngục cũng chẳng thể phá tuyệt cho đến đời đời. Cho nên dầu quân giặc dữ tợn, thì Chúa còn dành để trong mỗi tỉnh một đôi xóm có đạo, quân dữ chẳng phá tuyệt đặng.

Ôi! Tôi chẳng quên đặng ngày rất thảm não, là ngày mồng 8 tây năm 1885, là ngày quân Văn Thân đã sát hại chém giết kẻ có đạo trong mỗi họ một cách mọi rợ dữ tợn quá đỗi, là ngày có nhiều tốp bổn đạo hoảng hốt sợ hãi mà kéo tới tòa giám mục của tôi; có tốp kéo xuống Qui-nhơn là nơi có tòa sứ và lính tây hãn ngữ. Ngày ấy tôi đã gởi xuống Qui-nhơn ba cha bịnh, còn một mình tôi với hai cha khác ở lại, quyết hãn ngữ nhà trường Làng-sông mới xây lập. Nhà trường nầy cách xa cửa Qui-nhơn chừng 7 cây số mà thôi; tôi xin quan sứ cho tôi 6 tên lính và một đội đặng hãn ngữ với chúng tôi, song quan chẳng cho. Nên chúng tôi quyết lấy sức riêng của mình mà chống trả, song trong nhà chẳng có khẩu súng nào tốt, lại không có mấy người tráng kiện hầu cầm súng cho được. Thuốc đạn thì không có bao lăm. Đêm ngày tôi hằng đi mọi xó mà khuyên giục người ta chống trả, song ai nấy đã ra ngã lòng.
Trong ba ngày chúng tôi hằng thấy quân giặc đốt lửa bắn súng xung quanh nhà trường, nhứt là ban đêm, thì chúng tôi như hấp hối chết. Cho nên ai nấy đều bàn chống trả vô ích và thêm mất nhiều mạng mà thôi. Đến ngày mồng 6 buổi mai, có tin các cha ở Qui-nhơn gởi lên cho tôi ba tin liên tiếp mà rằng: Quan tây ở Qui-nhơn xin tôi đem bổn đạo xuống mà hiệp lực với các quan, vì các quan đã cho đi do thám, thì thấy hơn năm sáu ngàn quân Văn Thân đang kéo xuống mà vây trường Làng-sông. Hồi ấy là mười giờ mai, tôi hết nghi ngại dùn thẳng nữa, nên hiệp hết bổn đạo và ít người cầm khí giới tới trước sân nhà trường. Chúng tôi quì xuống hết mà đọc kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Lạy Nữ Vương; đoạn một mình tôi đứng dậy, cất tiếng run rẩy đọc lời ban phép lành chung cho hết mọi người lần sau hết, mà bước lên đàng đi đến chốn cách đày.
Vừa ra tôi mở đàng đi trước, cách một quảng, thì thấy có nhiều tốp bổn đạo bởi tứ hướng hiệp vào đoàn chúng tôi. Thấy mấy tốp bổn đạo nầy, thì cầm nước mắt chẳng đặng; hết thảy như gà mất mẹ, đang phải dều ó đâm giết, kẻ thì tay bồng con dại, tay dắc con thơ, kẻ thì đang cõng mẹ đui, kẻ thì tay dắc cha bại; hết thảy đầu không nón, đi dưới mặt trời đương nóng nảy như đốt như thiêu. Đương giữa cơ hội nầy, thì cố Lý (P. Martin) là cha sở Gò Thị đã phải đuối sức bởi thấy sự khốn khó con chiên mình, nên cầm mình không được nữa mà qua đời, khi chưa tới Qui-nhơn.
Đến chiều khi chúng tôi đã tới Qui-nhơn, liền thấy những ngọn lửa bừng bốc lên, tiếng súng bắn, trống đánh vang lừng phía Làng-sông, thì chúng tôi hết thảy quì gối cúi đầu về hướng ấy, mà đọc kinh cho những người bởi trốn không kịp, mà phải chôn sống giữa ngọn lửa trong nhà mình. Ấy cuộc đời đã hườn tất cho phô kẻ ấy.
Về phần chúng tôi thì khỉ sự ở chốn lưu đày, mà chốn lưu đày nầy chúng tôi phải chịu hơn hai năm trường. Thật là thảm não! Hơn tám ngàn bổn đạo đã trốn tới nơi bãi cát Qui-nhơn: không mền không chiếu, không có một bóng cây mà đụt nắng giữa tiết tháng bảy tháng tám, là lúc trời nắng như lửa đốt, không có một nắm gạo mà nấu, không có một cái áo mà thay.
Ôi! Rất cực khốn là dường nào! Song may thay, tiếng chúng tôi kêu đói khát và nước mắt chúng tôi đã thấu đến quê hương rất yêu dấu chúng tôi, là nước Lang-sa (Pháp), nên đã có nhiều người giàu lòng kính Chúa yêu người, gởi nhiều tiền bạc bố thí cho chúng tôi. Bởi đó lớp thì tôi mua gạo mà nuôi những người còn nằm giữa bãi Qui-nhơn, lớp thì thuê ghe tàu chở bớt vô Sài-gòn, là nơi không bị chém giết, hầu nhờ bổn đạo trong ấy nuôi giùm, lớp thì thuê ghe thuyền đi các bãi phía tỉnh đàng trong, kiếm những bổn đạo còn sống sót, mà chở vào Gia-định làm một với những người trước.
Song xin quí vị miễn chấp, vì tôi đã luôn miệng mà kể lại những sự khốn khó của chúng tôi, làm cho quí vị phải chạnh lòng thương xót. Bây giờ bổn đạo lại trở về quê hương xứ sở mình. Nhưng mà quê hương ấy đã trở nên một chỗ hoang vu tử địa: chỗ trước đã có những nhà thờ nhà vuôn (nhà xứ) tốt đẹp, đã có nhà cửa làng xóm sum hiệp, thì rày thấy một đống tro tàn hiu quạnh; những vườn cây trái sum sê, thì rày chẳng còn thấy một bụi bờ nào, lớp thì đốn chặt, lớp lại đào tận rễ, đến đỗi chẳng còn một cây tre mà vót đũa ăn. Những giếng xưa đầy nước ngon ngọt, thì rày bỏ đầy xác chết, ngó xuống thì chạnh lòng châu lụy. Chẳng lấy đâu mà đỡ khát, chẳng lấy chi mà che đỡ tấm thân giữa trời nắng chan chan như lửa đốt. Quân dữ thấy bổn đạo chết hằng hà sa số, thì khoe khoan mình đã toàn thắng, chẳng còn đứa đạo nào trở về xứ sở, nay thấy còn có kẻ trở về, thì càng gai mắt khó chịu. Bổn đạo nầy đã về quê hương, song khốn khó vô cùng: còn phải nhờ nhà chung nuôi từ bữa, vì hết thảy chỉ còn hai bàn tay trắng mà thôi.
Hỡi quí vị, là kẻ đã rộng lòng thương nuôi cho sống bấy lâu, thì nay tôi cũng còn cả dám giơ tay mà kêu nài anh em hãy thương đến thân thể Đ.C.G., mà bố thí nhiều nữa, hầu bổn đạo có sức mà che cái chòi, sắm con bò, sắm cái cày, để gieo vãi mùa sau cho đặng gầy dựng nhà cửa. Có khi anh em nói rằng: Sao tôi không kêu nài nhà nước Annam bồi phần thiệt hại cho bổn đạo; như nhà nước Annam không sức, thì nhà nước Lang-sa phải liệu việc ấy. Hẳn thật tôi đã kêu nài hết sức, đã gắn vó hết lòng, song cho đến nay mà chưa thấy nhà nước cho một hột gạo, một đồng tiền nào. Vì vậy nay tôi cũng còn ngửa mặt giơ tay, kêu đến cùng anh em, xin thương giúp bổn đạo tôi với.
_____________________

Ấy là bổn thơ Đức cha Hân gởi về bên Tây, hồi chạy giặc mới về. Ký giả xin lược thuật để hiến quí chức, hầu suy cổ cập kim lo phần mình.

                                                                                                          P. Ban                                                               
(Trích “Chức dịch thơ tín”, địa phận Kontum, No 20 Decembre1934, tr. 229-232.
LMSơn đánh máy lại.)

Kết quả hình ảnh cho tử đạo việt nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét