Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Tinh khôi màu hoa cà phê


Nồng nàn và ngọt ngào, đó là hương thơm đặc trưng của hoa cà phê phố núi Kon Tum. Mỗi sáng thức giấc, người phố núi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh tự nhiên: Thảm hoa trắng muốt, tinh khôi, nối tiếp nhau đến tận chân trời, tỏa ra hương thơm vương vấn, quấn quýt. Ta tưởng rằng đang đứng trước tuyết mùa đông trắng xóa, mang đến vẻ quyến rũ một cách hoang sơ mà lộng lẫy cho núi rừng Kon Tum.

Suốt mùa khô hạn, những cây cà phê chỉ trơ trụi cái vẻ xù xì, màu nâu trầm buồn buồn, nhưng từ chính cái vẻ nguội lạnh đấy lại chứa chất nhựa sống tràn trề. Mùa xuân vừa chạm ngõ, người phố núi từng ngày chờ đợi mùa hoa cà phê bung nở. Qua một đêm mưa, khắp nương rẫy đã trắng muốt một màu hoa, thơm ngào ngạt, nương theo những làn gió, cuốn vào tà áo người đi đường. Hoa cà phê không nở từng bông một, mà kết thành từng chùm đầy hoa kéo dài từ thân tới đầu cành. Những cánh hoa trắng ngần, khoe vẻ tinh khiết, xinh đẹp như những bông tuyết đầu mùa đậu trên nhánh cây. Và tôi đã bắt gặp, hình ảnh đáng yêu nhất là cô học trò nhỏ, nâng niu từng cánh hoa trắng xinh trên tay, hít hà mãi hương thơm thần tiên này. Cái vẻ tinh khôi của hoa và vẻ ngây thơ, trong sáng của cô học trò nhỏ dường như là bức ảnh đẹp nhất, lung linh nhất trong mùa xuân.  
Những cánh hoa trắng muốt như bông tuyết đầu mùa
 
Mùa hoa cà phê không kéo dài nhưng thực sự là khoảnh khắc thần tiên cho những ai yêu vẻ đẹp, hương thơm của loài hoa “nương rẫy” này. Sẽ có những phút giây lang thang giữa rẫy cà phê rộng bạt ngàn, đắm chìm trong làn hương mê hoặc chỉ có thể miêu tả bằng cụm từ “trắng trời cà phê”. Dưới nền trời xanh trong, và những dải nắng hươm, màu trắng rạng rỡ càng nổi bật, càng khiến hoa cà phê cuốn hút mắt nhìn. Người phố núi thường ví vẻ đẹp hoa cà phê như cô gái Cao Nguyên đang tuổi xuân thì, đẹp tinh khiết, với một tâm hồn trong trắng, ngây thơ. Cái vẻ đẹp ấy làm say đắm biết bao con người, làm chùn bước chân biết bao du khách trót một lần được chứng kiến mùa hoa cà phê khoe sắc. Cái mùi ngọt ngào ấy quyến rũ cả lũ bướm ong khắp nơi, bay lượn khắp nương rẫy, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, đáng yêu vô cùng. Vẻ đẹp của hoa cà phê đã tạo cảm xúc cho Xuân Diệu viết lên những vần thơ lung linh:
 
“Hoa cà phê thơm lắm, em ơi
Hoa cùng một điệu với Hoa lài
Trắng ngà, trong ngọc, xinh mà sáng
Như miệng em cười đâu đây thôi
 
Hoa dạt dào thơm, mắt dạt dào
Mỗi hoa như thể một vì sao
La đà mỗi nhánh hoa chi chít
Tất cả hoà hương: sâu, rộng, cao”
 
(Hoa cà phê)
 
 
Sau những tháng ngày bung nở hết mình, hoa cà phê lặng lẽ khép cánh lại, rơi rụng xuống… và một mùa hy vọng mở ra: Mùa đậu quả. Từ những đài hoa khẽ nhú lên quả xanh non, bé xinh như chiếc nút áo dễ thương, mang theo niềm vui và hy vọng của những người trồng cà phê về một năm được mùa.
 
Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy cây cà phê xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1870 tại khuôn viên nhà thờ ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, vài chục năm sau nó mới có mặt ở Tây Nguyên. Và đến đây, cây cà phê thực sự tìm được “đất dụng võ” khi gặp được thổ nhưỡng thích hợp, cà phê nhanh chóng trở thành mặt hàng đặc sản và được đầu tư thành cây chủ lực trong nông nghiệp Tây Nguyên. Về đến mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên - phố núi Kon Tum, cà phê vẫn giữ nguyên những thế mạnh của mình với hai loại chủ yếu là cà phê Chè và cà phê Vối. Cà phê Chè (Coffea Arabica) lá nhỏ, thân cây thấp giống cây chè, có giá trị kinh tế cao và chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới. Cà phê Vối (Coffea Canephora hoặc Coffea Robusta) là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê chiếm 39% các sản phẩm cà phê toàn thế giới và Việt Nam chính là nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới.
 
Với lợi thế là vùng cực Bắc Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi cho dải đất ba zan màu mỡ, thổ nhưỡng thích hợp Kon Tum đã và đang trở thành một trong những vùng cà phê chất lượng cao của cả nước. Hạt cà phê Kon Tum có hương vị thơm ngon đặc biệt, đủ chất lượng để cạnh tranh với những vùng cà phê khác trong nước và trên thế giới. Đại diện tiêu biểu cho chất lượng cà phê Kon Tum chính là cà phê Đăk Hà, toàn tỉnh có trên 11.500 ha cà phê thì huyện Đăk Hà có gần 7.000 ha cà phê. Những năm gần đây, nhận thức được thế mạnh của mình trong cây cà phê, huyện Đăk Hà đã tập trung xây dựng thương hiệu cà phê vững mạnh, vang xa. Và sản phẩm “Cà phê Đăk Hà” được vinh dự đứng trong “Top 500 Sản phẩm - Dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam” trong hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức.
 
Nếu đến phố núi Kon Tum xinh đẹp vào một ngày mùa xuân, bạn sẽ đắm mình trong hương thơm nồng nàn của màu trắng tinh khôi. Rời xa phố núi rồi, màu hoa cà phê tinh khôi sẽ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, như ngày nào:
 
"Em đến đây em, đặng bốn bề
Ta cùng lạc giữa hoa cà phê
Cho sương ướt tóc, hương đầy áo
Cho trĩu hồn thơm, mới trở về”
 
(Hoa cà phê – Xuân Diệu)
 
 
Hà Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét