Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Một Thoáng Nagasaki, Nhật Bản



Kontumquehuongtoi xin giới thiệu bài viết “Một Thoáng Nagasaki, Nhật Bản” của linh mục  Phil. Nguyễn Hữu Tiến, MEP (sinh năm 1954 tại giáo xứ Phương Quý, giáo phận Kontum, Việt nam; vào tu học Tiểu chủng viện Thừa sai Kontum từ niên khóa 1965-1966, thụ phong linh mục ngày 20.06.1999 tại Nhà Nguyện Hội Thừa Sai Paris; đi truyền giáo tại Taiwan 11.04.2000). Bài được đăng tại trang Blog Gp Kontum: http://gpkontum.wordpress.com/2014/07/09/mot-thoang-nagasaki-nhat-ban/#more-17378 :.


Một Thoáng Nagasaki, Nhật Bản

      Ngoài chương trình Thường Huấn hằng năm, các cha Hội Thừa Sai Paris còn có một chương trình huấn luyện khác viết tắt là SAR-MEP (Session  d’Animation missionnaire et de Réflexion). Mục đích là để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo và gặp gỡ Giáo Hội địa phương. Ngoài ra, Hội còn tổ chức những khoá đặc biệt dành cho các cha trẻ chịu chức từ 10 năm trở xuống, chẳng hạn như tháng giêng 2013, Hội đã tổ chức khóa này ở Việt Nam, và có lên thăm giáo phận Kontum. Khi trở về, các cha rất ấn tượng về Giáo Hội Việt Nam nói chung và Giáo Phận Kontum nói riêng, đặc biệt là ĐC Micae Hoàng Đức Oanh, mà hôm nay gặp nhau tại Nhật, các cha vẫn còn nhắc đến ngài.
       Năm nay, khóa SAR-MEP được tổ chức ở Nagasaki, Nhật Bản, từ ngày 26 đến 31/05/2014. Cũng xin nói thêm một chút về khóa này : Ban phụ trách sẽ tìm một chủ đề và một chuyên viên thích hợp, thường là một linh mục, hay có khi là một giáo dân, chẳng hạn như giáo sư người Mỹ Denis Gira, ở Paris. Năm nay, ban phụ trách mời cha Thierry-Marie Courau, OP, trưởng phân khoa thần học ở học viện Công Giáo Paris, hướng dẫn về chủ đề : Dialogue et Proclamation : Mission impossible ? Mỗi cha phải viết một bài về chủ đề này và gửi cho ban phụ trách, để đóng thành tập rồi gửi lại cho mỗi người, làm tài liệu làm việc cho khóa.
       Đến phi trường Fukuoka vào lúc 11:20’ ngày 26.05.2014, sau hơn một giờ bay từ Taipei, chúng tôi được đưa về trung tâm mục vụ Minoshima của  giáo phận Fukuoka do cha Marcel Kauss, MEP phụ trách. Đây là trung tâm dành cho những người lao động nước ngoài, đa số là người Nam Mỹ và những người Nhật cần sự trợ giúp của Giáo Hội.  
       Chúng tôi đi Nagasaki bằng xe lửa. Xe chạy qua những cánh đồng lúa, lớp chín vàng, lớp đã gặt xong, làng mạc Nhật với những ngôi nhà nhỏ, và xa xa là những nơi nuôi trồng thủy sản. Nagasaki là một thành phố biển, nằm phía tây đảo Kyushu, diện tích chừng 400 km2. Khí hậu lúc này vào cuối tháng 5 bắt đầu nóng. Nghe nói nhiệt độ mùa đông ở đây cũng không xuống dưới 0 độ C, còn mùa hè thì trên dưới 28 độ C.
       Dịp này, chúng tôi hân hạnh được ĐC Giuse Takami, PSS, tổng giám mục Nagasaki, đến nói chuyện về tình hình giáo phận của ngài. Chúng tôi cũng được nghe cha Olivier Chegaray, bề trên MEP tại Nhật Bản, trình bày những nét đại cương lịch sử truyền giáo ở Nhật Bản.
       Chúng tôi cũng được hướng dẫn thăm viếng nhà thờ chánh toà Urakami, viện bảo tàng bom nguyên tử, đài tưởng niệm các thánh tử đạo, thăm nhà thờ Oura, thăm nhà thờ Shitsu, nhà thờ Sotome, gặp gỡ các linh mục tại Nagasaki, và đồng tế với ĐTGM Giuse Takami tại nhà thờ giáo xứ Nakamachi.
 Tổng Giáo Phận Nagasaki.
       Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản có 03 giáo tỉnh : Tokyo, Nagasaki và Osaka, gồm 16 giáo phận. Theo thống kê 2012, dân số Nhật Bản là  127.300.000 người, và số giáo dân là 444.441 người (0,34%). Trong khi tỷ  lệ người Công Giáo trong các giáo phận khác là từ 0,1–0,5% dân số, thì tỷ  lệ người Công Giáo ở tổng giáo phận Nagasaki lên đến 4%. Người  ta có  thể  thấy được sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo ở Nagasaki hơn ở những nơi khác, nhưng theo ĐC Giuse Takami, thì điều này không nhất thiết là bằng chứng của một Giáo Hội sống động, cho dù các cộng đoàn Ki Tô hữu ở đây được thừa hưởng gia sản đức tin từ thời thánh Phanxicô Xavie và các thánh tử đạo Nhật Bản.
       Các cuộc bách hại đức tin khủng khiếp từ ba thế kỷ 16-18 đã làm cho Giáo Hội ở đây hầu như không còn vết tích gì nữa. Thời đó, người Công  Giáo chỉ còn giữ đức tin âm thầm trong phạm vi gia đình. Đức tin của họ  rất vững chắc, nhưng vì họ sống khép kín, từ thế hệ này qua thế hệ khác, cho nên con cháu của họ ngày nay cũng không nghĩ đến việc loan báo Tin Mừng.
        Đức cha Giuse Takami còn cho biết từ thập niên 1970-1990, tổng giáo  phận Nagasaki có khoảng 70.000 giáo dân, nhưng hiện nay chỉ còn 61.000 giáo dân (theo thống kê 2012), vì nhiều lý do : sinh xuất thấp, di dân đến các thành phố lớn, ít tân tòng và nhất là thiếu việc loan báo Tin Mừng.
       Trong quá khứ, tổng giáo phận Nagasaki có nhiều ơn gọi và đã cung cấp chủng sinh, linh mục cho các giáo phận khác. Ngoài ra, còn có 01 hồng y và  09 giám mục xuất thân từ tổng giáo phận Nagasaki. Nhưng hiện nay, ơn gọi linh mục và tu sĩ rất ít. Năm 2014, tổng giáo phận Nagasaki có 102 LM Triều và 45 LM Dòng. Như vậy thì Nagasaki thiếu giáo dân chứ không thiếu linh mục… vì tôi vẫn thấy nhiều linh mục trẻ người Nhật ở Nagasaki, trong khi đó ở Đài Loan thì hiện nay hầu như không có đại chủng sinh người Đài Loan. Chỉ có giáo phận Hua Lien là còn có một vài chủng sinh người miền núi, thuộc sắc tộc thiểu số như Amis, Bunun….
       Để chuẩn bị cho việc mừng kỷ niệm 150 năm (1865-2015) ngày cha Bernard Petitjean,MEP gặp lại các giáo dân “thầm lặng” tại nhà thờ Oura, tổng giáo phận đã mở công nghị giáo phận nhằm mục đích tìm kiếm những đường lối mục vụ mới để làm sao từ một tâm trạng khép kín như hiện nay, người giáo dân sẽ sống cởi mở hơn và ý thức việc loan báo Tin Mừng.
 Đài Tưởng Niệm 26 Thánh Tử Đạo Nhật Bản.
       Năm 1549, thánh Phanxicô Xavie đến Nhật và có thể nói Đạo Công Giáo bắt đầu từ đó. Nagasaki được xem như là cái nôi của đạo Công Giáo ở Nhật và thành phố này ngày nay là biểu tượng của Giáo Hội còn tồn tại sau những cuộc bách hại. Năm 1587, các thừa sai ngoại quốc bị truc xuất, đạo Công Giáo bị cấm. Đã có hàng chục ngàn người Công Giáo Nhật phải chịu tử đạo, những người còn sống sót thì âm thầm giữ đức tin. Mười năm sau, cuộc bách hại còn đẫm máu hơn, bắt đầu từ năm 1597 đến năm 1637.
       Tháng 12.1596, 03 tu sĩ Dòng Tên người Nhật, 06 tu sĩ Dòng  Phanxicô  người Tây Ban Nha, 17 giáo dân Nhật trong số này có cả các trẻ em :  Thomas Cozaki(14 tuổi), Antoine(13 tuổi), Louis (12 tuổi, mới được rửa tội), bị bắt ở vùng Kyoto và Osaka. Sau đó, tất cả bị cắt tai trái, cột dính chùm lại với nhau, bị dẫn đi bộ gần 1000 km từ thành phố này đến thành phố khác trong suốt tháng giêng năm 1597, dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, để làm gương cho những người khác nhìn thấy mà không dám theo Đạo. Ngày 05.02.1597, các ngài bị cột treo trên 26 cây thánh giá tại ngọn đồi Nishizaka, gần Nagasaki, bị hành hạ và đâm chết !
       Ngày 14.09.1627, 26 vị tử đạo này được ĐGH Urbanô 8 tôn phong Chân Phước và ngày 08.06.1862, ĐGH Piô IX đã tôn phong các ngài lên bậc Hiển Thánh. Đây là những vị tử đạo đầu tiên của miền Viễn Đông được tôn phong Hiển Thánh.
       Năm 1962, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày phong Hiển Thánh cho 26 vị tử đạo, giáo hội Nhật Bản đã xây trên đồi Nishizaka một đài Tưởng Niệm kính các ngài, một nhà nguyện và một bảo tàng viện lưu giữ các thánh tích tử đạo. Năm 1981, ĐGH Gioan-Phaolô 2 đã viếng thăm Đài Tưởng Niệm này.
image001
       Ngoài 26 thánh tử đạo Nhật Bản nói trên, năm 1867, ĐGH Piô IX cũng đã tôn phong chân phước cho 205 vị tử đạo Nhật Bản.
       Đến năm 1987, ĐGH Gioan-Phaolô 2 đã tôn phong hiển thánh cho 16 vị chân phước Nagasaki, chịu tử đạo từ năm 1633-1637.
       Rồi sáng ngày 24-11-2008, ÐHY Phêrô Shirayanagi, nguyên tổng giám mục Tokyo, đã chủ sự thánh lễ tôn phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản, với sự hiện diện của ĐHY José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đặc sứ của Ðức Thánh Cha Bênêdictô 16, tại vận động trường Nagasaki. Các tân chân phước Nhật Bản đã chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại lần thứ hai, từ năm 1603-1639, trong số này, chỉ có 04 linh mục và 01 tu sĩ, còn lại là 183 giáo dân, có cả trẻ em !
 Nhà Thờ Chính Tòa Urakami (Nagasaki)
       Năm 1865, cha Bermard Petitjean,MEP, biết được hầu hết giáo dân ở Urakami là những tín hữu thầm lặng vì các cuộc bắt đạo nên phải sống ẩn náu từ mấy thế kỷ qua.
       Từ năm 1867 đến năm 1873. Đây là thời kỳ bắt đạo cuối cùng ở Nhật, có 650 giáo dân ở Urakami phải chịu tử đạo, và khoảng 3500 người khác bị buộc phải đi nơi khác. Sau khi dở bỏ lệnh cấm Đạo vào năm 1873, họ mới trở về lại Urakami.
       Năm 1891, Tòa Thánh thiết lập giáo phận Nagasaki, ĐC Jules-Alphonse Cousin, MEP đã ủy thác cho hai cha Francine và cha Regani xây ngôi nhà thờ chính tòa tại Urakami vào năm 1895, và sau 30 năm, công trình xây dựng mới hoàn tất vào năm 1925. Đây là một trong những ngôi nhà thờ lớn nhất Đông Á thời đó, có sức chứa 6000 người, (tương đương với Nhà Thờ Đức Bà Paris), với hai tháp chuông cao 64m.
       Ngày 09.08.1945, trái bom nguyên tử thả xuống thành phố Nagasaki, nổ trên không cách mặt đất khoảng 500m, cách nhà thờ chánh tòa khoảng  650m, đã tàn phá hoàn toàn ngôi nhà thờ này. Vào lúc bom nguyên tử nổ, có hai linh mục đang còn giải tội cho giáo dân ở trong nhà thờ. Tất cả đều chết dưới đống gạch đổ nát.
       Cũng nên nói thêm trái bom nổ ngay trên khu phố Urakami, nơi có đông người công giáo nhất : 12.000 giáo dân thì 8500 người đã chết !
image002

                   Nhà Thờ Chính Tòa Urakami sau ngày 09.08.1945
        Năm 1959, giáo phân Nagasaki xây lại nhà thờ chánh toà ở địa điểm  cũ mặc dù chính quyền thành phố muốn đổi cho một khu đất khác để xây nhà thờ mới, vì họ muốn lưu giữ nguyên trạng ngôi nhà thờ bị tàn phá như một di sản lịch sử. Nhưng giáo dân không bằng lòng, họ muốn xây lại ngôi nhà thờ mới ở địa điểm cũ vì tại nơi đây cha ông của họ đã chết vì đức tin.
image003
                                  Nhà Thờ Chính Tòa Urakami
Cuối cùng, chính quyền thành phố đã nhượng bộ, chỉ xin được chuyển những bức tường, những trụ cột của nhà thờ bị tàn phá đến công viên Hòa Bình cách đó không xa, còn những bức tượng và những đồ vật khác bị hư, kể cả quả chuông của nhà thờ chính tòa được đưa đến bảo tàng viện bom nguyên tử Nagasaki. Chân tháp chuông và một vài ảnh tượng còn để lại tại chổ, và cũng được xếp vào di tích lịch sử cấp quốc gia. Bên trong nhà thờ, còn lưu giữ tượng Đức Mẹ bằng gổ không bị cháy, trong khi đó bàn thờ cũng như các vật dụng khác trong nhà thờ đều bị cháy.
image004
Đến năm 1980, ngôi nhà thờ này được tôn tạo lại cho giống mô hình của ngôi nhà thờ cũ, trước chuyến viếng thăm của ĐGH Gioan-Phaolô 2 vào năm 1981.
 Nhà Thờ Công Giáo Oura.
       Đây là ngôi nhà thờ lâu đời nhất của Nhật, do cha Furet,MEP thiết kế và xây dựng năm 1864, để kính 26 thánh tử đạo Nhật Bản. Nhà thờ được dành riêng cho cộng đoàn người Công Giáo Âu Châu đang sinh sống tại vùng này. Ngày nay, nhà thờ được xếp vào di tích lịch sử cấp quốc gia.
       Gần một tháng sau ngày khánh thành nhà thờ Oura, ngày 17.03.1865, cha Petitjean, MEP nhìn thấy một nhóm khoảng 15 người, gồm đàn ông, đàn bà và cả trẻ em đứng trước cửa nhà thờ. Ngài cảm thấy như có một động lực bên trong thôi thúc ngài đến gặp họ. Họ xin ngài mở cửa nhà thờ. Ngài tiến vào nhà thờ trước họ và quỳ cầu nguyện trước cung thánh. Một người phụ nữ tiến đến gần ngài, tay bà đặt trên ngực, nói thầm với ngài : “Tất cả chúng con ở  đây có cùng một trái tim với cha”.
       Thế là câu chuyện bắt đầu. Ngài nói : “Thật vậy sao ? Các con từ đâu  đến ?”. Người phụ nữ trả lời : “Chúng con đến từ Urakami. Ở Urakami, hầu  hết đều có cùng trái tim như chúng con”. Sau đó bà hỏi ngài : “Thưa cha, tượng Thánh Maria ở đâu ?”. Lúc đó, cha Petitjean không còn nghi ngờ gì nữa, ngài biết họ là hậu duệ của những người Công Giáo thời xa xưa. Ngài đưa họ đến tượng Đức Mẹ. Tất cả quỳ xuống và cầu nguyện. Họ vui mừng thốt lên : “Đúng là Thánh Nữ Đồng Trinh Maria ! Ôi, tay Mẹ bồng Chúa Giêsu, Con Chúa Trời”. Hiện nay, tượng Đức Mẹ này vẫn còn đặt bên bàn thờ phụ trong nhà thờ Oura. (Hình bên dưới).
image005
       Sau đó, cả hai bên đặt ra nhiều câu hỏi về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu và Mẹ Maria để xem có phải cùng một đức tin hay không. Họ nói cho ngài biết về đời sống Kitô hữu của họ : “Chúng con mừng Lễ Chúa Giêsu vào ngày 25.12. Người ta dạy chúng con ngày đó là ngày Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ, rồi Ngài lớn lên trong khó nghèo và năm 33 tuổi, Ngài chết trên Thánh Giá để cứu độ con người. Chúng con đang ở trong mùa “buồn sầu”. Cha có những ngày lễ này không ?”. Cha Petitjean hiểu ngay là mùa chay và trả lời cho họ : “Có, hôm nay là ngày thứ 17 của mùa “buồn sầu”.
       Như vậy những người Công Giáo hậu duệ này đã trung thành giữ vững đức tin của tổ tiên họ trong suốt 235 năm (1630-1865) không có linh mục để dâng Thánh Lễ hay ban các bí tích cho họ, họ vẫn âm thầm giữ đạo. Khi tin này đến Roma, thì ĐGH Piô IX đã nói : “Đây là phép lạ ở Phương Đông !”
       Việc nhóm người này tìm đến nhà thờ Oura là cả một sự nguy hiểm đến tính mạng vì vẫn còn trong thời cấm đạo. Sau đó, cha Petitjean đã tìm cách gặp gỡ những người Công Giáo “thầm lặng” này, để xem bí tích rửa tội của họ có thành sự hay không và nội dung giáo lý đức tin của họ như thế nào, vì họ giữ đạo theo cha truyền con nối, không sách Kinh Thánh, không sách giáo lý. Họ đọc kinh cầu nguyện chung trước những gói đựng thánh giá, ảnh tượng đặt trên bàn thờ Phật. Các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh bằng tiếng Latinh, được đọc thuộc lòng, đọc mà không hiểu, từ đời này sang đời khác, nên sai và không ý nghĩa gì, cuối cùng trở thành những kinh nguyện riêng của họ. Chẳng hạn như kinh Kính Mừng : “Ave Maria, gratia plena, dominus tecum, benedicta… ’’, thì họ đọc: ‘‘Ame Maria, karassa binno domisu terikobintsu… ! Có thể nói “tôn giáo” của họ là sự pha trộn giữa Công Giáo, Phật Giáo và Thần Đạo. Vì vẫn còn trong thời kỳ cấm đạo, nên các linh mục phải tiếp xúc với họ hết sức kín đáo để cho chính quyền Nhật không biết mà trục xuất các ngài.
       Lúc đầu, cha Petitjean và cha Laucaigne có ý định giữ kín cuộc gặp mặt này, nhưng chẳng bao lâu thì nhiều nhóm người Công Giáo ở Urakami và vùng phụ cận Nagasaki đã đến nhà thờ Oura để báo cho hai cha biết hiện đang có nhiều cộng đoàn giáo dân sống ở đây. Theo ước tính thì lúc đó có khoảng chừng 50.000 giáo dân sống trong vùng này. Họ tự lo việc rửa tội và dạy giáo lý cho trẻ em cũng như âm thầm họp nhau cầu nguyện chung ngày chúa nhật.
       Rồi một hôm, có hai giáo dân từ đảo Gôtô đến gặp cha Petitjean, một trong hai người đã nói với ngài là anh ta rất siêng năng lần chuổi kính Đức Mẹ và hỏi ngài : Các thừa sai có biết thủ lãnh “vương quốc” Roma là ai không ? Các thừa sai có kết hôn không ? Cha Petitjean đã trả lời cho họ biết Đức Giáo Hoàng Piô IX và các thừa sai giữ đời sống độc thân. Cả hai người rất vui mừng vì đã gặp được linh mục Công Giáo. Đối với họ, đây là ba dấu hiệu của đức tin Công Giáo : lòng tôn kính Đức Mẹ, sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng La Mã, và luật độc thân của linh mục.
       Mãi đến năm 1866, các cha mới có thể đi đến các làng để thăm viếng giáo dân và gặp gỡ những người phụ trách cộng đoàn để dạy dỗ  và hướng dẫn họ, nhưng các ngài phải đi ban đêm vì sợ chính quyền Nhật. Sau đó, không còn chần chờ gì nữa, các ngài đã nghĩ ngay đến việc đào tạo linh  mục cho tương lai. Lấy lý do cần có người giúp việc nhà thờ, các ngài đã nuôi ba trẻ em để chuẩn bị cho việc đào tạo linh mục. Đây là ba  trẻ em đầu  tiên được rước Thánh Thể.
       Năm 1873, sau khi các lệnh bắt đạo được tháo bỏ, các linh mục thừa sai đã tìm cách để đưa những giáo dân “thầm lặng” này gia nhập lại Giáo Hội và đã có khoảng 30.000 người chấp nhận từ bỏ các cộng đoàn “hầm trú” để trở về với Giáo Hội. Tuy nhiên, thời đó vẫn còn vài chục ngàn người vẫn tiếp tục giữ đạo truyền thống của tổ tiên họ, từ đó họ trở thành Kitô hữu ly khai. Con số này theo thời gian đã giảm sút rất nhiều, vì các thế hệ trẻ đã đi nơi khác để học hành, làm ăn sinh sống, rồi lập gia đình với người các tôn giáo khác nên cũng không còn giữ đạo theo truyền thống tổ tiên họ nữa. Hiện nay, những Kitô hữu ly khai này còn rất ít, họ sống tập trung ở Urakami và quần đảo Gôtô. Trong một tương lai gần, chắc sẽ không còn những giáo dân ly khai này nữa. Năm 1981, khi ĐGH Gioan-Phaolô 2 đến thăm Nagasaki, một số người lãnh đạo các cộng đoàn Kitô hữu ly khai này có đến gặp ngài, nhưng họ vẫn không chịu trở về với Giáo Hội.
 Bảo Tàng Viện Bom Nguyên Tử Nagasaki.
       Bảo tàng này lưu giữ toàn cảnh của khu phố Urakami và thành phố  Nagasaki trước và sau thảm họa nguyên tử. Điều mà có thể ít người biết là  Nagasaki không phải là mục tiêu chính của quả bom nguyên tử thứ hai. Hôm đó, ngày 09 tháng 8 năm 1945, chiếc B.29 cất cánh từ đảo Tinian thuộc quần đảo Mariannes sớm hơn vài giờ để thả quả bom này xuống thành phố kỷ nghệ Kokura, đông-bắc đảo Kyushu. Nhưng bầu trời Kokura lúc đó nhiều mây, và vì không nhìn thấy rõ mục tiêu, nên viên phi công đã quyết định trực chỉ đến mục tiêu “trừ bị”, về phía nam của đảo Kyushu : Nagasaki, thành phố cảng với nhiều xưởng đóng tàu…
       Quả bom đã nổ cách mặt đất khoảng 500 m, tạo ra một đám mây hình nấm khổng lồ cao đến 13 km, ngay trên khu phố Urakami. Với nhiệt độ trên 4000 độ C và sức gió khoảng 800 Km/giờ tại vùng trung tâm, cơn bão lửa đã kéo dài 16 giờ đồng hồ và tạo nên những đám cháy dữ dội trong thành phố nhiều ngày, tàn phá hầu hết nhà cửa, đường sá, đốt cháy cây cối và hủy diệt mọi thứ trong phạm vi 11 km2. Vụ nổ còn tạo ra một khoảng chân không ở trung tâm, có sức hút tất cả những mãnh vỡ, kể cả con người bay lên, sau đó thả rớt xuống đất. Quả bom ở Nagasaki mạnh hơn quả bom ở Hiroshima, nhưng vì địa thế Nagasaki có nhiều ngọn đồi che chở nên sức tàn phá và hủy diệt cũng hạn chế hơn ở Hiroshima. Tội nghiệp cho những nạn nhân còn sống sót, thân thể họ bị bỏng, tóc bị cháy, mắt bị mù, họ thở rất khó khăn vì thiếu oxy trong không khí. Về sau, do bị nhiễm phóng xạ, nhiều người phải chết vì mang các chứng bệnh ung thư, bệnh bạch cầu như trường hợp BS Paul Nagai. Các phụ nữ mang thai đã sinh ra những đứa bé dị tật.
       Bảo tàng viện Nagasaki vẫn còn lưu giữ bối cảnh lịch sử đầu tháng  8/1945, Nhật ở trong tình trạng thất vọng và đã sẳn sàng đầu hàng. Chính phủ Mỹ cũng biết được điều này, nhưng sau khi Nhật bác bỏ các điều kiện của tối hậu thư Postdam, tổng thống Mỹ Harry Truman đã quyết định xử dụng bom nguyên tử chống lại Nhật Bản, để chiến tranh được sớm kết thúc. Sau khi thả hai trái bom nguyên tử, tổng thống Harry Truman nói với dân chúng Mỹ : “… Chúng ta đã xử dụng bom nguyên tử để chống lại những ai  tấn công chúng ta ở Trân Châu Cảng mà không thông báo trước, để chống lại những ai bỏ đói, đánh đập và hành quyết những tù binh chiến tranh người Mỹ, để chống lại những ai từ chối tuân thủ qui luật chiến tranh. Chúng ta đã dùng vũ khí nguyên tử để rút ngắn cuộc chiến, cứu sống hàng trăm ngàn thanh niên Mỹ ’’ .  
       Trong bảo tàng viện, người ta làm lại một quả bom mẫu (hình bên dưới), có kích thước như quả bom đã thả xuống thành phố, với chiều dài  3,25m, đường kính 1,52m và nặng 4500 kg. Đây là bom plutonium còn ở Hiroshima là bom uranium. Cũng nên nói thêm sức tàn phá của trái bom  nguyên tử ở Nagasaki tương đương với 21 ngàn tấn TNT (theo số liệu của bảo tàng viện), được cấu tạo bởi sức nổ (50%), tia nhiệt (35%) và phóng xạ (15%).
image006
 Theo thống kê tháng 12/1945 (số liệu tại bảo tàng viện), Nagasaki  lúc  đó có khoảng 240.000 dân. Ngay phút đầu tiên có 73.884 người chết, và 74.909 người bị thương. Cho đến cuối thế kỷ 20, con số người chết đã lên đến 120.000 người vì bị nhiễm phóng xạ. Ngoài người Nhật, còn có 13.000 người Hàn Quốc, và khoảng 200 tù binh phe Đồng Minh cũng đã chết.
       Chúng ta còn thấy những thứ bị biến dạng, méo mó như đường rầy  xe lửa, 06 vỏ chai bị nóng chảy… Một đồng hồ đeo tay và một chiếc đồng hồ chỉ đúng 11:02’, giờ tiền định của đại họa, cũng như những đồ vật khác… nhiều hình ảnh của thành phố Nagasaki trước và sau ngày 09/08/1945 cũng được lưu giữ tại bảo tàng viện này, đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử.
       Hàng ngày, ngoài các du khách ngoại quốc, còn có nhiều đoàn du khách người Nhật và các em học sinh từ các nơi khác đến tham quan các khu di tích lịch sử như bảo tàng viện nguyên tử, nhà thờ chính tòa, bảo tàng viện tưởng niệm BS Paul Nagai…rồi họ đi đến công viên Hòa Bình để cầu nguyện cho hòa bình. 
image007
Công Viên Hòa Bình Nagasaki
 Veni, vidi, admirari.
       Trừ những trường hợp ngoại lệ, nói chung nhiều người đến thăm hay sinh sống tại “xứ sở mặt trời mọc” đều ngưỡng mộ đất nước và cảm phục người Nhật. Vì là “Một Thoáng Nagasaki”, tôi xin chia sẻ những gì mắt thấy tai nghe khi đến thăm Nagasaki và Fukuoka, có thể không chính xác hay không đúng với những thành phố khác ở Nhật.
   1.Ít thấy cảnh sát trên đường phố ! Người Nhật rất tôn trọng luật lệ giao thông và trật tự công cộng. Khi di chuyển bằng phương tiện công cộng, họ không làm ồn ào, không nói điện thoại, sợ làm phiền người khác.
   2.Những nơi cộng cộng và đường sá rất sạch sẽ, không xả rác bừa bãi. Tôi thấy Đài Loan và Hàn Quốc cũng sạch, nhưng còn thua xa Nhật Bản.
   3.Người Nhật “hình như” không tự tiện lấy cái gì không phải của họ. Tôi thấy nhiều cây ăn trái đầy quả chín, ở công viên, ở hai bên đường đi không hề mất một quả… Máy bán nước ngọt tự động cũng thấy đặt bên lề đường. Một cha người Hòa Lan để quên tiền ngay trên bàn ăn sáng tại khách sạn. Một giờ sau nhớ lại, cha xuống phòng ăn và số tiền vẫn còn đó, dù người ra vào tấp nập.  
image008
Một cây cam bên đường đi
4.Người Nhật làm bất cứ việc gì cũng sếp hàng theo trật tự, dù là mua hàng, lên tầu, xe, hay đi vào quán ăn…, không hề thấy sự xô đẩy chen lấn không thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh giành.
   5.Người Nhật cởi bỏ giày dép khi vào nhà, không phải chỉ nhà riêng mà ngay cả những nơi công cộng như nhà thờ, tòa tổng giám mục Nagasaki, những nhà hàng lớn cũng vậy. Khi vào nhà, phải đổi dép đi trong nhà hay là đi chân không. 
   6.Người Nhật thường im lặng, ít nói trong giao tiếp và ta có cảm tưởng như họ lạnh lùng. Một cha sống ở Nhật lâu năm nói người Nhật coi sự im lặng cũng là một cách lịch sự đối với người khác
       Thế chiến thứ hai kết thúc, nước Nhật đã chiến bại, với muôn vàn khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội. Đất nước hầu như không có tài nguyên thiên nhiên nhưng chỉ 23 năm sau chiến tranh kết thúc, họ đã mau chóng trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới từ năm 1968 đến năm 2010, và hiện nay là cường quốc kinh tế thứ ba trên thế giới. 
         Việt Nam sau năm 1975, lúc đó đang “say men chiến thắng”, nghĩ rằng đã đánh thắng Mỹ rồi thì cái gì cũng làm được nên có người cho rằng “Ta sẽ đuổi kịp Nhật trong vòng 30 năm”. Không biết đến ngày hôm nay Việt Nam còn cần mấy lần 30 năm nữa để có thể theo kịp Nhật ?
      Nhưng quan trọng hơn kinh tế, đó chính là con người Nhật với những đức tính tốt, tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm đã làm cho các nước trên thế giới khâm phục. Những đức tính này chắc chắn không phải là “bẩm sinh” nơi người Nhật, cũng không đến từ một nền giáo dục đạo đức cách mạng, nhưng là nhờ vào một nền giáo dục đạo đức nhân bản từ tuổi thơ ấu trong gia đình đến trường học và xã hội.
       
 Fukuoka, ngày 31.05.2014
Lm. Phil. Nguyễn Hữu Tiến,MEP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét