Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Theo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 30-10-2011), từ khoảng mươi năm nay, lễ hội Halloween được du nhập vào Việt Nam. Đây là lễ hội ở các nước phương Tây, được tổ chức hằng năm vào ngày 31-10. Sau đó, nhà báo giới thiệu những hình thức lễ hội Halloween ở một số địa điểm tại Sàigòn.
Nhắc đến ngày 31-10 là ngày hội Halloween, nhưng không nói gì đến ngày 1-11 vì không biết mối liên hệ giữa hai ngày này. Ở nguồn gốc, ngày này được gọi là All Hallows’ Eve, nghĩa là buổi chiều áp lễ Các Thánh. Kể từ thời Đức Grêgôriô III (năm 741), Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1-11 hằng năm, là ngày ngài thánh hiến một nhà nguyện trong Đền Thánh Phêrô để tôn vinh toàn thể Các Thánh. Rồi sau đó, Đức Grêgôriô IV (năm 835) truyền lệnh cử hành lễ này trong toàn thể Giáo Hội. Nhưng thuở xa xưa, lễ này được cử hành vào Thứ Sáu sau lễ Phục sinh để làm nổi bật sự chiến thắng của Chúa Kitô trên tâm hồn của biết bao người, cụ thể là các thánh. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và Người cũng chiến thắng ma quỷ qua việc chinh phục các tâm hồn. Dù sau này, ngày cử hành lễ đã được thay đổi nhưng ý nghĩa chính yếu trên vẫn được giữ lại.
Các tín hữu thời xưa tin rằng vào ngày áp lễ Các Thánh 1-11, trái đất rung chuyển, đất đai nứt nẻ và ma quỷ từ địa ngục chui lên với nỗ lực cuối cùng nhằm lôi kéo các linh hồn về với nó. Thế nên vào buổi chiều áp lễ Các Thánh, họ túa ra ngoài đường, mặc những trang phục kinh dị như ma quỷ, đồng thời miệng hô vang Danh Chúa Giêsu và khua chiêng gõ mõ để xua đuổi ma quỷ, đuổi chúng về địa ngục. All Hallows’ Eve là thế.
Rất tiếc là ngày nay, ý nghĩa tôn giáo đó đã phai mờ, nếu không nói là biến mất, để chỉ còn là lễ hội Halloween mang tính giải trí thuần túy, tệ hơn nữa còn thành dịp ăn chơi đàng điếm. Thay vì xua đuổi ma quỷ đi thì lại rước nó vào nhà mình, vào linh hồn mình. Thế nên đã có những Giáo Hội phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng này, cụ thể là Hội Đồng Giám Mục Philippines mới đây lên tiếng cảnh giác các tín hữu và gọi lễ hội Halloween là lễ hội phản Kitô.
Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo. Đừng tưởng rằng xu hướng tục hóa chỉ diễn ra ở phương Tây! Tiến trình tục hóa cũng đang diễn ra ngay tại Việt Nam, nhất là khi cái hay thì ít học mà cái dở lại tiếp thu rất nhanh. Người ngoài công giáo không biết đã đành, nhưng đáng tiếc là cả người công giáo cũng không biết và cứ thế mà làm, người ta làm sao thì mình làm vậy, thay vì giúp người khác thấy được vẻ đẹp của Tin Mừng thì lại thành kẻ tiếp tay để giết chết Tin Mừng!
Nhắc lại nguồn gốc của ngày lễ như thế còn để nhắc nhở nhau sống tinh thần lễ Các Thánh, tinh thần có thể tóm gọn trong lời kêu gọi nổi tiếng của Đức Chân phước Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô”. Cách cụ thể, hãy mang trong lòng mình những tâm tư của Đức Kitô Giêsu: tâm tư hiền lành và khiêm nhường, thương xót và tha thứ, dấn thân và phục vụ. Chính vì thế, bài Tin Mừng được công bố trong ngày lễ Các Thánh là Tin Mừng về Tám Mối Phúc Thật :
“Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ” (5,3-11).
Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ” (5,3-11).
Mang lấy tâm tư của Đức Kitô Giêsu giữa lòng thời đại hôm nay quả là không dễ, vì thời đại này cổ võ lối nghĩ và lối sống hầu như hoàn toàn ngược lại Tin Mừng. Sách Khải Huyền (bài đọc II) diễn tả thực tế này bằng hình ảnh vừa bi hùng vừa sống động: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến? Tôi trả lời: Thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,13-14).
Áo chỉ được trắng sạch khi được giặt bằng máu! Thật lạ thường. Nhưng sự thật là thế. Phải chấp nhận cộng tác với tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, giặt tấm áo cuộc đời bằng máu của hi sinh từ bỏ, chiến đấu chống trả cám dỗ, gian nan tập luyện các nhân đức. Đó là tín thư mà lễ Các Thánh gửi đến tất cả chúng ta, những người cũng được gọi là “thánh” vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, nhưng còn phải thể hiện tiềm năng thánh thiện ấy bằng chính cuộc sống của mình. Để có thể hòa chung với Các Thánh trong lời chúc tụng:
“AMEN! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta
Lời chúc tụng và vinh quang,
Sự khôn ngoan và lời tạ ơn,
Danh dự, uy quyền và sức mạnh,
Đến muôn thuở muôn đời. AMEN!” (Kh 7,12)
Lời chúc tụng và vinh quang,
Sự khôn ngoan và lời tạ ơn,
Danh dự, uy quyền và sức mạnh,
Đến muôn thuở muôn đời. AMEN!” (Kh 7,12)
Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét