Cái ‘ao’ văn hoá nghệ thuật phẳng lặng của Việt Nam cứ lâu lâu lại dội lên một đợt ‘sóng trào’ bởi những sự kiện khác thường hay những xì căng đan (scandal). Lần này là chuyện phê phán của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và chuyện hồi đáp của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Tôi sẽ không đi vào đánh giá xem ai người đúng, ai sai trong vụ đó, bởi vì tôi là người ngoại đạo với nghệ thuật. Tuy vậy, từ vụ việc này mà ngẫm nghĩ thì thấy một sự tương đồng giữa môi trường làm văn hoá nghệ thuật với môi trường làm khoa học ở Việt Nam, dường như là sự thiếu hụt nghiêm trọng những chuẩn mực về sự phê phán và tranh luận.
Làm văn hoá nghệ thuật có lẽ chú trọng tới cảm hứng, sự thăng hoa và sự sáng tạo, làm khoa học có thể khuôn khổ hơn, ít cảm hứng hơn, nhưng cũng đòi hỏi sự sáng tạo và đam mê. Tuy vậy, có lẽ điểm chung lớn nhất giữa một môi trường văn hoá nghệ thuật và môi trường khoa học chính là ở chỗ muốn trở nên lành mạnh và phát triển, điều cốt lõi là cần có sự tương phản, sự khác biệt tức cần sự phê phán và tranh luận.
Phê phán rất quan trọng. Nó chính là tấm gương mà ở đó người làm văn hoá nghệ thuật và người làm khoa học soi chiếu, để nhìn nhận lại mình, tự đánh giá và điều chỉnh bản thân mình để tiến bộ hơn nữa. Michel Foucault, nhà triết học và xã hội học lớn của nước Pháp cho rằng, để chăm sóc tốt nhất cho cái tôi và tâm hồn mình (take care of the self), người ta không những cần phải tạo nên mối quan hệ với bản thân mình, trò chuyện với chính tâm hồn mình, mà họ cũng cần phải đặt mình trước sự đánh giá, nhận xét tức sự thách thức của người khác. Và quan trọng hơn tất cả, đối với cả người đi phê phán và người nhận sự phê phán, đó chính là tinh thần tôn trọng chân lý. Tinh thần tôn trọng chân lý chính là việc đặt lên trên hết sự thật, mà muốn làm vậy, người ta luôn phải trung thực với chính bản thân mình và với chân lý, nhưng trớ trêu thay, có quá nhiều lực hấp dẫn để phản bội sự thật. Hành động phê phán với tư cách là một hành động xã hội (social action) cần dựa trên sự duy lý, trong đó người ta luôn tính toán kỹ lưỡng dựa trên chi phí (cost) phải bỏ ra – liệu việc phê phán ‘quá đắt’ không khi mà nó có thể làm phương hại đến mối quan hệ xã hội của mình với người khác, hay ảnh hưởng tới địa vị xã hội của mình (bị đuổi việc, bị mất hợp đồng v.v.) – và lợi ích (benefit) mang lại – lợi ích của sự phê phán mang lại là gì?: sự trung thực với bản thân hay sự công bằng xã hội? – trước khi thực hiện. Như ở Việt Nam ta thường có câu ‘Có lợi thì ta mới làm’ tức là khi những lợi ích của việc làm đó lớn hơn những thiệt hại mà mình bỏ ra.
Hiểu được điều đó mới thấy rằng, văn hoá phê phán ở Việt Nam hầu như còn rất ít, rất hiếm, nếu như không muốn nói là chưa hình thành. Ở môi trường mà con người ta luôn đặt cá nhân và lợi ích của họ lên trước chân lý thì sự phê phán như của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đối với các ca sĩ Việt Nam giống như một hòn đá ném vào ao hồ vốn phẳng lặng mà thôi. Bởi vì ít ai ‘dám’ vượt ra khỏi lực hấp dẫn của lợi ích của bản thân để tôn vinh sự thật. Khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói: ‘”Nếu tôi là một ca sĩ thì lại khác. Còn đằng này tôi là người không dính dáng gì hết trơn” (xemhttp://dantri.com.vn/van-hoa/nhac-sy-nguyen-anh-9-toi-khong-con-tuoi-de-doi-chat-tranh-gianh-771666.htm) thì nó toát lên một ý rằng, liệu những người còn ‘dính dáng’, là ‘ca sĩ’ đang hoạt động thì có đủ dũng cảm để phê phán như vậy – và quan trọng hơn là làm như thế một cách thường xuyên và công khai – hay không? Phê phán và nghe phê phán có vẻ không phải là một thói quen trong giới nghệ thuật (có lẽ của cả khoa học) ở Việt Nam. Giá trị của phê phán cũng đang được đặt dưới lợi ích cá nhân, nơi mà sự lo sợ ‘mũi giáo’ của dư luận xã hội chĩa vào danh tiếng và địa vị bản thân chèn ép sự trung thực đối với chân lý. Sẽ cần có nhiều hơn và thường xuyên hơn những ý kiến phê phán như của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nhưng, cái tiếc là sự phê phán của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại được đặt trong một bài phỏng vấn của một tờ báo lá cải (mà chính người trong cuộc lẫn người cuộc cũng cho rằng vị nhạc sĩ có vẻ bị ‘gài’, và nội dung của bài phỏng vấn cũng được ‘xào nấu’ để tạo sự ‘giật gân’ bởi người viết bài báo) hơn là được đặt ra trong những diễn đàn văn hoá nghệ thuật chính thức hơn, công khai hơn. Sẽ hay hơn khi sự phê phán đó được đặt ra trong diễn đàn thảo luận của một tờ tạp chí phê bình văn hoá nghệ thuật hoặc một chương trình truyền hình hoặc một chương trình sinh hoạt của ban nghệ thuật nào đó, nơi mà mọi vấn đề nghệ thuật và giải trí của giới showbiz Việt cần được mổ xẻ chính thức, thường kỳ và chu đáo hơn. Có nghĩa là, sự phê phán nên được đặt ra một cách công khai, thường xuyên hơn, thay vì xảy ra chỉ như một ‘tai nạn’ hoặc ‘trò chơi’ của truyền thông.
***
Nhưng sự phê phán không phải là một hành động xã hội một chiều, mà là sự tương tác qua lại giữa người đi phê phán và người nhận phê phán. Nghĩa là sự tranh luận. Tranh luận tạo ra sự công bằng về mặt tiếng nói theo nghĩa nó đảm bảo rằng mọi người đều được lên tiếng, phát biểu ý kiến và thể hiện lập trường của mình. Ở đây tôi cho rằng các ca sĩ nhận được phê phán từ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nên có sự phản hồi, tranh luận lại đối với những nhận xét được đưa ra. Tôi không đồng ý với một số ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội hoặc trên các trang blog rằng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là bậc ‘cha chú’, là thế hệ ‘tiền bối’, là người ‘lớn tuổi’, và những ca sĩ khác là bậc ‘con cháu’, ‘hậu bối’, ‘trẻ tuổi’ cần phải lắng nghe và chấp nhận nó là chân lý.
Ở Việt Nam cũng như một số nước Châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản, cấu trúc thứ bậc thể hiện rất rõ trong quan hệ xã hội. Dường như vị thế xã hội cao hơn được xem như ‘gần với’ – thậm chí ‘là’ – chân lý. Tuổi tác là một yếu tố quan trọng trong việc xác lập địa vị xã hội ở Việt Nam. Ví dụ, người lớn tuổi hơn thường ở vị thế cao hơn người ít tuổi. Cấu trúc thức bậc này thể hiện rõ trong cách xưng hô, ví dụ: xưng/gọi ông/bác/chú/cô – xưng/gọi cháu/con. Ngoài ra, sự khác biệt về vai trò xã hội cũng gây ra sự bất bình đẳng, ví dụ trong quan hệ của người thầy – người trò, của bố – con, xếp – nhân viên. Bất bình đẳng ở đây là người có địa vị cao hơn luôn/thường xem mình là đúng, nhưng ít khi công nhận người địa vị thấp hơn là hợp lý, còn người địa vị thấp hơn thường ít khi dám phản lại ý kiến người địa vị cao hơn. Ở môi trường giáo dục Việt Nam, có lẽ ít có sinh viên nào mà dám xưng hô với thầy là ‘tôi’, đặc biệt đối với thầy/cô nhiều tuổi và cũng ít có sinh viên nào dám nói ‘thầy sai’. ‘Tôi’ với tư cách là đại từ xưng hô thể hiện đầy đủ bản sắc cũng như cả trách nhiệm cá nhân, ít khi xuất hiện trong xã hội đặt nặng tính cộng đồng như Việt Nam. Tôi cho rằng chính sự phân tầng trong việc xưng hô và sâu xa hơn, nguồn gốc ứng xử văn hoá giữa các địa vị xã hội, tạo ra sự lệch lạc trong văn hoá tranh luận. Người ta thường đánh đồng sự tôn trọng đối với người lớn tuổi, người có chức vụ, địa vị xã hội cao hơn, đối với sự lắng nghe và chấp nhận chân lý, hoặc xem ý kiến của họ như chân lý. Không, sự tôn trọng chân lý cần được đẩy lên cao hơn sự tôn trọng đối với người lớn tuổi hoặc người có địa vị cao hơn. Aristotle là học trò của Platon, nhưng ông cho rằng: ‘Thầy đã quý, nhưng chân lý còn quý hơn’.
Không phải vấn đề là cổ vũ trò cãi thầy, con cãi cha mẹ, nhưng mỗi cá nhân dù ở vị thế thấp hơn, cũng luôn phải tư duy có tính phản biện, có sự nghi ngờ, có sự khác biệt chứ không phải chăm chăm nghĩ rằng lời thầy cô, cha mẹ là chân lý. Chỉ có tinh thần tôn trọng chân lý được đặt lên số một thì văn hoá nghệ thuật và khoa học nói riêng, và xã hội nói chung mới phát triển được. Theo quy luật ‘tre già măng mọc’, quan điểm của tầng lớp đi trước (và thường có địa vị xã hội cao hơn) thường có sự mâu thuẫn đối với quan điểm của tầng lớp đi sau (và thường có địa vị xã hội thấp hơn). Liệu chân lý luôn thuộc về tầng lớp đi trước thì xã hội có phát triển được chăng? Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam để phát triển văn hoá tranh luận, cần phải đặt tinh thần thượng tôn chân lý lên những chuẩn mực như ‘Tôn sư trọng đạo’, hoặc như ‘Cá không ưa muối cá ươn, Không nghe cha mẹ trăm đường con hư’. Nên nhớ rằng, đặt trên chứ không phải gạt bỏ những chuẩn mực đó; bản sắc tôn trọng người già, người thầy thì nên duy trì vì nó là bản sắc của văn hoá Việt Nam trong so sánh với văn hoá các nước phương Tây, nhưng – một lần nữa cần nhấn mạnh – không thể đặt chúng lên trên được. Cần phải nói rằng, tôn trọng chân lý không có nghĩa là thiếu tôn trọng đối với người tranh luận. Trong tranh luận, người ta nên tôn trọng nhau, chứ không phải là chỉ sự tôn trọng một phía từ người ít tuổi và có địa vị thấp hơn. Tinh thần tôn trọng nhau theo tôi chính là đặt ý kiến của mình hướng tới vấn đề chung, bài toán chung để tìm ra lời giải, chứ không phải là hướng tới người tranh luận khác. Kiểu công kích cá nhân, bôi nho danh dự, chửi bới, lời nói thô tục, hoặc lôi vấn đề giới tính của nhau ra để châm biếm v.v. có lẽ không thuộc về một môi trường văn hoá tranh luận lành mạnh.
Chính vì vậy, tôi lại đồng ý với hành động phản hồi (nội dung tôi không bàn tới) của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đối với các ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Và tôi nghĩ các ca sĩ và nghệ sĩ khác cũng nên lên tiếng thể hiện quan điểm của mình. Lựa chọn im lặng và không phản hồi cũng chẳng khác gì việc không vượt qua được nỗi sợ hãi khi đưa ra lời phê phán. Và không chỉ có những người liên quan đến bài phỏng vấn, những người làm văn hoá nghệ thuật khác cũng phải có trách nhiệm đưa ra ý kiến của mình (ví dụ những ý kiến thế này là rất cần: http://dantri.com.vn/van-hoa/nhac-si-do-hong-quan-cat-van-len-tieng-benh-vuc-nhac-si-nguyen-anh-9-771967.htm).Nếu cứ cho rằng nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là đúng rồi (tôi không bàn sâu về nội dung là đúng hay không, chỉ nói về cách thức tranh luận) mà chấp nhận, thì tôi nghĩ như thế chẳng tạo nên điều gì tốt đẹp cho giới văn hoá nghệ thuật Việt Nam. Quan điểm của cá nhân chưa phải là chân lý, chân lý chỉ tạo ra qua sự tranh luận lành mạnh và nghiêm túc. Ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chưa hẳn là chân lý, ý kiến phản hồi của Đàm Vĩnh Hưng chưa hẳn là chân lý, nhưng quan trọng, những người làm nghệ thuật cần phải tranh luận với nhau, để hiểu nhau hơn và hiểu mình hơn, để đúc rút kết luận và đi đến cái chân lý, cái đó mới tốt cho môi trường văn hoá nghệ thuật. Có lẽ họ – những người làm văn hoá nghệ thuật – nên tranh luận đến cùng về những vấn đề nóng hổi đặt ra trong ý kiến của đôi bên, ví dụ thế nào là nghệ thuật, thế nào là giải trí?; nghệ thuật hay giải trí hay đồng tiền mà mục tiêu tối thượng của ca sĩ?; thế nào là một ‘ca sĩ đúng nghĩa’, ‘ca sĩ hát lót’ và thế nào là ‘người hát’?; các thành tố như cảm xúc, kỹ thuật thanh nhạc, vũ đạo cần được tiết chế như thế nào?; vị trí và vai trò của những giải thưởng âm nhạc – cái định hướng chân giá trị cho các ca sĩ, nghệ sĩ là gì và nên như thế nào? v.v.
Nguyễn Trung Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét