Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

MIỀN THƯỢNG TRONG MỐI QUAN HỆ GIAO LƯU KINH TẾ VỚI ĐÀNG TRONG



MIỀN THƯỢNG TRONG MỐI QUAN HỆ GIAO LƯU KINH TẾ VỚI ĐÀNG TRONG

 

I. Miền Thượng trong chiến lược phát triển đất nước của chính quyền họ Nguyễn

Miền Thượng, tức nơi cư trú của người Thượng, là khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, về cơ bản trùng với địa giới hành chính của năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lắc, Đak Nông, Lâm Đồng ngày nay. Đây là vùng cao nguyên đại ngàn với 4/5 diện tích đất đai được bao phủ bởi rừng rậm, nhiều hơn bất cứ nơi nào trong cả nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chi phối và quy định lịch sử, truyền thống văn hóa cũng như tâm tính con người: “Gia Lai-Kon Tum, Đác Lác, Lang Bian, Bảo Lộc-Di Linh… đều là những cao nguyên có một ưu thế nổi bật: thảm thực vật rừng phong phú. Rừng rộng bao la. Cây cao bóng cả, rừng Tây Nguyên giàu nổi tiếng”[1]. Đấy là những dòng miêu tả rừng núi Tây Nguyên vào cuối thế kỷ XX, như vậy người ta có thể hình dung xem bộ mặt của vùng này hồi 4 thế kỷ trước ra sao. Lê Quý Đôn trong tác phẩm Phủ biên tạp lụccủa mình cũng mô tả sơ qua vùng thượng nguồn phía tây Thuận Hóa giáp Ai Lao này là vùng rừng núi lớn rậm rịt“sang sông Gianh vượt núi Lệ-đệ, qua các xã đến trước cửa chùa xã Phúc-tự mới thấy núi dựng ngang là núi Ba-trinh, chuyển sang bên hữu mà đi lên, núi xanh biếc sừng sững, tự đấy đi lên mãi, tức là núi chia giới hạn Thuận-hóa với Ai-lao”[2].
Tây Nguyên là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số (sử sách các triều đại phong kiến trước kia đều gọi là dân Man, Man tộc) mà lịch sử khai phá của các tộc người ở đây có thể đẩy lên đến 2.500-3.000 năm cách ngày nay, muộn nhất là vào hậu kỳ đá cũ[3]. Người Kinh chỉ là một bộ phận xuất hiện mãi về sau này, khi các chúa Nguyễn, trong cuộc chiến tranh với chính quyền họ Trịnh ở Đàng Ngoài, bắt được tù binh và đưa lên đây khai hoang lập ấp sinh sống: “Đến thế kỷ thứ XVII, để mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên Tây Nguyên, Chúa Nguyễn đã đưa những tù binh bị bắt trong chiến tranh Trịnh-Nguyễn lên khai phá vùng đất này. Khoảng niên hiệu Thịnh Đức (1653-1657), một số người Việt ở Nghệ An (trong đó có ông tổ 4 đời của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ) bị quân của Chúa Nguyễn bắt vào Đàng Trong cho ở ấp Nhất vùng Tây Sơn (thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai ngày nay). Có lẽ đây là nhóm người Việt đầu tiên lên sinh sống ở khu vực bắc Tây Nguyên”[4]. Thiết lập quyền lực tại một nơi mà các chủng tộc khác chiếm đa số, họ Nguyễn buộc phải tính đến các yếu tố làm sao để có thể vừa khai thác được thế mạnh của vùng này, mặt khác lại vừa không làm mất lòng các dân tộc bản địa. Thực tế cho thấy, đó không hề là một điều đơn giản và chính quyền họ Nguyễn không phải lúc nào cũng giữ được thế cân bằng giữa lợi ích các bên.
Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hoá thực tế là đã đặt chân vào một tình thế nguy hiểm không kém gì khi ở bên cạnh ông anh rể của mình. Bỡ ngỡ trước vùng đất xa lạ được mệnh danh là “ác địa” (thời Lê, đây là nơi chuyên lưu đày các tội nhân phạm những trọng tội của Nhà nước), đoàn tùy tùng bé nhỏ của Đoan Quận công đứng trước sự đe doạ trực tiếp của các lực lượng nhà Mạc ở phía nam và lòng ghen ghét của họ Trịnh ở mặt bắc. Thêm vào đó, lòng dân bản xứ còn chưa yên, “thổ mục” nổi loạn cũng gây cho Nguyễn Hoàng không ít khó khăn. Âm mưu làm loạn của các Mỹ quận công, Tiên quận công… vào những năm 1571 và 1572 cho ta biết điều đó[5].
Đứng trước hàng loạt những mối nguy hiểm cả bên trong lẫn bên ngoài như vậy, trong điều kiện buổi đầu chính quyền còn chưa được xây dựng về cơ bản buộc Nguyễn Hoàng phải hết sức thận trọng trong việc quy hoạch một chiến lược lâu dài cho cả tông tộc của họ nhà mình, như lời ông đã nói: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Giang [Linh Giang] hiểm trở, phía nam có núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi vớí họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”[6].
Tóm lại, nội dung chiến lược của họ Nguyễn đối với vùng người Thượng như là kết quả của sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố: một chính quyền còn đang trong tình trạng mong manh và chịu sự đe doạ từ cả hai mặt nam bắc, lại được xây dựng trên vùng đất còn xa lạ cả về chủng tộc và văn hoá phong tục. Chiến lược đó phải phục vụ cho mục tiêu lâu dài của dòng họ: sử dụng những tiềm lực từ phía tây (và cả phía đông nữa) để chống lại sự uy hiếp từ phương bắc và mở rộng bành trướng xuống phía nam. “Nhận định có tính chiến lược này tiềm tàng trong các chính sách của họ Nguyễn đối với vùng cao nguyên vào buổi đầu”[7].
Trong các kế sách an dân thì “khoan thư sức dân làm đầu”. Trước Nguyễn Hoàng, trấn thủ Quảng Nam Trấn quốc công Bùi Tá Hán đã thi hành những chính sách tương đối khoan dung và hiệu quả đối với vùng Thượng. Ông cho lập 6 đồn binh dọc các ranh giới với miền núi ở Quảng Ngãi để phòng giữ. Mỗi vùng người Mọi, ông đặt chức Giao dịch người Mọi để đặc trách trông nom đồng bào. Mỗi vùng dưới quyền cai trị của viên Giao dịch chia ra làm 4 nguyên, mỗi nguyên có một Cai quản và một số phụ tá. Cai quản lựa chọn những thương hộ để trao đổi, buôn bán với người Thượng. Các thương hộ thu thuế và nộp cho nhà cầm quyền người Việt[8].
Năm Chính trị thứ 13 (1570) Nguyễn Hoàng thay Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh cai trị cả hai xứ Thuận Quảng, cầm binh voi và thuyền để trấn thủ dân địa phương[9], về cơ bản các chính sách của Nguyễn Hoàng không đi chệch khỏi đường lối ôn hoà của Bùi Tá Hán. Nhìn chung đó cũng là phương thức mà các vị chúa Nguyễn đầu tiên theo đuổi: “Ở Đàng Trong vào thời kỳ này, chỉ có năm lần người vùng cao nguyên tham gia các cuộc nổi dậy chống lại họ Nguyễn, một phần do chính sách hoà hoãn hơn là do họ Nguyễn đã kiểm soát được các dân tộc này”[10].
Chiến lược được hoạch định, các biện pháp được vạch ra và mang những động cơ sâu xa hơn là cái vẻ bề ngoài của nó. Li Tana có dẫn đến hai cuộc hôn nhân nhằm mục đích gây thiện cảm, “nằm trong chiến lược phòng thủ” vào những năm 1620 giữa một người con gái của Nhân Chiêu vương Phúc Nguyên với vua Chetta II của Cao Mên và cuộc hôn nhân khác với vua Po Rome của vương quốc Chăm[11]. Mặc dù ở đây chúng tôi chưa dám khẳng định cuộc hôn nhân thứ hai mà Hickey đã đề cập tới là có thật hay không nhưng giả sử nó là thật thì cũng không có gì lạ. Hôn nhân chính trị là một thủ đoạn mà các bậc quyền biến ngày xưa thường hay sử dụng để đạt được mục đích.
Đối với các bộ tộc ở Ai Lao, ban đầu các chúa Nguyễn chủ trương vỗ về an ủi nhưng đứng ngoài các mâu thuẫn, như trong vụ biến loạn năm 1715: “Bấy giờ tù trưởng Man là Chiểu Đồn Không bị người nước là Tạo Vĩ bức bách, nên sai sứ sang cống để cầu giúp quân. Chúa sai sứ mang thư sang an ủi vỗ về và xem binh thế mạnh yếu cùng địa thế hiểm dễ thế nào?”[12].
Các chính sách chiêu dụ buổi đầu của họ Nguyễn đã đem lại được kết quả tốt:“Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”[13]. Chính nhờ thế, họ Nguyễn đã thu phục được cảm tình của đồng bào Thượng mà một bằng chứng là vào tháng 9-1695, một kẻ lái buôn tên Linh nổi dậy ở Quảng Ngãi với những vũ khí tự chế của mình, người Man đã giúp Chúa Nguyễn Phúc Chu dẹp yên[14]. Một loạt các chúa được dân xưng tụng là Chúa Tiên, Chúa Sãi, Chúa Thượng, Chúa Hiền, Chúa Nghĩa, điều mà về sau này không hề có.
Bên cạnh hôn nhân chính trị, các chúa Nguyễn còn sử dụng con đường ban cấp lễ lộc mua chuộc lòng trung thành của các bộ tộc người Thượng. Đại Nam thực lục tiền biên có chép nhiều ví dụ thuộc loại này:
[1711] “Đôn vương và Nga vương ở hai rợ man Nam Bàn và Trà Lai (giáp giới Phú Yên và Bình Định, hình như thuộc về Hoả quốc, nhưng không lấy làm đích xác) sai sứ đến dâng sản vật địa phương và trình bày rằng dân họ không chịu đóng thuế, nên không lấy gì để sống, xin phát quân ra oai. Chúa cho rằng ký thuộc là Kiêm Đức (không rõ họ) đã từng đi chiêu dụ hai rợ Man, quen hiểu thói Man, nên cho đem thư đến hiểu dụ những tù trưởng, cho áo sa áo đoạn và đồ đồng đồ sứ, lại lấy nghĩa kẻ trên người dưới khuyên bảo dân Man, định ra thuế lệ, khiến phải nộp cho Man trưởng. Người Man không ai không theo mệnh”[15].
Hoặc
[1751] “Thuỷ Xá, Hoả Xá vào cống. Hai nước ở phía trên nước Nam Bàn (khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi về phía tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thuỷ Xá ở phía đông núi, vua Hoả Xá ở phía tây núi. Buổi quốc sơ vì cớ họ giáp với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến. Tới đây sai sứ sang cống. Chúa hậu tứ rồi cho về”[16].
Hoặc:
[1761] “Tân tỵ, năm thứ 23 [1761], mùa xuân, tháng 2, nước Vạn Tượng đến cống. Vạn Tượng ở vào giữa Ai Lao và Lục Hoàn. Buổi quốc sơ cho họ cùng với dân Man ở Cam Lộ qua lại buôn bán, do đó họ mến đức sợ oai, thường sai sứ đến thông hiếu, nay lại đến cống. (Cống phẩm có voi đực, sáp ong, sừng tê, khăn đỏ, nhiều ít tuỳ tiện, không có định hạn). Khi sứ về thì gửi cho tù trưởng gấm, vóc, sô, lụa”[17].
Như vậy, chính sách hoà hoãn và vỗ yên miền Thượng ban đầu chỉ là một bộ phận phục vụ cho mục tiên chiến lược lâu dài của họ Nguyễn là “chống chọi với họ Trịnh” để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Trong điều kiện mong manh của chính quyền buổi đầu lại phải chống chọi với kẻ thù ở cả hai phương bắc nam thì sự lựa chọn đó của họ Nguyễn tỏ ra hợp lý, huy động một cách hiệu quả các nguồn lực của miền Thượng phối hợp với các nguồn lực khác tăng cường sức mạnh quốc gia đủ sức phân tranh với tập đoàn Lê-Trịnh. Chính sách đó dĩ nhiên đã khuyến khích các mối quan hệ giao lưu buôn bán giữa hai miền xuôi ngược.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền được củng cố và đồng thời sức ép từ hai phía đã giảm xuống đáng kể, Đàng Trong được hưởng một thời gian dài tương đối yên ổn thì cũng là lúc chính sách đối với miền Thượng mất dần đi tính chất ôn hoà của nó. Thay vào đó, họ Nguyễn, trong quá trình chuyển dần từ một mô hình chính quyền quân sự sang mô hình chính quyền dân sự như quan điểm của Li Tana[18], lại đã cố gắng thiết lập quyền kiểm soát của mình lên trên các bộ tộc người Thượng bằng các biện pháp hành chính và quân sự, giảm quyền lợi và tăng nghĩa vụ. Và như vậy, thế cân bằng lợi ích giữa hai bên vốn được các Chúa Tiên, Chúa Hiền… xây dựng, duy trì những ngày đầu đã bị vi phạm, xói mòn dẫn đến tan vỡ. Hậu quả của tình trạng đó là họ Nguyễn đã mất dần đi lòng tín phục của cộng đồng cư dân thượng nguồn. Sự nổi dậy của thế giới người Thượng và đặc biệt là sự tham gia của họ vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn như là câu trả lời quyết liệt trước các chính sách của họ Nguyễn, góp phần đập tan cơ đồ của họ này vào năm 1777.
Năm 1708, tức là 150 năm sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá và 36 năm kể từ sau lần giáp chiến lớn cuối cùng với quân Trịnh (1672), một khoảng thời gian đủ dài để những bậc công thần như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến… củng cố được chính quyền vững mạnh thì “Mùa thu, tháng 7, bọn ác man ở Lũ Bá, Bà Rịa và bọn man Nam Bàn quấy rối cướp bóc dân ở biên thuỳ, chúa sai Câu kê dinh Quảng Nam là Hoè Đức (không rõ họ) đem quân bản đi đánh”[19]. 38 năm sau, một lần nữa lại xảy ra đàn áp của Phú Xuân:“Người Man Thuận Thành [người Chàm] là Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng nổi loạn. Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Cương đem quân đi đánh, đắp lũy Cổ Tỉnh để chống giặc, thừa lúc sơ hở đánh úp bắt được Bao Lai và Mã Lăng giết đi”[20]. Năm 1770, những người Thượng ở Đá Vách (Quảng Ngãi) nổi lên khởi nghĩa, Nguyễn Phúc Thuần phải cho biên dân lập làm 6 đạo quân chia phiên đóng giữ[21]. Một năm sau, 1771, ba anh em Tây Sơn khởi nghĩa, thu hút người Thượng tham gia và 6 năm sau đó, đập tan phủ Chúa, đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi đất nước.
Như vậy, chính sách đối với miền Thượng của chính quyền họ Nguyễn từ thế kỷ XVI đến XVIII không phải là một chính sách thống nhất, nó có xu hướng cực đoan hoá trong giai đoạn về sau, khi mà chính quyền đã được củng cố về căn bản. Sự thay đổi đã gây nên những lực phản hồi, kết tập lại trong phong trào Tây Sơn và đập tan chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong và cả Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài. Sai lầm của họ Nguyễn ở giai đoạn về sau trong đối sách với miền Thượng là đã quên đi rằng, đây là một vùng đất khác, gồm những tộc người khác, một nền văn hoá khác và phát triển theo con đường rất riêng so với xã hội Đại Việt đương thời. Những đặc điểm đó quy định cách khu xử mềm mỏng, khôn khéo mà các Chúa Tiên, Chúa Sãi đã chỉ ra. Trong giai đoạn về sau, chính quyền họ Nguyễn ngày càng có xu hướng quan liêu hoá cao độ, đã thay đổi đường lối cai trị đối với miền Thượng, thiên về áp đặt và đòi hỏi hơn. Do đó đã gây nên sự bất bình không chỉ trong thế giới người Thượng mà cả trong lòng đông đảo dân chúng Đàng Trong. Mất đi lòng dân, họ Nguyễn đã dễ dàng bị Tây Sơn đánh sập bằng chính thứ vũ khí mà ngày xưa cha ông họ buổi đầu khai phá đã có được:“Trước hết, và đặc biệt trong những năm đầu, phong trào [Tây Sơn-HTT] đã tranh thủ được mối quan hệ chặt chẽ của các dân tộc cao nguyên. Trong khi chính họ Nguyễn, vào những ngày đầu, đã dành được lợi điểm từ các quan hệ với các dân địa phương và qua việc tiếp nhận và thích nghi các yếu tố văn hoá của họ, thì trớ trêu thay, chính những diễn biến này lại cũng góp phần tạo ra kẻ thù có sức mạnh gần như tiêu diệt họ”[22].
Việc phân tích những nguyên nhân chính trị làm cho ta hiểu được mối quan hệ giao thương giữa hai vùng đồng bằng với miền Thượng trong suốt thời gian tồn tại của Đàng Trong: nó cũng mạnh mẽ trong giai đoạn đầu và yếu ớt trong giai đoạn sau để rồi (gần như) dứt hẳn trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

II. Miền Thượng trong mối quan hệ giao lưu kinh tế với Đàng Trong

Lịch sử giao lưu, tiếp xúc văn hóa-kinh tế giữa miền Thượng với vùng đất mà sau này người ta gọi là Đàng Trong đã diễn ra từ rất lâu đời trước khi những ảnh hưởng đầu tiên của người Kinh bắt đầu lan tỏa đến khu vực này. Những di chỉ, hiện vật được tìm thấy ở Tây Nguyên vào thời tiền sử, chứng tỏ rằng, đã có những mỗi giao lưu cởi mở giữa các vùng khác trên khắp Việt Nam và cả Lào, Campuchia… với khu vực Tây Nguyên[23]. Sau công nguyên, cùng với sự hình thành và phát triển của các quốc gia trên lãnh thổ miền Trung và Nam Việt Nam như Champa, Phù Nam và xa hơn nữa là Xiêm… Tây Nguyên rơi vào vòng xoáy tranh chấp giữa các quốc gia này, một thời kỳ không ổn định kéo dài. Nhưng đồng thời, điều đó cũng chứng tỏ rằng, cường độ giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa Tây Nguyên với các khu vực xung quanh vẫn được duy trì và củng cố: “từ thế kỷ VII đã diễn ra những cuộc gặp gỡ, khá thường xuyên… và các hoạt động trao đổi thực phẩm, đồ dùng của người Việt với các thành phần dân tộc ở Trường Sơn-Tây Nguyên và ven biển miền Trung… nhưng có thể nói rằng vào thời gian này, văn hóa Việt ảnh hưởng vào văn hóa-xã hội vùng Tây Nguyên chưa rõ nét”[24].
Nguyễn Hoàng vào trấn thủ hai xứ Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phương nam đã tiếp tục phát huy truyền thống giao lưu kinh tế-văn hóa giữa Tây Nguyên với các bộ phận lãnh thổ khác của Đàng Trong.
Việc huy động các nguồn lợi lâm thổ sản của miền Thượng đòi hỏi phải thiết lập được mạng lưới giao thông nối liền hai miền đồng bằng và miền núi. Li Tana chỉ ra con đường thương mại quan trọng nhất Đàng Trong vào buổi đầu là con đường chạy qua đèo Ai Lao, từ sông Mékong đến bờ biển Quảng Trị, tập trung ở thị trấn Cam Lộ, xuôi xuống Cửa Việt rồi kéo lên Lao Bảo[25]. Lê Quý Đôn miêu tả con đường này như sau: “Xã Cam-lộ huyện Đăng-xương ở về thượng lưu sông Điếu-giang, dưới thông với cửa Việt, trên tiếp với nguồn Sái ở Ai-lao, đường đi của dân man các sách đều phải qua đấy, ở xa thì đến các bộ lạc Lào ở nước Lạc-hoàn, nước Vạn-tượng, phủ Trấn-ninh, châu Qui-hợp đều có đường thông ra tự đấy. Từ xã ấy đi vào 1 ngày đến phương An-khang, có tuần gọi là Ba-giăng, cũng gọi là đồn Hiếu-giang… Từ tuần này đi 2 ngày rưỡi đến bờ sông Đại-giang thuộc địa giới nước Ai-lao, họ Nguyễn có đặt dinh đóng quân 6 thuyền ở đấy gọi là dinh Ai-lao. Phía hữu sông xã Cam-lộ, có tuần Cây-lúa… Từ đấy là để thông sang Mường-vanh, Vạn-tượng. Phía tả tuần Hiếu-giang có tuần Ngưu-cước… Hai bên tả hữu phải trên sông Hiếu-giang thì dân các động sách ở, cày cấy chăn nuôi rất nhiều…”[26].
Như vậy là đã có một hành lang nối liền xứ Thuận Quảng với khu vực bắc Tây Nguyên, chủ yếu nối liền miền đồng bằng Quảng Trị, Quảng Ngãi ngày nay với khu vực miền núi phía tây Quảng Ngãi, giáp với Kon Tum. Trên tuyến hành lang đó, việc trao đổi mua bán được diễn ra khá sôi nổi, “người buôn ở các xã thường mang muối, nắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt, đến đất người Man đổi lấy các hàng hóa thóc, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây, gió, vải man, màn man, thuê voi chở về Cam-lộ. Người Man cũng có lấy voi chở hàng hóa xuống chợ Cam-lộ để bán, một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 20 bát. Cũng có một phiên chợ lùa trâu đến 300 con đến bán, giá một con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ 2 hốt bạc và một khẩu súng nhỏ”[27]. Nhận xét về con đường này, Đỗ Bang viết rằng: “Vào thời kỳ Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến phồn thịnh thì ngay trên đất Thuận Hóa đã hình thành một thị trường nội địa, trao đổi hàng hóa giữa miền Ngược và miền Xuôi và hai miền Nam Bắc của đất nước qua con đường Thượng đạo ở biên giới Việt-Lào”[28].
Con đường quan trọng thứ hai nối liền miền Thượng với đồng bằng đi qua ngả An Khê, về cơ bản trùng với quốc lộ 19 từ Gia Lai đi Bình Định, xuyên qua hai đèo Mang Yang (Cổng trời như người Bana gọi hoặc là Cửa ngõ kinh đô (Tvea Phreah Nakor) mà người Êđê gọi) và đèo An Khê (An Sơn). Hai đèo này thuộc về dãy núi An Khê khởi nguồn từ phía nam sông Trà Khúc đến tận thung lũng sông Ba, dài 175km rộng 30-40km, độ cao trung bình 500m, là một dãy núi khá đồ sộ và hiểm trở. Tuy nhiên, ở phía tây dãy núi An Khê, phía nam cao nguyên Kon Hànừng là cánh đồng An Khê, một kiểu thung lũng giữa núi bị san bằng và mở rộng, rộng 15km, chạy dài 45km và cao trung bình 400-500m[29]. Cánh đồng An Khê là trung tâm kinh tế lớn trong nhiều thế kỷ, các bộ tộc Bana, Jarai… mang các thứ lâm thổ sản xuống trao đổi với hàng hóa của người Kinh ngược lên. Clive J.Christie có nhắc đến một hệ thống những các-lái vừa là quan chức, vừa là thương nhân đứng ra dàn xếp những vụ buôn bán cũng chính là ở khu vực này[30]. Hai trầu Nguyễn Nhạc trước khi khởi binh đã từng xuôi ngược buôn bán ở An Sơn và được các bộ tộc người thiểu số tin yêu: “Kiên Thành[31] cùng ở trên bờ sông Côn như các sông nhỏ miền Trung khác, nối liền đồng biển và núi rừng, đóng vai trò rất quan trọng về nhân văn, kinh tế. Những sông lớn này tạo nên những vùng đất nhỏ hẹp nhưng rất phì nhiêu. Chúng là con đường giao thông trao đổi phẩm vật trên rừng, dưới biển. Trên rừng có mật ong, trầm hương, măng le, vàng… chuyển xuống đồng đổi lấy gạo, chế phẩm (vải lụa, đồ sắt…). Lâm sản, lúa gạo lại đưa xuống các vùng biển để chuyên chở ngược về nguồn những loại cá, mắm, muối, đồng sắt. Vùng Ba huyện có địa điểm Kiên Thành như một giao điểm hội tụ của phẩm vật các nguồn Kim Sơn, Đồng Hươu, An Tượng… chuyển xuống Nước Mặn, Thi Nại để ra biển và cũng là chỗ phân phối ngược lên các tài nguyên ngoài biển cả đưa vào”[32].
Hoặc như câu ca dao quen thuộc miêu tả mối giao lưu buôn bán giữa miền ngược xuôi:
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”
Hồi ký của vị giáo sĩ P. Dourisboure cũng cho biết có việc trao đổi, mua bán muối giữa người vùng đồng bằng với các bộ lạc người Bana ở phía đông Gia Lai rồi họ lại dùng muối để trao đổi với người Xêđăng, Rơngao… lấy những vật phẩm cần thiết khác[33].
Nếu như ở phía bắc Tây Nguyên, các mặt hàng được tập kết tại Cam Lộ rồi chuyển ra Hội An thì ở vùng An Khê này, cảng Nước Mặn lại đóng vai trò quan trọng như là cửa khẩu chủ yếu của Trung Tây Nguyên thông ra biển: “Nước Mặn-Quy Nhơn là cảng khẩu không chỉ riêng của đất Quy Nhơn-Bình Định mà cả vùng Tây Nguyên rộng lớn và giao lưu với các thương cảng ở trong và ngoài nước trong bốn thế kỷ qua”[34].
Bằng cách này hay cách khác, chính quyền họ Nguyễn cũng đã thiết lập được các ngả đường nối liền hai miền núi với đồng bằng, khai thác các nguồn lợi của miền Thượng làm giàu cho đất nước. Các sản vật của miền Thượng như ngà voi, sừng tê, mật ong, sáp ong, mây, kỳ nam, trầm hương… mang đổi lấy cá, muối, nước mắm, đồ trang sức… của đồng bằng. Lê Quý Đôn cho biết: “Theo sông Phú-xuân đi ngược dòng mà lên đến tuần ngã ba Bình-lãng huyện Hương-trà thì có hai nguồn: bên tả là nguồn Tả-trạch bên hữu là nguồn Hữu-trạch. Nguồn Tả-trạch đi qua các phường xã An-ninh, Kim-ngọc, Dương-lăng, còn là dân thường. Từ đấy mà lên đều là núi rừng lớn, đi hai ngày đường đến sách Làng-nước của người Man dưới, rồi đến sách Hà-vãn, phường Hà-lạc, phường Ma-ra, dọc đường các lái buôn đem các thứ muối, mắm, trâu, đồ nông cụ, thanh la đổi lấy các thứ mây sắt, mây trắng, sáp ong, mật ong… Nguồn hữu trạch đi qua nguồn An-bình là nơi mồ mả tiên nhân họ Nguyễn ở đấy. Phường Cây-bông trở lên đều là núi rừng lớn. Đi quá nửa ngày đến sách Làng-răng đều là dân Man. Từ đấy mà lên, núi khe rậm rịt, không có dân cư. Đi một ngày rưỡi đến sách Ngọn-sào. Lại đi một ngày qua khe Cha-lạnh, đến sách A-man-cách, chỗ này nhiều cây kiền kiền và cây gỗ tạp. Lại đi một ngày đến sách A-ra (Đốc-sơ), trở lên đều là người Man cao ở, các lái buôn không đến được, chỉ đến mua bán ở xứ Bãi-đinh Cây-bông thôi. Các dân Man cũng thường đến đấy đổi chác hóa vật, cũng như ở nguồn Tả-trạch. Đại khái dân Man lúc thường lễ tiết hay dùng trâu lợn cùng là thanh la, đồ đồng, các vật ấy bán chạy lắm”[35].
Các mối giao lưu kinh tế còn diễn ra cả với nước Thủy Xá và Hỏa Xá của các bộ tộc người Jarai như Phủ biên tạp lục cho biết: “Trong thời họ Nguyễn vỗ trị, thường cứ năm năm một lần sai cai đội Phú-yên làm chánh phó sứ đem cho áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo gang, bát sứ các vật và thu thuế cống. Sai người thổ trại Làng-xung-thượng phủ Qui-nhơn dẫn đường đến Phú-yên chỗ giáp đầu nguồn Hà-trôi. Lại sai người Đê dẫn đường đến các sách Man thượng và Man cao, cho đến nước ấy [tức Thủy Xá và Hỏa Xá-HTT]. Nước ấy soạn ngay các thứ kỳ nam, sáp ong, lộc nhung, tê giác, mật gấu, voi đực, giao cho sứ giả đem về dâng. Lại dâng hương do ngũ vị chế thành. Núi nước ấy có tổ kiến trên cây, con kiến non đen to như đầu đũa. Trứng và con đều thơm, gọi là hương con kiến. Người Man lấy đồ qua, lại lấy hoa khảm, hoa mộc, rễ bài trộn lẫn vào, lấy dầu tô-hạp hòa vào, lấy lá chuối gói lại, để đồ ở trên chõ cơm xôi. Cơm chín thì lấy ra, hơi thơm ngát. Để hương ấy vào trong hòm áo, một năm không hết mùi thơm”[36].
Phương đình Nguyễn Văn Siêu cũng viết: “Buổi quốc sơ (thời các chúa Nguyễn), 2 nước ấy [Thủy xá và Hỏa xá-HTT] đều dâng đồ cống tỏ lòng thành. Cứ 5 năm 1 lần chúa sai sứ đem áo gấm đồ đồng đến hai nước ấy mà ban cho”[37].
Kỳ nam, trầm hương là những mặt hàng đặc biệt và chỉ ở miền núi mới có. Lê Quý Đôn nhận xét rằng, trầm hương sản xuất ở Chân Lạp là tốt nhất, thứ đến của Chiêm Thành. Theo Li Tana, người Chăm đã đóng vai trò như là người trung gian môi giới, mua lại kỳ nam, trầm hương của người Thượng rồi bán cho các thuyền buôn nước ngoài[38]. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, họ Nguyễn lập ra những trường giao dịch ở các nguồn thuộc tỉnh Bình Định, đạo Phú Yên làm nơi thu mua sản vật miền núi. Ví dụ như nguồn An Tượng (Bình Định) chuyên sản xuất củ nâu, nguồn Hà Thanh cung cấp thuốc lá, nguồn Thạch Bàn mỗi năm nộp thuế 56 cân linh sáp ong; gỗ kiền kiền, trầm hương, kỳ nam đều có thuế… Tại đạo Phú Yên có hai nguồn là Hà Duy và Thạch Thành đều có trường giao dịch. Nguồn Thạch Thành hàng năm phải nộp thuế 364 cân sáp ong, Hà Duy là 30 cân; Thạch Thành 325 cân mật ong, Hà Duy 300 cân một năm… Giáng hương, kỳ nam, sa nhân… ở hai nguồn đều phải nộp thuế hàng năm[39].
Buôn bán người Thượng làm nô tì cũng là một hoạt động kinh tế phổ biến đến mức chính quyền đánh thuế. Giá một nô tì Mọi là 20 quan, da hơi trắng một chút chỉ còn hơn 10 quan: “Người giàu ở các địa phương hoặc 40, 50 nhà, hoặc 20, 30 nhà, mỗi nhà điền nô hoặc đến 50, 60 người, trâu bò hoặc đến 300, 400 con…”[40].
Vào thế kỷ XVI-XVII, thương mại biển Đông phát triển mạnh mẽ, hình thành nên một loạt các đô thị, cảng biển lớn thu hút các nguồn hàng hóa từ khắp nơi tụ về. Đàng Trong lúc này có các trung tâm kinh tế lớn như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn… hoạt động nhộn nhịp, tạo ra nguồn thu lớn cho chính quyền. Sang thế kỷ XVIII, thương mại biển Đông yếu dần, các nguồn lợi thu được từ nền kinh tế ngoại thương suy giảm, gánh nặng tài chính lúc này đè nặng dần lên cao nguyên miền Thượng để bù đắp cho sự thiếu hụt của các nguồn lực phía đông:“Đây là một sự mất mát quan trọng của họ Nguyễn từ lâu vẫn dựa vào ngoại thương như một nhân tố bảo đảm sự sống còn của nền kinh tế địa phương. Họ Nguyễn đã đối phó bằng cách đẩy mạnh hơn việc kiểm soát của họ trên miền núi và cao nguyên, hy vọng lấy phía tây để bù đắp những gì họ đã mất ở phía đông”[41].
Sự vá víu như vậy đã gây hại cho thế giới người Thượng. Li Tana dẫn ra tình hình thu thuế của chính quyền vào năm 1768, cho thấy rằng thuế thu được từ các nguồn người Thượng lên đến 38.728 quan, chiếm 48,67% tổng thuế thu được trong năm đó. Năm 1771, mức thuế thu được từ số người Thượng gần bằng tổng số thuế thu được từ nền ngoại thương[42]. Đó là chưa kể các thứ thuế hiện vật như ngà voi, mật ong, sừng tê… Lê Quý Đôn cho hay, vào năm 1774, người Sách ở nguồn An Đại huyện Khang Lộc chỉ có 11 đinh mà phải đóng tới 434 quan 3 tiền 30 đồng tiền thuế, tức trung bình mỗi người phải đóng 39,45 quan/năm, nặng hơn nhiều so với người Kinh ở đồng bằng. Nguồn An Náu chỉ có 31 đinh mà phải đóng đến 395 quan, bình quân 12,77 quan/người/năm; nguồn Cẩm Lý có 10 suất đinh phải đóng 994 quan 6 tiền 30 đồng[43]. Thuế má thực sự là gánh nặng đối với người Thượng: “Vì cần tài chánh, triều đình Huế gia tăng áp lực trên người miền núi để giúp bù vào sự thâm hụt trong thu nhập do tình hình sa sút của nền ngoại thương gây nên. Và hậu quả là họ đã đẩy người vùng cao nguyên tới đường cùng”[44].
*
*   *
1. Cao nguyên miền Thượng là vùng đất có vai trò quan trọng đối với sự tồn vong của chính quyền các chúa Nguyễn trong suốt thời kỳ hoạt động chính trị của họ. Khởi đầu từ Nguyễn Hoàng rời bỏ miền đồng bằng nông nghiệp Bắc Hà vốn đã quá chật hẹp và trở nên căng thẳng sau 10 thế kỷ kết tập chung sống, bằng con mắt chiến lược của mình, ông đã xác định rằng miền núi (và miền biển) chính là bầu sữa dạt dào cho cơ nghiệp vào buổi đầu khai sinh. Sự lựa chọn lâm nghiệp (phía tây) và thương nghiệp (phía đông) có vẻ như khác biệt so với truyền thống trọng nông vốn có của cha ông ta. Lựa chọn đó dĩ nhiên mang hạt nhân hợp lý của nó:
Thứ nhất, việc Nguyễn Hoàng tìm mọi cách để được vào trấn thủ Thuận Hóa ban đầu như là một cuộc trốn chạy khỏi dã tâm của ông anh rể Trịnh Kiểm nhiều quyền lực hơn là một chiến lược lập quốc phân tranh với họ Trịnh. Tuy nhiên, ngay khi đã cao chạy xa bay được rồi thì mối đe dọa từ Bắc hà vẫn còn đó, thêm vào nữa là áp lực của quân nhà Mạc và các nhóm người Chăm ở phía nam vọng lên, trực tiếp đe doạ đến sự tồn vong của Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng. Tình thế lưỡng đầu thọ địch buộc Nguyễn Hoàng phải ngay lập tức tính đến chuyện gây dựng lực lượng tự vệ; thu phục và củng cố nhân tâm để tạo thế đứng vững chắc cho mình. Công cuộc tổ chức đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều nguồn tài lực vật lực to lớn mà ngay trước mắt, buộc Nguyễn Hoàng phải hành động khác với tư duy trọng nông cổ truyền. Đứng từ Thuận Hóa mà nhìn, vào thế kỷ XVI, dải đồng bằng ven biển miền Trung vốn đã èo uột lại phải gánh chịu đủ thứ thiên tai; trong khi châu thổ sông Cửu Long còn chưa với tới, rừng rậm âm u, mỗi bước đi mỗi cá sấu và cả họat động của các nhóm chống đối người Chăm và người Chân Lạp. Việc khai thác hai miền đồng bằng này đòi hỏi một thời gian dài và phải tiến hành từ từ. Kinh tế nông nghiệp cổ truyền không thể ngay lập tức giúp Nguyễn Hoàng có được những nguồn lực mà ông đang cần kíp.
Thứ hai, trong khi đó thì miền núi phía tây và vùng biển phía đông lại mang trong mình những điều kiện thuận lợi riêng. Nguồn lợi thủy sản to lớn và địa thế các bờ biển miền Trung là rất lý tưởng cho việc xây dựng các cảng biển; núi rừng phía tây lại phong phú sản vật, đúng như Nguyễn Hoàng đã nói: “Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối”, tức là đã sẵn có, chỉ việc khai thác về sử dụng. Thương mại biển Đông phát triển mạnh như ngọn gió nâng cánh diều nền kinh tế Đàng Trong lên mau chóng: “Đàng Trong đã ra đời đúng thời đúng buổi, trong một “thời đại thương nghiệp”. Chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn bảo đảm rằng chính thương nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam chỉ trong vòng ít thập niên trở nên giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập của mình đối với phía bắc và mở rộng về phía nam”[45].
2. Việc hoạch định chiến lược đối với miền Thượng của các chúa Nguyễn chịu sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như trên đã nói, do đó, buộc chính quyền phải cực kỳ thận trọng và chính xác. Bất cứ một sự thái quá nào cũng đều có nguy cơ dẫn đến những phản ứng ngược lại từ thế giới người Thượng. Các vị chúa đầu tiên nhận thức được trạng thái mong manh của uy quyền, do đó đã thi hành nhiều chính sách khéo léo, tôn trọng thế cân bằng giữa quyền lợi của các bên: Phú Xuân khai thác miền Thượng đồng thời cũng ban thưởng cho các thủ lĩnh địa phương. Quan hệ buôn bán giữa cao nguyên với đồng bằng thịnh đạt nhất trong thời gian này như ta đã thấy, mặc dù cơ sở tư liệu để phục dựng lại bức tranh giao thương giữa hai miền như nó vốn có là ít ỏi và khó khăn.
Phú Xuân bắt đầu thắt chặt chính sách của mình vào giai đoạn về sau, khi áp lực ở hai đầu vương quốc đã giảm xuống và chính quyền được củng cố vững chắc hơn: “Chắc chắn các thập niên 1750 và 1760 là thời kỳ họ Nguyễn bắt đầu siết chặt quyền kiểm soát của họ trên các dân tộc vùng cao nguyên”[46]. Từ những năm 1750, thương mại biển Đông có dấu hiệu suy giảm thì đồng thời gánh nặng tài chính cũng tăng dần trên vai các dân tộc miền núi. Năm 1771, mức thuế thu được từ người Thượng gần bằng tổng số thuế thu được từ nền ngoại thương và những con số mà Lê Quý Đôn nêu ra cho thấy điều đó. Liệt truyện chính biên sơ tập và cuốn hồi ký của P. Dourisboure mà Li Tana đã dẫn lại, kể rằng không khí nơi người Thượng như là luôn luôn giông tố mỗi khi viên thu thuế đến thúc bách[47]. Thế cân bằng giữa quyền lợi hai bên bị phá vỡ và người Thượng đứng lên chống lại chính quyền Đàng Trong. Các hoạt động giao thương cũng yếu dần và gần như dứt hẳn khi phong trào Tây Sơn nổ ra.
Vấn đề kinh tế do vậy, liên hệ mật thiết với vấn đề dân tộc. Họ Nguyễn đã đánh mất lòng tin của thế giới người Thượng và miền Thượng tiếp tục là nỗi đau đầu đối với triều Nguyễn về sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Clive J.Christie, “Lịch sử Đông Nam Á hiện đại”, nxb CTQG, H, 2000
  2. Đỗ Bang, “Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, H, 1993 (bản lưu tại Thư viện Quốc gia)
  3. Hoàng Văn Huyên, “Tây Nguyên”, nxb Văn hóa, H, 1980
  4. Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, nxb KHXH, H, 1977
  5. Li Tana, “Xứ Đàng Trong. Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18” (bản lưu tại Thư viện Quốc gia)
  6. Nguyễn Tuấn Triết, “Tây Nguyên những chặng đường lịch sử văn hóa”,nxb KHXH, 2007
  7. Nguyễn Văn Chiển (cb), “Tây Nguyên những điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên”, nxb KHKT, H, 1985
  8. P. Dourisboure, “Dân làng hồ”, Sài gòn xuất bản, 1972
  9. Phan Khoang, “Việt sử xứ Đàng Trong”, nxb Văn học, 2000
  10. Quốc Sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 3, nxb Thuận Hóa, Huế, 2006
  11. Quốc Sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, tập 1, nxb Giáo dục, 2004
  12. Sở VHTT-TT Hải Hưng, Kỷ yếu hội thảo khoa học Phố Hiến, 1994
  13. Tạ Chí Đại Trường, “Việt Nam thời Tây Sơn. Lịch sử nội chiến 1771-1802”, nxb CAND, 2007
  14. Xưa&Nay, số 73B, tháng 3.2000
  15. Xưa&Nay, số 224, tháng 11.2004

[1] Hoàng Văn Huyên, “Tây Nguyên”, nxb Văn hóa, H, 1980, tr.32
[2] Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, nxb KHXH, H, 1977, tr.102
[3] Phong Lan, “Bí mật di chỉ Lung Leng”, in trong Xưa&Nay, số 73B tháng 3.2000, tr.14-15
[4] Vũ Ngọc Bình, “Khu vực bắc Tây Nguyên trước thế kỷ XX”, in trongXưa&Nay, số 224, tháng 11-1924, tr.13
[5] Lê Quý Đôn, sđd, tr.50 và Quốc Sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, tập 1, nxb Giáo dục, 2004, tr.30
[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, sđd, tr.37
[7] Li Tana, “Xứ Đàng Trong. Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18”, tr.173 (bản lưu tại Thư viện Quốc gia)
[8] Phan Khoang, “Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777”, nxb Văn học, 2000, tr.401 và Hoàng Văn Huyên, sđd, tr.63 và Vũ Ngọc Bình, sđd, tr.12-13
[9] Lê Quý Đôn, sđd, tr.49-50
[10] Li Tana, sđd, tr.174
[11] Li Tana, sđd, tr.173, bà dẫn lại của G. C. Hickey, “Sons of the mountains”,Yale University Press, New Heaven and London, 1982, p.89
[12] Quốc Sử quán, sđd, tr.133
[13] Lê Quý Đôn, sđd, tr.50
[14] Quốc Sử quán, sđd, tr.110
[15] Quốc Sử quán, sđd, tr.126
[16] Quốc Sử quán, sđd, tr.157
[17] Quốc Sử quán, sđd, tr.167
[18] Li Tana, sđd, tr.208
[19] Phan Khoang, sđd, tr.404
[20] Quốc Sử quán, sđd, tr.154
[21] Quốc Sử quán, sđd, tr.174
[22] Li Tana, sđd, tr.208
[23] Nguyễn Tuấn Triết, “Tây Nguyên những chặng đường lịch sử văn hóa”,nxb KHXH, 2007, tr.41-46
[24] Nguyễn Tuấn Triết, sđd, tr.93
[25] Li Tana, sđd,tr.175
[26] Lê Quý Đôn, sđd, tr.206
[27] Lê Quý Đôn, sđd, tr.206-207
[28] Đỗ Bang, “Mối quan hệ giữa các phố cảng Đàng Trong với Phố Hiến thế kỷ XVII-XVIII”, in trong “Phố Hiến kỷ yếu hội thảo khoa học”, ngày 10-11/12/1992 do Sở VHTT-TT Hải Hưng ấn hành, 1994, tr.190
[29] Nguyễn Văn Chiển (cb), “Tây Nguyên các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên”, nxb Khoa học và kỹ thuật, H, 1985, tr.11 & 15
[30] Clive  J.Christie, “Lịch sử Đông Nam Á hiện đại”, nxb CTQG, H, 2000, tr.156
[31] Ấp Kiên-Thành, tức là Phú Lạc, Kiên Mỹ thuộc xã Bình Thành, quận Bình Khê (Bình Định)
[32] Tạ Chí Đại Trường, “Việt Nam thời Tây Sơn. Lịch sử nội chiến 1771-1802”,nxb CAND, 2007, tr.59-60
[33] P.Dourisboure, “Dân làng hồ”, Sài Gòn xuất bản, 1972, tr.66
[34] Đỗ Bang, “Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, H, 1993, tr.146 (bản lưu tại Thư viện Quốc gia)
[35] Lê Quý Đôn, sđd,  tr.115
[36] Lê Quý Đôn, sđd, tr.123
[37] Nguyễn Văn Siêu, “Đại Việt địa dư toàn biên”, Viện Sử học và nxb Văn hóa xuất bản, H, 1997, tr.332
[38] Li Tana, sđd, tr.178-179
[39] Quốc Sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 3, nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.70-71 & 98-99
[40] Lê Quý Đôn, sđd, tr.345 và Li Tana, sđd, tr.180-185
[41] Li Tana, sđd, tr.147
[42] Li Tana, sđd, tr.161-162
[43] Lê Quý Đôn, sđd, tr.209-210
[44] Li Tana, sđd, tr.207
[45] Li Tana, sđd, tr.85
[46] Li Tana, sđd, tr.161
[47] Li Tana, sđd, tr.171

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét