Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin kính giới thiệu đến quí gia đình Gp.
bài nghiên cứu của Linh mục GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN, có tựa đề :
“MỘT SỐ “TỪ” TRONG VĂN HỌC NHÀ ĐẠO”.
Xin kính mời
GPKONTUM (14/07/2016) KONTUM
MỘT SỐ TỪ TRONG VĂN HỌC NHÀ ĐẠO
Trong khi nghiên cứu về nền văn học chữ nôm cũng như chữ viết quốc ngữ từ giữa thế kỷ XVII[1], chúng tôi thấy hé mở một số từ kinh thánh, đức tin, luân lý và thần học trong nền văn học chữ viết Kitô giáo có những biến chuyển theo dòng thời gian đến nay. Chúng tôi xin đề cập từ ngữ chính thức trong phụng vụ và kinh nguyện Nhà Đạo: từ latinh “ECCLESIA” được chuyển âm qua chữ quốc ngữ làm sao và đâu là ý nghĩa nguyên thủy của nó. Chúng tôi lấy từ “ECCLESIA” trong Tin Mừng Mathêô chương XVI, câu 18a như điểm phát xuất cho bài nghiên cứu thô thiển của chúng tôi.
Tin Mừng theo thánh Mathêô Mt.16, 18a được dịch ra[2] như sau:
“18 (a) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Câu latinh :(18 (a)“Et ego dico tibi, quia tu es Petrus, et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam, et portae inferi non praevalebunt adversus eam”)[3].
Chúng tôi xin trình bày ba phần:
Phần Một: Từ “ecclesia” được sử dụng trong ngôn ngữ Nhà Đạo
theo dòng thời gian
Phần hai: Từ “Ecclesia” được sử dụng vùng dân tộc thiểu số Tây nguyên theo dòng thời gian.
Phần ba: Đâu là ý nghĩa của những ngôn từ được sử dụng bắt nguồn từ ngữ“ecclesia”:
“Hội thánh”, “Giáo hội”.
Kết luận với vài nhận định.
PHẦN MỘT:
Từ “ecclesia” được sử dụng trong ngôn ngữ Nhà Đạo theo dòng thời gian.
Các vị thừa sai dòng Tên truyền giáo trên đất Đại Việt từ nửa thế kỷ XVII, khởi đầu tại Đàng Trong và sau đó ra Đàng Ngoài. Các Ngài cố gắng tiếp cận với dân cư địa phương để học tiếng nói và nền văn học Hán Nho, tìm hiểu phong hóa người bản địa. Đối với các ngàì, khởi đầu giai đoạn truyền giáo (từ nửa thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII) còn nhiều khía cạnh văn hóa, tôn giáo bản địa cần được thấu đáo để chuyển tải Lời Chúa đúng mức cho người dự tòng và tín hữu còn non yếu giáo lý. Các ngài suy tư về nền tảng Tam Giáo tại đất nước có nền văn học Hán Nhocòn xa lạ và mới mẻ. Các ngài còn ngỡ ngàng những mối tương quan giữa người với người, nhất là nghi thức tôn kính cúng giỗ tổ tiên ông bà cũng như tế các thần thiên địa trong một đất nước sùng bái “thần thánh”.
Các vị thừa sai nghiên cứu và cố gắng đưa vào nền văn hóa Thiên Địa một nền tảng TAM PHỤ : đối với Trời, đối với Vua và với người Cha trong gia đình. Các ngài cũng nhận thức người dân Việt thực hành ĐẠO HIẾU đối với Tổ tiên ông bà đã quá cố cũng như còn sống qua những nghi thức khá phức tạp.
Nhưng về niềm tin cũng như thực hành niềm tin trong những nghi lễ tông truyền Kitô giáo, các vị thừa sai cần tuân giữ ngôn từ và nghi thức Phụng vụ của mình không bị pha tạp. Nên từ khởi đầu giai đoạn truyền giáo đến mãi về sau một số lớn ngôn từ phụng tự bằng chữ latinh vẫn giữ y nguyên như trong giáo lý, Nghi thức phụng vụ và kinh nguyện hằng ngày. Ở đây chúng tôi xin đề cập đến một ngôn từ bằng tiếng latinh: “ECCLESIA” như chúng tôi đã trích dẫn trên đã sử dụng như thế nào tại Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong hơn 3 thế kỷ qua.
II.– NGÔN TỪ “ECCLESIA”.
Trong giai đoạn đầu mới truyền giáo tại đất Đại Việt vào giữa thế kỷ XVII, các vị thừa sai sử dụng có chọn lọc những từ ngữ chuyên môn trong giáo lý và phụng vụ. Ở đây chúng tôi xin đề cập từ “ECCLESIA” được các ngài sử dụng như thế nào trong sách giáo lý cũng như trong phụng vụ. Chúng tôi đề cập có tính cách liệt kê lối sử dụng từ ngữ “ECCLESIA” này tại Đàng Ngoài và sau đó tại Đàng Trong.
A.- ĐÀNG NGOÀI.
a/ Cha Majoria trong sách giáo lý có tựa đề: THIÊN CHÚA THÁNH GIÁO KHẢI MÔNG (1632) được linh mục Thanh Lãng dịch thuật và được nhóm dịch thuật Hán Nôm Công Giáo [4] có ghi lại như sau:
“H: Tôi xin giảng sự tin San-ta I-ghê-rê-gia Ca- tô-li-ca. Th: Sự ấy là phần thứ hai về kinh Yếu Đoan, vì phần trước về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, phần sau về I-ghê-rê-gia. Ấy vậy, như ta tin Đức Chúa Trời một tính và có Ba Ngôi, thì cũng tin I-ghê-rê-gia, dù mà làm một thì có ba ơn cả. Ơn thứ nhất là ơn linh hồn là phép tha tội. Ơn thứ hai về xác là thịt người ta sống lại. Ơn thứ ba về xác cùng linh hồn là phúc thiên đàng.
H: I-ghê-rê-gia là đí gì? Th: I-ghê-rê-gia (Igreja) là dòng người ta đã chịu phép Rửa tội và giữ đạo Đức Chúa Giê-su cùng chịu lụy ông Thánh Pha pha ở thành Rô-ma. I-ghê-rê-gia nghĩa là gọi làm một, vì chưng khi ta sinh ra chẳng có đạo, như nước này cùng Đại Minh, Nhật Bản và nước khác, mà Đức Chúa Trời gọi ta cho được vào cửa đạo này. Cửa vào là phép Rửa tội. Chịu phép ấy chẳng đủ, lại phải giữ đạo như các thầy cai I-ghê-rê-gia dạy, cùng phải nghe phép ông Thánh Pha pha truyền và kính người vì là cả thay ngôi Đức Chúa Giê-su.
H: Nhân sao rằng: San-ta thánh, vì trong bổn đạo có nhiều kẻ có tội lỗi? Th: Gọi làm vậy vì có ba lẽ. Thứ nhất, vì đầu là Đức Chúa Giê-su rất thánh. Như người nào có tốt mặc dù mà có thiếu gì về chân tay, cũng gọi là người tốt. Thứ hai, vì có đạo thánh cùng các Sa-ca-ra-men-tô thánh, cùng có phép công bằng cấm sự chẳng nên, dạy làm sự nên. Thứ ba, vì trong bổn đạo có nhiều người thánh, thật là sạch tội, và có nhiều công cùng Đức Chúa Trời, mà trong đạo khác chẳng có người nào thánh làm vậy.
H: San-tô cùng thông công là đí gì? Th: Phải biết I-ghê-rê-gia chẳng khác gì một xác lành, mà miệng ăn của gì lành, thì cả và xác cùng được phần là của lành ấy. Vì vậy kẻ ở xa mà ta chẳng biết mặt, thì người ấy nguyện làm lễ, cùng làm mọi phúc khác, thì cũng được giúp ta. Chẳng những công ta thông cùng nhau khi còn sống, dù mà thông cùng kẻ đã qua đời, mà nơi ở nơi giải tội cũng được, và kẻ ở trên thiên đàng cũng giúp được ta và kẻ đã sinh thì”.
TCTGKM số 171, Phần Chú Thích :
“20/ San-ta I-ghê-rê-gia Ca-tô-li-ca: Hội Thánh Công Giáo”.
b/ Trong tài liệu GIÊRÔNIMÔ MAIORICA S.J – 1646, “Các Thánh Tuyện” (Tháng năm), Lưu hành nội bộ – 1998, trang 78 (201)
Trong tháng Mười Một, Ông thánh Mamitô làm vít vồ thành Viyna dạy bổ đạo đọc kinh cầu các thánh, mà đi trong thành một khi một đôi, mà nguyện cả tiếng xin cùng Đức Chúa Blời vì công nghiệp các Thánh chớ chấp sự lỗi đất ấy. Khi còn nguyện thì đất chẳng còn động, nơi lở liền lại, kẻ quỉ ám thì khỏi, nó chẳng còn thấy tiếng muông chim kêu ban đêm nữa. Từ ngày ấy cho đến sau Ighêrêxa mới bắt chước mà đọc kinh cầu các Thánh”.
Và Phần Chú Thích, trang 137 có ghi:
“Yghêrêxa (Igrea) : Hội Thánh.
Trong giai đoạn đầu, ECCLESIA được phiên âm : I-ghê-rê-gia, Ighêrêxa, Yghêrêxa có một vài điểm khác biệt cách phiên âm : “I” và “Y”; “gia” và “xa”, nhưng là lối phiên âm từ chữ latinh mà ra.
B.- ĐÀNG TRONG
Chúng tôi trình bày từ “ECCLESIA” được sử dụng và được phiên âm như thế nào tại Đàng Trong dựa trên tài liệu Phép Giảng Tám Ngày và Tự điển ANNAM – LUSITAN – LATINH (Thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) do giáo sĩ Dòng Tên biên soạn, xuất bản tại Rôma năm 1651. Quyển từ điển này được phiên dịch : Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. Trong Lời nói đầu của Viện Khoa Học Xã Hội, Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, nhận định:
“Cùng với sự phát triển các môn lịch sử ngôn ngữ, lịch sử dân tộc, lịch sử văn hóa v.v… yêu cầu phiên dịch quyển Từ điển Việt – Bồ – La trở nên cấp thiết. Đáp ứng yêu cầu đó, Viện Khoa học xã hội tại Thành Phố Hồ Chí Minh, ngay từ cuối năm 1975 đã tổ chức nhóm phiên dịch gồm các ông Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt. Nguyên tắc dịch là bám sát nghĩa, đồng thời diễn đạt cho dễ hiểu. Nhóm phiên dich làm việc thật nghiêm túc, tích cực và đã hoàn thành bản thảo vào cuối năm 1979”[5]
Phép Giảng Tám Ngày được in ấn vào năm 1651 cùng với Tự điển Việt-Bồ-La là nền tảng một nền văn học công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Chúng tôi dựa vào 2 văn bản trên để trình bày từ “ECCLESIA” được sử dụng và được phiên âm như thế nào tại Đàng Trong.
1/ Theo tài liệu “Phép Giảng Tám Ngày” [6] trang 231, chúng tôi gặp thấy từ “Ecclesia” có ghi trong các trang: số 96, 174, 197, 203, 204, 215, 218.
Để tiện lợi cho đọc giả theo dõi, chúng tôi ghi lại sau đây, chữ phổ thông trước, kế đến là chữ latinh sau:
+ Trang 96: “Song le cho ta được sáng gloria này, đức Chúa trời nhân lành, thì cho chúng tôi ở thế này sáng bề trên, là lòng tin, cho ta tin thật mọi lời đức Chúa trời truyền cho người thánh trong Ecclesia Catholica, cho đến ta, mà tin cho đời chẳng dời (…)”
[Ad hoc autem lumen gloriae adipiscendum, (…), factae viris sanctis in Ecclesia catholica et per illam nobis, (…)]
+ Trang 174: “Lại cho ông Thánh Pedro ở thế này thay mình, mà lại người nào theo đòi trongEcclesia có tổ chức ấy (gọi là ông thánh Papa), Đức Chúa Iesu đã nói hứa, phán rằng cho đến hết thế chẳng có thiếu chức ấy. Sau nữa, thì dạy nhiều sự về trị nhậm Ecclesia, cùng phép dùng khác Sacramento”.
[Praeterea Petrum suum in terris Vicarium constituit, eiusque in Ecclesia successorem (quem Papam vocamus) ad consummationem usque saeculi nunquam defuturum promisit. Denique multa quae ad Ecclesiae gubernationem et sacramentorum administrandi modum spectant, edocuit]
+ Trang 197: “Vì vậy ta phải tin mọi lời Đức Chúa Trời truyền ra và trao cho Ecclesia Catholica, là các người ở trong đạo làm một.”
[Credere igitur debemus omnibus quae Deus revelavit, et per Ecclesiam catholicam credenda proposuit.]
+ Trang 203: “Vì vậy thánh Ecclesia, hay là kẻ cả trong Ecclesia mà coi sóc cho ta, đã có định ngày lễ lạy ấy, nhất là ngày Dominh, thật là ngày Đức Chúa trời”
[Quare Sancta Mater Ecclesia, sive illius supremi pastores qui nobis invigilant, aliquos dies huiusmodi festos iniunxerunt praecipue diem dominicum]
+ Trang 204: “Mà ngày khác cũng là lễ lạy trong lịch, vì có lời răn thánh Ecclesia, cũng phải giữ như vậy.”
[Idemque intelligendum de aliis diebus festis quae in calendario iuxta praeceptum Ecclesiaecontinentur]
+ Trang 215: “Thứ nhất là việc tin, vì phải tin đức Chúa trời là nhất thật, chẳng có ai dối được mình, cũng chẳng có dối được ai, truyền bấy nhiêu lời mà trao cho Ecclesia dạy ta.”
[Primus est actus fidei, quo credant infallibili Dei veritati, quae nec falli nec fallere potest, haec revelanti et per Ecclesiam proponenti]
+ Trang 218: “Sau hết thì phải tin mọi lời truyền ra bởi thánh Ecclesia catholica apostolica,là các bổn đạo đức Chúa trời ở khắp thiên hạ hộp làm một, dưới ông thánh Papa ở nước Roma là thày cả trên, thay vì đức Chúa Iesu, theo đòi ông thánh Pedro như vậy. Có tin làm vậy chăng? Thưa rằng: “Tôi tin thật như vậy.”
[Denique credendum quicquid credit sancta catholica et apostolica Ecclesia, quae est congregatio fidelium omnium christianorum, sub uno summo Pontifice Romano, Iesu Christi Domini nostri supremi pastoris Vicario, et beati Petri successore, toto orbe diffusa. Creditisne vere ita esse?. R. “Credo vere ita esse”]
2/ Qua việc sử dụng từ “ECCLESIA” trong ngôn ngữ Nhà Đạo như vừa trình bày, chúng tôi tự đặt vấn đề tại sao trong ngôn ngữ Việt nam đương thời với các giáo sĩ Dòng tên từ giữa thế kỷ XVII và những thế kỷ kế tiếp không tìm được một từ ngữ phổ thông nào tương thích để chuyển ý?
Chúng tôi dựa vào nhận xét khái quát về hiện tượng tôn giáo trong phạm trù ngôn ngữ lúc bấy giờ.
Nhận xét về mặt thần học trong “Phép Giảng Tám Ngày” đã được ông Võ Long Tê nhận xét trong tài liệu nghiên cứu của ông [7] như chúng tôi vừa trình bày trên. Ở đây chúng tôi thêm một ý dựa trên chứng lý song song giữa 2 văn bản La –Việt và có một cuộc trao đổi về nội dung thì một phần về văn học địa phương cũng như tôn giáo có tham gia tích cực của giới nho sĩ, các tân tòng, cộng đoàn tín hữu nói chung trong ý hướng thích nghi văn hóa thời đại trọng nho, coi nhẹ Phật giáo. Nội dung của “Phép Giảng Tám Ngày” đề cao vai trò của vua là thiên tử, phép nước. Nhưng để giải thích trong nhãn quan nho giáo, “Phép Giảng Tám Ngày” đã đề cập quan niệm TAM PHỤ và nhiều quan điểm khác nữa. Thật thế, lối sống thế tục trong một xã hội thời đại đều ảnh hưởng đến đời sống tâm linh tôn giáo. Nên, vào những thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật có tinh thần DUNG HỢP các thực hành biểu lộ lòng tin của người dân, đôi khi pha tạp những nghi thức che mù đạo pháp tinh ròng truyền thống Nhà Phật. Điều này cũng cần nghiên cứu cho mọi tôn giáo kể cả Ki-tô giáo khi tiếp nhận yếu tố thế tục trong một thời đại nào đó.
Chúng tôi tìm trong tự điển Việt-Bồ-La những tiếng Việt với ý nghĩa thường dùng như chữ “HỘI” và “GIÁO” như thế nào, mà làm cho các vị thừa sai tránh né sử dụng “HỘI THÁNH”, “GIÁO HỘI”, mà hiện nay đang sử dụng thay thế cho từ “ECCLESIA”.
+ giáo[8] : feita, fecta, ae. Tam giáo, as tres feitas da China : tres fectae à finis petitae : đạo bụt, đạo nhu, đạo đạo.
Nên từ “giáo” nói đến tam giáo : Đạo Phật, đạo Nho, và đạo Lão thịnh hành trong xã hội
+ “hội”[9] : dedication templi idolorum, áng chay áng hội
“Lời nói đầu” của Viện Khoa Học Xã hội khi cho phát hành quyển từ điển này, có ghi
“Từ điển Việt-Bồ-La nhằm phục vụ không những cho giới nghiên cứu mà còn cho tất cả những ai quan tâm tìm hiểu nền văn học lâu đời của dân tộc Việt”
Chúng tôi xin thêm vào “Lời nói đầu” của Viện Khoa Học Xã hội một nhận định về mặt tôn giáo. Các vị thừa sai trong khi tiếp cận người dân Việt trong cuộc sống hằng ngày qua tiếng nói, ngôn từ, lễ hội … không quên sứ mạng chính là truyền Đạo. Khi tìm hiểu ngôn ngữ của một dân tộc có đời sống tôn giáo đã in sâu vào nếp sống xã hội, các ngài ghi chép phần niềm tin tôn giáo vào tự điển để các linh mục, giáo dân hiểu được ý nghĩa đang sử dụng như thế nào và ứng dụng trong nghi thức phụng tự và giáo lý của mình cho chuẩn xác. Hai từ “giáo” và “hội” mang nặng sắc thái tôn giáo con dân Việt, nên các ngài không sử dùng dễ dàng gọi là hội nhận văn hóa gọi Ecclesia là ‘giáo hội” hay “hội thánh”. Các cách gọi này có thể làm số tín hữu còn non yếu về giáo lý hiểu lầm đạo mình mới tòng giáo nhập vào trong khuôn khổ “Tam Giáo” hiện có nơi xã hội Việt nam.
II. – NGÔN TỪ “HỘI THÁNH” – “GIÁO HỘI”
Ngôn ngữ trong môi trường tiếng nói thường ngày có tính sinh ngữ nên biến đổi theo thời gian và do nhiều yếu tố tác động. Văn học chữ viết Nhà thờ càng sinh động do các linh mục ngoại quốc cũng như bản xứ giao tiếp với xã hội nước ngoài và nền văn học Âu Á trong những thế kỷ XVII-XIX. Đặc biệt, nhiều linh mục bản xứ và nhà trí thức công giáo tiếp xúc những luồng tư tưởng thời đại và phổ biến trong nền văn học chữ quốc ngữ, nên có những thay đổi trong lối suy nghĩ và trình bày giáo lý của các vị chủ chăn cho cộng đoàn tín hữu. Chính cộng đoàn người tín hữu biện phân được đạo giáo cổ truyền, lối thực hành đạo hiếu của người dân bên lương.
Sau một thời gian tương đối nhuần nhuyễn trong ngôn từ, nhiều Từ Điển được soạn thảo. Chúng tôi tìm từ ngữ thông dụng trong các từ điển để minh định yếu tố chuyển dịch từ : “ECCLESIA” qua một số từ thời đại.
A.- “HỘI THÁNH”.
Từ ngữ “ECCLESIA” được chuyển đổi qua việc sử dụng từ “HỘI THÁNH” lúc nào?. Đây là vấn đề được chúng tôi tự đặt ra để lý giải.
1.- Như đã trình bày ở phần trên, tiếng nói phổ thông trong một đất nước là sinh ngữ,có thay đổi theo ảnh hưởng giao thoa với nền văn học và tôn giáo của các nước bang giao. Đầu thế kỷ XVIII, nhất là vào thế kỷ XIX, nước Việt nam giao thương với nhiều nước Tây Phương, có nền văn hóa, phong tục tập quán khác nhau và được đúc kết trong các tự điển. Có thể nói tự điển qui nạp nhiều kiến thức khoa học, kỷ thuật, phong hóa, tôn giáo của đất như các môn lịch sử ngôn ngữ, lịch sử dân tộc, lịch sử văn hóa tôn giáo v.v…
Từ điển viết tay của Đức cha Bá Đa Lộc (1773) chưa thấy xuất hiện từ Hội Thánh. Chúng tôi dựa vào Từ điển “Dictionarium ANAMITICO-LATINUM” J. L. Taberd (Serampore, 1838), Tự điển J. S Theurel (Ninh Phú, 1877), Tự điển J. F. M. Génibrel (Tân Định, 1898), Tự điển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” (Ấn bản 1895 – 1896) của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon, Nhà in Rey, Curiol 1895) để tìm một số dấu vết từ ngữ sử dụng lúc bấy giờ như thế nào về “HỘI THÁNH”.
1/ + Từ “Hội” trong Tự điển “Dictionarium ANAMITICO-LATINUM” J. L. Taberd trang 206 cột thứ thứ nhất : Hội thánh : Sancta Ecclesia.
+ Từ “Giáo” cũng trong tự điển này, trang 172, cột hai: không có từ “giáo hội”, mà chỉ có cụm từ “tam giáo”: tres sectae Nhu, Phật et Đạo (nghĩa như trong tự điển của Alexandre Rhodes)
2/ + Từ “ Hội” trong Từ điển J. S Theurel (Ninh Phú, 1877), trang 183 có ghi: “Hội thánh” : Sancta Ecclesia.
+ Trong tự điển này không có từ “Giáo”, nên hình như quan niệm về “tam giáo” phần nào phai nhạt trong ngôn từ thông dụng và trong tâm thức tôn giáo, ít nhất nơi một số người miền bắc.
3/ Từ “Hội” trong Tự điển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” (Ấn bản 1895 – 1896) của Huình Tịnh Paulus Của, trang 438 có ghi: Hội thánh : Tòa Thánh; hội giữ đạo Thiên Chúa.
+ Từ “Giáo” trong tự điển của Huình Tịnh Paulus Của, trang 372 có ghi Tam giáo: Đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão tử. Như vậy có thể nói quan niệm “tam giáo” vẫn còn mạnh trong nếp sống thường dân miền Nam.
Hội Thánh = Sancta Ecclesia : Các từ điển vừa trình bày luôn kèm tỉnh từ “Sancta” bổ nghĩa cho danh từ “Ecclesia”, nói lên khía cạnh thánh thiện của Hội Thánh.
2.- Một số tác giả đã sử dụng từ “Hội Thánh” trong một số văn bản văn học công giáonhư linh mục Đăng Đức Tuấn[10], Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt nam, in lần thứ nhất, xuất bản năm 1970.
Năm 1834 khi quan quân Triều đình hạ thành Phiên An do loan đảng Lê Văn Khôi chiếm giữ, quân Triểu có bắt được một giáo sĩ ngoại quốc ở trong thành là cố Du (Père Marchand). Cố Du bị buộc tội đồng lõa với giặc, ghép vào tội làm cố vấn cho loạn đảng Lê Văn Khôi, nên bị đóng cũi giải ra Huế, chịu án lăng trì xử tử. Nhân việc này mà giáo dân bị giết lây cũng nhiều. Bài thơ của linh mục Đặng Đức Tuấn nói về nổ lực của các giáo sĩ để giữ vững cơ sở trong một giai đoạn lịch sử vô cùng nguy hiểm, đầy dẫy gian truân. Có nhiều giáo sĩ ẩn trốn vào rừng núi hoặc ở dưới nhà hầm:
Sau đây là phần trích dẫn một bài thơ của linh mục Đặng Đức Tuấn về cảnh nhiều giáo dân, linh mục bị bắt bớ vì đạo, nhưng “chiếc thuyền Hội Thánh” chẳng xao chẳng chìm, dù bị “ghe phen biển dậy ba đào”[11]:
“(…) Trãi qua Thiệu Trị Thất niên,
Đạo tuy nghiêm cấm đèn thiêng đượm nhuần,
Tuy còn nhiều nỗi gian truân,
Đã từng bắt bớ, đã từng lao đao.
Ghe phen biển dậy ba đào,
Chiếc thuyền Hội Thánh chẳng xao chẳng chìm.
Chữ rằng “Dĩ hỏa thí kim”
Gian nan thử đức, khảo kiềm thử gan.
Chúa Cả cội rễ khôn ngoan,
Ngọn roi khôn khéo cha hiền dạy răn.
Ai mà biết tội ăn năn,
Nay tạm khổ sở sau hằng nghỉ an.
Ai mà lòng đạo mơ màng,
Lao đao thân phận, rõ ràng chẳng sai.”
Nhờ ơn Đức Mẹ phù hộ, Đặng Đức Tuấn vào đến nơi vua ngự mà dâng sách lược bảo quốc an dân. Hòa bình sẽ được vãn hồi để dân chúng, trong số đó có bổn đạo, bớt lầm than cơ cực. Làm xong nhiệm vụ cứu nước cứu đạo, Đặng Đức Tuấn noi gương Đào Uyên Minh ca khúc “Qui khứ lai từ”, trở về chốn cũ, vui cuộc sống đạo lý ẩn dật chớ không say mê phú quí phồn hoa. Ngày về, rước được tượng ảnh Đức Bà[12] trong bộng cây da là Đặng Đức Tuấn hài lòng phỉ nguyện.
“Xin theo ý Chúa mọi đàng,
Cậy Mẹ che chở vẹn toàn thủy chung
Dầu khi biển thánh gió rung
Mẹ ra tay cứu lặng không như tờ.
Dầu thuyền Hội Thánh bơ vơ,
Nhìn xa Bắc Đẩu trông chờ thái lai.
Dầu khi sấm sét ra oai
Có Mẹ che chở không ai làm gì
Dầu mà thù nghịch tứ vi,
Cậy trông thế Mẹ chờ thì mở mang…
Mẹ là cửa nước Thiên Đàng,
Một lòng cám cảnh trăm đường cậy trông,
Mẹ là Mẹ chúng cô cùng ,
Gởi thân lưu lạc ghi lòng mến yêu.
Ba thù chước dữ cheo leo,
Cậy tài phép Mẹ đánh liều như không!
Nguyện rồi, người đến đã đông,
Bước chân đề dặm cùng đồng ra đi.
Một cuộc điệu về kinh ngộ nghĩnh Đặng Đức Tuấn, một tù nhân mà được đi võng, dân phu và lính tráng túc trực đưa đón y như một vị quan lớn về triều! Được đưa đón đắc lực quá nên cha Đặng Đức Tuấn đến kinh đô sớm hơn thời hạn, không đầy 2 ngày, đã đến vào lúc mặt trời vừa mới xế bóng. Thiên hạ nghe đồn chuyện lạ, rủ nhau đi coi chật đường[13].
Trước đem vào tại Bộ Binh,
Thấy quan Lâm đó một mà thôi.
Thượng quan vào Nội tấu rồi,
Một chặp kéo tới vô hồi quan gia.
Biết là mấy vạn người ta,
Đến coi thời sự thử ra thế nào?
Phan, Lâm, quan lớn ngồi cao
Các quan bề dưới ngồi bao hai hàng.
Triều đình thể diện nghiêm trang
Gươm hầu, giáo đóng chật đàng đầy sân.
Quan truyền trải chiếu lại gần,
Bảo Tuấn ngồi đó hỏi lần căn nguyên.
Rằng: Vua có chỉ phán truyền,
Cho đòi đạo trưởng xét riêng hai điều
Một là hỏi đạo Chúa Dêu,
Nghe trong đạo ấy nhiều điều nghinh ngang.
Hai là hỏi giặc Tây Dương,
Qua đây khuấy rối làm ngang cớ gì?
Biết sao, nói thật, đừng khi,
Mặc lường Hoàng Đế rộng suy thẩm tình.
Tuấn rằng: nhờ lượng Triều Đình,
Phận tôi ty tiểu một mình đến đây.
Ông lớn cho phép nói ngay
Thì tôi mới dám tỏ bào đạo nguyên.
Đạo dạy thờ Chúa thiêng liêng
Dựng nên trời đất, cầm quyền tử sanh.
Hễ người thì có tánh linh,
Giữ noi đường chánh, trường sinh cõi trời.
Đạo dạy thờ Vua dưới đời.
Vì Vua thay mặt Chúa Trời trị dân.
Đạo dạy thảo kính song thân,
Cù lao bảo bổ ân cần đền ơn.
Ấy là ba đấng trọng hơn.
Gọi là Tam Phụ có quờn khác nhau.
Đạo hằng giảng tập dồi trau,
Đời nay vần giữ đời sau hưởng nhờ.
Thánh Kinh, Thánh Giáo, Chư Thơ,
Đinh ninh lẽ thật, sờ sờ đàng ngay.
Dễ đâu tôi dám vẽ bày.
Đâu đó một lẽ, xưa nay một đàng.
Rô Ma có một Giáo Hoàng,
Gốc đầu Hội Thánh, mối mang Đạo Trời,
Tuy rằng đạo ở khắp nơi,
Giáo hữu chốn chốn vâng lời Pha Pha.
Như giặc bởi nước Rô Ma,
Thì tôi cam chịu đạo qua quấy rầy.
Vốn nay chẳng phải làm vầy,
Lang Sa nước khác đến gây chiến trường
Giặc nầy tôi chẳng biết tường,
Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh.
Vậy nên gây cuộc chiến tranh,
Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên?
Xin suy lấy việc năm trên,
Đạo mà nội ứng với tàu Lang Sa
Thì khi tàu ấy mới qua,
Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây.
Bởi đạo không có lòng nầy,
Đâu đó bình tĩnh xưa nay như thường. (…)
- – Một tài liệu: Văn “Quốc Ngữ”.
Văn “Quốc Ngữ” năm 1840-1900, nhà in Tân Định năm 1902 về “Hạnh Cha Minh và Lái Gẫm”, tử đạo, cũng dùng khá nhiều từ “Hội Thánh”.
- – Sách giáo lý địa phận Đông Đàng Trong dùng từ “Hội Thánh”.
Thánh Đạo Đại Nguyên, Lược giải, do Đức Cha Jeanningros (Đức Cha Vị) và Cha Chính đã soạn năm 1907, in lần thứ hai, nhà in Quinhon (Annam) năm 1927 trong Phần IV – đoạn II về Hội Thánh:
“Điều thứ Nhứt
Hội Thánh Chúa đi gì ?
7- H. – Hội thánh Chúa nghĩa là làm sao ?
- –Nghĩa là các bổn đạo ở khắp thế gian vâng-phục Đức Giáo-tông Rôma và Giám mục coi sóc thay mặt người, mag giữ nguyên đạo thánh Chúa Kirixitô, cho được rỗi linh hồn.
Chúa sinh người ta, có hồn có xác cho ở chung với nhau, giúp nhau nhờ nhau. Về xác tạm, thì Chúa để cho người ta tùy địa thế phong thổ, mà lập làng lập nước riêng, giúp nhau an cư lạc nghiệp. Còn phần hồn quý trọng, nên chính mình Chúa xuống thế lập một hội chung cho các nước cả và thiên hạ, đặng nhờ phần rỗi. Hội này có đủ phẩm trật quờn tước, có vua quan dân sự cũng như nhà nước. Có bổn chính luật, là sách Evang, có chỉ nghị là lịnh các thánh Tông đồ truyền, và sắc chỉ đức Giáo tông, để mà cắt nghĩa bổn chánh luật ấy. Vậy hội nầy kêu là Hội Thánh.
8- H. – Ai đã lập Hội Thánh và lập làm chi?
- – Thứ nhứt, Đ C G. đã lập. Như lời Người đã pháp rằng: Hỡi Phêrô, mầy là đá: Tao sẽ lập Hội Thánh tao trên hoàn đá nầy, và cữa hỏa ngục (nghĩa là ma quỷ) chẳng làm chi đặng.
Trong sách nói về Hội Thánh, thường nói bóng nói tỉ nhiều cách: như rằng: Hội Thánh là bạn Đ C G., là Mẹ các giáo hữu. Nghĩa là chỉ Đ C G. lập Hội Thánh và hằng gìn giữ thương giúp cho Hội Thánh sinh con cái thiêng liêng, là làm cho con cái Chúa được sống phần hồn, và nuôi dưỡng, dạy dỗ, thương yêu, chẳng khác chi mẹ lành sinh dưỡng con mình vậy.
Thứ hai, là có ý cho sáng danh Chúa, cho người ta được rỗi linh hồn: Vì chính ý cho có kẻ nối tiếp giảng truyền cho thiên hạ nhìn biết, thờ phượng Chúa thật, cùng phân phát ơn phép cho người ta được nhờ phần rỗi. Như lời Đ C G. phán dạy các Thánh tông đồ là đầu Hội Thánh rằng: Bay đi giảng cho mọi người thiên hạ: ai tin mà chịu phép rửa tội, thì đặng rỗi linh hồn (tr. trang 163 – 164).
Phần IX – Đoạn 3: Về phép Rửa tội
ĐIỀU THỨ V
Về kẻ chịu phép Rửa tội
26 – H. – Kẻ khôn lớn xin trở lại đạo, có nên rửa tội liền chăng?
- – Cứ theo thói quen Hội Thánh bấy lâu nay, khi chẳng có sự gì vội cần, thì giãn ra ít nhiều tháng đã, mới rửa tội:
- a) Có ý cho dễ thử dễ biết kẻ xin theo đạo, bỡi lòng ngay thật hay là dối trá.
- b) Giãn ra làm vậy mới kịp dạy đủ điều cho kỹ và tập cách ăn nết ở theo phép đạo (tr. trang 151 – 152).
- – Kinh thánh Tân Ước, trong Phụng vụ thánh thể và một số kinh thường đọc của người tín hữu công giáo đều sử dụng từ “HỘI THÁNH”. Hiện nay Ban dịch thuật Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng sử dụng từ “HỘI THÁNH”.
Có thể nói xuyên suốt thời gian ngôn ngữ “HỘI THÁNH” được điển chế trong Từ điển “Dictionarium ANAMITICO-LATINUM” J. L. Taberd (Serampore, 1838), và trong những từ điển đầu thế kỷ XIX thường xuyên sử dụng trong Tân Ước, Phụng vụ, Giáo lý và các kinh sách thường ngày.
B.- Ngôn từ “GIÁO HỘI”.
Nhưng từ “Giáo Hội” bắt đầu sử dụng trong văn kiện công giáo từ năm nào?
1.- Năm 1924. Từ “GIÁO HỘI” xuất hiện năm 1924, trong một hội nghị tu sửa từ ngữ tôn giáo: Kinh thánh, phụng vụ, thần học. Linh mục Hồ Ngọc Cẩn ghi trong tập tài liệu có tựa đề: “ Lexique des termes de religion”, dịch từ “Ecclesia” thành từ “Giáo hội”, “Nhà thờ”, “Hội thánh”. Từ “Giáo hội”, được thông dụng từ đó. Tuy nhiên, trong tập tài liệu “Lexique des termes de religion” , từ “Ecclesia” chuyển ý trong từ “Hội thánh”, và phải chăng đã bỏ bớt tĩnh từ “Sancta” đi trước danh từ bổ nghĩa cho “Ecclesia”?. Như đã trình bày, trước năm 1924, tĩnh từ “Sancta” luôn đi trước danh từ và bổ nghĩa cho “Ecclesia” mới dịch là “Hội thánh”. Đây có phải khởi điểm sử dụng từ “Giáo Hội” chen lẫn với từ “Hội Thánh” trong một số bản văn, để yếu tố “Sancta” không rõ nét, nên dễ tạo lẫn lộn từ “Giáo hội” nhấn mạnh khía cạnh tổ chức, cơ cấu tổ chức…, nghĩa là khía cạnh trần thế, còn từ “Hội thánh” giữ vai trò làm nổi bật yếu tố thần linh?
2.- Hiện nay từ ngữ “GIÁO HỘI” khá thông dụng như trong bản dịch Văn Kiện Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium (Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X), bản dịch Giáo luật năm 1983, và trong Tông sắc Công Bố Năm Thánh về Lòng Thương Xót của ĐTC Phanxicô số 3a, 3b, 4a, 10a v.v…. và một số văn bản khác.
3.- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chủ quản dịch thuật “BỘ GIÁO LUẬT 1983”, nxb Tôn giáo , Hà Nội – 2007, Nihil Obstat, Qui Nhơn ngày 29-6-2006; Imprimatur, Nha Trang, ngày 25-8-2006.
Nếu chúng ta xem phần: Mục Lục Phân Tích, từ “Giáo Hội” (Ecclesia) trang 610 và Bản đối chiếu Việt ngữ – Latinh trang 833 “Giáo Hội” (Ecclesia) và những từ liên hệ, Bộ Giáo Luật sử dụng từ “Giáo Hội” (Ecclesia) và không dùng “HỘI THÁNH” như truyền thống (đã trình bày trong A-).
4.- Chúng tôi dựa và 2 quyển tự điển “Pháp-Việt Từ Điển” và “Tự điển Hán-Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh để phần nào nói lên tính cách xã hội của từ “Giáo hội” hơn từ “Hội thánh”.
a/ Từ điển Pháp-Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, NXB Minh Tân (1952). Chúng tôi tìm từ tiếng Pháp: Église, (trang 509), ý nghĩa số 2 : Giáo Hội – Église catholique : Thiên Chúa Giáo hội.
Qua từ điển này, có từ “Giáo Hội”, nhưng không có từ “Hội Thánh”.
b/ Tự điển Hán-Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh, in lần thư ba, Trường Thi Xuất Bản – Saigon,, 1957.
+ Từ ngữ ”Giáo Hội” trang 331, cột 1 : Giáo hội : đoàn thể tôn giáo (église).
+ Không có từ “Hội thánh”.
Từ ngữ “Giáo hội” dần dần có chỗ đứng với từ “Hội thánh” trong ngôn ngữ tôn giáo công giáo và xã hội Việt nam.
PHẦN HAI
“Ecclesia” dược sử dụng trong vùng dân tộc thiểu số Tây nguyên theo dòng thời gian
Chúng tôi đã lướt qua từ ngữ “Ecclesia” theo dòng thời gian và đâu là ý nghĩa của các ngôn từ liên hệ kèm theo như “Hội Thánh” và “Giáo hội” trong nền văn học tôn giáo công giáo. Trong PHẦN HAI này, chúng tôi xin chuyển đến ngôn từ tôn giáo công giáo vùng Tây nguyên, đặc thù là Bahnar, Jrai và Xơ đăng dịch từ ngữ “Ecclesia” như thế nào qua dòng thời gian khi các dân tộc này có chữ viết trong đời sống tôn giáo của mình. Nói cách khái quát, nội dung các ngôn từ, nhất là trong Nghi thức Thánh Lễ và các Bí thích cần thấu đáo, và triệt để theo qui định chặt chẽ thường gọi là “chữ đỏ”.
I.- Tiếng nói được phiên âm với ký hiệu latinh và chữ viết Bahnar.
1.- Khi đến KON-KƠXÂM và dần dần được dân làng tin tưởng mộ mến, nhất là được ông HMUR, chủ làng tận tình giúp đỡ, các Ngài bắt đầu học tiếng Bahnar. Cha Dourisboure ghi lại những khó nhọc vất vả để khởi đầu việc học tiếng Bahnar như sau :
“Trên đời nầy, ít có cái gì khó hơn là học một ngôn ngữ mà không có sách vở, không có tự điển, không có thông ngôn; và nhất là khi những người nói thổ âm là những anh em thượng khốn khổ, biết ít hiểu chậm. Người Thượng sẽ nói cho chúng ta cái kia cái nọ tiếng thượng gọi là gì, nếu chúng ta chỉ tay vào đồ vật đó mà hỏi, nhưng nếu là những cái trừu tượng thuộc về lãnh vực trí tuệ hay luân lý, tất cả những gì mà giác quan không tiếp xúc được thì chúng ta cố một mình tự đoán lấy mà thôi, (…). Để giải thích một từ ngữ, họ chỉ biết lặp lại thôi. Ví dụ : ta hỏi họ : ‘TIN’ là gì ?. Họ sẽ trả lời ‘TIN’ là ‘TIN’ – Thôi được , nhưng nầy giải thích một cách khác đi , ‘TIN’ có nghĩa như thế nào ?”. – “ Kìa”, tôi nói chắc chắn với ông : ‘TIN’ có nghĩa là ‘TIN’. Nói thêm nữa vô ích!. Họ sẽ ngạc nhiên rằng chúng ta không hiểu nổi “TIN” có nghĩa là “TIN”, chấm hết ! (…).
“Tôi trở lại câu chuyện. Các cha COMBES, FONTAINE và tôi, chúng tôi đến ở nhà ông HMUR. Sáng sớm và chiều tối, thời gian duy nhất trong ngày mà anh em thượng rảnh rang ở nhà, chúng tôi đến nhà rông học hỏi năm ba tự. Mỗi người cầm tay khúc bút chì và một mảnh giấy và vừa khi mà mình tưởng đã nắm được ý nghĩa của một tiếng liền vội vã ghi vào. Đến lúc anh em thượng đã đi rẫy hoặc đi ngủ, thì ba chúng tôi tụ hợp lại, so sánh những điều đã ghi chú, và đúc kết lại những điều chúng tôi đã học được hoặc tưởng là đã học được. Chúng tôi thường hay hỏi ông HMUR nhiều nhất, ông thường thức với chúng tôi rất khuya” [14]
Các vị thừa sai trong lúc học tiếng Bahnar đã bắt đầu phiên âm tiếng nói qua chữ viết bằng tự latinh. Hình thành chữ viết là cả một quá trình lâu dài của tập thể các vị thừa sai. Nói như thế không có nghĩa mỗi vị không có đường hướng riêng. Quyển tự điển tiếng Bahnar được ấn bản tiên khởi, và đã phát hành là của cha DOURISBOURE có tựa đề “DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS”, Hồng-Kông 1889[15]. Từ trước đến ngày nay, có nhiều bản thảo và từ điển viết tay hoặc đã cho ấn loát nhằm mục đích truyền giáo, để soạn sách giáo lý, kinh sách và dùng trong phụng vụ
Tự điển của cha Dourisboure có tầm quan trọng trong việc gạn lọc từ ngữ luân lý, thần học, phụng tự. Trong tiếng nói Bahnar có một vài từ tương đối thích hợp để diễn giải ý nghĩa từ “Ecclesia”, ví dụ như từ “Bôl diěng”[16].
Trong môi trường tôn giáo “yang” và việc thực hành nghi thức tôn giáo của người dân tộc ám tàng nhiều mê tín dị đoan, nên từ ngữ ‘DIĔNG” bao hàm nhiều yếu tố tiêu cực, nên các vị thừa sai chưa chấp nhận đem từ này để dịch từ latinh “Ecclesia”.
2.- Ngoài ra, quyển sách giáo lý đầu tiên bằng tiếng bahnar có tựa đề “JEJU KRITÔ Bơt Di Oei erih tơ Teh Bơn” HongKong 1894 của linh mục Vialleton MEP dùng từ “ECCLESIA”. Sách giáo lý bằng tiếng Bahnar của cha Jannin năm 1924 (Hlabar PƠDƠK) in tại HongKong một số ít sách dành cho các chú Yao Phu, và sau nầy được Đức Cha Seitz cho soạn nhỏ lại (năm 1969) dùng từ Bôl EKLEDIA (Xem trang 156-162).
Sách HLABAR TƠGUƠT NAO (Sách Tân Ước tiếng Bahnar), Mt. 16, 18(b): “Inh gô tơiung Bôl Ekledia Inh kơpơng tơmo âu, dĭ dêh xamăt uh kě pơm kikiơ kơ hăp”.
Năm 1969, Đức Giám mục Paul Seitz cho Imprimatur KHOP LANG XOI MIXA, (Nghi Thức Phụng Vụ Thánh Lễ) và vẫn cho tiếp tục dùng “Bôl Eklêdia” để chỉ “Hội Thánh”.
3.- Sau nhiều năm tham khảo những nhận định của các linh mục như linh mục người dân tộc Bahnar, cha Antôn Học (Den 1903 – + 1987) và một số vị làm mục vụ lâu năm sống giữa người tín hữu dân tộc về tâm thức tôn giáo cổ truyền “đạo Yang” và những thực hành mê tín của những “mu bơjau”, “mu diěng” (phù thủy) như thế nào, các ngài cho biết vẫn còn đậm nét trong những nơi làng dân tộc bên lương vùng sâu vùng xa, nhưng các làng có đời sống Kitô giáo thì ý niệm về ngẫu tượng đã mờ nhạt nhiều[17]. Vào năm 2003, Đức Cha Micae Giám mục Giáo phận xác nhận quyết định của Vị Giám mục tiền nhiệm là Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, tiếp tục cho phép thử nghiệm sử dụng sách PLANG XOI-XƠNĂM 2000[18], (Nghi Thức Thánh Thể) trong đó từ latinh “ECCLESSIA” được dịch ra tiếng dân tộc Bahnar : “BÔL DIĔNG”
Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liên, lúc đang giữ chức vụ Tổng Đại Diện đứng đầu Nhóm CTKT đã cho duyệt xét toàn diện ý nghĩa chữ Bahnar, nhất là những ngôn từ có tính cách tôn giáo. Sau nhiều năm sưu tập, ngài đứng đầu nhóm dịch thuật (CTKT): vào năm 2005 “Từ Điển Bahnar-Việt” ra đời lưu hành nội bộ, đến năm 2008 đã chính thức cho xuất bản, với tinh thần thích ứng một số từ, trong đó có từ “DIĔNG” và GIĔNG”, nghĩa là thêm một số ý nghĩa có tính cách tôn giáo thích hợp cho phụng vụ, giáo lý và kinh sách hiện nay.[19]
II.- Chữ viết được phiên âm với ký hiệu latinh và chữ viết cho người Sêđăng trong sinh hoạt tôn giáo công giáo.
1.- Những sách tiếng Bahnar được qui định sử dụng trong phụng vụ Thánh lễ, Bí tích, kinh nguyện tại các tơring (giáo xứ), làng dân tộc Sêđăng từ ngày đầu loan báo Tin Mừng (1905) cho đến những ngày gần đây.
2.- Nhưng gần đây, các linh mục cố gắng tạo chữ viết tiếng Sêđăng và áp dụng trong những giờ đạo đức bình dân. Trước nhất, chúng tôi đề cập đến cố gắng của linh mục thừa sai Paul Crétin (1892-1978) đã soạn một quyển từ điển Français-sedang (Dak-Kang), in Ronêô “Lửa Hồng”, 2 tập, 1064 trang; 33 cm, đã Polycopi, ngày 18/6/1971[20]. Hiện nay có một số sách tự điển Việt-Sêđăng, sách Tân ước bằng tiếng Sêđăng của linh mục Simon Phan Văn Bình soạn thảo để sử dụng nội bộ[21]. Bài hát Kinh Tin Kính (Á Loi) tiếng Sêđăng trong thánh lễ vẫn dùng Pú E-kle-di-a[22]. Những nghi thức Thánh lễ và các bí tích bằng tiếng Sêđăng cho đến nay chưa được phép chính thức áp dụng trong Giáo phận.
3.- Nhưng, đâu là lý do chính để tín hữu tại các tơring (giáo xứ), làng dân tộc Sêđăng phải sử dụng những sách bằng tiếng Bahnar trong phụng vụ Thánh Thể, Bí tích, kinh nguyện từ trước cho đến ngày nay?
4.- Lý do thứ nhất : vì có nhiều phương ngữ trong tiếng Sêđăng, nên cần thống nhất ngôn ngữ chung Phụng tự cho các dân tộc trong giáo phận, ít nhất trong giai đoạn thiếu linh mục.
Phân chia vùng Phương Ngữ trong Tiếng Sêđăng[23]:
“Sêđăng là ngôn ngữ thuộc hệ Môn-Khơme, được khoảng 40.000 người ở vùng trung tâm tỉnh Kontum. Người ta nói rằng mỗi làng Sêđăng nói khác nhau một ít. Trong phần này, mỗi điểm khác biệt quan trọng nhất sẽ được miêu tả.
+ Thật là thích hợp để phân chia vùng Sêđăng thành những vùng phương ngữ khác nhau. Vùng Sêđăng trung tâm bao gồm quận Tumơrông và phần lớn những làng ở phía Bắc và phía Đông Dak Tô và phía Nam trục lộ Dak Tô – Tumơrông.
+ Những làng lớn của ngôn ngữ Sêđăng sẽ lộ ra nhiều khác biệt về ngôn ngữ. Những làng này bao quanh vùng Sêđăng trung tâm và mở rộng ra xa 10km về phía Tây Bắc của Dak Tô trên trục đường đi Dak Sut (Quốc Lộ 14) 10km phía Nam Dak Tô và những làng nằm ở vị trí xa hơn về phía Đông.
+ Có ba phương ngữ vùng ngoại biên : Dak Sut Sêđăng, Kon Hring Sêđăng và Kotua Sêđăng. Dak Sut Sêđăng bao gồm những làng nằm dọc theo con đường Dak Tô – Dak Sut về phía cực Bắc. Kon Hring Sêđăng chỉ có một mình làng Kon Hring, đây là ngôi làng lớn nhất của vùng Sêđăng. Kotua Sêđăng được nói ở vùng Măng Buk, nằm cách Tumơrông 30 Km.
+ Phương ngữ thược vùng phụ cận của tiếng Sêđăng gồm có Jeh (nằm ở Bắc), Halăng Dak Sut (nằm gần Dak Sut). Rơngao gồm cả Sêđăng Rơngao (ở phía Tây và Phía Nam), Tơdra (ở phía Nam), Cua và Hrê (ở phía Đông)”.
Thứ đến: người tín hữu vùng Sêdăng có những chú yao phu được đào tạo và xuất thân từ trường Cuênot từ năm 1911 như chú HIEH (Dak Kang)[24], chú Juje IOIH (Kon Hơring)[25] và nhiều chú yao phu khác đến giảng đạo vùng xa xôi hẻo lánh. Các linh mục thừa sai huấn luyện các chú yao phu có tinh thần truyền giáo, đến hiện diện những làng xa và đồng hành đời sống đạo đức bình dân bằng tiếng Bahnar. Trong cuộc chiến vừa qua, nhiều làng công giáo phải di tản đến nơi khác và qui tụ chung quanh các yao phu trong mọi sinh hoạt tôn giáo bằng những câu ca tiếng hát, bằng ngôn ngữ tiếng Bahnar. Đó là phương thức hiệp nhất trong mọi sinh hoạt xã hội thời bình cũng như thời chiến nơi vùng cực bắc giáo phận Kontum.
5.- Thực tế hiện nay, từ latinh “Ecclesia” được dịch ra 3 kiểu khác nhau như ghi chú số 20 và 21 và cố gắng tạo bản văn Kinh Thánh, nghi thức Thánh Lễ và các Bí tích, đang xin Giám mục cho phép thí nghiệm. Tuy nhiên, những kinh nguyện bằng tiếng Sêđăng đang ngày càng phổ biến trong các làng người Sêđăng dù có những phương ngữ khác nhau. Về lâu về dài, các linh mục đang suy nghĩ về đường hướng qui nạp chung các từ ngữ tiếng Sêdăng của những vùng chính yếu dù có một số phương ngữ khác nhau.
III -Tiếng nói được phiên âm với ký hiệu latinh và chữ viết người Jrai.
1.- Chữ Viết Tiếng Jrai Cổ được Linh mục thừa sai Nicolas (1876 – +1947) sáng tạo từ đầu thế kỷ XX tại Habâu. Bản giáo lý và kinh sách viết tay cho dự tòng của cha Nicolas có dùng từ “Ecclesia” để chỉ “Hội Thánh” [26]. Văn bản giáo lý dự tòng này nói lên một cố gắng trong việc giáo huấn đời sống đức tin bằng con đường tiếng nói bản địa Jrai. Tuy nhiên, các chú yao phu được đào tạo tại trường Yao Phu Cuênot chẳng những là giáo lý viên cho người dân tộc, mà đã được huấn luyện sống theo tôn chỉ một Hội Cầu Nguyện, đã cam kết với lời tuyên thệ làm tông đồ giáo dân dựa trên nền tảng Bí tích Thánh Thể, Lời Chúa, như Tu Hội giáo dân sống giữa đời. Vùng truyền giáo người kinh có các thầy giảng, vùng Tây nguyên, các chú yao phu truyền giáo cho người dân tộc, là thầy giảng, phục vụ cho người dân tộc, đến các nơi được Bề Trên Hội Yao phu sai đi. Chính phương thức truyền giáo và đường hướng áp dụng nghi thức Thánh Lễ, các kinh nguyện bằng tiếng Bahnar vùng Sêđăng cũng áp dụng cho vùng người Jrai.
Vào thập niên 50 thế kỷ trước (thế kỷ XX), Giám mục Paul Seitz (Đức cha Kim) gởi linh mục Jacques Dournes (Đức) MEP đến vùng Cheoreo (năm 1955) phục vụ truyền giáo cho người dân tộc Jrai. Vị thừa sai Jacques Dournes nghiên cứu phong thổ, cách phát âm tiếng nói người bản địa, đã cố gắng sáng tạo chữ viết tiếng Jrai bằng mẫu tự latinh. Nhờ chữ viết này, ngài bảo tồn văn hóa truyền khẩu và ứng dụng trong đời sống giáo lý cho người dự tòng. Ngài đã viết từ điển nhỏ “Ébouche de dictionnaire de la langue jorai” năm 1955-1964 – XII-1112 trang, 21cm và rất nhiều sách về phong tục tập quán người dân tộc Jrai[27].
2.- Quyển Tân Ước tiếng Jrai: Từ “Ecclesia” được dịch ra tiếng Jrai: “Jơnum”. “Hră Hiap Ơi Adei Bruă Jiang-Mah Brâu”, Khul Kristô Čơreo-Pleiku-Pleikly pơblih, Nhà Sách Đức Mẹ, 38, Kỳ Đồng – Saigon, năm 1973, đã dịch đoạn Tin Mừng Mathêo 16, 18a như sau: 18a “Leih anun Kau, Kau laĭ kơ ong: Ong Pơtau, nơi pơtau tơli anun Kau amra pơdong Jơnum Kau, bah-mang Hơbrei bu nam grong ôh. 19a Kau amra jao ƀrơi kơ ong khoă pơmut amang Jơnum-Adei, (…)”.
3.- Trong nghi thức Thánh Lễ hiện nay[28].
Nghi thức Thánh Lễ tiếng Jrai : “TRING ĐĂO KONTUM, BRŬA HƠDUA” – Sang Jơnum Plei Čuet – 2005 –
PDK hrom 01: Ô Ama, rôkaâo Ih hôdor kô Khul Jônum Môyang[29].
Nghi thức Thánh Lễ tiếng Jrai trong thời kỳ thí nghiệm chưa được Thánh Bộ Phụng tự Tòa Thánh chính thức phê chuẩn.
4.- Phụng vụ thánh mang tính Giáo hội hoàn vũ.
Vai trò của Phụng Vụ trong mầu nhiệm Giáo Hội. Thật vậy, nhờ Phụng Vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”. Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại cũng qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải qui hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về việc chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm. Hằng ngày, Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần để đạt tới mức tuổi sung mãn của Chúa Kitô . Nhờ đó, Phụng Vụ còn kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa Kitô; và như vậy Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên.
Mầu Nhiệm Thánh Của Lễ Tạ Ơn. Nên Phụng vụ Thánh Thể Tạ Ơn mang dấu ấn được Tông Tòa chuẩn y như Công Đồng Vat. II qui định[30].
PHẦN BA
Ý nghĩa của từ “ GIÁO HỘI & HỘI THÁNH”
Chúng tôi vừa duyệt qua những từ ngữ được dùng trong thời gian qua dịch từ “ECCLESIA” trong nền văn học chữ quốc ngữ cũng như tiếng dân tộc Tây nguyên. Trong PHẦN BA: chúng tôi cố gắng trình bày Ý nghĩa của từ “GIÁO HỘI & HỘI THÁNH” hiện đang sử dụng .
Nhưng vấn đề được đặt ra: trước năm 1924, tĩnh từ “Sancta” luôn đi trước danh từ và bổ nghĩa cho “Ecclesia” mới dịch là “Hội thánh”. Từ năm 1924, trong tập tài liệu “Lexique des termes de religion” , từ “Ecclesia” dịch: “Giáo Hội”, “Nhà thờ”, “Hội thánh. Có phải chăng đây là khởi điểm sử dụng từ “Giáo Hội” chen lẫn với từ “Hội Thánh” trong một số bản văn, để yếu tố “Sancta” không rõ nét, nên dễ tạo sự lẫn lộn từ “Giáo hội” nhấn mạnh khía cạnh tổ chức, cơ cấu tổ chức…, nghĩa là khía cạnh trần thế, còn từ “Hội thánh” giữ vai trò làm nổi bật yếu tố thần linh?
Sau đây, chúng tôi xin trình bày ý nghĩa đích thực của từ “Giáo Hội” và “Hội Thánh” trong Kinh thánh và tuyền thống thần học.
I.- Ý nghĩa tổng hợp.
a/ GIÁO HỘI:
Ecclesia, Church, Église, 教會 (giáo hội)
Giáo (教): đạo; hội (會): đoàn thể. Giáo Hội: đoàn thể của một tôn giáo.
Giáo Hội còn được gọi là Hội Thánh.
b.- HỘI THÁNH:
Ecclesia, Church, Église, 聖教會 (thánh giáo hội)
Hội (會): đoàn thể; thánh (聖): thuộc về thần linh.
Hội Thánh trong tiếng Hy Lạp là evkklhsi,a (Ekklesia – sự tập họp dân chúng), được bản Thánh Kinh LXX dùng để dịch từ Hipri lh’q’ (Qahal – triệu tập, quy tụ).
Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, gồm những người tin theo Chúa Kitô, được chính Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ từ khắp thế gian (x. GLHTCG 752).
Hội Thánh có thể chỉ cộng đoàn phụng vụ, cộng đoàn tín hữu ở một địa phương hay cộng đoàn mọi tín hữu trên toàn thế giới. Ba ý nghĩa ấy không thể tách biệt nhau (x. GLHTCG 752).
Hội Thánh đã được Thiên Chúa chuẩn bị trong lịch sử dân Israel, được Đức Kitô thiết lập trên nền các Tông Đồ, và Chúa Thánh Thần thánh hoá (x. GLHTCG 759-68).
Sứ mệnh chính của Hội Thánh trong thế giới là loan báo và làm chứng cho Phúc Âm, cử hành phụng vụ và phục vụ. Đặc tính của Hội Thánh là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Hội Thánh mang hai chiều kích hữu hình (có cơ cấu phẩm trật), và vô hình (là Mầu nhiệm).
Hội Thánh là mầu nhiệm, là bí tích (tức dấu chỉ và khí cụ) của Đức Giêsu Kitô (x. GH 1). Do đó, mầu nhiệm Hội Thánh liên kết trực tiếp với mầu nhiệm Nhập Thể và cứu độ của Con Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô (x. Mc 16,15).
Các hình ảnh biểu trưng của Hội Thánh là: Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Kitô, Hiền Thê của Đức Kitô, đàn chiên, cánh đồng của Thiên Chúa, Đền Thánh, v.v.
Hội Thánh còn được gọi là Giáo Hội.
(X. Công giáo, Tính -; Duy nhất, Tính -; Giáo Hội; Thánh thiện, Sự -; Thân Thể Đức Kitô; Tông truyền của Hội Thánh, Đặc tính –)
Tóm lại nội hàm của từ ngữ “Hội thánh” cũng đồng nghĩa với “Giáo hội” mang 2 chiều kích :hữu hình và vô hình.
II.- Theo Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) số 8 trình bày bản chất của Giáo Hội:
“8. Giáo Hội, thực tại hữu hình và thiêng liêng.[16]* Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ[17]. Qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là xã hội có tổ chức qui củ, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành [18]. Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống động để tăng triển thân thể (x. Eph 4,16)[19]”[31].
Tóm lược những khía cạnh căn bản về bản tính nhân thần của Giáo Hội như sau[32]:
“Số 8: Bản tính nhân thần của Giáo Hội.
Trong Giáo Hội, phải phân biệt – nhưng không được phân tán – hai khía cạnh, có thể so sánh với hai bản tính của Ngôi Lời nhập thể: một khía cạnh nhân loại và một khía cạnh thần linh. Giáo Hội như một mầu nhiệm thực sự xuất hiện trên trái đất dưới hình thức cụ thể và hiển nhiên, và Giáo Hội vẫn hiện diện, nếu không chúng ta không thể nói tới mầu nhiệm (Giáo Hội là bí tích cứu rỗi, là dấu hiệu hữu hình của ơn cứu rỗi vô hình và là dụng cụ của quyền năng Thiên Chúa, xem số 1). Mầu nhiệm là chương trình cứu rỗi được Chúa mạc khải ở trần gian này dưới những tấm màn trong suốt (8a).
Vậy Giáo Hội được Thiên Chúa triệu tập và qui tụ, phù hợp với Chúa Kitô, là thân thể của Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần làm cho hoạt động. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn là nơi qui tụ mọi người với tất cả những yếu tố mà nơi qui tụ đó bao gồm, không những về tổ chức, cơ cấu, thế lực xã hội, mà cả những yếu đuối và tội lỗi. Thực tế phức tạp của Giáo Hội là như thế, nhưng cũng đừng nên tách biệt hay đối kháng mà phải nhìn với con mắt đức tin như một công trình của lòng nhân hậu Chúa muốn xử dụng mọi yếu tố nhân loại, không khinh chê sự yếu hèn của nó. Sự thống nhất có tính cách nền tảng của Giáo Hội sống động được xác quyết qua ba cách thức khác nhau: không thể có sự đoạn giao giữa từng hai ý niệm đi với nhau:
“Xã hội phẩm trật – Nhiệm thể Chúa Kitô”;
“Công hội hữu hình – Cộng đoàn thiêng liêng”;
“Giáo Hội trần gian – Giáo Hội tô điểm bằng hồng ân thiên quốc”.
Chúng ta đứng trước một thực tại phức tạp không chia cắt, nhưng lại bao gồm một yếu tố nhân loại và một yếu tố thần linh. Trong thực tại phức tạp này, Giáo Hội là dấu hiện có Chúa Thánh Thần hiện diện và chính Ngài sẽ hoàn tất trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội ơn cứu độ của những người được tuyển chọn.
Sự kiện vừa là dấu hiệu vừa là lý do sinh ra ơn thánh cấu tạo nên chính yếu tính của bí tích hay mầu nhiệm: dấu hiệu hữu hình của thần lực vô hình (8b).
Giáo Hội thánh thiện thật, nhưng một trật cũng luôn đòi được thanh tẩy; tội lỗi tồn tại trong Giáo Hội, nhưng Giáo Hội lại được Chúa Thánh Thần thánh hóa sâu xa. Do hai đặc tính này mà công cuộc cứu độ luôn được thực hiện dưới dấu chỉ khó nghèo và bách hại: đó chính là con đường mà Giáo Hội phải dấn thân để theo gương Chúa Giêsu; đường riêng của Chúa luôn là đường Thánh Giá. Giáo Hội là Giáo Hội của tội nhân nên luôn luôn cần được thanh tẩy. Nhưng nếu từ đó mà vội kết luận rằng Giáo Hội như thế không còn thánh thiện là kết luận sai, bởi vì như vậy là chỉ nhìn toàn bộ con số những chi thể chứ không nhìn đến một cái gì khác trong Giáo Hội. Giáo Hội là một xã hội do Chúa Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động chỉ với mục đích tranh đấu và chiến thắng tội lỗi. Ðó chính là lý do và là cách thức thánh thiện tinh tuyền của Giáo Hội: Chắc hẳn không phải nơi chi thể hay thủ lãnh, nhưng là trong chính yếu tính. Giáo Hội là Hiền thê không tì ố, không bụi nhơ, nhưng chỉ hiện hữu nơi trần gian này trong tình trạng chuẩn bị (8c).
Giáo Hội sẽ toàn thắng trên chặng đường nguy khó này, nhưng chỉ có thể nhờ sự bác ái và nhẫn nại của Thánh Thần mới có thể lướt thắng được những trở ngại dồn dập. Những yếu đuối, những khó khăn, những thiếu sót của Giáo Hội, của một xã hội trần gian, không phải là những ảo tưởng, nhưng chúng có thực. Cuộc chiến thắng của Giáo Hội Chúa trên tất cả những nghịch cảnh này cũng không phải là giả tưởng, nhưng là cuộc chiến thắng thực sự cho người có lòng tin. Như vậy, Giáo Hội thực sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Kitô dù vẫn còn mây đen mờ tối cho tới khi có ánh sáng huy hoàng chiếu soi (8d)”.
PHẦN KẾT:
Trong Giáo Hội (Hội Thánh) phải phân biệt – nhưng không được phân tán – hai khía cạnh, có thể so sánh với hai bản tính của Ngôi Lời nhập thể: một khía cạnh nhân loại và một khía cạnh thần linh.
1.- “Giáo hội” (Hội Thánh) là một thực tại lưỡng diện.
+ Trong xã hội ngày nay, xã hội nhìn Giáo hội dưới lăng kính hữu hình, chỉ khu trú qui về khía cạnh “tổ chức, cơ cấu, thế lực xã hội, cả những yếu đuối và tội lỗi” để quản lý, để phê phán. Những che chắn ấy chỉ cho họ thấy khía cạnh trần thế của Giáo hội, thì họ vẫn chưa thấu suốt Giáo hội công giáo một cách trung thực, trọn vẹn và khi đó họ chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa đời sống hạnh phúc đích thực và lâu bền của người công giáo nằm ở chỗ nào.
+ Một khía cạnh bất cập khác của một số người chạy trốn khía cạnh hữu hình, con người cụ thể của Giáo hội, và sẽ rơi vào không tưởng, đánh mất vai trò truyền giáo và làm chứng nhân của con người công giáo phải có hầu canh tân xã hội hôm nay.
2.- Chúng tôi trở lại đoạn Tin Mừng theo thánh Mathêô 16, 13-18 và những nội dung chú giải[33].
“ 13 Khi Đức Giê su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-lip-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con người là ai? 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. 15 Đức Giê su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.16 Ông Simôn Phê rô thưa: “Thầy là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 (a) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.(18 (a)“Et ego dico tibi, quia tu es Petrus, et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam, et portae inferi non praevalebunt adversus eam”).
3.- GIÁO HỘI và HỘI THÁNH trong phần chú giải (trang 100-101) *16.13:
Tác giả đề cập 2 từ « GIÁO HỘI » và « HỘI THÁNH » trong phần chú thích đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn : GIÁO HỘI và HỘI THÁNH chen lẫn nhau với những ý nghĩa về 2 phần của một thực tại lưỡng diện.
a/ Sự đổi tên của ông Phêrô đứng đầu Nhóm Mười Hai nói lên ông sẽ là nền tảng Hội thánh, là người chỉ huy Nhóm Mười Hai.
b/ Từ thời Cựu ước, Thiên Chúa đã muốn cho dân Người có một trung tâm điểm hữu hình là Giê-rê-sa-lem và dân It-ra-el. Giờ đây Chúa lại chọn ông Phê-rô để làm nền tảng hữu hình cho Ngôi nhà Thiên Chúa là Hội thánh. Hội thánh thuở ban đầu đã có ông Phê-rô giữ vai nào, thì Hội thánh trong tương lai cũng sẽ có những người kế vị ông giữ vai ấy.
c/ Đoạn văn này nói về Giáo hội :
– Cho biết Giáo hội này được đặt trên nền tảng nào : niềm tin vào Đức Giêsu, là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa.
– Xoay quanh vị trí ông Phêrô đứng đầu các tông đồ ;
– Gợi ý rằng Giáo hội luôn cần có một vị lãnh đạo hữu hình.
– Lời tuyên tín của Phêrô rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Lời Chúa nói với ông Phêrô :Anh thật là người có phúc, cũng có giá trị đối với mọi người tín hữu, bỡi vì chính Cha của Người đã chọn chúng ta và đưa chúng ta đến với Ngươi.
– Giáo hội sơ khai ý thức quyền bính tối cao của Giám mục Roma, người kế vị thánh Phểrô.
– Mặc dù nơi các ông, lầm lỗi là thế nhân thường tình, nhưng Chúa Giêsu không thờ ơ đối với những gì các ông phán quyết : dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cỡi như vây.
Cho nên đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn nói lên vừa nói lên khía cạnh “tổ chức, cơ cấu, thế lực xã hội, cả những yếu đuối và tội lỗi”, đồng thời nói lên khía cạnh thần linh của Hội thánh. Hội thánh ví như người mẹ hiền, yêu thương người con trải qua bao năm tháng, dù sao đi nữa, có nhăn nheo, có thương tích vì tuổi già đã hy sinh nuôi con cái, đạo làm con càng phải yêu mến, tôn trọng, lo lắng người mẹ nhiều hơn.
CÀI HOA HỒNG
Hoa hồng cài áo tết năm nào.
Lòng cảm bâng khuâng mến dạt dào.
Thương mẹ hiền, thân cò lặn lội,
Dưỡng nuôi con, chẳng quản lao đao.
Nâng niu con, lúc còn bồng bế ;
Con ngã bệnh, lòng mẹ xốn xao.
Nghĩa mẹ, như sông dài biển rộng.
Mẹ nhiều tuổi như trời nhiều sao.
Hồng Sơn Ngọc
Kontum, ngày 14/ 07/2016
Linh mục GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN
[1] Xin xem thêm:
1/ Nội Lực Để Sáng Tạo Và Bảo Tồn “Chữ Quốc Ngữ” Trong Tầm Nhìn “Không Gian Văn Hóa Chữ Quốc Ngữ”.
2/ “MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES”
3/ “Linh mục Jêrônimô Maiorica S.J Với Tác Phẩm Giáo Lý Chữ Nôm”
4/ Tiếng Nói Nước Đại Việt (Việt Nam) Vào Thế Kỷ XVII Và Gạn Lọc-Phát Huy Trong Sáng Tiếng Việt Hôm Nay. Đường dẫn: http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-Bai-Viet-20XX925gpkt-Tieng-Noi-Nuoc-Dai-Viet-Viet-Nam-Vao-The-Ky-XVII-Va-Gan-LocPhat-Huy-Trong-Sang-Tieng-Viet-Hom-Nay.shtml
[2] Xem “Kinh Thánh Tân Ước”, Lời Chúa Cho Mọi Người, Bản dịch Kinh Thánh do Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, NXB. Tôn Giáo , Hà-Nội – 2005.
[3] Câu 18, tiếng latinh: xem Mt 16, 18 (a): “Et ego dico tibi, quia tu es Petrus, et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam, et portae inferi non praevalebunt adversus eam”
[4] GIÊRÔNIMÔ MAIORICA S.J – 1646, “Các Thánh Truyện”, (Tháng Năm) do Nhóm dịch thuật chữ Hán Nôm Công Giáo (Chân Đạo Yếu Lý Quốc Ngữ), Linh mục Nguyễn Hưng chủ biên, (Lưu hành nội bộ) – 1998, “(trang 6) Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông (TCTGKM) số 000.
.[5] A. Lexandre De Rhodes, “Từ Tiển Annam-Lusitan-Latinh” NXB Xã Hội 1991.
[6] Giáo sĩ Đăc Lộ và Tác Phẩm Quốc Ngữ Đầu Tiên, NXB Tinh-Việt Văn Đoàn, Saigon năm 1961
[[7]] Xin xem: Võ Long Tê, “ Lịch sử văn học Công Giáo Việt Nam” , cuốn 1, của, nxb Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 255 -258. Đường dẫn : http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-Bai-Viet-20XX786gpkt-Nen-Van-Hoc-Cong-Giao-Vie, Bản dịch Kinh Thánh do NhơmtNam.shtml
[8] Xin xem từ “giáo” trong từ điển của Giáo sĩ A. Lexandre De Rhodes, “Từ Tiển Annam-Lusitan-Latinh” NXB Xã Hội 1991. Trang281
[9] Xin xem từ “hội”, trong từ điển của Giáo sĩ A. Lexandre De Rhodes, “Từ Tiển Annam-Lusitan-Latinh” NXB Xã Hội 1991. Trang 334.
[10] Xin xem tiểu sử của Đặng Đức Tuấn (1806-1874) trong: “Đặng Đức Tuấn”, Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt nam, in lần thứ nhất, xuất bản năm 1970, trang 11 – 17.
[11] Sách đã dẫn, Đặng Đức Tuấn, trang 78-80.
[12] Sđd. trang 128
[13] Sđd. Trang 144-145
[14] Xin xem đường dẫn: http://giaophankontum.com/Tu-Lieu-155_%E2%80%9CDICTIONNAIRE-BAHNARFRANCAIS%E2%80%9D-NXB-HongKong-1889-cua-Linh-muc-DOURISBOURE-MEP.aspx
[15] Linh mục thừa sai P. Dourisboure MEP đã đúc kết những từ Bahnar “Vocabularium apud barbaros Bahnar, 1870, dày 268 trang ; 20×26 cm;
Dourisboure MEP, “Dictionnaire bahnar-français”, in tại Hongkong năm 1889.
[16] Từ “DIENG” (trang 68) có nghĩa: Chômé, illicite, s’abstenir d’une chose par religion, par superstition, pour cau de santé.
Nar dieng, un jour de fête.
Hâm dieng kơ jang drou ? est-il défendu de travailler aujourd’hui ?
Iem hâm dieng ? Etes-vous en fête ? est-il defend d’ entrer chez vous?.
Inh dieng kơ xa rơmā, je m’abstiens de manger de la graisse.
[17] Nhóm CTKT (Nhóm Chánh Tòa KonTum) gồm: A Nanh, A Pho, A Tĭk, A Thưng, Nguyễn Hữu Hậu, Lm. Nguyễn Thanh Liên, NXB Tôn Giáo Hà Nội – 2008.
[18] PLANG XOI, PUNG KHÓP KONTUM. XƠNĂM 2000. ‘Dei Pơm Kiơ ‘Don Bôl Akôm Pơ ‘Dăp Vaticanô II Păng ‘Dei Bok Papa Paulê VI Pơang Xơnam 1970” (Tơblơ kiơ hlabar Missale Romanum 1975, Păng Notitiae, 1983). Nghi thức này cho đến hôm nay chưa được chính thứcBộ Phụng tự Tòa Thánh ban phép sử dụng.
[19] Xin xem “Từ Điển Bahnar-Việt”, NXB Tôn Giáo, Hà-Nội 2008, trang 132, cột 2, từ diěng(KJ) [giěng (KJ)](đt): 1- cữ, kiêng cữ. 2- đã làm phép (tôn giáo). 3- cấm kỵ, cữ, kiêng cữ.
Xin xem thêm từ « giěng » , sđd, trang 169 cột 2 : Giěng (K) [diěng (J)] (đt) (tt):1- Cữ, kiêng cữ. Giěng kơ xa ‘nhăm : kiêng thịt. 2- cấm ky. : Hôm nay làng chúng tôi cấm ky. (nội bất xuất, ngoại bất nhập). ‘Dak giěng : nước thánh (tôn giáo). Lăm giěng : Nhà tạm (tôn giáo). Bôl Giěng : Hội thánh. Bok giěng : Nam tu sĩ, Yă giěng : Nữ tu.
[20] Xin xem trang 404, VN.52 trong “Bibliographie des Missions Étrangères” – Civilisations, Religions et Langues de L’Asie, năm 2008, in tại Pháp. Linh mục Crétin dịch từ “Église” qua tiếng Sêđăng là “he ba Iang”, Từ “la Ste. Eglise : Mu Eklexia, bu kuan B.I.
[21] Phan Văn Bình, “Từ điển Việt-Xedang”, Kontum 2005 (lưu hành nội bộ). Tác giả dịch từ “Giáo Hội”qua tiếng Sêđăng là “Mao Tiếu”.
Cùng một tác giả, sách Tân Ước: “Rơkong Hak Phiu Yêxu Kristô, năm 2005. Mt. 16, 18(a) từ “Giáo Hội”qua tiếng Sêđăng là “Mao Tiếu”.
Linh mục Giuse Võ Văn Dũng, chánh xứ Tea Rơxá, dùng từ :”Mao Tiŭ”
[22] Xem sách U Éa Xéang Xiam Xédang & Bahnar” 2012, phần Hat Xối trang 8.
[23] Chủng Viện Thừa Sai Kontum, “Hlá Mơ-Éa Mơhriam Rơkong Rơtea” – Sách học tiếng Sêđăng. NXB Hồng Đức 2015, trang11-13
[24] Hlabar Tơbang Hnam Trung Kuenot, năm 1911, số 3, trang 26
[25] Sdd Hlabar Tơbang Hnam Trung Kuenot, năm 1911, số 6 trang 42.
[26] Bài nghiên cứu của linh mục Nguyễn Hoàng Sơn, Xin xem đường dẫn: http://giaophankontum.com/Ky-Su-35_Mot-van-ban-co-bang-tieng-Jrai.aspx
(Phần giáo lý cơ bản, CHAL 1 [ĐOẠN 1]: chal mă 6)
[27] Xem Jacques Dournes, “Bibliographie des Missions Étranggeres” trang 400, VN.43
[28] TRING ĐĂO KONTUM , BRŬA HƠDUAH BƠNI, Sang Jơnum Plei Čuet – 2005 –:
[29] «Khul Jỏnum Mơyang» , nghĩa là Hội Thánh.
[30] Công Đồng Vaticanô về : Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium). Trích các số:
số 40 Phương cách thích nghi phụng vụ. Nhưng trong nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, phải cấp bách thích nghi Phụng Vụ sâu xa hơn, và do đó gây nên nhiều khó khăn hơn, nên:
1) Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, phải thận trọng và khôn ngoan cứu xét trong công việc này, những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể được chấp nhận thích đáng vào việc phụng thờ Thiên Chúa. Những thích nghi được thẩm định là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình lên Tông Tòa để được kết nạp và chuẩn y.
2) Ðể việc thích nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Tông Tòa sẽ ban phép cho Giáo Hội địa phương để, nếu gặp trường hợp đó, cho phép và điều khiển các cuộc thí nghiệm sơ khởi cần thiết, trong vài cộng đoàn hợp với mục tiêu và trong một thời gian hạn định.
3) Vì các luật lệ phụng vụ thường mang nhiều khó khăn đặc biệt cho việc thích nghi, nhất là trong các Xứ Truyền Giáo, nên để thiết lập các luật lệ này, cần phải có mặt các nhà chuyên môn trong lãnh vực đó.
54. La ngữ và tiếng bản quốc. Tiếng bản quốc có thể được dùng cách thích đáng trong những Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là trong các bài đọc và “lời nguyện chung”, cũng như tùy theo hoàn cảnh địa phương, cả trong những phần dành cho dân chúng, chiếu theo quy tắc khoản 36 của Hiến Chế này.
Tuy nhiên phải dự liệu sao để các Kitô hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung, ngay cả bằng La ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong Thánh Lễ.
Nhưng ở bất cứ nơi nào việc dùng tiếng bản quốc rộng rãi hơn trong Thánh Lễ được xem là chính đáng, đều phải tuân giữ những điều đã qui định trong khoản 40 của Hiến Chế này.
[31] Xin xem số 8, trong Văn kiện Công Đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI-LUMEN GENTIUM, bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X.
[32] Xin xem thêm Phần chú thích số [16]* trong số 8 của Văn kiện tín lý về Giáo hội Lumen Gentium.
[33] Trong “KINH THÁNH TÂN ƯỚC, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI”, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội – 2005, trang 100-101.
(Nguồn bài viết: http://giaophankontum.com/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét