Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Tác phẩm tuyệt diệu về một bí ẩn tuyệt diệu của Tây Nguyên


Tác phẩm của Lm Jacques Dournes, do nhà văn Nguyên Ngọc dịch, NXB Tri Thức 2013:




I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương
Tác giả: Jacques Dournes
Dịch giả: Nguyên Ngọc
Chủ biên: Andrew Hardy
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 596 trang
Giá bìa: 115.000 VNĐ
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2013

II. GIỚI THIỆU SÁCH
1. Về tác giả:
Linh mục Jacques Dournes sinh ngày 27/5/1922 tại miền Bắc nước Pháp; thụ phong linh mục ngày 19/4/1945; gia nhập Hội Truyền Giáo Paris ngày 29/10/1945; được chỉ định đi truyền giáo trong địa phận Sài-gòn ngày 29/6/1946; lên đường sang Việt Nam ngày 28/10/1946…. Ngài được Đức cha Cassaigne gửi lên Di-linh, ở với cha Grelier đang làm cha sở tại đây, để học tiếng Ko-ho… Cha Dournes say mê nghiên cứu về con người bản địa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ của người dân Tây Nguyên trong suốt 25 năm. Hai mươi ba năm sau, vào ngày 03/4/1993, ngài qua đời tại Bagard, trong tỉnh Gard, miền Nam nước Pháp.

2. Về tác phẩm:
Năm 1977, ở tuổi 55, nhà nhân học Jacques Dournes cho xuất bản Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương (Pötao: Une théorie du pouvoir chez les Jörai sud-indochinois, Paris, Flammarion). Đây là bản phát hành của luận án tiến sĩ cấp nhà nước (thèse d’état) của ông nhan đề ‘Pötao: những bậc thầy của các nguyên tố, nghiên cứu nhân học chính trị ởngười Gia Rai’ (‘Pötao, les maîtres des éléments, étude d’anthropologie politique chez les Jörai’), được ông bảo vệ ở trường Sorbonne ngày 23 tháng 6 năm 1973, dưới sự hướng dẫn của Georges Condominas và có Claude Lésvi-Strauss là thành viên của hội đồng. Pötao là công trình nghiên cứu của ông về chính trị của người Gia Rai, cho đến nay vẫn là nghiên cứu sâu duy nhất về sự vận hành của quyền lực giữa những tộc người khác nhau ở khu vực Tây Nguyên.

3. Mục lục 
LỜI TỰA – PÖTAO, MỘT LÝ THUYẾT 
Andrew Hardy và Lê Hồng Lý
PHÀM LỆ
PHẦN THỨ NHẤT –CHUNG QUANH VẤN ĐỀ PÖTAO
Chương 1. Những ông vua ở xứ hổ
Chương 2. Các vua-thần bị thực dân hóa
Chương 3. Kẻ bịa chuyện hay người quyền thế
PHẦN THỨ HAI –TỪ LỊCH SỬ ĐẾN HUYỀN THOẠI
Chương 4. Những người chín và những người sống
Chương 5. Lô-gích của phân cắt
Chương 6. Lắng nghe lời nói dân gian
Chương 7. 1 + 1 = 1, phép tính của huyền thoại
PHẦN THỨBA –PÖTAO TRONG ĐỜI THƯỜNG
Chương 8. Cái huyền thoại thường nhật
Chương 9. Chức trách thiêng
Chương 10. Cấu trúc của chế độ
PHẦN THỨTƯ –PÖTAO ĐỂ MÀ NGHIỀN NGẪM
Chương 11. Một trạng thái bộ ba của vật chất
Chương 12. Tuyên ngôn của huyền thoại và chính trị Jörai
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TỪ VỰNG 
KÍ HIỆU SỬ DỤNG TRONG SÁCH NÀY
BẢNG TRA CỨU THEO CHỦ ĐỀ
BẢNG TRA CỨU CÁC TÊN RIÊNG
BẢNG TRA CỨU CÁC HUYỀN THOẠI
MỤC LỤC CÁC HÌNH TRONG SÁCH
MỤC LỤC CÁC TRANG ẢNH

4. Bình luận
Pötao, một lý thuyết chỉ là một trong rất nhiều cuốn sách do Dournes viết dựa trên những thành quả nghiên cứu của ông ở Việt Nam. Các tác phẩm đầu tiên của ông, xuất bản vào những năm 1950’s, phản ánh những mối quan tâm ban đầu của ông đối với người dân Tây Nguyên và công việc của ông với tư cách một nhà truyền giáo Cơ đốc. Bắt đầu từ nửa sau những năm 1950’s, mối quan tâm của ông đối với những vấn đề tâm linh nhạt hẳn đi: ông hầu như không viết gì về Cơ đốc giáo và niềm tin tâm linh hằng ngày của những người vùng cao. Các công trình của ông giờ đây được đóng khung về mặt lý thuyết bởi nhân học cấu trúc trường phái Pháp, tập trung vào tìm hiểu cuộc sống xã hội, chính trị và văn hóa của những người ông nghiên cứu. Pötao là công trình nghiên cứu của ông về chính trị của người Gia Rai, cho đến nay vẫn là nghiên cứu sâu duy nhất về sự vận hành của quyền lực giữa những tộc người khác nhau ở khu vực Tây Nguyên.
Nhưng Pötao, một lý thuyết không phải là một tác phẩm dễ đọc. Những vòng tròn đồng tâm (mà Dournes gọi là những lớp xếp củ hành, được dùng để phản ánh những yếu tố trong vũ trụ quan và cấu trúc xã hội Gia Rai) làm nên bố cục của cuốn sách, hòa trộn những phương pháp luận của lịch sử, văn học dân gian và nhân học cấu trúc để trình bày những dữ liệu và lý thuyết vô cùng phong phú và phức tạp. Trong khi đó thì bản thân hệ thống chính trịcủa người Gia Rai cũng không hềdễhiểu chút nào.
Vì lý do này, bản dịch đầu tiên của Pötao, một lý thuyết sang tiếng Việt tự nó đã là một thành tựu phi thường, phản ánh mối quan tâm của dịch giả đối với những người dân Tây Nguyên qua nhiều thập kỷ. Lòng đam mê mà Nguyên Ngọc dành cho lĩnh vực này và những cố gắng chuyển ngữ cuốn sách giờ đây đã ra mở ra cho người Việt Nam nói chung và người Gia Rai nói riêng một cánh cửa dẫn thẳng tới kho tàng những hiểu biết của Dournes về nền văn minh Gia Rai.
Đọc Pötao là một kinh nghiệm vô cùng đáng giá. Qua cuốn sách này, Dournes không những thách thức chúng ta tìm hiểu suy nghĩ của người Gia Rai về thế giới của họ, ông còn khiến ta xem xét lại những suy ngẫm của mình về chính thế giới nơi ta đang sống.”
(Trích Lời tựa của Andrew Hardy, Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương,Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, NXB Tri thức, 2013)


LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ- NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC:

Tác phẩm tuyệt diệu về một bí ẩn tuyệt diệu của Tây Nguyên

Trong xã hội Gia Rai, dân tộc đông nhất, cố kết chặt chẽ, có truyền thống văn hóa lâu đời nhất Tây Nguyên, có một nhân vật đặc biệt thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm đến vùng đất và người này, suốt hằng trăm năm nay: "Vua Lửa". Đúng ra ở đây có đến ba vị "vua" như vậy: "Pötao Apui" "Vua Lửa", "Pötao Ia" "Vua Nước", "Pötao Angin" "Vua Gió". Hai Pötao sau này không còn, cho đến gần đây chỉ còn Pötao A Pui, Vua Lửa. Kỳ thực dịch Pötao là "Vua" là không đúng, hoặc ít ra không hoàn toàn đúng. (Người Pháp cũng dịch là "Roi", người Mỹ dịch là "King"…).

Vậy Pötao là gì? Đã có hàng trăm công trình nghiên cứu hoặc trực tiếp, tập trung, hoặc đề cập ở các mức độ khác nhau đến nhân vật độc đáo, "bí hiểm" và dễ gợi tò mò này, của các nhà thám hiểm, các nhà khảo sát, các nhà khoa học, các nhà cai trị, các nhà du hành, thậm chí các nhà tiểu thuyết (nhà văn Pháp Roland Dorgelès đã dành cả một tác phẩm đầy thêu dệt về Vưa Lửa)… Có thể nói gần suốt một thế kỷ, từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều người đã cố tìm hiểu, cố giải thích Pötao, hệ thống Pötao, thiết chế Pötao trong xã hội Gia Rai, ý nghĩa của Pötao đối với người Gia Rai, và trong cả vùng Đông Dương xưa. Và chưa ai cắt nghĩa được tường tận… Cho đến khi tác phẩm "Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương" (Pötao, une théorie du pouvoir chez les Jörais indochinois) của Jacques Dournes ra đời. Là một nhà Tây Nguyên học hàng đầu, Jacques Dournes đã sống ở Tây Nguyên ròng rã 25 năm, và trong 25 năm ấy đã dành trọn 15 năm tập trung nghiên cứu về người Gia Rai và Pötao của người Gia Rai. Cho đến Jacques Dournes thì vấn đề Pötao Gia Rai mới được giải quyết một cách rốt ráo, sâu sắc, thực sự nghiêm túc, và cơ bản. Tác phẩm của ông trở thành một công trình kinh điển, không chỉ để cắt nghĩa Pötao, cũng không chỉ giúp ta hiểu một cách cơ bản người Gia Rai và xã hội Gia Rai, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu Tây Nguyên nói chung, trong tất cả chiều sâu lịch sử-văn hóa của nó, và từ đó hành động đúng trên vùng đất và người này, ở bất cứ lĩnh vực nào, trong bất cứ thời gian và hoàn cảnh nào.

Đúng ra cần hiểu vấn đề Pötao ở rất nhiều cấp độ khác nhau, và cuốn sách của Jacques Dournes đã thật sự đào sâu vào tất cả các cấp độ đó. Trong lời giới thiệu bản dịch ra tiếng Việt tác phẩm này, Andrew Hardy, trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, người đã có dịp trực tiếp gặp và trò chuyện lâu với Dournes trước khi ông qua đời, nói rằng anh đã đọc cuốn sách này đến bốn lần, và mỗi lần lại "gỡ" thêm ra được một tầng ý nghĩa, - đương nhiên vẫn còn chưa thể hết. 

Pötao, hệ thống Pötao, là một thiết chế xã hội độc đáo, đặc sắc của người Gia Rai. Để bắt đầu tìm hiểu đôi chút về thiết chế này, hãy thử tiếp cận từ một góc độ, mà chính Dournes đã triển khai trong cuốn sách của ông, bắt đầu bằng cách nói đôi chút về chế độ mẫu hệ trong xã hội Gia Rai.

Dân ca Gia Rai có câu:

Ong jing grom,
Kau jing kömla.
(Anh làm sấm,
Em làm sét.)

Tình ca, đúng rồi. Nhưng chợt nghĩ lại: tình yêu, trai gái, sao lại có chuyện sấm với sét? Sấm là gì? Và sét là gì? Như ai cũng biết, sấm thì rất ồn ào, ầm ĩ, hung hăng, đe dọa, nhưng lại chẳng có ai bị sấm đánh chết bao giờ. Đánh chết người là sét. Sét mới đáng sợ, mới là sức mạnh quyết định, là thực chất…, nhưng cái thực chất ấy lại vô hình. Nó phái đại diện của nó là sấm ra biểu hiện trước thiên hạ. Câu dân ca trên diễn đạt chính xác quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà trong xã hội mẫu hệ Gia Rai. Trong xã hội này, toàn bộ quyền lực nằm trong tay người đàn bà. Bà là chủ tài sản, chủ đất đai, là người quyết định mọi việc trong gia đình, và cả trong xã hội. Con cái mang họ mẹ, sự truyền nối nòi giống chảy theo phía mẹ, chứ không phải phía cha… Nhưng người đàn bà lại không bao giờ ra mặt. Bà là nội tướng dấu mặt, là nữ vương "buông rèm chấp chính". Bà cử người đại diện của bà đứng ra thực thi quyền lực ấy, đấy là người đàn ông, nhưng là người đàn ông thuộc phía bà: người anh trai hay em trai của bà, hoặc người cậu, em hay anh trai của mẹ bà. Trong gia đình, tiếp khách, đối ngoại là người đàn ông, phát ngôn và ra tay thực thi mọi quyền hành cũng là ông. Người đàn bà luôn ngồi ở góc khuất nhất, bà đi cửa sau, cửa phụ, thường nép ở mép buồng, nhưng chính bà lại quyết định và chỉ huy tất cả… Rõ ràng ở đây người đàn ông là sấm, chỉ là sấm, là phát ngôn hữu danh vô thực của quyền lực thật là người đàn bà, sét, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội.

Đấy là ở cấp gia đình. Còn ở cấp làng?

Ở làng cũng có hai nhân vật: Khoa Buôn và Khoa Yang. "Khoa" có nghĩa là trưởng. "Buôn" là làng. "Yang" là thần, thiêng. Cả hai nhân vật này đều là "trưởng", nhưng là trưởng theo hai lối khác nhau. Khoa Buôn là trưởng làng đối với bên ngoài, người ngoài, trong quan hệ của làng với chính quyền bên trên, với các "đối tác" ngoại lai. Còn đối với bên trong, đối với dân làng kỳ thật ông không có thực quyền, ông chỉ là đại diện với bên ngoài cho một người có thực quyền, quyết định mọi việc hệ trọng nhất của đời sống cộng đồng, là Khoa Yang, người giữ mối quan hệ giữa con người trong làng với các lực lượng siêu nhiên (mà ở Tây Nguyên cũng tức là Tự nhiên, là Rừng). Ông chỉ là sấm, sấm của sét Khoa Yang. Khoa Yang nắm thực quyền nhưng không ra mặt, hệt như người đàn bà trong gia đình. Như vậy, ở cấp làng, Khoa Buôn đóng vai trò của người đàn ông, trong khi Khoa Yang giữ vai trò của người đàn bà.

Nguyên lý nữ nam, bên trong và bên ngoài, nội và ngoại là một nguyên lý cơ bản của đời sống Gia Rai. Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng của xã hội Gia Rai cổ truyền, một xã hội được tổ chức thành hai mặt, luôn trưng ra với bên ngoài mặt đại diện hữu danh vô thực, mặt sấm, trong khi lại cất đi mặt sét, mặt thực chất của nó. Và, như ta đều có thể biết, nắm lấy cái sấm nghĩa là nắm lấy cái không có gì hết, nắm lấy cái hư, chứ không hề là cái thực. Người Gia Rai để cho người ngoài nắm lấy cái sấm của mình, và giữ kín cái sét!

Ở cấp gia đình và cấp làng là vậy. Còn ở cấp toàn xã hội thì sao?

Ở cấp toàn xã hội chính là nhân vật hết sức đặc biệt Pötao.

Sở dĩ có ba Pötao là xuất phát từ vũ trụ quan của người Gia Rai, theo đó vũ trụ được cấu tạo bằng ba yếu tố, hoặc vật chất trong vũ trụ tồn tại dưới ba trạng thái: Nước (Lỏng), Lửa (Nóng), và Gió (Khí). Khi ba yếu tố, hay ba trạng thái ấy ổn định, hài hòa, thì mọi sự đều tốt đẹp, dòng chảy của tự nhiên thông suốt, mưa thuận gió hòa, núi rừng và muôn vật yên ổn, con người thanh bình, hạnh phúc. Ba yếu tố cơ bản đó vừa là ba vừa là một, là ba trong một, là "tam vị nhất thể", có thể thể hiện thành ba mà cũng có thể đọng lại trong một, có đủ cả ba càng tốt, chỉ có một cũng không sao, trong một đã chứa cả ba. (Chính vì vậy khi "Vua Nước", "Vua Gió" không còn, thì đối với người Gia Rai cũng không có gì quan trọng lắm).

Trong truyền thuyết có một nhân vật cũng được gọi là Pötao, là tên lãnh chúa gian ác, và một nhân vật tên là Rit, một anh chàng mồ côi, nghèo hèn, sống ở bìa rừng, giữa làng và rừng (tức giữa Văn hóa và Tự nhiên), thậm chí thường trần truồng. Rit đã đánh đổ tên Pötao lãnh chúa gian ác, đoạt lấy sức mạnh của y, tự mình trở thành Pötao, nhưng không là Pötao lãnh chúa mà là Pötao của dân, Pötao thiêng. Các Pötao hiện nay chính là Pötao đó, là phản-Pötao huyền thoại. Như vậy, trong truyền thống Gia Rai có việc nhân vật đại diện cho nhân dân đứng lên lật đổ quyền lực của Vua, nhưng khác với các truyền thống thông thường, sau khi đoạt quyền, nhân vật ấy không lại trở thành Vua, thành lãnh chúa thống trị. Mà trở thành "người điều hòa".

Chức năng của Pötao là điều hòa các yếu tố, tự nhiên và xã hội (nên chú ý: đối với người Tây Nguyên, Tự nhiên và Xã hội luôn gắn bó làm một) để cho mọi sự được tốt đẹp, yên ấm. Đối với người Gia Rai, ông không hề là "Vua", ông được dân các làng bầu lên qua các Khoa Yang; ông thường là người nghèo nhất trong làng, không có bất cứ quyền hành hay lợi ích đặc biệt nào. Ông chính là Rit của truyền thuyết.  

Ông gìn giữ sự điều hòa bằng cách hằng năm vào đầu vụ sản xuất "tuần du" qua các làng và cúng cầu mưa, hoặc cúng cầu yên khi có thiên tai, dịch bệnh... Ông giữ mối quan hệ giữa Văn hóa, Tự nhiên và Siêu nhiên. Vua Lửa giữ một lưỡi gươm thiêng, tượng trưng cho quyền lực điều hòa thiêng liêng, được cất kín trong căn chòi trên một hòn núi bí mật, không ai được nhìn thấy nó, ngoài ông… Andrew Hardy nói: "Ông lắng nghe tiếng nói của người dân, và người dân nghe ông". "Sức mạnh" của Pötao nằm ở đấy. Còn Jacques Dournes thì nói rằng ông là đại diện của "dân đen" (le petit peuple). Người Gia Rai đã sáng tạo ra điều mà Dournes gọi là "một lý thuyết về quyền lực", độc đáo, đặc sắc, quyền lực của "dân đen" được thể hiện trong một thiết chế vừa thần quyền vừa thế quyền, đầy hiệu lực, không cần có nhà nước, không quân đội, cũng không cảnh sát, không cần có lãnh chúa…, ổn định bền vững qua lịch sử nghìn năm. Cũng có thể là một thiết chế quyền lực-phi quyền lực, quyền lực - phản quyền lực.

Song lại còn có mặt đặc sắc thứ hai: Khi người Việt dịch Pötao là Vua, người Pháp dịch là Roi, người Mỹ dịch là King, và đối xử với Pötao như là "Vua của người Gia Rai", thì người Gia Rai cũng không cãi lại, không phản đối. Họ sẵn sàng để cho triều đình Việt, nhà nước Pháp, quyền lực Mỹ cứ hiểu thế đi, chẳng sao cả. Thậm chí các Pötao cũng ứng xử lại với các thế lực bên ngoài ấy như mình chính là vua của người Gia Rai vậy. Triều đình Huế đã từng phong tước, ban các thứ vật phẩm tượng trưng cho Vua Lửa, Vua Nước, mà họ gọi là Hỏa Xá, Thủy Xá, và coi là  các "chư hầu". Các Pötao vui vẻ nhận. Lại còn định kỳ "triều cống" triều đình các lâm sản quý: ngà voi, sừng tê giác, mật và sáp ong… Người Pháp, người Mỹ cũng từng đối xử với các Pötao và được các Pötao đối xử lại hệt như vậy, không hơn không kém. Các thế lực bên ngoài ấy ngỡ như vậy là đã nắm, đã thần phục được người Gia Rai, dân tộc Gia Rai, cộng đồng Gia Rai. Người Gia Rai, qua các Pötao của mình, cứ để cho đám quyền lực kia hiểu vậy, thậm chí còn khuyến khích cách hiểu đó, và cười thầm, cười riễu, đối với họ chẳng sao cả. Còn họ, lặng lẽ, họ vẫn giữ nguyên nền độc lập riêng của mình, với thiết chế kỳ lạ, đặc sắc của mình, chỉ có họ hiểu, chỉ họ biết với nhau, một nền độc lập dựa trên sự hài hòa của tự nhiên và xã hội, lấy nền tảng văn hóa làm chính. Cũng có thể nói cách khác: đối với người Gia Rai, chính trị chính là văn hóa. Thiết chế Pötao chính là một thiết chế chính trị-văn hóa độc đáo, hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà Gia Rai là dân tộc có tính độc lập và sức đề kháng dân tộc mạnh mẽ, sâu sắc nhất ở Tây Nguyên.

Như vậy, nếu ở cấp gia đình có người đàn bà thực quyền nhưng dấu mặt, là Sét, và người đàn ông vô quyền nhưng ra mặt, là Sấm; ở cấp làng có Khoa Yang thực quyền nhưng dấu mặt, là Sét, và Khoa Buôn lộ mặt, đại diện, nhưng hữu danh vô thực, là Sấm; thì ở cấp toàn xã hội hai nhân vật ấy được gộp trong chỉ một Pötao, ông vừa là Sét đối với bên trong, với cộng đồng, với Dân, là quyền lực thực của Dân được thiết chế một cách hết sức độc đáo; đồng thời đối với bên ngoài, với các thế lực ngoại lai, ông lại là Sấm, sắm vai trò Sấm, là "Vua" như "ai đó" kiêu căng và dại dột  muốn hiểu! Ông là cả hai, vừa là bên trong vừa là bên ngoài, vừa là nội vừa là ngoại, vừa là nữ vừa là nam. Người Gia Rai đã giữ nền độc lập bền vững của mình bằng cách để cho các thế lực hùng hổ (và mù quáng) bên ngoài nắm lấy mặt sấm của mình - nghĩa là nắm lấy cái không có gì hết ! Còn nền độc lập thực chất của họ thì vẫn là của họ, độc đáo, bền chặt, mềm dẽo, mà đinh ninh, không gì phá vỡ nổi. Vì nó là một nền độc lập - văn hóa.  

Có nhà dân tộc học bảo tôi rằng thật ra tất cả các dân tộc Tây Nguyên, ở các mức độ khác nhau, đều có những hình thức Pötao của mình. Ở Gia Rai, thiết chế đó chỉ đậm và rõ hơn cả.

Một lần nữa, bạn thấy không, Tây Nguyên tuyệt diệu, và bí ẩn khôn cùng!

Jacques Dournes mở đường cho ta đi vào miền bí ẩn tuyệt diệu ấy.

Nguyên Ngọc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét