Ban mục vụ
Truyền thông Giáo phận xin đăng lên Trang truyền thông Giáo phận câu trả
lời của Linh mục NGUYỄN HOÀNG SƠN về thắc mắc được anh Lê Minh Sơn đặt
ra cho Trưởng Ban truyền thông Giáo phận.
Được sự
chấp thuận của anh Lê Minh Sơn, trước nhất, nay chúng tôi xin tải toàn
bộ câu thắc mắc một lần nữa để chúng ta hiểu thêm hơn về cội nguồn địa
danh KONTUM. Sau đó, chúng tôi xin đăng toàn bộ câu trả lời của linh mục
Trưởng Ban truyền thông Giáo phận.
KONTUM (14.01.2013) KONTUM
PHẦN THƯ THẮC MẮC
Kính gởi : Lm Goakim Nguyễn Hoàng Sơn, phụ trách Truyền Thông Gp. Kontum.
Kính thưa Cha,
Năm
nay 2013, Nhà thờ chính tòa Kontum tròn 100 tuổi (1913-2013). Vừa rồi
chúng con có đọc lịch sử “Nhà thờ chính tòa Kontum”, trên trang web của
Gp Kontum. Không chỉ lịch sử của ngôi nhà thờ, mà còn liên quan đến giáo
xứ Kontum, địa danh Kontum. Tuy nhiên, trên một số nguồn thông tin
khác, chúng con thấy có nói rằng câu chuyện về ngôi làng Bana đầu tiên
có tên gọi Kontum, chỉ là một truyền thuyết của
dân tộc Bana, nghĩa là đó là một câu chuyện được đặt ra (sáng tác dân
gian) mang yếu tố huyễn tưởng, thêu dệt, nhưng lại được cảm nhận là xác
thực, diễn ra ở thời gian lịch sử. Chẳng hạn trong trang web chính thức
của tỉnh Kontum (Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum - www.kontum.gov.vn/ ), ở mục Lịch sử hình thành Kon Tum qua các thời kỳ lịch sử, có ghi rằng: “Theo truyền thuyết của
dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. Thuở ấy,
vùng đồng bào dân tộc Bana (nay thuộc thành phố Kon Tum) có làng người
địa phương ở gần bên dòng sông Đăkbla với tên gọi Kon Trang – OR. Lúc
ấy, làng Kon Trang – OR rất thịnh vượng với dân số khá đông. Bấy giờ,
giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người
về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi – một trong số những người đứng
đầu làng Kon Trang – OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến
tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăkbla. Vùng đất
này rất thuận lợi cho phương thức sống định cư, nên dần dần có nhiều
người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành làng mới có
tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một
làng mới lập của người Bana, cạnh dòng Đăkbla, nơi có nhiều hồ nước
trũng. Theo tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là
hồ, ao, bàu nước,…) (Theo tài liệu Kon Tum trên đường phát triển).
Tương tự, trang mạng của Thành Phố Kon Tum - http://kontumcity.kontum.gov.vn/ cũng ghi rằng :”Theo truyền thuyết của dân tộc Ba Na vùng này được lưu lại rằng: Kon Tum ban đầu chỉ là tên gọi của một làng người Ba Na”.
PHẦN THƯ TRẢ LỜI
Võ Lâm, ngày 09 tháng 01 năm 2013
Anh Sơn thân mến.
Tôi đã nhận được thư điện tử của anh khá lâu, trong đó anh có đặt vấn đề về “nguồn gốc làng Kontum”, qua câu khẳng định sau đây: ”Theo truyền thuyết của
dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. Thuở ấy,
vùng đồng bào dân tộc Bana (nay thuộc thành phố Kon Tum) có làng người
địa phương ở gần bên dòng sông Đăkbla với tên gọi Kon Trang – OR. Lúc
ấy, làng Kon Trang – OR rất thịnh vượng với dân số khá đông. Bấy giờ,
giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người
về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi – một trong số những người đứng
đầu làng Kon Trang – OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến
tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăkbla. Vùng đất
này rất thuận lợi cho phương thức sống định cư, nên dần dần có nhiều
người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành làng mới có
tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một
làng mới lập của người Bana, cạnh dòng Đăkbla, nơi có nhiều hồ nước
trũng. Theo tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là
hồ, ao, bàu nước,…) (Theo tài liệu Kon Tum trên đường phát triển).” [1]
I – ĐẶT VẤN ĐỀ.
Kontum là một thực tại có tính lịch sử khách quan,
có lý chứng lịch sử hay chỉ một câu chuyện bịa đặt được trí tưởng tưởng
dựng lên gọi chung qua cụm từ “truyền thuyết”, như câu chuyện truyền
thuyết Sơn tinh, Thủy tinh, hoặc câu chuyện thánh Gióng cầm gươm diệt
thù v.v. . . và nhiều câu truyện “truyền thuyết” đại loại như vậy ?.
Thưa anh,
anh là người địa phương, có nhiều người thân thuộc dòng tộc cha ông của
anh đã sinh sống và đã gởi thân trong lòng đất “Kontum” từ nhiều thế hệ,
nên khi nghe ai đó nói một cách vô trách nhiệm rằng theo “truyền
thuyết, làng Kontum là….”, anh dễ bị dị ứng lây lan rộng vùng Kontum nói
chung. Mặt khác, anh đã quan tâm tìm hiểu cội nguồn, lai lịch nhiều địa
danh còn ghi dấu ấn tại địa bàn tỉnh Kontum dựa vào chứng cứ lịch sử
bằng văn bản, bằng hình ảnh và ngay cả những cây cổ thụ, giọt nước người
dân tộc thường dùng, các trũng nước, người địa phương gọi là “TUM”. Anh
còn nhớ tên từng con đường làng nay đã nới rộng thêm, hay những ngôi
nhà sàn người dân tộc thường ở, những nhà rông, nhà thờ, những lời cầu
kinh trầm bổng hay những tiếng nhạc của núi rừng vang vọng khi mặt trời
sắp khuất núi, tiếng chân “phình phịch” của từng đàn trâu bò theo nhau
chạy về chuồng trong buôn làng quen thuộc của chúng. Tất cả những hình
ảnh đó đã mở tung 2 lá chắn đã từng dính chặt 2 bên mắt, cũng có lúc
không cho phép chúng ta được tầm nhìn rộng và xa. Nhưng nay anh đã có
một gốc độ rộng để nhìn, nhận định. Nhưng lắm lúc chúng ta bị thiên kiến
che tầm nhìn. Viết sử luôn đặt lại vấn đề, định giá bằng chứng cứ và
đồng thời phê bình, nhận định ngay cả chứng cứ đó nữa. Thử hỏi chúng ta
đã nghiên cứu “làng Kontum” là một thực thể có tính lịch sử, có sách vở
ghi chép, chứng cứ bằng hình ảnh, hiện vật, những con người và câu
chuyện nào vào thời điểm thai nghén và phát triển từ một “làng Kontum”
nhỏ bé trở thành tỉnh Kontum như ngày nay chưa ?. Như thế, chúng ta khỏi
rơi vào cục bộ và thô thiển đáng thương!. Trộm nghĩ chúng ta nên cảm
thông những con người như chúng ta trước kia bị che khuất tầm nhìn khách
quan, khi chưa tra cứu sử liệu nghiêm túc và theo phương pháp chưa đúng
khoa học lịch sử, dễ làm méo mó sự thật và tạo hiểu lầm, và sau này con
cháu sẽ phê phán chúng ta.
II - QUY CHẾ CUỘC THI TÌM HIỂU “KON TUM”
Thưa anh,
tỉnh nhà đếm từng ngày, thời gian tiến dần về ngày kỷ niệm 100 năm
(09.02.2013). Những con đường, các công trình xây dựng nói chung đang
thi công vượt mức cho xong kịp thời gian ấn định đó. Bao nghiên cứu về
nghệ thuật, bài ca thi thơ được khuyến khích sáng tác chào mừng ca tụng
ngày trọng đại toàn dân trong tỉnh Kontum kỷ niệm ngày sinh đúng 100
tuổi của tỉnh. Bao nhiêu tiền bạc, công sức đầu tư chất xám vơi kiệt để
cho ngày vui có một không hai của tỉnh được tròn trĩnh. Lẽ dĩ nhiên
trong đó có một mảng rất quan trọng, đó là nghiên cứu lịch sử tỉnh
Kontum xưa và nay. QUY CHẾ Cuộc thi tìm hiểu “Kon Tum – 100 năm lịch sử và phát triển” đã đưa ra[2].
Mặt khác,
viết lịch sử Kontum cho toàn dân, lẽ dĩ nhiên không quá rườm rà phứt
tạp, chú tích, trưng dẫn những tài liệu như các nhà chuyên môn. Tuy
nhiên, những người tìm hiểu “Kontum” dù thô thiển đi nữa cũng có hiện
vật, những con người và những sử liệu bằng chữ viết, khá nhiều trong thư
viện tỉnh ít ra cũng có tài liệu quyển “Mở Đạo KON – TUM” của P. Ban và
S. Thiệt, được Đức Giám mục Martial Jannin chuẩn y vào ngày 10 tháng
Février 1933, nhà in Quinhơn; “Kontum Tỉnh Chí” của Ông Võ Chuẩn, viết
ngày 24 tháng 10 năm 1933, đăng trong NAM PHONG, số191, tháng Octobre
năm1933.
Tôi tin chắc
nhiều nhà nghiên cứu tại địa phương, trung ương, quốc tế tìm hiểu cội
nguồn Kontum đang làm việc ngày đêm. Ai dám bóp méo sử liệu, viết sai sự
thật được. Không sợ người ta chê cười, con cháu phê phán sao?.
I/ Tiếp thu ý kiến.
Ngày
13/12/2012, bà Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ – Trưởng đoàn ĐBQH
tỉnh – Trưởng Ban chỉ đạo biên soạn cuốn sách “Kon Tum – 100 năm lịch
sử và phát triển” đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo,
Ban biên tập, Ban biên soạn để tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn
vị, cá nhân và thông qua nội dung dự thảo cuốn sách “Kon Tum – 100 năm
lịch sử và phát triển”.
“Phát biểu
kết luận cuộc họp, bà Y Mửi biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các thành
viên Ban soạn thảo và Ban biên tập trong việc hoàn thành dự thảo nội
dung cuốn sách “Kon Tum – 100 năm lịch sử và phát triển”. Bà đề nghị các
thành viên Ban soạn thảo, Ban biên tập tiếp tục tiếp thu các ý kiến
đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân cho nội dung, bố cục, hình
thức trình bày, hình ảnh minh hoạ của cuốn sách; rà soát lại các lỗi
chính tả, tên địa danh, tên dân tộc, các sự kiện lịch sử; cách dùng câu
từ, ngữ nghĩa, ý tứ, diễn đạt cho thật chuẩn xác; hình ảnh minh hoạ cần
phải thể hiện đầy đủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã
hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Đồng thời, hoàn chỉnh dự thảo nội
dung cuốn sách lần cuối cùng trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết
định cho phép in ấn để phát hành đúng vào dịp Lễ kỷ niệm 100 năm thành
lập tỉnh”.
Với tinh
thần góp ý trên bình diện nghiên cứu lịch sử cách khách quan, chúng tôi
không bàn sâu vì sẽ có một chuyên đề về nguồn gốc LÀNG KONTUM, ở đây chi
đưa ra một vài nhận định dựa vào nguyên tắc phê bình sử liệu mà thôi
II/ - Việc sử dụng tư liệu lịch sử.
Chúng tôi
xin đối chiếu 3 tư liệu làm nền tảng tìm về cội nguồn, hình thành làng
Kontum: quyển “MỞ ĐẠO KONTUM” của P. Ban và Thiệt vào đầu năm 1933, tư
liệu “KONTUM TỈNH CHÍ” của Ông Quản Đạo Võ Chuẩn, xuất bản vào tháng 10
năm 1933, và tiền đề của tác giả khẳng định ““Theo truyền thuyết của dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana (…)” được đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum – (www.kontum.gov.vn/ )
như anh đã trích dẫn. Hai tư liệu trước có những điểm tương đồng và một
số lại khác biệt. Hai tập tài liệu đầu là “MỞ ĐẠO KONTUM” và “KONTUM
TỈNH CHÍ” có một phân đoạn về nguồn gốc Kontum rất tương hợp, cấu trúc
đoạn văn, chứng lý khá giống nhau, tuy về phương diện hành văn, sử dụng
từ ngữ có một phần nào khác nhau, không đáng kể, nhưng khác nhau ở điểm:
1/
Tài liệu “KONTUM TỈNH CHÍ” – chúng tôi xin trích- : “ Hai anh em
Jơrong và Uông mừng rỡ lắm, vì đã đúng kế mình, mới đi làm nhà ở riêng
gần chỗ có “bàu”, sau lần lần Mọi đến ở đông, thành một làng riêng, kêu
bằng “Kontum”.
Tác giả không trình bày rõ ràng quá trình như thế nào mà làng anh em ông Jơrông
và Uông lần lần Mọi đến ở đông, thành một làng riêng, kêu bằng
“Kontum”?. Trong khi đó, tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM” có trình bày làng của
“ 02 anh em Jơrong và Uông mới đi làm nhà ở riêng “bên kia bàu”, tên
làng là MOER và hình thành làng Kontum nằm phía “bên này bàu” được cha
Hòa chiêu dụ dân làng MOER về như thế nào.
2/
Tư liệu của “Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum” lấy lại ý và câu
chuyện kể của ông Võ Chuẩn trong “KONTUM TỈNH CHÍ” về nguồn gốc Kontum,
đồng thời vội vàng đi đến một khẳng định : “Theo truyền thuyết của dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. (…)”, sau đó tác giả trình bày sự phát triển lớn mạnh của Kontum.
a/
Đối chiếu các tư liệu sẵn có trong thư viện tình, khó chấp nhận việc
nghiên cứu một đề tài quan trọng như thế này mà không đối chiếu với
những tác giả đi trước. Câu chuyên trình bày quá rõ là đã vay mượn mà
không trích dẫn đúng qui cách của người viết sử cần tuân thủ để khỏi bị
phê phán sau này.
b/
Tác giả chưa nắm vững sử liệu, đã lẫn lộn 2 địa danh khác biệt – MOER
và KONTUM- , nên nhập cục làng MOER phía bên kia “bàu” vào làng KONTUM
do các cha khai hoang lập làng nằm phía bên này “bàu”. Nên, sử dụng từ
“Theo truyền thuyết” ít nhất theo văn mạch và trong trường hợp này quá
gượng gạo, o ép và bất công, phủ nhận những con người tạo thành làng
KONTUM khi cho nguồn gốc Kontum là câu chuyện truyền thuyết.
c/ “Truyền thuyết là gì” ?
– Không
khó khăn để tìm hiểu ý nghĩa của nó, thưa anh Lê minh Sơn. Trong thư
thắc mắc anh đã tóm được vài yếu tố cơ bản ý nghĩa từ “Truyền thuyết”.
Tuy nhiên ở đây tôi xin trích toàn bộ thắc mắc của anh để các bạn anh
hiểu rõ thêm. Anh viết: “Tuy nhiên, trên một số nguồn thông tin
khác, chúng con thấy có nói rằng câu chuyện về ngôi làng Bana đầu tiên
có tên gọi Kontum, chỉ là một truyền thuyết của
dân tộc Bana, nghĩa là đó là một câu chuyện được đặt ra (sáng tác dân
gian) mang yếu tố huyễn tưởng, thêu dệt, nhưng lại được cảm nhận là xác
thực, diễn ra ở thời gian lịch sử. Chẳng hạn trong trang web chính thức
của tỉnh Kontum (Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum - www.kontum.gov.vn/ ), ở mục Lịch sử hình thành Kon Tum qua các thời kỳ lịch sử, có ghi rằng: “Theo truyền thuyết của
dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. Thuở ấy,
vùng đồng bào dân tộc Bana (nay thuộc thành phố Kon Tum) có làng người
địa phương ở gần bên dòng sông Đăkbla với tên gọi Kon Trang – OR. Lúc
ấy, làng Kon Trang – OR rất thịnh vượng với dân số khá đông. Bấy giờ,
giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người
về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi – một trong số những người đứng
đầu làng Kon Trang – OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến
tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăkbla. Vùng đất
này rất thuận lợi cho phương thức sống định cư, nên dần dần có nhiều
người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành làng mới có
tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một
làng mới lập của người Bana, cạnh dòng Đăkbla, nơi có nhiều hồ nước
trũng. Theo tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là
hồ, ao, bàu nước,…) (Theo tài liệu Kon Tum trên đường phát triển).
Tương tự, trang mạng của Thành Phố Kon Tum - http://kontumcity.kontum.gov.vn/ cũng ghi rằng :”Theo truyền thuyết của dân tộc Ba Na vùng này được lưu lại rằng: Kon Tum ban đầu chỉ là tên gọi của một làng người Ba Na”.
Tôi xin trích lại ở đây vài ý kiến để có tầm nhìn rộng hơn về ý nghĩa “truyền thuyết”.
+ Các loại truyền thuyết Việt nam[3]
+ Định nghĩa[4]
“Cũng cần kể
đến các truyền thuyết về những cư dân tiền bối tại các địa phương mang
cùng một truyền thống văn hóa. Các truyền thuyết này thường miêu tả
những sinh thể khác con người, đồng thời gắn với ranh giới giữa tiền lịch sử và lịch sử. Về phương diện nào đó, loại truyền thuyết này tương đồng về loại hình với các truyền thuyết kể về khởi thủy dòng họ hoặc bộ lạc.
Một số truyền thuyết khác, vượt qua ranh giới nói trên và đặt thời gian lịch sử vào tộc người, thể hiện chức năng của các thể loại lịch sử hoặc giả lịch sử[1].
Các truyền thuyết này tiếp cận ở mức độ đáng kể thời gian của cộng đồng
cư dân mang truyền thống văn hóa ấy thậm chí vượt quá thời gian này,
kéo dài thời gian lịch sử thành thời gian thần thoại”.
3/ Tài liệu “MỞ
ĐẠO KONTUM” xuất bản trước “KONTUM TỈNH CHÍ” hơn nửa năm (như đã
trình bày trên) có viết: “ hai anh em Jơrông và Uông nghe lũ kia đuổi
vậy, thì mầng thầm vì thấy mưu mình đã đắt như ý; bèn lo làm nhà gần chỗ
có bàu, gọi là Dak-tum, và lần lần có nhiều người đến ở đó với hai anh
em, nên càng lâu càng thành làng lớn“.
Các tác giả của tập sách “MỞ ĐẠO KONTUM” trình bày hai anh em ông Jơrông và Uông bỏ làng Kon Trang Or bèn lo làm nhà gần chỗ có “bàu“ gọi là Dak-tum. Hai anh em ông Jơrông và Uông ở đâu?, “làng tên gì“, và tại sao “càng lâu càng thành làng lớn“?
Để trả lời những vấn nạn, thắc mắc đó, chúng tôi trình bày gốc tích làng Kontum. Xin trích dẫn tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM” trang 113-115 như sau:
”Làng
Kontum khỉ sự theo đạo từ năm 1856. Song trước hết phải biết rằng:
chừng quãng năm 1800 sau Chúa ra đời chưa có làng Kontum, chỉ có làng
Kontrang-ôr ở gần bên sông, chỗ gọi là: Dak Lai, bây giờ kêu là Chuoh
Reng; chỗ đó có cây xoài lớn bây giờ cũng hãy còn. Làng Kontrang-ôr đời
ấy đông lắm, phỏng có tới ngàn nhơn số; có nhiều người làm côi cả trong
làng, nhứt là: Mung, Bung, Loih và Jă-Xi. Mung, Bung và Loih, có tính
chơi bời ăn uống, cùng có lòng hung bạo chẳng kiên nể ai, hay sinh sự
làm giặc, nhứt là hay đi đánh ngả Jơlơng, cướp của, bắt người bán cho
Lào, nên chúng nó giàu có. Còn Jăxi, có tính hiền từ chơn chất, nên sút
hơn, và cũng hay bị lũ kia ăn hiếp“.
“Jăxi có hai
đứa con trai, là Jơrông và Uông; Jơrông và Uông thấy lũ kia hay hà hiếp
kiếm ăn thì muốn chạy làng, song cũng sợ lũ kia bỏ bác, sinh sự chăng;
bèn lập mưu giả uống rượu trộm, không mời lũ kia; cả hai gài rượu đóng
cửa uống; đoạn giả say kình địch la lối om sòm cùng cầm dao làm bộ như
muốn chém nhau; ba tên kia nghe lật đật lên, thấy vậy, liền nỗi giận quở
mắng, sao uống rượu trộm và làm bậy như thế, cùng đuổi biểu đi đâu thi
đi cho rảnh, xấu vậy đừng ở trong làng nữa. Hai anh em Jơrông và Uông
nghe lũ kia đuổi vậy, thì mầng thầm vì thấy mưu mình đã đắt như ý; bèn
lo làm nhà gần chỗ có bàu, gọi là Dak-tum, và lần lần có nhiều người đến
ở đó với hai anh em, nên càng lâu càng thành làng lớn“.
“Khi các
đấng giảng đạo đến xứ nầy, thì làng nầy cũng có ở gần bàu nhỏ ấy, nên
gọi là Kontum (Kon: nghĩa là nước; tum nghĩa là: bàu) ấy là gốc tích
làng Kontum bây giờ là làng có tiếng và tỉnh, tòa bây giờ cũng gọi là
Kontum; vì khi chưa có quan Tây, Nam đến để lị xứ nầy, thì cha Bề trên
địa phận làm đại lý (délégué) thay mặt nhà nước mà quản cai việc đời xứ
nầy, cũng ở tại làng Kontum. Cách chừng 20 năm nay cha Bề trên chính xứ
nầy mới khỏi lo gánh vác việc cai trị phần đời, thay mặt nhà nước, vì đã
có các quan Tây, Nam đến trấn nhậm“.[5]
Tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM” trang 115 viết tiếp:
“Về sự làng Kontum và làng ấy khỉ sự chịu đạo [6]
“Trước
nầy đã nói cha Do đã quy Mọi tứ chiếng mà lập làng Rơhai và nên một
làng có đạo đông đẳng. Khi người đã lập làng Rơhai, thì người lại quyết
lo lập một làng nữa. Vốn ở gần bàu nhỏ gọi là Dak-tum phía bên kia đã có
làng nhỏ gốc bỡi hai anh em Jơrông và Uông chạy đến ở, như đã kể trên,
làng nầy lúc bây giờ gọi là Moer. Vậy cha Do sai em người là thầy Thám
và thầy Lai đem trẻ Mọi nhà đi phát dọn chỗ gần bàu nhỏ phía bên nầy gọi
là Dak-tum, cách làng Rơhai chừng hơn 500 thước tây. Vậy hai thầy đã
vưng lời cha Do lo coi việc làm rẫy cùng lập nhà cho trẻ Mọi nhà ở làm
đó, chẳng bao lâu trẻ nhà cha Do đến ở đó làm rẫy cũng đã đông như một
xóm nhỏ. Khi cha Hòa bỏ Bơnong qua, thì cha Phêrô đương
làm cố chính, người dạy cha Hòa ở tại xóm nhỏ cha Do khỉ sự lập làng ở
đó. Cha Hòa ở đây được ít lâu, người dỗ được làng Moer ở phía bên kia
Daktum, chạy qua phía bên nầy ở gần người. Vốn làng Moer đã muốn ở gần
Daktum cho tiện bề kiếm cá, nên khi nghe cha khuyên, nó liền chịu ngay;
cha bèn chỉ nơi có vọt nước tốt cho chúng nó làm nhà, và từ đó đến rày ở
luôn một chỗ đó cùng gọi là làng Kontum.
III – NHẬN ĐỊNH:
Qua tài liệu
“MỞ ĐẠO KONTUM”, chúng ta rút ra một vài điểm để khẳng định làng 2 anh
em Jơrông và Uông là làng nào ? có phải là KONTUM hay không?
- Thưa rằng không. Chứng lý bằng văn bản được rút ra sau đây:
a/ Câu chuyện hai anh em Jơrông và Uông bỏ làng Kon Trang Or qua lập nghiệp lập một làng nhỏ tên là Moer, gần một “bàu“ nhỏ ở phía bên kia Daktum.
b/ Cha Hòa ở đây được ít lâu, người dỗ được làng Moer ở phía bên kia Daktum, chạy qua phía bên này ở gần người.
c/ Vốn làng Moer đã muốn ở gần Daktum cho tiện bề kiếm cá, nên khi nghe cha khuyên, nó liền chịu ngay;
d/ Cha Hòa “bèn chỉ nơi có vọt nước tốt cho chúng nó làm nhà, và từ đó đến rày ở luôn một chỗ đó cùng gọi là làng Kontum
IV- KẾT LUẬN.
Như đã trình
bày ở trên, chúng ta có thể kết luận: vùng đất khai hoang phía bên này
gần “Daktum” là do cha DO tìm và chỉ đạo người nhà của cha khai khẩn và
sau đó cha HÒA từ vùng Pnong[7]
về làm phó xứ RƠHAI (Tân Hương ngày nay) trực tiếp quản lý việc khai
khẩn vùng đất và chiêu mộ những người dân tộc vốn đã ở gần đó, có làng
MOER bên kia “bàu” nhỏ nhập vào làng của cha phía bên này “bàu” (tiếng
dân tộc gọi là “tum”) là LÀNG KONTUM KƠNÂM ngày nay.
Ông Quản Đạo
Võ Chuẩn không quan tâm việc phát triển tôn giáo để tạo lập KONTUM, nên
không viết tiếp như tài liệu của 02 tác giả Linh mục trong “MỞ ĐẠO
KONTUM” có trước tài liệu của ông, và không nói rõ tên làng của anh em
Jơrông và Uông là làng tên gì để dễ gây hiểu lầm cho những người không
muốn quan tâm tìm đến các Vị tiền hiền dày công xây dựng nên mảnh đất
KONTUM !
Dù sao toàn
dân – kinh cũng như dân tộc, có đạo cũng như người lương cũng góp công
sức xây dựng giữ gìn Tây nguyên chống ngoại xâm. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
cần phải nhớ đến người đi trước, người Việt nam đã sống từ đầu đời thai
nghén, cưu mang làm nên lịch sử KONTUM. Khi nói đến địa danh KONTUM mà
đầu đời của nó bị dán một nhãn hiệu “truyền thuyết“, thử hỏi có xúc phạm
đến những con người thực sự đã sống làm nên lịch cho KONTUM và đã nằm
trong lòng đất MẸ KONTUM?
Câu rằng : Thế sự chuyển vần con cuốc cuốc,
Ơn Thầy ghi tạc cái gia gia [8]
KỶ NIỆM MỪNG
NGÀY KHAI SINH RA TỈNH KONTUM ĐƯỢC 100 TUỔI (09.02.1913 – 09.02.2013).
CHÚNG TA KHÔNG VUI, KHÔNG HẢNH DIỆN VÌ ĐƯỢC NGOẠI LAI ÁP ĐẶT THEO THIẾT
ĐỊNH ĐÃ KHAI SINH RA NÓ. CHÚNG TA VUI MỪNG: VUI LÀ VÌ VÙNG ĐẤT KONTUM
NÀY TỒN TẠI NGUYÊN VẸN VÀ CÒN NẰM TRONG LÃNH THỔ VIỆT NAM LÀ DO CÔNG LAO
CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỞI DÂN VIỆT LƯƠNG CŨNG NHƯ GIÁO, KINH CŨNG NHƯ DÂN TỘC
NÓI CHUNG, ĐÃ SỐNG LÀM NÊN LỊCH SỬ KONTUM. TRONG ĐÓ CÓ NHỮNG TIỀN HIỀN
ĐI TRƯỚC, LÀ NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHẤT LÀ THẦY SÁU DO, LINH MỤC HÒA,
VÀ NHIỀU LINH MỤC TU SĨ CON DÂN CỦA ĐẤT NƯỚC. XIN TRẢ LẠI CHO CHÚNG TÔI
CÁI QUYỀN VUI CHÍNH ĐÁNG ĐÓ, KHI CẦN VIẾT LẠI LỊCH SỬ VỀ CỘI NGUỒN ĐỊA
DANH KONTUM, BAO HÀM VÀ TÔN KÍNH TƯỞNG NHỚ ĐẾN TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ
CHÚNG TÔI ĐÃ NẰM XUỐNG GỞI XÁC TRONG VÙNG ĐẤT MẸ NÀY VẬY.
Xin chào anh
và các bạn anh. Xin chúc các anh thành đạt trong cuộc sống. Xin hẹn một
tài liệu sẽ trình bày “Cội nguồn làng KONTUM“ đầy đủ hơn.
KONTUM, ngày 09 tháng 01 năm 2013
Linh mục NGUYỄN HOÀNG SƠN
[1] (Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum - www.kontum.gov.vn/ ),
[2] Xem : BAN TỔ CHỨC KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH KON TUM. BAN TỔ CHỨC CUỘC THI; Số: 05-QC/BTCCT. Kon Tum, ngày 20 tháng 4 năm 2012, do TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ, Kiêm TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC CUỘC THI ,Trương Thị Ngọc Ánh ( Đã ký).
[3] Xin tìm cụm từ ”Các loại truyền thuyết” trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[4] Xin tìm cụm từ “Truyền tuyết” trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[5] Xem “MỞ ĐẠO KONTUM” trang 114
[6] Xem “MỞ ĐẠO KONTUM” trang 115
[7] Dân tộc vùng “Bơnong” nay thường viết “Pnong”
[8]
“ƠN THẦY” ở đây, chúng tôi muốn nói đến công ơn của ”THẦY SÁU DO” đã đổ
bao công sức xây dựng Tây Nguyên nói chung, vùng KONTUM nói riêng.
Trong tài liệu của tác giả (Xem Cỏng thông tin điện tử tỉnh Kontum )
thử hỏi có chỗ nào nhắc đến tên tuổi và sự nghiệp của Thầy hay không?
Hay bằng đôi đũa phủ thủy, cụm từ “thần thoại, truyền thuyết” dễ dàng ém
nhẹm và xóa nhòa mọi công lao xây dựng tỉnh Kontum của các bậc Tiền
Nhân trong đó có “THẦY SÁU DO” !. Lịch sử chân chính đang tôn vinh, và
sẽ tôn vinh những Vị có công trên miền Kontum này. Những con gười đã nằm
xuống đâu cần ghi công ơn, nhưng những con người còn sống mới cần “sống
thành người” khi có tình có nghĩa nhớ công ơn đối với Tiền Nhân của
mình: “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mới phải đạo “làm người”.
(Nguồn : http://gpkontum.wordpress.com/2013/01/14/tra-loi-cau-thac-mac-cua-anh-le-minh-son/
(Nguồn : http://gpkontum.wordpress.com/2013/01/14/tra-loi-cau-thac-mac-cua-anh-le-minh-son/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét