“Bữa tiệc ly” (The Last Supper1495-1498) của Leonardo da Vinci (1452-1519) - thể hiện bữa ăn tối cuối cùng của chúa Giêsu với các tông đồ trước giờ Người chịu khổ nạn - là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng nổi tiếng.
Hầu như “ai cũng biết” đó là một kiệt tác hội họa, đánh dấu một bước phát triển hoàn mỹ của nghệ thuật nhân loại thời đại Phục Hưng, là tác phẩm đỉnh cao có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật Thiên Chúa Giáo, và là tác phẩm được thực hiện bởi một “thiên tài nghệ thuật”…
Những cái “biết” trên chẳng có gì sai.
Nhưng, sẽ rất vô ích - thậm chí có hại - cho nhận thức, nếu không gắn liền với các diễn giải xác thực, có tính hệ thống…, và nếu không tiếp cận được với tác phẩm gốc, hoặc ít nhất là với phiên bản “đúng”.
Ở Việt Nam, cả hai vấn đề sau chữ “nhưng” vừa nêu, đều có vô số điều bất cập. Và chính vì những bất cập đó, mà tôi viết bài “trở lại” này.
Thứ nhất, về vấn đề diễn giải:
Gần như hầu hết các bài viết tiếng Việt về “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci đều chỉ xoay quanh việc mô tả sự kiện mang tính thời sự, đại khái:
Tác phẩm là một bức tranh tường, được vẽ trực tiếp lên tường phòng ăn ở tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, Italy, có kích thước khá lớn (450x870cm) và, được Leonardo da Vinci sáng tác trong khoảng thời gian từ 1495 đến 1498 theo yêu cầu của Công tước Ludovico Sforza.
Để thực hiện tác phẩm này, Leonardo da Vinci phải đi quan sát thực tế rất nhiều để nắm bắt các sắc thái điển hình (về dung mạo, hành vi, trang phục) cho từng nhân vật, và đã thực hiện rất nhiều khảo họa.
Tác phẩm ngay sau khi hoàn thành, đã gây choáng váng cho người mộ điệu đương thời vì dáng vẻ hiện thực sống động, vô cùng tinh tế trong cách thức thể hiện các nhân vật, vì sự thông minh bác học trong cách phối cảnh, và, vì sự hài họa tự nhiên trong cách bố cục, điều phối màu sắc…
Điều đáng tiếc, là tác phẩm nhanh chóng bị hư hại, một phần là do Leonardo da Vinci đã sai lầm khi dùng kỹ thuật vẽ trực tiếp trên nền thạch cao khô (chứ không phải trên nền thạch cao ướt được dùng phổ biến đương thời), và phần khác, nghiêm trọng hơn, là do sự phá hoại của con người trong các thời kỳ biến động của lịch sử sau đó. Tác phẩm cũng đã được phục chế nhiều lần, nhưng chính sự phục chế này, đã gây nên các tranh luận gay gắt về diện mạo chân thực của tác phẩm hiện tại!...
Cho đến ngày nay, “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci đã được xem là một kỳ quan thế giới do con người tạo nên…
Nhiều bài viết khác, chỉ xoay quanh các giai thoại, các câu chuyện đơm đặt chung quanh tác phẩm. Từ các “thông điệp bí mật” được tác giả giấu kín trong tác phẩm đến các câu chuyện về các nguyên mẫu cho từng nhân vật trong tranh. Trong đó, được nhắc đến nhiều nhất, được nhiều người tin (là thật) nhất, là giai thoại về nguyên mẫu hình tượng Chúa Giêsu và hình tượng Giuđa (1).
Chỉ một số rất ít tập trung mô tả tác phẩm như một sự kiện nghệ thuật. Tuy nhiên, sự mô tả này, cũng chỉ dừng lại ở sự mô tả chủ đề tác phẩm, chưa đủ cho một nhận thức thực sự về nghệ thuật. Ngay sau đây là đoạn văn tiêu biểu nhất:
“Đề tài tổng quát bức hoạ là bữa tiệc ly, bữa ăn cuối cùng Chúa dùng với các môn đệ trước khi lên đường khổ nạn. Leonardo đã thu gọn đề tài vào một thời điểm nhất định trong bữa tiệc: lúc Chúa vừa nói với 12 môn đồ: “Quả thật, Thày bảo cho các con biết, một người trong các con sẽ phản Thầy”. Nét mặt Chúa buồn rầu, đôi mắt nhìn xuống như muốn tránh cái nhìn của kẻ Người vừa tố giác. Hai tay buông xuôi tựa xuống mặt bàn, cử chỉ của Người vừa tiết lộ một điều quan trọng và bây giờ lặng thinh không nói nữa: một giây phút thinh lặng bi tráng!
Bỗng chốc, như một dòng điện, lời tố giác của Chúa truyền đi mau chóng, gây phản ứng đột ngột trên nét mặt và cử chỉ dáng điệu của 12 môn đồ. Mỗi ông phản ứng một cách tuỳ theo tính tình, tâm lý từng người.
Sát bên tay phải Chúa là Gioan, người môn đệ yêu quý có tâm hồn dễ cảm, biểu lộ sự đau đớn trầm lặng sâu xa. Tiếp đến Phêrô tính bộc trực nóng nảy, ghé sát đầu Gioan hỏi nhỏ xem ai là thủ phạm. Con dao sắc nhọn chìa ra phía sau lưng chứng tỏ ông sẵn sàng nghiêm trị tức khắc đứa phản Thầy như lát nữa ông sẽ chém đứt tai tên đầy tớ thầy thượng tế trong vườn Cây Dầu. Giuđa ngồi ngay trước Phêrô, có thái độ hốt hoảng như tên ăn trộm vừa bị lộ tẩy, tay phải ôm chặt túi bạc, tay trái giơ ra phía trước như muốn phân bua chối cãi. Kế đó là An-rê, xoè hai bàn tay ra, bỡ ngỡ kinh hoàng trước cái tin gở lạ không thể tưởng tượng được. Giacôbê hậu, tinh anh hơn, vươn cánh tay gọi Phêrô như để bảo ông: tôi đã đoán ra được ai rồi! Cuối hàng là Bartôlômêô sửng sốt đứng dậy nghiêng mình về phía trước đểm xem và nghe cho rõ đầu đuôi câu chuyện.
Phía tay trái Chúa: Giacôbê tiền, nét mặt bỡ ngỡ kinh ngạc, hay tay giang rộng, lùi về phía sau như bị áp lực của lời Chúa vừa tung ra. Tôma, con người linh hoạt nhất trong nhóm, đã rời chỗ lại gần Chúa giơ ngón tay băn khoăn hỏi: “Thày có nghi ngờ gì tôi không?’
Kế đến Philipphê, dáng điệu ôn hoà, chỉ tay vào ngực thề nguyện một niềm trung tín trọn vẹn. Mát-thêu đang chuyển lại tin buồn cho hai ông bạn ngồi cuối bàn là Tađêô và Simon. Hai ông có phần lớn tuổi, cử chỉ điềm tĩnh chậm chạp hơn, nhưng nét mặt không giấu được nỗi lo âu, phiền muộn.
Giữa bầu khí xúc động náo nhiệt ấy, một mình Chúa ngồi rất điềm tĩnh, nét mặt hiền dịu in trên nền trời xanh êm ả, coi như Ngài không lưu ý gì tới sự xôn xao náo động chung quanh. Tuy nhiên người ta đọc được nét thoáng buồn trên khuôn mặt và hai bàn tay của Chúa.
Cách bố cục rất tài tình. Tác giả dàn xếp các nhận vật thành từng nhóm 3 người, mỗi bên hai nhóm. Chúa ngự giữa trung tâm bức tranh. Tất cả các đường nét, các điệu bộ, cử chỉ đều hướng về trung tâm. Từ nhóm nọ sang nhóm kia, tác giả cũng hữu ý nối kết lại với nhau bằng những đường nét rất tự nhiên, tỉ dụ bàn tay Gia-cô-bê vắt qua lưng Phê-rô để nối liền hai nhóm bên phải Chúa, và cánh tay Mát-thêu giang ra làm gạch nối giữa 2 nhóm bên trái Chúa.” (2)
Các cách diễn giải trên, có thể có ý nghĩa, trong một chừng mực nhất định, về mặt xã hội và luân lý, nhưng thực tế, chẳng giúp ích được gì cho sự tăng tiến nhận thức về nghệ thuật nói chung, về “Nghệ thuật Thánh-Công giáo” nói riêng, và về bản thân tác phẩm. Cách diễn giải thứ nhất, chỉ mới là sự “làm quen”; cách thứ hai, đơn giản chỉ là “mượn cớ” cho những câu chuyện khác; còn cách diễn giải chủ đề vừa dẫn dài dòng ở trên, tuy giúp hiểu nội dung tác phẩm, nhưng rất dễ dẫn người xem vào một ngộ nhận hết sức tai hại: không phân biệt được sự khác biệt của một tác phẩm nghệ thuật với một bức tranh minh họa đơn thuần!
Những bất cập, ít nhất, cần phải làm rõ và bổ khuyết ở đây là:
Một, cần phải nhìn tác phẩm trong các tương quan lịch sử của nó. Mà, cụ thể, là trong xu hướng “canh tân” mọi mặt trong đời sống văn hóa và tôn giáo thời đại Phục Hưng.
Hai, cần phải nhìn tác phẩm trong tương quan so sánh với các tác phẩm khác cùng chủ đề (Bữa tiệc ly) được sáng tác trước đó và sau đó.
Chỉ khi làm rõ hai vấn đề này, thì mới có được cái nền cơ bản, để thấy rõ hơn các đóng góp “thiên tài” của Leonardo da Vinci về ngôn ngữ nghệ thuật và về tư tưởng-hai yếu tố căn bản để có nhận thức đúng về nghê thuật.
Dĩ nhiên, bổ khuyết cho những bất cập này là chuyện dài dòng, cần đến một chương trình phổ cập được thiết kế hệ thống. Ở đây, đặt tác phẩm giới hạn trong tương quan “Nghệ thuật thánh Công giáo” và hướng đến đối tượng là cộng đồng giáo dân, tôi chỉ muốn lưu ý:
“Bữa tiệc ly” là một trong những chủ đề quan trọng của “Nghệ thuật thánh Công giáo”. Các tác phẩm “Bữa tiệc ly” trước thời Leonard da Vinci, đặc biệt trong thời Trung Cổ (hoặc ở những nơi vẫn còn có tính chất trung Cổ) chủ yếu, chỉ hướng đến mục tiêu phụng vụ, và với mục tiêu phụng vụ, chủ yếu chỉ nhắm đến ý nghĩa: qua đó Chúa Giêsu đã thiết lập hai bí tích quan trọng là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh. Hầu hết các tác phẩm này, với mục tiêu như vậy, xem “Bữa tiệc ly” là một sự kiện “thần thiêng” và do đó, chỉ được thể hiện một cách tượng trưng với sự uy nghiêm thuần khiết - một bảo đảm chắc chắn cho lòng tôn kính và thờ phượng. (Xem tranh)
Các tác phẩm “Bữa tiệc ly” sau thời Leonard da Vinci, gần như hầu hết, được thể hiện chủ yếu trong tầm nhìn “thế tục”. “Bữa tiệc ly” chỉ còn là một sự kiện lịch sử, hay thuần tuý chỉ là một ẩn dụ. Tính chất “Thần thiêng” của chủ đề đã được thay thế hoàn toàn bởi tính chất “hiện thực”. Các tác phẩm, bởi vậy, mà có tính cách phóng túng và “đời thường” hơn. Dưới dây là vài tác phẩm tiêu biểu:
“Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci là tác phẩm đầu tiên và duy nhất dung hòa tính chất “thần thiêng” và tính chất “thế tục” một cách hoàn hảo với sự hoà trộn một cách tuyệt diệu ngôn ngữ tả thực và ngôn ngữ ẩn dụ vừa thể hiện được tính cách uy nghiêm của chủ đề vừa hết sức sinh động. Chẳng phải ngẫu nhiên tác phẩm này đã có một vị thế vô cùng vững chãi không chỉ trong lịch sử “Nghệ thuật Thánh-Công giáo” mà còn trong lịch sử nghệ thuật nhân loại nói chung… Xin xem lại tác phẩm:
Thứ hai, về vấn đề tiếp cận tác phẩm:
Điều cần nói ngay, quanh “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci, có rất nhiều dị bản được thực hiện bởi nhiều họa sĩ hữu danh và vô danh ở khắp mọi nơi sau này. Và, gần như hầu hết các phiên bản “Bữa tiệc ly” mà chúng ta nhìn thấy hiện nay, ở khắp mọi nơi, đều được nhân ra từ các dị bản này. Dưới đây là vài dị bản tiêu biểu:
Từ đây, rất cần một sự khẳng định, hầu hết các phiên bản mà chúng ta đang nhìn thấy, thực sự, không thể đại diện cho “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci.
Sự khẳng định này là hết sức cần thiết. Không chỉ nhằm tránh cách đánh giá sai về tầm vóc “thiên tài” của tác phẩm gốc, mà quan trọng hơn, còn tránh dẫn đến cách hiểu sai về nghệ thuật nói chung.
Để có một chút hình dung về sự tuyệt vời của tác phẩm gốc (đã bị biến đổi nhiều bởi hư hại và qua các lần phục chế) có lẽ, nên xem qua một số khảo họa mà Leonardo da Vinci đã thực hiện còn lưu giữ được:
Nguyên Hưng
(tgpsaigon.net)
(1) “Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci”-http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20101216/8050.
(2) Bức hoạ “Tiệc Ly”- http://www.dktnt.conggiaovn.net/ktdm/showthread.php?t=463
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét