Kontumquêhươngtôi xin trân trọng giới thiệu tản văn ngắn của Bs. Đào Duy An, trước đây từng học tập, sinh sống và làm việc tại thành phố Kon Tum. Hiện nay Bs. Đào Duy An đang làm việc tại Tp. HCM:
Dao Duy An, MD
Head of 24/24 Inn House Call Doctors & Home Health Care Service (Inn Care),
Nui An Song Tra Company Limited (Inn Co., Ltd), Ho Chi Minh City (formerly Sai Gon),
Viet Nam
Bài viết do tác giả gởi riêng qua thư điện tử.
_________________________________________
Noel năm nào...
Cây Quéo 5/12/2014; Đào Duy An
- “Lạy Cha chúng con ở trên trời, ...” [1]
- Anh có đạo hả? Cô hỏi.
- Không. Anh đang nhớ bạn, nhớ lầm rầm cầu nguyện mỗi bữa
ăn. Anh cũng đọc kinh, cũng làm dấu thánh. Nơi ấy lạ lắm! Dấu chân Thiên Chúa
in từ 1851[2], [3], [4], sớm nhất trên cao nguyên
miền Trung. Tụi anh hồi đó...
“- Bước chân trẻ đâu tự đi mà theo người lớn. Dòng đời tuôn
chảy, người lớn đâu tự quyết mà theo dòng xoáy lịch sử, anh đến với nơi ấy như
vậy. Anh gặp bạn anh như vậy. Anh đọc kinh, anh cầu nguyện, anh quỳ gối trước
mẹ Maria trong hang đá Đức Mẹ Phương Nghĩa thành kính như bạn anh, một con
chiên.”
- Cứ dịp Giáng sinh anh lại nao nao.
Trong ánh nhấp nháy của ngôi sao quán người Công giáo ở Sài
Gòn, đối diện cô mà anh nói như độc thoại.
- Nơi ấy đến bây giờ vẫn đặc sệt không khí Công giáo. Cứ
mỗi dịp Noel là dân bản địa (các tộc người Ba Na, Gia Rai, Giẻ, Xơ Đăng) từ
khắp nơi trong tỉnh lũ lượt kéo về nhà thờ gỗ [5] dự lễ và ăn lễ (vì họ ở lại
tới mấy ngày lận).
- Anh không thích Noel Sài Gòn sao? Cô hỏi.
- Noel Sài Gòn có nét quốc tế còn Noel nơi ấy vẫn đậm chất
bản địa. Cái làm nên hồn nơi ấy là người bản địa và dấu chân Thiên Chúa. Họ là
những người Melanesian, vốn là người Việt cổ, đã sinh sống tại đây trên dưới 40
ngàn năm trước và số ít từ đồng bằng miền Trung lên tự ngàn xưa. Những tượng
nhà mồ, mộ treo vẫn quẩn quất trong lòng phố thị những năm 1987. Người Kinh và
người bản địa xen cư là một điểm nhấn nơi ấy. Anh dẫn giải.
“- Hình ảnh người bản địa cao nguyên này đập vào mắt anh và
ghi mãi là ông già quấn khố, hút ống tẩu và đeo xà gạc leo lên xe hàng (cách
gọi xe chở khách thời 1979) ở An Khê. Người bản địa có mùi đặc trưng, cái mùi
mà sau này vào các làng bản địa ở Sa Thầy anh hít được, cái mùi mà cô bạn đại
học dân bản địa mang theo dù đã hòa quyện vào cộng đồng Việt bao nhiêu năm. Ký
ức dội về anh lại nhớ người bản địa năm nào và càng phục tiền nhân (lưu dân và
các nhà truyền giáo Công giáo) đã dấn thân quy dựng và giáo hóa dân bản địa.”
Ký ức có sức mạnh của nước. Ký ức có lúc róc rách như suối,
lúc cuồn cuộn như sông, lúc phẳng lặng như hồ, khi thét gầm như thác, khi cuốn
phăng như lũ và rồi đôi khi bao la như biển. Ký ức không là gì nhưng lại là tất
cả. Ký ức Noel năm nào lại dội về.
“- Phương Nghĩa ngày ấy xanh lắm. Những vuông vườn tít tắp
và mượt rau. Tiền nhân đã quy hoạch Phương Nghĩa như một làng vườn trong phố
(thời 1937 Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Kinh Chi đã gọi nơi này là thành phố rồi).
Không biết có bao nhiêu gia đình là Công giáo nơi này nhưng duyên đã đẩy đưa tụi
anh hít thở không khí Công giáo gia đình. Bạn thân vào học 12 hình như là để
khuyên rủ đám bạn mình ôm thánh giá vậy. Tụi anh học để thoát hiện tại chứ ít
đứa học để làm người (chương trình giáo dục thế mà). Học thời đó không là cứu
cánh mà là phương tiện. Rồi, mỗi đứa một lối đi: đứa trồng hoa người và hoa
đời; đứa ôm thánh giá trọn đời; đứa chăn dắt trật tự xã hội; đứa phiêu bồng...Đói
cũng là một ký ức. Ngon cũng là một ký ức. Hồi đó, rau sống Phương Nghĩa cuốn bánh
tráng sao mà tuyệt thế, xà lách xanh mượt, cúc tàn ơ giòn tan. Vú sữa Phương
Nghĩa thơm phức. Những đêm khuya đói trèo hái vú sữa ăn tại cây...”
“Từ thượng lưu đến hạ lưu,
những ngôi làng hợp thành Kontum là: Kontum-kepeun và Kontum-kenom, mà phần phía
Tây, gồm người An Nam, được họ gọi là Phuong Nghia; rồi đến những ngôi nhà của
Hội truyền giáo Ba Na đông đảo và con đường chạy qua trước làng Ba Na Rehai
[=Ro Hai] trên làng Deneung đôi chút; cuối cùng đây là Go-Mit, khu dân cư An
Nam, và lùi về phía sau, cách một quãng ngắn là thôn Bahnar, Pl. Tenia; trên bờ
trái, hơi về phía thượng lưu, là làng người An Nam Phương Hòa.” [6]. Mãi sau này
anh mới đọc được những dòng trích trên của tiền nhân viết về nơi anh tự nguyện
đọc theo nhà bạn “Kinh lạy Cha” mỗi bữa ăn.
- “ Anh như nợ nơi ấy: ơn cưu mang của người bản địa. Họ
giữ đất bao đời cho người anh em lên sống; họ bảo tồn gen của người Việt cổ; họ
kém văn minh nhưng rất văn hóa...”
Chuông nhà thờ Ba Chuông lại gióng giã như nhắc lễ, như
giục nợ: nợ dải cao miền Trung.
Bất giác anh ngước lên: sao lấp lánh, Thiên Chúa mỉm
cười...
_____________________________
Bình minh Tòa Giám Mục Kon Tum. Ảnh: Đào Duy An
Sáng. Ảnh: Đào Duy An
Nhà thờ Phương Hòa. Ảnh: Đào Duy An
Marie et le garçon. Ảnh: Đào Duy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét