Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

ĂN TẾT MỘT MÌNH

    Mai Nguyên Vũ


    28 Tết. Ký túc xá vắng tanh. Các bạn về quê ăn Tết hết rồi. Còn lại vài sinh viên xa nhà không có tiền về xe, đành ở lại ăn Tết một mình. Lê khác hẳn. Quê ở gần đây thôi nhưng không có nhà mà về.

    Lê từng có một mái ấm như bao bạn khác. Ba mẹ chung sống hạnh phúc được 19 năm thì chia tay. Hai người chán nhau, cãi nhau rồi đưa nhau ra toà ly dị. Mẹ lấy một ông Mỹ già khụ, thỉnh thoảng gửi tiền về cho hai chị em Lê ăn học. Ba lấy một bà goá trên Bảo Lộc. Ba mẹ đồng ý bán nhà chia đôi. Nhà của Lê bây giờ là ký túc xá. Còn thằng em ở với ba. Lê không thể nào ở với bà dì ghẻ độc ác. Thà ăn Tết một mình còn hơn là bị bả lườm nguýt đến độ không nuốt nổi miếng cơm.

    Lê ra đứng ngoài hành lang, lơ mơ ngó xuống phố, xem người ta chộn rộn Tết nhất. Từng gia đình dắt nhau đi sắm Tết. Các em nhỏ xúng xính áo đẹp, chạy lon ton bên cha bên mẹ. Từng cành mai nụ xanh chạy vụt qua, đem xuân đến cho các gia đình.
    Ai đó mở bài “ Xuân này con không về”. Giọng nam trầm buồn kể tâm sự chàng trai thời loạn không thể về quê ăn Tết với mẹ:

      “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
      Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
      Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
      Nay én bay đầy trước ngõ
      Mà tin con vẫn xa ngàn xa…”

    Lê bật khóc. Có lẽ đây là bản nhạc xuân hay nhất, gây xúc động lòng người nhiều nhất. Nếu ai đã từng một lần ăn Tết xa nhà sẽ không thể nào cầm được nước mắt khi nghe tuyệt phẩm này của Trịnh Lâm Ngân. Bài này một thời bị xếp loại “ nhạc vàng”, nhưng đúng là vàng ròng…Lê ngậm ngùi nhớ về gia đình ngày xưa…

    Mới 20 Tết mà mẹ đã lo sắm Tết. Mẹ dẫn hai chị em ra chợ, chọn mua những bộ quần áo, giầy dép đẹp nhất. Không khí chợ Tết vui làm sao! Mẹ mua đồ về cho ba gói bánh chưng. Cả nhà hăng hái phụ với ba, suốt cả ngày mới xong mấy chục cái bánh. Đến chiều, mẹ chụm bếp nấu bánh. Ba mẹ thức cả đêm canh lửa. Gần sáng, mẹ đánh thức hai chị em chứng kiến “thời khắc lịch sử”: bánh chưng ra lò. Chị em Lê thích thú lôi ra giùm bánh cóc do chính tay mình gói lấy.

      “Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
      Nghe pháo Giao Thừa rộn ràng nơi nơi
      Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
      Trông bánh chưng chờ trời sáng
      Đỏ hây hây những đôi má đào”

    Lê lại bật khóc nghĩ về gia đình ngày xưa…
    Sân nhà Lê có gốc mai già. Năm nào cũng vậy, khoảng rằm tháng chạp, hai chị em bác ghế tuốt lá mai. Ba dặn rằng: năm nào lạnh thì tuốt sớm mấy hôm. Năm nào nóng tuốt muộn một tí thì mai sẽ nở đúng Tết. Nhưng còn phải căn nước tưới làm sao cho đến hôm “ông Táo chầu trời” (23 Tết) cả cây mai bung nụ xanh hết. Nhờ kinh nghiệm của ba, cụ mai già năm nào cũng nở hoa đúng Tết vàng ruộm cả một góc trời. Tết năm kia không hiểu sao mai nở trễ một tuần. Đúng năm đó gia đình tan rã.

      Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
      Mái tranh nghèo không người sửa sang
      Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân…”

    Lê lại bật khóc. Những ai đã từng ăn Tết một mình mới thấy hết ý nghĩa hai tiếng GIA ĐÌNH.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét