TIỂU SỬ ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Đức Bênêđictô XVI sinh ngày 16-4-1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) tại Marktl am Inn, thuộc giáo phận Passau, Đức quốc, và được rửa tội ngay ngày hôm đó. Cha của ngài là một nhân viên cảnh sát, xuất thân từ gia đình nông dân. Mẹ của ngài trước khi kết hôn từng làm nghề nấu nướng trong một số khách sạn. Một gia đình công giáo bình dân và đạo đức.
Thời thơ ấu và thiếu niên của Đức Bênêđictô XVI trôi qua êm ả ở Traunstein, một ngôi làng nhỏ gần biên giới Đức-Áo, cách Salzburg 30 cây số. Chính nơi đây, ngài nhận được nền giáo dục căn bản về nhân bản, văn hóa và đức tin Kitô giáo.
Tuổi thanh niên của ngài rơi vào một giai đoạn khó khăn của xã hội. Chế độ Đức quốc xã có thái độ thù nghịch với Giáo hội Công giáo. Chàng thanh niên Joseph Ratzinger tận mắt chứng kiến cảnh các linh mục bị đánh đập trước khi dâng lễ. Cũng chính trong giai đoạn này, ngài khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô, phần lớn là nhờ ảnh hưởng của gia đình luôn sống tốt lành và cậy trông vào Chúa, gắn bó với Giáo hội trong mọi hoàn cảnh.
Từ năm 1946–1951, ngài học Triết và Thần học tại Freising và đại học München. Ngày 29-6-1951, ngài thụ phong linh mục, và một năm sau, bắt đầu dạy học ở trường Cao đẳng Freising.
Năm 1953, ngài nhận bằng Tiến sĩ thần học với luận án Dân Chúa và Nhà Chúa trong tư tưởng của Augustinô về Giáo hội.
Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của Gottlieb Söhngen, một giáo sư nổi tiếng về Thần học cơ bản, linh mục Joseph Ratzinger nhận thêm một bằng Tiến sĩ với luận án về Thời gian và Lịch sử theo thánh Bônaventura.
Sau khi dạy Thần học cơ bản và Tín lý tại Freising, ngài tiếp tục dạy ở Bonn từ 1959–1963; tại Münster từ 1963–1966, và tại Tübingen từ 1966–1969. Trong năm 1969, ngài dạy về Tín lý và Lịch sử tín điều tại đại học Regensburg, đồng thời là Phó Viện trưởng tại đây.
Từ năm 1962–1965, ngài góp phần đáng kể cho Công đồng Vaticanô II trong tư cách chuyên viên, là cố vấn thần học cho Đức hồng y Joseph Frings, Tổng giám mục Köln (Cologne). Với những hoạt động trí thức phong phú, ngài được đề nghị làm việc cho Hội đồng Giám mục Đức cũng như cho Ủy ban thần học quốc tế.
Năm 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar và nhiều nhà thần học nổi tiếng khác, ngài khởi xướng tạp chí thần học Communio (Hiệp Thông).
Ngày 25-3-1977, Đức Phaolô VI đặt ngài làm Tổng giám mục München và Freising. Ngài chọn khẩu hiệu “Người cộng tác của Chân lý”, và ngài giải thích: “Một đàng, khẩu hiệu này diễn tả mối tương quan giữa công việc trước đây của tôi, trong tư cách giáo sư, và nhiệm vụ mới. Cách tiếp cận khác nhau nhưng điều chính yếu vẫn là phục vụ chân lý. Đàng khác, tôi chọn khẩu hiệu này vì trong thế giới ngày nay, dường như chân lý bị bỏ quên và bị coi như cái gì đó quá lớn lao đối với con người, tuy nhiên nếu không có chân lý thì mọi sự đều sụp đổ”.
Cũng trong năm 1977, tại Công nghị hồng y vào ngày 27-6, Đức Phaolô VI nâng ngài lên hàng hồng y.
Năm 1978, Đức hồng y Joseph Ratzinger tham dự Mật tuyển viện bầu Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I (ngày 25–26 tháng 8). Đến tháng 10, ngài lại dự Mật tuyển viện bầu Đức Gioan Phaolô II.
Năm 1980, tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về đề tài “Sứ vụ của gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay”, ngài đóng vai trò điều phối (relator). Trong Thượng Hội Đồng năm 1983 về “Hòa giải và sám hối”, ngài ở trong Chủ tọa đoàn.
Ngày 25-11-1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh và Ủy ban Thần học. Ngày 15-2-1982, ngài từ giã Tổng giáo phận München và Freising để về làm việc tại Rôma.
Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức hồng y Joseph Ratzinger cũng là Chủ tịch Ủy ban biên soạn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo, được chính thức công bố vào năm 1992.
Trong những tác phẩm của ngài đã được xuất bản (trước khi làm giáo hoàng), người ta chú ý đặc biệt đến cuốnDẫn vào Kitô giáo là tổng hợp những bài thuyết trình của ngài về Kinh Tin Kính; cuốn Tín điều và Giảng thuyết(1973) là tổng hợp những bài viết, bài giảng và suy niệm. Ngoài ra, những cuốn sách được thực hiện dưới dạng phỏng vấn, như The Ratzinger Report (1985) về tình hình đức tin trong thế giới ngày nay, Muối cho đời (1996), đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên toàn thế giới.
Sau khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, các hồng y đã triệu tập Mật tuyển viện, và ngày 19-4-2005, Đức hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu là Bênêđictô XVI. Lời đầu tiên vị tân giáo hoàng gửi đến toàn thể thế giới là: “Anh chị em thân mến, sau vị giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì niềm tin rằng Chúa có thể làm việc và hành động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trên hết mọi sự, tôi phó thác mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”.
Trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói với mọi người tham dự và với cả thế giới: “Mọi ý thức hệ về quyền lực đều hành động như nhau. Những ý thức hệ ấy biện minh cho việc tiêu diệt bất cứ cái gì có thể cản đường tiến bộ và giải phóng nhân loại. Còn Thiên Chúa, Đấng đã nên Chiên (xá tội), lại nói với chúng ta rằng: thế giới được cứu độ nhờ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chứ không phải nhờ những kẻ đóng đinh tha nhân”. Rồi ngài nói thêm: “Xin cầu nguyện cho tôi để tôi không vì sợ hãi sói dữ mà bỏ trốn”.
NHỮNG DẤU ẤN TRONG TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Được bầu làm giáo hoàng khi đã bước vào tuổi 78, Đức Bênêđictô XVI đã tâm sự với những người thân cận rằng, do tuổi tác và sức khỏe, có lẽ ngài không thể theo gương Đức Gioan Phaolô II trong những chuyến thăm mục vụ khắp thế giới. Thế nhưng ngài mau chóng nhận ra rằng cách tốt nhất để vươn tới mọi người là đi đến với họ, vì thế ngài đã cố gắng thực hiện, trước hết là có mặt tại Đại hội Giới Trẻ thế giới được tổ chức tại Đức, chỉ vài tháng sau khi ngài làm giáo hoàng. Trong 5 năm đầu của triều đại giáo hoàng, ngài đã đi đến 5 châu lục, 14 quốc gia, qua quãng đường 60.000 kilômét. Ngài hiểu được sức mạnh của báo chí và truyền thông, và biết rằng nếu ngài đi đến với những người nghèo ở châu Phi thì giới truyền thông cũng đi theo. Qua họ, cả thế giới sẽ nhìn thấy tình trạng nghèo khổ ở đó và hố phân cách giàu nghèo trên trái đất này, để ý thức hơn và góp phần thay đổi.
Ngay từ khi lãnh nhận sứ vụ Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về vấn đề đại kết. Trong Thánh Lễ đầu tiên với tư cách Giáo hoàng, cử hành tại Nhà nguyện Sistine, ngày 20-4-2005, ngài đã khẳng định đại kết là mối quan tâm hàng đầu, và ngài sẵn lòng “làm việc không mệt mỏi nhằm tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Chúa Kitô”. Những tiến triển sau đó trong mối liên hệ của Tòa Thánh Rôma với Giáo hội Chính Thống, Luther, Anh giáo… cần được nhìn trong viễn tượng này.
Đức Bênêđictô XVI cũng là vị giáo hoàng của Công đồng Vaticanô II. Ngài đã có mặt tại Công đồng ngay từ đầu. Khi đó, Joseph Ratzinger còn là một linh mục trẻ 35 tuổi nhưng đã là một giáo sư thần học có tiếng tăm, được Đức hồng y Jospeh Frings của Köln chọn làm cố vấn thần học, sau đó được chọn làm chuyên viên của Công đồng. 50 năm sau, khi đã là giáo hoàng và đưa ra quyết định từ nhiệm, một trong những bài thuyết trình cuối cùng của ngài là bài nói chuyện với hàng giáo sĩ Rôma, và đề tài là về Công đồng Vaticanô II, khởi đi từ những kinh nghiệm và suy tư cá nhân của ngài. Nhắc lại những sự kiện trên để thấy Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng gắn bó với Công đồng, và điều ngài thường xuyên nhấn mạnh khi nói đến các văn kiện của Công đồng là là tính liên tục. Vaticanô II không phải là sự đoạn tuyệt với quá khứ nhưng là sự tiếp nối dòng chảy miên man của đức tin Kitô giáo trong đời sống Giáo hội. Những cải tổ phụng vụ, suy tư thần học, hoặc canh tân mục vụ cần được thực hiện trong tầm nhìn này; nếu không, không thể giải thích và áp dụng cách đúng đắn tinh thần của Công đồng.
Đức Bênêđictô XVI cũng làm nổi bật vai trò giáo huấn của Tòa Thánh Phêrô. Là một học giả và giáo sư lỗi lạc, ngài tiếp tục công việc này đặc biệt qua những bài dạy giáo lý hằng tuần và những bài giảng, những diễn văn sâu sắc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ngài còn dành thời giờ nghỉ ngơi thư giãn tại Castel Gandolfo để hoàn tất tác phẩm đồ sộ Đức Giêsu thành Nazareth. Cách riêng, ngài đã lưu lại cho Giáo hội 3 thông điệp quan trọng.
Thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI là Deus caritas est, tóm kết giáo huấn của ngài về tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là nền tảng cho đời sống và dẫn đến những câu hỏi quan trọng của đức tin: Thiên Chúa là ai? Chúng ta là ai? Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên yêu thương không chỉ đơn thuần là điều răn phải giữ, nhưng là sự đáp lại của chúng ta trước tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy bao gồm toàn bộ đời sống con người. Trong tình yêu, phải biết cho đi và cũng biết đón nhận. Khi người Kitô hữu sống thân tình với Chúa, họ học nhìn người khác bằng cặp mắt của Chúa: “Nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, tôi có thể trao tặng người khác những gì lớn lao hơn những nhu cầu bên ngoài, tôi có thể trao cho họ cái nhìn yêu thương mà họ khao khát”.
Thông điệp Spe salvi về niềm hi vọng Kitô giáo trình bày Chúa Giêsu như cội nguồn hi vọng mà nhân loại đang khao khát. Đức Thánh Cha nhận định rằng không có phương thế nhân loại nào có thể sửa lại những sai lầm khủng khiếp trong lịch sử nhân loại, như việc tàn sát người Do Thái, những tai họa trong thiên nhiên, chiến tranh và khủng bố. Không có phương thế nhân loại nào có thể mang lại sự công bằng trọn vẹn: “Không ai và không điều gì có thể trả lời cho những thế kỷ của khổ đau”. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự phục sinh thân xác, mới có công bằng trọn vẹn, và mọi giọt lệ mới được lau đi.
Caritas in veritate là thông điệp xã hội, cố gắng vượt lên trên sự tương phản người ta thường nêu lên giữa công bằng và bác ái, linh đạo và phát triển, đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, mối quan tâm của những nước giàu và nhu cầu của những nước nghèo. Đức Thánh Cha nhắc nhớ chúng ta rằng những đòi hỏi của tình yêu mang cả hai chiều kích cá nhân và xã hội. Tình yêu phải được áp dụng cho những quan hệ ở tầm vi mô (với bạn bè, với gia đình, trong nhóm nhỏ), cũng như những quan hệ ở tầm vĩ mô (xã hội, kinh tế, chính trị). Ngài phê phán thứ kinh tế thị trường mà thiếu công bằng, hỗ trợ việc giúp đỡ các nước nghèo, kêu gọi thiết lập những cấu trúc quốc tế để giải quyết tình trạng đói nghèo trên thế giới. Ngài kêu gọi tôn trọng môi sinh vì chúng ta cư xử với thiên nhiên thế nào thì thiên nhiên cũng ứng xử với chúng ta như thế. Cũng vậy, không tôn trọng quyền sống của tha nhân sẽ làm suy yếu lương tâm của xã hội, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chắc chắn những thông điệp này là những di sản tinh thần quý giá mà các tín hữu công giáo cần đón nhận và tiếp tục đào sâu trong suy tưởng cũng như ứng dụng trong thực hành.
TUYÊN BỐ TỪ NHIỆM VÀ NHỮNG CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TỪ NHIỆM
Ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI ngỏ lời với các hồng y hiện diện về quyết định từ nhiệm của ngài. Quyết định này đã gây ngỡ ngàng cho toàn thể thế giới. Sau đây là toàn văn tuyên bố của Đức Thánh Cha.
“Chư huynh thân mến,
Tôi triệu tập chư huynh đến Công nghị này, không những vì ba lễ tuyên phong hiển thánh, nhưng còn để thông báo với chư huynh một quyết định có tầm quan trọng lớn lao cho đời sống của Hội Thánh. Sau khi liên lỉ xét mình trước Nhan Thiên Chúa, tôi chắc chắn rằng sức khỏe của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp với việc thi hành cách trọn vẹn sứ vụ của Thánh Phêrô. Tôi biết rất rõ rằng sứ vụ này, do bản chất thiêng liêng của nó, phải được thi hành không chỉ bằng lời nói và hành động, nhưng còn bằng cầu nguyện và chịu đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, một thế giới có quá nhiều thay đổi mau chóng, một thế giới đặt ra những vấn đề khẩn thiết cho đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và để loan báo Tin Mừng, cần có sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác; và trong ít tháng qua, tôi thấy sức khỏe sa sút đến mức không thể chu toàn sứ vụ được trao phó cho tôi cách cân xứng. Vì lý do đó, với ý thức rất rõ về tính nghiêm trọng của quyết định này, cùng với tất cả tự do, tôi từ nhiệm sứ vụ Giám mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô, sứ vụ mà các Đức hồng y đã trao cho tôi từ ngày 19 tháng 4 năm 2005. Do đó, kể từ 20g00 ngày 28 tháng 2 năm 2013, Tòa Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trống và Mật Tuyển viện sẽ được triệu tập do các vị có thẩm quyền.
Chư huynh thân mến, tôi chân thành cảm ơn những việc chư huynh đã làm để nâng đỡ tôi trong sứ vụ, và xin chư huynh tha thứ cho những khiếm khuyết của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy trao phó mọi sự cho sự chăm sóc của Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử tối cao của chúng ta, và khẩn nài Đức Thánh Maria, để ngài nâng đỡ chúng ta bằng tình thương mẫu tử của ngài, trong việc tuyển chọn vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, tôi xin hết lòng phục vụ Hội Thánh trong tương lai qua đời sống tận hiến cho việc cầu nguyện”.
NHỮNG CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN
VIỆC TỪ NHIỆM CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
1. Khi nào Đức Bênêđictô XVI sẽ xuất hiện lần cuối trong tư cách Giáo hoàng?
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ xuất hiện lần cuối với tư cách Giáo hoàng trong buổi tiếp kiến chung, ngày 27-2-2012, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Cách đặc biệt, buổi tiếp kiến này sẽ gồm phần Phụng Vụ Lời Chúa và những giây phút cầu nguyện. Ngày kế tiếp, thứ Năm 28-2, ngài sẽ có buổi tiếp kiến riêng dành cho một số hồng y. Đây sẽ là buổi tiếp kiến cuối cùng.
2. Đức Bênêđictô XVI có bị bệnh gì trầm trọng không?
Không, Đức Bênêđictô XVI không bị bệnh gì trầm trọng.
3. Có thật là Đức Bênêđictô XVI phải gắn máy trợ tim?
Đúng, Đức Bênêđictô XVI có gắn máy trợ tim. Ngài đã mang máy này từ khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Cách đây ít tuần, máy này mới được thay pin.
4. Thông điệp về đức tin mà Đức Bênêđictô XVI đã viết có được xuất bản không?
Không. Không có kế hoạch xuất bản thông điệp này vì ngài không thể hoàn tất. Sau này, nếu ngài quyết định xuất bản thì bản văn đó không được coi như một thông điệp.
5. Tại sao Đức Bênêđictô XVI lại chọn thời điểm 20g00 ngày 28-2 để chấm dứt sứ vụ Giáo hoàng?
Vì thông thường đó là thời gian ngài kết thúc một ngày làm việc.
6. Đức Bênêđictô XVI sẽ sống ở đâu sau khi ngài từ nhiệm?
Trong khoảng thời gian hai tháng đầu, ngài sẽ nghỉ tại Castel Gandolfo. Sau đó ngài sẽ trở về Vatican và sống trong tu viện kín Mater Ecclesiae (Mẹ Hội Thánh).
7. Có phải Đức Bênêđictô XVI đã có quyết định từ nhiệm trong chuyến thăm Mêhicô?
Đức Bênêđictô XVI đã suy nghĩ và phân định từ lâu về việc từ nhiệm này. Trong chuyến thăm mục vụ tại Mêhicô và Cuba, suy nghĩ này đạt đến mức rõ nét. Tuy nhiên, chính chuyến đi không phải là lý do dẫn đến việc từ nhiệm.
8. Sau ngày 28-2, Đức Bênêđictô XVI sẽ mang danh hiệu và tước hiệu gì?
Đây là vấn đề vẫn còn đang được suy nghĩ. Ý kiến chung cho rằng ngài nên giữ danh hiệu Bênêđictô XVI, và tước hiệu là “Giám mục hưu của Rôma” (emeritus). Trong Niên giám giáo hoàng, danh hiệu Bênêđictô XVI vẫn được dùng.
9. Đức Bênêđictô XVI có dự Mật tuyển viện để bầu Giáo hoàng mới không?
Không. Đức Bênêđictô XVI sẽ không dự Mật tuyển viện để bầu Giáo hoàng mới, và ngài cũng không phải là thành viên của Hồng y đoàn.
10. Sau ngày 28-2, Đức Bênêđictô XVI sẽ mặc phẩm phục ra sao?
Chúng ta vẫn chưa biết rõ về việc này.
11. Giáo Hội có dự trù việc từ nhiệm của một Giáo hoàng không?
Có, việc từ nhiệm của Giáo hoàng đã được Bộ Giáo Luật trù liệu và quy định.
12. Sự kiện rò rỉ thông tin của Vatican, quen gọi là Vatileak, phải chăng đã tác động lên quyết định của Đức Giáo hoàng?
Không. Nếu muốn có thông tin đúng đắn, cần phải đọc những gì chính Đức Giáo hoàng nói về sự từ nhiệm của ngài.
13. Khi nào sẽ bắt đầu Mật tuyển viện?
Mật tuyển viện có lẽ sẽ bắt đầu khoảng từ 15–20 tháng Ba.
14. Trong tuần cuối cùng này, Đức Bênêđictô XVI có những thay đổi gì cho việc bầu Giáo hoàng mới không?
Không, trong thời gian vừa qua, Đức Bênêđictô XVI không đưa ra những thay đổi nào cho việc bầu Giáo hoàng. Năm 2007, ngài đã đưa ra một thay đổi nhỏ nhằm bảo đảm vị Giáo hoàng mới phải đạt được 2/3 số phiếu bầu trong Mật tuyển viện. Ngoài ra, những quy định của Tông hiến Universi Dominici Gregis vẫn được giữ nguyên.
15. Phải chăng có những đấu tranh quyền lực tại Vatican?
Trong mọi tổ chức đều có những ý kiến khác nhau và đây là điều tốt. Sự khác biệt và đa dạng về ý kiến là điều tích cực, nếu đem lại thiện hảo cho chính tổ chức đó. Tuy nhiên không nên quá nhấn mạnh đến những khác biệt đó vì nó không đúng với thực tế và ý hướng của người trong cuộc. Sẽ không đúng với thực tế của Giáo hội hiện nay nếu nói rằng đang có những đấu tranh quyền lực tại Vatican.
16. Đức Bênêđictô XVI sẽ gặp Đức Giáo hoàng mới không?
Không có dự trù cho việc gặp gỡ này.
17. Tại sao Đức Bênêđictô XVI lại quyết định ở lại Vatican mà không về lại quê hương của ngài là Bavaria, Đức quốc?
Dù Đức Bênêđictô XVI không giải thích rõ ràng, nhưng sự hiện diện và cầu nguyện của ngài tại Vatican đem đến sự liên tục thiêng liêng cho sứ vụ giáo hoàng. Hơn nữa, Đức Bênêđictô XVI đã sống ở Vatican từ hơn 30 năm nay.
[Nguồn: zenit.org]
BẦU GIÁO HOÀNG MỚI
Khi một vị giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm, việc điều hành Giáo hội được trao cho Hồng y đoàn. Các hồng y là những giám mục đang coi sóc các giáo phận trên khắp thế giới, hoặc đang làm việc tại Vatican, là những vị được đích thân Đức giáo hoàng tuyển chọn. Trách nhiệm lớn nhất của các ngài là bầu chọn vị giáo hoàng mới.
Trong giai đoạn “trống tòa”, các hồng y tiến hành nhiều cuộc họp tại Vatican, được gọi là họp khoáng đại. Các ngài bàn luận về những nhu cầu và thách đố Giáo hội đang phải đối diện. Các ngài cũng chuẩn bị cho việc bầu giáo hoàng mới, được gọi là Mật tuyển viện. Những quyết định chỉ dành riêng cho Đức giáo hoàng, ví dụ bổ nhiệm giám mục hay triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục, những việc này phải đợi đến khi bầu cử xong.
Nhớ lại Mật tuyển viện năm 2005, Đức hồng y Joseph Ratzinger (vị giáo hoàng tương lai) đã chia sẻ với các hồng y những suy tư gây ấn tượng sâu đậm. Ngài nói:
“Biết bao nhiêu ngọn gió học thuyết đã xuất hiện trong những thập niên gần đây, biết bao dòng ý thức hệ, biết bao hình thái tư tưởng… Con thuyền bé nhỏ của nhiều Kitô hữu thường xuyên bị lay động vì những ngọn sóng này, lắc lư từ thái cực này sang thái cực khác, từ chủ nghĩa Mác-xít đến chủ thuyết tự do, từ chủ trương tập thể đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan, từ vô thần đến thứ huyền bí mơ hồ, từ bất khả tri đến chiết trung và còn nhiều thứ khác. Những giáo phái mới mọc lên từng ngày… Tuyên xưng đức tin rõ ràng theo như Kinh Tin Kính của Hội Thánh lại bị cho là bảo thủ cực đoan. Đang khi đó chủ nghĩa tương đối, nghĩa là cho phép người ta chiều theo bất cứ ngọn gió học thuyết nào, xem ra được coi như thái độ duy nhất thích hợp với con người hiện đại. Cái đang được kiến tạo ở đây chính là sự độc tài của chủ nghĩa tương đối, vốn cho rằng chẳng có gì là vững chắc, và xem cái tôi của mình, khao khát của mình, là chuẩn mực tối hậu.
Tuy nhiên chúng ta có một chuẩn mực khác, đó là Con Thiên Chúa và là con người thật sự. Người là chuẩn mực của nền nhân bản chân chính. Một đức tin không trưởng thành sẽ mãi chạy theo những làn sóng thời trang mới mẻ, còn đức tin trưởng thành và chín chắn được bắt rễ sâu xa trong tình thân với Chúa Kitô. Chính tình thân này mở ra cho chúng ta tất cả những gì là tốt lành, ban cho chúng ta tiêu chuẩn để phân định cái thật với cái giả, chân lý và giả dối. Chúng ta phải chín muồi trong đức tin trưởng thành này, và chúng ta muốn dẫn đoàn chiên của Chúa Kitô đến đức tin trưởng thành ấy. Chính đức tin ấy – và chỉ có đức tin ấy – mới tạo nên sự hiệp nhất và thực hiện sự hiệp nhất trong đức ái. Ở đây, thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một từ ngữ rất đẹp: sống chân lý trong đức ái, như là công thức nền tảng của đời sống Kitô giáo. Trong Chúa Kitô, chân lý và tình yêu hội tụ. Chúng ta càng đến gần Chúa Kitô bao nhiêu thì chân lý và tình yêu càng vững chắc nơi chúng ta bấy nhiêu. Tình yêu không có chân lý là thứ tình yêu mù quáng; chân lý không có tình yêu chỉ là thanh la chũm chọe!”
Rồi ngài nói thêm:
“Ai cũng muốn kiếm tìm những gì bền vững. Nhưng cái gì tồn tại mãi? Không phải tiền bạc. Những dinh thự cũng chẳng tồn tại mãi, sách vở cũng thế. Sau một thời gian nào đó, lâu hay chóng, mọi thứ đều tan biến. Điều duy nhất tồn tại đến vĩnh hằng là linh hồn của con người được Thiên Chúa tạo dựng để sống vĩnh hằng. Do đó hoa trái tồn tại mãi mà chúng ta phải gieo trồng nơi linh hồn con người là tình yêu và sự hiểu biết, là những cử chỉ chạm đến lòng người, là những lời lẽ mở lòng người ra với niềm vui của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa để Ngài giúp chúng ta trổ sinh hoa trái, thứ hoa trái tồn tại mãi. Chỉ bằng cách đó, trái đất này mới được biến đổi từ thung lũng nước mắt thành địa đàng của Thiên Chúa”.
Thông thường, sau 15 – 20 ngày kể từ khi trống tòa, các hồng y quy tụ tại Đền thờ Thánh Phêrô để dâng Thánh Lễ, xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho việc bầu chọn vị giáo hoàng mới. Chỉ có các hồng y dưới 80 tuổi mới được bỏ phiếu trong Mật tuyển viện. Con số các vị này được giới hạn ở 120. Mật tuyển viện bắt đầu khi các hồng y được rước vào Nhà nguyện Sistine và có lời thề giữ bí mật tuyệt đối trước khi cửa Nhà nguyện được niêm phong. Các hồng y sẽ đọc chung lời thề sau:
“Chúng tôi, các hồng y cử tri, tập thể và cá nhân, hiện diện trong lần bầu chọn Giáo hoàng này, xin đoan thề và tuyên hứa tuân giữ cách trung thành và tỉ mỉ những điều khoản trong Tông thư Universi Dominici Gregis.
Chúng tôi đoan thề và tuyên hứa rằng bất cứ ai trong chúng tôi, theo sự an bài của Chúa, được bầu làm Giáo hoàng, sẽ trung thành đảm nhận sứ vụ Thánh Phêrô, làm Mục tử của Hội Thánh phổ quát, và kiên vững khẳng định, bảo vệ những quyền và tự do về mặt thiêng liêng cũng như trần thế của Tòa Thánh.
Trên hết mọi sự, chúng tôi đoan thề và tuyên hứa sẽ giữ tuyệt đối bí mật về tất cả những gì liên quan đến việc bầu giáo hoàng, cũng như những gì diễn ra tại nơi bầu chọn, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến kết quả bỏ phiếu; chúng tôi hứa sẽ không tiết lộ bí mật này bằng bất cứ cách nào, trong hoặc sau khi bầu vị giáo hoàng mới, trừ khi được Đức giáo hoàng minh nhiên cho phép; chúng tôi hứa không bao giờ hỗ trợ cho bất cứ hình thức can thiệp hoặc chống đối nào, qua đó các quyền bính thế tục hoặc các nhóm hoặc những cá nhân có thể can thiệp vào việc bầu giáo hoàng”.
Tiếp theo lời thề chung, từng hồng y sẽ tiến đến trước Sách Phúc Âm, được đặt giữa Nhà nguyện, và nói thêm:
“Và tôi, hồng y …… xin đoan thề và tuyên hứa như thế, xin giúp con, lạy Chúa và Sách Phúc Âm mà con chạm tay tới”.
Các hồng y bỏ phiếu kín, từng người một tiến đến trước bức danh họa của Michelangelo về Ngày Phán Xét, dâng lời cầu nguyện và bỏ lá phiếu của mình. Mỗi ngày có 4 lần bỏ phiếu, cho đến khi một ứng viên nhận được 2/3 số phiếu bầu. Kết quả của mỗi vòng bỏ phiếu được xướng lên và được 3 hồng y ghi nhận. Nếu không có vị nào đạt được 2/3 số phiếu bầu, thì những phiếu này được đem đốt, trộn với hóa chất, tạo nên khói đen. Mọi người bên ngoài nhìn vào luồng khói đen thì biết là chưa có kết quả.
Khi một ứng viên nhận được 2/3 phiếu bầu, hồng y niên trưởng của Hồng y đoàn sẽ hỏi xem ngài có chấp nhận hay không. Nếu ngài chấp nhận, ngài sẽ chọn tước hiệu và mặc phẩm phục giáo hoàng trước khi tiến ra bao lơn trước Đền thờ Thánh Phêrô. Những phiếu bầu trong vòng cuối cùng được trộn với hóa chất để cho khói trắng, báo hiệu cho cả thế giới biết việc bầu giáo hoàng mới đã hoàn tất.
Vị hồng y niên trưởng trong số các hồng y phó tế, hiện nay là hồng y Jean-Louis Tauran (người Pháp), sẽ loan báo từ bao lơn của Đền Thánh Phêrô: “Habemus papam” (Chúng ta có giáo hoàng). Sau đó Đức Tân Giáo Hoàng tiến ra và ban phép lành cho thành Rôma và toàn thế giới (urbi et orbi). ■
WHĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét