Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

ĐỘC ĐÁO NGHI THỨC CẦU MƯA CỦA CÁC DÂN TỘC ÍT NGƯỜI Ở KON TUM




Với tín ngưỡng đa thần, các dân tộc ở Kon Tum tin vào các đấng siêu nhiên (Yàng). Tâm niệm Yàng là nhân tố quyết định chi phối mọi hoạt động sản xuất cũng như vòng đời sinh trưởng của con người. Vì thế khi hạn hán kéo dài có nghĩa là mùa màng sẽ không được thuận lợi. Các dân tộc nghĩ ngay đến chính họ là người đã vô tình phạm vào điều cấm kị của thần linh và bị Thần quở phạt. Để cầu mong Thần linh tha thứ, họ liền làm lễ cúng. Song việc cúng bái đôi khi không hiệu nghiệm, lúc đó mỗi dân tộc có một cách thức riêng để “chọc tức” cho trời đổ mưa.

Cột gưng, vật nối trung gian giữa con người và thần linh thường được dựng bên cạnh nhà rông trong các dịp lễ lớn của người Tây Nguyên.
Thông thường khi thấy tới niên vụ mà trời chưa cho mưa xuống. Người J’rai, Ba Na, Xê Đăng, Giẻ-Triêng lập tức họp hội đồng già làng để sớm chọn ngày làm lễ cầu đảo. Sau khi biết được ngày giờ làm lễ. Như một thông lệ từ xưa, không ai bảo ai, mỗi gia đình trong làng đều tự động mang đến một ít gạo hoặc ít tiền để góp phần thực hiện lễ cúng. Lễ đơn giản, chỉ cần có một ghè rượu thật ngon và một con gà trống là đủ. Mặc dù không cầu kì, phô trương nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa tâm linh, đã qua bao đời nhưng vẫn còn được giữ gìn nguyên bản, in sâu trong mỗi con người trong cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum. 
Người J’rai: Nhóm được giao nhiệm vụ thực hiện thường là thanh niên và trẻ con. Họ rủ nhau vào rừng kiếm vật lễ. Lễ vật bắt buộc phải có là một con Tắc Kè, một Củ mài và một Cây rừng (xủ xả). Theo như phong tục đã được ấn định trước, khi kiếm được đầy đủ họ mang lễ vật về nhà rông để già làng làm lễ cúng xin Yàngcho mưa xuống. Trong khi đó, nhóm thanh niên sẽ bắt cụ già - người được giao nhiệm vụ chăm sóc và coi giữ nhà rông phải đeo một cái gông rồi lôi ra mương nước. Họ cùng té nước vào ông và cùng kêu cầu choYàng ban mưa xuống. Còn cụ già khom người, lội bì bõm dưới mương, miệng giả tiếng kêu giống con trâu đang gặp mưa lớn…
 
Người Ba Na: Với tín niệm Thần sấm sét là tình nhân của Thần nước, người Ba Na tìm cách “trêu” thần nước để thần sấm sét giận dữ gây nên mưa. Họ lấy nồi đất ở làng ma (nồi đã được chia cho người chết) đem ném xuống suối, sông. Có nơi mạnh mẽ hơn, họ lấy cây nêu dùng trong lễ cúng cầu mưa đem đập xuống nước hay lấy con cá nhỏ đút chặt vào miệng con cá lớn rồi thả xuống nước. Hoặc họ buộc thạch sùng vào đuôi cá rồi thả xuống nước…
 
Người Giẻ-Triêng: Họ cùng nhau ngăn một khúc suối, dùng lá độc vò nát vứt xuống suối như lối thuốc cá cho cá tôm chết nổi lên. Sau đó, họ vớt hết lên nhưng không mang về nhà mà đem trải lên các tảng đá lớn trong suối rồi bỏ mặc đấy, coi như không quan tâm gì đến...
 
Người Xê Đăng: Họ thường đi kiếm tổ chim sẻ còn non chưa thể tự bay, đem nhúng xuống nước hoặc dùng trấu bịt lỗ tổ ong để ong không có cửa vào hay có nơi họ bắt con cóc đem trói chân và cho trẻ con khiêng đi diễu dưới trời nắng…
 
Sau các nghi thức cầu mưa đó, họ cùng nhau về nhà rông để dâng rượu và gà hoặc thịt lên thần linh. Già làng đọc bài cúng, kêu cầu, hứa hẹn trả công thần thật hậu nếu Thần sớm mang mưa về để cây cỏ xanh tươi, thóc lúa đầy kho, bắp đầy chòi, lợn bò sinh sôi nảy nở cho dân làng ấm no và hạnh phúc.
 
Tường Lam
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét