100 năm ra đời bộ tài liệu quý (BAVH) - Tập san "Những người bạn Cố đô Huế"
BAVH - là các chữ viết tắt của bộ tập san bằng tiếng Pháp với nhan đề: “Bulletin des Amis du Vieux Hué” (Tập san của những người bạn Cố đô Huế). Trước đây tập san này có tên gọi là “Đô thành Hiếu cổ”. Bộ tập san này (sau này người ta gọi là tạp chí) được xuất bản và lưu hành tại Việt Nam và Pháp từ năm 1914 đến năm 1944. Thế là tròn 100 năm ra đời bộ tạp chí danh tiếng này.
Trang bìa một số tập của bộ BAVH.
Người sáng lập và là Tổng biên tập của tạp chí này là Linh mục Léopold Michel Cadière (thường gọi tên Việt là Cố Cả). Tạp chí lúc đầu có trên dưới 10 người gồm cả người Việt và người Pháp đảm nhiệm, về sau thì đông hơn. Số cộng tác viên (CTV) tham gia viết bài ngày càng gia tăng. Tính đến số cuối cùng của bộ tạp chí này thì số CTV lên tới hơn 140 vị, gồm các nhà nghiên cứu Pháp và Việt (trong đó Việt Nam hơn 30 người).
Toàn bộ của tạp chí BAVH này đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục. Thông thường thì mỗi năm tạp chí ra mắt bạn đọc được 4 số riêng biệt (3 tháng 1 số). Nhưng cũng có năm xuất bản ghép vài số thành một tập.
Về hình thức của bộ tạp chí BAVH đơn giản, nhưng rất trang trọng, in ấn rõ ràng. Tờ bìa mỗi tập đều được trang trí hoa văn, tranh ảnh cổ xưa khác nhau. Bên trong tạp chí, các sơ đồ, bản đồ được ghi chú mạch lạc, cẩn thận, các tranh ảnh khá điển hình, nổi bật. Tranh ảnh được trình bày trong BAVH hầu hết đều do các tác giả, nghệ nhân, họa sĩ Việt Nam và Pháp thực hiện.
Về nội dung của BAVH thì rất phong phú, đa dạng các vấn đề về văn hóa nghệ thuật, giáo dục, xã hội, nhân văn, lịch sử, địa lý, dân tộc học, thương mại, môi trường, du lịch...
Trong toàn bộ BAVH có gần 500 bài viết gồm nhiều lĩnh vực và hơn 30 bài tiểu dẫn, chú giải quan trọng. Phần đông các tác giả Pháp và Việt Nam đã dành nhiều thời gian tham khảo, thu thập tư liệu, đi điền dã thực tế rồi nghiên cứu viết bài cho tạp chí. Chẳng hạn như ông Cadière viết được trên 50 bài; ông Orband 30 bài; Coserat hơn 30 bài; Nguyễn Đình Hòe 10 bài; Ưng Trình trên 10 bài…Cũng có những bài mà tác giả là cả Pháp và Việt cùng nhau viết chung như bài: “Liệt kê các miếu thờ tự của Huế” của Sallet và Nguyễn Đình Hòe (số1/1914), như bài: “Việc ban hành những luật lệ mới…” của Orband và Hoàng Yến (số 4/1917), hoặc như bài: “Bia lăng Thiệu Trị” của Laborde và Nguyễn Đôn (số1/1918)...
Đặc biết là ông Cadière là một người Pháp đã sống ở Việt Nam rất lâu (hơn 50 năm, mà chủ yếu là sống ở Huế và Quảng Trị). Cuối đời ông, ông muốn ở lại Huế. Đến năm 1955, ông đã từ trần. Mộ của ông trong nghĩa trang của Đại Chủng viện Huế tại Kim Long.
Linh mục Léopold Michel Cadière.
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng những nguồn thông tin tư liệu đã được đăng tải trong bộ BAVH này phần nhiều là rút ra từ những tư liệu có sẵn trong các sách cổ xưa ở Việt Nam và ở Pháp cùng với những vấn đề đã được khảo sát qua các cổ vật, chứng cứ thu thập được trên thực tế đã làm tăng thêm độ tin cậy cho người đọc. Tuy vậy, cũng có một số tư liệu còn mang tính phỏng đoán, suy luận nên cũng có những mặt hạn chế về tính khách quan, chân thực của chúng. Và điều đó thì cũng là lẽ thường gặp trong một số bài nghiên cứu trước đây cũng như hiện nay. Tất nhiên qua quá trình sử dụng các tài liệu trong bộ BAVH, người ta sẽ tìm thấy được những cái gì có hàm lượng lớn về tính khoa học thì có độ tin cậy và giá trị của nó càng cao.
Chính vì sự phong phú về nội dung của BAVH mà đã hấp dẫn các nhà nghiên cứu ngày nay. Họ luôn luôn gắn bó một cách mật thiết và trân trọng. Thậm chí có nhiều người coi BAVH như một kho tài liệu lớn để khai thác nhiều loại “tài nguyên” của đất nước và con người Việt - Pháp, mặc dù chưa phải là đầy đủ và toàn diện cho lắm.
Đặc biệt, trong toàn bộ tập san này có hơn 50 công trình nghiên cứu về Việt Nam của L.Cadière đã được đăng, trong đó có mấy chục bài nghiên cứu về Huế. Ngoài ra, có một quyển riêng “L’Art a Huế” (nghệ thuật ở Huế). Quyển này đã được tái bản mấy lần với hàng trăm bức ảnh có giá trị nghệ thuật cổ xưa tại Cố đô Huế.
Nội dung tài liệu trong bộ tạp chí này rất quý giá về nhiều lĩnh vực, nhất là về dân tộc học, lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội…Đây là tạp chí khoa học có giá trị nhất của toàn cõi Đông Dương hồi đó. Các thiên khảo cứu vẫn còn mang tính thực tiễn sâu sắc đối với các nhà nghiên cứu ngày xưa và cả ngày nay. Một phần nhỏ của bộ tập san BAVH này đã được dịch ra bằng tiếng Việt (do nhóm dịch thuật tại Huế đã biên dịch) để tiện bề tham khảo nghiên cứu đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm của L.Cadière rất có giá trị cho việc tham khảo nghiên cứu khoa học ngày nay. Chẳng hạn như:
1. Les irrigations en Annam (Những việc thủy lợi ở An Nam) -Léopold Cadière. - Hanoi: L'Avenir du Tonkin, [?]. 4 articles.
2. Le Projet de réforme de l'Instruction en Indochine (Dự Án Cái Cách Học chính tại Đông Dương) Léopold Cadière. - Hanoi: L'Avenir du Tonkin, [?]. 5 articles.
3. Sauvons nos pins (Hãy cứu lấy những cây thông của chúng ta) BAVH p. 437-443;
4. Monuments et souvenirs chams du Quang-Tri et du Thua-Thien (Các công trình và kỷ niệm Chàm của Quảng-Trị và Thừa Thiên) - par L. Cadière. - Hanoi: F. -H. Schneider, 1905. - [10] p.; 27 cm. Extr. de: BEFEO 5 (190(5) 185-195.
5. Les Hautes vallées du Song-Gianh (Các thung lũng miền thượng của Sông Gianh) - par L. Cadière, de la Société des Missions étrangères de Paris, corespondant de l'Ecole française d'Extrême-Orient. - Hanoi: F. - H. Schneider, 1905. - [19] p.; 27 cm. Extr. de: BEFEO 5 (1905) 349-367.
6. Chansons populaires recueillies dans la province de Quang-Binh (Các bài hát dân gian được thu thập trong tỉnh Quảng Bình) par L. Cadière. - Hanoi: IDEO, RI, 1905. - p. 1030-1034.
7. Plantes alimentaires et médicinales du Quang-Binh et du Quang-Tri (Các loài cây dùng làm thực phẩm và thuốc của Quảng Bình và Quảng Trị) -L. Cdière. - Hanoi: Bulletin des Etudes Indochinoises, 1905. - p. 894-896.
8. Les tombeaux royaux de Hué (Các lăng mộ vua chúa ở Huế) -L. Cadière. - Paris: Annales des Missions Étrangères, 1906.- p. 83-92.
9. Le Mur de Dong-Hoi: étude sur l'établissement des Nguyên en Indochine (Lũy thành Đồng Hới: nghiên cứu về sự thành lập của nhà Nguyễn tại Đông Dương )- par L. Cadière. - Hanoi: BEFEO 6/1-2, 1906. - p. 87-254.
10. Textes et documents relatifs à la réforme du quôc-ngu (Văn bản và công trình liên quan đến việc cải cách quốc ngữ). par L. Cadière ; publ. par la Direction générale de l'Instruction publique de l'Indo-Chine. - Hanoi: F. H. Schneider, 1907. - 37 p. ; 28 cm. Tiré à part de l'Avenir du Tonkin 1906.
11. A la recherche des ruines chames (Đi tìm các tàn tích Chàm) -L. Cadière. - Lyon: Les Missions Catholiques, 1906 p.1937-1941.
12. Philosophie populaire annamite: Cosmologie (Triết lý dân gian An Nam: Vũ Trụ Học)- L. Cadière. - St. Gabriel Mödling, Autriche: "Anthropos" (Vienne) ; vol. II (1907) p. 116-127, 955-969, vol. III (1908) p. 248-271. – Hanoi 12: [réimpr. dans Revue Indochinoise] RI, 1909, p. 835-847, 974-989, 1189-1216.
13. Le Culte des Pierres en Annam =(Việc thờ tự đá ở An Nam) -L. Cadière. - Lyon: Les Missions Catholiques, 1911 p. 2209-2218.
14. La colonisation annamite des Terres Rouges du Gio-linh (Việc người Annam khai thác đất đỏ Gio linh), BAVH, p. 207-210.
15. De la nécessité d'établir en Indochine des réserves botaniques, avec protection intégrale (Về sự cần thiết phải lập các khu rừng bảo vệ thực vật ở Đông Dương), L. Cadière. -Hanoi: Taupin, INDO, 1942. - p. 8-9.
Nhà nghiên cứu về Văn hoá, Lịch sử - Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiễm đã viết:
“Trong học giới Việt Nam và thế giới, nhiều người đã từng viết về nhân vật kiệt xuất này, với không biết bao lời tán tụng. Nhưng trong bối cảnh hòa nhập văn hóa Việt Nam hiện nay, con người này vẫn là một tấm gương soi chung cho mọi người thiện chí có tinh thần dân tộc... Hãy sáng suốt và can đảm, đoàn kết, tìm lấy mẫu số chung nhất ở nền tảng văn hóa dân tộc mà khối óc và con tim Cadière đã dầy công tìm tòi và yêu mến”.
Trong bài “Tưởng nhớ nhà Huế học quá cố Léopold Cadière” đăng trong báo Lao Động (số 75/94 4016) ra ngày 23.6.1994, Nguyễn Đắc Xuân đã viết:
“Huế đã được công nhận di sản thế giới. Để có được sự công nhận ấy một thế kỷ qua, nhiều nhà Huế học, nhà văn, nhà nghiên cứu đã đóng góp biết bao công trình để giới thiệu Huế với thế giới. Người được tôn là bậc thầy trong công việc này là Léopold Cadière (...) Duy có “một điều lạ” là không có mấy người biết về cuộc đời Léopold Cadière. Nguyên nhân vì đức khiêm tốn, lúc sinh thời ông cho rằng những gì nói về ông là không cần thiết.”
Cũng chính vì tầm nhìn đa dạng và phong phú về nội dung của bộ tạp chí này mà Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã phối hợp với Thư viện trường Đại học Khoa học Huế (đã được sự cho phép của Bộ trưởng bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam và đại sứ quán Pháp) nên nhân dịp có Đại hội đại diện các nước nói tiếng Pháp được tổ chức ở Hà Nội năm 1997, đã tích cực tạo lập xuất bản được đĩa CD-Rom - phần mềm ứng dụng chứa tài liệu toàn văn của bộ BAVH, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và ngoại quốc tra cứu, tìm kiếm được nhanh chóng để khai thác, vận dụng tài liệu một cách có hiệu quả.
Nguyễn Hồng Trân
------------------------------------------
Ghi chú: Tác giả là GVC trường ĐHKH Huế, chuyên viên Thông tin tư liệu và thư viện. Địa chỉ của giả đã chuyển ra Hà Nội hiện nay là: căn hộ:308,nhà H11,phố Vạn Hạnh, khu Đô thị Việt Hưng,Long Biên, Hà Nội. ĐT: 04.36523043. Mobile: 0939803375.
TÓM TẮT NỘI DUNG BÀI VIẾT
Giới thiệu về bộ tập san BAVH (Những người bạn Cố đô Huế) đã tồn tại từ năm 1914- 1944 ở Việt Nam. Số lượng xuất bản ấn phẩm hàng năm 4 số và tổng số tập đã lưu hành tại Việt Nam là 121 số. Số tác giả Việt và Pháp tham gia nghiên cứu, viết bài cho tập san lên tới hơn 140 người; Tổng số bài được đăng trong tạp chí gần 500 bài. Vài nhận xét về hình thức và nội dung bộ tập san này(về sau gọi là tạp chí) là đa dạng, phong phú về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.Những công trình nghiên cứu,khảo sát, thu thập thể hiện trong bộ tạp chí là cả một kho tài liệu lớn rất hữu ích cho nhiều người muốn quan tâm tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Toàn bộ tài liệu này đã được đưa vào phần mềm ứng dụng dưới dạng CD-Rom làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tham khảo, nghiên cứu. Một số dẫn chứng những bài nghiên cứu trong tập san ấy rất có giá trị, ý nghĩa thiết thực cả thời xưa cho đến nay. Trích dẫn vài ý kiến của một số nhà nghiên cứu đối với vị Tổng biên tập của bộ BAVH.
Ghi chú: Bài này đã đăng trong tạp chí HUẾ XƯA & NAY của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế số 123 (T5-6) năm 2014.
Tác giả Nguyễn Hồng Trần gởi trực tiếp cho WTGP Huế
[Nguồn bài viêt : http://tonggiaophanhue.net/]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét