Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Những Lễ thức dân gian gắn với lao động sản xuất của người Xơ Đăng ở Kon Tum




Người Xơ Ðăng thuộc số cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên và vùng lân cận thuộc miền núi của Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đây là tộc người có dân số đông nhất trong số các tộc người bản địa ở KonTum. Là một cộng đồng dân cư nông nghiệp, chủ yếu trồng trọt làm rẫy, lại sinh hoạt trong các làng bản còn lạc hậu chậm phát triển, trước kia người Xơ Đăng phải viện vào các lễ thức tín ngưỡng để cầu mong các thần linh phù hộ, che chở cho cuộc sống được yên lành, mùa màng được tươi tốt. Những lễ thức dân gian đó được tổ chức theo chu kỳ làm rẫy trong một năm mang tính tâm linh có ý nghĩa hết sức quan trọng của người Xơ Đăng. Mở đầu là  Lễ Ka Ba Ton (ăn lúa kho) ăn hết lúa kho để đi đốt rẫy mới, thời gian tổ chức vào mùa khô (tháng một, tháng hai hàng năm) và kết thúc một năm là Lễ On Rô Pơ Rông (mừng năm mới) ở quy mô cả cộng đồng. 
Cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, mùa lao động sản xuất được báo hiệu bằng tiếng sấm đầu năm. Theo kinh nghiệm của người Xơ Đăng sấm ra trước khi con chim “bắt cô trói cột” (klang pong) kêu thì năm đó đói to, nhưng nếu sấm ra sau khi chúng gọi đàn thì được mùa. Ngày sấm ra, kết thúc những tháng nghỉ ngơi mọi người chuẩn bị bắt tay vào công việc lao động, “đánh thức” hồn lúa ngủ trong teo (gùi), gọi hồn công cụ trở dậy. Sau khi đã chọn được rẫy mới, người Xơ Đăng tổ chức lễ thức ăn hết lúa kho dự trữ ( Ka ba ton) để đi đốt rẫy mới, mở đầu cho một năm sản xuất theo chu kỳ mùa vụ. 
 
 
Trong những lễ thức trồng trọt, vị trí của Thần lúa dường như là quý nhất. Người ta viện ra các thần linh khác hay tránh các điềm xấu, tuân theo những kiêng cữ là mong cho việc sản xuất được thuận lợi, nhưng lúa đầy hay vơi ở kho, là do “Thần lúa ban cho họ. Lễ thức rước hồn lúa diễn ra khá long trọng như mọi nơi ở Tây Nguyên. Bà chủ Nóc là người duy nhất được săn sóc đến các lễ thức liên quan đến các hồn lúa. Cũng có những nơi, công việc đó do ông chủ Nóc hay những người đàn ông khác chia sẻ. Đó là những srăp, nhữngsrăp mui (chủ lễ chọn đất), srăp chôi (chủ lễ trỉa hạt). Khi bà chủ Nóc lên rẫy, mang theo gùi lúa trong đó cóhồn lúa, thì ông ta vác ná đi bảo vệ; khi bà khấn vái, cầu xin, thì ông giúp việc bày biện và làm các công việc phụ khác.
 
Hồn lúa thường trú ngụ vào một giống lúa xưa nhất theo quan niệm của đồng bào. Giống lúa ấy được trồng riêng vào một mảnh đất thiêng trên rẫy. Bà chủ Nóc tự tay trồng, săn sóc và tự tay mang về, để dùng vào lễ cơm mới trong dịp suốt lúa. Số còn lại được giữ trong kho ở một vị trí đặc biệt. Từ đó, hồn lúa tác động đến mọi cây trồng trên rẫy và được nuôi dưỡng bằng các lễ vật của gia đình trong suốt quá trình canh tác, được nương nhẹ, không làm “đau đớn” bởi các công cụ bằng sắt. Hồn lúa ngủ trong những tháng “ninh nơng” (tháng nghỉ ngơi sau vụ thu hoạch); đến ngày sấm ra đầu năm, ngày Thần sấm sét gọi Thần lúa thức dậy, cả làng lại bắt tay vào sản xuất. Tuân theo Thần Xơrihồn lúa sẽ ưu đãi những chủ nhà biết trọng phong tục. Phong tục đó chính là việc đưa hồn từ kho lên rẫy vào những ngày đầu phát đốt, chọc trỉa và đón hồn lúa từ rẫy về kho vào những ngày thu hoạch. 
 
Người ta tránh đưa hồn lúa cũng như tránh tổ chức các nghi lễ hoạt động sản xuất vào các ngày chẵn (theo đồng bào đó là những ngày xấu, ngày ma đi), mà tin ở ngày lẻ, ngày tốt, ngày người đi. Người ta cũng ưa chuộng ngày trăng tròn. Trong khi ăn uống, người ta cũng tôn trọng số lẻ 1,3,5,7,9 và chỉ dùng tay phải, không dùng tay trái (tay của ma). Đó là quan niệm chung của hầu hết cư dân Xơ Đăng .
 
Ở mảnh đất thiêng trên rẫy, tùy từng nơi, chỉ trồng trọt một số loại cây mọc nhanh, nhiều bông như hành, cây hoa sứ ( một loài cây có cánh hoa đỏ), có củ như hành tây, cây nghệ, cây mào gà… làm “nhân ngãi” cho lúa. Các cây chọc lỗ dùng xong được dựng lại đó để bảo vệ hồn lúa. Lúa giống được để vào một chiếc gùi trongpđăm, dưới chân một cây nêu mà trên ngọn có cắm bông lau, tượng trưng cho hoa lúa. Các chủ hộ được phân phát dần thứ lúa đó để trỉa trên rẫy. Bao giờ người ta cũng để một ít giống nhằm tổ chức một bữa ăn mời bạn bè đến dự và trong bữa ăn đó, họ tổ chức pưa pang, tức là lễ đầu mùa, mời người sống, các vong hồn, các thần linh về tham dự, và tiễn đưa hồn lúa lên rẫy để hồn tác động đến cây trồng.
 
Lễ trỉa hạt (Ondrô Lo Chôi) được tổ chức chung trên mảnh đất thiêng là lễ thức quan trọng trong giai đoạn trồng trỉa. Khi thu hoạch, lễ đưa hồn lúa về kho cũng được coi trọng. Tục căng dây đưa hồn lúa về kho được tổ chức chu đáo. Những nơi qua suối đều phải bắc cầu ( cầu tượng trưng cho hồn lúa đi). Ở những ngã ba phải cắm hoa làm dấu chỉ đường cho hồn lúa, khi đến kho, cũng phải bắc cầu cho hồn lúa lên, sau khi sửa soạn chỗ nghỉ chu đáo cho hồn lúa trong kho thóc.
 
Điều đáng lưu ý là hồn lúa theo quan niệm ở đây là sợ nước. Họ phải bảo vệ không cho lúa dính nước khi tiến hành các nghi lễ. Có nơi còn giữ không động chạm tới nước trong thời gian suốt lúa, trừ khi đun nấu. Chưa rõ vì sao sinh ra quan niệm này, mặc dù lúa lại cần đến nước. Một cụ già Xơ Đăng nói là Thần Xơri nằm trong hạt thóc ghen ghét Thần nước được Thần sấm sét lấy làm vợ. Nếu để hai Thần gặp nhau, máu ghen ghét củaThần lúa nổi lên, có thể xảy ra xung đột. Khi ấy, Thần Xơri sẽ bỏ đi nơi khác, không ở với người chủ đã gây ra rắc rối.
 
 
Hạn hán là mối lo ngại nhất của những cư dân trồng trọt. Người Xơ Đăng cho đó là do Thần sấm sét lãng quên, cầu xin để nhắc nhở, nếu không có kết quả thì phải “chọc tức” để ông ta trút mưa xuống. Có nơi đồng bào dùng tổ chim sẻ non thả xuống nước, nhét trấu vào tổ ong cho ong không ra vào được nên kêu vo ve điếc tai Thần. Họ còn bắt những con cóc đem trói chân lại rồi khiêng đi để làm cho Thần sét thương người thân, v.v…
 
Tháng ba hàng năm, người Xơ Đăng tổ chức sửa sang máng nước và làm lễ cúng máng nước (Lễ thức OnĐtrô KnengTea), cầu mong cho cả làng bước vào một năm mới thịnh vượng hơn. Máng nước tượng trưng cho sự sống của cả làng. Cúng máng nước là một hình thức củng cố cộng đồng làng. Họ tổ chức ăn uống chung ở nhà Rông rồi lại về làm việc theo từng nóc nhà. Sau đó, cả làng để ra ba ngày đi kiếm cá, hái rau, đánh chuột, chim, sóc, nhưng không được dùng ná hay thò, mà diễn lại cuộc sống hái lượm, săn bắt thuở xa xưa của tổ tiên. Tối hôm thứ ba, cả làng tập trung tại nhà Rông cùng với các thứ săn bắt, hái lượm được. Những làng kết nghĩa anh em, những người đi lấy chồng hay ở rể các làng xa đều về họp mặt. Mỗi nóc nhà có bao nhiêu người thì đốt bấy nhiêu ống cơm lam và đem theo rượu đến. Chủ làng cúng Thần làng và các Thần linh khác, cầu xin cho mọi người được khỏe mạnh, mùa màng năm tới bội thu, gia súc phát triển. Ông ta cũng cầu xin cho từng nóc, cúng hồn cho các công cụ, các vũ khí, các chuồng gia súc. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng.
 
Trong tháng năm, tháng sáu và tháng bảy, người Xơ Đăng còn có các lễ thức gắn với sản xuất như Lễthức Ka Tre Ton (ăn lúa giống thừa) ăn lúa trỉa còn thừa cho hết rồi mới đi làm cỏ lúa. Lễ thức Ka La Ba (ăn lá lúa) cúng sâu bọ để sâu bọ không làm chết cây lúa.
 
 
Đến tháng mười hàng năm, mùa màng thu hoạch xong, người Xơ Đăng tổ chức lễ ăn cơm mới (Lễ Ka pa Neo và On Đrô Tơ Triêng- ăn lúa mới, mừng lúa mới), đây là những lễ thức có qui mô lớn trong toàn cộng đồng người Xơ Đăng. Sau đó họ chuẩn bị cho những tháng nghỉ ngơi (ninh nơng) trong tháng mười một, tháng mười hai sau một năm lao động vất vả. Trong những tháng nghỉ ngơi, người Xơ Đăng nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ngày ở làng này, đêm sang làng khác, dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng. Mọi người vui say cho bõ những ngày lao động mệt nhọc. Họ ca hát, hò reo, đánh cồng đánh chiêng cầu mong mùa màng sang năm được tốt tươi , lương thực sẽ thừa thãi như trong lễ thức dân gian này.
 
Người Xơ Đăng có tục ăn trâu (Ca pô). Cả làng đâm trâu hiến sinh nhân dịp chiến thắng kẻ thù, mừng nhà rông mới hay sau nhiều lần thất thiệt : mất mùa, bại trận, dịch bệnh .v.v… cầu xin sự yên lành, may mắn, từng gia đình cũng tổ chức ăn trâu để phô trương sự giàu có, mong được mọi người trọng vọng, để thần linh phù hộ sức khỏe và phong đăng. Con cháu tổ chức đâm trâu để bố mẹ được về với tổ tiên, để trâu xuống ở với người chết (một hình thức chia của). 
 
 
Bên cạnh cây đa, người Xơ Đăng quan niệm có Thần linh trú ngụ, một cây tượng trưng cho sự trường sinh bất tử, cột lễ đâm trâu của họ lại thường là cây bông gòn (cây gạo). Tới làng của người Xơ Đăng, ở bất cứ nhóm nào, nếu có nhiều cây gạo to là ở đó họ đã cư trú lâu đời. Đồng bào dùng cây gạo không ngoài ý nghĩa cầu mong cho sức sống của làng, gia đình, của cá nhân - người tổ chức lễ ăn trâu – có sức sống như cây gạo. Cây gạo cũng tượng trưng cho quê hương xưa của tổ tiên người Xơ Đăng. Họ đi đến đâu nếu thấy cây gạo thì tin chắc rằng ông cha đã từng ở đó. Quan niệm ấy thật gần gũi với quan niệm của người Kinh “Thần cây đa,ma cây gạo”. Cột lễ được trang trí rất đẹp. Trên cùng là hình trăng tròn, tượng trưng cho sự trong sáng, tốt lành của đời sống.
 
 
Tục ăn trâu thường được tổ chức vào các tháng nghỉ ngơi, những ngày đầu xuân, trước đây khá tốn kém sức người và sức của. Không như người Kinh và các dân tộc khác, hình ảnh con trâu không gắn liền với việc trồng trọt, việc trồng lúa nước. Đối với người Xơ Đăng, trâu là con vật để hiến tế, con vật “thiêng”, đồng thời là biểu tượng của sự giàu có. Người Xơ Đăng nuôi trâu để trao đổi, để sử dụng vào việc cúng tế là chính. Ngày nay tục lệ ăn trâu đã đỡ đi nhiều, không còn đâm nhiều trâu như trước kia.
 
 
Kết thúc một năm, người Xơ Đăng có Lễ On Rô Pơ Rông- uống rượu mừng năm mới, được diễn ra vào tháng 01 Dương lịch. Theo quan niệm của người Xơ Đăng thì đây là thời khắc linh thiêng nhất của năm mới, lễ mừng năm mới On Rô Pơ Rông là lễ thức tiêu biểu, với ý nghĩa để xoá đi những điều không tốt đẹp của năm cũ, chào đón một năm mới tốt lành hơn, may mắn hơn. Lễ thức OnRôPơRông của người Xơ Đăng có những nét cơ bản giống như phong tục ăn Tết Nguyên đán của người Kinh. 
 
Các lễ thức dân gian mang tính tâm linh của người Xơ Đăng về cơ bản đều gắn bó chặt chẽ với vòng đời con người và quy trình sản xuất theo mùa vụ, ngoài những yếu tố về bản sắc văn hóa truyền thống, các lễ thức dân gian này còn là môi trường hết sức quan trọng để tạo ra sự gắn kết cộng đồng bền chặt về mọi mặt trong đời sống của dân tộc Xơ Đăng.
 
Trần Vĩnh
(Theo CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét