Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Qui Chế Ban Chức Việc Giáo Xứ – Gp. Kontum



Trong Năm “TÂN PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ, BUÔN LÀNG” (2015) có nhiều vấn đề cần phải làm. Trong lần tĩnh tâm tháng 12/2014 vừa qua, Đức Giám mục Giáo phận đã lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng và những đề xuất cần phải làm trong năm “Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ Buôn làng” sao cho có hiệu quả tốt. Trong số đó, các linh mục đồng tình cần xem xét lại nhân sự, đường lối của Ban Chức Việc, cũng như các đoàn thể, các giới trong giáo xứ, giáo họ. 
Ban mục vụ Truyền thông thấy nổi cộm nhất là  
CẦN CÓ MỘT  “QUI CHẾ BAN CHỨC VIỆC GIÁO XỨ CỦA GIÁO PHẬN”.
Giáo phận chưa có Qui Chế chính thức, nhưng Đức Giám mục cho biết, trong khi chờ đợi một Qui Chế Ban Chức Việc Giáo xứ của Giáo phận, quí cha có thể dựa vào qui chế tạm thời để ứng dụng tốt cho Giáo xứ mình. Đức Cha cũng có nhắc đến Qui Chế Ban Chức Việc được chúng tôi cho đăng lên Trang Truyền Thông của Giáo phận sau đây. Thật ra, Qui chế này đã soạn thảo từ năm 2000, có trình lên Giám mục Giáo phận và có phổ biến một vài lần trong dịp tĩnh tâm của Ban Chức Việc. Anh em Ban chức việc cũng nhiều lần trình lên Đức Giám mục nguyện vọng này.
Trong năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ, Đức Giám mục cũng như linh mục đoàn muốn đáp ứng nguyện vọng của Ban Chức Việc, để linh mục chính xứ nói lên rằng “GIÁO XỨ CỦA CHÚNG TÔI”, chứ không phải “của tôi” (một linh mục đơn lẻ nào) mà CỦA CHÚNG TÔI, CỦA MỌI THÀNH PHẦN DÂN THIÊN CHÚA TRONG GIÁO XỨ.
Có những câu hỏi được đặt ra để suy nghĩ:
Linh mục có học vị cần cho giáo xứ không? – Thưa cần, nhưng chưa đủ. Ngài có học vị, xin mở trường dậy chúng tôi kiến thức. Ngài đạo đức, rất tốt, và xin cầu nguyện cho chúng tôi. Giáo xứ cần linh mục HIỆN THÂN ĐỨC KITÔ VỊ MỤC TỬ- PASTOR.
 XIN CHA XỨ TRỞ NÊN, HIỆN THÂN ĐỨC KITÔ VỊ MỤC TỬ-
“PASTOR CHRISTI” ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG CON
ĐỂ ĐI THEO BƯỚC CHÂN NGƯỜI.
Sau đây là bản QUI CHẾ BAN CHỨC VIỆC GIÁO XỨ – KONTUM (Tạm thời)
GPKONTUM (30/12/2014) KONTUM

XIN KÍNH MỜI
.
QUI CHẾ BAN CHỨC VIỆC
MỞ ĐẦU
Điểm son trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam là sự đóng góp tích cực và năng động của giáo dân với hàng Giáo phẩm từ đầu cho đến ngày nay để loan báo Tin Mừng và xây dựng cộng đoàn sống trong lòng tin, trên nền tảng Đức Ái thích hợp với hoàn cảnh và văn hóa đặc thù của nước ta.
Thật vậy, các vị truyền giáo đầu tiên nghiên cứu tình hình tổ chức xã hội cũng như các phong tục tập quán, đã qui tụ các tín hữu ưu tú trong ba thành phần ttích cực cho công tác mục vụ là: Thầy giảng lưu động, thầy giảng tại chỗ, và thầy giảng chuyên biệt. Thầy giảng tại chỗ là tiền thân của ban chức việc, dù danh xưng có khác đi theo dòng thời gian: như Chức Dịch (Gp Qui Nhơn, Kon Tum), Hội Đồng Giáo Xứ (vào các thập niên 60- 70 của thế kỷ trước), Bàn Hành Giáo (các giáo phận phía bắc) – vẫn giữ vai trò là tổ chức tông đồ giáo dân từ xưa đến nay.
Sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm ngày càng tiến triển, hoàn chỉnh và hữu hiệu. Đặc biệt là sau ngày Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập 24-11-1960, và Công đồng Vaticanô II kết thúc 08-12-1965, người giáo dân ngày càng ý thức mình là thành phần Dân Chúa, tích cực tham dự chức vụ Tiên tri, Tư tế và Mục tử của Chúa Kitô. Tuy phận vụ có khác, người giáo dân cùng với Hàng giáo phẩm, Linh mục và tu sĩ xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô, Giáo Hội có Thiên Chúa là Cha, cùng một đức Tin, cùng một Phép rửa (x. Ep 4,5); vì thế, trong cương vị của mình, mọi người đồng trách nhiệm làm cho Giáo Hội được củng cố và tăng trưởng. ( x Hiến chế về HT số 31)
Riêng tại Giáo phận Kontum, ngay khi hình thành cộng đoàn họ đạo đầu tiên cuối thế kỷ XIX trên vùng đất Tây Nguyên nầy đã có những tín hữu ưu tú và đạo đức tham gia tích cực được gọi là Ban Chức Dịch. Vào thập niên 30-40 của thế kỷ trước, Giáo phận Kon Tum tổ chức qui củ, qui chế hóa riêng cho Ban Chức Việc lúc đó được gọi là Ban Chức Dịch, và có một tờ Nguyệt San dành cho các sinh hoạt của Ban Chức Dịch, lấy tên “ Chức dịch thư tín” ra hằng tháng. Thánh bổn mạng của Ban Chức Việc cộng đoàn người kinh là Á Thánh Anrê Năm Thuông (nay là Hiển Thánh). Song song với Ban Chức Việc người kinh còn có Ban Chức Việc người dân tộc, Bổn mạng là Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria được mừng vào ngày 19 tháng 3 hằng năm.
Sau ngày Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập 24-11-1960, vào những thập niên 60 – 70 vừa qua, Giáo phận Kon Tum cũng đã chọn một tiểu ban nguyên cứu Qui chế Ban Chức Việc, lúc đó được gọi là Hội Đồng Giáo xứ và đã áp dụng tạm thời Qui chế này. Gần đây, để chuẩn bị Đại Năm Thánh 2000, nhất là chuẩn bị mừng 150 Truyền giáo vùng Tây Nguyên, ý định của Đức Giám mục cho nguyên cứu và cập nhật nội quy sẵn có của Ban Chức Việc và đã có bản văn tạm thời áp dụng.
Nhờ Qui chế Ban Chức Việc, Đức Giám mục giáo phận đưa ra đường hướng điều hành Giáo xứ chung cho cả Giáo phận, nhờ đó thống nhất được công việc mục vụ truyền giáo, thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể của Giáo phận.
Để đạt thành quả tốt, Đức giám mục đòi hỏi mỗi thành viên trong Ban Chức Việc cần xây dựng bản thân trước hết:
1. Bản thân :
Học hỏi và sống Lời Chúa, bằng cách trau dồi vốn liếng hiểu biết về Chúa Kitô và Giáo lý của Ngài; hiểu biết đường hướng của Giáo Hội về Truyền giáo, Xã hội và Văn hoá.
Một đời sống nhân bản trưởng thành, có tinh thần đối thoại đại kết, biết nhận định khách quan và hành động khôn ngoan, hữu hiệu và mau lẹ, biết giao tế xã hội và trung thành với lý tưởng Kitô giáo, một đời sống bác ái, quên mình phục vụ Chúa và tha nhân, hoàn thành trách nhiệm được đảm trách.
2. Gia đình : Thành viên Ban Chức Việc hoàn thành tốt nhiệm vụ trong gia đình, nêu gương sáng về lòng đạo và phục vụ.
3. Đối với giáo xứ :
Thành viên Ban Chức Việc phục vụ Chúa và anh chị em; điều kiện tiên quyết là gắn bó với Giáo xứ, với giáo họ và khu xóm, nổ lực thăng tiến giáo xứ nói chung về mặt đạo cũng như mặt đời. Do đó, thành viên Ban Chức Việc phải biết lắng nghe mọi ý kiến, tâm tư nguyện vọng của bà con trong Giáo xứ, nắm vững tình hình để gạn lọc và giải quyết những khó khăn theo tinh thần Chúa Ki tô, giải hoà những bất đồng hoặc hiểu lầm.
4. Đối với Giáo quyền :
Thành viên Ban Chức Việc kính trọng, yêu mến và vâng phục vị đại diện Chúa Kitô. Sau khi suy nghĩ và gạn lọc, thấy cần và lợi ích, họ đạo đạt những nhu cầu và ước vọng cộng đoàn dân Chúa với cung cách cởi mở và tín nhiệm. Tuỳ theo khả năng chuyên môn, thành viên Ban Chức Việc tích cực góp ý và đảm nhận những vấn đề lợi ích cho giáo xứ, Giáo phận và Giáo hội.
Tiên phong trong vai trò Kitô hữu, thành viên Ban Chức Việc nghiêm túc thi hành các quyết định của Giáo quyền địa phương qua Đức Giám Mục Giáo phận, Linh mục Chính xứ hoặc Linh mục phụ trách.
5. Đối với thành viên BCV :
Cùng chung lý tưởng và trách nhiệm, mọi thành viên Ban Chức Việc hiệp nhất và tương trợ nhau, khiêm tốn học hỏi và xây dựng cho nhau. Trong sinh hoạt cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
+ Tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách.
+ Thông qua tập thể các vụ việc khác nhau giữa các ban chuyên trách và các giới.
+ Nhất trí điểm chính, tương nhượng điểm phụ trong tình bác ái.
6. Đối với tổ quốc và đồng bào :
Người Kitô hữu chứng tỏ lòng yêu nước và đồng bào:
+ Chu toàn nghĩa vụ công dân.
+ Cổ vũ và tham gia tích cực vào thiện ích.
+ Góp ý để luật pháp được thực hiện đúng đắn đáp ứng nhu cầu luân lý, kiến tạo công lý và hòa bình không trái ngược lòng tin Kitô.
Người Kitô hữu cần loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về quyền con người, lãnh vực văn hoá, địa phương, phái tính, địa vị, tôn giáo, không phân biệt chủng tộc, nhất là tôn trong anh em dân tộc bằng đời sống gương mẫu, bảo tồn văn hóa tốt đẹp, tận tình giúp đỡ nâng cao mức sống, bảo vệ sự sống v.v…
Người Kitô hữu sống bao dung, hoà hợp, đoàn kết và hợp tác với mọi người, để kiện toàn và Phúc Âm hóa mọi cơ cấu xã hội và văn hóa, nhất là kiến tạo một nền văn mình tình yêu, theo gương Đức Kitô, Đấng đã yêu thương, tự hiến mình cho vinh danh Chúa Cha và mọi người được cứu độ.
Chương I: CƠ CẤU TỔ CHỨC GIÁO XỨ.
Điều 1: Định nghĩa Giáo xứ .
Giáo xứ là một tổ chức qui tụ dân Chúa thành một cộng đoàn trực thuộc Giáo phận, thông thường gồm 5 thành tố:
1. Có nghị định thiết lập của Đấng bản quyền.
2. Có một tập thể gia đình liên kết với nhau thành một cộng đoàn đức tin, phụng tự và bác ái, nhằm thăng tiến nếp sống đạo, đời của giáo dân và loan báo Tin Mừng cho những người cùng sống trong lãnh thổ của Giáo xứ, có tài sản tương xứng với việc thiết lập.
3. Có ranh giới để phân biệt với các giáo xứ khác trong giáo phận.
4. Có linh mục chính xứ hay linh mục phụ trách do Đức Giám mục bổ nhiệm.
5. Thường có nhà thờ chính làm trung tâm sinh hoạt cho cả giáo xứ.
Điều 2: Tổ chức giáo xứ .
Giáo xứ được phân thành nhiều khu vực tuỳ theo hoàn cảnh địa lý và dân số, để việc điều hành sinh hoạt tôn giáo và loan báo Tin Mừng được hữu hiệu.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp Cộng đoàn dân Chúa không phân ranh theo lãnh thổ nhưng theo cộng đồng dân tộc, đặc biệt là trong vùng truyền giáo được gọi là Trung tâm truyền giáo có linh mục đảm trách và có một hai trung tâm truyền giáo hoặc một số thánh đường để qui tụ sinh hoạt tôn giáo và có cách thức tổ chức điều hành riêng.
Điều 3: Nhân sự
1. Đơn vị của giáo xứ là gia đình
2. Nhiều gia đình hợp thành xóm giáo.
3. Nhiều xóm giáo hợp thành giáo họ, có Ban chức việc thành viên trong Ban chức việc Giáo xứ.
4. Nhiều giáo họ hợp thành giáo xứ, có ban chức việc Giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của Linh mục chính xứ.
5. nhiều Giáo xứ hợp thành giáo hạt, có hội đồng hạt dưới sự hướng dẫn của cha quản hạt.
6. tất cả các giáo hạt hợp thành hội đồng Giáo phận, có đại diện trong Hội đồng mục vụ.
Điều 4: Nhập tịch – Xuất tịch.
1. Trừ những trưởng hợp bất khả kháng và thời gian chưa cho phép, mỗi gia đình công giáo nhất thiết phải thuộc về một giáo xứ.
2. Khi nhập tịch hay xuất tịch một giáo xứ, giáo dân phải trình linh mục chính xứ, qua Ban chức việc Giáo xứ, nêu rõ lý do và xuất trình sổ gia đình công giáo có chứng nhận của Cha sở cũ.
3. Giáo dân xứ này muốn nhập xứ kia phải trình diện và đệ lên linh mục chính xứ giấy xuất tịch khỏi xứ của mình ở trước, để tránh trường hợp một gia đình hai ba giáo xứ hay không có xứ nào.
Điều 5: Quyền lợi – Nhiệm vụ
1. Giáo dân thuộc xứ nào đương nhiên hưởng mọi quyền lợi trần thế và thiêng liêng trong giáo xứ ấy, trừ khi bị khai trừ hoặc huyền chỉ do hình phạt.
2. Giáo dân thuộc giáo xứ nào, đương nhiên phải thi hành nhiệm vụ trần thế và thiêng liêng đã qui định do luật chung hoặc qui định của Giáo xứ đó, kể cả thời gian quyền lợi bị đình chỉ.
Chương II: HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ.
Điều 6: Định nghĩa – Mục đích .
Ban chức việc giáo xứ là một tổ chức tông đồ giáo dân, lãnh ủy nhiệm của Đức giám mục Giáo phận qua Linh mục chính xứ để đáp ứng nhu cầu giáo dân và loan báo Tin Mừng cho những người cùng sống trong lãnh thổ theo tôn chỉ và qui chế của Giáo phận dựa theo Giáo luật.
Điều 7: Thành phần.
Ban chức việc giáo xứ gồm các thành phần:
1. Ban điều hành
2. Các ban chức việc phụ trách giáo họ (khu xóm giáo)
3. Các trưởng ban chuyên trách
4. Đại diện các giới, các đoàn thể (Gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, Legio Mariae, thiếu nhi)
Điều 8: Thành phần Ban điều hành.
1. Ông câu nhất
2. Câu nhì nội vụ (phụ trách việc trong cộng đoàn)
3. Câu nhì nội vụ (phụ trách việc liên quan đến những việc xã hội)
4. Thư ký
5. Thủ quỹ
Điều 9: Thành phần BCV giáo họ (khu xóm giáo).
1. Ông biện nhất
2. Ông biện phó và một số người phụ giúp sinh hoạt khác.
Điều 10. Các ban chuyên trách.
1. Ban phụng vụ
2. Ban loan báo Tin Mừng và giáo lý
3. Ban chung sự
4. Ban Quản trị tài sản
5. Ban khánh tiết
6. Ban bác ái xã hội
7. Ban thánh nhạc
8. Các giới – đoàn thể.
Điều 11. Các giáo họ vì xa xôi sẽ sinh hoạt tự lập. Nhưng trong những công tác có tính cách chung của toàn Giáo xứ, ban điều hành giữ nhiệm vụ điều động chung cả Giáo xứ.
Điều 12:
Trưởng ban chuyên trách và ông Biện nhất của BCV giáo họ (khu xóm giáo) là thành viên BCV giáo xứ được Ban điều hành giới thiệu và chuẩn nhận của Linh mục chính xứ.
Trong trường hợp Giáo xứ không đủ nhân sự, mỗi thành viên BCV giáo xứ có thể kiêm nhiệm Trưởng một ban chuyên trách.
Điều 13: Mỗi ban chuyên trách có trưởng và phó, có thể thành lập nhiều tiểu ban để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của ban mình.
Điều 14: Đại diện các giới-đoàn thể: trưởng và phó mỗi giới là thành viên thuộc thành phần BCV giáo xứ
CHƯƠNG III. NHIỆM VỤ CỦA BAN CHỨC VIỆC
Điều 15: Nhiệm vụ của BCV
BCV Giáo xứ có nhiệm vụ giúp cha chính xứ điều hành công việc Giáo xứ.
Điều 16: Ban điều hành
Ông câu nhất
1. Cùng với linh mục chính xứ hoạch định và điều hành mọi sinh hoạt của Giáo xứ.
2. Theo dõi và đôn đốc công việc của các thành viên trong BCV GX
3. Nâng đỡ tình thần, động viên, an ủi, góp ý…các thành viên trong BCV GX
4. Sau khi gạn lọc; đạo đạt lên Linh mục chính xứ hoặc Linh mục phụ trách những ý kiến hữu ích của giáo dân trong giáo xứ.
5. Triệu tập và điều hành các phiên họp, sau khi đã thông qua nghị trình với Cha chính xứ hay Cha phụ trách.
Ông câu nhì phụ tá nội vụ:
Tích cực hợp tác với BCV GX thi hành mọi nhiệm vụ của ông Câu nhất khi vị này đau yếu hay vắng mặt.
Ông câu nhì ngoại vụ:
a. Đại diện Giáo xứ liên lạc với chính quyền
b. Dự các cuộc họp và lễ nghi do chính quyền địa phương hoặc Tôn giáo bạn tổ chức.
c. Liên hệ với các giáo xứ, Hội dòng khác.
Thư ký:
a. Ghi biên bản các cuộc họp.
b. Tổng kết hằng năm thành quả của Giáo xứ (gồm các xóm giáo, ban chuyên trách, các giới…)
c. Giúp Cha chính xứ làm sổ các Bí tích để lưu trữ.
d. Lưu sổ tài chánh của giáo xứ.
e. Lưu trữ hồ sơ tại công hàm BCV GX.
Thủ quỹ:
a. Lập danh sách các tài sản Giáo xứ theo thể thức Linh mục chính xứ và BCV GX ấn định.
b. Lập sổ sách thu chi và báo cáo hằng tháng, hằng năm trong các cuộc họp.
Điều 17: Nhiệm vục của BCV khu xóm giáo (giáo họ)
Làm trung gian giữa BCV GX và giáo dân trong xóm giáo. Đồng thời tìm nhân sự bổ sung vào các công tác cần thiết của BCV GX như: Phụng tự, khánh tiết, giáo lý, chung sự, bác ái và chính bản thân có khả năng dạy giáo lý, phụ trách trong các nghi thức phụng vụ Lời Chúa…
Điều hành các sinh hoạt:
a. Kê khai sổ gia đình công giáo trong xóm giáo theo mẫu của Linh mục chính xứ.
b. Cập hóa sổ gia đình đến và đi để trình cho cha chính xứ phê duyệt.
c. Lập danh sách các trẻ tới tuổi học giáo lý: xưng tội, thêm sức, bao đồng…
d. Chứng giấy và báo cáo kịp thời cho Linh mục chính xứ:
+ Gia đình có con em rửa tội, thêm sức và tình trạng đạo giáo của cha mẹ;
+ Gia đình có con xin làm phép hôn phối, cho biết thời gian học khóa dự bị hôn nhân hay thời gian đủ để học khóa dự bị hôn nhân khi họ có lý do chính đáng: như vắng mặt do làm ăn hay bệnh tật vào thời điểm mở khóa giáo lýdự bị hôn nhân.
+ Gia đình có người đau nặng cần chịu các Bí tích
+ Gia đình có người chết.
+ Người xin nhập đạo.
+ Động viên nhân lực cho những công tác của giáo xứ.
Điều 18: Nhiệm vụ các trưởng ban chuyên trách
a. Liên hệ với Linh mục chính xứ về công tác tháng tới.
b. Báo cáo thành quả sinh hoạt trong tháng và công tác sắp tới trong buổi họp BCV GX
Điều 19: trưởng ban phụng vụ
a. Phụ trách phần kinh nguyện trong các cuộc phụng vụ (nếu đi vắng, tìm người thay thế)
b. Điều khiển chương trình phụng vụ thường xuyên.
c. Cung cấp các tài liệu dùng trong phụng vụ giáo dân.
d. Khi có buổi lễ phụng vụ có tính cách đặc biệt, bàn cùng ban điều hành để có chương trình tổng quát bàn thảo trong cuộc họp của BCV GX
e. Chọn người phụ trách, tổ chức và điều hành nhóm phục vụ bàn thánh.
Điều 20: trưởng ban khánh tiết (Nơi nào thiếu nhân sự, ban Phụng vụ kiêm nhiệm)
Cùng với một số người có khả năng thích hợp để:
a. Dọn hoa nến trên bàn thờ, nhất là các ngày Chúa nhật và Lễ trọng.
b. Cung cấp hoa cảnh cho các buổi lễ
c. Trang trí trong và ngoài thánh đường các lễ trọng.
d. Giữ các đồ trang trí trong thánh đường.
Điều 21: Trưởng Ban loan báo Tin Mừng và Giáo lý
(Khi đủ nhân sự, có thể tách thành 2 tiểu ban)
1. Phụ trách mọi sinh hoạt truyền giáo; cổ võ phương hướng Loan Báo Tin Mừng.
2. Ghi sổ những gia đình rối và hướng dẫn đến Cha chánh xứ.
3. Liên lạc với các gia đình lương dân, nhất là anh em dân tộc.
4. Đề bạt cho BCV GX các nhận sự hội đủ điều kiện để phụ trách các khóa Giáo lý dự tòng, khóa dự bị hôn nhân và Giáo lý phổ thông để Cha chánh xứ duyệt xét chấp nhận.
5. Đề nghi chương trình giáo lý lên BCV GX để Cha chánh xứ duyệt xét.
6. Đề cử nhân sự phụ trách việc trật tự trong các giờ giáo lý và Thánh lễ.
7. Là gạch nối giữa Giáo lý với BCV GX cũng như gia đình.
8. Cung cấp Kinh Thánh và các tài liệu cần thiết.
Điều 22: Trưởng Ban bác ái:
1. Tìm hiểu và ghi nhận các gia đình nghèo khổ.
2. Phụ trách các công tác giúp đỡ những gia đình bị rủi ro tai nạn, bệnh tật…
Điều 23: Trưởng Ban chung sự
Cùng với Ban chức việc xóm giáo:
1. Đôn đốc Ban chức việc xóm giáo thường xuyên thăm viếng bệnh nhân, mời Cha xứ đến ban các Bí tích vào thời gian thích hợp.
2. Giữ linh hồn cho bệnh nhân hấp hối.
3. Bảo quản nghĩa trang và vật dụng liên quan đến tang chế.
4. Tổ chức đưa xác và đọc kinh sau thời gian chôn cất.
Điều 24: Ban thánh nhạc
Đề nghị ca trưởng, ca viên và tổ chức các nhóm ca viên phụ trách Thán lễ:
1. Thường xuyên đôn đốc và cung ứng những sách hát cần thiết cho các ban hát.
2. Góp ý cho ca viên về tư cách của người ca viên trong thánh nhạc.
3. Trong những dịp có Thánh lễ lớn tại Giáo xứ, nhất là trên bình diện Giáo phận, liên hệ với BCV GX hoặc Giáo phận để nắm chương trình và thông báo kịp thời cho anh chị em phụ tá từng nhóm ca viên.
Điều 25: Ban Quản trị tài sản (có thể để trong Ban Điều hành)
1. Liên hệ với chính quyền về những vấn đề liên quan đến cơ sở đất đai của Giáo xứ và nhà thờ.
2. Cùng với Cha chính xứ quản lý các đồ dùng, đồ thờ của Giáo xứ.
3. Lo công tác sửa chữa, tu bổ nhà thờ, cơ sở. khi có tu sửa lớn cần trao đổi với Ban điều hành.
4. Cha chính xứ khôn ngoan chân nhắc, tiên liệu từ gốc độ xã hội, hoàn cảnh thực tế của giáo xứ để xây dựng “Ban Quản Trị tài sản” trong giáo xứ mình theo Giáo luật (các điều khoản 1280 đến điều 1289) để Quản lý, huy động và phát triển tài sản theo qui định Giáo luật.
5. Nhưng cần lưu ý đến việc đào tạo nhân sự: Trước khi bắt đầu nhiệm vụ, các người quản trị cần làm gì (điều khoản 1283); tất cả mọi người quản trị buộc phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chu đáo như một gia chủ tốt lành (điều khoản 1284).
6. Trong điều khoản 1284, số 6 ¬có ghi: “sử dụng số tiền thặng dư vào những mục đích của pháp nhân, với sự đồng ý của Đấng Bản Quyền, sau khi đã trả xong các chi phí, và số tiền thặng dư ấy có thể được đầu tư một cách hữu ích.
7. Trong điều khoản 1284, số 7 ¬có ghi thêm: “giữ sổ chi thu được ghi chép rõ ràng”; số 8: “giữ sổ chi thu được ghi chép rõ ràng”.
8. Trong giáo phận, thực tế chưa áp dụng theo qui chế của Ban Quản trị tài chính theo các điều khoản Giáo luật vừa trình bày trên đòi hỏi. Tuy nhiên, để tránh những bất tiện xảy ra, cha chính xứ bàn với BCV cần tuân thủ những đòi hỏi của Giáo luật đã qui định theo đòi hỏi cụ thể.
Điều 26: Nhiệm vụ phụ trách các giới –đoàn thể:
1. Tham gia các buổi họp BCV GX: Thảo luận, góp ý và tiếp nhận những quyết định của BCV GX để thi hành.
2. Sinh hoạt trong giới và đoàn thể mình để phổ biến và thực hiện những quyết định của BCV GX.
Chương IV: QUYỀN LỢI.
Điều 26: Các thành viên BCV GX có những quyền lợi sau:
a. Hằng năm, dịp lễ bổn mạng Giáo xứ và BCV, Cha chinh xứ dâng thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho các Thành viên.
b. Trong tháng Các Đẳng hằng năm, Cha chính xứ dâng một thánh lễ cầu cho các thành viên đã qua đời, ngày giờ do BCV GX đề nghị.
c. Khi một thành viên qua đời, Cha chính xứ dâng lễ An táng để đáp đền công ơn đối với giáo xứ.
d. Tuỳ khả năng và hoàn cảnh, quỹ của giáo xứ đài thọ một phần chi phí đi công tác của thành viên.
Chương V: TUYỂN CHỌN VÀ BẦU CỬ.
(Ban điều hành và ban chức việc khu xóm giáo)
Điều 28: Người bầu phiếu – Tiêu chuẩn ứng viên
1. Mọi tín hữu nam nữ từ 18 tuổi trở lên thuộc Giáo xứ có quyền bầu cử.
2. Tín hữu từ 20 tuổi trở lên cho các Ban chuyên trách, các giới; từ 25 đến 60 cho các Ban điều hành.
3. Phải là người hiện không bị trở ngại, không bị can án đạo đời.
4. Uy tín, đạo đức, trình độ văn hóa tương đối, thiện chí, tâm lý quân bằng.
5. Cư trú trong giáo xứ từ 1 năm trở lên.
Điều 29: Phương thức tuyển chọn
Tuỳ hoàn cảnh, Cha chính xứ có thể theo một trong hai phương thức sau:
1. Linh mục Chính xứ chỉ định.
2. Phổ thông đầu phiếu – cử tri từ 18 tuổi trở lên
Điều 30:
Trường hợp Giáo xứ không đủ ứng cử viên, Cha chính xứ cùng với những người khôn ngoan đạo đức, đề cử bổ sung để cử tri tuyển chọn các chức vụ hợp với khả năng – hoặc theo Điều 29 tiết 1.
Điều 31: Tổ chức bầu cử .
1. Trước ngày bầu cử 01 tháng, Cha chính xứ đề nghị Ban tổ chức bầu cử để chuẩn bị và điều hành tổ chức.
2. Trước ngày bầu cử 15 ngày, danh sách ứng cử viên (đề cử) và cử tri được Cha chính xứ phê chuẩn;
3. Ban tổ chức công bố danh sách cử tri và ứng cử (đề cử);
4. BCV giáo xứ, các trưởng ban chuyên trách và các giới; ứng cử và cả cử tri thuộc giáo xứ. Ban chức việc xóm giáo: ứng cử và cả cử tri thuộc xóm giáo đó
5. Tổ chức Bầu cử phải kiểm phiếu và lập biên bản kết quả.
6. Những ứng viên đạt đa số phiếu đương nhiên trúng cử.
Chương VI: NHẬM CHỨC, NHIỆM KỲ HĐGX.
Điều 32: Thể thức Bổ nhiệm .
1. Danh sách BCV GX phải được ĐGM phê chuẩn mới có hiệu lực.
2. Danh sách BCV khu xóm giáo chỉ cần thông qua Linh mục chính xứ.
3. Hai thành phần trúng cử trên, được Cha chính xứ công bố trong một buổi lễ.
Điều 33: Thể thức nhậm chức .
Sau một ngày tĩnh tâm, các thành viên trong BCV tuyên hứa nhậm chức trong một thánh lễ hoặc lễ nghi Phụng vụ với sự chủ toạ của Cha chính xứ.
Ngay sau lễ tuyên hứa của vác thành viên mới là lễ bàn giao giữa Cựu và Tân BCV GX được tiến hành trước sự chứng kiến của Cha chính xứ.
Sau lễ bàn giao, Cựu chấm dứt, Tân BCV GX khởi đầu nhiệm vụ.
Điều 34: Nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ BCV GX được ấn định là 4 năm. BCV khu xóm giáo là 3 năm. Trường họp Linh mục chính xứ thuyên chuyển, BCV GX và khu xóm giáo vẫn điều hành cho hết nhiệm kỳ.
Điều 35: Lưu nhiệm.
Khi hoàn cảnh không thuận tiện để tổ chức bầu cử, Linh mục chính xứ có thể lưu nhiệm toàn bộ hoặc một phần thành viên BCV GX hoặc khu xóm giáo.
Điều 36: Từ nhiệm.
Vì lý do chính đáng, thành viên BCV GX có thể làm đơn từ chức, nhưng vẫn làm việc cho đến khi Cha chính xứ nhất trí và công bố.
Điều 27: Bãi nhiệm .
Thành viên BCV GX có thể bị bãi nhiệm vì 1 trong 4 lý do và 2 điều kiện:
– Lý do :
1. Bỏ bê những nhiệm vụ quan trọng.
2. Mang tiếng xấu công khai.
3. Bất phục tùng giáo quyền
4. Gây chia rẽ trầm trọng trong BCV GX hay cộng đoàn tín hữu.
- Điều kiện :
a. Đã khuyên bảo xây dựng mà không hiệu quả.
b. Vấn đề bãi chức đã được BCV GX biểu quyết. Việc bãi nhiệm phải được Cha Chính xứ chấp thuận mới có hiệu lực.
Điều 38: Khuyết vị thành viên BCV GX .
a. Nếu nhiệm kỳ còn trên 1 năm thì chọn người thay thế.
b. Nếu nhiệm kỳ còn dưới 1 năm chọn người kiêm nhiệm và được Cha chính xứ chấp nhận mà không cấn sự phê chuẩn của Đức giám mục Giáo phận.
CHƯƠNG VII – BUỔI HỌP BAN CHỨC VIỆC GIÁO XỨ
Điều 39: Nhiệm vụ hội họp
Hội họp là nhiệm vụ cần thiết của BCV GX, để công việc tập thể đạt được kết quả tốt. Nhờ hội họp BCV nắm vững tình hình Giáo xứ, trao đổi ý kiến đến nhất trí cao, phân công phân nhiệm cách cụ thể để không dẫm chân nhau, phối hợp chặt chẽ điều hòa. Do đó, họi họp là nhiệm vụ chủ yếu của BCV GX nhằm thể hiện chức năng có hiệu quả.
Điều 40: Hội họp có 3 loại:
1. Thường kỳ: Mỗi tháng một lần về những sinh hoạt thường xuyên.
2. Bất thường: Cha chính xứ hoặc Câu nhất sau kkhi được Cha chính xứ chấp thuận họp bất thường để giải quyết những sự việc bất thường.
3. Đại hội: Mỗi năm một lần vào ngày lễ Bổn mạng Giáo xứ dưới quyền của Cha chính xứ, hiện diện toàn thể BCV, các thành viên trong BCV khu Xóm giáo, giáo họ, các giới, đoàn thể và đại diện số giáo dân cùng đại diện tu sĩ trong Giáo xứ. Có thể mời Đức Giám mục dâng lễ và tham dự. Ban điều hành, đại diện các Ban, khu Xóm giáo trình bày tổng kết công tác năm qua đồng thời rút ưu khuyết điểm.
Điều 41. Bổn phận của thành viên BCV GX trong buổi họp.
1. Tham dự đầy đủ và đúng giờ các buổi họp được qui định. Nếu không đến được gởi giấy báo cáo trước lên thư ký để trình cho hội nghị.
2. Trong khi thảo luận: tích cực, cởi mở đóng góp ý kiến…
3. Kiên nhẫn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.
4. Biết chấp thuận ý kiến tập thể hơn ý kiến cá nhân.
5. Luôn tôn trọng nguyên tắc: nhất trí điểm chính, tương nhượng điểm phụ, bác ái trong toàn thể.
6. Giữ kín tất cả những gì đã thảo luận trong cuộc họp.
Điều 42. Quyết định trong cuộc họp
Hiệu lực: những việc quan trọng hoặc ngoại thường, chỉ có hiệu lực khi hội đủ ba điều kiện:
1. Cuộc họp có mặt hơn phân nửa số thành viên BCV GX
2. Được biểu quyết bằng 2/3 số phiếu của các thành viên tham dự.
3. Được nhất trí của Cha chính xứ.
Cách biểu quyết:
1. Thông thường là giơ tay.
2. Trong trường hợp ngoại thường vì tính chất quan trọng hoặc tế nhị của vấn đề, có thể ấn định bỏ phiếu kín.
CHƯƠNG VIII – TĨNH TÂM HUẤN LUYỆN
Điều 43: Hằng năm, mọi thành viên trong BCV GX có nhiệm vụ tham dự các cuộc tĩnh tâm và các khóa huấn luyện cấp Giáo xứ do Linh mục chính xứ tổ chức, cấp hạt do cha Hạt trưởng tổ chức, cấp giáo phận do Giám mục tổ chức.
CHƯƠNG IX – TÀI SẢN
Điều 44. Tài sản do BCV GX quản lý
1. Tiền quyên trong các ngày Chúa nhật
2. Tiền thu được trong ít dịp lễ đặc biệt
3. Tiền do các bậc hảo tâm ủng hộ
(xin xem lại Ban Quản Trị Tài sản điều 25) 
Điều 45. Cách thức thu chi.
1. Ông câu nhất sẽ quyết định quyết định những khoản chi từ 500.000$ đến 1.000.000 $. Các khoản chi trên qui định phải có sự đồng ý của Cha chính xứ.
2. Thủ quỹ phải giữ sổ thu-chi cùng hóa đơn hoặc biên lai, phải báo cáo 03 tháng một lần trong cuộc họp BCV GX.
3. Hồ sơ chính yếu về chi tiêu của thủ quĩ gởi cho Thư Quí để vào sổ lưu của Giáo xứ.
4. Trưởng các ban, các giới cũng báo cáo thu-chi. Thời gian báo cáo như thủ quỹ Giáo xứ .
CHƯƠNG X- HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT
Điều 46:
Hội đồng kỷ luật phụ trách việc xét xử về phương diện giáo dân, các vi phạm giáo luật và với tính cách hòa giải các vụ tranh chấp giữa các giáo dân trong Giáo xứ.
Điều 47:
Mục đích cứu các linh hồn, Hội đồng kỷ luật sẽ dùng lời khuyến cáo đẻ giúp người lỗi phạm trở lại sống đạo. Sau nhiều lần hòa giải nhưng đương sự cố chấp, hội đồng có thể đề nghị với Cha chính xứ hình thức xử lý. Có thể đề nghị đương sự không còn thuộc về Giáo xứ. Trong trường hợp này sẽ được trình lên Đức giám mục Giáo phận.
Điều 48: Khi người lỗi phạm chưa đủ 18 tuổi, phụ huynh hoặc người bảo trợ chịu trách nhiệm.
Điều 49: Hội đồng kỷ luật gồm:
1. Ban điều hành Giáo xứ.
2. Trưởng khu xóm của người phạm lỗi.
CHƯƠNG XI – BAN CỐ VẤN
Điều 50:
Ban cố vấn gồm những người có kinh nghiệm, khả năng và đạo đức được mời giúp ý kiến cho Cha chính xứ và BCV GX, và được mời từng trường hợp. Họ được hưởng quyền lợi tinh thần như thành viên BCV GX.
CHƯƠNG XII – HIỆU LỰC CỦA QUI CHẾ
Điều 51:
Bản qui chế này chỉ có thể được sửa đổi nếu được sự đồng ý của 2/3 tổng số thành viên BCV GX.
Điều 52:
Bản qui chế nầy có hiệu lực từ ngày được Đức giám mục Giáo phận duyệt y và chấp thuận bằng văn thư.
Người soạn thảo
Kontum năm 2000
LM GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN
(Nguồn: https://gpkontum.wordpress.com/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét