Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

THƯ ĐỨC CHA ĐAMIANÔ (1925)


Kon Tum - miền đất hợp cư của nhiều dân tộc bản địa,  và  những người dân Kinh đến từ nhiều nơi khác nhau như: Nam  - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam-Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên).v.v. Nhưng về người Kinh, có lẽ người gốc Bình Định là đông nhất. Xứ Kon Tum ngày xưa còn được người đồng bằng gọi là xứ Trà Ngao. Trà Ngao là tiếng nói trại ra của Rơ ngao, tên gọi của  một sắc dân cư ngụ tại trung tâm thành phố Kon Tum ngày nay (ngoài ra còn có các sắc dân Ba na, Sê đăng, Jơ rai.v.v.

kontumquehuongtoi xin giới thiệu một tài liệu : "Thư Đức Cha Đamianô (1925)", để cùng tìm hiểu thêm về việc đồng bào dưới Bình Định lên làm ăn ở trên Kon Tum. 


THƯ ĐỨC CHA ĐAMIANÔ (1925)
Về sự cho bổn đạo nghèo đi làm ăn nơi khác

 
Trích Mémorial
Mission de Quinhon
Số 5, Mai 1925, tr. 69-70



              Giám mục Đamianô gởi lời kính thăm các Cha thuộc quyền Ta đặng mọi sự lành và đặng hay

Vốn các Cha hằng muốn cho con chiên mình ở luôn trong địa sở cho sum vầy đông số; sự ấy thật là theo lẽ đương nhiên, vì Cha chẳng muốn lìa con.

Nhưng lúc bây giờ mùa màng năng thất bát, nhứt là bốn tỉnh phía ngoài, nhơn dân đồ khổ, thất thế làm ăn; mà các Cha không có sức giúp bơ cho đủ, nên nhiều kẻ muốn bỏ xứ mà đi nơi khác kiếm thế sanh nhai; dầu các Cha ngăn cấm cũng lén mà đi, et tunc cum maximo salutis periculo[1]. Vậy thà các Cha bằng lòng cho đi và chỉ vẽ nơi nào tiện cho việc phần hồn phần xác, đặng nó tới làm ăn, thì hay hơn; miễn là không ra khỏi địa phận Ta thì thôi.

Vì vậy đừng cho đi Saigon hay Đà-lạch, vì phần thì xa xuôi, phần thì chẳng ai bảo lãnh lo liệu cho, ắt phải khốn khó mọi bề mà chớ.
Có hai nơi nên cho bổn đạo tới làm ăn:

Một là, trong Phan-rang; tại Hộ-diêm, địa sở cố Thiết; hoặc tại Rừng-lai, địa sở cố Lợi. – Nhưng vậy hai nơi này cũng hẹp, chẳng lãnh đặng bao nhiêu nhà.

Hai là, xứ Trà-ngao (trên mọi); đất ruộng minh mông, khí lạnh, đất tốt; lập vườn, làm ruộng đều được. Ai tới đó chí công lập nghiệp chắc sẽ được ấm no và có khi sẽ nên phú túc.

Vả chăng nhiều Cha trên ấy sẵn lòng lãnh bổn đạo dưới nầy lên, và lo lắng cho phần hồn phần xác; nhứt là mấy cha sau nầy:

a) Cố Hiển ở tại An-hòa và Đàng-riơ, muốn cho có kẻ tới đặng vỡ ruộng, lập vườn trồng trà-phe, trồng chè ...

b) Cố Cận tại Pơlei-Poo, cũng hiếm chỗ lập vườn làm ruộng.

c)  Cha Phan, ở Pơlei-ku, Tiên-sơn; Cha Nhì, Thăng-bình; cha Diện, Pơlei-Đơrap; Cha Ban, Hamông; cùng mấy cha khác cũng trông cho kẻ tới lập nghiệp làm ăn, chẳng thiếu chi đất hoang nhàn phì mĩ.

Ấy vậy các cha sở, nhứt là trong tỉnh Bình-định, chớ cấm, mà lại phải bắt đầu giảng per seipsos et per suos vicarios[2], mà bảo cho bổn đạo hay: Ai nghĩ mình không phương thế làm ăn tại xứ nầy cho đủ nuôi gia thất, mà muốn đi xứ khác đặng sanh nhai, thì mặc ý; nhưng mà phải tới thưa Cha sở rõ mà chỉ nơi nào đáng đi và sẽ liệu thế cho mà đi.

Vậy ai tới thưa xin đi, thì phải hỏi: muốn đến xứ nào: địa sở Cha nào? Đi một mình hay là đem vợ con. Nếu đi một mình không đem vợ con theo, thì bất tiện lắm, ít nên cho đi thể ấy. Hỏi xong, thì phải gởi thơ hỏi Cha sở ấy lãnh đặng mấy người, lại phải đi lúc nào cho tiện, v.v. Đặng tin lại đoạn, thì cho nó đi, cầm giấy làm chứng gia thất ấy mấy người, ở sở nào, v.v. đặng nó cầm giấy ấy đến nơi trình cùng Cha sở nó sẽ đến ở. Xong việc phải viết sổ riêng cum notis unicuique propriis[3] mà gởi direct cho Cha sở ấy nữa. Rồi lo ghi vào sổ Status Animarum của địa sở mình những gia thất xiêu cư nơi nào.

Bấy lời xin các Cha cầu nguyện cho Ta với.

P.S. – Cố Hiển đã lãnh được 80 người, mà cũng còn muốn lãnh nữa; song cố xin nói cho các Cha dưới nầy hay rằng: bổn đạo nào muốn lên, số là bao nhiêu, thì các cha sở hãy viết thơ tin cho cố biết trước ít là 3 tháng, đặng cố lo cất nhà, sắm nơi sẵn sàng, kẻo chúng nó lên mà không có nơi trú ngụ, thì thậm khổ. Lại chúng nó phải lo đem theo mền, chiếu, áo quần, vì xứ trên nầy khí lạnh. Nếu chúng nó sắm không nổi, thì xin các Cha sở lo sắm cho chúng nó đem theo, rồi sau cố sẵn lòng hườn sở tổn.

 

 

[1] Và vì thế kéo theo nhiều nguy hiểm phần rỗi
[2] Chính mình (cha sở) và các cha phó (giảng)
[3] Có ghi chú riêng
Nguồn tin: gpquinhon.org 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét