Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

KÝ ỨC KON TUM : CHỐN XƯA - Trích Hồi ký Phùng Thị Đậu




Ký ức Kon Tum : "Chốn xưa"




Cụ Phùng Duy Cần, vị quan triều đình thứ 5 cai quản tỉnh Kon Tum, kể từ năm 1913 - năm tỉnh Kon Tum được thành lập, đồng thời chế độ Nam Triều cũng được thiết lập (với vị tri huyện đầu tiên là Cụ Phan Tử Khâm). Cụ Phùng Duy Cần được bổ nhiệm làm quản đạo Đạo Kon Tum từ năm 1928-1930, ông là cha ruột của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị (1920-2002) - một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới, từng được ghi danh trong "Từ điển La Rousse: Nghệ thuật thế kỷ XX". 

Cụ Phùng Thị Đậu, chị ruột của bà Điềm Phùng Thị, trong hồi ký "Điềm Phùng Thị em tôi" đã dành nhiều trang kể về những năm tháng tuổi thơ, về sự chớm nở một tâm hồn nhạy cảm và tài năng nghệ thuật của em mình. Trong đó hé lộ về người cha của mình và những năm tháng 4 cha con sống tại Kon Tum, trong thời gian người cha làm quản đạo.

kontumquêhươngtôi xin trân trọng giới thiệu đoạn trích trong tập hồi ký nói trên, với ký ức của tác giả về quê hương Kon Tum vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Đề bài "Chốn xưa" do kontumquêhươngtôi đặt, dựa theo dự tính của chị em bà Điềm Phùng Thị muốn trở lại Kon Tum để quay một cuốn phim Chốn xưa, nhưng dự tính đã không thành hiện thực...

Xin mời các bạn.

Điềm Phùng Thị

"Điềm Phùng Thị em tôi!"



.
"Lăng Khải Định mới xây xong phần cốt lõi, chưa trang trí, cũng là thời kỳ mạ tôi sắp sinh em bé. Ba tôi đặt tên là Cúc. Khi Cúc được hơn hai tuổi, mạ tôi bị bệnh. Những cơn đau bụng làm bà vật vã đau đớn. Ba chị em tôi chỉ còn biết ôm nhau khóc. Thuốc lúc đó là lá cây đốt nóng chườm lên bụng. Lá cây nấu thành nước đế uống, do ông thầy lang của vùng Châu Ê - nơi gia đình tôi tạm ở trong những năm ba tôi trông coi công trình xây dựng lăng - mang đến. Ba tôi luôn vắng nhà. Chúng tôi ở xa họ ngoại, xa các Bộ trong Triều, nên khi ông ngoại tôi biết mạ tôi bị bệnh mời ngự y đến khám, chuyển nhà thương thì bệnh mạ tôi đã trở nặng lắm rồi. Những cơn đau bụng liên tiếp hoành hành. Mạ tôi mất, bỏ lại chúng tôi: Cúc 3 tuổi, Miễn 5 tuổi, tôi 9 tuổi.


Hơn nửa năm sau, trong một lần đi Hiểu dụ ở Nghệ Tĩnh, ba tôi đón về một cô gái 19 tuổi, đẹp, nói với chúng tôi: Đây là kế mẫu và giải thích: thay mẹ.

Từ khi có kế mẫu chúng tôi càng nhớ mạ hơn, hay trốn nhà lên thăm mộ mạ, rồi cõng nhau lên lăng Khải Định lang thang cả mấy chị em. Một lần bị mẹ kế đánh, chúng tôi ra bờ sông để lại guốc dép, áo, quần rồi trốn về nhà cụ thượng Nguyễn Hữu Bài. Ba tôi cho người đi tìm hoảng hốt tưởng chúng tôi đã bị chết chìm. Lần đó tôi nghe cụ Nguyễn Hữu Bài khuyên ba tôi "Muốn trị quốc thì phải tề gia".

Lăng Khải Định hoàn tất đẹp đẽ. Triều đình bổ nhiệm ba tôi làm Quản đạo - một chức quan hành chính đứng đầu tỉnh miền Thượng - tỉnh Kon Tum. Ngày rời Châu Ê, chúng tôi xa mạ thật sự. Ba chị em khóc như mưa. Rồi Cúc biến mất. Người được tung ra tìm, Cúc đang thẫn thờ bên mộ mạ cùng tụi bạn bè dắt đi trốn. Cậu tôi, dì tôi, ông ngoại tôi lên đón mấy chị em chúng tôi về nuôi ở thôn Vĩ Dạ, nơi mà cả họ ngoại tôi quây quần. Bà vợ trẻ được cho trở lại quê nhà. Ba tôi lên đường đến nhiệm sở mới. Sau ít lâu chừng như chuẩn bị êm xuôi, có người trên đó về đón chúng tôi. Đường dài, núi đèo trùng điệp. Chiếc xe như hòn đá lăn về phía trước, mưa ràn rạt trắng trời. Nhìn sang khuôn mặt Cúc buồn rượi, Miễn ngồi so ro không nói, tôi càng nẫu gan nẫu ruột nghĩ làm sao cho trọn lời dặn của mạ lúc vĩnh biệt.

Xe đến nơi, thì ra ở đây cũng có đông người Kinh, có chợ có trường học và nhà thương, không phải nơi rừng thiêng ma quỷ như người ta thường nói về xứ Kon Tum. Khu chúng tôi là một vùng rộng bao la, ba mặt giáp rừng xung quanh được rào bằng vô số hình người gỗ, là những khúc cây cao quá đầu người được gọt đẽo như những người lính đứng canh. Mặt trước là con đường rải đá phẳng phiu. Bước vào khuôn vườn là nhà xây lợp ngói rộng rãi uy nghiêm gọi là Công đường. Bên kia đường đối diện với Công đường là nơi làm việc và trang viên của ông chánh sứ người Pháp. Vợ ông là người Kinh lai Thượng trẻ và rất đẹp, chưa có con, rất yêu quý Cúc. Ông bà sứ xin phép cha tôi ban ngày cho Cúc sang đó học tiếng Pháp, tiếng Việt cùng bà sứ, Cúc ra vào bên đó như nhà mình, tự do hái hoa, chạy nhảy, hát nói tiếng Pháp ríu rít. Ông chánh sứ đứng ngắm gật gật đầu: "Thiên thần nhỏ". Bà sứ thường nắm bàn tay Cúc nâng niu: "bàn tay thật là đẹp". Bên ông sứ, bên ba tôi mỗi nhà có một chiếc xe hơi lúc khởi động phải quay bằng tay mới nổ. Công việc mới của ba tôi vô cùng bận rộn. Ba tôi gọi chúng tôi lại: ba rất bận, không chăm các con được, các con tự lo, tự bảo nhau lo mà học, chăm sóc lẫn nhau, hàng tháng ba đã cấp đủ tiền. Cúc nhỏ nhất thì được chơi và học. Đậu, Miễn học nhiều hơn chơi. Chúng tôi lại phải tự lo lấy như con mồ côi.

Cúc hòa nhập với mọi người rất nhanh, bạn bè nhiều, học giỏi, thông minh, bài vở được giao làm xong nhanh, cô nàng lẻn đến lớp người Thượng ngồi nghe tiếng Thượng. Bà sứ Pháp còn may cho Cúc những bộ lễ phục kiểu dân tộc, để dắt Cúc đi lễ hội. Bạn Thượng thương Cúc lắm, thường mang những con chim kết, chim sáo, con sóc, lại cái nỏ bắn chim, và mũi tên, tù và... có khi mang cả đồ ăn, mật ong đến. Chúng tôi sợ bẩn nhưng Cúc thì ăn ngon lành. Mỗi lần thấy Cúc, tay vỗ vỗ, tôi biết ngay là cô nàng báo hiệu ba vắng nhà mời bạn vào chơi. Những người Thượng chỉ vào Cúc "tao thích đứa này hơn". Tôi biết em tôi thường hay lấy kẹo, bánh, diêm, cá mực khô... đi cho bạn Thượng, nhưng đó là niềm vui của em, tôi không ngăn cấm. Miễn thì nói "kệ nó cho vui, nhà mình trong kho nhiều lắm". Cúc được chơi nhiều hơn học, nên khi thì được theo ba tôi, khi thì được theo ông sứ Pháp đi thị sát, đi phát thưởng, đi gặp các già làng. Sau mỗi lần đi chơi về Cúc thường có nhiều chuyện để kể - "Hôm nay em thấy thằng Cai rồi, nó cũng người bình thường như mọi người, nhưng nó ác lắm, họ nói nó không làm mà lương rất cao, nó ép phu phải làm nhiều, phu ốm đau không cho nghỉ, nó không phát thuốc chữa bệnh cho phu, nó bớt lương, trừ lương phu. Vợ con phu ở nhà cũng khổ lắm, bệnh tật đói cơm rách áo". Chuyện này, Cúc cũng khóc nói với bà sứ, kể với ba tôi, cho đến khi ông cụ gắt "Ừ, thì sẽ thay Cai, tăng lương phu, được chưa?". Lúc đó Cúc mới tươi mặt yên lòng.

Sau một lần đi chơi về, Cúc thầm thì với tôi và Miễn: "Người Thượng an táng người chết hay lắm chị ạ, họ lấy khúc cây khoét lỗ bỏ người chết vào, đắp lên đầy đồ dùng hằng ngày rồi đưa ra đào hố lấp lại, phía đầu đóng các ống tre rỗng, hằng ngày ra đổ thức ăn xuống, xung quanh mộ là hàng rào người giống như của nhà mình, họ nói đó là các con cháu. Hễ chị thấy người gỗ đã khô cũ là mộ chôn lâu rồi, nếu người gỗ còn tươi là mộ mới, đến đó thối lắm".
Một buổi sáng, có người đàn ông Thượng, tay xách rìu mặt giận dữ, xông thẳng vào Công đường, hai lính gác không kịp ngăn, ba tôi đi vắng. Thông ngôn không có nhà. Cúc chạy ra, tôi không hiểu cô nàng đã nói những gì, mà người đó vui vẻ ra về. Quay vào Cúc cho tôi biết: "Tệ lắm, người Kinh chặn đường lấy hàng của họ, trồng cây trên đất họ đã khai phá". Nghe đâu sau đó nhà nước đã trả tiền công khai phá đất cho người Thượng.

Chơi thoải mái khoảng ba năm, ba tôi lại bảo: "Bây giờ Cúc bắt đầu phải học nhiều hơn chơi, không được đi xa nữa". Cúc hay xuống xưởng mộc, xưởng ngà voi sừng trâu, lượm những đồ phế thải ra để làm đồ chơi, xâu thành chuỗi vòng tay, vòng cổ, đủ các hình thù rất ngộ nghĩnh. Bà chánh sứ cũng rất mê những thứ này, mỗi khi Cúc đưa về cho ông bà. Nghĩa là cấm trò chơi nọ, thì cô nàng lại nghĩ ra trò chơi khác, không ngồi yên. Thấy vậy ba tôi giao Cúc phải học nhảy lớp. Một hôm khác theo ba, theo ông sứ Pháp thị sát thu hoạch cà phê, mặt mày Cúc rạng rỡ mừng lắm: "Chị ơi, nhà nước không lấy cà phê thu được trong vụ đầu lần này, mà để lại cho họ, làm quỹ cứu bần ở các làng, em nghe ba và ông sứ nói với nhau như vậy". Bộ mặt của Cúc không sao giấu nổi tôi cả niềm vui và nỗi buồn. Những lần Miễn bị mẹ kế mách, ba mắng thì hai giọt nước mắt Cúc lăn dài trên má, lòng tôi thắt lại, rồi lủi thủi mấy chị em rủ nhau đến chỗ vắng cùng khóc mạ. Những lần như vậy, Cúc thường nói: "Em thích được làm con thường dân mà có mạ, không thích làm con quan". Có lần Miễn bàn với tôi, em thấy ba mình chỉ cách cho lính nấu cao hổ dễ lắm, tại sao mình không nấu mà gửi cho ông ngoại cho cậu làm quà. Được khách thập phương đến chơi chỉ bảo, khuyến khích, đặt mua, bọn tôi gom xin mua xương hổ, và gom những xạ hương của những con chồn mà nhà bếp đưa vào làm thịt, đổ rượu vào xạ hương phơi khô, chờ khi có khách xa đến mua. Nhờ đó chị em chúng tôi có vốn riêng, tiêu pha có phần rộng rãi hơn. Lâu lâu Cúc lại hỏi mình có nhiều tiền chưa anh chị? Trong một đoạn thư Cúc viết về cho ông ngoại: "Xin ông hãy yên lòng, chúng cháu học giỏi lớn nhiều, chị Đậu vừa là chị vừa là mạ của anh Miễn và cháu, không ai có thể đánh đập chúng cháu được nữa".

Công việc của ba tôi ở Kon Tum đã vào nền nếp, mọi dự định hình như có kết quả, bởi ông cụ lúc này có thời gian nghỉ phép về quê đi săn bắn thảnh thơi hơn trước nhiều.

Lại nhận được chiếu chỉ, điều ông về làm án sát tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết). Dịp này chị em tôi về Huế nghỉ hè như mọi năm. Nhưng lần này được sự đón tiếp xúm xít của họ hàng nhiều hơn. Cúc như con chim sổ lồng líu ríu hết đám nọ lại đến đám kia, chuyện kể nhiều ngày không hết. Tôi thì được bà, dì, bà mợ dạy cho cách chăm sóc em gái, em trai lớn, cách quản lý chi tiêu trong gia đình, cách đối đáp bảo vệ các em, nghĩa là tôi được trang bị đầy đủ trước khi lên đường. Vào học, khác lớp, nhưng cùng một trường nằm ở trung tâm thành phố, chúng tôi cùng đi học, đợi nhau cùng về, bạn bè phần đông là con các vị viên chức.

Về đây mấy chị em không vui bằng khi ở Kon Tum. Ngoài giờ học chúng tôi ai về phòng đó, không tụm năm, tụm ba như trước. Trước khi ngủ bao giờ Miễn cũng sang chỗ tôi và Cúc, khi có chuyện thì nói, có thơ thì đọc, khi không cùng nằm một lúc rồi mới về. Phòng Cúc đồ đạc lộn xộn, góc này bày sò, ốc, xi măng, góc kia bày giấy vẽ, tờ dở dang, tờ đã vẽ xong, tờ xé vụn.

Có chỗ Cúc đã gắn vỏ ốc thành cô con gái đội nón, thành con chim, con cò, thành núi non rất đẹp. Cứ vài ba ngày tôi phải dọn dẹp phòng cho Cúc một lần. Những ngày đẹp trời, tan học, Cúc thường xin ở lại ngắm hoàng hôn. Ngày nghỉ Cúc đã nhao ra biển, hoặc đã đi xem chợ cá. Tôi và Miễn dù đã ngán, cũng phải thay nhau đi cùng em.

Có thể nhờ vậy mà trong tranh vẽ của Cúc có mặt trời mọc, quăng lưới, hoàng hôn thuyền đầy cá. Bọn tôi chê tranh Cúc vẽ không giống.

Hàng tháng ba tôi thường phải đến nhà giam thuyết giảng cho tù nhân và nghe quản giáo báo cáo. Cúc rất muốn sang nhà giam xem, tuy rất gần nhưng ông cụ cấm ngặt. Ba tôi đã lấy tù nhân ở đây về phục vụ thay phiên cho số lính. Có tù nhân còn sang dạy cho chúng tôi học, bởi trong số họ có nhiều người học rộng, hiểu biết nhiều, cư xử lịch sự. Đây là nơi tạm giam để tra cứu, khi xử có tội họ phải chuyển đi nơi khác. Đa số người được ba tôi kêu sang nhà sau đó sẽ trở lại quê hương. Khi được tha về, ba tôi thường cho họ tiền làm lộ phí. Cả những người bị đưa đi nơi khác giam, họ cũng được ba tôi cho tiền.

Ông ngoại tôi ở Huế cho biết, có tin đồn ba tôi "nhị tâm". Triều đình đang xem xét, ông ngoại tôi đang tìm cách xin đổi ba về Huế. Mặc dù được một vị quan lớn trong triều đồng lòng nhưng vì bị nghi nhị tâm, tức là bao che cho tù nhân có hoạt động cộng sản, là tội lớn nên ba tôi phải nhận quyết định lên Plây Cu làm việc. Đây là thử thách của triều đình đối với ông cụ. Mấy chị em chúng tôi đứa vào Quốc học, đứa vào Đồng Khánh học nội trú. Cúc được mấy ông bạn ba tôi thương còn nhỏ dại nên xin được đưa về nuôi tại nhà, nhưng Cúc không nghe, đòi "chị Đậu ở đâu con ở đó".

Trường mới, bạn lạ, nội quy ăn, ngủ, học chơi chặt chẽ nghiêm khắc, nhưng chúng tôi rất thích. Đây là thời kỳ hạnh phúc nhất của chúng tôi từ khi mạ mất. Ở đây mới đúng là quê hương nơi sinh ra. Chung quanh toàn là người ruột thịt hết lòng thương yêu. Đúng nơi đất cho Cúc phát triển, ngày Cúc càng học giỏi. Tuy nhỏ nhưng em tôi ý thức được vẻ bên ngoài luôn là một phương cách hiệu quả để thu phục bạn bè, Cúc luôn giữ nụ cười với má lúm đồng tiền tươi tắn, giọng nói êm dịu, những cái bắt tay thân mật, học được phong cách của người Pháp lúc còn nhỏ, cùng với áo quần Cúc mặc cũng được trau chuốt, hợp với mùa, hợp với cảnh trời. Dần dà Cúc nổi là hoa khôi của trường Đồng Khánh, là điểm ngắm nghía cho con trai của nhiều vị quan trong triều. Có lần ba tôi mời các vị bạn trong triều đến xem bức tượng đồng đen quý, ông cụ khoe là vô giá. Họ cười chỉ vào Cúc "của vô giá là đây".

Chị em chúng tôi lên thăm ba tôi ở Plây Cu hai lần vào dịp nghỉ hè. Hồi ba tôi đến Plây Cu dân ở đây chưa biết trồng trọt, chăn nuôi. Đi lại vô cùng khó khăn. Sau đó ông cụ cho xây dựng làng kiểu mẫu, chợ kiểu mẫu. Ông cụ cũng đổi hướng đạo chỉ cho họ trồng cây, họp chợ thành phiên, rồi trao đổi hàng hóa, đưa hàng dư về nơi thiếu, dạy cách phòng bệnh, phổ biến dùng thuốc trị bệnh thông thường, cho bắc một cây cầu để đi từ vùng nọ tới vùng kia cho gần. Sau dân tộc ở đây lấy tên ba tôi đặt một làng, gọi là làng Plây Cần, đặt tên một cây cầu lớn nhất là cầu Plây Cần và cũng có chợ Plây Cần.

Hoàn thành tốt công việc ở Plây Cu, ba tôi được khen thưởng, được điều về Kinh đô Huế, giữ chức Tham tri bộ Công. Làm việc ở đây cho đến năm 1944 thì về hưu với chức Công bộ Thượng thư Hiệp tá Đại học sĩ. Ngôi nhà chúng tôi bên bờ sông Hương lộng gió. Đêm đêm nghe tiếng hò mái nhì, mái đẩy xa vắng, dài buồn theo dòng sông của những kỹ nữ, những cô gái Huế đưa đò. Chính những giọng hò Huế man mác thẳm sâu ấy đã ăn sâu vào tâm hồn Cúc. Giáo sư nhạc học Trần Văn Khê đã viết trong hồi ký của ông rằng, những năm hoạt động trong ban nhạc sinh viên ở Hà Nội, trước năm 1945, Cúc là "người thầy đầu tiên" của ông về những điệu hò xứ Huế.

Năm 1995 khi nghiên cứu kỹ bản đồ để thăm Tây Nguyên, Cúc còn tìm thấy tên làng Plây Cần và dự định sẽ trở lại Kon Tum, Plây Cu để quay một cuốn phim Chốn cũ. Nhưng dự định không thành. Bởi sau đó cuối năm 1998, em tôi bị tai biến não..."".

(Báo Văn nghệ)
Việt Báo (Theo_VietNamNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét