Nhà thờ Gò Thị tọa lạc tại thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách Qui Nhơn 20 km về phía Bắc. Họ đạo đã đón nhận Tin Mừng cách đây hơn 400 năm và là nơi ghi dấu ấn của hai chứng nhân tử đạo – Đức cha Stêphanô Cuênot Thể và ông trùm Anrê Nguyễn Kim Thông.
VÙNG TRUYỀN GIÁO
Gò Thị là một trong những điểm đặt chân thuở mở đầu hành trình truyền giáo của các thừa sai ngoại quốc trên dải đất miền Trung. Trước năm 1750, nơi đây có khoảng 60 giáo dân và đến năm 1850, theo báo cáo của Thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể, đã tăng lên 750 tín hữu. Từ năm 1839, Gò Thị được thánh nhân chọn làm nơi đặt Tòa Giám mục và ngài đã thường xuyên ở đó cho đến năm 1861. Sở dĩ có sự chọn lựa này là vì địa bàn nằm cách xa triều đình Huế, các quan sở tại thực hiện lệnh cấm đạo có phần nhẹ nhàng hơn, ngoài ra còn có đông giáo hữu tận tuỵ, trung thành.
Nhà thờ Gò Thị
Hành trình truyền giáo của thánh nhân vẫn được giáo dân trong vùng nhắc lại đầy khâm phục. Thời điểm khó khăn khi ấy buộc ngài không thể lộ diện vào ban ngày, phải đợi khi đêm đến, các chức sở mới đưa đi nơi này đến nơi khác để gặp gỡ và dạy dỗ giáo dân. Trong hoàn cảnh đó, Đức cha Stêphanô Cuénot Thể đã truyền chức cho cha Dominique Lefèvbre làm Giám mục Phó với quyền kế vị vào ngày 1.8.1841. Đầu tháng 10.1841, ngài triệu tập công nghị Gò Thị, soạn thảo cho các linh mục một hiến chương về đời sống cá nhân và những chỉ dẫn mục vụ quý giá. Dù giữa cơn cấm cách, Đức cha Thể vẫn có thể làm việc hiệu quả phần lớn nhờ sự giúp đỡ tận tình của giáo dân Gò Thị, đặc biệt là ông trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông, cộng tác với ngài lo việc giáo phận cho đến năm 1854 thì bị lưu đày vào Định Tường và chết ở đó ngày 15.7.1855.
Sáu năm sau cái chết của ông Trùm Thông, lệnh phân sáp do vua Tự Đức ban hành được thực hiện triệt để, các giáo hữu bị phân tán trong các làng ngoại giáo. Đức cha Thể phải đến ẩn lánh tại nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu ở Vĩnh Thạnh (Gò Bồi), người được xã tổng cho hoãn lệnh phân sáp. Sau mười ngày ẩn nấp, ngài bị bắt ngày 24.10.1861 và giải về nhà giam ở Bình Định, cuối cùng chết rũ tù ngày 14.11.1861.
Đức cha Stêphanô Cuénot Thể và ông trùm Anrê Nguyễn Kim Thông đã được Đức Giáo Hoàng Leô XIII tôn phong bậc Đáng kính ngày 13.2.1899, Đức Giáo Hoàng Piô X tôn lên hàng Chân phước ngày 2.5.1909, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Hiển thánh ngày 19. 6.1988. |
Trong những cuộc bách hại dưới triều Tự Đức, nhiều nữ tu, chức sở và giáo hữu của họ đạo chịu nhiều khốn khổ, kẻ bị tù, người bị đày, kẻ khác bị giết, còn phần đông bị phân sáp vào các làng ngoại giáo. Đặc biệt, cha Giuse Thủ (con của Trùm Cả Anrê), cha Phaolô Châu (cháu họ của Trùm Cả Anrê) và ông từ Phêrô Me, cùng quê ở Gò Thị, đã được chính thức nhìn nhận là chết vì đạo vào năm 1862 và từ năm 1909, hồ sơ xin phong thánh cho các vị đã được trình lên Tòa Thánh.
HÀNH HƯƠNG TÌM DẤU XƯA
Xứ đạo trải 400 năm với nhiều biến động song ngày nay vẫn còn ghi dấu lại những chứng tích buổi đầu. Đến nơi đây, khách hành hương có thể nhìn thấy phần nắp chiếc quan tài của Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông được đặt dưới đài kỷ niệm trước nhà thờ và xem bảng gia phả dòng họ thánh nhân được con cháu ngài tỉ mỉ ghi chép lại. Trong khối đá granit ở bàn thờ chính trong thánh đường cũng có một phần hài cốt của ngài. Khu mộ cổ của dòng dõi thánh nhân nằm cách nhà thờ chỉ vài trăm mét còn nguyên phần mộ của ngài và hiện được coi là di tích cổ trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo một số nghiên cứu và dựa vào những tài liệu ghi chép, chữ trên bia mộ, loại hình mộ, chất liệu và lời kể của hậu duệ những chủ nhân các ngôi mộ cổ, quần thể mộ này có niên đại khoảng hậu bán thế kỷ XIX và được xem là quần thể mộ cổ của người theo đạo Công giáo lớn nhất tại Bình Định. Ngày lễ kính Thánh Thông (15.7) hằng năm đều quy tụ rất đông con cháu thánh nhân cùng giáo dân khắp nơi về tham dự.
Đền thờ thánh Thông được dựng ngay khuôn viên giáo xứ
Cũng chỉ cách nhà thờ Gò Thị vài trăm mét còn có di tích Tòa Giám mục Đàng Trong. Đây cũng là nơi Đức cha Cuénot Thể trú ẩn 21 năm để điều hành dẫn dắt giáo phận. Một đài kỷ niệm đã được dựng ngay trên nền Tòa Giám mục xưa.
Lịch sử giáo xứ còn ghi lại những thời điểm phát triển mạnh mẽ với các vị chủ chăn đặc biệt quan tâm đến đời sống và giáo dục. Nhà mồ côi Gò Thị là một cơ sở từ thiện lâu đời, có thể được xây dựng sau năm 1871, nhằm nuôi dạy trẻ mồ côi trong vùng. Tu viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn cũng đã có mặt từ rất sớm trên mảnh đất này. Năm 1924, Đức cha Grangeon Mẫn (Giám mục Qui Nhơn lúc bấy giờ) đã canh tân dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn theo giáo luật 1917 và chọn tu viện này làm nhà mẹ và tập viện của dòng. Việc huấn luyện đệ tử và tập sinh ban đầu được giao cho các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres, nhưng bề trên chính thức của tập viện là cha Solvignon Lành, lúc đó là cha xứ Gò Thị.
Khu mộ dòng họ thánh Thông được xem là một quần thể mộ cổ được xây dựng nửa sau thế kỷ XIX
Cha Solvignon Lành đã cho xây dựng những cơ sở đầu tiên, được làm phép trọng thể ngày 21.3.1924, để thu nhận đệ tử, tập sinh. Sau khi Đức cha Grangeon Mẫn ra thư chung ngày 13.5.1924 quy định mỗi giáo xứ phải mở trường sơ học, cha tiếp tục thiết lập các trường ở Gò Dài, Phước Thiện, Mỹ Cang, Lục Lễ, Tân Thành, Lạc Điền, Xóm Chuối. Riêng Gò Thị có một trường nam và một trường nữ. Theo thời gian, tất cả các cơ sở giáo dục cũ đều không còn, tuy nhiên ngày nay, các nữ tu Mến Thánh Giá vẫn hiện diện với một cơ sở trên mảnh đất xưa tại Gò Thị. Một lớp tình thương giúp các em nghèo và một lớp trẻ mầm non đang hoạt động ngay cạnh cơ sở Nhà Chung trước kia.
Có lẽ cũng vì dấu ấn của bậc tổ tiên cùng truyền thống sống đạo mạnh mẽ, Gò Thị còn là chiếc nôi ơn gọi của giáo phận Quy Nhơn. Đặc biệt, rất nhiều ơn gọi xuất thân từ dòng dõi thánh Thông.
Minh Hải
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét