Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo Phận Kontum xin kính giới thiệu cuộc trao đổi giữa Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn – Trưởng ban Truyền Thông Gp. Kontum với Lm. Giuse Nguyễn Đức Chương – Chánh xứ Gx. Plei Rơhai – Gp. Kontum về hội nhập văn hóa trong Phụng Vụ tại Nt. Plei Rơhai, 04/07/2016.
Trong câu chuyện việc chế tác một số nhạc cụ mang tiết điệu Cồng Chiêng Tây Nguyên. Lm. Giuse Nguyễn Đức Chương sống suốt 44 năm (1972 – 2016) liên tục ở với các anh em bổn đạo các sắc tộc. Ngài có tâm “Hội Nhập Văn Hóa”, nhưng với lòng kiêm tốn, ngài cho rằng “ “Con chỉ có tâm mà chưa có tầm”; con ước mong, một ngày không xa, tiếng đàn ống kẽm, chiêng Mini, bộ cồng chiêng truyền thống sẽ vang khắp các buôn làng, các xứ đạo, rất mong các cha sẽ giúp cho con em có các nhạc cụ trên để sử dụng trong Phụng vụ Thánh”.
GPKONTUM (05/07/2016) KONTUM
--------------------------
Hôm nay, chúng tôi, Ban Truyền Thông Giáo Phận Kontum, xin giới thiệu đến quí vị một công việc, tạm gọi là “Hội Nhập Văn Hóa” trong việc chế tác một số nhạc cụ mang tiết điệu Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Chúng tôi nói tới linh mục Giuse Nguyễn Đức Chương, một vị thừa sai cao tuổi, trong suốt 44 năm từ 1972 tới 2016, liên tục ở với các anh em bổn đạo các sắc dân: Sê đăng, Rơngao, Banar, Jarai. Hiện nay, cha đang ở xứ Plei Rơhai, tỉnh Kontum. Để công việc được thứ tự chúng tôi xin đặt các câu hỏi để linh mục trả lời:
TBTT: Xin cha có thể tự giới thiệu ít hàng về đời sống riêng tư từ nhỏ cho tới hiện tại.
Cha Chương: Thưa cha, tự nói về mình là điều không hay nhưng vâng lời, con xin khái quát ít hàng:
Con sinh ra ở miền Bắc, tỉnh Nam Định. Năm 1943 ra Hải Phòng và năm 1954theo bố mẹ vào nam, định cư ở vùng Sài Gòn. 1956 gia nhập Tiểu Chủng Viện Phan Xi Cô của giáo phận Bùi Chu di cư.
1962 gia nhập giáo phận Kontum và được gửi đi học ở Đại Chủng Viện Huế.
1970 chịu chức linh mục, và hai năm đầu từ 1970-1972, làm cha phó ở xứ Thăng Thiên (Pleiku) rồi phó xứ Phương Nghĩa (Kontum). Cuối năm 1972, Đức Cha Paul Seitz-Kim cho đi học một khóa thổ ngữ Banar, rồi sai đi làm cha xứ cho một trung tâm tỵ nạn chiến tranh ở cầu Đắk Kấm, vùng đó nay là trại cải huấn Kontum. Dân nơi đây gốc ở 24 làng có đạo, đa số là Rơngao và Banar ở phía Bắc Kontum chạy bom đạn về ở nơi đây. Chính tại nơi đây, con được phúc làm quen với âm nhạc cồng chiêng và các điệu múa truyền thống của anh em các sắc dân Tây Nguyên. Đặc biệt cử hành cồng chiêng, hát (đôi khi có Xoang Plang: múa dâng lễ) trong các thánh lễ ngày Chúa Nhật và các lễ trọng trong năm.
TBTT: Giáo dân đa sắc dân và thổ ngữ như vậy có gì khó khăn cha gặp?
Cha Chương: Thưa cha, trẻ em đi học các trường nhà nước nên các em cũng biết tiếng phổ thông. Riêng phía nhà đạo như cha đã biết truyền thống ngay từ đầu, các vị thừa sai và các linh mục giáo phận, bắt buộc phải biết một trong các thổ ngữ của giáo phận.
Năm 1850, cha Bê (Combes) và cha Ân (Dourisboure) đã mẫu tự hóa La tinh các thổ ngữ Bahnar và Sê đăng để giảng dạy và dùng trong phụng vụ.
Công việc này vẫn đang tiếp tục và đã có Kinh Thánh tiếng Bahnar, Jarai, Sê đăng. Các bài thánh ca phụng vụ, âm nhạc, múa…bằng các thổ ngữ trên.
TBTT: Cha nói tiếp điệu âm nhạc Tây Nguyên, nó có gì đặc trưng?
Cha Chương: thưa cha, con không phải là nhà nghiên cứu âm nhạc, với sự hiểu biết có hạn về âm nhạc căn bản trong những năm tháng ở Tiểu Chủng Viện trước đây, con mạn phép vắn tắt: Nhạc cồng chiêng Banar ở vùng Kontum, căn bản là âm giai trưởng thiếu hai nốt. Ví dụ: Âm giai Đô trưởng:
DO, MI, FA, SOL, SI, DO (không có Rê và La)
TBTT: Các nhà nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thường phân biệt chiêng mỗi sắc dân đều có nét riêng, cha nghĩ sao?
Cha Chương: Thưa cha, đúng vậy. nhưng vì đã ở lâu với các anh em Rơngao Kon Trang, Rơngao Đak Wơk, anh em Bahnar vùng Kontum và anh em Jarai các làng thuộc huyện Chư Pah, Đak Đoa, phía nam Kontum, con thấy các sắc dân đây dùng các bộ chiêng tiết tấu tương đối giống nhau, họ gọi là bộ cồng chiêng ARAP.
TBTT: Cha cho một ví dụ về các loại chiêng của các sắc dân được không?
Cha Chương: Không phải là nhà chuyên môn, con chỉ viết theo kiểu già làng Hai Lúa-truyền nhau, xin cha hy sinh nghe. Cồng chiêng Rơngao và Bahnar Kontum gồm có:
– 3 cồng lớn có núm: làm bè đệm với 3 note: DO, SOL, DO (chiêng Do)
– 8 chiêng bẹt không có núm: phần giai điệu: SI, DO, MI, FA, SOL, SI, DO, MI.
Xin lưu ý: trong bộ lễ Bahnar của thầy Hun, phần kinh Tin Kính ( Inh Lui) có một nốt RÉ ngoại lệ, nên cồng chiêng ở các xứ đạo Bahnar thay vì note MI cao được thay thế RÉ để dễ diễn tấu: SI, DO, MI, FA, SOL, SI, DO, RÉ.
TBTT: Còn cồng chiêng Jarai thì sao?
Cha Chương: Phần cơ bản cũng như Banar và Rơngao nhưng họ thêm các chiêng đệm và chiêng giai điệu.
Ví vụ: – 3 cồng có núm –phần đệm: DO, SOL, DO và thêm SOL, SOL và DO, DO.
– Chiêng bẹt không núm: giai điệu. SI, DO, MI, FA, SOL, SI, DO, MI, FA, SOL, SI, DO, MI, FA, SOL.
Anh em Bahnar ở các làng như: Plei tơ Wer, Plei Klen, Plei Om, Hơde, De Xơmay…gần các làng Jarai nên cũng dùng các bộ cồng chiêng như Jarai.
Cồng chiêng Jarai nghe rất hùng tráng vì phần đệm có tới 7 chiếc, nhiều khi diễn tấu phần đệm lớn quá, làm át tiếng phần giai điệu.
Cồng chiêng Banar và Rơngao vùng Kontum phần đệm thì có 3 cồng, nên phần giai điệu nghe rất rõ, mỗi miền có cái hay riêng, tùy theo thời gian, không gian mỗi khi diễn tấu cho thích hợp.
TBTT: Thế còn cồng chiêng các vùng khác như Sê đăng, Jẻ ở phía Bắc Kontum thì sao?
Cha Chương: thưa cha con không rõ lắm.
TBTT: Tôi thấy ở phòng hội giáo xứ, cha có bộ cồng chiêng treo trên cây sao dài, là loại chiêng gì vậy?
Cha Chương: thưa cha, gọi là “CHIÊNG THANH NIÊN” còn có tên là Ching Pêl ( tiếng Jarai), loại chiêng này xuất hiện sau 1975, khi các bạn thanh niên muốn chơi các bản nhạc hiện đại trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, bèn nảy sáng kiến kết nối các chiêng lại, phần lớn theo giai điệu Do TRƯỞNG. Thứ tự như sau: SOL, LA, SI, DO, RE, MI, FA, SOL, LA, SI, DO, RÉ, MI, FA, SOL LA, SI, DO…( có thể thêm trước và sau tùy ý). Loại chiêng này không truyền thống và không thông dụng.
TBTT: Tôi cũng nhìn thấy mấy bộ đàn gõ bằng tre, bằng gỗ, bằng ống kẽm và một bộ gõ làm bằng các đĩa đồng nhỏ. Các thứ này có liên can gì đến cồng chiêng Tây Nguyên vậy?
Cha Chương: Thưa cha, cảm ơn cha đã thắc mắc và đặt ra câu hỏi này.
TBTT: cho con biết lý do.
Cha Chương: có câu: “Cái khó ló cái khôn”. Trước năm 1975, các bộ cồng chiêng Tây Nguyên rất là nhiều, hầu như các gia đình kha khá đều có 1 hoặc 2 bộ…đó là tài sản quí. Nhưng sau năm 1975, vì sinh kế nên nhiều người đã bán đi để ăn, nên cồng chiêng trong các làng ngày càng hiếm. Thời gian này các nhạc cụ điện tử như Piano, Organ chưa phổ biến, để thêm sắc thái âm điệu trong các dịp lễ, chúng con đã chế tác đàn “Tạ Tâng” (tiếng Bahnar) bằng tre nứa, có 8 nốt tương đương với 8 chiêng giai điệu, hòa chung với cồng chiêng, nghe cũng được, được giáo dân hưởng ứng. Nhưng có khuyết điểm là chỉ được thời gian ngắn, tre nứa khô hoặc ẩm ướt sẽ bị lạc giọng.
Sau đó vào năm 1980 chúng con dùng thanh gỗ thay thế làm thử bằng nhiều loại gỗ nhưng chúng con chỉ thấy có gỗ trắc đen là được nhất. Với các tính năng: âm thanh ấm, gọn, vang, chắc chắn, ít bị ảnh hưởng thời tiết. Thứ tự nốt nhạc tương đương với cồng chiêng: SOL, SI, DO, MI, FA, SOL, SI, DO, RÉ (thêm). Từ đó đến nay, con dùng chơi chung với cồng chiêng trong phụng vụ và sinh hoạt giáo xư ạ.
TBTT: Còn đàn gõ ống sắt sao lại có mặt?
Cha Chương: Các linh mục bạn nhờ con giúp làm bộ đàn gõ bằng trắc, nhưng tìm đâu ra những thanh gỗ trắc quý này, đủ to, đủ dầy, trong lúc mà gỗ trắc được bán bằng kilogam. Trước hoàn cảnh và nhu cầu thực tế thì phải xoay.
Một bữa kia ( khoảng 2010) nhìn thấy một chuông gió có 5 khúc ống nhôm dài ngắn lắc lư trước gió, phát ra âm thanh khá du dương. Con nảy ý định dùng ống kẽm để thử. Gần nhà xứ có người làm đồ sắt, ông ta có nhiều ống sắt đầu thừa đuôi thẹo, và con đã xin về, ống vuông có, dẹp có, tròn có khi gõ thử đều phát âm thanh leng keng, sau cùng thử ống kẽm tròn, tiết diện đường kính 42mm (Ɵ 42). Con đã mò mẫm cắt dài ngắn và định âm theo cây đàn Organ điện tử. Lúc đầu cũng khó khăn, rồi cũng có được một bộ đàn ống kẽm dài ngắn khác nhau, có âm điệu cao thấp khá chuẩn theo bộ cồng chiêng 8 nốt giai điệu. Con tiếp tục hoàn chỉnh và đã tạm ổn, để dùng sản xuất hàng loạt với kích thước và âm thanh tương đối tốt. Con nghĩ rằng sau này sẽ có nhiều mẫu hàng nhái đẹp hơn, hay hơn đàn con đang làm bây giờ.
TBTT: Hình dáng chúng thế nào?
Cha Chương: Như cha đã thấy, có hai đàn: đàn dài và đàn ngắn.
– Đàn dài có thêm các nốt: SI giảm, DO thăng và FA thăng nên có thể dùng cho các âm giai có dấu thăng và giáng, dài 21 ống (với 2 thang âm thanh SOL).
– Đàn ngắn có 9 nốt hợp với cồng chiêng và được thiết kế có thể đeo trước ngực, vừa đi vừa diễn tấu với cồng chiêng truyền thống.
TBTT: Cha đã sử dụng và thấy thế nào? Ưu và khuyết điểm ra sao?
Cha Chương: Đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ âm thanh làm sao sánh bằng âm thanh cồng chiêng truyền thống. Nhưng có ưu điểm: để lâu, rẻ tiền, bền, không bị biến âm, dễ sử dụng….Nếu làm bằng ống thép không bị rỉ sét (Inox) hay ống đồng thì âm thanh càng chất lượng, âm vang và trong vắt. Ưu điểm nữa là giúp các trẻ em vừa chơi vừa học, phá cũng không bị hư, đập nhẹ đập mạnh đều không sợ sai giọng. Nhờ chơi đàn ống kẽm quen, các em học đánh cồng chiêng rất dễ thuộc.
TBTT: Thế còn đàn chiêng đồng MINI với 9 cái đặt trong một thùng gỗ là gì?
Cha Chương: thưa cha, trong chuyến về Bắc (2005) thăm gia đình, bà chị trên 90 tuổi, ra chợ thấy họ bán nhiều mèng đồng và trống khẩu nhỏ, các nhà chùa và nhà thờ hay dùng để giữ nhịp trong các sinh hoạt làng xóm. Con nảy ra ý định mua ít cái về gò thành chiêng cho thiếu niên chơi. Mới đưa về xứ Plei Rơhai, các ông già chê cười, nói không thể được đâu cha. Nhưng con đã kiên trì ngồi gò, đập thử và sau cùng nó cũng ra được 9 âm độ cao thấy tương xứng các âm thanh giai điệu cồng chiêng. Như thế là bộ chiêng MINI đã thành hình. Con đem dùng thử chung với chiêng lớn và đàn ống kẽm trong các buổi phụng vụ để hát bộ lễ tiếng Banar ở Kontum. Giáo dân xứ đạo Plei Rơhai thích thú tán thành. Vì thế con đã dùng nhiều năm trong xứ Plei Rơhai.
TBTT: Các linh mục khác ở xứ đạo anh em sắc tộc có biết việc này không?
Cha Chương: Thưa cha, con đã giới thiệu đàn này với nhiều người. Nhưng gần đây nhất (tháng 6 năm 2016) trong dịp tĩnh tâm các linh mục giáo phận con đã giới thiệu sản phẩm này với anh em linh mục, và kết quả thật bất ngờ là các ngài đã đặt hàng khá nhiều, trên dưới 100 bộ gồm cả 3 loại: Đàn ống kẽm dàn lớn, đàn ống kẽm dàn nhỏ, dàn cồng chiêng MINI, dàn cồng chiêng truyền thống…Con gò chiêng ê cả hai vai.
TBTT: Sao cha không kiếm người cộng tác?
Cha Chương: Dạ có chứ ạ, con đã tìm được một số chú Jao Phu giúp con trong việc này. Riêng về việc gò chiêng MINI thì con tạm đảm nhận gò và định âm cho mỗi chiếc: từ SOL tới RÉ với 9 cung bậc âm thanh trên các chiêng (mèng) đều cùng một kích cỡ như nhau, đường kính 15cm, và trong tương lai, con sẽ tập cho một số thiếu niên các làng trong xứ đạo biết gò.
Vì các nghệ nhân sửa chiêng ngày càng già và “ra đi”, giới trẻ tại các làng lại không mặn mà với nghề sửa chiêng, nhất là cần có tai cảm âm cho tinh tường nữa, vì thế mỗi khi chiêng lạc giọng, muốn chỉnh lại âm, kiếm người sửa là rất khó. Con đã bắt đầu tập cho một số em, thiếu niên cả nam cả nữ, các em là các trẻ chơi đàn Organ, đánh chiêng trong nhà thờ, biết nhạc lý căn bản, tập cho các em gò chiêng to, chiêng MINI, bên cạnh là một em bấm đàn Organ điện tử cung bậc âm thanh từng nốt cồng chiêng cho các em nghe và gò. Dĩ nhiên có con ngồi đó chỉ dẫn cùng các em.
Kết quả thật đáng khích lệ, các em thích thú và hy vọng tương lai sẽ có các thiếu niên nam nữ gò, sửa chiêng trong xứ đạo và trong các làng.
TBTT: Cha nghĩ gì về công việc cha đang làm?
Cha Chương: Con chỉ có một ước nguyện là tiết điệu cồng chiêng Tây nguyên sẽ được gần gũi, tiếp cận tại các buôn làng, xứ đạo: dễ học, dễ kiếm, dễ làm, rẻ và bền, nhất là trẻ em rất thích thú. Tháng 6-2016 vừa qua các thiếu nhi trong các làng thuộc giáo xứ Plei Rơhai, nơi con ở đã tề tựu về nơi đây khoảng 50 em và đã ở đây một tháng để sinh hoạt, vừa học nhạc lý căn bản, vừa thực tập trên đàn sắt và chiêng MINI, sau một tháng các em đều đã có thể sử dụng các đàn này, đánh được bộ lễ tiếng Bahnar của giáo phận này. Con rất mừng.
TBTT: Cha còn dự tính gì nữa không?
Cha Chương: Dạ có. Con thấy các bộ cồng chiêng ở Tây Nguyên mỗi ngày càng khan hiếm, muốn mua cũng rất đắt tiền vì phải qua nhiều trunng gian, gọi là “cò” chiêng. Có bộ bán tới giá 30 triệu thậm chí cao hơn nữa, thực là quá đắt. Như thế thì ai có chiêng mà chơi, mà nếu có thì phải giữ kỹ vì sợ mất, sợ hư….
Đầu năm 2016, con đã gặp một cơ sở chuyên đúc đồng, và con đã gửi cho họ một bộ chiêng mẫu Tây Nguyên để họ đúc. Sau khi đúc xong họ đã gửi cho một bộ sản phẩm mới với chất lượng, hình thức và chất lượng âm thanh theo con thì chấp nhận được.
TBTT: Giá cả ra sao?
Cha Chương: Giá rất hữu nghị, trả theo kg đồng tùy theo cân nặng của mỗi bộ. Ví dụ: Bộ cồng chiêng lớn với 3 chiếc cồng có núm + 8 chiếc chiêng giai điệu thì có giá xấp xỉ từ 6-7 triệu đồng, nhờ việc này, các buôn làng con đang phụ trách đều có khả năng mua được chiêng để sử dụng.
TBTT: Giá cả đàn ống và chiêng MINI là bao nhiêu?
Cha Chương:
Bộ đàn ống kẽm lớn: 1.000.000đ/bộ
Bộ đàn ống kẽm nhỏ: 500.000đ/bộ
Chiêng đồng MINI: 1.500.000đ/bộ
TBTT: Cám ơn cha về cuộc trò truyện này.
Cha Chương: Con cám ơn cha đã chịu lắng tai nghe con trình bày. Danh từ “Hội nhập văn hóa” nghe to quá con không giám nhận. Anh em sắc tộc Tây Nguyên đã có sẵn âm điệu cồng chiêng từ xa xưa, họ chuyển tài bằng cồng chiêng, đàn tre, đàn gỗ, đàn đá…rồi nay con chỉ tìm cách chuyển tải âm điệu đó qua chất liệu bây giờ là ống kẽm, mèng đồng vì dễ mua, dễ làm, dễ bảo quản, dễ tiếp cận với mọi giới tuổi và mọi trình độ, lại rất rẻ tiền.
Để kết luận con xin nói lại, con không phải là nhà nghiên cứu âm nhạc, những gì con nói với cha hôm nay, chỉ là những cảm nghiệm đúc kết từ 44 năm nay ( 1972-2016 ), nên hiểu biết sao thì trình bày vậy.
Đúng hay sai, nếu ai đọc thì xin lượng thứ và chỉ dẫn thêm cho. Con chỉ có tâm mà chưa cótầm. Con ước mong, một ngày không xa, tiếng đàn ống kẽm, chiêng Mini, bộ cồng chiêng truyền thống sẽ vang khắp các buôn làng, các xứ đạo, rất mong các cha sẽ giúp cho con em có các nhạc cụ trên để sử dụng. Quá rẻ phải không ạ?
Mong thay
BOK KRĂ PƠLEI PLEI RƠHAI – ông già làng làng Plei Rơ hai.
Nt. Plei Rơhai, 04/07/2016
(Nguồn tin: https://gpkontum.wordpress.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét