Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

NGƯỜI GIẺ TRIÊNG Ở KON TUM




“Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu” - Đó là câu nói nổi tiếng của Nhà Tây Nguyên học xuất sắc - Jacques Dournes về vùng đất của những cao nguyên hùng vĩ và thảm văn hóa độc đáo trải dài miên man. Với vùng đất cực Bắc Tây Nguyên - Kon Tum, chúng ta phải có một tình yêu đầy sự tôn trọng, một sự yêu thương chân thành và đầy ưu tư thì mới có thể thấu hiểu sâu sắc vẻ đẹp truyền thống này.
 
Sinh hoạt văn nghệ dân gian của người Giẻ Triêng ở Ngọc Hồi - Ảnh: N.Đang.
 
Tuy là một bộ phận có tốc độ phát triển chậm về mặt kinh tế nhưng các dân tộc bản địa Kon Tum lại gắn bó sâu sắc, đóng góp hết sức to lớn trong tiến trình lịch sử phát triển của Kon Tum. Và tại nơi đây, nếu không thật sự đặt quyền lợi của các dân tộc bản địa lên trên hết, là mục tiêu hàng đầu của mọi kế hoạch phát triển, thì chắc chắn không việc gì có thể thành công. Qua hàng ngàn năm lịch sử, với những biến động, 6 dân tộc bản địa Kon Tum gồm: Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Brâu, Gia Rai, Rơ Mâm đã chung tay đấu cật, cùng nhau xây dựng một Kon Tum vừa đẹp đẽ vừa mang dấn ấn rất riêng. Cùng với việc người Kinh đến định cư lâu dài tại Kon Tum, kéo theo sự di cư của một số dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc thì bức tranh phân bố dân cư giữa các thành phần dân tộc trong tỉnh đang có sự thay đổi đáng kể. Cư trú ở phía Bắc và phía Tây của Quần sơn Ngọc Linh, thuộc huyện Đăkg lei, người Dẻ Triêng còn được gọi bằng những tên khác như: Đgiéh, Ta Reh, Giảng Rây, Pin, Triêng, Treng, Ta Liêng, Ve, La-Ve, Bnoong, Ca Tang, và  thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.  Hiện nay, người Giẻ Triêng ở Việt Nam có dân số khoảng 50.962 người, cư trú tại 29 trên tổng số 63 tỉnhthành phố. Trong đó, cư trú tập trung nhất tại Kon Tum33.04 3 người (theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum, tính đến 31.12.2010), chiếm 62,1 % tổng số người Giẻ Triêng tại Việt Nam. Là một trong 6 dân tộc bản địa của Kon Tum, người Giẻ Triêng mang trong mình những nét văn hóa độc trưng, không ở nơi đâu có được.,
 
Tôn giáo
 
Tín ngưỡng của người Giẻ Triêng đang trong giai đoạn đa thần, chưa có khái niệm riêng biệt để phân biệt thần, thánh, ma quỷ. Người Giẻ Triêng gọi Giàng hoặc Năm để chỉ những lực lượng siêu nhiên, có khả năng tác động tích cực hoặc tiêu cực đến mùa màng, của cải của dân làng. Người Giẻ Triêng tin mọi thứ đều có "hồn", thần linh, nên việc cúng bái và xem điềm báo lành, dữ là phổ biến, làm việc gì cũng phải có sự đồng ý của chúng. Ngoài các lễ nghi của từng gia đình, vài năm một lần cả làng tổ chức chung lễ cúng cầu an, tạ ơn thần linh. Các vị thần nước, thần trời (đồng nhất với sấm sét), thần mặt trời, thần đất, thần làng, thần làng, thần lúa, thần đá, thần cây đa... được người Gié-Triêng cầu cúng. Mỗi làng thường có vật "thiêng" như thứ bùa hộ mệnh, được cất dấu ở rừng và giữ bí mật với người ngoài. Dòng họ, gia đình cũng có vật "thiêng" để cầu mùa gắn với canh tác lúa.

Mỗi khi cúng bái đều có hiến tế, quan trọng nhất là Lễ đâm trâu. Trong chu kỳ sản xuất hàng năm của người Giẻ Triêng thường có lễ thức khi chọn đất rẫy, phát rẫy, gieo tỉa, khi hạn hay úng, khi mở đầu tuốt lúa, khi đưa lúa lên kho, khi được 100 gùi lúa trở lên và khi lấy thóc lần đầu về ăn. Gắn với chu kỳ đời người, có các lễ thức trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, khi đặt tên, khi bị đau ốm, khi cưa răng, trong việc cưới xin, khi chết đi. Tết dân tộc thường sớm hơn tết Nguyên đán.
 
Hôn nhân
 
Theo tục lệ, con trai Giẻ Triêng khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà rông, khoảng 13-15 tuổi thì cà răng và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng. Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, phải có củi “hứa hôn”, thể hiện phẩm chất, tài khéo léo, siêng năng của người con dâu. Phía nhà trai, nếu khá giả mang bò, chiêng, ché, nồi đồng và không thể thiếu đồ đan lát như gùi để tặng nhà gái. Trong lễ vật của nhà trai bắt buộc phải có chim, chuột rừng. Lễ cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của người mai mối. Đám cưới phải được tổ chức vào ban ngày, mở đầu bằng việc chuyển củi từ nhà gái sang nhà trai. Trong lễ cưới, người làm mai mối giết gà lấy tiết để cúng gọi các vị thần xuống chứng giám cho đôi bạn trẻ đã nên vợ nên chồng và phù hộ cho họ sau này làm ăn no đủ, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc.
 
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ phải sống và luân phiên chuyển nhà từ nhà cha mẹ vợ sang nhà cha mẹ chồng, và ngược lại cứ ba đến bốn năm một lần, cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới định cư một chỗ. Mỗi người Giẻ Triêng (trừ nhóm Bnoong) đều có họ kèm theo tên, nhưng họ của đàn ông khác với họ của đàn bà. Mỗi họ đều có việc kiêng kỵ, một truyện cổ giải thích về tên họ và điều kiêng kỵ đó. Xưa kia, con trai theo họ bố, con gái theo họ mẹ.
 
Ma chay
 
Người chết được mai tang, quan tài đẽo độc mộc, có nơi tạc hình đầu trâu trên đầu, huyệt đào rất nông, đưa đám tang chỉ có vài người nhà và sau một thời gian thì làm lễ bỏ mả để đoạn tang. Những đồ vật đem ra mộ cho người chết nếu là chiêng, ché thì đều đập thủng hoặc vỡ ngay tại đám ma. Trong quá khứ, người ta từng biết đến tục chôn chung những người chết cách nhau không lâu trong gia đình vào một quan tài. Suốt 10 ngày khi làng có người mới chết, trước khi tang gia cúng "nhắc nhở" cho hồn người chết ở yên bãi mộ, dân làng không vào rừng, không đi làm xa nhà. Nghi thức đoạn tuyệt với mộ người chết thường được tổ chức vào dịp đầu năm tại cạnh ngôi mộ.
 
Nhà Rông mới của người Giẻ Triêng ở Ngọc Hồi - Ảnh: N.Đang.
 
Nhà cửa
 
Người Giẻ Triêng ở nhà sàn dài, nhiều nơi làm mái đầu hồi uốn khum hình mu rùa. Thường thì các nhà trong làng được xếp thành hình tròn xung quanh nhà rông. Khác với nhà rông của một số dân tộc khác, nhà sàn Giẻ Triêng được hành lang chạy dọc chia đôi: một nửa dành cho nam giới, nửa kia dành cho phụ nữ. Tại huyện Ðắc Glei tỉnh Kon Tum, một số làng vẫn còn tồn tại hình thức nhà sàn này. Về sau, nhà trệt đã xuất hiện. ở nhiều nơi, trong làng thường dựng nhà công cộng cao to và đẹp. Tập quán bố trí nhà tạo thành một vòng ôm quanh khoảng trống ở giữa là một nét văn hoá lâu đời của họ ở một số làng của huyện Đăk Glei.
 
Hiện nay, người Giẻ Triêng ở Kon Tum thường làm nhà sàn ngắn và vài hộ gia đình cùng chung sống với nhau. Những nhà này cũng có những đặc trưng đáng quan tâm: nhà sàn mái hình mai rùa, hai đầu đốc được trang trí bằng hai sừng trâu.
 
Trang phục
 
Trang phục Giẻ Triêng là đặc điểm riêng, cùng với một số dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên có giá trị quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử trang phục ở Việt Nam.
 
Già làng người Giẻ Triêng - Ảnh: N.Đang.
 
Nam giới để tóc ngắn hoặc đội khăn chàm theo lối chữ nhất trên đầu. Thân ở trần hoặc mặc tấm áo, khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có các sọc trang trí. Họ mang khố khổ hẹp, dài không có tua, thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Nam cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài khố mang chuỗi hạt vòng. Trong các dịp tết lễ, họ mang thêm tấm choàng rộng màu chàm, có các sắc mầu trang trí phủ kín thân.
 
Phụ nữ Giẻ Triêng ở Ngọc Hồi - Ảnh: N.Đang.
 
Phụ nữ Giẻ Triêng để tóc dài, quấn sau gáy. Họ không mặc áo mà mang loại váy dài, cao sát nách. Đây là loại váy ống tương đối dài rộng. Đầu váy, giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo này là một đặc điểm rất khác biệt của phụ nữ Gié Triêng, ít gặp ở các dân tộc khác từ Bắc vào Nam. Lối mặc váy, đặc biệt là quấn mép ra trước giữa thân, đầu váy còn thừa, váy loại này thường dài - cao gấp rưỡi váy bình thường, lộn ngược ra phía trước hoặc quấn thành nhiều nếp gấp ra xung quanh trông như một chiếc áo ngắn.
 
Phụ nữ ưa đeo nhiều trang sức: các loại vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ, tay, chân, tai, phụ nữ các gia đình khá giả có cả hoa tai bằng nhà voi. Y phục theo kiểu người Việt hiện tại đã thâm nhập tận các làng xa xôi hẻo lánh, nhưng vẫn chưa thể thay thế được y phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày và các dịp Lễ hội quan trọng.
 
Lời kết
 
Hiện nay sự thay đổi cơ chế kinh tế - xã hội ở các buôn làng người Giẻ Triêng Kon Tum  đã có nhiều biến động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa. Nền tảng kinh tế - xã hội của văn hóa dân tộc bản địa ở Kon Tum trước đây là phương thức sản xuất nương rẫy, chế độ thị tộc nhà dài, cơ cấu xã hội nay đã có nhiều biến đổi lớn. Sự thay đổi tín ngưỡng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền văn hóa dân tộc Giẻ Triêng. Hầu hết các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đều diễn ra xung quanh các lễ hội, nhưng giờ đây nhiều nơi không còn tổ chức các lễ hội truyền thống mà được thay bằng những lễ nghi tôn giáo mới. Điều cần thiết lúc này là có biện pháp giúp người Giẻ Triêng bảo tồn các di sản văn hóa (cồng chiêng, ché quý, nhạc khí dân tộc...), giữ gìn sắc phục của dân tộc, gìn giữ những tục lệ độc đáo (lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới,..)
 
Hà Oanh
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét