Minh Sơn
Trong buổi “bình minh thơ ca” của Kontum,
những sáng tác sớm nhất có lẽ là thi ca Bahnar dưới hình thức tục ngữ, danh
ngôn (pơtih, tơdrong pơma pơtih), câu đố, bài vè, bài hát… đặt theo lối những
câu ngắn ba bốn chữ, được gieo vần và ngắt câu theo nhịp điệu.
Những thể loại thi ca ấy đã có mặt rất sớm
trong Tạp chí Hlabar Tơbang – tạp chí bằng tiếng Bahnar của Trường Kuênot, ra
số đầu tiên từ năm 1911 tại Kontum.
Thơ
Công giáo trên tạp chí
Đến đầu thập niên 1930, thơ ca Kontum (hay
thơ ca Làng Hồ) mới dần định hình – nghĩa là mới bắt đầu có thơ lưu
hành. Trong khi “thơ Đời” – thơ được sáng tác bởi các tác giả ngoài Công giáo –
chưa thấy xuất hiện nhiều và được ghi chép tản mạn, thì với việc ra đời của Tạp
chí Chức dịch Thơ tín – tạp chí của Hội Chức việc Á thánh Năm Thuông của Địa
phận Kontum, năm 1933, rất nhiều bài thơ Công giáo đã được sáng tác bởi các tác
giả là linh mục, quí ông câu, biện, giáo dân, chủng sinh… lần lượt được đăng
trong tạp chí này.
Tuy là một tờ tạp chí nội bộ của hàng chức
việc, nhưng Chức dịch Thơ tín do linh mục Phaolô Lê Đình Ban
làm chủ bút (từ 1933 đến 11-1937, Cha Simon Nguyễn Thành Thiệt thay thế), dưới
sự chuẩn nhận của Đức Cha Martial Jannin Phước, đã đề ra mục đích, đường hướng
mở rộng, cả về nội dung lẫn đối tượng độc giả:
… Tô điểm văn chương lòng sở nguyện,
Khai đường thánh giáo ý hằng chăm.
Việc đời rao bảo người tri thức,
Lẽ đạo vẽ bày bạn phúc tâm.
(Tặng Thơ tín – Lương ngọc Anh)
Trong tạp chí này có hẳn một mục Văn
Uyển, hầu như số nào cũng có thơ đăng.
Mặc dù là những cây bút “cây nhà lá vườn” với
thiện ý việc đời rao bảo người tri thức/ Lẽ đạo vẽ bày bạn phúc tâm,
nhưng các tác giả thơ “không chuyên” ở đây cũng đã cố gắng cạn lời vàng
ngọc vun trồng, nên những vần thơ đạo Kontum thời kỳ này ngoài giá trị về
nội dung truyền giáo, chúng cũng mang những giá trị nghệ thuật nhất định.
Về thể loại:
Thể loại khá phong phú như thất ngôn, thất
ngôn bát cú, lục bát, ngũ ngôn, vè… Cũng có một số bài được làm theo thể thơ tự
do, hay trong cùng một bài có những cách đặt câu gieo vần theo lối thơ mới.
Nên nhớ phong trào Thơ mới ra đời từ năm 1932
đã chủ trương cách tân về hình thức và cách diễn đạt thơ, tuy vậy cũng chưa ảnh
hưởng nhiều đến những miền quê, vùng miền núi, vùng sâu vùng xa…
Về ngôn ngữ thơ:
Các tác giả góp phần quảng bá và làm trong
sáng vốn tiếng Việt. Tuy vẫn còn nhiều bài theo hình thức cũ, sử dụng từ ngữ
cũ, từ Hán-Việt… nhưng cũng không hiếm những tìm tòi sáng tạo. Hay cách chọn
lọc từ ngữ tinh tế có sức biểu đạt cao như bài Coi cấy bị mưa Nam sau
đây:
Giữa đồng ké né hột mưa rơi,
Bốn mặt non sông cảnh với người.
Tâm sự ngậm ngùi cơn gió hút,
Cỏ cây hớn hở vật vùi chơi.
Hòn rồng núc ních chôn mây bạc,
Ngọn nước tươi nhuần rưới khắp nơi.
Tay Chúa dựng nên trời đất ấy,
Hỏi ông dành để lại cho ai?…
(Con út họ Môn Giang)
Ké né hột mưa rơi, ngậm ngùi cơn gió hút, Hòn
rồng núc ních chôn mây bạc… là những cảm nhận khá
tinh tế, cho ta khám phá vẻ đẹp mờ ảo của núi Hàm Rồng (Gia Lai) trong cơn mưa,
mặc dù chỉ lướt thoáng qua.
Về tác giả:
Bên cạnh một số tác giả là cộng tác viên
thường xuyên của Tạp chí Chức dịch Thơ tín như A. Ngô Đình (bút danh của LM
Antôn Ngô Đình Thận), Xuân Thanh (tức ông Lôrenxô Nguyễn Xuân Thanh
(1915-2008), là ông biện họ đạo Tân Hương, nguyên trước là thầy giáo làng)…
Một số tác giả khác góp mặt với tên đầy đủ
hoặc sử dụng bút danh – họ là người Kontum hoặc cũng có thể là cộng tác viên ở
nơi khác như Lương Ngọc Anh, Cẩm Hương, Paul Thà, Đào Minh Nguyệt, Paul Tân
Bút, Chúc dưng, Thanh Xuân, Con út họ Môn-giang, Nguyễn Hướng, N. Khắc Toàn,
Nguyễn Nhạn Hồng, Nguyễn Khắc Đoàn, L. Sáng Bạch, T. t. Thành…Một đội ngũ người
viết khá dồi dào xuất thân từ tầng lớp có học như linh mục, thầy giáo, công
chức, chức việc, chủng sinh…
Về nội dung
Chỉ riêng thơ ca in trong Tạp chí Chức dịch
Thơ tín từ năm 1934-1939, chúng tôi xin tạm sắp xếp theo B nội dung:
1.
Thơ, vè chúc mừng, chào mừng
Gồm những bài chúc Tết, chúc bổn mạng
Đức Cha, quí cha và cộng đoàn, chúc mừng bổn báo. Có bài được sử dụng kết hợp
với múa chào mừng hay bái lạy. Những câu chúc thường khi vượt ra khỏi ranh giới
của họ đạo, của giáo phận… mang ý nghĩa đại đồng:
… Chúc văn minh hằng tấn bộ,
Chúc phong hóa được cải lương.
Chúc công sĩ, chí nông thương,
Hằng ngày hằng phát đạt.
Khắp cả Đông, Tây, Nam, Bắc,
Mỗi việc mỗi khai quang.
Chúc đạo thánh kíp lán tràn,
Khắp Trung kỳ đặng qui nhứt hướng.
Chúc con dân hằng thạnh vượng,
Dầu bốn bể sánh tợ một nhà.
(Minh niên khánh chúc, Paul Thà)
2.
Thơ ca giáo lý, cầu nguyện, giảng dạy, khuyên răn
Đây là phần chủ lực, gồm những bài thơ diễn
giải giáo lý, nguyện gẫm, lời cha mẹ dạy dỗ khuyên răn con cái, các cha khuyên
bảo quí chức và giáo hữu, thầy khuyên trò, bạn đồng lưu đàm đạo nhắc nhở nhau…
Đề tài phong phú như về đạo làm con, về hôn nhân gia đình, về cách đối nhân xử
thế…
Bài thơ cầu nguyện với Thánh Thể sau đây có
âm điệu lạ lạ nhưng không kém phần trang nghiêm, sốt sắng:
Đức Chúa Giêsu chẳng tiếc chi,
Thiên đàng không nỡ bỏ ra đi,
Lập nên Thánh Thể phương linh nghi
Ở với nhơn dân chốn thảm bi.
Nhà tạm hẹp hòi đền thánh Chúa,
Ngọn đèn lu lít bạn tương tri,
Kể làm sao xiết lòng yêu mến,
Ngày đợi đêm trông chẳng chút ly.
***
Lạy Chúa Ngôi Hai trong Thánh Thể,
Lòng thương trọn tính đành truyền để
Trước dưng phạt tạ Chúa trên trời,
Sau để dưỡng nuôi người dưới thế.
Muôn phước thiêng liêng những rộng ban,
Trăm đường sỉ nhục cùng không kể,
Xin cho kẻ dữ kíp ăn năn,
Giục những kẻ lành siêng chịu lễ.
(Thánh Thể – Antoine X.)
3.
Thơ tự sự, tả cảnh…
Thơ đề tài này rất phong phú, gồm những lời
tâm sự, tâm tình hoài hương, gợi nhắc kỷ niệm, ghi nhận cảm tưởng, miêu tả sự
việc, cảnh vật qua đó rút ra bài học luân lý, những ngẫm ngợi thế thái nhân
tình.
Bao lâu còn cảnh chia lìa phân tán, còn những
cảnh đời éo le đầy thử thách trên bước đường sống đức tin… thì những câu thơ
như dưới đây vẫn khiến lòng ta rung động:
Nhớ người, người có cùng thương nhớ
Cái kiếp ba sinh những lạc lài.
(Nhớ – Xuân Thanh)
Hay lời người anh dặn người em ở trên miền
ngược:
Em ơi! Anh dặn thiết tha,
Đông qua xuân tới, về mà thương xuân.
(Nhớ cảnh – L. Sáng Bạch)
Người anh đã quá tế nhị và rộng lượng, không
ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình: “Về mà thương xuân” nói lên
tình thương nhớ em của người anh thật bao la rộng lớn như đất trời mùa
xuân!
Đặc biệt, bên cạnh những bài viết bằng Việt
ngữ, còn có những bài thơ bằng tiếng Pháp và tiếng Bahnar, được Cha Hồ Ngọc Cẩn
chuyển sang tiếng Việt với các thể thơ bát ngôn và lục bát thật khéo léo và ý
vị, góp thêm vào gia sản thơ Đạo trên miền Kontum (bài Lễ phong chức Đức
Cha Jannin ngày 23-6-1933, in báo Nam Kỳ Địa Phận, số tháng 7-1935).
Có thể nói các tác phẩm thơ Đạo của các thế
hệ tiên hiền ở Kontum, tuy không nhiều và không xuyên suốt qua các thời kỳ,
nhưng cũng chuyên chở được những ý tứ sâu xa và văn phong đầy thi vị, từng là
công cụ chuyển tải nội dung Tin Mừng đến cho các thế hệ con em. Những vần thơ
này thường tự ẩn mình chìm khuất giữa dòng đời, rất dễ bị quên lãng, nhưng kỳ
thực chúng rất đáng được trân trọng, sưu tầm và đọc lại, để hiểu thêm ngày xưa
ông bà ta đã sống đức tin như thế nào.
Tiếc rằng phong trào sáng tác văn học Công
giáo đã không trở thành dòng chảy liên tục, vì đến năm 1940, Tạp chí Chức dịch
Thơ tín do thời cuộc đã không thể tiếp tục sứ mạng, đành chuyển đổi vai trò sau
gần chục năm phụng sự “tô điểm văn chương, khai đường thánh giáo”, và cũng vì
thế mà “Văn Uyển” từ đây vắng bóng những vần thơ, để lại một lỗ hổng trên con
đường phát triển văn học nhà Đạo trên miền Tây Nguyên.
Mãi cho đến những năm gần đây, dòng văn thơ
Công giáo Làng Hồ mới được khơi nguồn tiếp bước qua các cuộc thi sáng tác thơ
văn của Ban Mục vụ Văn hóa Giáo phận Kontum. Từ năm 2015 đến nay đã tổ chức
được 6 cuộc thi Hoa núi rừng, mỗi năm thu hút rất nhiều cây bút trẻ
với hàng trăm tác phẩm văn thơ được chọn in trong tập san Hoa núi rừng I-VI.
MINH SƠN
Nguồn: Đồng Hành
https://donghanhonline.com/dong-tho-cong-giao-lang-ho/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét