Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu bài viết về Cha Do của Lm Gioan Võ Đình Đệ, Gp. Qui Nhơn. với những chi tiết nghiên cứu từ sử liệu về con đường truyền giáo xưa từ Bình Định lên Kontum. Thiết nghĩ đây là một trong những tài liệu quí góp phần bổ túc làm phong phú thêm về "Con người tiên phong mở đường truyền giáo Tây Nguyên", cũng như công cuộc mở đạo Tây Nguyên. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm hiểu các nguồn tài liệu và ước mong các nhà sử học, những người yêu mến sử học công giáo, nhất là ở Qui Nhơn-Bình Định-Kontum-Hội Thừa sai Hải Ngoại Paris (Chủng viện Pi-năng xưa.v.v.) ai có thể tìm được tấm ảnh chân dung của Cha Do, xem mặt mũi thật của ngài như thế nào...Cũng đã tiếp cận nhiều nguồn sử liệu rất thú vị về đề tài này, tuy nhiên hiện vẫn chưa thể đi đến chung cuộc. Mong thay!
Tượng kỷ niệm Cha Do tại khuôn viên nhà thờ Tân Hương (Kontum)
CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN DO (1823-1872)
NGƯỜI TIÊN PHONG
MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN
NGƯỜI TIÊN PHONG
MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN
Cha Dourisboure Ân, vị thừa sai lỗi lạc đã từng 35 năm vượt qua mọi thứ hiểm nguy trên miền truyền giáo Tây Nguyên, nói về người đã chung lưng đấu cật với mình trong việc truyền giáo: “Trong các Đấng chung tình cùng tôi mà mở đạo cho người dân tộc, thì có cha Do rất là đáng mến, đáng khen hơn hết. Người rất đại độ quảng tâm: phải khốn khó chẳng nao, được an vui không chuộng, hằng khiêm tốn an hoà, lúc đau ốm cũng chẳng hề năn nỉ”.[1]
I. ĐỨC CHA CUÊNOT THỂ VỚI VIỆC TRUYỀN GIÁO Ở TÂY NGUYÊN
Đức Cha Cuénot luôn luôn quan tâm đến việc truyền giáo. Trong đó truyền giáo Tây Nguyên là ‘nốt nhạc chủ âm’ trong bài ‘trường ca truyền giáo’ của Đức cha Cuénot.
Đức cha Cuénot đã kiên trì chỉ đạo, thúc đẩy, tổ chức mọi cách để Tin Mừng được đem đến cho các dân tộc thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên. Năm 1838, Đức cha đã sai ông Ninh ở Quảng Ngãi ra Cam Lộ [2] tìm đường lên Tây Nguyên, và ông Quờn ở Mằng Lăng, Phú Yên do thám tìm đường lên Tây Nguyên theo ngả Phú Yên, nhưng không thành.
Tháng 02 năm 1842, được lệnh Đức cha Cuênot, cha Miche, cha Duclos, ông Quờn, ông Thiêu, ông Ngãi cùng với 11 người khác từ Phú Yên lên đường đến Tây Nguyên nhưng đã bị bắt. [3]
Sau nhiều lần thất bại nhưng không nản, Đức cha muốn tìm đường lên Tây Nguyên qua ngỏ An Sơn (An Khê). Lúc bấy giờ An Sơn là biên giới và cũng là trung tâm buôn bán giữa người Kinh và người Thượng.
Thầy Do vừa từ Chủng viện Pinăng trở về, Đức cha giao cho thầy nhiệm vụ tìm một con đường để đi truyền giáo cho các bộ lạc thượng ở Tây Nguyên qua ngả An Sơn.[4]
II. THẦY PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN DO
Thầy Do được sinh ra, lớn lên trong một gia đình, một họ đạo, một môi trường huấn luyện thích hợp cho công cuộc truyền giáo Tây Nguyên. Chúng ta thử tìm hiểu môi trường đã hun đúc nên con người cho công việc nầy.
A. GIA ĐÌNH VÀ HỌ ĐẠO
Tại nghĩa trang các cha Kon Tum, trên mộ của cha Do có ghi “Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do”. Ngoài ra trong những sử liệu đã được tìm thấy, danh tánh của thầy còn được ghi: Thầy Sáu Do, Cha Do, Cha Lành, hoặc Thầy An.
Thầy Do sinh năm 1823 tại họ Đồng Hâu,[5] nay thuộc giáo xứ Gia Chiểu. Họ Đồng Hâu đã được các thừa sai Dòng Phanxicô đến loan báo Tin Mừng từ đầu thế kỷ 18. Đồng Hâu được các cha Dòng Phanxicô dẫn dắt theo tinh thần khó nghèo, hy sinh cùng với khí thiêng núi rừng hùng vĩ của nhánh núi Kim Sơn thuộc dãy Trường Sơn, và sự trái ngược phong thủy thường xuyên của các nhánh nguồn của sông Lại Giang giữa hai mùa mưa nắng, như đã rèn cho người dân trong vùng tính bền bỉ, điềm tĩnh trước những thử thách của cuộc đời:
Đã cam tháng đợi năm chờ,
Duyên em đục chịu, trong nhờ, quản bao.
Cảnh thiên nhiên ấy cùng với ơn Thánh Thần đã hun đúc tinh thần đức tin của các tín hữu trong vùng, trong đó có cậu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do. Chính trong môi trường ấy, nhà ông Nhơn tại Đông Hâu là nơi Đức cha Cuênot ẩn trú gần một năm trước khi vào Gò Thị. Trong thời gian ẩn trú tại đây Đức cha đã truyền chức linh mục cho cha Nhàn.[6]
B. CHỦNG VIỆN PINĂNG
Chủng viện Thánh Giuse được đặt tại Pinăng (Mã Lai), là nơi đào tạo linh mục bản địa của vùng truyền giáo Đông Á theo linh đạo của Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai, một kết quả quan trọng của Công đồng Juthia năm 1664. Trong đó, Huấn Thị chỉ dẫn cho nhà truyền giáo cách sống đời tu đức, cách giảng đạo và cách tổ chức giáo hội địa phương. Thầy Do đã dùi mài kinh sử ở Pinăng 9 năm: 7 năm học và 2 năm phụ giáo
III. HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN (1848-1852)
1. ĐỨC CHA STÊPHANÔ CUÉNOT THỂ QUYẾT MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO NGẢ AN SƠN
Lúc bấy giờ An Sơn (An Khê) là vùng giáp ranh buôn bán giữa người kinh và người dân tộc. Cũng từ đó, các lái buôn người kinh rảo khắp các buôn làng dân tộc để trao đổi hàng hoá. Từ An Sơn có con đường thượng đạo về hướng Tây dẫn đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku), từ đó hoặc lên Kontum, Đaktô đi sâu vào Hạ Lào, hoặc tiến vào phía Nam đến các cư dân Jrai, Rađê, M’nong. Ngoài con đường thượng đạo đó, cũng từ An Sơn có con đường về hướng Bắc đến các buôn làng Bơham, Bơlu,[7] từ Bơlu về hướng Tây đến Kon Phar, Kon Kơlang, Kontum.
1.1. Con người được tiền định cho việc mở đường truyền giáo Tây Nguyên[8]
Sau khi đón nhận ý muốn của Đức cha Cuênot Thể, thầy Do dự định làm lái buôn để xâm nhập, tiến sâu vào các buôn làng.[9] Một khi khảo sát địa hình xong, thầy sẽ trở về và đưa các thừa sai đến vùng đó.
Để thực hiện một việc quan trong như vậy, thầy được Đức cha phong chức Phó tế. Thầy sốt sắng tĩnh tâm, cầu nguyện và lãnh nhận thánh chức phó tế. Trước khi lên đường, thầy Sáu thay đổi kế hoạch, thầy chọn làm đầy tớ thay vì làm chủ lái buôn như dự định. Chính sự chọn lựa nầy, thầy trở thành người đầu tiên mở đạo thành công ở Tây Nguyên.
Tám ngày sau khi lãnh nhận chức phó tế, thầy Sáu Do vượt qua những dãy núi nằm giữa Bình Định và An Sơn với bộ quần áo rách rưới của người nghèo. Thầy đến xin giúp việc cho một ông lái buôn tên Quyền tại An Sơn. Lúc đầu thầy được chủ giao việc “rau heo cháo chó” chăn nuôi heo gà trong gia đình chủ, một công việc mà ngày xưa là nỗi cơ cực đứa con hoang đàng phải gánh chịu vì thiếu tình yêu và đã làm cho đứa con hoang đàng rơi nước mắt. Ngược lại, ngày nay công việc ấy làm cho thầy Sáu hạnh phúc, và là niềm vui của một con tim tràn đầy yêu thương, yêu thương các linh hồn, vâng yêu thánh ý Chúa qua lời chỉ dạy của Giám Mục.
Thời gian sau, ông chủ thấy người đầy tớ nầy cần cù, thông minh và siêng năng nên đã nâng cấp “người chăn gia súc” lên làm “bếp trưởng” mang nồi niêu, chén bát lếch thếch theo ông chủ lái buôn từ làng này đến làng nọ. Thầy có dịp tiếp xúc và thực hiện dự định riêng của mình.
Thầy tận dụng thời gian đi giúp cho ông Quyền, thầy quan sát địa hình, cố gắng học tiếng dân tộc. Sau 6 tháng nay đây mai đó nơi các buôn làng dân tộc trong sứ mệnh được giao phó, thầy học tạm đủ thổ ngữ và biết được đường đi lối về để thực hiện sứ mệnh tạo lập cơ sở tại vùng Tây Nguyên. Thầy về báo cáo cho Đức cha. Đức cha tán đồng hướng đi phía Bắc qua ngả Trạm Gò.
Trạm Gò, một nơi hẻo lánh về phía Tây Bắc An Sơn (cách thị trấn An Khê ngày nay khoảng trên 10 cây số) là làng người Kinh cuối cùng theo hướng này. Từ Gò Thị đến Trạm Gò hết ba ngày, hai ngày đi ghe ngược dòng sông Kôn và một ngày đi bộ.[10]
Sau khi nắm bắt tình hình, Đức cha tiên liệu cơ sở giao liên giữa vùng cao với vùng Trung Châu cho các chuyến đi lên vùng Tây Nguyên. Đức cha nhờ ông Cả Ân thuộc họ Mương Lỡ (nay là họ Hòa Mục, thuộc giáo xứ Phù Cát) đem một số ít tín hữu đạo đức đến xây dựng và sống với người lương tại Trạm Gò để làm nơi trú chân cho các vị truyền giáo khi lên xuống vùng dân tộc Bahnar. Trong số người tín hữu ở địa điểm này có thầy lang Công giáo uy tín và được dân làng mến yêu.[11]
Ngoài ra, tại Bến Thuộc, Đức cha cho một số tín hữu đạo đức đến lập nghiệp để làm tiền trạm tiếp tế cho đoàn truyền giáo lên xuống vùng Tây Nguyên qua ngả Trạm Gò. Trong số giáo dân ở đây có ông biện Bố, một giáo dân hăng hái, dạn dĩ, thường hướng dẫn các đoàn. Một hôm, ông dẫn đoàn tiếp tế lên miền truyền giáo, ông bị cọp ăn, khi tìm được xác, ông bị mất một cái đùi. [12]
1.2. Tìm lại con đường thầy Do và các thừa sai gánh Tin Mừng lên Tây Nguyên
“Thưở ấy đàng lên Kon Tum rất đỗi gay go hiểm trở. Từ Bến Thuộc đi hết 08 ngày mới tới Kon Tum; đàng sá chẳng có, khi thì đi lối rừng cao núi dốc, khi lại băng qua những đồng hoang cỏ rậm, chẳng biết đâu là đâu, người đi sau gần không thấy kẻ đi trước, phải có kẻ quen thuộc đem đường chỉ ngõ mới khỏi lạc; Hễ chiều tối đến thì cứ nghỉ giữa rừng hoang, màn trời chiếu đất, lựa những chỗ có khe có suối mà dừng bước. Tới đó kẻ đi quơ củi, người lo nấu cơm, kẻ đốn cây chặt lá làm chòi để nghỉ tạm ban đêm, đêm nào cũng như đêm nấy, chỉ có một đêm ấm áp ở làng Mọi quen mà thôi.” [13]
Bến Thuộc, một địa điểm tọa lạc sát bờ hữu ngạn sông Kôn, ngày nay là giáo họ Tân Thuộc, thuộc giáo xứ Kiên Ngãi. Nguyên giáo họ Tân Thuộc thuộc giáo xứ Đồng Phó.[14] Tân Thuộc nay thuộc thôn Hòa Thuận,[15] xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Từ Tân Thuộc có đường đất dọc theo sông Kôn đến giao với ĐT 637 tại Tiên Thuận, xã Tây Thuận. Từ điểm giao này về hướng Bắc sẽ đến trung tâm huyện Vĩnh Thạnh, ngược lại sẽ giao nhau với QL 19. Từ Quốc lộ 19 vào huyện Vĩnh Thạnh, tại trụ số Km1 của ĐT 637 có đường đi vào Đồng Hào, đường nầy tiếp giáp với đường từ trụ sở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, đi Trạm Gò (Cửu An).
Theo Giáo sư Diệp Đình Hoa, con đường từ làng Cây Dừa (Vĩnh Thịnh) lên Chợ Gò (Cửu An) trong bộ sách "Làng Cây Dừa"[16] như sau:
Gà gáy, những người dân làm nghề buôn bán, trao đổi với người dân vùng cao, từ làng Cây Dừa, qua sông, tập hợp nhau ở Định Quang. Từ Định Quang vào Vú Sữa đến Đất Thổ. Khi đi qua Dốc Nhỏ, mọi người bẻ một nhánh lá hay một cục đất bỏ lên mả ông Bất (!), để ghi nhớ người mở đường đã mất ở đây. Đến Quán Chẩn, mọi người dừng lại nghỉ ngơi, uống nước, lấy cơm nắm ra ăn sáng hoặc vào quán ăn sáng. Sau khi nghỉ ngơi, tiếp tục leo núi đến Eo Gió, rồi đến Trạm Gò (sau này là chợ An Cửu) vào khoảng 6-7 giờ sáng. Mọi việc buôn bán, trao đổi diễn ra đến khoảng giữa trưa tan chợ. Ăn uống, nghỉ trưa đến khoảng 3 giờ chiều mọi người xuống núi trở về. Qua sông, đến Cây Dừa vào lúc chưa lên đèn.
Làng Cây Dừa là một vùng đất nằm ở vùng thung lũng thượng lưu sông Kôn, thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Binh Định ngày nay. Thế kỷ XVIII, vùng đất này có những địa danh: làng Cây Dừa, bến Cây Dừa, chợ Cây Dừa, núi Cây Dừa. Khu chợ Cây Dừa ngày nay là trường THCS Vĩnh Thịnh và trụ sở của UBND xã Vĩnh Thịnh. Trong số 15 chiếc trống đồng được tìm thấy ở Bình Định, có đến 9 chiếc được phát hiện ở khu vực làng Cây Dừa thuộc các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Bình, Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hòa của huyện Vĩnh Thạnh ngày nay. Riêng khu Gò Cây Thị thuộc xã Vĩnh Thịnh, trong diện tích 200m² đã phát hiện 5 mộ trống, trong đó có một mộ trống đôi (hai trống chôn úp vào nhau).
Định Quang là vùng đất bên hữu ngạn sông Kôn, cửa ngõ đi đến Trạm Gò. Ngày xưa, Định Quang là một vùng đất nghèo so với Vĩnh Thịnh (chợ Cây Dừa). Trong dân gian còn truyền tụng:
Định Quang là Định Quang Còi
Con cua cái ốc được coi như vàng.
Còn:
Vĩnh Thịnh là Vĩnh Thịnh tiên
Đi chợ năm tiền cũng có kẻ bưng
Như vậy Vĩnh Thịnh, vùng đất bên tả ngạn sông Kôn đã từng là một bến chợ sầm uất, chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho vùng Tây Nguyên.
Theo sự tính toán bình thường, nếu thầy Do muốn tiếp cận với những lái buôn để tìm đường thi hành sứ mạng, thầy phải lân la nơi chợ đầu mối này. Con đường rừng từ xa xưa nối kết Đồng Hâu, quê quán của thầy, với chợ Vĩnh Thịnh, nay vẫn còn.[17] Từ Đồng Hâu đến Nghĩa Điền, vượt qua dốc Ông Thọ, qua dốc Đót, đến Làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, giáp ranh với xã Vĩnh Thịnh. Theo lái buôn từ chợ Cây Dừa ở Vĩnh Thịnh để đến Trạm Gò như Giáo sư Diệp Đình Hoa kể trên, thầy Do đã đi được một quãng đường.
Con đường từ Định Quang đến Trạm Gò nay vẫn còn. Anh Bảy Nhanh và anh Sơn ở thôn Định Xuân, xã Vĩnh Quang, người địa phương từng đi rừng, làm thợ hồ ở Cửu An, từng đi con đường từ Định Quang đến Trạm Gò, nay là chợ Cửu An, cho biết: Từ trụ sở thôn Định Quang, theo con đường bê tông đối diện, đi đến gò Vú Sữa (trụ sở xã Vĩnh Quang ngày nay), đến dốc Ván (trước khi lên dốc Ván phải qua dốc Nhỏ, dưới chân dốc Ván) từ đây phải đi bộ (xe không đi được) đến mả ông Bắp (nằm bên phải đường- nay là một đống đá dài- tục truyền ông chỉ ăn bắp, ông vô gia cư, ông nằm chết ở đó - dân qua lại không biết ông tên gì, không biết họ hàng, người đi đường lấy đá đắp mộ cho ông và gọi đó là mộ ông Bắp, sau nầy ai đi qua đó cũng tìm cục đá để trên mộ ông như một nghĩa cử mến thương), tiếp tục đi bộ đến Quán Chẩn (tục danh Rộc Quán Chẩn- hiện còn hai cây xoài- theo lời truyền tụng, tại Quán Chẩn có một người chuyên bán thuốc lá, thuốc được cuốn sẳn, người mua tự xắt, xắt một hơi, được nhiêu lấu nhiêu), từ Quán Chẩn đi bộ đến Eo Gió, từ đây nhìn thấy Trạm Gò (Cửu An), vượt qua Eo Gió đến Trạm Gò.
1.3. Người hướng đạo can trường (1849-1850):
Sau khi đã “sơ bộ” tìm được đường đi nước bước, thầy Sáu Do được lệnh Đức cha, dẫn theo bốn chú chủng sinh tiến vào cánh đồng truyền giáo. Chuyến đi đầu tiên này, đoàn truyền giáo di chuyển từ Gò Thị đến Trạm Gò, từ Trạm Gò theo con đường Thượng đạo đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku ngày nay). Một số người trong bộ tộc Hơdrung tưởng đã gặp được đoàn con buôn giàu có, nên định bắt người cướp của. Thầy Do nghe và hiểu được ý định của họ. Giữa đêm khuya, thầy Do cùng các bạn đồng hành bỏ tất cả tư trang lại để thoát thân về Gò Thị, phải chịu đói nhịn khát vì không có gì đổi lấy miếng cơm cho đỡ đói.[18]
Dầu thất bại lần này, thầy Sáu Do thêm một lần xác tín và cũng thu lượm được nhiều kết quả quan trọng cho việc truyền giáo: Trước hết, con đường phải đi để thực thi sứ mạng phải là con đường của “Người Tôi Tớ Đau Khổ”, con đường Thập Giá mà Thầy Chí Thánh đã đi chứ không phải con đường của ông chủ giàu có với ngựa xe và áo mão xênh xang. Thứ đến Thầy Sáu được biết thêm tiếng thổ dân và khám phá ra một con đường khác, tuy khó khăn hơn, nhưng an toàn hơn, theo hướng Bắc, sau đó đi về hướng Tây Nam. Đức Cha chọn con đường này.
Cuối năm 1849 và đầu năm 1850, Thầy Sáu Do dẫn đường đoàn gồm Cha Combes Bê cùng 4 thầy. Chuyến đi này chẳng may đoàn truyền giáo bị một đàn voi rượt, mọi người cố thoát thân, một thầy bị trọng thương. Sau cảnh trốn thoát đàn voi, đoàn truyền giáo lại đương đầu với cơn mưa như trút, khe suối đầy nước chảy cuồn cuộn, không sao tiến lên phía trước được. Cuối cùng, đoàn người bụng đói, lạnh buốt đến xương tuỷ, quần áo tả tơi cũng đã lần mò về được Gò Thị để trình kết quả tội nghiệp cho Đức cha. Khi nghĩ lại, Cha Combes cũng ớn lạnh, nhưng tính vui vẻ, cha thường bảo: “Đó là cuộc viễn du của bọn thỏ đế”.
Đức cha buồn và nói với họ:
“Vì thời tiết xấu còn kéo dài, cha cho các con 15 ngày nghỉ ngơi và sau đó các con lại lên đường. Và lần này, đừng có vô phúc mà quay về như vậy nữa!”.
Đức cha lại cho Cha Fontaine (cố Hoàng, tên dân tộc là Bok Phẩm) sửa soạn hành trang tháp tùng Cha Combes lên đường.
2. QUYẾT TÂM LÊN ĐƯỜNG [19]
Chuyến viễn du lần này, đoàn truyền giáo gồm 2 linh mục thừa sai: Cha Combes Bê, Cha Fontaine Hoàng, các thầy: Thầy Thám, thầy Bảo, thầy Tài, thầy Chính, thầy Biểu, thầy Bường, thầy Tiển và chú Phiên dưới sự hướng dẫn của Thầy Sáu Do.[20] Thầy vạch ra một kế hoạch thay vì di chuyển ban đêm thì sẽ đi ban ngày. Nhưng để che bớt làn da trắng có thể làm bại lộ, mặt mày chân tay của hai vị thừa sai được bôi một lớp màu sậm, giống như màu da người Kinh. Nhờ vậy, đoàn vượt qua an toàn từ Bình Định đến Trạm Gò. Đàn voi không rượt nữa, nhưng họ phải khó nhọc vất vả vượt đèo lội suối. Phải chấp nhận vậy thôi!
2.1. Từ làng Baham đến làng Bơlu
Không thẳng đến Hơdrung phía Tây như chuyến đi đầu tiên, nhưng từ Trạm Gò đi lên phía Bắc đến làng Bơhâm. Đây là một làng có tiếng hung dữ, đặc biệt ông Baham, chủ làng. Mọi người dân tộc cũng như lái buôn người kinh ớn ông này lắm vì ông dữ tợn, háu của; nhưng đoàn truyền giáo lỡ phải vào làng này. Khi biết được tình hình, phó dâng mọi sự cho Chúa Quan phòng. Lạ thay! Trước mặt các vị thừa sai đầy râu ria rậm rạp, gương mặt khác thường, ông Baham làm hiền, biếu gì lấy nấy không đòi hỏi, thân thiện giữ đoàn lại làng bốn đến năm ngày, sau đó mới hướng dẫn đoàn đến làng Bơlu, cách đó một ngày đường. Ông chủ làng Bơlu là ông Lập (Lắp) và cả dân làng niềm nở, hiếu khách, trọng đãi đoàn. Ông Lập kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do.
2.2. Cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ với Bok Kiơm (ông Khiêm) -
- Ông Khiêm và thấy Sáu Do kết nghĩa anh em
Nhờ ông Lập dẫn lối đến làng Kon-Phar, cách Bơlu hai ngày đường. Đoàn truyền giáo lòng đầy hân hoan không còn sợ lái buôn người kinh bắt gặp. Một biến cố định đoạt cả công cuộc truyền giáo miền Tây Nguyên ngoài dự tính đang chờ đón đoàn tại Kon-Phar: gặp ông Khiêm, một lãnh tụ đại diện Triều đình Huế trên vùng này. Khi lên đường, Đức cha luôn căn dặn đoàn Truyền giáo phải xa lánh vùng ông Khiêm hoạt động. Tuy nhiên việc đã lỡ. Số là đường di chuyển của đoàn đã cách xa nơi ông Khiêm ở hơn ba ngày đàng, chẳng may người đầy tớ của ông Khiêm trốn nhà, ông đi tìm người đầy tớ của ông nhưng lại gặp những người đầy tớ của Cha trên trời.
Thấy các vị thừa sai bối rối, ông Khiêm đoan chắc lòng thành của mình, xin kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do. Ông Khiêm chỉ vào 2 vị thừa sai và nói: “Còn hai ông, tôi xin gọi là bố”. Sau khi hiểu nhau, ông dẫn đoàn lên nhà rông và kết nghĩa với thầy Sáu Do với tất cả nghi thức theo phong tục của người Bahnar.
3. HƯỚNG VÀO KONTUM
Sau một vài ngày nghỉ ngơi tại Kon Phar, ông Khiêm đã đưa bạn mình cùng đoàn truyền giáo đến Kon Kơlang về hướng Tây Nam, cách đó một ngày đường, tới nhà ông Bliu, chủ làng và là bạn của ông, và nhờ ông này tận tình giúp đỡ. Sau đó, vì sợ lái buôn người Kinh, ông Bliu đã đưa đoàn ra giữa cánh đồng âm u, hoang vắng dựng nhà trong khi chờ đợi những làng xa hơn chịu nhận đoàn đến tá túc. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên vùng Tây Nguyên.
3.1. Cuộc họp mặt cảm động
Ngày 11/11/1850, thầy Thám, em thầy sáu Do dẫn đường hai linh mục thừa sai lên vùng Tây Nguyên là Cha Dourisboure Ân, 24 tuổi và Cha Desgouts Đề, 45 tuổi. Nhận được tin từ người tiền trạm, thầy Sáu Do vội vã từ Kơlang đi đón. Đoàn khởi hành qua ngả Trạm Gò vào trung tuần tháng 11, vượt núi hướng về làng Baham. Thầy Sáu đã gặp được các vị, tay bắt mặt mừng. Ở một vài ngày tại nhà ông Baham, sau đó đến làng Bơlu và được đón tiếp niềm nở. Cha Đề kiệt sức. Trời mưa dai dẵng trong tháng 11 tại Tây Nguyên đã làm cho các lối đi gần như bít lối. Nghỉ tại làng Bơlu một tuần lễ, mừng lễ Giáng Sinh trên vùng Tây Nguyên lần đầu tiên. Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, đoàn vừa ra khỏi làng Bơlu, mưa tầm tả, bầu trời tối mịt, màn đêm buông xuống trong khi các ngài ở giữa rừng, được số anh em Thượng đi theo làm một cái chòi lá để qua đêm. Chúng ta nghe lời tự thuật của Cha Dourisboure Ân về cảnh tượng này:
“Cha Desgouts Đề không còn hơi sức chuyện vãn được nữa. Ngài nói: ‘Tôi chịu hết nổi rồi’ và nằm dài dưới đất. Sáng hôm sau, để đánh thức ngài dậy, tôi mừng năm mới, đó là ngày 1/1/1851. Tôi nói với ngài: “Này Cha, can đảm lên, chỉ còn 2 ngày đàng nữa là chúng ta sẽ ôm nhau hôn các bạn thân hữu của chúng ta thôi”.
“Chúng tôi lại lên đường, nhưng vừa đi được độ trăm bước thì thầy sáu Do đang mở đường đi trước, bỗng hét lên một tiếng và nói to ‘Laudate Dominum omnes gentes (Hãy ngợi khen Thiên Chúa, hỡi các chư dân). Tôi đã đạp phải chông’, và thầy ngã, ngồi bệt xuống, một cây chông bằng lồ ô sắc nhọn đã xuyên thủng bàn chân của thầy”.
Máu chảy lai láng, đau nhức, dần dần bàn chân thầy sưng lên. Vì đầu chông còn nằm trong bàn chân, mặt mày thầy tái mét như xác chết. Cha Ân nói tiếp:
“Nhưng chính trong trường hợp gay cấn như thế, ta mới thấy đức tin của Thầy sáng chói một cách đặc biệt. Thầy Sáu không ngừng lắp bắp: ‘Chúc tụng Thiên Chúa. Tôi bắt đầu năm mới tốt quá’”.
Người làng dân tộc cắm chông nghe tin đến xin lỗi và làm một cái cáng chuyển thầy về làng nghỉ ngơi và băng bó vết thương. Thầy Sáu cố làm cho họ yên tâm, an ủi họ và ráng sức bớt vẻ mặt đau đớn kẻo làm cho họ thêm buồn lòng.
Ngày hôm đó, đoàn cố gắng đến Kon-Phar. Do nằm trên chiếc cáng lắc lư làm đau nhói vết thương, nên Thầy Sáu Do đành nằm lại Kon Phar một thời gian. Thầy không có mặt khi 4 vị thừa sai hội ngộ tại Kon Kơlang. Đó là ngày mồng 2/1/1851. Ít lâu sau, Thầy mới đến nơi, được một dân làng Kon Phar cõng trên lưng đưa tới.
Mấy ngày sau, vết thương của thầy bắt đầu lành và 3 tháng sau, phần đầu chông nằm lại bên trong mới tự mở đường trồi lên phía mu bàn chân.
3.2. Những ngày lưu lại Kơlang
Nhờ tình bạn kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do, ông Khiêm có lần đến thăm đoàn truyền giáo đang ở tại Kơlang. Thấy bữa ăn của đoàn bên cạnh nồi cơm với mớ lá rừng. Hai ngày sau khi ông ra về, các đầy tớ của ông đã đem đến cho đoàn một phần tư con trâu, một con heo và vài con gà .
Ngày tháng trôi qua tại Kon Kơlang, thiếu thốn, bệnh tật, cô đơn, đau khổ, nhất là chưa đi đâu và chưa tìm ra mảnh đất như Đức cha mong ước.
Chính nhờ tình anh em kết nghĩa giữa thầy Sáu Do và các ông Khiêm, ông Lập, ông Bliu... cũng như nhờ biết được một số vốn tiếng dân tộc, với tính hiếu hoà, khôn ngoan, thận trọng, sáng kiến và năng động của thầy, dần dần đoàn truyền giáo đến ở tại Kon-kơxâm được một thời gian. Sau đó, một số dân làng Rơbang đến có việc tại Kon-Kơxâm, dần dần quen biết đoàn truyền giáo và có mời các ngài đến thăm làng mình, nhờ vậy các ngài có dịp khám phá ra được đất hứa.
3.3. Khám phá miền đất Đức cha Cuênot hằng thao thức
Khi đến ở Rơhai được mấy hôm, thầy Sáu Do cùng 2 cha thừa sai: cha Combes Bê và Dourisbuore Ân xuôi theo dòng sông Dak-Blah, các ngài gặp ông chủ làng Tơbau (Mangla ngày nay) là ông Piunh, được ông này mời lên nhà ông. Các ngài được ông tiếp đãi tử tế. Sáng hôm sau, trừ cha Dourisboure Ân bị lên cơn sốt nằm tại làng Tơbau, ông chủ làng tự nguyện chèo sõng dẫn các ngài tham quan đến tận làng Plei Krong, một làng lớn nằm tại ngã ba sông Dak-Blah và sông Pơkô. Sau đó, thầy Sáu Do kết nghĩa anh em với ông Piunh theo nghi lễ quen thuộc.
Nhờ tình thân thiết giữa thầy Sáu và các chủ làng, đời sống của đoàn dần dần hoà nhập vào các buôn làng và nối kết được tình giao hảo, tạo được một môi trường và những quan hệ tốt cho công cuộc truyền giáo.
Sau khi xem xét địa hình và các cư dân, các ngài viết thư trình cho Đức cha. Năm 1852, Đức cha sung sướng viết thư và phân công như sau:
1. Cha Combes Bê, bề trên vùng truyền giáo, ở tại Kon Kơxâm.
2. Cha Desgouts Đề và thầy Sáu Do ở tại lại làng Breng (Rơhai).
3. Cha Dourisboure Ân phụ trách dân Sơđăng, ở tại Kontrang.
4. Cha Fontaine Phẩm phụ trách cho người Jrai, ở tại Plei chư.
IV- THẦY SÁU DO THỤ PHONG LINH MỤC - TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO RƠHAI (Tân Hương ngày nay)
Giữa năm 1852, thầy Sáu Do được gọi về Gò Thị để dọn mình thụ phong linh mục. Tháng 7 năm 1853, ngài chịu chức linh mục và trở lại Tây Nguyên, hướng dẫn việc xây dựng Trung tâm Truyền giáo vùng này.
Lúc đầu, cha Do chuộc về những người Thượng bị bán làm nô lệ và cha ra công chỉ dẫn họ biết làm ăn, làm nhà cho họ ở riêng tại một nơi gần làng Brêng để dễ dàng giữ đạo và chuyên chú làm ăn sản xuất. Lúc đầu còn ít, dần dần thêm đông, lập làng riêng gọi là Rơhai (1854); Cha đặt ông Hmen và ông Mlek làm chủ làng, hai người nầy đầy thiện chí và có khả năng khuyên bảo người khác. Dân làng Rơhai ngày càng thêm đông. Năm 1856, cha Hòa từ Bơnông được tằng cường đến Rơhai giúp cha Do. [21]
THÀNH LẬP CÁC NÔNG TRUỜNG : TỔ CHỨC ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ
Ngoài việc tổ chức định cư, dạy cho đồng bào biết con chữ, biết cách chữa bệnh… cha Do còn lo tổ chức định canh cho đồng bào. Bên dòng sông Dak-Blah, cha cho khẩn hoang, quy hoạch cánh đồng: chỗ thấp làm lúa nước, chỗ đất cao làm đất trồng cây đậu, cây bắp... Cha cho một số thanh niên quen canh tác về Trung Châu mua nông cụ để tập cho anh em dân tộc làng Rơhai cách thức làm ruộng nước.
Cha thấy vùng Rơhai cũng không đủ đất canh tác, cha tổ chức khẩn hoang vùng đất Dak-Kâm cách Rơhai 7 cây số. Đến năm 1861, nông trại Dak-Kâm phồn thịnh, dân số lên 300 người, toàn tòng. Năm 1868, Cha Nguyên được bổ nhiệm đến vùng Truyền giáo phụ giúp cha Do, được giao coi sóc tín hữu Dak-Kâm.
Với sự cọng tác của cha Nguyên và cha Hòa, Cha Do còn thành lập nông trường Kon Tum cách Rơhai 1 cây số về hướng Đông, hữu ngạn sông Dak-Blah. Nông trường Kon Tum là tiền thân họ Kon Tum sau này. Sau đó, lần lượt nhiều nông trại được hình thành như Dak-Kia (1870), Kon Mơnei …
Song song với việc tổ chức đời sống vật chất cho dân làng, cha Do không thể quên việc thiết lập nhà thờ. Nhà thờ tạm đầu tiên tại Rơhai được cha thiết dựng vào năm 1853 và bị hỏa hoạn vào năm 1858. Năm 1860, dựng lại nhà thờ tạm. Năm 1869-1871, cha thiết kế và làm nhà thờ kiên cố hơn. Vị trí ngày nay là nhà thờ Tân Hương, 92 Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum.
V. YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG
Cha Do rất hiền lành, rất yêu thương đồng bào, vì thế người dân tộc thường gọi cha là “Bok Lành”. Cha được các Già làng kết nghĩa rất dễ dàng. Những cuộc kết nghĩa nầy đã đem lại sự thuận lợi cho bước khởi đầu công cuộc truyền giáo ở Tây Nguyên.
Sau thời gian hy sinh nhiều cho công cuộc truyền giáo, cha Do kiệt sức, ngã bệnh. Đầu tháng 5 năm 1872, Đức cha Chabonnier Trí đưa cha về quê nhà để chạy chữa thuốc thang. Chúa muốn người tôi trung của Chúa nghỉ ngơi. Chúa gọi cha về với Chúa vào ngày 3 tháng 9 năm 1872. Cha được an táng tại quê nhà. Năm 1907, đáp ứng nguyện vọng của bà con miền truyền giáo, cha được cải táng về KonTum, an nghỉ trong lòng đất đã khằng dấu chân cha, giữa những anh em dân tộc mà cha đã một lòng mến yêu cho đến hơi thở cuối cùng.
Đức cha Charbonnier Trí, đấng kế nhiệm Đức cha Cuénot Thể, nói về cái chết của cha Do : “Nhóm truyền giáo vùng Bahnar đã mất rất nhiều vì cái chết của cha Do, một trong các người thợ truyền giáo tiên khởi. Là một Linh mục nhiệt thành, không biết mỏi mệt, cha không bao giờ thấy cái gì là ‘không thể’ khi cha thực hiện cho vinh danh Thiên Chúa. Được cộng đoàn tín hữu yêu thương nồng hậu, được cả người lương quý trọng. Cha đã để lại một nỗi thương tiếc giữa những người từng biết cha. Đó cũng là một thánh giá rất nặng nề để lại cho cha Dourisboure, người tiếp nối cũng bằng một lòng nhiệt tâm và cùng một tâm hồn dấn thân như vậy cho chức vụ khó khăn giữa nơi rừng sâu nước độc và giữa các cư dân bản địa”.[22]
[1] Kon Tum, Chức Dịch Thư Tín, số 36 tháng 4 năm 1936, trang 425
[2] Vùng đất thuộc tỉnh Quảng Trị, có đường Quốc lộ 9 từ Đông Hà đi Lao Bảo; có sông Cam Lộ dài trên 60 km ở tỉnh Quảng Trị, phát nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn, chảy qua thị xã Đông Hà, đổ vào sông Thạch Hãn chổ cách Cửa Việt 12 km . Sông Cam Lộ còn tên gọi khác là Hiếu Giang
[3] P. Ban và S. Thiệt, Mở đạo Kon Tum. Imprimeri de Qui Nhơn 1933, trang 11-12.
[4] Lúc bấy giờ An Sơn thuộc vùng đất Tây Sơn Thượng của ấp Tây Sơn.
[5] Về hành chánh, ngày nay Đồng Hâu thuộc thôn Tân Thành, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
[6] R.P. Tardieu, Hạnh Đức cha Thể, Làng Sông 1907, trang 28.
[7] Bơham và Bơlu thuộc huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai ngày nay.
[8] P. Ban và S. Thiệt , Mở Đạo Kon Tum, Imp. de Quinhon, 1933, trang 13-18.
[9] P. Dourisboure, Les Sauvages Banar, Paris 1929- (Bản dịch) Dân Làng Hồ, Nxb. Đà Nẵng 2008, trang 15.
[10] P. Dourisboure, Les Sauvages Banar, Paris 1929- (Bản dịch) Dân Làng Hồ, Nxb. Đà Nẵng 2008, trang 23.
[11] Lm.Paul Ban và Lm. Simon Thiệt, sđd, trang 12, 17.
[12] Mémorial Mission de Qui Nhơn, Nov.1929, trang 74-75
[13] Mémorial Mission de Qui Nhơn, Nov.1929, trang 74
[14] Nền nhà thờ Đồng Phó nay là UBND xã Tây Giang. Từ hướng Cầu Gành đi An Khê qua khỏi trụ số 52 QL19 đến cầu Lò Gốm, qua cầu Lò Gốm khoảng 100m, UBND xã Tây Giang tọa lạc về hướng Đông.
[15] Trước năm 2005, vùng này thuộc thôn Hữu Thuận. Năm 2005, thôn Hữu Thuận được chia thành hai thôn: thôn Hòa Thuận và thôn Tiên Thuận.
[16] GS. Diệp Đình Hoa, Làng Cây Dừa, Tập I&II. Hội Khoa học Xã hội, 2004.
[17] Năm 1975, khi hòa bình vãn hồi, số dân ở Nghĩa Điền tạm cư tại An Khê trong chiến tranh, hồi hương trên con đường này.
[18] Lm.Paul Ban và Lm. Simon Thiệt, sđd, trang 17.
[19] Một số sự kiện sau đây được lược tóm theo quyển “Mở Đạo Kon Tum của cha Paul Ban và cha Simon Thiệt” và thiên hồi ký truyền giáo của cha Dourisboure (cố Ân). Nhật ký nầy được dịch với tựa đề Dân Làng Hồ. Đọc trực tiếp hai tác phẩm nầy để thấy tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa Quan Phòng thổ lộ trong nổ lực của con người, cho dù những nổ lực ấy có khi như đi vào ngõ cụt, bế tắt.
[20] R.P. Tardieu, Hạnh Đức cha Thể, Làng sông Imp. 1907, trang 57. Danh sách đoàn nầy theo P. Ban và S. Thiệt trong “Mở Đạo Kon Tum ” gồm : thầy bốn Bảo, thầy Tài, thầy Chinh, thầy Phiên, thầy Biên, thầy Viễn cùng ít học trò nhà trường khác nữa.
[21] Xem P. Ban và S. Thiệt, sđd, trang 68, 86-89.
[22] Compte rendu MEP, 1874, p.19
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn: http://gpquinhon.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét