Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

TÌM VỀ DĨ VÃNG LÀNG KON TRANG ÔR


Các bạn thân mến,

Sau khi mình gởi thắc mắc về "Truyền thuyết!? địa danh Kontum" (xem bài trước đây), Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, chính xứ Võ Lâm, Trưởng Ban Truyền Thông Gp Kontum đã cất công nghiên cứu tài liệu, và ngài đích thân "vi hành" tìm hiểu về Làng Kon Trang Ôr. Việc làm của Cha Gioakim thật đáng khâm phục! Bài viết của ngài dưới đây là một bằng chứng hùng hồn về sự thật lịch sử, đáp trả những tâm địa hẹp hòi ích kỷ, cố ý "bóp méo" hoặc xóa bỏ sự thật lịch sử Kontum, nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích riêng của một nhóm người...Như trường hợp "Cha Do" mà tôi đã cập trước đây!

Xin trân trọng giới thiệu đề tài lý thú này đến các bạn.



--------------------------------------------------

Tiếp theo sau LÁ THƯ TRẢ LỜI THẮC MẮC CỦA LINH MỤC NGUYỄN HOÀNG SƠN GỞI ĐẾN ANH LÊ MINH SƠN, Ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin giới thiệu sau đây “MỘT KÝ SỰ ĐI TÌM VỀ DĨ VÃNG LÀNG KON TRANG ÔR” để làm NỀN TẢNG cho một chuyên đề nghiên cứu đầy đủ hơn về “CỘI NGUỒN LÀNG KONTUM“.




TÌM VỀ DĨ VÃNG
LÀNG KON TRANG ÔR

Người mất trí nhớ do chấn thương sọ não, mất toàn phần hay một phần dĩ vãng. Bác sĩ cần dùng phương pháp trị liệu y học, tâm lý, và nhiều lúc cần tình yêu, tìm một xúc động mạnh… để giúp bệnh nhân tìm lần hồi sống lại dĩ vãng của mình.  Trên lãnh vực sử học, tìm về dĩ vãng một biến cố nào đó, một cụm dân cư hay một địa danh nào đó cũng có cần tuân thủ những phương thức thích hợp như cách thức đặt tên, dựa vào văn bản, lời kể, khảo sát thực địa sông suối, núi rừng …
Chúng tôi tìm về dĩ vãng một số địa danh buôn làng người dân tộc trên vùng KONTUM. Buôn làng của người dân tộc xưa kia thường đổi di dời nhiều lý do, như ôn dịch, cháy làng, hoạn nạn do thiên nhiên hoặc do con người tạo ra như chiến tranh giữa các bộ tộc hay do tranh chấp nội bộ trong cùng một buôn làng. Chúng tôi muốn tìm hiểu làng dân tộc nay biến mất như xóa sổ hay đi nơi khác nhiều lúc không biết họ đang ở đâu.
Trong chương mục này, chúng tôi dành riêng  TÌM VỀ DĨ VÃNG LÀNG KON TRANG ÔR. Chúng tôi cần dựa theo một số phương pháp để nắm bắt được  DĨ VÃNG của KON TRANG ÔR, chứ không đơn thuần gán cho 2 chữ “TRUYỀN THUYẾT” rồi an tâm nói hưu nói vượn theo quan điểm của riêng mình. Khi dùng những phương pháp để lần hồi tìm về cư trú nguyên thủy của nó, chúng tôi luôn đối chiếu, so sánh và gạn lọc, nhận định rồi đưa ra kết luận khả dĩ nắm được phần nào DĨ VÃNG CỦA ĐỜI SỐNG DÂN LÀNG KON TRANG ÔR.
I- DỰA VÀO TƯ LIỆU.

Chúng tôi xin dựa vào 2 tư liệu bằng văn bản có đề cập đến địa danh  KON TRANG ÔR.
1- Có 2 tư liệu bằng tiếng Việt in cùng năm 1933: 1/ một là tài liệu quyển “Mở Đạo KON – TUM” của P. Ban và S. Thiệt, được Đức Giám mục Martial Jannin chuẩn y vào ngày 10 tháng Février 1933, nhà in Quinhơn; 2/ hai là “Kontum Tỉnh Chí” của Ông Võ Chuẩn, viết ngày 24 tháng 10 năm 1933, đăng trong NAM PHONG, số191, tháng Octobre năm1933. Chúng tôi dựa vào tài liệu thứ nhất, vì nó có trước và toàn diện hơn. Tuy nhiên, tư liệu thứ 02 cũng có cùng nội dung, giống câu cú và từ ngữ tựa như trích nguyên câu của tư liệu “Mở Đạo KON – TUM” [1]
  Trang 115, quyển “Mở Đạo KON – TUM” có ghi:
Làng Kontum khỉ sự theo đạo từ năm 1856. Song trước hết phải biết rằng: chừng quãng năm 1800 sau Chúa ra đời chưa có làng Kontum, chỉ có làng Kontrang-ôr ở gần bên sông, chỗ gọi là: Dak Lai, bây giờ kêu là Chuoh Reng; chỗ đó có cây xoài lớn bây giờ cũng hãy còn. Làng Kontrang-ôr đời ấy đông lắm, phỏng có tới ngàn nhơn số; có nhiều người làm côi cả trong làng, nhứt là: Mung, Bung, Loih và Jă-Xi. Mung, Bung và Loih, có tính chơi bời ăn uống, cùng có lòng hung bạo chẳng kiên nể ai, hay sinh sự làm giặc, nhứt là hay đi đánh ngả Jơlơng, cướp của, bắt người bán cho Lào, nên chúng nó giàu có. Còn Jăxi, có tính hiền từ chơn chất, nên sút hơn, và cũng hay bị lũ kia ăn hiếp.(…)”
  
2 – Dựa theo nguyên tắc đặt tên.
Phân tích những yếu tố trong câu vừa trưng dẫn trên gồm: a/ tên làng được ghi trong câu: làng Kontrang-ôr và b/ tên nơi chốn :+ ở gần bên sông, +  chỗ gọi là: Dak Lai, bây giờ kêu là Chuoh Reng; c/ dấu vết : chỗ đó có cây xoài lớn bây giờ cũng hãy còn.
a/ Địa danh “KONTRANG“: có nhiều làng mang địa danh Kontrang. Phía bắc Thành Phố Kontum, trong huyện Đăk Hà  có 4 nơi : Kontrang Mơnei, Kontrang Kla, Kontrang Họ, Kontrang Kép , huyện Sa-Thầy có 01 : Plei Trang[2].
b/ Nguyên tắc đặt tên: lấy tên sông suối, cây cối, núi, đặt thù vùng đó….
     Địa danh “Kontrang-ôr“ có nghĩa theo từ ngữ:
* Kon: chỉ con cháu, người; khi đi trước từ “nơi chốn“ hay “một đặc thù nơi chôn, sản phẩm nơi đó…“, KON có nghĩa là làng.
* Trangcây lau loại cỏ cao, lá tựa như lá mía, bông trắng;
               cây sậy, loại cây dại thuộc họ lúa, cao độ 2,3 mét thân cứng lá dài không có răng cưa mọc trên đất khô.
* Ôr : vùng trũng bờ sông bờ suối có thể làm hoa màu, làm lúa.
3- Đặc tính của làng này:
Chỗ gọi là: Dak Lai. Hiện nay, phía đông làng Kon Hra Kơtu có một dòng suối khá rộng bắt nguồn từ trên dãy núi Chư Hreng đổ vào sông Đak Bla và nhà nước mới làm chiếc cầu ximăng bắt qua suối Dak Lai này;
+“Bây giờ kêu là Chuoh Reng“. Cách phát âm và lối viết theo giọng người kinh địa phương gọi các địa danh nằm trong địa giới triền núi chư Hreng đến bờ sông Đak Bla.
II-  KHẢO SÁT THỰC ĐỊA

Chúng tôi dựa vào sử liệu để tìm hiểu địa danh làng Kontrang-ôr theo các chi tiết đặc thù và được những người dân tộc địa phương hướng dẫn: đi khảo sát lần thứ 01 vào giữa tháng 4 năm 2011 và lần thứ 2 vào ngày 14 tháng 01 năm 2013 vừa qua.
1/ Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Linh mục Giuse Nguyễn Đức Chương, chánh xứ Plei Rơhai tận tình giúp đỡ và giới thiệu những người đồng hành với chúng tôi, đợt đầu (năm 2011) có  chú A Thùy  (làng Plei Rơhai), và chú  A Phiuh (làng Kon Hra Kơtu) và đợt thứ hai (2013) gần đây có anh  A Men  và có chú Phiuh hướng dẫn chúng tôi.
2/ Trong 2 lần đi, chúng tôi đi từ làng Plei Rơhai theo đường cũ (phía sông Đak Bla), quá xấu lổn ngổn đất đá khó đi. Vượt khỏi địa giới Plei Rơhai, xuyên qua các thôn dịnh cư của người kinh mới vào lập nghiệp tại xã Chư Hreng, đến thôn 5, xe honđa phải bò qua suối Đak Tâu và Đak Brong. Chúng tôi dừng chân thăm hỏi một số cư dân người Hoài Ân, Phù Cát (Bình Định) lên lập nghiệp cách đây trên 30 năm, nằm giữa Đak Brong và Đak Kram trước khi vào làng Kon Hra Kơtu.
image002
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn trao đổi với dân làng
Thôn 5 – Xã Chư Hgren
image004
Linh mục trao đổi với Chú Yao Phu A Phiuh (Làng Kon Hra Kơtu)
Lần đi thứ hai này, chúng tôi gặp một vài gia đình cư trú tại đây (thuộc thôn 5, xã Chư Hreng, TP. Kontum). Họ là người Bình Định, rất đơn sơ, chân chất khi gặp được người lạ mà quen: lạ là vì mới gặp lần đầu, quen vì cùng dân địa phương Bình Định với nhau, nên vui vẻ trao đổi.
Ông bà biết ở đây có cây xoài nào to lớn không?
- Có, bên kia đường trước mặt nhà chúng tôi đây, phía bờ sông.
- Cây xoài đó to không ?
- To lắm mà nẫu đã đốn chặt, cưa xẻ làm ván rồi.
- Còn cây nào nữa không?
Họ chưa trả lời, chú Phiuh người đồng hành và chỉ dẫn cho chúng tôi đợt trước và cùng đi trong lần 2 này trả lời bằng tiếng phổ thông. Tôi nói với ông, cứ nói tiếng Bahnar, tôi hiểu tiếng địa phương của ông mà.
Ông nói:
- Xưa kia làng Kon Hra chúng con ở đây, từ lâu lắm, một bữa nọ, khi các ông bà và những người trai trẻ đi làm rẩy, ở nhà chỉ có trẻ con và các bà già, lửa nó ăn cháy hết nhà cửa đồ đạt, lúa khoai mì trong nhà cả làng. Sau đó làng phải di dời nơi khác, đến ở nơi hiện tại bên kia suối Dak Kram. Chốc nữa Bok đến thăm.
- Tại làng Kon Hra Kơtu, tôi còn nhớ năm 1958, cha Bề Trên Tiểu chủng viện cho các chú cắm trại qua đêm tại Kon Hra Kơtu. Lúc đó tôi còn chủng sinh đến đây cắm trại lần đó, xuống bờ sông gặp một cây xoài to lắm. không xa bờ sông Đak Bla. Nay còn không?.
- Không còn, họ chặt phá mất hết rồi. Chốc nữa con sẽ dẫn Bok đến đó xem.
- Tôi hỏi thêm. Ông còn nhớ lần trước đầu năm 2011 ông dẫn tôi, có thầy Phạm Đức Vượng cùng đi đến chỗ chúng ta đang đứng đây nè. Ông còn nhớ không ?
- Còn nhớ.
- Ông có dẫn tôi ra phía sau những nhà của các ông bà này và chỉ cho chúng tôi thấy vùng đất chỗ gốc cây xoài không còn nữa, nhưng to lắm. Tôi có nhờ ông đi vòng tròn để chỉ cho thấy gốc xoài to như thế nào. Tôi có chụp hình và quay phim ông vừa đi vừa chỉ. Ông còn nhớ không?
- Còn nhớ.
- Chúng ta vào chỗ đó và xác định lại nhé.
Chúng tôi cùng đi vào nơi mà trước dây hơn một năm ông đã chỉ cho chúng tôi chỗ gốc xoài. Lần này, vùng đất còn cây mì chưa chặt hết, ông ngập ngừng hồi lâu, định hướng. Cuối cùng ông cũng xác định đúng nơi ông đã chỉ lần trước. Chúng tôi có quay phim chụp hình theo thường lệ đề làm tư liệu cho khảm sát thực tế lần này.
3/ Rời thôn 5 nơi người kinh mới định cư, chúng tôi vượt qua suối Đak Kram và đi ngang qua làng Hra Kơtu, thẳng xuống dốc đến suối Đak Lai. Chúng tôi ngừng xe, ghi hình và vài thước phim, đồng thời quan sát địa thế xung quanh. Từ triền núi phía Chư Hreng (phía nam) nơi đang khai thác đá, suối chảy đổ về phía sông Đak Bla (phía bắc). Khi mùa mưa tới lượng nước chảy khá xiết, vì độ dốc cao từ đầu nguồn của dòng chảy, nhưng càng về phía sông Đak Bla mặt đất thấp dần. Phía tả ngạn cúa con suối Đak Lăi này một dãi đất tương đối bằng phẳng hiện giờ được chính quyền địa phương tạo lập vùng cư dân xã Chư Hreng. 
image006
image008
Chiếc cầu Đăk Lăi – Xã Chư Hreng
image009
image011
Vùng đất lập làng Kon Trang Ôr xưa kia bên bờ suối Đăk Lăi
image016
Trao đổi về Kon Trang Ôr với chú A Phiuh và anh A Men
4/ Chúng tôi trở lại Kon Hra Kơtu[3], đi ra xem cây xoài gần sông Đak Bla, trước mặt nhà thờ Kon Hra Kơtu như thế nào. Chúng tôi bắt đầu đi bộ được nửa đường, chú A Phiuh nhắc lại là người ta đã chặt rồi. Vả lại, tôi bị đau chân, nên đành trở về nhà thờ nghỉ chân. Rất tiếc!.
Tôi hỏi tiếp ông Phiuh:
- Ông sinh năm nào?
- Sinh năm 1926.
- Sinh tại làng nào? tại làng cũ hay ở làng này?
- Sinh sinh tại Kon Hra Kơtu này ?
- Cha mẹ ông làm phép lấy nhau ở đâu?
- Dạ, ở làng này do cha Thích chánh xứ Phương Hoà chứng hôn. Mẹ là người Kon Hra Kơtu, cha là người Sơđăng.
- Mẹ ông sinh năm nào ?
- Thưa con không biết.
- Cha ông chết năm nào ?
- Cha mẹ con chết cùng năm 1972; cha chết trước, mẹ chết sau vài tháng.
- Ông có biết làng cháy và dân chạy về lập làng tại đây vào năm nào không ?
- Thưa con không biết.
- À, ông có cho tôi biết theo các già làng xưa kể lúc người dân còn ở làng cũ bên kia suối Đak Kram, có 2 anh em gia đình nọ, người anh bảo em về ở chung một làng cho vui. Khi làng cháy, người em trở về lại lập nghiêp nơi cũ trước mặt nhà thờ Tân Hương bây giờ. Ông kể cho tôi lần đi thứ nhất (vào tháng 4 năm 2011) có đúng như vậy không ?.
- Thưa đúng như vậy.
- Thế nay mới hiểu Kon Hra Chốt có nghĩa là “làng Kon Hra (cây sung) trở về làng cũ”. Tôi hỏi thêm ông:
- Khi dân làng về ở nơi này, có ai kể cho biết gần vùng suối Đak Lăi có làng nào, có nghĩa địa nào không ? Có cây xoài nào không ?
- Thưa không. Chỉ có cây xoài to, to lắm gần sông Đak Bla trước mặt nhà thờ nay không còn nữa. Cha có nói khi còn học trò có lần cha đến xem cây xoài đó vào năm 1958.
 Vâng, vâng, cha mườn tượng và nhớ ra rồi: cây xoài thân rất to, gần bờ sông, nói đúng hơn gần vũng nước sâu, cách bờ vài chục thước và ra khỏi vũng nước đó là tới doi cát của bờ sông Đak Bla.
Xin cảm ơn ông, xin chào ông.
Sau đó chúng tôi ra về theo trục lộ mới làm, đi qua xã Chư Hreng mới kiến thiết. Suy nghĩ miên man. Tổng hợp những điều đã thấy đã nghe để đem ra một vài nhận định, ít ra cũng hữu lý và có căn cơ.
Chúng tôi về tìm lại một vài tài liệu tại Tòa Giám mục, nhà xứ giáo xứ Kontum và hỏi thăm một vài già làng trong làng Kon Kơnâm.
III –TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH “TÌM VỀ DĨ VÃNG”- PHÍA KONTUM:
Chúng tôi vẫn theo đường hướng đã vạch ra: đi thực địa thực tế, đối chiếu tài liệu bằng văn bản để bám sát mục tiêu là  “KONTRANG ÔR” ở đâu, di chuyển và nay dân làng cư trú ở nơi nào? Tìm ra đáp số những câu hỏi đó, chúng tôi hy vọng tìm được sự hình thành KONTUM qua thời gian. Đợt này, chúng tôi tìm hiểu Kontrang Ôr bắt đầu từ phía phần đất bên Kontum Kơnâm, nội thị thành phố Kontum.
1. Chúng tôi đã liên hệ với linh mục chánh xứ Nhà thờ chính tòa Kontum.
a/ Sáng ngày 17.01.2013, chúng tôi đến gặp linh mục chánh xứ Nhà thờ chính tòa Kontum và xin ngài cung cấp tư liệu hình thành giáo xứ Kontum. Ngài trao cho chúng tôi một số tư liệu quí, trong đó có bản viết tay của linh mục cựu Tổng Đại diện Nguyễn Thanh Liên, nguyên chánh xứ giáo xứ Kontum.
Sáng 18.01.2013, chúng tôi đến gặp ngài, trao đổi một số vấn đề liên quan: theo tìa liệu sơ lược hình thành các giáo xứ lưu tại Tòa Giám mục có ghi: P. TƠTUER hay K. JƠRI hay DAKLĂI tòng giáo năm 1866 nghĩa là gì?[2], địa danh các “tum” (hồ) quanh vùng Kontum. Chúng tôi xin ngài hướng dẫn đến gặp ông câu Hiuh, sinh năm 1938, đang cư ngụ trong làng KonTum Kơnâm. Ông là người dân tộc làm “câu” trong xứ từ năm 1978 đến nay, biết khá nhiều lai lịch hình thành giáo xứ Kontum.
2. Thật ra, chúng tôi đã tiếp xúc với ông giữa năm 2011. Trong lần gặp ông vào năm 2011, chúng tôi đã nhờ ông dẫn chúng tôi ra ô, theo đường từ làng Kontum Kơnâm ra bãi cát đang khai thác tại bờ sông Đak Bla, để ông chỉ cho biết địa danh “các tum” (các hồ) quanh đó. Lần này (18.01.2013), chúng tôi không ra ngoài ô nữa, vì ông có tuổi, mặt khác chúng tôi cũng tạm định vị được nơi các ”tum” nằm ở khu vực nào rồi.
image018
image020
Tìm hiểu các địa danh với Ông câu Phiuh
c/ Ông câu Phiuh cho biết tên các TUM:  
     Lấy con đường từ KonTum Kơnâm ra bãi khai thác cát bên bờ sông ĐakBla có các “tum” như sau:
+ Bên tay mặt con đường:
☼ “Tum Glong” (từ giọt nước gần đường này đến sau nhà thờ chính tòa và Vinh Sơn 1).
☼ Kế tiếp “Tum Glong” là doi đất bằng cao người dân đang làm ruộng kéo dài từ sau trường Cuenot cho tới “TumTrô”. Hết doi đất bằng làm ruộng là đến “Tum Trô”. “Tum” này kéo dài cho tới giáp bờ sông Đak Bla.
Phía bên tay trái trục lộ ra bãi khai thác cát bên bờ sông ĐakBla có các “tum” như sau:
☼ “Tum Nhrong” : giáp bờ làng Kontum Kơnâm
☼ “Tum Phă”: nối tiếp Tum Nhrong”  và kéo dài về phía gần cầu treo bây giờ, nằm phía đông “Tum Nhrong”.
d/ Chúng tôi có đặt mấy câu hỏi xin làm ông làm sáng tỏ:
- Ông có biết làng MOER xưa kia ở đâu không?.
- Ông trả lời: dân làng không gọi MOER  mà gọi là PƠER. Làng  PƠER nằm  tại KONTUM KƠNÂM 2 bây giờ, phía bên kia cầu treo thuộc xã Đăk Rwa, gần bờ sông.
- Ông có biết KONTRANG PHĂ BENG ở đâu không ?
- Nó nằm lệch về phía đông bắt gần TUM PHĂ.
- Xin ông cho biết KONTRANG ÔR ở đâu không ?
- Nó nằm phía bên kia sông gần suối DAK LĂI, trên mô đất cao và gần KON HRA KƠTU. Chúng tôi đọc là Dak Lăi, chứ không đọc Dak Lai người kinh thường đọc.
3. Chúng tôi cảm ơn ông câu Hiuh, ra các giọt nước bên cạnh nhà ông. Đây là giọt nước rất tốt, nước còn nhiều, dân làng Kontum Kơnâm đến đây kín nước uống và giặt giũ quần áo và tăm rửa; nó có từ đời cha Hòa.
image022
image024
image026
image028
Cảnh sinh hoạt của bà con trong làng tại Giọt nước Kontum Kơnâm
4. Chúng tôi tiếp tục hành trình vượt qua cầu treo xã Đăk Rwa để “ĐI TÌM DĨ VÃNG”, xác minh một vài địa danh như ông câu Hiuh đã khẳng định. Ông nói làng PƠER nằm trong xã Đăk Rwa bên kia cầu treo.
a/ Chúng tôi đến thăm cộng đoàn các Yă, Dòng Ảnh Phép Lạ cư trú tại Kontum Kơnâm 2, thuộc xã Đăk Rwa[4 bên kia sông.
image030
Các Yă – Cộng đoàn Ảnh Phép Lạ tại làng Kon Kơnâm 2 – Xã Đăk Rwa
b/ Từ nhà các Yă, chúng tôi ngược về Kontum, qua cầu treo thăm nhà rông văn hóa Kon Klor[5], xã Đak Rwa. Thật may chúng tôi gặp mấy cụ già người dân tộc thuộc làng Klor đang làm cây nêu chuẩn bị Kỷ niệm mừng 100 năm ngày thành lập tỉnh Kontum (09.02.1913 – 09.02.2013). Có một vài người dân tộc tôi quen, nên dễ bắt chuyện trao đổi. Ông cụ lớn tuổi nhất tên là A Pưnh, gần 80 tuổi, làm câu trong làng Kon Klor. Từ khuôn nhà rông văn hóa Kon Klor, chúng tôi trao đổi câu chuyện vui vẻ. Dịp hiếm có, chúng tôi đặt một vài câu hỏi về những làng chung quanh đây với cụ  A Pưnh
image032
Các Già Làng Thôn Kon Klor tại nhà rông văn hóa Phường Thắng Lợi
image034
Cầu treo Xã Đăk Rwa
image036
Nhà rông Phường Thắng Lợi
image038
Khu đất làng Moer (Poer xưa)
- Xin ông cho Bok [6] biết làng Pơer ở đâu?
- Thưa Bok, làng đó nằm phía bên kia sông qua cầu treo, tả ngạn sông và vùng đất gần sông Đak Bla.
image040
                                                           image042
Làng Moer (Poer) nằm bên kia sông cầu treo
- Nó nằm vùng đất gần sông Đak Bla, sau nhà các Yă, có phải không?
- Đúng vậy. Làng Pơer đó. Nay làng đó không còn nữa. Con cháu về làm ruộng rẫy và ở đó, lập làng Kontum Kơnâm 2, Kontum Kơpơng 2.
- Tôi xin hỏi ông thêm một câu nữa: Kontrang- ôr xưa kia ở đâu ?
- Nó nằm gần suối DakLăi, cạnh làng Kon Hra Kơtu. Nó nằm phía mô đất cao hơn, còn làng Kon Hra Kơtu thấp hơn.
- Làng Đak Lăi còn ở đó hay di dời chỗ khác rồi.
- Ồ, nó đi lâu rồi, vể nhập vào Kontum từ lâu lắm. Con cháu nó nay về làm ăn tại Kontum Kơnâm 2 và Kontum Kơpơng 2.
image044
Trao đổi với cụ  A Pưnh về các địa danh:  làng Kon Trang Ôr và làng Poer xưa
Tôi xin ông chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm với ông A Pưnh, bắt tay ra về vui vẻ.
Chúng tôi thầm nhủ lòng không phí công sức đầu tư nghiên cứu làng KONTRANG ÔR bên kia sông Đak Bla, đối diện với giáo xứ Kontum ngày nay cũng đã làm sáng tỏ cội nguồn và hình thành làng “KONTUM”.
IV. NHẬN ĐỊNH
 1. Làng KONTRANG-ÔR:
Qua ý nghĩa TRANG là “cây lau, cây sậy” nằm trên vùng đất triền núi thoai thoãi đến sông, có vùng đất gần mặt bờ sông Đak Bla (người kinh thường gọi vùng đất thấp là ô) để làm hoa màu sinh sống.
2. Cụ thể làng Kontrang-or nằm trên cao hơn, phía đông địa giới làng KON HRA KƠTU ngày nay (gần bờ sông, có cây xoài to lớn) lan rộng tới suối DAK LAI.
3. Sau khi cả làng KONTRANG ÔR đã di dời làng, vì làng Kon Hra Kơtu nguyên thủy nằm giữa suối Đak Brong và Đak Kram ngày nay bị cháy, nên dân làng chạy về sinh sống giáp cư dân KONTRANG ÔR ở trước đó.
KẾT LUẬN
KONTRANG ÔR DI DỜI LÀNG ĐI ĐÂU ?
Các làng người Bahnar cư trú ở phía tả ngạn sông Đak Bla, trong đó có làng KONTRANG ÔR dần dần vì nhiều lý do khác nhau phải di dời về phía hữu ngạn sông Đak Bla. Làng MOER  (PƠER) nằm phía bên tả ngạn sông Đak Bla, nay thuộc xã Đak Rwa (bên kia cầu treo Kon Klor ngày nay). Cha Hòa (năm 1856-1857) tận tình giúp đỡ và khuyến dụ dần dần qui tụ các làng chung quanh vào làng Kontum được cha tổ chức và sau này làng KONTUM trở nên một làng đông dân cư.
LÀNG KONTRANG ÔR LÀ MỘT ĐỊA DANH CÓ THẬT, CÓ CHỨNG LÝ LỊCH SỬ BẰNG VĂN BẢN, CÓ NHÂN CHỨNG, CÓ VẬT CHỨNG.
Chúng tôi vừa trình bày một phần nào nguyên sơ làng “KONTUM”. Chúng tôi sẽ đề cập đầy đủ hơn chuyên đề: ‘CỘI NGUỒN LÀNG KONTUM”, trong đó chúng tôi sẽ tổng hợp những khía cạnh chúng tôi đã trình bày trước đó.
                                                                Kontum, ngày 19 tháng 01 năm 2013
                                                      LINH MỤC NGUYỄN HOÀNG SƠN

[1] “Phỏng trước năm 1800, thì không có tên Kontum vì làng Mọi ấy cũng chưa có. Trước, chỉ có làng Kontrang-ôr, ở gần bên sông, chỗ gọi là Dak-Lai, bây giờ kêu là Chuoh-Reng, chỗ ấy có một cây xoài lớn, bây giờ hãy còn”. (xem “Kontum Tỉnh Chí” của Ông Võ Chuẩn, viết ngày 24 tháng 10 năm 1933, đăng trong NAM PHONG, số191, tháng Octobre năm 1933 trang 530)
[2] Xin xem bản đồ, do Nha Địa dư quốc gia phát hành năm 1961, xuất bản lần 2.
[3] Kon Hra Kơtu và Kon Hra Chôt tòng giáo năm 1895 thuộc địa sở Rơhai (xin xem Echos tháng 02 năm 1947 và tháng 01 năm 1948). Kon Hra Chôt tách khỏi Kon Hra Kơtu năm 1910 (xin xem  Echos  ngày 15 tháng 08 năm 1948).
[4] Xin xem “Sơ lược hình thành các Giáo xứ và Điểm truyền giáo, các linh mục phụ trách” năm 1998, trang 8 lưu tại Tòa Giám mục Kontum. Khi tôi hỏi câu đó cho cha chính xứ giáo Kontum, ngài trả lời: nay không còn nghe nói đến địa danh đó nữa. Có lẽ họ đạo này đã chuyển về phia bên này sông Đak Bla, thuộc giáo xứ Kontum
 [5] Dân cư vùng hữu ngạn sông Đak Bla thuộc Kontum Kơnâm và Kontum Kơpơng qua sống cư trú và làm ruộng rẫy bên tả ngạn sông Đak Bla trên vùng đất xưa kia là của cha ông họ.  Ủy ban tỉnh phân chia và đặt tên làng là Kontum Kơnâm 2 và Kontum Kơpơng 2 cho các cụm dân cư qua sống bên tả ngạn sông.
 [6]  “Cây Klor” là một loại cây gòn, có gai, trai có bông làm gối. Làng nhiều loại gòn này, nên đặt tên làng là “Kon Klor” 
[7] “Bok”: người dân tộc gọi linh mục công giáo là Bok.  

Nguồn : http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-624_Tim-Ve-Di-Vang-Lang-KON-TRANG-OR-.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét